17/1/11

SAO ĐỔI NGÔI



VŨ TIẾN PHÚC

Một người bạn cũ của tôi sống ở Hà Nội, không may bị liệt mấy năm nay đi lại rất khó khăn. Ông nhờ tôi đến thăm một người bạn cùng chiến đấu là ông L., sống tại TPHCM, một cán bộ lão thành lừng danh, đã ngoài 90 tuổi nhưng còn minh mẫn tuy bị điếc nặng.

Vì hoàn cảnh như vậy nên cả hai đều không thể gặp hay nói chuyện qua điện thoại từ nhiều năm nay, bạn tôi muốn tôi tìm đến tận nơi thăm hỏi và thông báo tình hình hai bên. Do không rành đường đi, nên tôi thuê xe ôm đi tìm địa chỉ đã cho.

Đây là khu dân cư đông đúc thuộc một quận ngoại thành, có nhiều đường hẻm ngang dọc chằng chịt, số nhà đánh lung tung rất khó xác định. Loay hoay mãi, chúng tôi mới tìm thấy số nhà, nhưng mừng hụt vì đây không phải là nhà ở, mà là quán chơi game!

Nghĩ bạn mình đã nhớ nhầm số, tôi không truy số nhà nữa mà hỏi ông chủ quán có biết ông L. sống ở quanh đây không, ông ta lắc đầu. Tôi liền giải thích lai lịch ông L., nào là một nhân vật nổi tiếng trong cả hai cuộc kháng chiến, nào là người mà cả trong nước lẫn quốc tế đều biết tiếng khi nhắc đến tên ông… Thế nhưng, ông ta vẫn cứ một mực lắc đầu không biết, tỏ ra ái ngại đã không giúp được gì cho tôi.

Đang định quay ra, tôi sực nhớ một chi tiết, tôi hỏi chủ quán có biết “nhà ông nội của hoa hậu H.?”. Ông chủ quán chưa kịp trả lời, thì bà vợ đã lên tiếng, “Nhà ổng ở cuối đường hẻm phía sau kia kìa!”. Mừng quá, tôi vội cám ơn và bảo xe ôm đi tiếp. Nhưng để tìm được nhà ông L., chúng tôi phải dừng lại để hỏi thêm 2-3 người trong hẻm nữa. Rút kinh nghiệm lần trước, tôi không nhắc đến tên ông L., mà hỏi thẳng “nhà ông nội của hoa hậu H.”, nhờ đó cuối cùng chúng tôi đã tìm thấy nhà ông (bạn tôi đã nói sai số nhà, không phải 18, mà là 76).

Trên đường về, người lái xe ôm nói: “Nghe nói hồi xưa ông này làm lớn lắm, vậy mà ổng sống ở căn nhà quá khiêm tốn, tại khu dân cư lộn xộn như vầy. Cũng nhờ ông này có cô cháu gái nổi tiếng, nên hôm nay chúng ta mới tìm ra nhà ổng, nếu không thì bó tay rồi”.

Tôi đem chuyện này kể với mấy người bạn, thì chẳng có ai ngạc nhiên. Mọi người cho rằng trường hợp như ông L. đâu phải cá biệt, nhiều người trước kia nổi tiếng, nay chẳng còn ai biết đến nếu không nhờ danh tiếng của con cháu. Một người bạn nói, nhắc đến GS. Ngô Bảo Châu, người ta sẽ không hỏi: “Anh ấy là con cháu nhà ai?” (theo kiểu “con ông cháu cha”), mà sẽ hỏi: “Ai là bố mẹ, ông bà nội… của nhà toán học người Việt được giải Fields?” (với hàm ý “con khôn nở mặt cha mẹ ”). Nội dung câu hỏi vẫn thế, chỉ đảo vị trí chủ ngữ, thế mà ý nghĩa khác hẳn.

Vậy nên “sao đổi ngôi” là điều cần thiết. Nếu thành tựu ngày nay là nhờ công lao của các thế hệ trước, thì tương lai của các thế hệ sau sẽ tùy thuộc vào thế hệ hôm nay như thế nào. Nó giống như cuộc chạy tiếp sức, nếu chỉ có người chạy chặng đầu rồi thôi, không có người chạy tiếp theo, thì làm sao tới được đích cuối cùng? “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một đạo lý, nhưng người ta không thể cứ ăn bám mãi vào cây quá khứ, mà phải trồng lên những cây mới.

Nguồn:
Sao đổi ngôi


6 comments:

LU on lúc 23:01 17 tháng 1, 2011 nói...

ha ha, đọc tới câu này em phì cười --> Đang định quay ra, tôi sực nhớ một chi tiết, tôi hỏi chủ quán có biết “nhà ông nội của hoa hậu H.?”. Ông chủ quán chưa kịp trả lời, thì bà vợ đã lên tiếng, “Nhà ổng ở cuối đường hẻm phía sau kia kìa!”. :))

Nhưng đúng là xã hội VN nên bỏ đi cái thói quen "COCC thì ko cần làm gì chỉ dựa bóng ô của cha mẹ" mà ko cần cực khổ phấn đấu. Em đọc bài COCC bên nhà Quê Choa thấy cũng chán cái kiểu này.
Bên Mỹ cũng có đấy, em đang phải vác một mụ "bị thịt" vào team em ăn bám nè. Chán ở chỗ em cũng hèn ko dám từ chối với thèng boss đi gởi gấm người. Thật ra nó đi gởi người mờ cũng xuống giọng, như đi ăn xin tiền lương cho "ái cơ", nên mình ko nổi tính ba gai được.

Một xã hội cứ đời này sang đời kia kéo theo một dàn rờ mọt, dựa bóng cổ thụ của đời trước, thì xã hội đó sẽ nghèo vẫn nghèo, tệ nạn trù dập COCC làm người có tài thật sự sẽ phải điêu đứng. Em, bản thân cũng bị trù dập, vì ko có ô che, nên em ghét lém mấy vụ này.

Thái Anh on lúc 01:31 18 tháng 1, 2011 nói...

Chỉ thích hai đoạn đầu và cuối bài.
Còn lại, thấy bác tác giả cứ... điêu điêu thế nào ấy ạ!

Đỗ on lúc 08:42 18 tháng 1, 2011 nói...

Các bạn cho góp xí:
So sánh vậy không được đúng. Vẻ xinh đẹp của cô cháu nội khg dính gì tới COCC và cũng chẳng dính gì tới chuyện "sao đổi ngôi".
Chắc là bài viết về "Ngài đại sứ" ấy. Đó là một người đáng kính trọng. Ở bác ấy cái gì cũng "lâu", mang hàm "Đại tá" khi phong hàm '54 từ thời Tây, gần 30 năm sau vẫn mang hàm ấy, rồi đại sứ các nơi. Không nói chuyện CT nhưng ông là người có công với nước với dân. Chỉ nghĩ rằng ông ngồi bàn đàm phán Pari 1968 cũng góp bớt phần máu đổ 2 miền. Vậy mà hết quan về dân, ở tại "khu dân cư lộn xộn", "một quận ngoại thành, có nhiều đường ngang dọc chằng chịt, số nhà đánh lung tung". Đáng quý lắm chớ. Quan thời nay có ai?

Titi on lúc 11:52 18 tháng 1, 2011 nói...

Cái này là dĩ nhiên òi, vì thế mà ai cũng thích tuổi trẻ , tuổi của bứt phá và soán ngôi hì...

Lana on lúc 20:17 18 tháng 1, 2011 nói...

Xin mạo muội nói ý này: Bài viết này logic cứ... sao sao ý.
Mặc dù đồng ý với ý tưởng rằng tre già măng mọc nhưng dẫn câu chuyện của một người đáng kính từng ngang dọc không màng danh lợi đã lui về ở ẩn (theo như trong bài và comment của bác Đỗ), rồi dẫn cô cháu gái đạt hoa hậu, để nói "đừng bám mãi vào cây quá khứ, mà phải trồng lên những cây mới" thấy không hợp.

Vả lại, cô cháu gái nếu có thừa hưởng được cái đức, cái ý chí... của ông nội thì mới phù hợp 'thành tựu ngày nay là nhờ công lao của các thế hệ trước'. Chuyện sắc đẹp của cô là một câu chuyện khác nếu không nói là chẳng liên quan.

Nói túm lại, người đọc bình dân như mình đọc tới đọc lui đau hết cả đầu để hiểu bài.

Thuy Dam Minh on lúc 23:11 18 tháng 1, 2011 nói...

Anh thích cái câu này lắm! "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một đạo lý, nhưng người ta không thể cứ ăn bám mãi vào cây quá khứ, mà phải trồng lên những cây mới".

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết