30/6/10

QUỐC HOA



Mấy hôm nay bà con bàn tán sôi nổi nên chọn hoa nào làm biểu tượng đất nước, hay ngắn gọn và súc tích hơn: "quốc hoa".

Bàn đến vấn đề này thì rôm rả là phải rồi. Người Việt có câu: "9 người 10 ý". Người Nga có câu: "Nói về sở thích và màu sắc thì đừng mong có đồng minh".

Hoa - đích thị đụng chạm đến hai tiêu chí là sở thích và màu sắc rồi. Chỉ mới có hai thôi mà đã khó khăn. Huống hồ, Bộ Văn - Thể - Du nhà ta đưa ra đến 13 tiêu chí. Không tranh cãi ỏm tỏi thì mới lạ.

Nhiều ý kiến chọn hoa sen. Hoa sen là hình ảnh gần gụi, tượng trưng cho nhiều thứ, được yêu mến ở VN và hình như cũng được "đo ni đóng giày" với bản tiêu chí mà Bộ Văn - Thể - Du đưa ra, ngoại trừ một chuyện, nếu chọn sen thì ta "đụng hàng" với Ấn Độ.

Hoa đào, hoa mai thì "đụng hàng" với Trung Quốc, Đài Loan.

Hoa lúa, hoa tre - những loài hoa không bao giờ được cắm vào lọ hoa trong nhà thì được quá ít người biết đến.

Hoa gạo rất đẹp, nhưng có người lại bảo cây hoa gạo "có ma"?

Hồng, cúc, lan, thược dược, loa kèn... đều đã có người nhận cả. Sao họ khôn và nhanh tay thế không biết!

Có vị nói nên lấy hoa mào gà. Thú thực, tôi không thấy hoa đó đẹp. Hơn nữa, mọi người thử gõ từ "mào gà" để tìm ảnh trong Google xem nó liệt kê ra cái gì?

Phát huy tinh thần ai cũng có thể có ý kiến, thì người ta hoàn toàn có thể đề cử thêm những loại hoa khác mọc trong vườn và quanh nhà như: hoa mười giờ, hoa sim, hoa nhài, hoa rong riềng, hoa mướp...

Nếu có người thích hoa rau muống, thì cũng sẽ có người thấy hoa bèo tây (bèo lục bình) còn đẹp hơn.

Trao đi đổi lại, thấy những loại hoa được người ta đề cử chủ yếu là những loại hoa gắn với người Kinh, chứ không đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam. Tất nhiên không thể cầu toàn, vì mỗi dân tộc lại gắn một quan niệm văn hóa riêng vào loại hoa này hay hoa khác.

Ví dụ: Hoa gạo (hay pơ-lang) đối với đồng bào Tây Nguyên lại không liên quan gì đến ma quỷ hết. Ở Tây Nguyên, chỉ những người con gái đẹp mới được đem so sánh với hoa pơ-lang.

Tự nhiên, nảy sinh ra một vấn đề tốn quá nhiều giấy mực. Thôi thì chọn hoa nào cũng được, vì hoa nào chả đẹp và nếu có mang ý nghĩa nào đó thì cũng là con người gắn cho thôi. Tranh cãi làm gì.

Nhưng đừng chọn hoa nào xấu một cách vô duyên như hoa hồng môn là được.

Riêng tôi ủng hộ ý kiến của blogger Chu Nam Cuong:

"Hoa Ngọc Lan, là một phẩm vật ưu ái của thiên nhiên dành cho xứ khí hậu nhiệt đới, gắn bó lâu đời trong tâm thức người Việt.

Hoa Ngọc Lan có màu trắng ngần khi hàm tiếu, tinh khôi khi tỏa hương.

Hoa Ngọc Lan thơm nồng nàn ngọt ngào khi gần và thoảng sắc len hồn khi xa.

E ấp và khiêm cung trong mượt xanh của lá, nhưng bỗng hé cười tươi vui khi ngọn gió rỡn đùa.

Hoa Ngọc Lan khó thể có quá nhiều tới mức đánh thức thói hư nhàm chán người đời.

Khắp giải đất S, đâu cũng trồng được ngọc lan.

Một túi gấm thêu, nhỏ xinh có vài ba bông Ngọc Lan là món quà thơm ngát hương Việt chắc rất thích thú cho khách nước ngoài.

Vậy thì chần chừ chi nửa mà hôn chọn Ngọc Lan là quốc hoa, bạn ơi?"



BONUS: Hương Ngọc Lan (Anh Quân - Mỹ Linh)


free hit counters
free hit counters

29/6/10

KHÚC QUANH



Lâu mới gặp lại một đồng nghiệp già. Về hưu, anh đâm khỏe ra. Làm chuyên gia, đi du ngoạn còn nhiều hơn thời làm lãnh đạo báo chí, suốt ngày phải ở nhà canh gôn.

Anh kể vừa mới đi một tỉnh, thế nào mà tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh, một vị béo tốt phương phi trông thấy anh, nhảy bổ đến vồ lấy tay anh lắc lấy lắc để, miệng hỏi dồn dập: “Ối giời ơi, sao lại gặp ông anh ở đây thế này? Ông anh có nhớ em không?”

Anh lục lọi trí nhớ và quyết không nhớ người đàn ông béo tốt, mặt ngồn ngộn những thịt này là ai. Người đàn ông rối rít: “Em đây, Thịnh mỡ đây!”

Anh vỗ tay vào trán: “À, cậu Thịnh mỡ, cán bộ thú y. Ngày xưa gầy gò, đẹp trai lắm cơ mà?”

Người đàn ông reo lên: “Vâng, em đây. Bác gặp em từ gần 30 năm trước, hồi em mới ngoài 20. Giờ em đã ngũ tuần rồi còn gì”!

Đến lượt anh ngạc nhiên: “Thế cậu làm gì ở đây?”

Người đàn ông hả hê khoe: “Em giờ làm giám đốc sở, hôm nay em là diễn giả chính, báo cáo cho các bác tình hình tỉnh nhà đây”.

Đúng lúc ấy thì chuông réo, báo hiệu cuộc họp bắt đầu. Người đàn ông tất tả chạy lên diễn đàn, đeo kính, lấy tập báo cáo ra và bắt đầu diễn thuyết. Anh ta chém gió, lúc ngửa người ra phía sau, lúc chồm người lên phía trước, lúc hùng hồn, lúc thủ thỉ, lúc trừng mắt bức xúc, lúc nhăn mặt đau đớn trước vấn nạn không bị đẩy lùi.

Bài phát biểu chả có gì mới. Toàn những điều mà ai cũng biết. Nhưng người phát biểu thì khá ấn tượng.

Anh nhớ lại chàng trai gầy gò mà anh đã gặp cách đây gần 30 năm. Cậu ta mới tốt nghiệp trung cấp thú y và được phân công về một xã vùng cao đèo heo hút gió. Cậu ta có giọng hát khá hay, lại tỏ ra bặt thiệp và hồ hởi khi gặp nhà báo từ trung ương về. Cậu ta trao đổi với anh về nhiệm vụ của thanh niên, về tinh thần làm chủ tập thể, về xây dựng con người mới – tóm lại là một mớ lý thuyết mà thời đó đoàn viên nào cũng phải biết. Và cũng chẳng lạ gì khi cậu trao đổi những điều đó với nhà báo.

Anh không thích những lời giáo điều từ miệng một anh chàng đang bám trụ ở một nơi khỉ ho cò gáy này. Anh muốn cậu kể cho anh nghe công việc của anh cán bộ thú y ở cái xã “rừng núi âm u thầy bu kính mến”, nhưng cậu ta cho biết cũng chẳng có nhiều việc để làm.

Khi anh hỏi: “Cậu định giam mình ở nơi rừng rú này sao? Có mơ ước gì không?”. Chàng trai gãi đầu: “Nói bác đừng cười. Em chỉ có mỗi một mơ ước là được vào văn công tỉnh”. Nghe thế, anh cụt hứng. Một thằng đàn ông trẻ trung, sức dài vai rộng, mà lại thích đi làm văn công. Thật chả ra làm sao!

Nhưng sự đời hóa ra lại biến động thật khôn lường. Sau gần ba thập niên, hàng trung cấp thú y muốn làm văn công giờ đây đã trở thành quan chức hàng tỉnh, đang khua môi múa mép trên diễn đàn. Anh giật mình: Sao một thằng cha tầm thường thế lại có thể trở thành giám đốc sở được nhỉ?

Nhưng rồi anh ngẫm ra: cũng phải thôi, cứ nhai đi nhai lại mớ lý thuyết giáo điều thì làm gì chẳng có lúc cậu ta được phát lộ, được bồi dưỡng, rồi được nâng đỡ, được cất nhắc. Để rồi hôm nay trở thành một ông giám đốc sở đang nói những lời của ai đó. Hóa ra cũng chỉ là một loại kịch sĩ. Đúng như ước mơ của anh ta năm nào.


28/6/10

NỖI LO ĐƯỢC MÙA COCA



Bốn năm liên tiếp được mùa coca ở Peru khiến người ta thực sự lo ngại rằng đất nước này sắp đuổi kịp người bạn láng giềng Colombia về diện tích canh tác cây coca. Báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố ngày 22.6 cho thấy diện tích trồng coca ở Colombia giảm 16%, trong khi ở Peru lại tăng 6,8%.

Colombia, Peru và Bolivia là ba nước trồng coca nhiều nhất thế giới. Theo báo cáo của LHQ, tổng diện tích trồng coca ở ba nước này giảm 5.3% trong năm 2009. Sở dĩ có con số này là nhờ vào mức giảm mạnh ở Colombia, bởi tại Bolivia diện tích trồng coca vẫn tăng 1%. Tổng diện tích trồng coca ở từng nước là: 59 nghìn hécta tại Peru, 69 nghìn hécta tại Colombia và 30,9 nghìn hécta tại Bolivia.

Bản báo cáo “Tổng quan về canh tác coca và chế biến cocaine” của Cơ quan chống ma tuý và ngành tình báo Mỹ năm 1993 cho hay Peru có cả diện tích trồng coca hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Những người nông dân trồng caca hợp pháp phải đăng ký với Cơ quan độc quyền coca quốc gia (ENACO). ENACO mua và bán lá coca cho các đại lý để bán lại phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước như nhai hay pha thành trà, hoặc xuất khấu để sản xuất hương liệu nước giải khát và dược phẩm. Peru có khoảng 18 nghìn hécta coca hợp pháp, chủ yếu tại vùng Cuzco.

Diện tích canh tác coca bất hợp pháp chủ yếu ở Thung lũng Thượng Huallaga ở miền bắc Peru và một số khu vực thuộc các địa phương San Martin, Huanuco và Ucayali. Ở độ cao 595 - 792m so với mặt nước biển, Thung lũng Thượng Huallaga là khu vực nhiệt đới, khí hậu ôn hoà, nhiệt độ trung bình năm 13 độ C, lượng mưa trung bình 4000mm/năm, đất giàu sắt - nguyên tố thích hợp để cây coca phát triển.


Trồng coca là một tập tục canh tác truyền thống của người Peru có từ đế chế Andean Inca (thế kỷ XII). Người Inca sử dụng coca vào các mục đích tôn giáo và y tế. Cho đến nay, một bộ phận người Peru vẫn coi thói quen nhai lá coca như một giá trị văn hoá truyền thống.

Điều đáng lo ngại là diện tích trồng coca tại Peru tăng gần gấp đôi trong vòng một thập niên qua. Ông Romulo Pizarro, Giám đốc Cơ quan chống ma tuý của Peru, tỏ ra thất vọng về sự tăng trưởng mạnh này mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc chặt phá cây cacao và những chương trình phát triển thay thế. “Những kẻ buôn lậu ma tuý không khoanh tay ngồi nhìn. Nhu cầu trên toàn thế giới tăng” – ông Pizarro nhận xét.

Thời gian gần đây, tàn quân của phong trào phiến quân Con đường Sáng (đã từng khủng bố Peru trong thập niên 1980-1990) tham gia ngày một nhiều vào việc buôn lậu cocaine. Không những thế, các băng buôn lậu ma tuý của Colombia và Mexico cũng coi Peru là địa bàn mở rộng phạm vi hoạt động vì việc thực thi pháp luật ở đây khá lỏng lẻo. Ông Aldo Lale-Demoz, Giám đốc Văn phòng chống ma tuý của LHQ tại Colombia, phát biểu trước báo giới tại Bogota ngày 22.6 rằng việc giảm diện tích canh tác coca ở Colombia có nghĩa là có thể “chuyển giao, lặp lại và nhân rộng những nỗ lực triệt phá cây coca sang những nước khác”.


Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng những con số nêu trong báo cáo của LHQ cho thấy cuộc chiến tranh chống ma tuý hơn ba thập niên qua mà chính quyền Washington thực thi ở khu vực Mỹ Latinh nhằm xoá bỏ cây coca đã thất bại, tiêu tốn hàng tỉ đôla.

“Bức tranh chung mà chúng ta hiện có đó là sự ổn định về tổng sản lượng coca trên toàn bộ khu vực Andes (rặng núi chạy dọc sườn phía tây của Nam Mỹ). Nếu theo dõi kỹ trong 20 năm qua, sản lượng coca duy trì tương đối ổn định” - bà Coletta Youngers, nghiên cứu sinh cao cấp của Văn phòng Washington về Mỹ Latinh tại thủ đô Hoa Kỳ, nhận xét. Theo bà Youngers, lực lượng chống ma tuý tại Peru được trang bị nghèo nàn, huấn luyện sơ sài.

Vấn đề lớn nhất ngăn cản những nỗ lực chống ma tuý là nạn tham nhũng ở cả cấp quốc gia lẫn cấp địa phương. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama chú trọng nhiều hơn đến việc khuyến khích nông dân Mỹ Latinh loại bỏ coca, chuyển sang trồng cocoa và sắn.

Colombia mỗi năm nhận được nửa tỉ đôla viện trợ của Mỹ đã tập trung đánh mạnh vào nạn tham nhũng trong cảnh sát và dành nhiều nguồn lực để chống ma tuý. Đây là nước duy nhất trong số 3 quốc gia sản xuất coca áp dụng hình thức phun thuốc diệt cỏ đối với cây coca từ trên không.

Nguồn:
Mỹ Latinh và nỗi lo được mùa coca - LAO ĐỘNG



27/6/10

NGÀY LẠNH Ở MIỀN ĐÔNG



Ấy là một ngày mùa xuân giá rét cách đây hai năm. Lâu lắm rồi đất Bắc mới có một trận rét kéo dài và nhiệt độ xuống thấp đến như vậy. Người ta bảo đó là trận rét thế kỷ.

Anh đưa cô con gái vừa tốt nghiệp đại học lên cái huyện miền núi hiu hắt nằm giữa đường từ Hòn Gai đi Móng Cái. Con đường miền đông cô lẻ trong những chuyến đi công tác khắp những bản làng ở đây dường như vui hơn, ấm áp hơn nhờ bóng áo màu rực rỡ của cô gái trẻ trong xe.

Anh thuộc mảnh đất này. Cứ mỗi lần đến đây, anh lại khai phá được một điều gì đó mới mẻ. Khi thì anh thấy màu "vàng man dã", "bắp chân đỏ tía búp chuối rừng", "mưa tía hoa đào", lúc lại bị hút hồn bởi những "cặp mắt dài đuôi lau" dưới vành khăn Soóng Cọ của các cô gái Sán Chỉ.

Chỉ cần nhắm mắt lại là những hình ảnh ấy lại tràn ngập trong đầu.

Con gái anh đã nghe anh kể nhiều lần về lễ hội hát Soóng Cọ và rất háo hức muốn tận mắt chứng kiến một lần. Nay mai, cô lấy chồng, theo chồng sinh sống ở Hà Nội, và chắc sẽ khó có dịp được tận tai nghe những làn điệu Soóng Cọ mộc mạc và dân dã trước khi nó bị văn minh giết chết.

Nhưng trời đã không thương cô. Khi xe đi đến Tiên Yên thì hay tin, đoạn đường đến Bình Liêu bị tắc và không có cách nào để đến được nơi lễ hội đang diễn ra. Con đường này là thế, chỉ cần một tai nạn giao thông, hoặc một sự cố gì đó kiểu như xe chết máy nằm ngang đường thì sẽ tạo vài chục cây số xe nằm nối đuôi nhau, có khi phải nửa ngày mới thông xe được.

Họ rẽ vào một bản người Dao ven đường. Bản nghèo, tê tái trong những lằn roi lạnh buốt của gió núi. Một căn nhà tranh vách đất đứng co ro dưới chân đồi. Anh cất tiếng gọi, một người đàn bà Dao gầy gò ngoài 40 tuổi, gương mặt đen đúa khắc khổ, vết chân chim lộ đầy nơi khóe mắt bước ra.

- Chị có trà nóng không? Có thể bán cho chúng tôi bát trà nóng không?

Người đàn bà lặng lẽ đi nhóm lửa, đun nước và pha trà trong một cái ấm cóc cáy.

Anh và cô con gái đón bát trà nóng hổi vừa thổi vừa uống. Anh hỏi người đàn bà: "Chị tên gì? Chồng con đi đâu cả mà vắng tanh thế này?"

Người đàn bà xưng tên là Tằng Nhịt Múi, góa chồng lâu rồi, ở với ba đứa con trai. Chồng chết trong một lần đi bắt cá gặp lũ. Bốn mẹ con lần hồi nuôi nhau. Khổ lắm. Cơm không đủ mà ăn. Áo ấm không có mà mặc. Mấy đứa con trai đang lên rừng tìm xem có thứ gì ăn được không.

Anh nhìn người đàn bà Dao mà ái ngại. Bộ trang phục Dao cũ kỹ của chị không đủ ấm. Đôi chân trần nứt nẻ đen đúa di di dưới nền nhà đất trong cái giá lạnh ghê người.

Anh lấy cớ đi ra ngoài, vòng xuống bếp. Căn bếp tềnh toàng chỉ có một cái nồi đặt trên ba viên gạch chụm lại. Anh mở nồi và nhìn thấy những củ khoai lang, có lẽ được luộc từ sáng sớm, giờ đã nguội tanh nguội ngắt. Củ to nhất bằng ngón chân cái, các củ còn lại sàn sàn như những viên thuốc tễ.

Quay trở lại căn nhà, anh và con gái dốc gần hết số tiền mà họ mang theo, đưa cho người đàn bà Dao. Anh nói: "Chị cầm lấy mua gạo cho các cháu. Mấy đứa con trai đang tuổi ăn tuổi lớn. Ăn mấy củ khoai lang bé tí thế kia thì lớn thế nào được".

Chị ngỡ ngàng rồi rưng rưng nước mắt cầm lấy.

Anh hỏi: "Nếu có một điều ước thì chị muốn gì?"

Người phụ nữ Dao thật thà: "Chỉ ước có được con trâu thôi"!

Anh nhìn quanh. Đồi núi trập trùng, chẳng thấy bóng ruộng đồng ở đâu. Có trâu thì ích lợi gì? Anh bảo: "Tôi sẽ tặng chị một con bê nhé?"

Người đàn bà gật đầu, không nói gì.

Đấy là thôn Đốc Phẹ, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên. Tằng Nhịt Múi, cái tên nghe trúc trắc và khó nhớ, nhưng nếu dịch nghĩa sang tiếng Việt, thì lại được cái tên đẹp bất ngờ: Đặng Diệp Mai.

Về đến Hòn Gai, anh gọi ông bạn thân đến kể lại câu chuyện của Tằng Nhịt Múi. Bạn anh nói: "Tặng một con bê thì chẳng nghĩa lý gì. Tôi với ông tặng chị ấy một đôi bê đi. Cả bê đực lẫn bê cái. Mấy mẹ con họ nuôi, sau này có sữa bò, lại có thêm bê. Như thế tốt hơn".

Mấy hôm sau họ lên tận xã Thượng Yên Công dưới chân núi Yên Tử mua một cặp bê đẹp như trong tranh. Hai người thuê một chiếc xe tải chở đôi bê lên Tiên Yên. Tằng Nhịt Múi và ba đứa con trai không thể tin được người đàn ông ghé vào mua bát nước trà đã cho họ tiền mua gạo còn quay lại để thực hiện lời hứa của mình.

Anh bảo: "Chị nuôi đôi bê này nhé. Bao giờ chúng sinh ra bê mới, thì báo tin cho chúng tôi. Lúc đó chúng tôi sẽ xây lại cho mẹ con chị ngôi nhà này".

Người đàn bà Dao đưa bàn tay gầy guộc lau những giọt nước mắt và lặng lẽ gật đầu...

Trên đường về, bạn anh nói đùa: "Này, ngày mai ông với tôi quay lại Đốc Phẹ, có khi thấy bà Múi ngả thịt hai con bê đem bán cũng nên"...

...Mấy hôm trước, một cán bộ xã Phong Dụ liên lạc cho anh báo tin mừng: Cặp bê của Tằng Nhịt Múi mà anh tặng hai năm trước đã sinh hạ một chú bê con.

Anh cũng mừng lắm. Anh gọi điện cho tôi: "Tôi sẽ đi xây nhà cho bốn mẹ con Tằng Nhịt Múi. Cậu cũng tham gia nhé. Xây một căn nhà ở đó chẳng tốn kém lắm đâu. Mình tôi cũng lo được, nhưng tôi muốn cậu tham gia. Tằng Nhịt Múi rất đáng được giúp đỡ. Đúng không nào?"

- Vâng, đương nhiên em sẽ tham gia. - tôi đáp. - Em sẽ kể lại câu chuyện này trên blog, để những người biết anh vẫn đọc thơ anh cũng biết và tham gia giúp đỡ chị Múi.

- Thế thì tốt quá. Như vậy thì mấy đứa con trai của Tằng Nhịt Múi chắc chắn sẽ có cuộc sống khác.

Ảnh: Một phụ nữ Dao đỏ (Ảnh minh họa, không liên quan đến bài viết)

THAM KHẢO:
CÁC TÁC PHẨM CỦA NGÔ MAI PHONG


25/6/10

HƠN CẢ TÌNH YÊU



Messenger của tôi được buzz. Người muốn nói chuyện là nhân vật trong loạt bài “Đứng trước một quyết định”. Cô đã kết hôn với người đàn ông Australia và đưa con theo chồng sang đó.

Cô thông báo với tôi mọi chuyện đã được thu xếp ổn thỏa. Con cô đã đi học. Nó học hơi chật vật, nhưng một tổ chức thiện nguyện giúp đỡ người mới nhập cư đã cử người đến giúp nó giải quyết các vấn đề ở trường và hòa nhập với môi trường mới.

Trò chuyện một lát, cô nói: “Chồng em muốn nói chuyện với anh”.

- Chào Cường!

- Chào Anthony, anh khỏe không?

- Tôi khỏe lắm. Tôi rất hạnh phúc vì đã kết hôn với người phụ nữ xinh đẹp nhất Hà Nội. Lễ cưới ở Úc diễn ra ngày 16 tháng trước.

- Chúc mừng anh.

- Chúng tôi đang bận rộn vì phải làm nốt thủ tục ở giai đoạn cuối để cô ấy có thể ở lại Úc.

- Lẽ ra anh phải cưới cô ấy từ trước mới phải.

- Vâng, tôi ước là tôi được gặp cô ấy từ 10 năm trước...

- Muộn còn hơn không...

- Đúng thế. Thỉnh thoảng cô ấy có hơi buồn vì nhớ nhà. Nhưng nhìn chung là đã ổn định cuộc sống ở đây rồi, đã đi làm rồi.

- Làm gì vậy anh?

- Cô ấy làm phụ bếp trong nhà hàng của anh bạn thân người Việt Nam của tôi.

- Cô ấy hạnh phúc với cuộc sống mới chứ?

- Vâng. Cô ấy thích nước Úc. Cô ấy tự trồng rau trong vườn. Chúng tôi có thể ăn rau sạch. Cô ấy cũng dễ dàng trong việc mua đồ ăn Châu Á, giống như ở Việt Nam.

- Tôi mừng cho cô ấy. Anh cũng biết là cô ấy đã có một cuộc sống khó khăn. Tôi tin là cô ấy xứng đáng được hưởng một cuộc sống tốt hơn.

- Tôi quyết tâm tạo dựng cho cô ấy một cuộc sống tốt như cô ấy đáng được hưởng và “làm hư” cô ấy bất cứ khi nào tôi có thể.

- Haha, “làm hư”... Anh nói hay quá.

- Bởi vì tôi yêu cô ấy mà. Yêu rất nhiều.

- Cô ấy là người dễ mến. Và thông minh nữa. Tiếc là hồi trẻ cô ấy quá nghèo nên không có cơ hội học hành.

- Tôi biết. Tôi đã khám phá ra tài năng của cô ấy. Trong vòng 10 phút cô ấy có thể biến một cái áo của tôi thành quần cho con trai anh bạn người Việt.

- À, trước đây cô ấy đã từng làm công nhân ở một nhà máy may.

- Đúng rồi, làm công nhân may 2 năm ở Sài Gòn. Cô ấy học tiếng Anh cũng khá nhanh. Tôi nghĩ là lần tới khi về Việt Nam, cô ấy sẽ cho anh thấy cô ấy thông thạo tiếng Anh như thế nào. Khi xong giấy tờ, chúng tôi sẽ thường xuyên về thăm Việt Nam. Tôi rất thích đại gia đình bên đó.

- Hai người có định sinh thêm con không?

- Có, cá nhân tôi rất muốn đấy. Nhưng hơi khó. Anh biết không, cô ấy đã giúp tôi thoát chết sau khi được chẩn đoán là bị ung thư tiền liệt tuyến. Nếu không có cô ấy thì tôi đã không có ngày hôm nay.

- Anh bị chẩn đoán ung thư khi nào? Hôm Tết tôi còn thấy anh khỏe mạnh mà?

- Từ trước đó. Sau khi tôi sang Việt Nam thăm cô ấy lần trước, tôi quyết định sẽ kết hôn với cô ấy. Vì thế nên tôi đi khám sức khỏe tổng thể. Và nhờ đó mà các bác sĩ phát hiện ra nguy cơ tôi bị ung thư tiền liệt tuyến. Nếu cô ấy không xuất hiện trong cuộc đời tôi, thì có lẽ tôi đã chẳng phát hiện ra nguy cơ ấy và không kịp thời điều trị. Tôi nói thế để anh thấy cô ấy có ý nghĩa to lớn như thế nào trong cuộc đời tôi. Tôi nợ ơn cứu mạng của cô ấy và tôi sẽ làm mọi điều có thể để cuộc sống của cô ấy được tốt đẹp.

Bài liên quan:
1. ĐỨNG TRƯỚC MỘT QUYẾT ĐỊNH
2. TRỞ LẠI VỚI "ĐỨNG TRƯỚC MỘT QUYẾT ĐỊNH"
3. LẠI TRỞ LẠI "ĐỨNG TRƯỚC MỘT QUYẾT ĐỊNH"
4. KẾT CÓ HẬU



24/6/10

TÔI ĐI CHẤM THI



Mấy năm đi dạy đại học, không phải đi chấm thi tập trung bao giờ. Những năm trước, việc tổ chức thi cử - chấm thi giao cho khoa, mà các thầy cô ở khoa biết rõ là các giảng viên thỉnh giảng bao giờ cũng bận rộn, nên thường linh động cho người cầm bài thi đã rọc phách đến tận cơ quan. Chấm xong, vào điểm, gọi một cú điện thoại là có người đến lấy bài trả lại cho khoa.

Nhưng từ năm nay, Phòng đào tạo của trường trực tiếp phụ trách thi cử, nên mọi chuyện đi vào quy lát. Sinh viên thi xong, tôi nhận được email thông báo thời gian, địa điểm chấm thi và người phụ trách việc này để có chuyện gì thì trực tiếp thương thảo lại. Ngày mà Phòng đào tạo hẹn lại đúng vào hôm tôi bận, nên phải gọi điện lại để thu xếp thời gian khác.

Người phụ nữ nghe điện trả lời giọng ngọt ngào: "Vâng, thưa thầy, thầy đến vào ngày hôm sau cũng được ạ".

Y hẹn, từ đầu giờ sáng tôi đã có mặt ở Phòng đào tạo tại tầng 6. Người phụ nữ mà tôi cần tìm ngồi ở một góc phòng. Chị đang bận rộn với các phong bì đựng bài thi khác nhau, mải miết phân loại và điền những form gì đó. Nghe tôi tự giới thiệu, chị tươi cười: "Vâng, mời thầy ra bàn kia ngồi uống nước, đợi em một lát".

Người phụ nữ cũng phải tầm U40, tức kém tôi vài tuổi. Chẳng có cớ gì mà chị phải gọi tôi bằng "thầy", xưng "em" như thế cả!

5 phút sau, chị xong công việc dở dang, lấy từ trong tủ ra hai phong bì to màu nâu chứa 97 bài thi mà tôi phải chấm. Chị gọi tôi: "Mời thầy ra ký nhận bài thi ạ". Tôi ký, chị trao bài thi và nói tiếp bằng giọng lễ phép y như vậy: "Mời thầy lên phòng 703 tầng 7 chấm bài. Các thầy cô khác đang chấm ở đó cả".

Phòng 703 đóng cửa im ỉm, nhưng bên trong sáng đèn. Biết có gõ cửa cũng không ai trả lời (vì là phòng chung và ai cũng đang bận chấm bài), nên tôi đẩy cửa bước vào. Hai chiếc bàn to kê giữa phòng, hai thầy và 5 cô nghe tiếng kẹt cửa đều quay ra nhìn. Tôi chào họ, mọi người cười chào lại, một thầy dẹp bớt các bài thi trên bàn và chỉ cho tôi chiếc ghế bên cạnh: "Anh vào đây!".

Không khí phòng chấm thi sặc mùi giấy. Ngoài tiếng sột soạt giở giấy, chỉ còn nghe tiếng quạt trần và máy điều hòa kêu vo vo. Phòng hơi mát quá so với cái nóng 36 độ bên ngoài. Thỉnh thoảng có tiếng húng hắng ho của ai đó. Nước chè được pha sẵn để ở một góc phòng. Thầy đối diện tôi thủ theo một chai La Vie. Cô giáo trẻ bên trái tôi thì uống "nóng trong người" của Dr. Thanh.

Mọi người im lặng, miệt mài làm việc. Thầy ngồi bên phải tôi (người đã dọn chỗ cho tôi ngồi) chấm môn Lịch sử triết học Ấn Độ. Ông vừa chấm vừa nhăn nhó rất khổ sở. Bài thi toàn điểm làng nhàng: 4; 4,5; 5; 5,5. Cứ chấm được mươi bài ông lại đứng dậy đi ra ngoài. Chắc để hút thuốc.

Tôi đọc liền mười bài để xác định một "giọng" chấm chung. Có cảm giác sinh viên đã không chú trọng những lời tôi dặn dò trên lớp. Chấm tiếp, tôi thấy buồn vì chất lượng bài thi của khóa này nhìn chung thấp hơn so với 3 khóa sinh viên tôi đã dạy. Nhiều em không hiểu rõ đề thi muốn gì, liệt kê kiến thức một cách thừa thãi và chẳng chịu động não phân tích một chút, hoặc quá lười lấy ví dụ minh họa. Khá nhiều bài thi cũng được điểm làng nhàng 5-6 như môn của ông thầy bên cạnh.

Đề thi ra 2 chọn 1, nhưng cũng phải có đến mươi em không hiểu vô tình hay hữu ý làm cả hai đề. Kết cục là chẳng đề nào được trình bày và đào xới tử tế, nên cũng chỉ đạt điểm trung bình.

... Chấm xong một phong bì, tôi bước ra khỏi phòng. Ở hành lang rộng bên ngoài, người ta đang sắp xếp bàn ăn theo kiểu buffet. Trường có cuộc liên hoan chiêu đãi gì đó vào buổi trưa.

Quay trở lại phòng, thấy một phụ nữ to béo mặt mũi phúc hậu tầm ngũ tuần, ngồi cạnh tôi thế chỗ của thầy lịch sử triết học Ấn Độ. Chị vừa lấy bài thi ra vừa nói: "Cái phòng đào tạo này nói bao lần vẫn thế. Chỉ đưa mỗi bài thi mà chẳng đưa đề thi thì biết chấm thế nào?". Tôi nói vui: "Đọc bài thi rồi suy ra đề chị ạ. Chắc họ nghĩ giảng viên phải đủ trình độ để suy luận ngược lại như thế!". Chị cười: "Vâng, thì cũng chỉ còn cách đó thôi".

Càng về trưa, thì mùi thức ăn ngoài hành lang lùa vào càng nức mũi mỗi khi có người ra vào. Hic, chấm thi trong bối cảnh này thật chẳng khác nào... tra tấn dạ dày. May mà có 2 bài thi điểm 10, 1 bài 9,5 điểm và ba bài 9 điểm. Coi như là niềm vui an ủi với người đi dạy, vì vẫn có một số sinh viên lĩnh hội được kiến thức của môn học và làm được điều mà thầy giáo mong muốn.

Mãi rồi cũng chấm xong và điền điểm vào bảng tổng hợp. Khi tôi đem đồ nghề bước ra hành lang, thì bàn ăn buffet đã bày biện xong, trang trí khá đẹp mắt. Chưa thấy khách đâu cả. Phải rảo bước cho thật nhanh...

Khi tôi quay lại Phòng đào tạo thì bàn của người phụ nữ trống không. Hỏi cô gái đang ngồi mải miết dán ảnh vào những phôi bằng tốt nghiệp, thì cô nói chị ấy đi họp. Tôi gọi di động, giọng người phụ nữ lại vang lên ngọt ngào: "Thầy ơi, thầy đợi em 5 phút, em về ngay đây ạ".

Chưa đầy 2 phút sau, chị đã quay lại. Chị đưa hai tay nhận bài thi, hỏi tôi lại một vài chi tiết cá nhân, điền vào một tờ giấy rồi đưa cho tôi: "Mời thầy xuống phòng tài vụ ở tầng 4 lĩnh thù lao chấm thi". Tôi cảm ơn và chào chị.

Phòng tài vụ có ba người. Tôi đưa giấy cho người đàn ông tầm 30 ngồi sát cửa ra vào. Anh chỉ tay sang người phụ nữ duy nhất trong phòng: "Mời thầy sang gặp chị kia". Tôi quay sang chỗ chị. Chị lặng lẽ đón lấy tờ giấy, viết lách gì đó rồi mời tôi ký. Tôi đọc tờ giấy: thù lao chấm 97 bài thi và ra 2 đề thi. Tổng cộng: 331 nghìn đồng.

Rồi tôi lại đem cái giấy ấy đến chỗ người đàn ông. Hóa ra anh là thủ quỹ. Ở đây cái gì cũng đặc biệt! Anh đếm đủ tiền và trao cho tôi bằng hai tay. Nói chung đi chấm thi khá dễ chịu vì được làm việc trong một môi trường có văn hóa với những hành vi ứng xử rất mô phạm.

Lâu nay đi dạy tôi chẳng chú ý đến thù lao. Dạy năm trước, năm sau người ta mới chuyển tiền đến. Số tiền chẳng đáng là bao. Đã xác định đi dạy là cho vui, nên chuyện tiền nong không còn quan trọng. Nhưng hôm nay trực tiếp nhận tiền cho việc ra đề, chấm thi mới thấy băn khoăn. Hóa ra chấm một bài thi hết môn của một sinh viên năm thứ ba đại học chỉ được 3 nghìn đồng/bài, ra đề thi hết môn cho sinh viên năm thứ ba đại học chỉ được 15 nghìn đồng/đề (*).

Tiền thù lao ít ỏi như thế thì làm sao có thể là chất xúc tác cho thầy cô dốc hết tâm huyết với nghề nhỉ?
_____

(*) Tính lại thì thấy thù lao ra một đề thi là 20.000 đ.

Ảnh: Trong một phòng chấm thi (ảnh minh họa, không liên quan tới bài viết)




23/6/10

DOMENECH PHẢN BỘI TÔI



Hôm qua, tôi khen ngợi văn hóa thưởng ngoạn bóng đá của người Pháp trên sân vận động Stade de France tại World Cup France 1998. Nhưng chỉ ít giờ sau, ông Raymond Domenech, Huấn luyện viên trưởng đội tuyển Pháp tại World Cup Nam Phi 2010 đã chứng minh ngược lại.

Pháp thua Nam Phi 2-1 giã từ World Cup một cách tủi hổ. Đội Pháp năm nay có quá nhiều chuyện vớ vỉn, từ việc đuổi Nicolas Anelka về nhà sớm, cho đến các cầu thủ tẩy chay luyện tập để bày tỏ sự đoàn kết với Anelka.

Khi tiếng còi chấm dứt trận đấu vang lên, ông Domenech bắt tay những người đứng xung quanh. Ai cũng biết đây là trận cuối cùng ông chỉ đạo đội tuyển Pháp. Người kế vị ông sẽ là cựu danh thủ Laurent Blanc.



Chuyện bất ngờ xảy ra khi HLV đội tuyển Nam Phi Carlos Alberto Parreira đến gần, mỉm cười và chìa tay về phía Domenech. HLV người Pháp đã từ chối cử chỉ thân thiện của ông Parreira và dợm chân bước đi.

Parreira túm lấy áo vest của Domenech và cố thử nói chuyện với ông ta, nhưng Domenech vẫn tiếp tục giữ thái độ thô lỗ của mình và lên lớp HLV người Brazil với một ngón tay.

Tại cuộc họp báo sau đó, báo chí hỏi Domenech, nhưng ông không chịu giải thích hành động của mình, kiên quyết không trả lời các câu hỏi của phóng viên.

Parreira thì cho rằng điều đó xảy ra là do ông đã phê phán đội tuyển Pháp lọt vào World Cup năm nay nhờ cú chơi bóng bằng tay của Thierry Henry. “Tôi thực sự không nhớ (lời chỉ trích). Đó là người trợ lý của Domenech bảo tôi thế” – Parreira nói như vâỵ.

Hành động của HLV Domenech được gọi là gì nhỉ? Giận mất khôn à?

BONUS:


THAM KHẢO
BÊN LỀ WORLD CUP FRANCE 1998 (1)
BÊN LỀ WORLD CUP FRANCE 1998 (2)
VIỆT KIỀU CÁ CƯỢC
MUA VÉ WORLD CUP CHỢ ĐEN
PARIS, CÀ PHÊ, BÓNG ĐÁ
GẶP TIFOSI Ở SANREMO
VĂN HÓA BÓNG ĐÁ Ở STADE DE FRANCE

22/6/10

VĂN HÓA BÓNG ĐÁ Ở STADE DE FRANCE



Khi tôi đến Stade de France xem trận Pháp - Saudi Arabia ngày 18.6.1998, thì sân vận động chính của World Cup France 1998 vẫn còn thơm mùi sơn. Nó như một chất men đập vào khứu giác của khán giả, bắt người ta phải hưng phấn với trò chơi và có những cảm giác huy hoàng.

Stade de France (Sân vận động nước Pháp) được xây dựng ở Saint Denis - thành phố vệ tinh của dân lao động nhập cư, cách trung tâm thủ đô Paris hơn 10 cây số. Stade de France đã kéo theo tuyến đường sắt ngầm cao tốc (RER) kéo Saint Denis gần hơn với Paris.

Trận đấu bắt đầu vào lúc 21 giờ, nhưng đại bộ phận cổ động viên đến sân lúc 19 giờ. Phần lớn đã vẽ mặt và ân vận trang phục sặc sỡ từ ở nhà. Những người nào đến đây sau giờ làm, chưa kịp trang điểm thì cũng không phải lo, sẽ có cách.

Khu vực bên ngoài sân vận động là một chiến trường cạnh tranh lớn của tất cả các hãng nước ngọt và bánh kẹo lớn. Hãng Coca-Cola cho các nhân viên ăn mặc theo kiểu anh hề trong triều đình đeo các bình lạnh đựng Coca chai trên lưng và bán cho khán giả với giả 15 FR/chai (2,5 USD). Hãng này còn căng những tấm phông lớn có dòng chữ: "Sân vận động nước Pháp, tôi đã đến đây ngày 18.6, xem trận Pháp gặp Saudi Arabia" kèm theo logo của hãng và cho một dàn người mẫu trẻ đẹp đứng làm mỗi một việc là chụp ảnh miễn phí cho các du khác bằng máy ảnh của họ, hoặc chụp cùng nếu họ muốn.

Đó là một chiêu PR và tiếp thị đầy hiệu quả cho thương hiệu Coca-Cola.

Hãng kẹo Snickers phát không những chiếc mũ nhựa có in quốc kỳ Pháp và Saudi Arabia. Một hãng khác lại phát những tấm bìa có thể cuốn lại thành loa. Tất nhiên trên tấm bìa này có in logo của hãng. Một công ty sơn của Pháp cũng phát những tấm bìa, nhưng trên lại để sẵn ba loại màu có thể vẽ lên mặt quốc kỳ Pháp. Tôi đã nhờ một cô gái Pháp vẽ ba màu đó lên hai má để trở thành một cổ động viên Pháp thứ thiệt.

Tôi có cảm giác là người Pháp khá thực dụng. Những khán đài cao, giá vé rẻ được họ lấp đầy từ trước trận đấu cả hai tiếng đồng hồ, trong khi đó những khán đài thấp hơn chỉ chưa đầy một phần ba. Nhưng hóa ra không phải như vậy, đến trước trận đấu khoảng nửa tiếng thì tất cả các khán đài đều được lấp đầy. Có thể những người ở phía dưới là những người trung lưu, họ đến đây sau giờ làm.

Sân vận động nước Pháp được thiết kế rất tốt, sao cho khán giả từ bất cứ vị trí nào đều có thể theo dõi toàn bộ sân cỏ. Một người dù i-tờ về bóng đá, cũng có thể thấy rõ cách bố trí đội hình của mỗi huấn luyện viên.

Zidane bị thẻ đỏ trong trận Pháp - Saudi Arabia

Khác với USA '94, 130 người làm công tác an ninh dưới sân cỏ, tuy phải quay lưng vào trận đấu, nhưng lại được ngồi. Tuy nhiên, vào các giây phút gay cấn: sau bàn thắng, những cú đá phạt, hay cầu thủ nào đó bị đuổi ra khỏi sân, họ đồng loạt đứng dậy, chắp hai tay ra phía sau.

Khán giả Pháp thiên vị rõ rệt (đương nhiên rồi, trận đấu tầm cỡ quốc tế vì màu cờ sắc áo của quốc gia mà). Ngay cái việc cả sân vận động, có đến 80 nghìn người Pháp đồng thanh hát bài quốc ca Pháp "La Marseillaise" cũng khiến những ai không phải là người Pháp sởn gai ốc.

Khi đội Pháp tấn công, họ hát "Allez les Bleus" (Đội Xanh tiến lên). Khi đội Pháp đá phạt, họ kêu "Un but" (Ghi bàn). Khi đội Pháp làm hàng rào chắn quả phạt, học thúc giục "Bloquez" (Phong tỏa).

Rồi họ làm những làn sóng. Những làn sóng thường chấm dứt ở khu khán đài chính giữa. nơi các quan chức và khách mời ngồi. Nhưng vào những thời điểm kịch tính, thì những người đàn ông, đàn bà thượng lưu ngồi ở đó cũng không nề hà nghi lễ, đứng dậy để làn sóng được nói tiếp.

Có lẽ ít có loại khán giá nào bộc lộ sự cổ vũ của mình ở trình độ văn hóa cao như cổ động viên Pháp tại Stade de France tối 18.6. Họ "oh", "ah" khi các cầu thủ Pháp thực hiện một pha bóng không đẹp, hay trọng tài phạt đội Pháp, hoặc khi các cầu thủ Saudi bị tấn công.

Không có ai hét: "Đuổi thằng ấy ra đi", hay "Trọng tài bắt như c... ấy". Khi nào bất bình họ chỉ huýt sáo mà thôi. Ngay cả khi Zidane bị thẻ đỏ, cúi đầu bước ra khỏi sân và ông Aimé Jacques đứng ở đường piste giận dữ không thèm nhìn, thì cả cầu trường vẫn vang dội tiếng hô: "Zizou, Zizou!".

Có thể nói không ngoa rằng khán giả là nguồn sức mạnh quan trọng khiến đội Pháp ghi được 4 bàn thắng vào lưới đội Saudi Arabia trong trận đấu tối 18.6.

THAM KHẢO
BÊN LỀ WORLD CUP FRANCE 1998 (1)
BÊN LỀ WORLD CUP FRANCE 1998 (2)
VIỆT KIỀU CÁ CƯỢC
MUA VÉ WORLD CUP CHỢ ĐEN
PARIS, CÀ PHÊ, BÓNG ĐÁ
GẶP TIFOSI Ở SANREMO




21/6/10

GẶP TIFOSI Ở SANREMO



Sanremo - thành phố bên bờ biển Địa Trung Hải ở phía tây bắc nước Ý, nổi danh với festival âm nhạc. Hồi thập niên 1980, những tiết mục từ cuộc thi ca nhạc thường niên này gần như là thứ nhạc pop duy nhất mà lũ choai choai chúng tôi được xem trên màn ảnh nhỏ của VTV. Sanremo trong ký ức một chàng trai mới lớn nơi tôi là mảnh đất của những điều kỳ diệu xa vời.

Nhân chuyến đi tới Marseille để xem trận Na Uy - Brazil, tôi tranh thủ đến Nice (thành phố miền nam nước Pháp), sang Monaco và chạy thật nhanh qua Sanremo, vừa muốn tận mắt nhìn thấy thành phố trong ký ức, vừa muốn viết một bài ghi nhanh về không khí bóng đá ở thành phố cảng này.

Hôm đó là ngày 23.6.1998. Sanremo quả là đẹp. Người dân mến khách và thân thiện. Mặc dù thành phố có gương mặt kiến trúc Châu Âu, đường phố rộng, nhưng có cái gì đó khá giống với Việt Nam. Giao thông trên phố lộn xộn. Người dân thoải mái lênh phênh dưới lòng đường, thích sang đường chỗ nào thì sang chỗ ấy. Xe máy để lộn xộn trên vỉa hè, tràn cả xuống đường.

Những người khách từ phương xa đến tìm chỗ ăn tại Sanremo hôm đó đã gặp phải phen thất vọng. Các nhà hàng và cửa hiệu đều đóng cửa. Người dân tập trung tại quảng trường Cảng Sanremo để xem trận Italia - Áo qua màn hình khổng lồ.

Chật vật tìm kiếm, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được một nhà hàng mở cửa bán đồ ăn trưa. Đó là Ristorante Chiesa Russa, nằm ngay cạnh Nhà thờ Chính thống Nga, ở gần trung tâm Sanremo. Ông Pierro, chủ nhà hàng và cậu con trai 21 tuổi Alexander đều tin chắc đội tuyển nước mình sẽ chiến thắng. Alexander nói như đinh đóng cột: "Chúng tôi sẽ thắng 2-0; nếu có Roberto Baggio, Italia sẽ thắng 3-0; nếu có thêm Vialli, Italia sẽ chiến thắng 4-0".

Alexander đang học đại học tại London (Anh). Nghỉ hè, cậu về nhà giúp bố mẹ chạy bàn ăn. Nhà hàng nhỏ ấm cúng có 20 chỗ ngồi trông ra ngôi nhà thờ tuyệt đẹp chỉ có ba nhân viên: Ông bố nhận đặt món và quản lý tiền; bà mẹ nấu ăn trong bếp; cậu con trai bồi bàn.

Ông Pierro tâm sự: "Nói thật là tôi thích xem Brazil và Argentina đá chung kết. Họ mạnh thực sự. Còn các cầu thủ Italia chỉ đáng yêu chứ đá chưa hay lắm".

Nhìn kỹ thì thấy Alexander là kẻ sùng bái Roberto Baggio. Cậu để hàm râu giống hàm râu của Baggio lúc đó, kèm thêm cái đuôi dế của Baggio ngày xưa. Mà chả cứ cậu, hình như gần 60 nghìn dân Sanremo ai cũng yêu Baggio cả. Tất cả các quầy sách báo ở đây đều bán hình ảnh, băng hình của một cầu thủ Italia duy nhất - đó là Roberto Baggio.

15 giờ, Alexander lấy chiếc scooter màu đỏ hiệu Vespa lao vút đi. Cậu ra cảng, nơi các bạn cậu đang đợi. Hội "tổ lái" ở Sanremo đông đảo lắm. Tất cả đều đi xe scooter. Họ ăn mặc rất bạt mạng: nhiều cậu con trai cởi trần, nhiều cô gái mặc áo cực ngắn, quần cực ngắn.

"Nếu Italia thắng, các bạn có phóng scooter như điên thành từng đoàn trên các đường phố Sanremo không?" - "Ồ không! Lúc đấy mọi người đổ ra chật đường để nhảy múa, không phóng xe được" - một cô gái giải thích. Alexander bảo nhảy múa hò hét thì thoải mái, nhưng phóng scooter kiểu đó thì không được. Cảnh sát không cho phép.


Ronaldo đối với các tifosi Italia là "người vô hình", không sao sánh được với Roberto Baggio về mọi mặt. "Anh ta xấu quá. Mồm thì nhọn ra trông như vịt Donald" - cô gái mặc áo có hình quốc kỳ Italia, chiếc áo ngắn hở rốn, nhăn mũi nói. Tôi bẻ lại: "Thế Vialli thì nào có đẹp đẽ gì? Đầu trọc lốc!". Cô gái đáp: "Đẹp chứ. Đẹp kiểu Italia. Tôi thấy Vialli rất gợi tình".

Trận đó Italia thắng Áo 2-1. Baggio ghi được bàn thắng quyết định vào phút thứ 89. Nhưng giờ đó tôi không còn ở Sanremo nữa, nên không được chứng kiến cảnh người Italia ăn mừng chiến thắng ở thành phố biển này.

Năm đó Italia vào đến vòng 1/8, nhưng thúc thủ trước Pháp trong loạt thi đấu penalty. World Cup France 1998 cũng là World Cup cuối cùng của Roberto Baggio.


THAM KHẢO
BÊN LỀ WORLD CUP FRANCE 1998 (1)
BÊN LỀ WORLD CUP FRANCE 1998 (2)
VIỆT KIỀU CÁ CƯỢC
MUA VÉ WORLD CUP CHỢ ĐEN
PARIS, CÀ PHÊ, BÓNG ĐÁ


20/6/10

NẾU TÔI CHẾT, AI SẼ DẠY CÁC CON GÁI TÔI?



Chuyện kể nhân Ngày của Cha

Bruce Feiler nhớ cái cảm giác hồi tháng 5.2008. Anh khỏe mạnh và đang ở trên chín tầng mây: Có cuộc hôn nhân hạnh phúc, là cha của 2 bé gái sinh đôi và là tác giả có sách bán chạy "Walking the Bible".

Nhưng trong ngày tháng 5 ấy, kết quả thử máu định kỳ đã khiến anh khựng lại. Bác sĩ nói anh có nồng độ phosphat kiềm nhẹ cao, chứng tỏ có điều gì đó không ổn đối với xương hoặc thận. Anh làm thêm một xét nghiệm nữa, thận ổn. Bác sĩ đề xuất làm scan toàn bộ xương. Anh đồng ý.

Kết quả scan cho thấy một khối u bên đùi trái. Bác sĩ nói, không đáng lo ngại. Feiler nhắc đi nhắc lại điều đó với cha mẹ, với vợ, và với chính mình: “Không phải ung thư, không có gì đáng lo ngại cả”.

Nhưng chị Linda, vợ anh thì lại linh cảm có điều gì chẳng lành.

Kết quả chụp X-quang và MRI đùi trái của Feiler cho thấy anh có một khối u ác dài khoảng 20 cm, nói theo ngôn ngữ y khoa là “xacôm xương”. Mỗi năm có khoảng 900 người Mỹ mắc căn bệnh này. 2/3 trong số đó ở độ tuổi dưới 40. Feiler năm đó 43 tuổi.


Thông tin về chẩn đoán bệnh khiến Feiler hoảng sợ: “Không có một khoảnh khắc nào mà tôi không bị bao phủ bằng cách này hay cách khác về ung thư, bệnh tật, về chuyện cái chết chẳng còn bao xa nữa”.


Feiler biết rằng anh có thể sẽ không còn sống để nhìn thấy hai bé gái sinh đôi Eden và Tybee trưởng thành: “Tôi đã nỗ lực suốt đời để mơ một giấc mơ không thể mơ được. Ai sẽ dạy chúng cách thức để mơ ước? Ai sẽ là người tư vấn cho chúng, nếu chúng muốn chạy marathon, mở nhà hàng, viết sách? Ai sẽ nói với chúng: “Con có thể làm được điều đó”?



Clip "The Council of Dads by Bruce Feiler"

Feiler đã đi đến một quyết định quan trọng. Anh tập hợp một nhóm 6 người đàn ông và gọi họ là “Hội đồng những người cha”. Đó là 6 người bạn xuất hiện vào những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời Feiler sẽ thay anh dạy hai bé gái những bài học cuộc đời mà anh không còn cơ hội để dạy.

Feiler gặp Jeff Shumlin trong một lần du lịch vòng quanh thế giới. Thoải mái tự tin trên chiếc máy kéo ở Maine, cũng như trên các sân ga ở Châu Âu, Shumlin sẽ dạy hai cô bé làm thế nào để thực sự nhận biết thế giới xung quanh. Đối với Shumlin, ngay cả vũng bùn cũng có thể là nơi thực hiện cuộc phiêu lưu. “Hãy nhảy xuống vũng bùn. Hãy vùng vẫy trong đó để thử cảm giác ở trong đó và bước ra với người đầy bùn như thế nào? Chỉ cần nhảy vào là sẽ luôn học được một điều gì đó” – Shumlin sẽ nói với hai cô bé như vậy.

Đối với Ben Edwards, người đã từng cùng Feiler nắm tay đi đến nhà trẻ, thì những con nòng nọc có thể lớn thành ếch mà hai người đã bắt trong một vũng nước cạn có ý nghĩa rất nhiều. Feiler coi đó là phép ẩn dụ: “Anh ấy là con nòng nọc của tôi. Anh ấy là người bạn có mặt ngay từ đầu, rồi lại quay trở lại vào thời điểm có thể có dấu chấm hết và nhắc nhở tôi về nơi xuất thân của chúng tôi”.

Edwards sẽ dạy hai cô bé nhà Feiler môn lịch sử, dạy chúng vui đùa và dạy chúng về tình bạn. “Bạn luôn muốn con bạn có được nền tảng về nơi chúng được sinh ra. Hy vọng tôi có thể cho chúng nền tảng đó và chúng sẽ nhớ rằng những nòng nọc và ếch đều là những khoảng thời gian hạnh phúc” – Edwards chia sẻ.

Bốn người đàn ông khác sẽ nắm giữ những khía cạnh khác trong nhân cách của Feiler. Đó là người ở cùng phòng với anh thời học đại học. Đó là đối tác kinh doanh của anh. Đó là một nhà văn đồng nghiệp. Đó là người bạn tâm tình gần gụi với anh nhất. Họ sẽ xuất hiện nếu xảy ra điều không thể hình dung nổi. Và trong suốt cuộc chiến chống ung thư của Feiler, họ sẽ kề vai sát cánh bên anh.

Một năm qua, cuộc chiến giành giật sự sống của Feiler đã đưa anh đến miệng hố tử thần. Liệu anh có qua khỏi? Đó vẫn là câu trả lời còn bỏ ngỏ.

(Theo CNN)

THAM KHẢO
Website Hội đồng những người cha



19/6/10

SAO OSHIN MUỐN LÀM BÀ CHỦ?



Cô kể: Do sếp giao công việc đột xuất, nên cô phải ở lại cơ quan làm cho xong. Ở lại mà lòng nóng như lửa đốt vì biết rằng chồng con tối nay sẽ phải ăn muộn.

Cô về nhà lúc gần 7 giờ. Thấy chồng vẫn diện nguyên bộ đồ công sở, quần ống thấp ống cao, cravate cho vào túi ngực, bụng đeo tạp dề đang đứng nấu ăn trong bếp. Anh cười xòa khi nhìn thấy ánh mắt ngạc nhiên của cô: “Sợ em về muộn, nên anh phải xông vào bếp kẻo các con đói”.

Cô nhìn anh từ đầu đến chân, tủm tỉm cười.


Cô oshin từ trên gác đi xuống: “A, chị đã về rồi ạ. Em dọn dẹp xong rồi. Xin phép anh chị, em về đây”.


Oshin nhà cô mới 30 tuổi, chồng chết, trông cũng mỏng mày hay hạt. Cô thuê oshin đến làm mỗi ngày một tiếng rưỡi vào các buổi chiều từ 5h30, khi cô đi làm về. Như thế tiện cho cả đôi bên. Cô không thích có người lạ trong nhà.


Cô Oshin đi rồi, cô nhéo tai chồng, âu yếm: “Lần sau có nấu nướng thì cũng thay bộ đồ đi làm này đi nhé. Không việc gì phải quần chùng áo dài đóng hộp để chứng tỏ là anh không léng phéng với cô oshin. Em nói cho anh biết là mặc đủ quần áo muốn làm gì cũng vẫn làm được.”


Anh lại cười: “Em thì chỉ được cái...”


Cô trừng mắt: “Được cái gì? Không đúng à?”


Anh khoát tay: “Thôi, đi thay quần áo đi rồi xuống ăn cơm. Gớm, muốn tử tế cũng không được nữa”...


... Cô thở dài: “Trong cái phim “Bí mật Eva” đang phát sóng trên tv ấy, có cảnh hai cô oshin nói chuyện với nhau. Một cô khoe: “Chị sắp được nàm bà chủ rồi”! Sao bọn oshin lại thích làm bà chủ nhỉ? Làm bà chủ khổ bỏ xừ. Sấp sấp ngửa ngửa đi kiếm tiền. Vớ vẩn bị sếp mắng như chơi. Xong việc lại lo chợ búa cơm nước. Cơm nấu không ngon, hai đứa con không ăn cho là tiêu đời. Lại còn lo làm đẹp để giữ chồng. Đã thế còn trăm thứ nghĩa vụ với họ hàng nhà chồng. Mệt chết đi được. Oshin mà biết thế, thì nó còn thích làm bà chủ không nhỉ?”


Ảnh: Nguyệt Hằng vai Bảo Trinh, phim "Bí mật Eva".

18/6/10

NỮ VĂN SĨ ANNA KARENINA?



Trước ngày lễ của các nhà báo (21.6), một người bạn nhà văn gửi tới tôi một bức email. Bên trong chẳng có gì ngoại trừ một đường link. Nhấp chuột vào đó, trình duyệt mở ra bức ảnh mà bạn nhìn thấy ở trên.

Đó là một mẩu báo có đăng mẩu tin ngắn vỏn vẹn

“Leo Tonstoy” – cuốn sách bán chạy nhất nước Mỹ

Opra Winfrey – người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng nước Mỹ đã có công giúp cuốn sách “Leo Tonstoy” của nữ tác giả Anna Karenina trở thành cuốn sách bán chạy nhất nước Mỹ trong tuần qua, sau khi được giới thiệu trong chương trình của chị. Winfrey đã khuyên độc giả đừng có hoảng khi nhìn vào cuốn sách dày 873 trang và ca ngợi đây là “một trong những câu chuyện tình hay nhất của mọi thời đại”. “Leo Tonstoy” đã đánh bật tác phẩm của tác giả nổi tiếng Mỹ như Dan Brown, Daniellie Stell và Clive Cussler ra khỏi danh sách top 10. Bản dịch cuốn chuyện này được Nhà xuất bản Penguin mua cách đây 6 năm sau khi bị các nhà xuất bản khác từ chối”.

Người sưu tầm mẩu tin độc đáo này đủ lịch sự để không tiết lộ danh tính của tờ báo đã đăng tải nó.

Không hiểu sao cả người dịch tin lẫn người duyệt tin lại có thể sai lầm ngớ ngẩn như vậy được nhỉ?





17/6/10

PARIS, CÀ PHÊ, BÓNG ĐÁ



Kiến trúc ở Paris đẹp. Ai cũng biết thế. Tuy nhiên, bạn sẽ không thể vừa đi trên hè phố vừa ngước mắt ngắm nhìn các ngôi nhà. Lý do? Bạn luôn luôn có nguy cơ giẫm phải các "bãi mìn" chất thải của các chú khuyển đủ loại để lại trên vỉa hè. Các hè phố của Paris vì thế không còn được sạch sẽ nữa.

Chỉ có người nước ngoài mới cảm thấy khó chịu về chuyện đó, còn người Paris thì yêu chó hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Nhưng ở đây lại không thể đi đứng vô tư dưới lòng đường như ở Hà Nội vì có thể bị tai nạn giao thông ngay lập tức.

Có lẽ không có thủ đô một nước nào lại có nhiều tiệm càphê như Paris. Ngồi càphê và ngắm đường phố có lẽ là thú vui đã ngấm vào máu và truyền qua gene người dân Pháp. Hầu như bất cứ đường phố nào, không phụ thuộc vào dài ngắn hay rộng hẹp đều có ít nhất một tiệm càphê. Trình tự mỗi tiệm càphê bao giờ cũng có ba lớp: chỗ dành cho những người uống đứng; bàn ghế bên trong tiệm, và bàn ghế bày trên vỉa hè.

Người Paris uống càphê vào mọi thời điểm trong ngày. Nói là đi vào tiệm càphê, nưng người ta có đủ thứ: từ rượu mạnh cho đến một ly trà. Và cả ăn nữa: ăn sáng, ăn trưa, ăn tối. Một điều hơi lạ lùng là nếu vào tiệm chỉ để uống càphê đứng trong vòng 5 phút buổi sáng trước khi đi làm, bạn chỉ phải trả 5FR. Nhưng cũng với tách càphê như thế, nếu bạn mang ra bàn vừa ngồi uống nhẩn nha, vừa đọc báo và ngắm các cô gái ngoài phố, thì bạn sẽ phải trả từ 10-15 FR (tùy chỗ đẹp hay không).



Bước vào World Cup, các vị chủ tiệm càphê đều đặt thêm một chiếc TV lớn ở sát lớp cửa kính, thuận tiện sao cho những người ngồi ngoài phố thỉnh thoảng có thể liếc mắt xem một vài pha. Ông Jean-Claude, chủ một quán càphê trên phố Picardie cho biết để TV như vậy là cho đủ món thôi, chứ không phải fan bóng đá nào cũng đến tiệm càphê xem bóng đá.

Cũng may là người Pháp có nhiều giải bóng đá để xem, nên một chiếc TV luôn thường trực sẵn trong tiệm, khi cần là có thể đem ra dùng, chứ không phải mua. TV mới loại to lên đến 6.000 FR/chiếc.

Trận đấu sớm (vào 17h30) thường trùng với "happy hour" - giờ may mắn mà các tiệm dành cho khách hàng với giá tiền giảm 50%. Tôi đã ngồi trong quán của ông Jean-Claude uống một cốc bia tươi loại nửa lít với giá 18 FR (khoảng 30 nghìn VND). Nếu không vào giờ may mắn thì cốc bia này sẽ có giá gấp đôi, quá đắt so với giá ở VN. Nhưng nên nhớ là ta đang ngồi uống bia ở Paris.

Người Pháp không uống bia tràn lan theo kiểu Việt Nam. Không ồn ào huyên náo. Tại quán của ông Jean-Claude, khi vị khách ở bàn bên cạnh gọi đến cốc thứ ba (loại một lít), tôi thấy anh bồi hỏi: "Etes-vous sûr?" (Ông chắc chứ?"). Điều đó khiến tôi hơi ngạc nhiên. Ở Việt Nam bán càng được nhiều bia càng tốt, thậm chí tiếp viên chả cần hỏi cứ tự tiện mở bia liên tục. Ở đây, người ta lại hỏi có chắc chắn uống thêm nữa không, rồi mới mang ra.

Ông Jean-Claude nói ông chỉ có một nhóm bồ ruột 7 người đến uống bia và xem đá bóng trong trận đấu thứ nhất. Mọi người cũng có cá cược tí chút. Ở Paris, đi uống thế này thường ai trả tiền người ấy, nhưng World Cup cũng có ngoại lệ của nó: người nào thua cược thì phải trả tiền cho cả bọn.

Hết trận đầu ai về nhà nấy, xem tiếp trận thứ hai cùng gia đình.

Chú thích: Cà phê ở Paris. Tranh không rõ tác giả.

THAM KHẢO
BÊN LỀ WORLD CUP FRANCE 1998 (1)
BÊN LỀ WORLD CUP FRANCE 1998 (2)
VIỆT KIỀU CÁ CƯỢC
MUA VÉ WORLD CUP CHỢ ĐEN



 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết