15/1/11

HVOROSTOVSKY - ĐI TỚI, HÁT VÀ GIÀNH CHIẾN THẮNG



LƯƠNG VŨ HẢI

Vào một ngày mùa đông bình thường ở Siberia những năm 80 của thế kỉ trước, một ngôi sao opera, giọng baritone mới 22 tuổi, Dmitri Hvorostovsky đã biểu diễn hàng giờ liền tại một nhà máy bánh mì ở ngay chính thành phố quê hương anh – Krasnoyarsk trong nhiệt độ dưới 0. Sau bức màn sân khấu đơn sơ trong một phòng biểu diễn giá lạnh, không có cả lò sưởi, từng hơi thở cuộn lên thành những đám mây nhỏ, Hvorostovsky, bạn diễn và những nhạc công biểu diễn hàng chục trích đoạn, aria của Peter Ilyich Tchaikovsky, Giuseppe Verdi, Vincenzo Bellini… một cách say sưa đến mức không nghệ sĩ nào nhận ra rằng, hầu hết khán giả đều khóc.

Gần 20 năm sau, giữa nhà hát sang trọng, Metropolitan Opera, New York ở độ tuổi 40 và là một trong những giọng baritone xuất sắc nhất thế hệ này, Hvorostovsky đã hồi tưởng lại buổi biểu diễn năm xưa – buổi biểu diễn đáng nhớ nhất đối với anh trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật: “Những người đàn ông và phụ nữ ngồi trong khán phòng với những đôi ủng nặng nề, những chiếc áo lông thú dày cộp, họ là những người còn chưa bao giờ biết đến âm nhạc Verdi, nhưng những giọt nước mắt của họ thực sự là món quà quý giá nhất đối với tôi, còn hơn hết thảy những tràng pháo tay cổ vũ mà tôi đã từng nhận được. Liệu có nơi nào ngoài nước Nga này, cả một nhà máy ngừng làm việc giữa ngày chỉ để đến với một buổi hòa nhạc cổ điển?”


Dmitri Hvorostovsky sinh ngày 16 tháng 10 năm 1962 tại Krasnoyarsk, thuộc Siberia, Liên Xô (nay là Liên bang Nga) trong một gia đình hầu như không có truyền thống về nghệ thuật. Cha Dmitri, ông Alexandre Hvorostovsky là kĩ sư, còn mẹ bà Ludmila Hvorostovsky, là một bác sĩ phụ sản. Ông bà Hvorostovsky rất bận bịu, có rất ít thời gian gần gũi con trai. Dima (tên thuở nhỏ mà mọi người vẫn hay gọi Dmitri, ngay cả đến sau này), trải qua thời thơ ấu và trưởng thành trong vòng tay của bà ngoại, người phải hứng chịu bao nỗi đau đớn khi từng người thân trong gia đình ra đi trong suốt thời kì chiến tranh vệ quốc, nên ngay từ khi mới ngoài 20 đã bạc đầu.

Dmitri bắt đầu học nhạc khi mới 7 tuổi tại quê hương Krasnoyask nằm trên hai bờ sông Yenisey. Chính vì vị trí địa lí xa xôi, thời tiết khắc nghiệt, nên dù Krasnoyask cũng là một thành phố công nghiệp phát triển nhưng rất ít người ngoài đặt chân đến Siberia, như lời Dmitri: “Tất cả những người lạ từ nơi khác đến đều trông như người Sao Hỏa”. Tuy vậy, thời ấy, chính quyền Xôviết rất quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân vùng đất xa xôi này. Dmitri luôn trân trọng khoảng thời gian được sống, được học, được phát triển một cách toàn diện dù ở một nơi như thế: “Chính quyền Xôviết cho phép bạn được học hành đầy đủ từ A đến Z mà không phải trả một xu lẻ nào… Có một câu khẩu hiệu thế này vào những năm cuối thập niên 1970: “Hãy mang văn hóa đến với người dân Siberia” và rất nhiều tiền được đầu tư để xây dựng nhà hát, nhạc viện. Tôi chẳng thể phàn nàn được điều gì, thậm chí tôi cũng chẳng phải đi đâu xa để tiếp tục học nhạc”.

Nếu như bà ngoại là người ảnh hưởng nhất đến tính cách và thế giới tâm hồn của Dmitri thì cha anh, ông Alexandre lại là người đầu tiên hướng Dmitri vào con đường nghệ thuật. Ông là một người rất đam mê âm nhạc, ông từng có mơ ước cháy bỏng được trở thành một nghệ sĩ biểu diễn, nhưng cuộc sống đã đưa ông đến với nghề kĩ sư. Chính vì điều đó, ông muốn Dmitri sẽ trở thành một nghệ sĩ piano tài năng. Dù vậy, cậu bé Dima ngỗ nghịch, cứng đầu chẳng tỏ ra chút gì có năng khiếu cũng như đam mê với nghệ thuật. Thậm chí sau khi tốt nghiệp cấp 2 trường nhạc, Dmitri còn thường xuyên giao du với những thanh niên đường phố hư hỏng, đánh nhau, gây gổ. Cậu “bắt đầu biết uống Vodka từ năm 13 tuổi, còn mũi thì hàng tá lần bị gãy” sau những trận đánh nhau và tụ tập.

Thứ gần gũi với nghệ thuật nhất đối với Dmitri lúc ấy là những bản nhạc Jazz, Rock nổi loạn của những nghệ sĩ như Louis Amstrong, Freddie Mecury hay Led Zeppelin, Deep Purple… Năm 16 tuổi, Dmitri được bố khuyên vào trường Cao đẳng sư phạm Krasnoyarsk, học về chỉ huy hợp xướng. Trong thời gian tiếp xúc và hướng dẫn các bạn trong đội hợp xướng, Dmitri khám phá ra giọng hát bẩm sinh của mình, giờ đây, Dmitri đã biết mình cần phải theo đuổi cái gì.

Sau khi tốt nghiệp về chỉ huy hợp xướng, Dmitri quyết định thi vào Học viện Nghệ thuật Krasnoyarsk chuyên ngành thanh nhạc dưới sự hướng dẫn của giáo sư giàu kinh nghiệm Ekaterina Yoffel - một giảng viên tận tụy và có kiến thức uyên bác, hơn nữa bà còn là một người “mạnh mẽ, độc đoán, nghiêm khắc đến cay nghiệt, luôn tỏ ra hoài nghi nhưng lại rất chân thành”. Lúc mới học, Dmitri bộc lộ một giọng tenor vang, dày, nhưng càng học, âm vực lại càng mở rộng về khu trung, trầm, Yoffel quyết định hướng Dmitri sang giọng baritone trữ tình. Bà cũng là người dạy Dmitri những kiến thức cơ bản và khoa học nhất về nghệ thuật sử dụng và điều phối hơi thở, cũng như việc phát triển cơ hoành và lồng ngực.

Dmitri rất tự tin ở thế mạnh này, chỉ với một hơi thở căng đầy, cơ hoành của anh khỏe đến mức có thể đẩy lùi cả một chiếc piano cỡ lớn dọc căn phòng, điều khiến chúng ta liên tưởng đến huyền thoại Enrico Caruso. Dmitri nói: “Yoffel dạy tôi không chỉ sử dụng cái đầu trong ca hát mà phải bằng cả trái tim. Với bà, mỗi một nốt nhạc đều biểu lộ một điều gì đó”. Dmitri luôn thể hiện vai diễn với những cảm xúc mãnh liệt nhất, điều này anh được học từ chính Yoffel, bà chịu ảnh hưởng phương pháp diễn xuất của đạo diễn sân khấu Liên Xô tài năng Stanislavsky. Với mỗi lần tổng duyệt trong các vở opera bi kịch của Verdi, Tchaikovsky, Dmitri đều phải cố gắng, tự kiềm chế bản thân để ngăn những giọt nước mắt xúc cảm, và truyền những cảm xúc ấy vào những đoạn nhạc đẹp đẽ mà vẫn đúng kĩ thuật”.


Có một điều mà Yoffel không thể truyền đạt được cho Dmitri, đó là nghệ thuật hát theo truyền thống Bel canto Ý, nghệ thuật hát đòi hỏi những kĩ thuật chạy nốt, lướt nốt hoa mĩ, biến ảo, kĩ năng nhả chữ hiệu quả trong những đoạn nhạc phong phú, đề cao âm nhạc và âm thanh hoàn hảo của giọng hát. Phong cách Bel canto dường như bị thất sủng ở Liên Xô trong thời kì Stalin vì có ý kiến cho rằng nó mang nhiều tính chất nguy hiểm của “chủ nghĩa thế giới” và ngay chính một giảng viên tài năng với kiến thức uyên bác như Yoffel cũng không nắm rõ điểm mấu chốt của phương pháp luyên tập bel canto.

Chính Dmitri đã tự khám phá và tìm tòi để chinh phục mảng âm nhạc hấp dẫn và rất được yêu thích trên thế giới này. Thật may mắn, Dmitri tìm gặp được một người đàn ông già và có vẻ lập dị trong thị trấn ở Krasnoyarsk. Ông ta là một người hâm mộ opera một cách cuồng nhiệt, sống trong một căn hộ một phòng, chất đầy đĩa nhạc opera đến nỗi “không còn chỗ để đứng hay ngồi”. Từ đây, Dmitri đã biết đến và học hỏi miệt mài ở những nghệ sĩ tài năng của Ý như Mattia Battistini, Giuseppe de Luca, Ettore Bastianini và đặc biệt là giọng baritone người Armenia - Pavel Lisitsian, người hiếm hoi theo đuổi phong cách hát bel canto tại Liên Xô. Lisitsian là người mà Dmitri coi là thần tượng thực sự của mình trong suốt cuộc đời.

Sau khi tốt nghiệp, Dmitri tham gia nhà hát Opera Krasnoyarsk và tham gia hàng loạt các cuộc thi thanh nhạc uy tín trong và ngoài nước và đều giành được giải nhất. Đặc biệt năm 1989 dưới sự tiến cử của Irina Arkhipova, Dmitri đã tham gia cuộc thi thanh nhạc cổ điển danh tiếng nhất thế giới lúc này “Cardiff – singer of the world”. Times đã giành cho anh những lời có cánh: “Đi tới, hát, giành chiến thắng”. Trên thực tế, không phải dễ dàng mà Dmitri có thể giành được giải thưởng lớn. Năm ấy, tham gia Cardiff cũng có 1 giọng bass-baritone cao lớn trẻ tuổi đến từ Welsh, Bryn Terfel. Cuộc chạm trán đầu tiên của họ hầu như không thể quên được đối với họ cũng như đối với những thính giả, nó đã được miêu tả là “Cuộc chiến của những Baritone”.


“Cả hai chúng tôi đều còn rất trẻ và đầy sức sống”, Hvorostovsky mỉm cười thuật lại, “Tôi lớn hơn Bryn vài tuổi và tôi vừa thắng hai cuộc thi quan trọng, tại Nga và tại Pháp. Tôi đến với Cardiff và không bao giờ hồ nghi rằng tôi sắp sửa chiến thắng. Rắc rối ở chỗ tôi đã không có một cái áo đuôi tôm, do đó tôi đã mượn tiền để mua cho mình một bộ đổi lấy số tiền tôi mong sẽ có khi thắng giải nhất!... Cho đến một ít phút trước khi tôi phải hát vòng chung kết, khi tôi nghe giọng ca khỏe mạnh của Bryn và nhìn thấy phản ứng của khán giả. Tôi nghĩ. Ồ không! Thôi rồi, có lẽ mình chỉ đạt hạng 3 thôi… Bryn thực sự tỏa sáng, giọng đẹp và nhả chữ thật tuyệt vời, những điều này hầu như hạ gục tôi. Nhưng Verdi đã mang chiến thắng cho tôi. Tôi đã hát cảnh cái chết của Rodrigo trong Don Carlo, nó đã trở thành thương hiệu của tôi hai năm trước".

Hvorostovsky đã đoạt giải thưởng lớn và BGK đành phải thêm hạng mục “ca sĩ hát thính phòng hay nhất” cho Bryn Terfel như một giải thưởng an ủi.


Từ sau chiến thắng vinh quang tại cuộc thi, con đường nghệ thuật rộng thênh thang mở ra trước mắt anh. Dmitri Hvorostovsky, giọng baritone vô danh đến từ Siberia xa xôi, chỉ sau một đêm đã được các hãng thu âm uy tín rào đón, được mời hát ở hầu hết tất cả những nhà hát opera nổi tiếng của thế giới. Ngoài ra, anh còn liên tiếp được phong tặng danh hiệu, giải thưởng tại quê hương như: Nghệ sĩ công huân vào năm 1990, giải thưởng Quốc gia năm 1991, nghệ sĩ Nhân dân của Liên bang Nga vào năm 1995.



Với thế mạnh là giọng baritone trữ tình dày, đẹp, kĩ thuật hoàn hảo, khả năng diễn xuất tinh tế, giàu cảm xúc và một ngoại hình cuốn hút sân khấu, trong dáng vẻ vạm vỡ, khuôn mặt điển trai cùng mái tóc bạch kim lãng tử, Dmitri đã chinh phúc khán giả ở tất cả những nhà hát danh tiếng nhất thế giới với hơn 30 vai diễn trong opera Tchaikovsky, Sergei Profokiev, Wolfgang Amadeus Mozart, Rossini… và đặc biệt là Verdi như Onegin (Eugene Onegin), Công tước Andrei (War and Pearce), Figaro (Il barbiere di Siviglia), Don Giovanni và Leporello (Don Giovanni), Figaro (Le nozze di Figaro), Rodrigo (Don Carlo), Renato (Un ballo in maschera), Francesco (I Masnadieri), Germon (La Traviata), Rigoletto (Rigoletto)...

Từ năm 1989, khán giả của các nhà hát opera danh tiếng đã được thưởng thức giọng ca tuyệt đẹp của Hvorostovsky. Những chuyến lưu diễn dài trên thế giới từ Royal Convent Garden, Teatro alla Scala, Bavarian State Opera, Berlin State Opera, Vienna State Opera, Teatro Colon… dần khẳng định tên tuổi và vị trí của Hvorostovsky trên sân khấu opera quốc tế - một trong những giọng baritone trẻ tài năng nhất trong những năm cuối cùng của thế kỉ và dường như không có đối thủ trong những vai diễn opera Verdi.

Không chỉ với opera, Hvorostovsky cũng rất quan tâm đến mảng âm nhạc thính phòng. Từ những romance, ca khúc nghệ thuật của Maurice Ravel, Georges Bizet cho đến những tác phẩm của những nhà soạn nhạc dân tộc như Tchaikovsky, Anton Rubinstein, Sergei Rachmaninov, Alexander Borodin, Modest Mussorgsky… và đặc biệt là Gyorgy Svidrov – nhà soạn nhạc Nga hiện đại mà Hvorostovsky luôn ca ngợi là “học trò xuất sắc nhất của Dmitri Shostakovich”.


Theo nhận xét của Valery Gergev: “Dmitri thực sự được trưởng thành từ nền văn hóa Nga, được nuôi dưỡng từ nguồn vitamin dồi dào của Nga. Nó giống như những cầu thủ bóng đá Brazil thi đấu trong những câu lạc bộ của Milan, họ không trở thành người Ý mà luôn giữ trong mình chất Brazil mỗi khi chơi bóng”. Hvorostovsky luôn giữ một tình yêu nồng nàn không hề phai nhạt hướng về quê hương Nga yêu dấu, dù ở bất cứ nơi đâu. Bên cạnh những tác phẩm âm nhạc cổ điển, Dmitri còn biểu diễn, thu âm nhiều ca khúc dân ca và đặc biêt là những ca khúc nhạc cách mạng tiêu biểu trong thời kì chiến tranh Vệ quốc. “Kachiusa”, “Chiều hải cảng”, “Chiều Moscow”, “Giờ này anh ở đâu”, “Cánh đồng Nga”… những ca khúc đã gắn liền với một thời kì lịch sử hào hùng và bi tráng của đất nước Nga. 2 album best-seller thu âm những ca khúc cách mạng “Giờ này anh ở đâu”và “Chiều Moscow” nhanh chóng trở thành hiện tượng không chỉ ở Nga và còn được đón nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới. Báo chí Mỹ đã không tiếc lời ca ngợi với những cái tít thật ấn tượng: “Âm nhạc của người Mẹ Nga và baritone của bà”.

Tháng 5 năm 2004, Hvorostovsky trở thành ca sĩ đầu tiên tổ chức một buổi hoà nhạc với dàn nhạc và dàn hợp xướng tại quảng trường Đỏ và được truyền hình trực tiếp đến 25 quốc gia. Năm 2005, dưới lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Hvorostovsky thực hiện một buổi biểu diễn lịch sử trước hàng trăm nghìn người để tưởng niệm những chiến sĩ đã anh dũng hi sinh trong suốt cuộc chiến tranh Vệ quốc.


BONUS:




Nguồn:
Dmitri Hvorostovsky – Đi tới, hát, giành chiến thắng
Tham khảo:
CHIM SƠN CA GIỌNG 5 QUÃNG TÁM
Jose Cura - giọng hát đẹp nhất thế giới



23 comments:

Nặc danh nói...

em có OMBRA MAI FU do anh này ca. ở Châu Âu dạo này có Rusell Watson hát bán cổ điển, cũng đẹp trai như anh này khi trẻ. Em thì phải nhìn coi có đẹp không rồi mới nghe đến hát :-))) Dân không sành nhạc thì như thế đó anh.

An Thảo on lúc 22:29 15 tháng 1, 2011 nói...

Em thích ngôi sao này quá mất rồi. Nhất là những bài hát Nga ông ấy hát.

LU on lúc 22:30 15 tháng 1, 2011 nói...

Bài viết này hay quá, giải thích thật đầy đủ.

Em thì hơi bị già về gout nghe nhạc nên em chỉ thích nhạc cổ điển thôi, sympnony là em khoái chí nhất. Em ko chịu được mấy loại nhạc rock metal la rú, làm ảnh hưởng hệ thần kinh yếu ớt của em, hì hì :))

Em kết nhất Tchaikovsky của Nga. Opera và symphony là những loại hình nghe xong thì ngẫm, chứ ko có cách nào vạch lá tìm sâu chê bai được. Ngẫm để hiểu được nó cũng là một trò chơi thú vị, nó như một cổ máy hoàn thiện rồi.

Nhưng, mê thì mê chứ tới nay em vẫn chưa tìm ra được chìa khóa để mở cửa té vào trong nó. Em chưa biết sẽ nên bắt đầu từ đâu, và cho nó lan rộng ra như thế nào theo ý của mình...nói chung là còn sì-tú-pịt thật sì-tú-pịt.
Hội họa chỉ cần vài năm ngồi chiêm nghiệm ra được chìa khóa của nó nằm ở đâu, còn symphony vẫn đang là cánh rừng chằng chịt ko có lối đi đối với em.

LU on lúc 23:02 15 tháng 1, 2011 nói...

Bài "chiều Matxcocva" cho cảm giác bình yên thật. Em thích bài ở "nơi nào đó xa xôi".

VMC on lúc 23:13 15 tháng 1, 2011 nói...

@HPLT:
Hy vọng là anh này đủ đẹp để em nghe anh ấy hát.

@An Thảo:
Mới có thêm bonus 3 bài tiếng Nga ở cuối.

VMC on lúc 23:15 15 tháng 1, 2011 nói...

@LU:
Nghe Tchaikovsky, Shostakovich, Drovak đi.
"Ở nơi nào đó xa xôi" là bài hát chủ đề trong bộ phim truyền hình nhiều tập "17 khoảnh khắc mùa xuân".

LU on lúc 23:21 15 tháng 1, 2011 nói...

Drovak em nghe rồi, chỉ có Shostakovich là chưa nghe. Để em nghe thử xem sao.

An Thảo on lúc 23:34 15 tháng 1, 2011 nói...

Bài Chiều Mat thật tuyệt vời.
À, nhân tiện em nói nhỏ là em vẫn nhớ nguyên văn bài Natali hồi xưa ông bạn K17 dạy cho lớp K18 của em.

VMC on lúc 00:01 16 tháng 1, 2011 nói...

@An Thảo:

Vừa lục trên Net ra lời bài hát Natali như thế này. Nhưng hát thì quên tiệt, chỉ nhớ giai điệu của hai câu điệp khúc:

Думалось мне, что нет любви,
Что не влюблюсь я никогда.
Но, повстречался с Натали –
Покой забыл я навсегда.

Натали, Натали -
Я горю от любви,
Натали, лишь тобой я живу.
Натали, Натали –
Мне нужна только ты,
Тебя люблю и о тебе пою.

Если расстанемся с тобой,
Если меня разлюбишь ты.
Мне не найти такой другой,
Такой же милой Натали.

Натали, Натали -
Я горю от любви,
Натали, лишь тобой я живу.
Натали, Натали –
Мне нужна только ты,
Тебя люблю и о тебе пою.

Натали, Натали -
Я горю от любви,
Натали, лишь тобой я живу.
Натали, Натали –
Мне нужна только ты,
Тебя люблю и о тебе пою.

Натали, Натали -
Я горю от любви,
Натали, лишь тобой я живу.
Натали, Натали –
Мне нужна только ты,
Тебя люблю и о тебе пою.

Тебя люблю и о тебе пою.

Nặc danh nói...

Thật ra thì cái vụ dùng cơ hoành đẩy được chiếc piano thì là một trò khá phổ biến trong giới ca sĩ opera anh VMC ạ. Có thể nó ấn tượng với công chúng rộng rãi, nhưng dùng nó để so sánh với Caruso thì mình cứ thấy sao sao ấy...

Với lại, Cura mà anh khen là giọng hát đẹp nhất thế giới thì quá không ổn. Anh chỉ cần so sánh với Jonas Kaufmann thôi, cũng thấy Cura hát thô hơn nhiều.

LU on lúc 05:27 16 tháng 1, 2011 nói...

Anh ơi, nghe thử bài Jazz Suite No. 2: VI. Waltz 2 - Part 6/8 của Shostakovich đi, hay cực.

http://www.youtube.com/watch?v=ZYhZVqODYsI

phulangsa on lúc 06:07 16 tháng 1, 2011 nói...

Cảm ơn anh VMC vì đã giới thiệu những bản nhạc hay quá !

An Thảo on lúc 08:23 16 tháng 1, 2011 nói...

Dài quá :D

Hoá ra em thuộc trọn vẹn đoạn một và điệp khúc anh ạ. Để luyện lại đoạn còn lại. Hôm nào off chắc chắn thử được phần đầu rồi. Lời của thời đó mà giờ vẫn thấy hiện đại ghê.

Titi on lúc 10:34 16 tháng 1, 2011 nói...

Nga nhiều nghệ sĩ tuyệt vời lém.

Nhưng hồi học trong trường em chỉ để ý mảng khí nhạc, thanh nhạc bị xếp xó đến tận khi ra trường. Hì... giờ thì lại toàn nghe thanh nhạc vì nghề nghiệp đương cần.

Đồng chí H này có âm vực giọng rất rộng. Trong nghề gọi là Bariton pha Tenor màu sắc . Riêng trong mấy clip anh đưa lên đây, em thích những bài H hát giọng Tenor màu sắc hơn. Giọng Bariton thích hợp với các vở nhạc kịch hơn là trình diễn với dàn nhạc. Lúc đó, nghe và xem bổ trợ cho nhau, sức mạnh của giọng Bariton mới thực sự phát huy tác dụng mà không bí bức trong cổ họng của diễn viên ...khi bị đứng im. He he....

Titi on lúc 11:58 16 tháng 1, 2011 nói...

Nhìn nghệ sĩ lớn biểu diễn thích thật. Từ ánh mắt đến ngôn ngữ cơ thể đều hòa quện với âm nhạc sâu sắc. Ở VN chưa ai đạt được kỹ năng biểu diễn như thế, từ nhạc trẻ đến nhạc già, hic...
May ra, trong nghệ thuật biểu diễn truyền thống, nhạc dân tộc ngày nay còn có bà Hà thị Cầu là người giữ được phong thái giản dị, ung dung xen lẫn kiêu bạc của một bậc danh ca có chất giọng vàng, vạn người nghe vạn người say :-D

Lana on lúc 20:27 16 tháng 1, 2011 nói...

VMC ơi trong 17 khoảnh khắc mùa xuân còn một số bài khác nữa đúng không ạ? Lana nghe bài "Где-То Далеко" còn không quen bằng "Мгновения".

VMC on lúc 23:02 16 tháng 1, 2011 nói...

@Lana:
Trí nhớ của Lana rất tốt. Có thể nghe cả hai bài qua giọng hát của Yosif Kobzon trong đường link dưới đây.

http://www.youtube.com/watch?v=j5HuQEKcggI

MC3 on lúc 23:38 16 tháng 1, 2011 nói...

Hvorostovsky hát cũng ngang VMC thôi. Còn bảnh giai chưa chắc bằng VMC.

VMC on lúc 23:52 16 tháng 1, 2011 nói...

@MC3:
Cảm ơn những lời an ủi của MC3. Mình có độ 20% tài năng của Hvorostovsky thì chắc là bây giờ sướng nhiều rồi.

Nặc danh nói...

Anh VMC ơi, em có băn khoăn một chút, anh VMC là dân tiếng Nga, sao anh VMC không biên tập lại tên nghệ sĩ là Khvorostovsky cho chuẩn hơn ạ?

VMC on lúc 15:36 17 tháng 1, 2011 nói...

@Nặc danh:
Là bởi vì cả website chính thức của ca sĩ này lẫn Wikipedia đều viết là Hvorostovsky, em ạ.

Lana on lúc 15:56 17 tháng 1, 2011 nói...

@VMC: Lana nghe lại rồi. Đúng là cả hai bài và được biết còn có thêm một số bài khác góp mặt trong một số tập nữa. Lâu quá không coi lại nhưng cứ nghe giai điệu vẫn nhớ cái 'hồn rất Nga' trong 17 khoảnh khắc...
Cảm ơn VMC nhiều.

Nặc danh nói...

Dạ, em "nặc danh" cảm ơn anh VMC.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết