30/1/11

DÁNG VẺ CỦA MÈO


28/1/11

TẢN MẠN CHUYỆN... MÈO NĂM MÃO



VĂN NHƯ CƯƠNG

Cuối cùng thì bác Hổ-Canh-Dần hung hăng cũng phải rút lui để nhường chỗ cho cô Mèo - Tân Mão mỹ miều bước tới, mặc dù có ý kiến cho rằng vì cô Mèo còn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, nên đề nghị để bác Hổ làm thêm nửa nhiệm kì và cô Mèo làm… Phó.

Cái nguyên tắc “mỗi nhiệm kì chỉ đúng có một năm” này được thực hiện rất nghiêm ngặt, từ xưa tới nay không hề có ngoại lệ, và chắc là từ nay về sau cũng thế… Bởi vậy, mặc dầu chưa đến tuổi hưu và tiếng gầm còn to khỏe, nhưng bác Hổ không thể làm thêm một nhiệm kì như mong muốn. Đành phải chờ đúng 60 năm nữa, tức là đúng vào tháng giêng năm 2072, cố nhiên với điều kiện là tới lúc ấy cụ Hổ còn sống. Nhưng đã nói không được là không được, luật định như thế rồi.

Cô Mèo và bác Hổ vốn không lạ gì nhau. Ông tổ của cô Mèo từng là thầy dạy võ cho ông tổ của bác Hổ. Là kẻ khôn ngoan và mưu lược, vị Mèo-Võ-Sư ấy đã không dạy hết bài, hết vở cho thằng Hổ-Đệ-Tử kia, vì nhìn qua cũng biết nó là kẻ phản trắc, không đáng tin. Phải đề phòng bất trắc chứ, con người còn lắm âm mưu nham hiểm nữa là con… hổ. Vì thế các anh chàng hổ hậu duệ ngày nay vẫn chịu chết không nắm được võ thuật leo cây, trèo tường là hai miếng võ độc của Mèo-Võ-Sư… Vì thế, bây giờ mỗi khi hổ hiếu chiến định gây sự, mèo chỉ việc leo tót lên ngọn cây là xong chuyện.

Loài mèo là khắc tinh của giống chuột. Chẳng hiểu sao mèo (Mão) lại chịu đứng thứ tư trong danh sách 12 con giáp, mà anh chuột (Tí) thì lại được xếp thứ nhất. Tuy đứng số 1 nhưng nhác thấy số 4 là hồn vía chuột lên mây.

Mèo vốn sinh ra là để bắt chuột, giúp cho Người khỏi bị loài gặm nhấm làm hại, nên loài người rất quý, rất yêu… Mấy thập niên gần đây mèo được hâm mộ và nổi tiếng hơn vì có một chính trị gia tầm cỡ đã tổng kết và phát biểu một triết lí rất hay, liên quan đến cách đánh giá loài mèo. Đó là: “Bất kể mèo trắng hay mèo đen, bắt được chuột chính là mèo tốt”… Thật là một triết lí sâu sắc về trò mèo chuột, và nghe nói chính cái triết lí “mèo chuột” đó (cũng còn được gọi là triết lí “hai con mèo”) đã làm cho đất nước của chính trị gia ấy trở nên hùng mạnh vào loại nhì ba thế giới.

Như vậy là cũng có những con mèo không tốt, không bắt chuột ư? Có chứ, đó là những con mèo được nuôi làm cảnh, được chung sống cùng với ông bà chủ quý phái trong những ngôi biệt thự tiện nghi, sang trọng và… không có chuột. Chúng không bắt chuột vì không có chuột để bắt, nhưng không thể nói chúng là những con mèo không tốt. Không tốt mà sao lại được chủ của chúng quý như vàng?

Lại còn có những con mèo, không những không bắt chuột mà tệ hơn, còn ăn hối lộ của chuột một cách trắng trợn, công khai… Những con mèo như vậy hiện nay khá nhiều, nhưng ngày xưa cũng không phải là ít. Chứng cớ có thể tìm thấy ở bức tranh dân gian “Đám cưới chuột” nổi tiếng thế giới (còn gọi là “Trạng chuột vinh quy”) ra đời từ 500 năm trước đây. Bức tranh vẽ một lũ chuột ngang nhiên làm tiệc cưới xin rất đình đám trước mắt một con mèo to bự nằm chắn ngang đường đi. Hóa ra chúng đã cử một số chuột mang chim nướng, cá rán… đến khúm núm dâng lên, mèo chỉ việc xơi cho đẫy và nhắm mắt cho lũ chuột muốn làm gì thì làm… Có bức tranh còn đề thêm vế đối “Thử bối đệ ngư: chít, chít, chít. Miêu nhi thủ lệ: miu, miu, miu…”.

Nhìn vào bức tranh thì thấy trong số vật phẩm cung tiến không có phong bì như bây giờ, chắc là hồi trước chưa có cái lệ ấy. Nhân đây, muốn góp ý cho các nghệ nhân Đông Hồ là nên thêm một chi tiết vào bức tranh “Đám cưới chuột”: vẽ thêm một chú chuột cõng cái phong bì to đi trước hai chú mang chim nướng và cá rán vốn đã có.

Không phải bao giờ người ta cũng quý mèo. Đã có một thời mèo được phong làm “tiểu hổ” và các món ăn chế biến từ thịt mèo trở thành đặc sản, thậm chí siêu đặc sản. Ở tỉnh Thái Bình, các quán nhậu “tiểu hổ” mọc lên như nấm, có những tiệc cưới sang trọng chỉ ăn toàn tiểu hổ. Tiếp theo đó là ở các tỉnh biên giới phía Bắc, dân ta thu mua tiểu hổ để xuất sang nước bạn Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Không hiểu do bên Trung Quốc giặc chuột hoành hành hay là cao tiểu hổ bỗng nhiên tăng giá? Chỉ biết rằng ở Thái Bình và các tỉnh biên giới, số cá thể mèo trở nên hiếm hoi và bè lũ chuột ăn tàn phá hại trở nên đông đúc...

Năm nay là năm con Mèo, sang năm là năm con Rồng, tự nhiên lại nhớ đến vợ chồng người bạn. Ông chồng cầm tinh con mèo, còn bà vợ cầm tinh con rồng. Không biết trời xui đất khiến thế nào mà bà vợ hơn chồng đến 11 tuổi. Nhưng không sao, hai người sống rất hòa thuận… Tất nhiên sự chênh lệch về tuổi tác càng ngày càng trở nên rõ nét.

Rồi vào một năm Mèo đi, Rồng đến, anh bạn tuổi mèo bỗng ra cho tôi một vế đối và thách tôi đối lại. Anh đọc giọng tỉnh khô: “Rồng lộn mèo phải đá”. Tôi hơi hoảng vì cho rằng vợ chồng anh có chuyện rồi. “Mèo phải đá” là anh ta định bỏ vợ ư? Nhưng vì sao cơ chứ? Vì Rồng lộn, tức là vợ anh lộn, nhưng lộn nghĩa là gì? Thế rồi anh ta phá ra cười: “Tớ tưởng cậu biết nói lái”… Tôi chợt tỉnh và đọc lại vế ra theo kiểu nói lái, và rồi cũng phá ra cười. Vế ra rất hay mà lại rất hợp cảnh ngộ của vợ chồng anh. Cho đến nay tôi chưa tìm được vế đối.

Nguồn:
Tản mạn chuyện ... mèo năm Mão


27/1/11

NHANG CÀNG THƠM CÀNG ĐỘC



Vào những ngày cuối năm, hầu như gia đình nào cũng có mua vài nén nhang về thắp cho ông bà, tổ tiên. Đó là một nét văn hoá truyền thống của người Việt. Điều đáng nói là nhiều người đã quan niệm sai lầm khi cho rằng mùi thơm khói nhang không độc. Thực tế cho thấy, bất cứ cái gì sinh ra khói đều độc, từ khói thuốc lá cho đến khói than, khói củi, khói rơm...

Không rõ tự bao giờ, với người Việt Nam, chuyện thắp nhang bàn thờ tổ tiên, ở chùa trở thành nhu cầu không thể thiếu trong các dịp giỗ chạp, lễ tết. Nén nhang như một chiếc cầu nối thiêng liêng giữa cuộc sống hiện hữu với cõi tâm linh trời đất.

Nhang nay độc hơn nhang xưa

Thật ra, nhang ngày xưa không độc hoặc ít độc hơn nhang bây giờ, vì người ta sử dụng chủ yếu gỗ hương liệu là gỗ trầm. Bản chất hương liệu này trong đông y có thể sát trùng và tạo sự hưng phấn, không gây hại. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người vì muốn kiếm lời nhiều nên đã sử dụng các hoá chất rẻ tiền để tạo hương, khiến cho chất lượng nhang kém đi. Một nghiên cứu của các nhà khoa học ở đại học quốc gia Cheng Kung (Đài Loan) cho biết, một cây nhang trung bình chứa 35% hương liệu thơm, 21% dược liệu và bột gỗ, 11% bột dính, 33% thanh tre. Với nhang sản xuất ở Việt Nam, thành phần này có thể khác. Điều đáng tiếc là hiện chưa có nghiên cứu nào tương tự.

Giống như khói thuốc lá, khói nhang cũng ẩn chứa nhiều hoá chất như: benzene, toluene, xylenes, aldehydes và polycyclic aromatic hydrocarbons. Đây là những chất rất độc hại với con người khi hít phải lượng nhiều, chẳng hạn như benzene làm tổn thương tuỷ xương, biến dạng hình thể máu… dẫn tới ung thư máu. Hít hơi benzene với nồng độ 65g/m3 trong 30 phút có thể gây tử vong. Hít hơi benzene với nồng độ 2,3g/m3 trong từ 30 – 60 phút sẽ gây bất tỉnh.

Hay như với chất toluene, nếu tiếp xúc thường xuyên qua đường hô hấp sẽ gây nên các biểu hiện tổn thương chủ yếu của hệ thần kinh trung ương như nhức đầu, nôn mửa, buồn ngủ, loạng choạng, cùng những biểu hiện như say rượu. Trường hợp nặng có thể mất ý thức và tử vong. Tương tự, chất xylenes gây nhức đầu, cơ bắp ít hoạt động, rối loạn và thay đổi cảm giác cân bằng, dị ứng da, mắt, mũi, cổ họng; chất aldehydes gây chóng mặt, buồn nôn, rối loạn nội tiết và chất polycyclic aromatic hydrocarbons có thể gây ung thư, quái thai...

Để đốt nhang được an toàn


Trong chúng ta, khó ai có thể diễn tả hết sự xúc động khi vào khoảnh khắc giao hoà trời đất giữa năm mới và năm cũ, cả gia đình quây quần, thắp lên bàn thờ một vài nén nhang thơm rồi tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ, những người thân yêu đã khuất. Sự lẩn khuất của làn khói trắng, mùi thơm nhẹ lan toả sẽ làm cho ta thấy ấm cúng và gắn bó với nhau hơn.

Ngày tết đi chùa lễ Phật, chúng ta cũng hay bắt gặp nhiều người tay cầm nhang, miệng lâm râm khấn vái cầu mong một năm mới tốt lành, gia đạo bình an. Đây là nét văn hoá tồn tại từ rất lâu, đem lại cho người ta một sự thanh thản và bình yên trong tâm hồn. Do đó, không thể vì những nguy cơ khói nhang mà từ bỏ việc đốt nhang, điều quan trọng vẫn là biết cách phòng ngừa. Một vài lưu ý để sử dụng nhang an toàn:

Mở thoáng cửa khi đốt nhang: tại các chùa, trong một số nghi lễ, hàng ngàn que nhang thường được đồng loạt đốt lên; hoặc nhiều gia đình khi thắp nhang hay đóng kín cửa khiến khói nhang bị tụ lại một chỗ. Như thế rất không nên. Thay vào đó cần mở cửa thoáng để khói nhang loãng ra. Không nên để nơi đốt nhang gần nơi có người đang ngủ, nằm nghỉ.

Chọn nhang có thời gian cháy ngắn: cháy trong vòng một phút hoặc ít hơn là tốt nhất. Chọn mua nhang của cơ sở sản xuất có thương hiệu. Dập tắt nhang sau khi sử dụng, không nên để cháy đến tàn.

Tránh mua nhang có mùi thơm quá dày: nhang càng thơm, nguy cơ ngộ độc càng cao. Trong những dịp đặc biệt, chỉ nên thắp từ một đến ba cây nhang/ngày.

ThS.BS Võ Thị Thu
Giảng viên bộ môn đông y,
Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam


Nguồn:
Nghi ngút khói nhang: rước bệnh vô người


26/1/11

KHI NGƯỜI ĐÀN BÀ GHEN...



THI AN

Dọn phòng ngủ tôi mới biết anh quên điện thoại. Vợ chồng tôi có quy ước ngầm là không bao giờ được kiểm tra điện thoại của nhau. Nhưng cả tháng nay, hình như linh tính đàn bà mách bảo chồng mình “đang có vấn đề”, nên không cưỡng được sự tò mò, tôi khởi động máy thì thấy có tin nhắn: “Hai hôm rồi không gặp, em nhớ anh thắt ruột. Anh cũng vậy, phải không cưng?”.

Đã sống với nhau mười mấy năm, tôi chưa bao giờ nghi ngờ anh có quan hệ trên mức thông thường với bất cứ phụ nữ nào, nên nội dung tin nhắn này làm tôi hơi choáng váng. Câu chữ trong tin nhắn rõ ràng không phải trêu đùa, mà hàm chứa yêu đương tha thiết.

Tác giả tin nhắn là một phụ nữ chồng con đề huề mà vẫn có tình cảm “ngoài luồng” hay là cô gái non tơ muốn cặp bồ tạm thời để giải quyết sinh lý và thỏa mãn ăn diện, thật khó biết.

Do đã đọc đâu đó một tài liệu nghiên cứu về giới, các nhà khoa học cho rằng, đàn bà ghen phần lớn là do phòng vệ từ xa, đó là tính ghen của phái yếu, nên nghĩ mình “cảnh giác” quá thừa mà lo lắng những chuyện không đâu, nhưng nghĩ lại, không phải vậy, vì tôi tin vào cảm quan của bản thân.

Tự dưng tôi nhớ lại, mấy tháng trước, chồng tôi yêu cầu trước khi đi ngủ phải tắt nguồn điện thoại. Nghĩ cũng phải, vì như thế khỏi bị thức giấc bởi một cuộc gọi hay một tin nhắn không cần thiết, có khi là tin nhắn rác, và nhất là để tránh bị quấy rầy những khi đang mặn nồng, vì thế tôi không hề nghi ngờ sự không chung thủy của anh.

Tôi lại nhớ đến tài liệu nghiên cứu về giới, rằng, người vợ đừng tin vào việc chồng đáp ứng đủ sinh lý cho mình chứng tỏ anh ta không có người đàn bà thứ hai. Kết luận này quả là đúng, vì chỉ cần nghe tiếng thở dài của chồng là tôi biết sự miễn cưỡng của anh.

Và mấy tháng qua, đã nhiều lần anh thường thở dài như thế. Tôi cũng biết rằng, đàn ông đam mê tình dục, còn đàn bà thì tôn thờ tình yêu, như tôi đã tôn thờ tình yêu của tôi đối với anh.

Tôi có thể tha thứ cho chồng nếu đôi khi anh “vui vẻ” với ai đó nhưng vẫn yêu vợ, bởi đàn ông khác hẳn đàn bà, khi không còn yêu chồng họ mới ăn ngủ với người khác.

Xâu chuỗi mọi sự kiện và suy nghĩ ấy, tôi bình tĩnh trở lại và nhắn tin cho “đối phương”: “Chị cám ơn em đã thăm hỏi đến chồng chị. Chuyện nhớ nhung là quyền của em, nhưng chồng chị luôn có vợ con bên cạnh, không việc gì phải nhớ người qua đường”.

Tối hôm ấy anh gọi điện thoại bàn nói với tôi là nhậu say quá, về sợ không an toàn, phải ngủ lại nhà bạn. Tôi biết đó là cái cớ để anh “nói chuyện” với “tình yêu ngoài luồng”, nên im lặng. Rõ ràng tin nhắn của tôi đã tác động đến người đàn bà ấy và tôi không thể không “rộng lượng” để họ gặp nhau vì biết đâu là lần cuối.

Dù vậy, tôi cũng nhắn tin cho ba người bạn, cũng là đối tác kinh doanh thân nhất của gia đình chúng tôi, nơi thi thoảng anh ngủ lại vì say, vì một hợp đồng kinh tế nào đó cần thảo luận kỹ.

Tôi cũng không bất ngờ khi cả ba người bạn ấy trả lời tin nhắn có nội dung na ná nhau: Yên tâm, thằng chồng yêu quý của em nó xỉn nên ngủ lại nhà anh. Đàn ông ma mãnh thế đấy, vậy mà đàn bà không thể thiếu họ, ít nhất là với tôi!

Tối hôm sau anh về, tôi biết anh cố tỏ ra bình thản như chưa có chuyện gì xảy ra, và chắc anh cũng nhận ra thái độ không bình thường của tôi dù vẫn dịu dàng như mọi khi. Tôi cũng không xóa hai tin nhắn như vừa kể, cũng là một cách cảnh báo anh về mối quan hệ kia.

Lúc này mà tra hỏi hay khuyên nhũ anh điều gì đều không có tác dụng, nếu anh còn quyến luyến với người đàn bà mà tôi không muốn gặp, cũng không muốn biết tên. Người ta thường nói, có hai loại người không nghe lời khuyên, một là người đang say rượu, hai là người đang say tình.

Mấy tháng sau, trong khi tôi gần như quên cái tin nhắn làm mình mỏi mệt ấy, thì một người bà con làm cùng công ty với anh bảo tôi phải tìm cách giữ chồng, vì biết chắc anh và cô chánh văn phòng có tình riêng.

Người bà con ấy là mẫu đàn ông nhiều phụ nữ mê: mạnh mẽ, quyết đoán, cẩn trọng, đã 45 tuổi nhưng chưa hề có “tai tiếng” ái tình, vì thế tôi tin đó là tin chính xác.

Lần này thì tôi không dùng điện thoại để “cảnh báo tình địch” mà muốn “bắt tại trận”, nên một buổi trưa, tôi đột ngột xuất hiện nơi công ty anh.

Anh không có mặt trong phòng làm việc, mấy nhân viên văn phòng tiếp tôi rất niềm nở, mời ngồi, mời nước, thay nhau nói tốt về anh - nói tốt một cách vô tư chứ không tỏ ra nịnh nọt phu nhân của sếp.

Tôi khéo léo hỏi dò nhân sự trong văn phòng, các cô kể đâu ra đó, nhưng khi hỏi người phụ trách văn phòng, họ lại nhìn nhau, tỏ thái độ cảnh giác. Tôi nghĩ, sếp của họ có uy tín thế nào thì nhân viên mới nói tốt như thế và tỏ ra bảo vệ như thế.

Tôi đến văn phòng là muốn tận mắt thấy người phụ nữ mà anh gian díu để có cách giữ chồng chứ không có ý định đánh ghen, bởi đánh ghen không giải quyết được vấn đề gì, lại thường dẫn đến ly dị, mà tôi thì còn yêu anh, lại không muốn hai con thiếu cha hoặc mẹ.

Sau khi trò chuyện với các nhân viên của anh, tôi càng muốn anh chấm dứt quan hệ với cô chánh văn phòng, cũng chính là tác giả tin nhắn nhớ nhung mấy tháng trước, như khẳng định của ông anh bà con.

Không cho anh biết, tôi mời “tình địch” ra một quán cà phê có không gian thơ mộng. Cũng không rào trước đón sau, tôi nói thẳng: Chị biết cái tin nhắn trước đây là của em và cũng biết em và chồng chị ít gặp nhau hơn, kín đáo hơn, nhưng chưa buông nhau ra được.

Khi có chồng, có con, em sẽ hiểu thấu tâm trạng của chị bây giờ. Chị ghen nhưng không đánh ghen vì chị hiểu nhu cầu tình cảm của con người. Chị chờ quyết định của em...

Nhẹ nhàng thế mà tôi giữ được anh, giữ cho hai con không phải chứng kiến cảnh cha mẹ ra tòa rồi mỗi người một nơi, gia đình tan nát. Vì thế mà tôi kể lại chuyện này với hy vọng, ai rơi vào hoàn cảnh như tôi thì có thể “tham khảo” cách giải quyết.

Nguồn:
Khéo ghen



25/1/11

MIKHAIL GORBACHEV. CẢI TỔ


Một cuộc triển lãm ảnh có tên "Mikhail Gorbachev. Cải tổ" đã được khai mạc ngày hôm nay tại Mátxcơva (Nga) nhân dịp vị cựu tổng thống đầu tiên và duy nhất của Liên Xô sắp tròn 80 tuổi (ảnh). Cuộc triển lãm trưng bày 300 bức ảnh được chụp chủ yếu từ năm 1985 đến năm 1991 (từ khi bắt đầu cải tổ cho đến khi Liên Xô tan rã). Đây là những tác phẩm do các nhiếp ảnh gia nổi tiếng thời đó thực hiện.

Xem triển lãm, người ta có thể thấy khoảng thời gian 6 năm cải tổ đã biến Liên Xô từ một quốc gia hùng mạnh trở nên tan hoang và chia thành 15 nước: kinh tế kiệt quệ, người dân rơi vào cảnh lầm than, mọi giá trị đảo lộn kéo theo những hậu quả mà không một người dân Xôviết nào ngờ tới.

Lịch sử đã lùi xa. Nước Nga sau 20 năm Liên Xô tan rã đã hồi phục được phần nào. Người dân Nga giờ đây nhìn nhận cải tổ một cách bình tĩnh hơn, tỉnh táo hơn. Nhưng những khó khăn và cay đắng mà họ phải gánh chịu trong thời gian đó có lẽ vẫn là vết hằn sâu trong ký ức.

Thanh niên Mátxcơva năm 1988. Ảnh: Igor Mukhin.

Cuộc viếng thăm của tổng thống. Ảnh: Yuri Rost

Dubosekovo, tỉnh Mátxcơva, 8.5.1994. Ảnh: Valeri Shekoldin

Sau cuộc diễu hành Ngày Quốc tế Lao động 1.5, Syktyvar, 1987.
Ảnh: Sergei Zinovev


Những tâm trạng khi hay tin bãi bỏ điều 6 Hiến pháp Liên Xô, tháng 2.1990.
Ảnh: Viktor Akhlomov

"Hãy nêu sáng kiến...", Mátxcơva, 1987. Ảnh: Sergei Borisov

Chụp ảnh cho tạp chí Playboy, Mátxcơva, 1989. Ảnh: Alexander Borodulin

Vilnius, thủ đô CH Litva, 1990. Ảnh: Pavel Kassin

Đăng ký mua thịt, 1990. Ảnh: Pavel Kassin

Bên quầy bán báo "Tin tức Mạc tư khoa", Mátxcơva, 1990. Ảnh: Pavel Kassin

Leningrad, 1986. Ảnh: Igor Mukhin

Bên "Ngọn lửa vĩnh cửu", Mátxcơva, 1985. Ảnh: Dmitri Baltermans

Mikhail Gorbachev đi dạo cùng Ronald Regan trong khuôn viên Nhà Trắng, Washington 1987.
Ảnh: Dmitri Baltermans

Mikhail Gorbachev là nhà lãnh đạo Liên Xô đầu tiên đưa vợ (bà Raisa Gorbacheva) theo trong các chuyến công du nước ngoài.

Mikhail Gorbachev, 2009. Ảnh: A. Trukhachev




24/1/11

TÔI LÀ CÔ ĐƠN



Trời trao cho tôi trái tim của bạn
Khi nào bạn cảm thấy cô đơn
Hãy đến với tôi đừng ngần ngại.
Tôi vẫn đi cùng bạn trên đường
Dẫu không thể nắm tay cùng bạn
Bạn ơi, tôi là CÔ ĐƠN!

Thơ Alfred de Musset


23/1/11

TẾT THA HƯƠNG


Tôi đánh cụm từ "Tết tha hương" vào máy tìm kiếm Google, trong nháy mắt nó đã liệt kê vô số trang có cụm từ này. Trong số đó, có khá nhiều bài thơ. Đương nhiên, xuân về tết đến nơi đất khách quê người ai mà chẳng có chút chạnh lòng, bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm nơi cố quốc. Trong mỗi bài thơ đều lấp lánh nỗi buồn của những người con xa quê.

Chép ra đây vài bài và mong mọi người chia sẻ những tâm sự của mình nếu đã một lần đón tết tha hương...

QUỲNH CHI

Tết đến tha hương tưởng hững hờ
Lòng còn rung mãi những đường tơ
Thanh âm ngày cũ còn vang vọng
Pháo nổ dòn trống giục gần xa

Tết đến nơi đây tuyết trắng loà
Nhắc bao mộng ước thuở xa xưa
Viết lên trang giấy đầu năm mới
Tâm hồn trong trắng những ngày thơ

Tết đến vườn sau mới nở hoa
Lạp mai thay hoa tết quê nhà
Cánh hoa trong suốt hương thầm kín
Mộng đầu xuân e ấp lòng hoa

Tay nhẹ xoa từng hạt nếp ngà
Bánh chưng mới gói nấu đêm qua
Không mứt, sẵn quả khô: hồng, táo
Đơn sơ lễ mọn một bình hoa

Tết đến nơi đây chẳng mọi nhà
Âm thầm đón tết chỉ riêng ta
Trầm hương nhè nhẹ lan theo gió
Thoảng đưa về hương tết ngày qua

(1/2006)


ĐÀO NGUYÊN

Gặp buổi xuân về lại ở xa

Đêm ngày mong mỏi cõi sơn hà
Phương trời đen nọ mây còn vẩn

Mái tóc xanh này tuyết đã pha

Ngao ngán quê người đau dạ trẻ

Bâng khuâng đất khách xót gan già
Xuân này tạm biệt nơi quê cũ
Chờ mấy xuân sau trở lại nhà
.

VIÊN PHƯƠNG
Tết đến rồi ư, ở xứ người,
Năm cùng tháng tận, có gì vui,

Nhìn về đất mẹ, nghe chua xót,

Ngoảnh lại quê cha, luống ngậm ngùi,


Tết ở quê người, đến giữa Đông,

Chẳng thấy cây nêu, xác pháo hồng,

Chỉ thấy bốn bề đầy tuyết trắng,

Trắng đồi, trắng núi, trắng ngàn thông.


Tết đến sao mà, chẳng thấy xuân?

Nhìn qua song cửa tuyết đầy sân,

Cây đào hôm trước cành không lá,

Giờ đã long lanh, tuyết trắng ngần.


Tết đến rồi sao? Xuân ở đâu?

Ngàn cây sao chửa thấy xanh màu,
Chỉ nghe buốt lạnh và sương tuyết,

Chỉ thấy thương quê, nhớ nghẹn ngào.

MINH TUẤN

Xuân đã về rồi có phải không
Mà sao tuyết trắng vẫn phơi đồng
Bầu trời gió lạnh còn vương vấn
Tết chốn quê xa… Lệ thấm lòng.

Cũng bánh chưng xanh với kiệu hành
Rượu hồng pháo đỏ với treo tranh
Mai đào quất bưởi bày mâm tết
Sao vẫn buồn lan …Bởi cội cành.

Xuân đến quê cha ngập nắng vàng
Hoa tươi bướm lượn gió thênh thang
Ngoài đường thiên hạ vang câu chúc
Một bóng nhà ta …Thở khẽ khàng .

Hương bay gió thả ngát tình xuân
Buồn trái tim côi mặc chẳng cần
Xuân đến xuân đi năm một lượt
Vui gì thêm tuổi nặng thêm chân.

Thôi đành ngồi ngắm bóng xuân qua
Như thấy quê hương với nước nhà
Chén rượu chào xuân mình chúc bóng
Bánh chưng trao vị tết ông bà .



 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết