31/8/07

BẦY NGỰA ĐEN DƯỚI CHÂN CẦU THĂNG LONG



Trên đường từ Nội Bài về, qua cầu Thăng Long, nếu để ý sẽ thấy một bầy ngựa đen trước cổng vào bề thế Khu đô thị mới Ciputra Hà Nội.

Bàn về công trình này, có hai luồng ý kiến.

Một vị KTS khá tên tuổi đã gọi công trình này là “khu đô thị mới lớn nhất và triển khai sớm với mục tiêu đột phá, nhằm tạo dựng một diện mạo hiện đại có bản sắc cho Thủ đô”.

Một luồng ý kiến khác nữa thì cho rằng kiến trúc của khu đô thị này vừa kỳ dị như lạc vào một thế giới xa lạ chưa từng thấy ngay cả trong sách vở. Ông gọi công trình này là “áp dụng ngôn ngữ kiến trúc đầy lỗi chính tả”.

Nhưng nghe đâu những căn biệt thự trong khu đô thị này đã bán rất chạy. Mà giá (cũng nghe đâu) thì chát chúa lắm. Em “nghe đâu” vì em ở xa tít. Dzưng mà thằng bạn em nói cỡ lèng mèng như em thì cũng chẳng nên lại gần làm giề. Mồm chó vó ngựa, cái thằng bạn em nó khuyên em như thế.

Em thì rất lơ mơ về kiến trúc, nên không có dám đi sâu hơn về lĩnh vực này.

Nhưng mà em thấy là bác chủ đầu tư quả là đáng nể.

Nếu như mấy cái “nghe đâu” của em là đúng.

Bác ở xa còn tít hơn em.

Bác đến nước em bỏ tiền làm ăn

Ầy dà!

Em đoán mười phần thì có đến chín là bác phải sờ vây thị trường, rồi làm đủ thứ, trước khi bỏ ra một đống tiền xây dựng một công trình hoành tráng ngay cửa ngõ Thủ đô

Và kết quả từ cái “nghe đâu” của em là các bác thắng giòn giã trong cú áp phè nì.

Em sợ các bác thiệt.

Các bác tinh mắt quá.

Các bác thấu triệt tâm can những khách hàng mục tiêu của các bác.

(Em nghi lắm. Em nghi nhiều bác giả vờ khờ khạo để mấy bà, mấy chị làm dịch vụ chặt chém thôi. Nhưng mấy cái khoản đó thì có bõ bèn gì, các bác hỉ)

Cái bầy ngựa đen ấy các bác phù phép thế nào mà em (lại) nghe đâu nó trở thành biểu tượng cho sự hoành tráng, sành điệu… và còn nhiều mỹ từ khác nữa mà lúc này đây em còn chưa kịp nghĩ ra!

Nhìn cách các bác rao hàng mà em thấy tủi. Tủi cho em và cho ai?

(Bài xin từ blog TYPND )

Đôi lời của chủ blog: Tôi thấy cái cổng Brandenburg đứng khá vô duyên ở cửa ngõ vào Hà Nội. Lẽ ra ở đó nên có một cái cổng có dáng vẻ Việt Nam thì phù hợp hơn. Một anh bạn của tôi nói: Mấy con ngựa ở đây nên gọi là nghẽo thì đúng hơn. Tôi thấy anh nói có lý.

30/8/07

GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI 2007



Tám tác phẩm được đề cử Giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội 2007 gồm:

- Văn xuôi: Utopi một miếng để đời, tiểu thuyết của Vũ Bão; Ba người khác, tiểu thuyết của Tô Hoài; Bỗng nhiên có một ngày, tập truyện ngắn của Tô Hải Vân.

- Thơ: Gửi VB, tập thơ của Phan Thị Vàng Anh; Ngày rất dài, tập thơ của Đoàn Mạnh Phương; Thế giới không còn trăng, tập thơ của Nguyễn Trọng Tạo.

- Văn học dịch: Biên niên ký chim vặn dây cót, tiểu thuyết của Haruki Murakami (Nhật Bản), bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng; Hạt cơ bản, tiểu thuyết của Michel Houellebecq (Pháp), bản dịch của Cao Việt Dũng.

Kết quả, ba tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2007:

- Utopi một miếng để đời, tiểu thuyết của Vũ Bão, NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa Đông A, 2007 (tác phẩm được 7/10 phiếu).

- Gửi VB, tập thơ của Phan Thị Vàng Anh, NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa Nhã Nam, 2006 (tác phẩm được 7/10 phiếu).

- Biên niên ký chim vặn dây cót, tiểu thuyết của Haruki Murakami (Nhật Bản), bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng, NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa Nhã Nam, 2006 (bản dịch được 10/10 phiếu).

GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC CÁC TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI

1. Utopi một miếng để đời là tiểu thuyết cuối cùng của nhà văn Vũ Bão (1931-2006). Tác phẩm hoàn thành ngày 19-4-2006, chỉ 11 ngày sau, ngày 30-4-2006, nhà văn qua đời đột ngột vì căn bệnh hiểm nghèo trên đường đi thực tế sáng tác ở Quảng Ninh.

Đây là cuốn sách dồn trút những điều tâm huyết của nhà văn suốt một đời cầm bút. Hình thức hoạt kê, giọng điệu trào phúng, giễu cợt, Vũ Bão tiếp tục kiên trì với con đường riêng trong suốt 50 năm đời văn của ông: châm biếm những thói tật tràn lan trong xã hội, không phân biệt tầng lớp, địa vị, ngành nghề, vùng đất...

Như ở trong các truyện ngắn, bút ký, tản văn của Vũ Bão, cái cười của ông trong tiểu thuyết này khi dí dỏm, lúc sảng khoái, lúc giễu nhại, nhưng dư vị để lại thật chua xót, tiếc nuối. Đây là cái tiếc nuối cần thiết của những tấm lòng thiết tha với con người và xứ sở, kỳ vọng vào một xã hội ngày càng tốt đẹp và văn minh hơn. Đây cũng bộc lộ trách nhiệm của nhà văn.

Tiểu thuyết ngồn ngộn chi tiết sống và sự bề bộn có ảnh hưởng đến một cấu trúc sáng sủa, sự hụt hẫng ở phần cuối có thể thấy rõ, và hình tượng một đất nước Utopi mang tính lý tưởng hay là phản chiếu của một xã hội ngập ngừng giữa những hướng đi... cũng là một điểm chưa thực sự nhất quán.

Dù vậy, đây là tác phẩm có ưu thế về tính nóng hổi của thời sự và gây được sự thích thú với độc giả đương đại.

2. Gửi VB, tập thơ của Phan Thị Vàng Anh cho thấy điểm mạnh về thơ của tác giả (bên cạnh thể loại tản văn rất thành công mấy năm trước). 21 bài thơ trong một tập sách mỏng thể hiện một quan niệm kiên quyết đề cao chất lượng, không chạy theo số lượng để làm cho tập sách dày dặn hơn.

Ngắn gọn và chất lượng là một chủ kiến. Giản dị đến mức tối giản là một quan niệm. Tìm tòi, không bằng lòng với những gì sẵn có của thơ là một ý thức, được chuyển hóa thành tác phẩm. Ngôn ngữ tiết chế, chính xác, cảm xúc được huy động đủ độ, cấu trúc thơ đôi khi được làm mới một cách bất ngờ nhưng không sa vào khiên cưỡng.

Có một vài ý kiến mong chờ thơ Phan Thị Vàng Anh có thêm sức nặng của ý thức công dân. Nhưng mặt khác cũng phải thấy rằng cái riêng tư trong thơ chị không mỏng manh mà đủ sức gây rung động và tạo ra những cảm xúc mạnh.

Những câu thơ những bài thơ về Hà Nội thật độc đáo, chân thực và nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của người đọc. Đây là một trong những tập thơ “bán chạy” trong những năm qua, một hiện tượng hiếm hoi đối với thể loại khó phát hành là thơ.

3. Bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng, tiểu thuyết Biên niên ký chim vặn dây cót của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, là bản dịch hay và công phu. Haruki Murakami là nhà văn Nhật Bản thành công bậc nhất trên thế giới nhiều năm qua. Ở Việt Nam, gần đây sách của ông bắt đầu được dịch và được đón nhận nồng nhiệt.

Trong sự nghiệp của Murakami cho đến nay, Biên niên ký chim vặn dây cót có thể coi là một kiệt tác, có ảnh hưởng lớn không chỉ với độc giả mà cả với giới cầm bút. Chọn dịch tiểu thuyết này, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng chấp nhận một thách thức và anh đã vượt qua thách thức này một cách xuất sắc.

Vẫn còn một số thiếu sót trong câu chữ, vẫn còn một vài tiểu tiết chưa chính xác khi chuyển dịch, nhưng tất cả những điều này không ảnh hưởng nhiều đến thành công của bản dịch. Dịch giả đã chuyển dịch được một tác phẩm phức tạp, tinh tế, nhiều kiến thức về văn hóa xã hội, mang đến cho độc giả Việt Nam một phiên bản sẽ còn được đọc lâu dài.

Cũng ở đây, sự công phu, thái độ lao động văn chương toàn tâm toàn ý và sự dấn thân của dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng trong một công việc nhiều khó khăn và thách thức đã được ghi nhận.

Lễ trao giải thưởng sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 10-2007.

29/8/07

HOẢ LỰC THÂN THIỆN



Hồi Mỹ tấn công Iraq thì tôi đang tham dự lớp tiếng Anh dành cho báo chí ở Hội đồng Anh Hà Nội.

Giảng viên là một cô gái sinh trưởng ở Anh nhưng có gốc gác Ba Lan. Hình như người Do Thái thì phải, vì có mái tóc đen. Tất nhiên là cô xinh xắn, thông minh, tận tuỵ và dễ mến.

Một hôm, đúng vào cao trào chiến sự, cô giải thích hai cụm từ rất hot trong bối cảnh lúc ấy là friendly firecollateral damage.

Friendly Fire (hoả lực thân thiện) tức là hoả lực bắn nhầm vào phe ta hoặc nhà dân. Tóm lại là loại hoả lực này mặc dù có sức mạnh giết người nhưng vẫn thân thiện.

Hậu quả của friendly fire collateral damage (thiệt hại phụ, thiệt hại ngoài ý muốn). Đương nhiên, thiệt hại từ "hoả lực thân thiện" dù có nặng nề đến mấy thì cũng chỉ có thể là thiệt hại phụ, chứ không thể là thiệt hại chính được.

Đúng là trò chơi ngôn ngữ!!!

Mấy hôm gần đây bỗng được nghe một câu chuyện liên tưởng đến "hoả lực thân thiện" giữa hai bạn đồng nghiệp.

Bạn đồng nghiệp thứ nhất có nguy cơ bị nuốt chửng vì cơ quan chủ quản của bạn ấy bị sáp nhập vào Bộ.

Hai nữ phóng viên của bạn đồng nghiệp thứ hai thấy thế sốt sắng viết một bài (với chủ định tốt thôi, tôi tin thế) về tình hình và tâm tư của bạn thứ nhất. Tuy nhiên, do chủ quan, hai nữ phóng viên đưa ra những dẫn chứng thiếu kiểm chứng, những suy diễn thiếu cơ sở.

Chuyện ấy khiến cho bà con ở bạn đồng nghiệp thứ nhất nổi cơn thịnh nộ. Họ tức giận là phải thôi, vì không ngờ đúng vào lúc bối rối họ lại nhận được "hoả lực thân thiện" từ những người đứng chung một chiến hào. Họ đâu có thảm thương như lời mô tả của hai nữ phóng viên nọ!!!

Và thế là họ đã trút nỗi giận trên các blog. Từ phóng viên viết bài, đến biên tập viên, lãnh đạo của bạn đồng nghiệp thứ nhất đều bị nhận hoả lực đáp lại, lần này thì không còn "thân thiện" chút nào.

Sự giận dữ càng lên tới đỉnh điểm, khi bạn đồng nghiệp thứ nhất (chắc không có ai chơi blog) vô tư thưởng cho tác giả của cú "hoả lực thân thiện".

Lãnh đạo của bạn đồng nghiệp thứ hai không thể làm ngơ, gửi văn thư cho đồng nghiệp thứ nhất, đòi giải thích rõ những chi tiết không có thực trong bài báo kia.

Và bạn đồng nghiệp thứ nhất đương nhiên phải trả lời, phải nhận lỗi do đã phóng "hoả lực thân thiện".

"Thiệt hại ngoài ý muốn" trong trường hợp này, không giống như trong chiến tranh, lại quay trở lại giáng vào người đã gây ra "hoả lực thân thiện". Hai nữ tác giả đã phải hứng chịu không biết bao nhiêu lời rủa sả của đồng nghiệp, và chắc chắn sẽ phải chịu cả sự phê bình, rút thưởng của báo nhà.

"Hoả lực thân thiện" và "thiệt hại ngoài ý muốn" của nghề báo được chứa trong một cụm từ: "tai nạn nghề nghiệp"!


28/8/07

ĐỨNG ĐƯỜNG VÀ CẠP ĐẤT



Từ lâu lắm rồi...

Bố mẹ thường răn con cái: “Không lo học, sau này chỉ có nước ra đứng đường”. Ấy là ngoài Bắc.

Ý rằng không kiếm nổi miếng cơm mà ăn!

Ấy vậy mà đứng đường cũng năm bảy kiểu.

Hôm trước chạy từ Đồng Nai về.

Dọc đường thấy các anh cảnh sát giao thông đứng nhiều.

Các anh đứng thành từng tốp.

Có tốp đứng ở trạm.

Có tốp không có trạm cũng đứng.

Nhiều bác tài nhảy xuống chào các anh, bắt tay các anh xong rồi đi.

Mấy người bạn đi cùng hết chuyện thì quay sang buôn.

Chuyện vãn, anh bạn gà gật ngủ ở cuối xe, ngáp một cái rõ dài, rồi nói trổng: “Đứng đường thấy mà ham”.

Còn trong Nam: “Không lo học, sau này cạp đất mà ăn”!

Ý rằng không kiếm nổi miếng cơm mà ăn.

Thế mà bây giờ lâu lâu lại thấy báo đài xài cụm từ “quan ăn đất”.

Hix hix!!!

Giá trị đảo lộn hết tất cả!

Nhiều vị làm cũng to, cỡ chủ tịch với bí thư thị xã “không hơn Đồ nhà” mà không kiếm nổi miếng cơm ăn thì khó tin quá xá.

Giả thiết 1: Mắc chứng “chán cơm thèm đất”. Nghe nói có những người đột nhiên không thích ăn cơm, chỉ ghiền món đất.

Giả thiết 2: Tại sao lại là “quan ăn đất” mà không phải là “dân ăn đất”. Bệnh này mới phát hiện ở các quan chứ chưa phát hiện ở dân. Hoặc hệ miễn dịch của dân tốt hơn quan, hoặc bệnh này là loại bệnh cục bộ. Ơ rê ka, bệnh tật mà cũng cục bộ. Chỉ thương nhiều vị xộ khám rồi, trong đó chắc không có món đất khoái khẩu để xơi, quay lại với cơm e chắc không hợp khẩu vị.

Hết làm quan, nhưng làm dân e rằng các vị xuống làm dân cũng khó lắm, khó lắm.

X
in từ blog của TYPND
http://blog.360.yahoo.com/blog-97n.EjIlbqiMYxv_ci8z.w--?cq=1&p=50&n=28500



Free counter

27/8/07

KHÚC GIAO MÙA



Sài Gòn mùa này nắng nhẹ, mát mẻ, cứ như tiết trời thu ở Hà Nội.

Bạn hẹn ăn sáng vào lúc 7h30 ở một quán có cái tên rất hợp: "Khúc giao mùa".

Quán đẹp, bài trí trang nhã.

Bạn đã ngồi đợi sẵn ở đó. Rất đẹp, trang phục phù hợp với phong cảnh xung quanh.

Hơn một năm mới gặp lại, bạn vẫn xinh đẹp thế. Phụ nữ ở độ tuổi 40 mà. Nhưng không phải "hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu" (*), mà rất đằm thắm - vẻ đẹp của người phụ nữ có tâm hồn phong phú và suy nghĩ sâu sắc, ý thức rất rõ mình là ai.

Gặp mình, bạn rất vui. Hẳn thế. Vì mình cũng rất vui khi gặp bạn.

Gia đình bạn hạnh phúc. Hiếm có người đàn ông thành đạt nào yêu vợ như chồng bạn. Chỉ cần bạn ủ dột trong giây lát, mà anh phát hiện ra, cũng đủ để anh giật mình và hỏi: "Em sao vậy?".

Con bạn đã đỗ vào trường đại học thuộc diện top ở thành phố. Nó có quỹ đạo riêng của nó. Bạn chẳng còn phải lo nghĩ gì nữa...

Còn người yêu bạn? "Người yêu trong sáng", bạn nhắc - "Chúng tôi chỉ yêu nhau về tâm tưởng, chứ thể xác chưa thuộc về nhau đâu nhé".

Anh ấy vẫn như thế. Chẳng chịu lập gia đình. Nói rằng không tìm được ai phù hợp.

Ngày nào hai người cũng gửi SMS cho nhau và bạn tôi luôn nhớ xoá sạch chúng trước khi trở về nhà vào buổi chiều.

- Ê này, đàn ông các ông sướng nhỉ? Không tìm thấy ai phù hợp thì ở một mình. Thoải mái, tự do! Tôi cứ tự hỏi, ở một mình như thế có bao giờ buồn không?

- Thế ở với chồng như bà, có bao giờ buồn không?

- Ôi trời. Ông trả lời tôi bằng một câu hỏi hả? Trả lời thật nhé: Tôi có buồn, thậm chí buồn nhiều ấy chứ. Nhưng lúc nào cũng phải giấu nỗi buồn. Tôi không được phép tỏ ra buồn, nhất là khi có mặt chồng. Vì anh ấy luôn cho rằng tình yêu của chúng tôi là tuyệt vời. Chúng tôi ở bên nhau là tuyệt vời, nên không thể buồn được. Nếu tôi buồn, tức là anh ấy có khiếm khuyết gì đó, làm cái gì đó không tốt, nên anh ấy sẽ căn vặn để hỏi cho ra nhẽ nguyên nhân vì sao tôi buồn. Để sửa chữa, ông ạ. Thế có buồn không?

Phụ nữ sao mà phức tạp quá!!!

(*) Trích thơ Olga Bergholtz

26/8/07

TINH VÂN



THƠ NGÔ MAI PHONG

Ban đêm
Những hầm mỏ như bầy thú hồng hoang ngủ vùi với vết thương tê dại
Và bầu trời còn phun mãi những tinh vân

Những tinh vân trắng xanh rớt xuống những cánh rừng
Những ngôi nhà nở đầy hoa dền gai ánh trăng mờ vắng lạnh
Dòng sông câm như dải khăn tang

Giữa muôn ngàn tinh vân biến đi không dấu vết
Có một mảnh nhỏ đậu mãi trên vừng trán không ngủ
Và để lại những câu thơ buồn chết người đến tận ban mai...

2007

Bài thơ tưởng niệm những thợ mỏ hy sinh trong vụ nổ ở mỏ than Mông Dương.

25/8/07

HOANG TƯỞNG



- Này cậu, anh cho cậu giám đốc kinh doanh bên anh nghỉ việc rồi nhé. Báo để cậu biết.

Anh thông báo sau khi chúng tôi gọi xong đồ uống. Tôi hơi ngạc nhiên, công ty anh vừa mở chi nhánh tại Hà Nội 3 tháng trước. Và khi đó anh chàng giám đốc kinh doanh được anh giới thiệu rất trân trọng.

- Sao lại nhanh thế anh? Em thấy cậu ta cũng được đấy chứ?

- Ừ, đúng là thoạt đầu thì rất được. Nó làm presentation bằng power point tại các hội nghị rất chuyên nghiệp, nói tiếng Anh đúng giọng, phô diễn một tầm nhìn dài hơi và chiến lược. Nhưng khi bắt tay vào làm việc thực tế thì nó chỉ giỏi làm hỏng dự án.

- Thế tại sao lúc đầu anh lại nhận cậu ta?

- Vì CV của nó đẹp quá. Anh đúng là chết vì thích CV đẹp. Nó có bằng MBA ở Úc, tiến sĩ marketing ở Mỹ, đã từng làm giám đốc điều hành cho 2 cty nước ngoài. Thời điểm anh gặp nó thì nó đang có cty riêng. Cậu bảo, thế thì làm gì anh không tin??? Sau này anh mới biết là ở 2 cty nước ngoài kia nó làm ăn chẳng nên cơm cháo gì nên người ta cho nghỉ. Còn công ty riêng thì thời buổi này ai chẳng mở được. Cái công ty ấy ban đầu cũng hút được khối vốn của những người thích CV đẹp như anh đấy, nhưng sau đó thì họ đã rút hết vốn ra. Đúng lúc ấy thì nó gặp anh và biết anh mở chi nhánh tại HN nên xin về đây.

- Nhưng sao anh lại nhận xét cậu ta là người hoang tưởng?

- Bởi vì nó huyễn hoặc về bản thân. Từ khi nó về làm với anh thì hầu như cuộc nói chuyện nào nó cũng nói về tiền. Nó bảo, khi em về với anh thì có mấy công ty Mỹ mời chào với mức lương 100 triệu đồng/tháng và đề nghị mức lương tương tự. Anh nói: Em muốn về làm việc với anh chứ không phải anh mời. Thời gian 6 tháng đầu làm chưa có lãi, anh trả em 20 triệu/tháng, kèm theo lương một lái xe, toàn bộ tiền xăng và dịch vụ cho cái xe ấy. Còn từ ngày đầu em làm ra lợi nhuận, anh sẽ trả 75 triệu đồng/tháng.

- Cái xe đấy là của cty hay của cậu ta ạ?

- Xe của nó. Công ty có xe, nhưng nó đòi anh mua cho nó cái xe hơn 1 tỉ. Anh nói công ty chỉ có thể mua cho em cái xe 600 triệu, nên nó đi xe của nó.

- Ngoài lương ra thì cậu ta còn nói chuyện gì liên quan đến tiền nong nữa?

- Nó còn kỳ nhèo đòi anh chi tiền tiếp khách. Nó nói phải gặp các đại sứ, các thứ bộ trưởng. Nhưng anh nói, công việc của cty không cần đến mức phải tiếp đại sứ và quan chức. Nó bảo là cần có tầm nhìn xa. Thế nào là nhìn xa? Đại sứ nhiệm kỳ 3 năm, các vị quan chức nhiệm kỳ 5 năm. Đến lúc công ty cần họ, thì họ về hưu cả rồi. Công việc hiện nay thì rõ ràng có thể giải quyết được mà không cần đến sự can thiệp của các VIP ấy. Anh nói nếu nó có nhu cầu tiếp khách về việc riêng, thì bỏ tiền túi ra mà tiếp. Còn nếu dùng thời gian và tiền bạc của công ty để tiếp khách thì anh có quyền được biết toàn bộ nội dung của cuộc tiếp.

- Rồi anh lấy lý do gì để cho cậu ta thôi việc?

- Nó tự xin thôi đấy chứ. Chính xác hơn là nó gửi cho anh một cái email với tối hậu thư, đòi được tạo điều kiện để làm việc nếu không sẽ phải tính phương án của nó. Anh gửi ngay quyết định cho thôi việc. Nó bị sốc vì mọi việc diễn ra nhanh quá. Nó ngỡ ngàng nói: "Em muốn gắn bó cuộc đời với công ty".

- Đúng là cậu ta muốn vật mình vật mẩy để được anh thảo luận. Thế nhận được quyết định, cậu ta có nói gì nữa không?

- Nó đòi anh bồi thường vì chuyện nó bị mất cơ hội việc làm khác trong 3 tháng làm việc với anh. Nhưng anh nói: "Em với anh làm việc có hợp đồng lao động đàng hoàng. Anh sẽ trả em thêm một tháng lương theo đúng hợp đồng. Em đòi anh bồi thường vì để em mất cơ hội. Được thôi. Nhưng em cũng sẽ bồi thường anh vì đã làm hỏng 4 dự án gây thiệt hại trên 100 triệu USD cho công ty nhé?" Nó im bặt, mồ hôi úa ra đầy mặt.

- Ồ, anh thật cao tay!!!

- Thôi cũng may mà nó chỉ làm việc trong có 3 tháng. Từ nay anh sẽ chừa tuyển người qua CV.

24/8/07

CÓ NÊN MỞ LÒNG VỚI THU PHƯƠNG?



Thu Phương nữ ca sĩ nổi danh một thời vừa trở về Việt Nam sau 4 năm bôn ba ở xứ người.

Tôi biết Thu Phương (điều này không có nghĩa là cô ấy biết tôi) từ khi cô còn là ca sĩ hát lót ở Nhà hát Tuổi trẻ. Ngày đó cô còn là "con vịt con xấu xí" , chứ chưa lột xác thành thiên nga và được lăng xê rầm rộ sau thành công của phiên bản "Unbreak My Heart" bằng tiếng Việt vào cuối thập niên 1990.

Cô là một ví dụ về sự thành công nhờ một chút tài năng, lao động và một chút may mắn.


Tôi không phải là fan của Thu Phương, mặc dù cô hát hay, ăn mặc đẹp và khá có duyên trên sân khấu. Công bằng mà nói, cô có một số bài khá ấn tượng, ghi dấu ấn trong lòng khán giả, như "Có phải em mùa thu Hà Nội", "Dòng sông lơ đãng"...

Thế rồi cô đi Mỹ và tuyên bố những điều chẳng hay ho gì về nơi đã nuôi cô lớn lên, phụ lòng của đông đảo khán giả đã từng là nguồn cảm hứng và động viên để cô sáng tạo nghệ thuật.

Những biện pháp hành chính đã được ban hành. Cô bị tước quyền làm nghệ sĩ ở Việt Nam. Các tác phẩm cô biểu diễn không còn được phát sóng, băng đĩa của cô bị dẹp khỏi kệ trong các cửa hàng.

4 năm qua chắc chắn là quãng đời khó khăn đối với Thu Phương. Dù cô vẫn hát ở đâu đó, vẫn kiếm được không ít tiền, nhưng gia đình tan vỡ, con cái bơ vơ tại quê nhà. Nghe nói, mỗi lần nhớ con, cô chỉ dám bay đến Thái Lan để bố mẹ đem hai đứa con sang cho cô gặp mặt.

Nhưng không hiểu trong 4 năm đằng đẵng ấy có bao giờ cô hối hận vì những gì đã nói? Cô, cũng như nhiều nghệ sĩ khác, đã sống sung túc bằng nghề tại VN. Tại sao lại cầm dao chặt vào chân mình như thế?

Nhiều người cho một bộ phận không nhỏ nghệ sĩ quen sống hời hợt như thế, chẳng cần suy nghĩ trước sau cho thấu đáo, mà chỉ vì lợi ích tí xíu trước mắt là có thể có những hành động bất cẩn.

Nhiều khả năng, trường hợp của Thu Phương cũng là như vậy. Cô là kẻ đáng thương.

Thu Phương đã trở về. Chắc cô cũng chẳng gặp rắc rối gì trong những ngày ở quê hương. Và hẳn cô cũng ước mong có ngày tái ngộ với khán giả.

Người Việt Nam luôn quan niệm "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại". Khối người đã mắc những sai lầm còn lớn hơn Thu Phương, nhưng vẫn được đất mẹ nhân ái mở vòng tay đấy thôi.

Miễn là người ấy biết hối lỗi...

23/8/07

THU PHÂN



THƠ NGÔ MAI PHONG

Tặng Titi nhân ngày sinh

Ngày thu phân, mùa đã chia đôi

Nửa ấm đi rồi chỉ còn nửa lạnh

Ta thì thầm cùng khóm cỏ bên chân:

" Bạn ơi, tôi cũng làm gì có cánh!"

BỘ QUY TẮC ỨNG XỬ TRÊN BLOG



Xin chào mọi người. Xin lỗi vì mấy hôm vắng mặt.

Số là tôi đi TP HCM để tham gia tổ chức hội thảo "Blog trong thế giới thực" do báo Lao Động đăng cai.

Tiếc là không có điều kiện để viết một cái entry về vấn đề này. Bây giờ thì có điều kiện vì máy bay của Vietnam Airlines bị delay và chẳng có việc gì làm ở sân bay cả.

Chắc mọi người cũng đã biết đến hội thảo qua các phương tiện truyền thông. Đây đúng là vấn đề nóng đang được giới blogger cũng như giới quản lý văn hóa - thông tin quan tâm.

Tham dự hội thảo có khoảng 80 người gồm đủ các thành phần. Già nhất có lẽ là blogger Huy Đức, trẻ nhất thì... khá nhiều. Đó là những bạn trẻ ở độ tuổi ngoài 20 một tí. Mỗi người đều là một cá tính và có quan điểm rất rõ ràng về blog của mình.

Nói chung thì chúng ta đều biết những mặt nổi bật của blog. Tại cuộc hội thảo, tôi rất ấn tượng với phong trào đóng góp tiền xu cho của blogtraitim cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Các bạn ấy nói không ngờ lời kêu gọi lại nhận được sự hưởng ứng mạnh đến như vậy. Chỉ sau vài ngày họ đã nhận được 2 bao tải tiền xu lớn.

Các blogger đồng nghiệp nói chung đều có thái độ rất thận trọng khi đưa thông tin lên blog của họ. Dẫu sao thì những trải nghiệm và độ chín chắn cũng giúp họ có được thái độ như vậy. Còn các bạn trẻ thì phóng khoáng hơn nhiều. Nhiều bạn đã tỏ rõ quan điểm rằng blog là ngôi nhà của riêng mình và họ có quyền làm những điều mà mình thích và cho rằng là đúng trong ngôi nhà đó.

Những nhà quản lý rất quan tâm đến ý kiến của các blogger trẻ. Bằng chứng là họ ngồi từ đầu đến cuối hội thảo (kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ không có giải lao), lắng nghe và ghi chép rất chăm chú. Vị đại diện của Cục báo chí ở phía Nam thổ lộ riêng rằng, hội thảo là cơ hội tốt để ông biết được suy nghĩ thật của giới blogger.

Tôi đặc biệt thích thú với ý kiến của blogger Phù thủy (cưỡi chỗi gặm bánh bao) - cô đã không còn giữ blog này nữa mà là chủ nhân của 5 blog khác mà tôi không biết - cho rằng "cần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử cho cộng đồng blogger Việt để từ đó hình thành một nền văn hóa trên blog".

Blog Việt phát triển rầm rộ trong hơn 1 năm qua, và cá nhân tôi nhìn thấy dòng chủ lưu của blog là tích cực và nhân văn. Số blog đen, blog xấu chiếm một tỉ lệ không đáng kể. Để blog Việt tiếp tục là kênh thông tin quan trọng và có văn hóa, thì việc các blogger tự xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên blog là rất cần thiết.

Ngay sau hội thảo, Báo Lao Động đã mở diễn đàn về việc xây dựng bộ quy tắc này. Mời mọi người cùng tham gia nhé. Ý kiến xin gửi về: diendanblog@gmail.com.

THÔNG TIN VỀ HỘI THẢO TRÊN CÁC BÁO:

http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=93675&ChannelID=4

http://www6.dantri.com.vn/cong-nghe/2007/8/193493.vip

http://vnexpress.net/Vietnam/Vi-tinh/2007/08/3B9F9721/

http://laodong.com.vn/Home/cntt/2007/8/51673.laodong

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=216457&ChannelID=16

http://www.nld.com.vn/tintuc/cntt/199918.asp

19/8/07

TẤT ĐỎ - GIÀY ĐỎ



Thời tôi 20 tuổi (tức là cách đây 20 năm) Michael Jackson thống trị thị trường ca nhạc thế giới. Nói thật là bây giờ không có ngôi sao nào ảnh hưởng mạnh như vậy đến thanh niên như Michael Jackson hồi đó.

Thời cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, Michael Jackson chưa dị hợm đến mức gớm ghiếc như bây giờ. Album Thriller của anh làm chao đảo cả thế giới và cũng giống như thanh niên thời đó, tôi hâm mộ Michael Jackson.

Một lần xem băng Michael Jackson biểu diễn live ở đâu đó, thấy anh đi một đôi tất (vớ) màu đỏ. Đàn ông đi tất màu đỏ trông thật vớ vỉn, nếu như đôi tất đó không đi kèm với giầy Dr. Martin và người đi không phải là Michael Jackson.

Ít lâu sau mùa đông đến. Tôi đến cửa hàng của Nhà máy dệt kim Đông Xuân mua một lố tất 6 chiếc. Về nhà mở ra xem thấy có hai đôi màu đen, một đôi màu tím than, một đôi màu nâu, một đôi màu trắng và một đôi màu đỏ.

Các màu sẫm thì OK rồi. Đôi màu trắng thì để đi giày thể thao. Còn đôi màu đỏ? Sực nhớ ra cách phục trang của Michael Jackson. Thế là tìm một chiếc quần màu đen, đôi giày màu đen và diện kèm với đôi tất đỏ đi làm.

Đến cơ quan cũng chẳng ai để ý. Ai biết mà hỏi??? Nhưng khi ngồi ở quán cà phê cạnh cơ quan thì chuyện khác. Anh đồng nghiệp hơn 6-7 tuổi, nhìn thấy đôi tất đỏ, trợn mắt hỏi: "Chú đi đá bóng về hay sao mà lại đi tất đỏ?" - "Không ạ, đây là mốt Michael Jackson".

Anh ấy mới nói: "Cởi ra, cởi ra ngay. Nó nhảy múa trên sân khấu, mặc thế nào chẳng được. Tất đỏ chỉ có trẻ con, hay cầu thủ đi thôi. Trông chú thật chẳng giống ai".

Cứng họng, đành cởi đôi tất đỏ ra và từ đó trở đi không bao giờ diện nữa.

Đầu năm 1990 một cô bạn đi học nước ngoài về, làm cho một tờ báo có trụ sở ngay cạnh Hồ Gươm. Cô diện đôi giày đỏ rất đẹp và rất điệu đến cơ quan. Được một hai hôm gì đó, thì anh trưởng phòng hành chính gặp và nhắc: "Em này, cơ quan mình là cơ quan văn hoá, em đừng đi đôi giày đỏ đến cơ quan nữa nhé".

Cô lặng lẽ vâng lời, không dám phân trần gì.

Đấy, thời chúng tôi ở độ tuổi 20 là như thế. Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu những điều mà người lớn (hơn) nói.

Chúng tôi đi đứng khẽ khàng, cười duyên... và nếu có ý kiến khác thì cũng chỉ âm thầm phản kháng trong lòng mà thôi, làm gì có chuyện dám lên báo phát ngôn gì về mình, chứ đừng nói là lại còn tuyên bố về trào lưu này hay trào lưu khác.

Nay thì thời thế đã thay đổi lắm rồi.

Các bạn U30 mạnh mẽ hơn chúng tôi nhiều lắm. Họ sẵn sàng bộc lộ chính kiến của mình, thậm chí trở thành hiện tượng dẫn dắt dư luận xã hội.

Thế tức là xã hội tiến triển, rất đáng mừng đúng không?

(Viết nhân nhận được cuốn "Giày đỏ" của Dương Bình Nguyên)

18/8/07

300



Entry mà tôi đang viết là entry thứ 300 của blog này.

Chính xác hơn là 301, vì một entry đã xóa.

Nhưng dù sao, giấy trắng mực đen (màn hình trắng phím đen... hè hè) thì nó vẫn là entry thứ 300.

300 entry sau 470 ngày viết blog, không phải nhiều, song cũng không phải ít, đúng không? Điều quan trọng nhất là trong quá trình viết 300 entry ấy, tôi đã có thêm 300 người bạn.

300 người bạn cũng là trên màn hình trắng phím đen thôi, chứ con số blogger và không blogger vào đây đọc và comment còn hơn rất nhiều.

Ước gì Yahoo! 360 cho mở rộng friend list lên 1000 bạn để khỏi phải nhận được những lời trách cứ: "Tại sao bạn không accept tôi?".

Chắc là Yahoo! cũng sẽ cho mở rộng friend list thôi. Đành chờ vậy.

Một lần nữa muốn nói lời cảm ơn đến tất cả mọi người đã cùng tôi chia sẻ trong blog này.

Entry này viết trong một ngày khá đặc biệt. Lần đầu tiên sau suốt mấy tháng được có một ngày nghỉ thảnh thơi. Không phải làm gì.

Hà Nội hôm nay thật đẹp. Vào thu thật rồi. Chợt nhận ra mình sống, mình làm việc, để enjoy một ngày như thế này.

Life is beautiful. Enjoy it!

17/8/07

GIÀU MỚI CÓ TIỀN ĐỂ PHÁ...



Gần một nửa số người từng dùng các sản phẩm từ động vật hoang dã là doanh nhân và 1/3 là cán bộ, công chức nhà nước, trong đó chủ yếu họ dùng chiêu đãi đồng nghiệp hoặc khách hàng bằng các món đặc sản thú rừng.

Các bữa ăn này diễn ra trong những dịp một người nào đó đứng ra chiêu đãi và thường muốn gây ấn tượng với khách mời.

Kết quả chính thức của cuộc khảo sát 2000 người ở Hà Nội về thái độ của người dân với các sản phẩm động vật hoang dã do tổ chức Traffic tiến hành, cho thấy, lý do chính người dân Hà Nội ăn thịt thú rừng là họ nghĩ các món này ngon, ngoài ra cứ 10 người thì 4 người khẳng định họ ăn bởi được mời trong những dịp tụ tập giao lưu chứ không hẳn do thích, 1/3 số khác dùng là vì muốn thử cho biết.

Đáng chú ý là đa số những người chưa dùng sản phẩm động vật hoang dã là do quá đắt, hơn 1/3 số người khác vì chưa có nhu cầu chứ ít ai vì quan tâm đến tác động tới môi trường hay bởi cho rằng như thế là bất hợp pháp.

Ngoài ra, nam giới có xu hướng sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã nhiều hơn phụ nữ. Cứ 10 người nam được hỏi thì có tới 6 người thừa nhận từng dùng các sản phẩm này, trong khi nữ chỉ có 3 người. Cánh mày râu chủ yếu sử dụng dưới dạng ăn đặc sản thịt rừng và dùng các sản phẩm bồi bổ sức khỏe.

Xu hướng doanh nhân và công chức nhà nước có tỉ lệ sử dụng cao nhất cho thấy việc ăn thịt thú rừng gắn liền với sức ép mang tính công việc và xã hội của họ.

Các bạn doanh nhân có tiền ăn chơi hoành tráng thì rõ rồi. Con gì cũng có thể bỏ vào mồm được. Có lần tôi được một doanh nhân mời ăn con dúi (hay giúi nhỉ), tưởng là con gì, ai ngờ bồi mang ra một con chuột to tướng, trông bẩn thỉu và hôi hám. Anh ta giải thích: "Đây là chuột rừng, không phải chuột cống đâu".

Thế mà cái con dúi (hay giúi) đó được mang đi cắt tiết, cho vào rượu uống, thậm chí còn được đánh thành tiết canh nữa. Nghĩ đến đã thất kinh!

Không hiểu có bổ béo gì không, chứ máu cái con vật ấy chắc vô số vi trùng của những căn bệnh hiểm nghèo. Chính thú vui ăn thịt cầy hương của bà con Trung Của, mà bệnh SARS xuất hiện ở TQ và ở ta cách đây mấy năm.


Nông dân và sinh viên là những người ít sử dụng các đặc sản thú rừng nhất. Đúng, họ làm gì có tiền mà ăn.

(Có sử dụng thông tin của VNExpress)

16/8/07

GIẰNG XÉ GIỮA HAI TÌNH YÊU


Bạn đã bao giờ thấy mình bị giằng xé giữa hai tình yêu? Một bên trái tim bảo: "Yêu đi, tình yêu này sẽ đưa ta lên tận mây xanh". Một bên lý trí nói: "Đây mới là tình yêu theo ta đến cuối cuộc đời". Dích dắc ấy được mô tả trong phim "Chuyến tầu Châu Ngư" của Trung Quốc (2002).

Một tuần hai lần Châu Ngư lại lên tầu và đi 2 giờ đồng hồ để đến một thành phố khác gặp người tình (Lương Gia Huy đóng), một người đàn ông rụt rè làm nghề thủ thư say mê viết thơ. Những vần thơ lãng mạn về Thiên Hồ (Lake Celestial) của anh đã chinh phục được trái tim kiêu hãnh của cô - nữ hoạ sĩ vẽ trên gốm tài hoa.

"Tôi không biết thành phố ấy, tôi chỉ biết đến nhà ga, đi cáp treo qua sông, bước theo những bậc thang trên triền sông để đến nhà anh ấy" - Lời thú nhận của Châu Ngư cho thấy cô thật đắm đuối trong mối tình đối với nhà thơ. Thậm chí khi nghe được thắc mắc tại sao cứ phải di chuyển kiểu "cọc đi tìm trâu" nhiều như thế, cô cười: "Tôi là con người chạy đi chạy lại, tôi quen rồi".



Đúng là Châu Ngư không hề cảm thấy điều gì bất thường trong mối tình ấy. Cô bán những chiếc bình gốm tâm đắc để lấy tiền xuất bản thơ cho người yêu, tự tay in flyer, tự tay đi phát cho mọi người, tự thuê địa điểm để tổ chức đêm thơ cho người yêu. Cô càng yêu bao nhiêu, thì lại càng cảm thấy tình yêu rời xa cô bấy nhiêu.

Châu Ngư chỉ vỡ lẽ ra rằng mối tình nồng cháy của cô không thể có được một cái kết có hậu, khi nhà thơ lặng lẽ xin đi dạy học ở Tây Tạng. Nhưng ngay cả khi nhà thơ đã đi rồi, cô vẫn hàng tuần quay trở lại căn nhà cũ nơi hai người đã từng có những ngày tháng mặn nồng.

Trong một lần đi thăm nhà thơ, Châu Ngư gặp một người đàn ông khác - chàng bác sĩ thú y (Tôn Hồng Lôi đóng) có suy nghĩ thực tế, phóng khoáng và rất mạnh mẽ. Tôn thờ mối tình với nhà thơ, cô rất khó chịu với cách đeo bám dai dẳng của bác sĩ. Cô bỏ xuống ở một ga xép.

Nhưng chỉ đi được vài bước cô đã thấy người đàn ông đó chặn đường. "Cô đi đâu?" , "Tôi muốn thoát khỏi anh" - Châu Ngư thẳng thắn đáp. Tàu chạy và họ còn lại trơ trọi trên sân ga "Thiên Hồ". Sự tình cờ đã khiến Châu Ngư quyết định tìm bằng được Thiên Hồ, để xem vẻ đẹp mà nhà thơ đem ra so sánh với cô như thế nào. Bác sĩ thú y đội mưa đi cùng cô. Nhưng tiếc thay Thiên Hồ chỉ là cái vũng cạn nước...

Thất vọng đối với thái độ thụ động trong tình yêu và cuộc sống của nhà thơ đã đẩy Châu Ngư đến với bác sĩ thú y. Người đàn ông này vừa si mê cô, vừa tỉnh táo. "Tôi không thể giữ được người phụ nữ phức tạp như em" là lời đoạn tuyệt đau đớn của một người quá thực tế.

Bị kẹt giữa hai người đàn ông chạy trốn tình yêu bằng hai quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau, Châu Ngư gần như tuyệt vọng. Con tầu bi kịch của Châu Ngư cũng là số phận của không ít những phụ nữ Á Đông, xinh đẹp, thông minh, có quan niệm sống hiện đại, nhưng không tìm được hạnh phúc. Củng Lợi đã diễn tả rất sống động nội tâm phức tạp của một phụ nữ trẻ trong sự giằng xé giữa hai người tình.

Nông thôn Tây Bắc Trung Quốc lên phim rất đẹp. Bản thân đoàn tầu cũng là một nhân vật của phim bổ trợ đắc lực cho diễn tiến tâm lý của Châu Ngư.

Củng Lợi trong phim này đẹp và gợi cảm hơn bao giờ hết. Đây là một trong số rất hiếm hoi nhân vật hiện đại mà Củng Lợi thủ diễn.

Tựa tiếng Anh của phim là "Zhou Yu's Train".


15/8/07

CHÙA DƠI CHÁY... ĐÀN DƠI CÒN



Vừa nghe một tin giật gân: Chùa Dơi - ngôi chùa Khmer nổi tiếng ở Sóc Trăng đã bị bà Hoả viếng thăm rạng sáng hôm nay.

Chùa Dơi tên Khmer là chùa Mahatup (Chùa Mã Tộc), thu hút rất nhiều du khách đến thăm bằng kiến trúc Khmer đẹp và lạ mắt.

Chùa Dơi được xây dựng cách đây 400 năm, tọa lạc trên đường Lê Hồng Phong, phường 3 thị xã Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) cách trung tâm thị xã chừng 2 km. Đây là một ngôi chùa đẹp hài hòa trong khoảng không gian xanh bốn mùa.

Cây cối ở đây cao to và là nơi cư ngụ của hàng trăm loài chim muông. Đặc biệt, trong khuôn viên của chùa khá rộng, nơi đây có hàng vạn con dơi quạ cư trú bao đời nay, chúng treo mình trên những cành cây cao vào ban ngày.

Khi hoàng hôn buông xuống thì đàn dơi bay đi kiếm ăn khắp vùng, lúc trời sáng dơi lại trở về nơi đây.

Điều thú vị nữa là dơi cư trú kín cả khuôn viên, nhưng không bao giờ ăn và phá hoại cây trái trong khu vực chùa nơi chúng nương náu.

Du khách đến tham quan chùa không thể bỏ qua những giây phút ngắm nhìn pho tượng Đức phật cổ bằng đá cao 1,5 mét và nhìn bộ Kinh Phật viết trên lá cây Thốt nốt.

Rất nhiều nam thanh niên đến tuổi trưởng thành đều vào chùa tu hành học kinh phật một thời gian sau đó mới trở về với đời thường.


Tôi đã đến thăm Chùa Dơi cách đây 3-4 năm, rất nhớ những em bé Khmer bán vé số, nói tiếng Việt thiếu dấu, có cặp mắt nâu rất đẹp.

Toà chánh điện của Chùa Dơi đã bị lửa thiêu đến mức không thể sửa chữa được. Chắc là phải xây dựng lại hoàn toàn.

Rất may là đàn dơi trong chùa không bị hề hấn gì. Thôi thế là may rồi. Chùa còn có thể xây lại được, chứ đàn dơi mà bị thiêu cháy, thì mất luôn cả Chùa Dơi.

Dơi còn thì còn Chùa Dơi.

14/8/07

CÙNG HỘI CÙNG THUYỀN...



Lần đầu khi nghe tôi nói từ "Team Work", các em sinh viên K49 khoa Báo chí Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn đã ồ lên cười. Có thể các bạn ấy nghe nó giống một từ nào đó buồn cười trong tiếng Việt.

Nhưng Team Work chả buồn cười tí nào, nếu như không nói đó là kỹ năng quan trọng hàng đầu để có được thành công trong thời buổi @ hôm nay.

Cách đây 7-8 năm, ông Trần Văn Thình, Đại sứ của Liên minh Châu Âu (ông Thình là người Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm làm đại sứ ở nước ngoài, ông đã đàm phán hiệp định thương mại giữa EU và Trung Quốc; tại cuộc đàm phán người ta tưởng lầm ông là phiên dịch tiếng Hoa, chứ không phải là nhà đàm phán chính), có nói: "Người Việt chỉ đoàn kết khi nhìn thấy kẻ thù".

Đúng là mỗi khi có giặc ngoại xâm, hay chống lại thiên tai..., người Việt rất dễ dàng liên kết với nhau. Khi hết nguy cơ, thì khả năng liên kết cũng giảm xuống, nhiều khi triệt tiêu, thậm chí dẫn đến đối đầu...

Có một câu chuyện tiếu lâm lưu truyền vài ba thập niên nay rằng một sinh viên VN có trí thông minh không thua kém một sinh viên Đức, ba sinh viên Đức tốt nghiệp ra trường có thể hợp tác để tạo ra phát minh, còn ba người Việt Nam thì chỉ kìm hãm nhau, người này chặn cơ hội phát triển của người kia.

Nói chung, người Việt chúng ta ích kỷ, thích làm việc đơn lẻ và đạt thành tích cá nhân hơn là cộng tác với nhau để có được thành tích cho cả một nhóm. Tiếng Việt chằng có từ "chơi trội" đó sao?

Ở trường, các thầy cô chẳng mấy mặn mà giao bài tập thực hành cho các nhóm học sinh. Các em thì mạnh ai nấy học, sao cho mình phải cao điểm hơn bạn khác.

Con người ta dù thông minh đến mấy, thì cũng chỉ giỏi giang ở một vài lĩnh vực nhất định. Mà công việc ngày hôm nay thì đòi hỏi phải đưa ra được những giải pháp mang tính tổng thể, nên một cá nhân dù giỏi thế nào, cũng có những chỗ hở sườn.

Ví dụ, người Việt có thể làm một sản phẩm có chất lượng không tồi, nhưng lại không biết cách tiếp thị và bán sản phẩm ấy. Trong khi người chế tạo ra sản phẩm lại có tâm lý coi thường người tiếp thị, bán hàng, mà không đếm xỉa đến chuyện, nếu không có những người đấy thì sản phẩm của anh chỉ xếp trong kho và anh bị treo niêu.

Rất nhiều người vỗ ngực rằng mình giỏi giang, có tầm nhìn chiến lược, cao ngạo về trí thông minh của mình, nhưng chẳng bao giờ chịu đứng cùng người khác. Rốt cục là những ý tưởng cao siêu của họ không thực hiện được, vì họ không có kỹ năng cộng tác, lắng nghe và hoà mình trong team work.

Một thí sinh đoạt giải Trí tuệ Việt Nam kể câu chuyện thế này: Làm việc cho cty phần mềm nước ngoài, cậu được phân công thực hiện một phần dự án theo thiết kế đã có sẵn. Áp dụng nguyên tắc "phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật" của người Việt, cậu làm phần việc của mình tốt hơn so với thiết kế yêu cầu. Cậu hãnh diện lắm.

Nhưng than ôi, khi đem ghép lại, thì cái phần làm tốt của cậu khiến cho phần mềm không hoạt động được. Cậu buộc phải sửa lại theo đúng yêu cầu. Sự "chơi trội" vô thức đã khiến cậu mất thêm thời gian, công sức, và như vậy gây thiệt hại cho công ty. Cậu được bài học nhớ đời về team work.

Có nhiều dân tộc không thông minh hơn người Việt, nhưng hiệu quả công việc của họ lại cao hơn. Phải chăng kỹ năng "team work" của họ tốt hơn chúng ta?


13/8/07

CHIA TAY MỘT NGƯỜI BẠN



Tôi quen bạn từ hồi còn học lớp 11, tức là năm 1982. Gặp bạn ở nhà lớp trưởng. Thời ấy khó khăn, bố bạn lớp trưởng là cán bộ, nên mới có tiêu chuẩn để dinh bạn về.

Nhưng bố bạn lớp trưởng lại khó tính, giữ rịt bạn ở đó, không bao giờ cho phép mình đưa bạn về nhà mình chơi.


Từ đó tuần nào mình cũng đến nhà bạn lớp trưởng để gặp bạn. Bạn thật đáng yêu, thông minh. Bạn dẫn mình đến một thế giới khác, đẹp đẽ và đầy mơ mộng. Bạn thắp lên trong mình ngọn lửa vươn tới tri thức. Bạn mở mắt cho mình rất nhiều điều, dạy cho mình phải sống như thế nào.

Mình biết ơn bạn và trung thành với bạn suốt từ đó đến nay.

Mình đi làm, mình có điều kiện để chăm sóc tình bạn hơn. Mình với bạn năng gặp nhau hơn, cà phê cà pháo vài cữ mỗi tuần. Thứ bảy là ngày duy nhất mình được nghỉ, nhưng sáng thứ bảy nào cũng dành thời gian để gặp bạn cho đỡ nhớ.

Thế rồi đột ngột bạn thay đổi.

Bạn muốn ngày nào mình cũng phải gặp nhau. Chả cần biết mình có muốn thế hay không, bạn quyết định từ 1.8 phải thay đổi.

Và bạn thay đổi thật.

Người bạn dễ thương, tinh tế, bỗng nhiên lắc mình để trở thành gã muzhik vạm vỡ.

Bạn vứt hết cách phục trang rất có gu trước kia, để khoác lên mình bộ cánh vô sắc, giản dị một cách tầm thường.

Bạn cũng không còn nói những điều sâu sắc nữa và chuyển sang những câu chuyện tầm phào, nhàn nhạt, nói xong chẳng đọng lại trong tâm trí được điều gì.

Bạn ơi, mình thấy thật đau đớn. Bạn lột xác làm gì, khi bạn không còn là chính bạn???

Mặc dù đã gắn bó với nhau bao năm, nhưng mình đành phải chia tay với bạn thôi.

Không còn cách nào khác. Mình sẽ vẫn giữ mãi kỷ niệm xưa kia và mình vẫn biết ơn bạn. Chào bạn!!!

(Bạn của mình là báo Thể thao và Văn hoá, vừa đổi khổ từ A4 sang A3, in đen trắng, xuất bản hàng ngày).

12/8/07

KHÚC LÁY LẠI



Thơ NGÔ MAI PHONG

(Tặng Titi và những người bạn không quen biết

luôn chia sẻ cùng tôi)

Em đi
mùa thu đã theo em đi
Chỉ còn lại mình anh với đá
Hoa bìm mỏng và một trời sóng vỗ
Chỗ ta ngồi mây trắng ngẩn ngơ bay

Em đi
chiều nay mãi không qua đi
Con phố nhỏ bóng vàng ngưng mái cũ
Chim ó bể uy nghi niềm sầu xứ

giữa thinh không vang vọng tiếng kêu dài

Em đi
ngày sau tóc xanh khô đi
Cả anh nữa trán sẽ nhòa bóng tối
Nhưng còn mãi một niềm đau nhức nhối
Suốt cuộc đời không thể gửi cho ai

Em đi
thời gian mãi mang em đi
Trên cỗ xe hoa nghìn ngựa kéo
Trong giấc mơ, trong giấc mơ êm dịu
Em lại về nơi đá biếc chờ anh...

Free hit counters

11/8/07

SOFIA TRẺ MÃI



Ai gắn bó với Liên Xô, với nước Nga mà không biết, không yêu Sofia Rotaru.

Những bản tình ca nhẹ nhàng của bà đã đi sâu vào tâm hồn không biết bao nhiêu thế hệ.

Vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm và thanh thoát của bà đã làm ngất ngây bao trái tim.

Bà vẫn thường xuyên xuất hiện trên sân khấu, trẻ trung, duyên dáng và tiếp tục chinh phục khán giả.

Thời gian dường như đã không nỡ xiết chặt bàn tay gân guốc để nặn hút nhựa sống và thanh xuân từ vẻ đẹp mỏng manh này.

Sofia Rotaru vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 hôm 9.8 vừa qua.

Hãy nghe lại hai trong số những bài hát bất hủ của bà.




Lavanda: Hát cùng Iak Ioala


Melankolia

Blog counters

VƯƠNG MIỆN ĐÃ TRAO ĐÚNG NGƯỜI


Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tại Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) diễn ra đêm qua (10.8) tại Kharkov (Ukraina) đã sửa chữa "cái sai chết người" mà cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tại LB Nga đã mắc phải cách đây 2 tuần.

Chắc mọi người còn nhớ, tại cuộc thi ở Mátxcơva, em Natalia Trần (bố Việt, mẹ Nga) - sinh viên khoa tiếng Việt thuộc Học viện các nước Á-Phi, thí sinh sáng giá nhất, đã không được trao vương miện. Lý do rất đơn giản: Cô không có gương mặt thuần Việt.

Quyết định kỳ cục này đã bị dư luận (cả báo chí lẫn các blogger) chỉ trích. Nó thật chẳng khác nào một loại phân biệt đối xử cần phải xóa bỏ trong thế giới hiện đại.

Cũng may là em Natalia Trần vẫn lọt được vào cuộc thi chung khảo cuộc thi HHVN tại SNG và vẫn là gương mặt sáng giá nhất. Kết quả, Ban Giám khảo đã trao vương miện cho cô gái mang hai dòng máu này.

Xin mở ngoặc nói thêm là trong thành phần BGK có bác Dương Kỳ Anh, TBT báo Tiền Phong, người cực kỳ ưu ái những gương mặt lạ như Nguyễn Thị Huyền, hay Ngọc Khánh.

Mọi người tham khảo thêm thông tin từ báo Thanh Niên:

Cô sinh viên 20 tuổi mang trong mình hai dòng máu Việt-Nga Trần Natalia đã nổi bật trong tà áo dài dân tộc màu mận chín với gương mặt đầy kiêu sa.

Tràng pháo tay không ngớt của khán giả như làm nhịp cho những bước đi khoan thai của cô trong chiếc váy dạ hội đen tuy giản dị mà quý phái được tô điểm bằng những nụ cười tươi tắn.

Tại phần thi ứng xử, trước câu hỏi: “Bạn thích đọc thể loại sách nào nhất, vì sao?”, cô đã thực sự chinh phục Ban giám khảo và toàn bộ khán giả bằng một câu trả lời mộc mạc, chân thành như chính con người của cô:

“Em rất thích đọc sách về quê hương, đất nước Việt Nam của mình. Nhưng em là một người phụ nữ. Chính vì vậy em rất muốn được nấu ăn ngon. Em cho rằng, người phụ nữ cần biết nấu ăn vì đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Mà gia đình là tế bào của xã hội. Chính vì vậy em cũng thích đọc sách dạy nấu ăn”.

Ngoài đoạt vương miện Hoa hậu Việt Nam tại SNG, Trần Natalia còn được nhận giải: “Thí sinh có câu trả lời ứng xử hay nhất”.


10/8/07

THÙNG RỖNG HAY LÀ...



Tôi biết cậu trong chuyến đi nước ngoài. Bạn bè giới thiệu, cậu là người xuất sắc: Tốt nghiệp trường Luật hạng ưu, cãi thắng cả luật sư da trắng, một trong những thủ lĩnh của phong trào thanh niên địa phương. Cậu được thị trưởng bầu là công dân trẻ mẫu mực của thành phố, được báo chí ca ngợi như một hình mẫu của sự hoà nhập toàn diện của người nhập cư.

Bố mẹ cậu đến đây vào đầu những năm 1980, mang theo cậu lúc đó mới 3-4 tuổi gì đó. Lớn lên ở nước ngoài, nhưng cậu nói tiếng Việt rất tốt và luôn khẳng định hướng về quê hương.

Tôi nhờ người giới thiệu với cậu. Ấn tượng đầu tiên thật dễ chịu. Đó là chàng trai Việt cao dong dỏng, có gương mặt sáng và đôi mắt lúc nào cũng cười. Cậu quả là người dễ mến.

- Em có thể giúp gì được anh hông? - Cậu nói tiếng miền nam ấm áp.
- Anh muốn mô tả một ngày làm việc của em. Có được không?
- Ồ, được chứ. Xem nào! - cậu rút PDA lấy bút nhựa kiểm tra lại lịch làm việc. Ngày hôm nay em có ba cuộc gặp, đều rất là thú vị. Cuộc thứ nhất lúc 10h sáng, em gặp một nhà nghiên cứu về tư duy sáng tạo để mời ông tham dự vào khoá đào tạo cho thanh niên địa phương. Lúc 11h30, em gặp CEO của một cty phần mềm đề nghị họ tài trợ cho khoá đào tạo này. Sau đó mình sẽ đi ăn trưa. Rồi tới 3 giờ chiều, em sẽ gặp với một vị dân biểu để bàn biện pháp đưa các vấn đề của thanh niên ra hội đồng vùng.
- Hay thật. Em làm việc như một chính khách ấy. Nhưng có anh đi theo, em không ngại chứ?
- Dạ, không đâu anh. Có nhà báo đi theo có khi lại tốt hơn anh à. - Cậu đáp và nheo mắt một cách hóm hỉnh...

Cuộc thứ nhất:
Tôi không ngờ nhà nghiên cứu tư duy sáng tạo này là tác giả của những cuốn sách khá nổi tiếng mà tôi đã nghe đến từ lâu. Ông tiếp hai người Việt một cách cởi mở. Tôi nhận ra, cậu chiếm cảm tình của người đối thoại chỉ sau vài câu chào xã giao. Sự pha trộn giữa chất nho nhã sĩ phu Á đông với chất quý tộc lịch thiệp phương Tây tạo nên một bản sắc rất đặc biệt nơi cậu.

Cậu đưa ra những câu hỏi thật thông minh, biết kích hoạt vào những huyệt đạo để nhà nghiên cứu phô bày kiến thức, kinh nghiệm và quan niệm của mình về những vấn đề mà cậu quan tâm. Cậu thật đáng kính nể.

Cuộc gặp kéo dài tới 45 phút, lâu hơn 15 phút so với dự định. Lúc chia tay, nhà nghiên cứu vui vẻ nói: "Anh bạn, tôi rất vui được gặp anh, nếu có bất cứ vấn đề gì, anh cứ gọi điện cho tôi nhé!".

Cuộc thứ hai:
Đến được phòng tiếp của CEO, chúng tôi phải đi qua 3 vòng tiếp tân: reception ở tầng trệt, thư ký CEO, trợ lý CEO và chờ thêm 15 phút để ông kết thúc cuộc họp mới được diện kiến.

Vị CEO trông khá cao ngạo, nhưng có thái độ rất lịch lãm. Lại một lần nữa bản sắc Á-Âu của cậu phát huy được sức mạnh. Sau mươi phút lòng vòng trà cà phê, cậu đã khiến ông phải chăm chú vào câu chuyện của cậu.

Cậu nói về thanh niên thế hệ mới trong bối cảnh toàn cầu hoá, cậu nói họ cần phải có tư duy sáng tạo để thắng trong cuộc cạnh tranh. Mà tư duy sáng tạo là...

Tới đây thì tôi bỗng thấy hầu như toàn bộ cuốn băng của nhà nghiên cứu mà cậu vừa gặp cách đây ít phút được tua lại. Tất nhiên cậu đã lọc bỏ những điều cao siêu khó hiểu mà nhà nghiên cứu đã nêu, bổ sung vào đó những ví dụ của riêng cậu, đưa vào đó những hình ảnh mà khả năng ngôn ngữ phong phú của cậu tưởng tưởng ra. Bài phát biểu đen trắng của nhà nghiên cứu thoắt nhiên có mầu, tươi tắn hơn, sinh động hơn, hấp dẫn hơn.

... Rồi cậu đặt vấn đề Cty phần mềm hàng đầu của địa phương nên có trách nhiệm đóng góp vào sự nghiệp đó, không quên liệt kê các lợi ích tinh thần và uy tín mà doanh nghiệp sẽ được hưởng nếu tham gia vào chương trình của cậu.

Tất nhiên, vị CEO đồng ý. Feedback to the society là điều khoản nằm trong chính sách của cty và còn gì may mắn hơn khi ông gặp được một chủ dự án có tâm, có tầm và dễ mến như thế này. Trong suốt hơn nửa giờ nói chuyện, ông còn chia sẻ nhiều điều thú vị mà từ vị trí như của ông mới có thể nhìn thấy và đúc kết.

Cuộc thứ ba
Vị dân biểu tiếp chúng tôi với sự hồ hởi rất kịch. Hoá ra dân biểu ở đâu cũng có thái độ và cách hành xử giống nhau. Do nhu cầu bắt buộc phải lắng nghe ý kiến cử tri, nên vị dân biểu dễ dàng lắng nghe bản thuyết trình của cậu.

Rồi tôi ngạc nhiên, khi thấy cậu tua lại đoạn băng thứ nhất (tất nhiên, ngắn gọn và súc tích hơn), sau đó là đoạn băng thứ hai bao gồm những ý tưởng, đánh giá và quan điểm của vị CEO (tất nhiên là rực rỡ và tươi mới như chính con người cậu). Rồi cậu đề nghị vị dân biểu phải đưa các vấn đề về tạo thêm nhiều việc làm và đào tạo cho thanh niên ra hội đồng vùng.

Cậu nói chân thành: "Hàng vạn thanh niên ở đây là những người bỏ phiếu cho ông, ông cần giúp đỡ họ".

Vị dân biểu sốt sắng: "Tất nhiên, tất nhiên. Bây giờ tôi sẽ liên lạc với một số vị dân biểu nữa. Tuần tới tôi sẽ mời họ tới đây và mời anh trở lại thuyết trình cho họ nghe nhé. Có thêm sự hậu thuẫn của họ thì sẽ rất tốt".

Ngày làm việc của cậu trôi qua như thế. Cậu làm tôi phân vân. Cậu quả rất giỏi, chỉ với tay là hái được những cam kết được coi là vô cùng khó khăn đối với những người khác. Nhưng cậu cũng chẳng giỏi, vì những lý lẽ mà cậu đem ra thuyết phục người khác chẳng phải là của cậu.

Sau chuyến đi ấy, tôi không có bài nào về cậu. Vì thực sự tôi không biết phải viết gì...

Thời gian gần đây, bạn bè ở bên đó kể rằng, cậu càng ngày càng nổi tiếng, lên đến tầm quốc gia rồi, chứ không còn là ở vùng như trước kia. Thủ tướng tiếp cậu trong thành phần những thanh niên xuất sắc trong năm. Cậu được hết trường đại học này, đến tổ chức kia mời đến để diễn thuyết.

Phần lớn thời gian cậu đi chạy sô với vé máy bay hạng nhất, khách sạn 5 sao và check vài nghìn euro. Nhưng cậu không quên dành thời thu nạp thông tin từ những vị tên tuổi trong chính giới, doanh giới và các lĩnh vực khác.

Cậu là cái thùng rỗng kêu to hay là kẻ biết đứng trên vai người khổng lồ?

Free hit counters
 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết