26/6/08

RA ĐI ĐÚNG LÚC



Không cần phải chờ đến 2 năm như dự tính hồi tháng 8.2007, chưa đầy một năm sau khi công bố kế hoạch về hưu, ông vua phần mềm Bill Gates đã nói lời chia tay với Microsoft, giã từ ngành công nghiệp phần mềm để tập trung vào sự nghiệp từ thiện của Quỹ Bill and Melinda Gates.

Bill Gates là con người của những quyết định mà trong con mắt của nhiều người là "điên rồ", song dường như luôn chính xác và đúng lúc.

Năm 1975, khi đang học dang dở năm thứ 2 ở Đại học Harvard danh tiếng, chàng thanh niên 22 tuổi đã bỏ ngang để thành lập một công ty phần mềm máy tính, tập trung làm chip cho các máy tính cá nhân. Bill Gates cho rằng đó là cơ hội để anh có thể chiến thắng thời gian.

Trong thập niên 1980, Gates thiết lập quan hệ đối tác với người khổng lồ IBM, cung cấp hệ điều hành để hãng này bán kèm với máy tính. Từ phiên bản thô sơ 86-DOS, Microsoft đã phát triển thành Windows đồ sộ, giữ vai trò thống trị như hiện nay.

Theo từ điển Wikipedia, mặc dù được vô số người ngưỡng mộ, song Bill Gates bị không ít người trong giới IT chỉ trích vì những tiểu xảo kinh doanh phi cạnh tranh. Điều này khiến Microsoft phải nhiều lần ra hầu toà.

Nhưng Bill Gates thực sự là một huyền thoại, là người làm cuộc cách mạng trong IT và góp phần làm thay đổi diện mạo thế giới.

Con người ấy từ 1.7 tới đây sẽ từ bỏ vị trí lãnh đạo tại Microsoft, đế chế do chính ông sáng lập và gây dựng lên, để theo đuổi một công việc khác, có lẽ, cũng cần ông không kém. Một số người cho rằng Microsoft đã đi đến chỗ thoái trào và Bill Gates khó có phép mầu nào để đưa nó lại đỉnh vinh quang xưa kia.

Ngay cả nếu như vậy, thì sự ra đi của Bill Gates vẫn là sáng suốt. Ông đã làm xong phần việc của ông và giờ đây cần một nhân vật khác, trẻ trung hơn, sắc nét hơn, giỏi giang hơn vận hành cái đế chế ấy.

Ở đời mấy ai nhìn ra mình đã làm xong vai trò lịch sử của mình và dám nhường đường cho người khác? Thế nên Bill Gates vĩ đại ở chỗ biết mình và biết người, biết tiến và biết lui. Đúng lúc!

25/6/08

DU LỊCH QUA MÀN HÌNH... MÁY TÍNH



- Ê, đi Baikal không mày?

- Ban-căng à? Bao giờ đi?

- Không phải Ban-căng. Balkans là khu vực ở Nam Âu, còn Baikal là cái hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, nằm ở Siberia, phần lãnh thổ Châu Á của Nga.

- Hiểu rồi. Đi với bọn nào, có ai tài trợ không?

- Tự đi, thích thì đi, làm gì có bọn nào tài trợ!

- Rồi, mày thử thuyết phục tao xem có đáng đi không nào?

- Ờ, nếu mà đi, thì sẽ đi vào khoảng cuối tháng 9, tức là cuối thu đầu đông. Cả Siberia sẽ chìm trong mùa thu vàng bất tận. Thế rồi cái lạnh sẽ ùa về và những cơn mưa tuyết đầu mùa kéo đến. Rừng thu vàng sẽ bạc tóc chỉ sau một đêm...

- Nghe mà thèm nhỉ?

- Mày sẽ được thưởng thức khoảnh khắc giao mùa tuyệt đẹp, bản giao hưởng có một không hai của thiên nhiên với vẻ đẹp sững sờ, rơi nước mắt...

- MK, thật thế à?

- Ô hay, chưa xem "Thợ cạo Siberia" của Nikita Mikhalkov à?

- Đã xem đâu!

- Thế thì phải xem, để thấy tao không bịa. Nhiếp ảnh gia như mày thì phải đến tận nơi mà mục kích sở thị. Tao vào mấy cái website của hồ Baikal, ảnh chụp không được đẹp lắm. Tao tin chắc là mày chụp sẽ đẹp hơn đấy.



- Mày làm tao ngứa ngáy khó chịu quá rồi đấy. Thế đi thế nào?

- Đáp tàu liên vận đến Bắc Kinh, đổi tàu qua Nội Mông, Mông Cổ, rồi vào Nga. Đến hồ Baikal thì dừng lại 2-3 ngày ở đó, khám phá thiên nhiên, chụp ảnh... Rồi sau đó đi tiếp lên Moskva. Đi Vòng cung Vàng 5 thành phố cổ quanh Moskva. Sau đó nếu thích thì đi St. Peterburg.

- Đương nhiên là phải đi St. Peterburg rồi. Tổng chi phí là bao nhiêu?

- Xin vợ 3.500 đô. Chắc thế mới đủ.

- Trời, thế này thì du lịch trên màn hình máy vi tính thôi nhé. Thời buổi thóc cao gạo kém thế này chả có mụ vợ nào chịu xuất ra 3 nghìn rưởi đâu.

Phong cảnh Hồ Baikal.
Nguồn: http://www.magicbaikal.com/gallery/southeast/pages/baikal-81f33.php

23/6/08

SAY NẮNG



- Em đang say nắng anh ạ. Nhục quá. Chả biết làm thế nào, may mà sức đề kháng tốt. Nhưng cũng hơi vật vã!

- Ờ, thời tiết thế này, nóng quá thể, ra đường mũ nón cẩn thận. Nhất là đừng có đi đâu từ lúc 12 h đến 3 giờ chiều.

- Ơ, mọi ngày anh thông minh lắm cơ mà?

- Thế hôm nay không thông minh à?

- Em nói say nắng là say nắng giống truyện của anh Ivan Bunin í.

- Oài, biết đâu. Tưởng trời nắng bị say nắng?

- Vấn đề là em đang thích một người.

- Hè hè, ngoại tình trong tâm tưởng à?

- Không, không. Hắn đang ở bên Pháp. May mà hắn ở xa, chứ không thì...

- Tóm lại hắn như thế nào, nếu không có gì bí mật?

- Đại loại là cao to, đẹp giai, thông minh, tóc dài... Có thể nói là cực kỳ thông minh...

- Mịa.

- Ô hay, anh chửi gì?

- Cô bị đơn điệu hình ảnh quá thể. Nghe cô mô tả, tôi cứ tưởng là cô nói về chồng cô.

- Vâng, thì em vẫn thích type đàn ông như thế.

- Sao tự nhiên anh ả lại biết nhau?

- Qua blog thôi, hắn là bạn của một đứa bạn thân của em. Con này post lên blog của nó mấy bài thơ em viết từ hồi đại học, với lại mấy cái tản văn em viết những lúc chán đời từ khi đi làm báo. Vào một ngày đẹp giời cách đây 2 tuần, hắn lò dò vào blog đấy. Hắn đọc một mạch và chết đứ đừ. Hắn mới xin con bạn nick của em. Bạn em hỏi có cho không? Em nghĩ người ta thích thơ văn của mình, thì cũng đồng ý cho. Nhưng hắn bắt đầu tấn công em bằng tin nhắn offline. Hắn cứ vật vã, bảo em đúng là người phụ nữ mà hắn đi tìm bao lâu nay. Rồi hắn gọi điện. Em cũng thấy rung rinh. Nhưng đến khi hắn gửi ảnh thì đến lượt em chết. Đúng type đàn ông của em.

- Thằng này vợ con thế nào?

- Hắn chưa vợ.

- Hẳn nào nó mê cô!

- Sao anh nói thế?

- Đàn bà có chồng bao giờ chả hấp dẫn. Bọn ở Tây thích những em có kinh nghiệm. Giống kiểu “Sex and the City”.

- Thật thế ạ? Thế thì chết em rồi, em phải làm gì bây giờ? Nói chung, hắn đong em ghê quá!

- Cố gắng mà chống đỡ!

- Hắn không tán tỉnh à ơi, mà đong sát sạt. Thiếu nước hắn quỳ xuống chân em. Hắn bảo là muốn tặng em cái nhẫn kim cương. Em đang phải vận đủ 10 thành công lực ra chống đỡ.

- Ừ, nhớ lại cái vụ cô ghen với chồng hồi năm ngoái đê.

- Yeap. Em ko thích mấy cái trouble kiểu này, mệt đầu lắm và chả hay ho gì!

- Xao xuyến tí cho nó hoa lá cành thôi. Đừng có đứng núi này trông núi nọ. Giống như đi shopping, món đồ đầu tiên nhìn thấy bao giờ cũng là món ưng nhất, chọn đi chọn lại cuối cùng vẫn quay về mua món đấy.

- Nhưng mà, nói thật nhé, đến giờ này tim em vẫn đang nhói đau đây này. Cảm giác này lạ lắm, mười mấy năm rồi bây giờ mới gặp lại. Mới thấy mình có thể thích 1 người đến như thế

- Ờ, chuyện đấy cũng là bình thường thôi, chứng tỏ là tim em vẫn còn hoạt động.

- Em rất thích đàn ông mạnh mẽ và thông minh. Hắn và chồng em đều cùng một type người. Nhưng người ta ko thể có cả 2 thứ cùng một lúc. Anh phải hiểu, 2 cái giống nhau, thì người ta sẽ thích cái mới hơn. Tức là, trong 1 khoảnh khắc nào đấy, thì là như thế. Chỉ có điều, là 15 ngày không thể thay thế 15 năm. Hiểu như thế mà vẫn thấy đau.

- Ờ say nắng một tí. Mấy hôm nữa bớt nắng nóng là hết ấy mà.

20/6/08

BÁO ANH CÓ NHẬN HOA 21.6 KHÔNG?



- Allo, chào anh, anh cho hỏi một câu: Các anh có nhận hoa chào mừng nhân 21.6 không ạ?

- Ồ, chị hỏi thế tôi khó trả lời quá...

- Xin lỗi, tôi cũng chẳng muốn hỏi thế đâu ạ. Nhưng bởi vì có nghe nói báo chí năm nay không nhận hoa...

- À vâng, tình hình kinh tế khó khăn, nên nhớ đến nhau là quý rồi chị ạ...

- Nhớ thì lúc nào chúng tôi cũng nhớ rồi. Nhưng cũng không phải vì khó khăn đến nỗi không tặng được hoa các nhà báo. Thú thực là các nhà báo rất xứng đáng nhận hoa, nhưng sếp tôi đọc ở báo nào đó thấy có thông tin là năm nay không nhận hoa nhân ngày ngày nhà báo, nên chúng tôi đành phải gọi điện để hỏi xem các anh có nhận hoa không...

- Cảm ơn chị. Báo tôi thì không đưa ra thông tin ấy...

- Thế tức là có thể mang hoa đến chúc mừng phải không ạ?

- Vâng, có thể chị ạ.

- Cảm ơn anh nhé. Thú thực với anh là tôi thấy nhẹ cả người. Công chúng luôn quý trọng báo chí. Hoa chỉ là phương tiện bày tỏ tình cảm thôi. Cũng biết là có thể gây lãng phí, nhưng nếu không mang hoa mà mang cái khác đến thì lại thấy không an tâm, không thoải mái. Mà đi tay không đến chúc mừng cả một cơ quan báo chí nhân ngày nhà báo... thì lại áy náy quá.

- Cảm ơn chị đã chia sẻ.

- Chúc mừng riêng anh nhân ngày nhà báo nhé. Lát nữa chúng tôi sẽ mang hoa đến chúc mừng báo. Chào anh.

Tôi cũng đã từng nghĩ rằng tặng hoa cho các cơ quan báo chí nhân ngày nhà báo là sự lãng phí. Mỗi tờ báo nhận được hàng chục, thậm chí cả trăm lẵng hoa. Vài ngày sau hoa héo, phải dọn, các chị lao công rất khổ sở. Nhưng nghe xong cú điện thoại trên thì lại thấy phân vân... Các nhà báo rất xứng đáng được nhận hoa. Hoa chỉ là phương tiện bày tỏ tình cảm thôi mà...


18/6/08

PHỐ BỖNG LÀ DÒNG SÔNG



Hà Nội chiều nay lại mưa, một cơn mưa khá nặng hạt đúng vào giờ tan tầm và tất cả ngưng trệ.

Trịnh Công Sơn có câu hát rất đẹp về Sài Gòn sau cơn mưa: "Phố bỗng là dòng sông uốn quanh".

Mưa ở Hà Nội biến phố sá thành những dòng sông đục ngầu, chứa đầy cạm bẫy. Không ai biết dưới làn nước kia là cái gì, một cái ổ gà hay cái nắp cống để ngỏ sa chân vào đó chỉ có mà...

Có một lần trời mưa ngập đường ngập phố thấy một ông mặc cái áo mưa rách, đứng giữa chỗ lội phất cờ. Tôi lại tưởng ông bị điên. Nhưng hóa ra ở đấy có cái lỗ cống không có nắp. Ông đứng vào gần chỗ đấy làm cột tiêu sống để nhắc mọi nhở mọi người.

Quay trở lại cơn mưa chiều nay: Lúc 6 giờ một người mẹ trẻ không thể về được nhà, nán lại tòa soạn mà lòng như lửa đốt. Mưa ngớt cô ào đi ngay. Không rõ có dễ dàng vượt qua được những dòng sông phố không?

Khoảng 6h30-7h cánh phóng viên xong việc, lục đục ra về. Nhưng không ai về được cả. Đường trước cổng ngập đến ngang bắp chân. Có thể đi được nhưng ra đầu ngõ thì tắc toàn bộ tuyến Tây Sơn. Xe cộ người ngợm nhích với tốc độ 5cm/phút.

Thế là tất cả ồn ào gọi điện cho vợ báo cáo tình hình. Có người gắt lên: "Chơi bời gì, ở đây ngập hết, đi đâu được? Đến đây mà xem, cả sếp cũng ngồi đây này".

Cả hội cuối cùng đành cởi giày lội bộ ra quán lẩu dê Nhất Ly đầu ngõ để đợi cho nước rút, hết tắc đường mới hy vọng về được nhà.

Tối nay cả cơ quan không có cơm tối. Những người nấu cơm không thể chở cơm đến đây. Chắc họ đang bị mắc kẹt ở đâu đó. Có thể 9h tối cơm mới đến, mà lúc đó thì chắc cơm canh đã ướt sũng nước rồi còn ăn uống gì nữa.

Dịp 30.4 - 1.5 vừa rồi đi qua Jakarta (Indonesia) chơi cũng đụng phải một trận mưa chiều rất to. Nhưng 15 phút sau cơn mưa ra đường, tôi đã thấy phố sá sạch sẽ tinh tươm. Chẳng những vỉa hè sạch không còn một giọt nước, mà lòng đường cũng vậy. Không hề thấy những vũng nước lớn nhỏ còn đọng lại sau mưa như trên các đường phố chính của ta.

Bác ViedBi viết trên blast: "THOÁT NƯỚC Ở HÀ NỘI CHÓ CHẾT! GIAO THÔNG Ở HÀ NỘI CHÓ CHẾT! CÒN NGƯỜI SỐNG Ở HÀ NỘI THÌ CŨNG ....CHO CHẾT LUÔN!". Nhiều người bức xúc như bác đấy.

Ảnh: Hà Nội ngập nước. Nguồn: VNN

LƯỢM LẶT TỪ HỘI THẢO ĐÀO TẠO BÁO CHÍ (2)


Sáng nay tôi lại tiếp tục mài ghế tại Hội thảo đào tạo báo chí vì thấy trong chương trình có tham luận của Trung Quốc, Hồng Kông... để tiếp tục khám phá một vài điều mới mẻ (mà cũng có thể chẳng còn mới mẻ nữa) cho mình và cho cộng đồng blogger. Sau đây là một vài ghi nhận tiếp theo:

1. Trung Quốc chưa có Luật Báo chí. Tôi bị choáng khi nghe tin này. Luật Báo chí Việt Nam có từ cách đây gần 20 năm, thế mà một nước lớn sừng sững như Trung Quốc lại chưa có Luật Báo chí. Vị đại biểu Trung Quốc nói: "Tôi không biết nên nói gì về vấn đề này (luật pháp trong hoạt động báo chí) vì ở Trung Quốc không có Luật Báo chí. Thế mới biết Việt Nam chúng ta đã đi trước một bước.

2. Bà Vương Hiểu Hồng, Trưởng Bộ môn truyền hình và báo chí, Đại học Truyền thông Trung Quốc, khẳng định: "Đào tạo báo chí ở Trung Quốc trước nay chịu ảnh hưởng sâu sắc của chính trị và sự ảnh hưởng này hiện nay vẫn tồn tại".

3. Trung Quốc cũng không có quy định hay chính sách nào về định hướng thông tin cho cộng đồng Hoa kiều. "Họ quá đông và lại là công dân của hàng trăm nước khác nhau, nên chúng tôi không có cách để đáp ứng tất cả. Thông tin cho Hoa kiều là thông tin được chấp nhận trong nước và không vi phạm quy định luật pháp của nước mà họ đang sinh sống" - đại biểu Trung Quốc nói.

4. Bà Judith Clarke, ĐH Baptist Hồng Kông, nói: "Hồng Kông là thuộc địa của Anh, nhưng đào tạo báo chí theo kiểu Mỹ". Hiện tại HK có 7.603 nhà báo, tuổi đời trung bình 30 (Oái, sao trẻ thế nhỉ?). Tuyệt đại đa số phóng viên là phụ nữ trẻ, đàn ông già thì làm sếp. Điều hơi buồn là thu nhập của nhà báo ở HK hơi thấp, nên nhiều người bỏ việc chuyển sang làm PR. 90% nhà báo ở HK có bằng đại học. Làm sếp nhất thiết phải là thạc sĩ.

4. Cũng theo bà Clarke, ở HK rất thịnh hành loại hình internship, tức thực tập sinh. Các cử nhân báo chí đến luyện tay nghề trong các lò đào tạo của các báo. Ở đó họ được mài rũa tay nghề và nhiều người thích ứng rất nhanh. Thường thì ở nhiều nước, người ta không trả lương cho TTS, nhưng HK thì lại khác. Các TTS được trả lương và nhuận bút, họ có thu nhập không kém phóng viên chính là bao nếu làm việc tích cực. Có đội ngũ TTS làm hộ, các phóng viên đi nghỉ hè thoải mái...

6. Newsputer: Từ tiếng Anh mới này do Tiến sĩ Hakan Lindhoff (Thụy Điển) đưa ra. Đó là sự kết hợp giữa "news" (tin tức) và "computer" (máy vi tính) - một phương tiện tiếp nhận thông tin mới của con người trong tương lai gần. Viễn cảnh này bắt buộc các cơ quan báo chí phải chuyển thành đa phương tiện (multimedia), nếu không muốn bị diệt vong.

7. Ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) là điểm yếu của sinh viên báo chí Trung Quốc. Ở VN tình hình cũng như vậy. Điều này ngăn cản họ hành nghề kiểu "nhảy dù" giống phóng viên phương Tây. Ví dụ như trận động đất ở Tứ Xuyên vừa qua, phóng viên nước ngoài có thể "nhảy dù" vào hiện trường ngay ngày hôm sau. Đấy là để hành nghề, chưa nói đến chuyện đi học. Một lãnh đạo của Học viện than phiền riêng với tôi là khả năng ngoại ngữ của sinh viên ta quá kém. Học bổng đi học nước ngoài năm nào cũng có, nhưng rất ít người có đủ ngoại ngữ để đi.

8. Ông Quốc Uy, Tổng giám đốc TTXVN, nêu một ví dụ săn tin điển hình: Quốc vương nước nọ về đến sân bay viện cớ mệt, từ chối trả lời các nhà báo. Khi ông vừa ngồi vào xe và cảnh vệ chưa kịp đóng cửa, thì một nữ nhà báo phương Tây kêu thất thanh: "Quốc vương ơi, cứu tôi với!". Quốc vương nghe thấy tiếng phụ nữ kêu cứu, lòng không đành, nên bước ra hỏi han xem nữ nhà báo này cần gì. Cô ta nói: "Xin Quốc vương cứu giúp, nếu Quốc vương không trả lời, tôi sẽ bị đuổi việc". Thế là Quốc vương phải trả lời.

Bonus: Câu tiếng Việt đầu tiên mà Tiến sĩ báo chí Đức Sven Engesser học được và nói chuẩn là "trăm phần trăm". Câu thứ hai mà ông dự định sẽ học là "Tôi yêu em". Một đại biểu từ Australia nhận xét: các đại biểu VN trong hội thảo hơi dè dặt, nhưng cởi mở hơn sau "trăm phần trăm"...

P/S: Trong entry trước, bạn Gauxauxi hỏi tại sao tôi không rì viu tham luận của các đại biểu VN. Xin trả lời bạn là chương trình hội thảo chỉ có 2 bản báo cáo của VN, mà lại toàn là những chuyện biết rồi. 8 bản báo cáo còn lại đều của các đại biểu nước ngoài. Mà báo cáo của họ có chất, cho nên tôi mới rì viu.

Ảnh: Các cử nhân báo chí trong lễ tốt nghiệp.
Nguồn: nghebao.com


17/6/08

LƯỢM LẶT Ở HỘI THẢO ĐÀO TẠO BÁO CHÍ (1)



Sáng nay ở Học viện Báo chí Hà Nội diễn ra cuộc hội thảo về đào tạo báo chí trong quá trình hội nhập. Sau đây là vài điều lượm lặt tại hội thảo.

1. Kỷ yếu dày "kinh hoàng": 560 trang. Số lượng in: 150 bản. Một vài người đến muộn không nhận được kỷ yếu vì một số học viên cao học của Học viện đã nhanh tay xin trước. Khá nhiều tham luận có giá trị thực tiễn. Chỉ cần lấy tư liệu trong đó cũng làm được hàng chục cái luận văn cao học được điểm cao ngất ngưởng.

2. Chân dung một nhà báo Đức theo mô tả của ông Sven Engesser, giảng dạy báo chí tại Đại học Tổng hợp Munich: Nam, 41 tuổi, có ít nhất một bằng đại học, độc thân (hoặc có vợ, partner, nhưng không có con); lương 3.550 USD/tháng.

3. Tình hình báo chí ở Đức (cũng theo ông Engesser): Lâm vào cuộc khủng hoảng từ đầu thiên niên kỷ. Năm 1992 Đức có 54.318 nhà báo, nhưng đến năm 1005 chỉ còn 48.380 người. Số toà soạn năm 1992 là 2.366, nhưng đến năm 2005 lại tăng lên 2.800. Số sinh viên báo chí ở Đức đến năm 2005 giảm 15% so với năm 1992.

4. Bà Wendy Bacon, ĐH Công nghệ Australia, cho biết: Báo in đang phải đối mặt với sự sụt giảm quảng cáo. Một số tờ báo Australia đã đẩy mạnh rao vặt, đặc biệt là trên ấn phẩm cuối tuần. Và điều này đã giúp họ tăng doanh thu từ 30-40%.

5. Cũng theo bà Bacon, không nên đào tạo chuyên môn hoá một loại hình báo chí, một sinh viên báo chí cần phải biết hết các kỹ năng của báo viết, phát thanh, truyền hình và công nghệ mới. Báo điện tử sẽ chiếm ưu thế trong tương lai và sẽ tích hợp tất cả các loại hình báo chí truyền thống.

6. Ông Hakan Lindhoff, ĐH Tổng hợp Stockholm (Thuỵ Điển), người tự hào về thành tích hơn 30 năm đào tạo báo chí, cho biết ở Thuỵ Điển hiện có khoảng 20 nghìn nhà báo và không phải ai cũng có bằng báo chí. Theo ông, thì báo chí càng ngày càng trở thành lĩnh vực của phụ nữ. 65% sinh viên báo chí của nước này là nữ. Theo bà Bacon, thì tỉ lệ nam nữ theo học báo chí ở Úc khá cân bằng: 45/55%.

7. Bà Judith Clarke, Đại học Baptist Hồng Kông, đưa ra công thức học tập "3L" cho nhà báo là "life long learning" (học suốt đời).

8. Ông Chris Nash, Đại học Monash (Australia), thông báo: Cần có một bằng đại học trước khi học báo chí. 50% sinh viên tốt nghiệp đại học báo chí ở Australia không làm việc đúng nghề. Ông Engesser bổ sung: Ở Đức phần lớn nhà báo đều có một bằng đại học chuyên ngành, sau đó mới học để có thêm bằng báo chí.

9. Ông Lindhoff cảnh báo về xu hướng tháp ngà hoá trong đội ngũ viết báo (ở Thuỵ Điển). Các phóng viên ít đi thực tế, họ ngồi bàn luận tranh cãi với nhau, đưa ra các phân tích, nhận định rồi cứ thế viết lên báo. Các nhà báo đang quá kiêu ngạo và áp đặt suy nghĩ và ý kiến của họ lên xã hội.

10. Bà Nguyễn Thị Minh Thái, ĐH KHXHNV Hà Nội, nói rằng muốn học nghề báo phải có năng khiếu. Do vậy phải kiểm tra năng khiếu khi thi đầu vào. Bà cũng đưa ra quan điểm: có thể học làm báo, nhưng không thể dạy làm báo. Chỉ có thể truyền nghề mà thôi. Muốn truyền nghề được thì đội ngũ giảng viên phải đã hoặc đang làm báo. Ở Việt Nam không đến 10% giảng viên báo chí đã từng làm báo. Muốn truyền nghề diễn chèo, thì người truyền nghề phải đã từng hát chèo rất hay và diễn chèo rất tuyệt, có thế thì mới đào tạo được người kế nghiệp được mình.

Bonus: Ông Engesser quan niệm blog cũng là một loại hình báo chí, đang cạnh tranh mạnh với các loại hình báo chí khác. Một vị GSTS của ta hỏi luôn: "Có thể đào tạo đội ngũ viết blogger được không?". Ông kia trả lời: "Không thể đào tạo được, biết người ta ở đâu mà đào tạo?". Tôi đánh giá đây là câu hỏi "hay" nhất hội thảo!

15/6/08

BỐC PHÉT!



Trong một entry cách đây hơn một năm, tôi có viết rằng bố tôi rất khắt khe. Ông chưa bao giờ khen bất cứ "thành tích" nào của tôi.

Còn nhớ hồi mới làm báo, lặn lội lên tận Sơn Dương (Tuyên Quang), lọ mọ gặp từ cửu vạn đến cai đào thiếc, về viết một cái phóng sự "hơi bị được". Bài đăng lên, tôi hớn hở mang về khoe với bố. Ông xem xong chẳng nói câu nào.

Đến cơ quan, sếp An Định hỏi: "Thế nào, ông già nhà cậu đọc có nói gì không?". Tôi ngậm ngùi: "Không, chú ạ!".

Đến nay thì anh em tôi (em trai tôi làm ở VTV) đã quá quen với việc không được bố khen và cho đó là điều hết sức bình thường. Con hát mẹ (bố) khen hay thật đúng chẳng ra làm sao!

Nhưng bố tôi lại không kiệm lời khi khen bạn bè đồng nghiệp của chúng tôi. Sao ảnh thằng này chụp đẹp thế. Thằng kia có sách tập hợp phóng sự viết hay quá nhỉ. Lúc đó chỉ biết thầm ghen tị với những người bạn được ông khen.

Trưa nay về nhà ăn cơm, giở chồng báo ông xem và để trên bàn trong phòng khách, tôi suýt ngã bổ chửng khi thấy ông viết hai chữ to tướng bằng bút màu đỏ trên đầu một bài báo: "Bốc phét!". Định thần nhìn kỹ thì thật hú vía, đó không phải là báo mình, càng không phải bài của mình.

Đọc kỹ thì đó là một câu chuyện kể về chặng đường trầm luân của một người trải qua chiến tranh trong hàng ngũ quân đội. Tuy ông ta lập được nhiều thành tích, trở thành lãnh đạo, nhưng rồi vẫn day dứt về quá khứ của mình. (Xin phép không kể chi tiết hơn, kẻo có ai đó lại nghĩ tôi chỉ trích một đồng nghiệp cụ thể nào đó).

Bố tôi chỉ giải thích đơn giản là thời chiến tranh không thể có chuyện như thế: "Những người chưa từng chiến đấu, chưa từng ra mặt trận, chưa từng giáp mặt cái chết thì có thể tin chuyện này, bố thì không".

Báo chí đúng là không bao giờ được phép sáng tác. Chỉ biết tự nhủ là luôn luôn phải viết báo sao cho không một độc giả nào phải bực tức thốt lên hai chữ: "Bốc phét!".

(Viết nhân Ngày của Cha - Father's Day 15.6)

Ảnh của Corbis, ông già trong ảnh không phải là bố tôi


Free web counters

13/6/08

THỨ SÁU NGÀY 13



Tôi không mê tín. Bằng chứng là hôm nay vẫn đi làm như bình thường. Thậm chí còn có cuộc gặp gỡ khá quan trọng vào lúc 9h30 sáng và đến trưa thì đi ăn với khá nhiều người.

Sáng sớm tinh mơ, nhận tin nhắn của người bạn trong Sài Gòn, báo tin công ty chồng của bạn xin visa đi mấy nước Đông Âu, không hiểu có chuyện gì mà phải đoàn bầu thê tử kéo ra Hà Nội từ đêm qua để sáng nay đến Đại sứ quán sớm.

Gọi điện cho chồng bạn mới hay, Czech là thành viên mới của Liên minh Châu Âu, cấp visa rất ngặt nghèo, bẻ hành bẻ tỏi đủ loại. Cả một đoàn đến hơn 10 người phải đến trình diện để bà lãnh sự dòm mặt. Bà nhìn một lượt, chẳng thèm hỏi ai câu nào, rồi mới đồng ý cấp visa. Xong xuôi, 10 người ấy lại gọi taxi lên Nội Bài để về SG vì ở HN chẳng có việc gì làm. "Đúng là thứ Sáu ngày 13" - chồng bạn tôi than. Nhưng được cấp visa là hên chứ!

Riêng chuyện xin visa vào Czech thì tôi thấy rất nhiều người phàn nàn. Một nhà báo nổi tiếng kể lại là bà lãnh sự chẳng những không cấp visa cho anh, mà còn nói những câu gì đó khiến anh vô cùng bực tức. Anh nói sẽ viết thư gửi Thủ tướng Czech để phản ánh thái độ ứng xử của bà ta, nhưng khi cơn giận nguôi đi thì cũng thôi.

Trưa đi ăn cơm rất vui. Đầu giờ chiều trở lại cơ quan, nhận được tin nhắn của một người bạn: "Ê, hôm nay có đi làm không", "Có, tôi đi làm bình thường. Ông không đi làm à?", "Không, tôi ở nhà gác giò xem phim", "Sao thế?", "Chẳng sao cả, hôm nay thứ Sáu ngày 13, ngại ra đường". Ái chà, đồng chí này mê tín quá!

Nói về cuộc gặp lúc 9h30. Đó là cuộc gặp làm việc ở cơ quan. 9 giờ đã thấy chuông réo, bảo vệ báo lên: "Khách của anh đang chờ dưới cổng". Nhưng mình hẹn lúc 9h30 cơ mà! 9h có cuộc giao ban ngắn, đành nói khách chờ. Lát sau quay lại thấy khách cười tươi như hoa. Hỏi sao đến sớm thế, khách nói: "Tôi dự trù thời gian như mọi lần, nhưng không hiểu sao hôm nay đường vắng, nên đến anh sớm hơn bình thường".

Bây giờ thì mới hiểu ra. Thứ 6 ngày 13 ít người ra đường, nên đường thông hè thoáng. Không bị kẹt xe là đúng rồi.

Thế tức là thứ 6 ngày 13 đâu có tệ!

Tái bút: Tối nay về đến nhà thấy bác tổ trưởng dân phố cầm một cây gậy dài đứng ngay ở đầu nhà. Bác thông báo kẻ trộm vừa đột nhập vào nhà người hàng xóm lúc vợ chồng anh đi làm. "Thời buổi này không ai để tiền ở nhà, nhưng chúng cũng lục lọi tung lên, chắc cũng bị mất một số thứ" - bác thông báo. Đúng lúc đó thì xe công an đến để khám hiện trường và lập biên bản. Thế là vẫn có người không may trong thứ 6 ngày 13.

11/6/08

BI KỊCH TRÀN ĐẦY SỨC SỐNG



Tôi vẫn cho rằng một trong những thiệt thòi của thế hệ 8X là ít có (nếu như không muốn nói là không có) cơ hội tắm mình vào dòng chảy của một trong những nền văn học vĩ đại của thế giới. Đó là dòng văn học Nga - Xôviết.

Còn nhớ khi học năm thứ hai đại học, tình cờ bắt gặp truyện "Người thầy đầu tiên" của Chinghiz Aitmatov trong giáo trình tiếng Nga, tôi đã đọc một hơi. Đọc xong thấy lòng buồn tê tái. Cứ ngỡ như câu chuyện ở đất nước Trung Á Kirgizia xa xôi đã xảy ra đâu đó gần mình lắm, nghe quen lắm, bởi nỗi đau đó ngọt lắm.

Rồi tôi tìm đọc những truyện khác của Aitmatov như "Giamilia" , "Cây phong non trùm khăn đỏ", "Mắt lạc đà"... Cái thế giới mà Aitmatov vẽ ra đầy khắc nghiệt nhưng cũng đầy lãng mạng. Anh chàng lái xe ở vùng núi Pamir, Thiên Sơn, phóng xe lên đồi Độ Long cao ngất, phóng tầm mắt nhìn xuống thung lũng đầy đá và tuyết, reo lên: "Ê ê núi ơi! Tôi vừa đẻ con trai!" (Câu này dịch giả Cao Xuân Hạo dịch xuất sắc), khiến tôi mường tượng rõ mồn một cái cảnh hoang vu và hùng vĩ ấy.

Tác phẩm nào của Aitmatov cũng đau đớn một cách ngọt ngào. Những bi kịch của ông khiến con tim của hàng triệu độc giả phải thổn thức. Nhưng ngạc nhiên thay, chúng không bao giờ khiến người ta chùn bước. Đọc xong, người ta thấy tâm hồn mình trong sạch và lại sẵn sàng bước vào những thử thách mới.

Một lần cách đây chừng mươi năm, rảo bước qua một con đường bán sách cũ, tôi lượm được "Truyện núi đồi và thảo nguyên" do Nhà xuất bản Cầu Vồng Mátxcơva ấn hành. Tôi vội vàng mua về và tặng em trai, đại diện tiêu biểu của thế hệ 8X không biết Aitmatov là ai. Cậu đọc ngấu nghiến và đem đến cho cả lớp đọc. "Có đứa con gái đọc khóc sưng cả mắt" - cậu kể vẻ hãnh diện.

Aitmatov đã ra đi ngày hôm qua (10.6), 6 tháng trước khi tròn 80 tuổi. Ông đột quỵ trong chuyến đi đến Kazan (Nga), nơi đang quay bộ phim dựa theo tiểu thuyết nổi tiếng "Một ngày dài hơn thế kỷ". Ông đã từng nói: "Tôi luôn cảm thấy cuộc đời là một tấn bi kịch. Với kết cục tràn đầy sức sống".

Nếu bạn chưa bao giờ đọc Aitmatov, tôi khuyên bạn hãy tìm đọc. Chắc chắn bạn sẽ trưởng thành hơn, trong sáng hơn, yêu đời hơn và nhân hậu hơn, sau khi đắm mình vào những bi kịch lãng mạn của ông.

Ảnh: Nữ diễn viên Pháp gốc Việt Phạm Linh Đan đóng vai chính trong phim "Giamilia" - tác phẩm hợp tác giữa Đức và Kirgizia năm 1994.

Đọc bài về Chinghiz Aitmatov trên báo Lao Động

THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT TỪ TRẦN



Hay tin ông bệnh nặng đã gần một tuần nay và hôm nay hay tin ông đã từ trần. Đối với tôi, ông là hình mẫu của một nhà lãnh đạo: thông minh, thao lược, bản lĩnh, quyết đoán. Ông là người vô cùng tâm huyết với đất nước và đến tận những ngày cuối cùng trước khi lâm bệnh vẫn còn đau đáu với những vấn đề vì một đất nước Việt Nam mới và phát triển.

Xin giới thiệu lại cùng mọi người một bài viết của nguyên Thủ tướng dành cho báo Lao Động ngày 24.9.2005.

Không chống tham nhũng một cách hình thức

Diễn đàn "Hiến kế chống tham nhũng" của Báo Lao Động đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc. Mới đây, báo nhận được bài viết của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Thường vụ Quốc hội đang bàn thảo, lấy ý kiến nhân dân để xây dựng Luật về Phòng và chống tham nhũng. Có thể nói, nếu luật này ra đời, cuộc đấu tranh chống tham nhũng và lãng phí ở nước ta đã phải sử dụng tới hình thức pháp lý cao nhất, liệu có thể nhận định như đã có người viết lên báo: Cuộc đấu tranh này "là trận sau cùng", không thắng thì coi như thua đứt?

Chúng ta không thiếu luật

Tuy vậy, tôi không nghĩ Luật về Phòng và chống tham nhũng ra đời tự nó có hiệu lực như một phép màu. Chúng ta đã từng có Pháp lệnh về chống tham nhũng, có Ban chỉ đạo Chống tham nhũng; Đảng thì có "Ban chỉ đạo Trung ương 6-2"... nhưng diễn biến tình hình tham nhũng trong cả nước xem ra chưa suy giảm, mà có phần còn nghiêm trọng hơn.

Diễn biến cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong nhiều năm qua, cũng như nhiều tuyên bố kêu gọi từ cấp cao về chống tham nhũng, chống lãng phí chưa được như lòng dân mong đợi đúng là có phần thiếu luật, nhưng cũng chưa phải đó là nguyên nhân chủ yếu. Chắc không ai nghĩ rằng khi có luật thì nạn tham nhũng quan liêu được đẩy lùi ngay. Vấn đề chủ yếu là các biện pháp còn khập khiễng, chưa đồng bộ, không triệt để, còn né tránh, nể nang và đáng ngại hơn, trong chừng mực nào đó, ở một số nơi, có sự thoả hiệp trong lãnh đạo, điều hành ở các cấp.

Cần nhớ rằng, đối với cán bộ, đảng viên, trước khi có pháp lệnh, có luật thì Đảng đã có điều lệ như một thứ luật của Đảng mà mỗi đảng viên đã tuyên thệ tự giác chấp hành, khi tự nguyện đứng trong Đảng. Điều lệ Đảng ta xưa nay không có điều nào dung túng cho đảng viên tham ô, lãng phí của công. Rồi còn biết bao nhiêu nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đặc biệt là Bác Hồ thường xuyên căn dặn, nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải "cần, kiệm, liêm, chính". Phải nói rằng, trong các lãnh tụ của Đảng ta, Bác Hồ là người đặc biệt chăm lo đến việc giáo dục cán bộ, đảng viên giữ gìn phẩm cách, đạo đức, xem đó là cái gốc của người cách mạng.

Trong hệ thống công quyền, cũng đã có quy định về kỷ luật hành chính đủ nghiêm, không khác mấy với kỷ luật trong Đảng. Thế nhưng, nhiều cấp có thẩm quyền đã không nghiêm chỉnh thực hiện và thường xuyên kiểm điểm việc thực hiện những quy định nghiêm ngặt đó. Vấn đề có liên quan đến cơ chế quản lý cán bộ, nếu không mạnh dạn đổi mới, nhất là trong hệ thống công quyền, Đảng không giao hẳn thẩm quyền cho tập thể và cá nhân đứng đầu có quyền quyết định và chịu trách nhiệm theo pháp luật... hậu quả thế nào thì chúng ta đều biết.

Trong hệ thống quản lý nhà nước, không nhất thiết có ban chuyên trách phòng chống tham nhũng, lãng phí, cứ thực hiện theo thẩm quyền, trách nhiệm từng cấp và các bộ, ngành chức năng của Chính phủ như Thủ tướng, bộ trưởng... Cùng với hệ thống công quyền, các tổ chức chính trị xã hội trong hệ thống chính trị của chúng ta cũng phải xử lý nghiêm tương ứng theo điều lệ của đoàn thể mình về trách nhiệm. Nhưng, trong thực tế, các quy định này mang nặng tính hình thức, không trở thành điểm tựa cho việc xem xét, nhận định về tư cách của thành viên đứng trong tổ chức chính trị xã hội đó, không tạo ra được sức mạnh cho hệ thống chính trị.

Vấn đề đặt ra là nhìn nhận lại một cách nghiêm chỉnh trách nhiệm sử dụng hết thẩm quyền đã được luật pháp, Điều lệ Đảng, điều lệ của các đoàn thể chính trị xã hội đã quy định rõ được thực hiện như thế nào.

Trách nhiệm của người đứng đầu ở đâu?

Điều đáng nhấn mạnh ở đây là, toàn bộ hệ thống chính trị của chế độ chúng ta bao gồm từ Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội cho đến Nhà nước, chưa bao giờ có số lượng thành viên đông đảo như hiện nay. Ơ cấp cơ sở xã phường, nếu tính từ tuổi thành niên đến 60 tuổi, thì có 80-90% số người tham gia các tổ chức thuộc hệ thống chính trị của chúng ta. Trong các cơ quan và các ngành thuộc hệ thống nhà nước thì tỉ lệ đó là 100%.

Nhưng, lại có một thực trạng là phần lớn các vụ tham nhũng lãng phí được xử lý đều do dân chúng và báo chí phát hiện. Đã như thế, sau khi vụ việc được xử lý, gần như chưa có các tổ chức Đảng, đoàn thể ngang cấp nào bị xử lý trách nhiệm đủ nghiêm về kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính, kỷ luật của các đoàn thể. Chính vì thế, chẳng những trách nhiệm các tổ chức này không được nâng cao mà còn bị hạ thấp dần đến mức coi như đứng ngoài vụ việc, "né" đấu tranh chống tham nhũng lãng phí.

Tình trạng thiếu vắng trách nhiệm trước các vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong mỗi ngành, mỗi cấp như vậy cần phải được chấn chỉnh bằng cách thực hiện nghiêm túc chế độ trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể đứng đầu trong mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan.

Người đứng đầu, tập thể đứng đầu phải có trách nhiệm kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nảy sinh trong cơ quan, ngành, cấp của mình. Nếu lãnh đạo quản lý sâu sát, có trách nhiệm ngăn chặn kịp thời, thì chắc đã hạn chế được những vụ việc không để đến mức nghiêm trọng như đã xảy ra. Thí dụ, một thứ trưởng tham nhũng, suy thoái đạo đức, phẩm chất kéo dài, lẽ ra bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trực tiếp, nhưng rồi chính người có trách nhiệm cao nhất trong bộ lại coi như không biết. Câu hỏi cần đặt ra: Vậy bộ trưởng hằng ngày trực tiếp làm việc với ai? Rồi cấp uỷ đảng ở đó, ban chấp hành công đoàn, đoàn thanh niên có trách nhiệm đến đâu và cụ thể như thế nào khi không phát hiện, đấu tranh, để tham nhũng, lãng phí tiêu cực tác oai tác quái trong cơ quan, đơn vị mình?

Rõ ràng là, không có một cá nhân đứng đầu, tập thể đứng đầu nào không phải chịu trách nhiệm về những gì diễn ra trong cơ quan, ngành, cấp của mình. Vì thế, không chỉ trị tội bằng hết những kẻ tham nhũng, mà cùng với việc đó, phải nghiêm khắc xử lý rốt ráo trách nhiệm của những người, những cấp uỷ đảng và đoàn thể trong hệ thống chính trị có liên quan. Trong lĩnh vực này, không nên e dè phải xử lý bao nhiêu, cũng không né tránh mức độ xử lý nào, cứ đúng theo điều lệ, kỷ luật hành chính và đúng luật pháp.
Thậm chí ở một cấp hay ngành nào, cấp uỷ, ban chấp hành đoàn thể hay cấp chính quyền làm ngơ để tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng, phổ biến, kéo dài, sẽ không ngần ngại nếu thấy cần thiết áp dụng đến hình thức giải tán cả cấp bộ đảng, chính quyền, đoàn thể ở đó.

Trong kháng chiến đã từng có huyện uỷ bị giải tán, trong hoạt động bí mật của Đảng ở đô thị cũng có trường hợp giải tán chi bộ. Hiện Đảng ta là đảng cầm quyền, hoạt động công khai, nhưng chúng ta chưa đủ kiên quyết, nghiêm khắc so với những điều kiện nghiệt ngã của thời kỳ kháng chiến và hoạt động bí mật trong vòng vây trùng điệp của kẻ thù, nhưng để bảo đảm tính chiến đấu của Đảng, chúng ta đã kiên quyết làm như vậy. Áp dụng biện pháp mạnh, rồi dựa vào dân, dựa vào quần chúng mà tổ chức lại. Làm như thế, hệ thống chính trị của chúng ta ở mỗi cấp, mỗi ngành chắc chắn không hề yếu đi mà càng nâng cao thêm lòng tin, càng được nhân dân tín nhiệm.

Đặt vấn đề về thực hiện nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, tập thể đứng đầu cũng là biện pháp khắc phục bệnh quan liêu, thiếu sâu sát, thiếu kiểm tra đang là một tác phong phổ biến trong công tác quản lý hiện nay. Làm được như thế, không những hạn chế được mức độ thiệt hại do tham nhũng, lãng phí gây ra mà còn làm tăng hiệu lực của luật pháp, hiệu lực kỷ luật của Đảng, hiệu lực kỷ luật của các đoàn thể. Theo tôi, đó là mấu chốt quan trọng nhất để quyết định "trận sau cùng" trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí là thua hay thắng.

Đấu tranh chống tham nhũng như thế nào?
Theo tôi, nếu không thực hiện tới nơi tới chốn trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu và tập thể đứng đầu thì tổ chức chuyên trách ấy nếu có, cũng chỉ có thể báo cáo trước Quốc hội, đã phá được bao nhiêu vụ tham nhũng, lãng phí lớn chứ không thể nào xác định nổi đã bài trừ, hạn chế tới đâu quốc nạn này. Không có bất cứ tổ chức nào có thể làm thay cho cá nhân, tập thể đứng đầu và cấp trên về trách nhiệm lãnh đạo và quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Trong khi đó, đã có sẵn một tổ chức đúng với vai trò, chức năng này, đó là "Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 6-2" của Bộ Chính trị, do một Uỷ viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư trực tiếp điều hành, có các ban chức năng của Đảng và Bí thư các Ban cán sự Đảng có chức năng bảo vệ pháp luật giúp sức. Nếu "Ban chỉ đạo..." này tiến hành triệt để theo đúng kỷ luật Đảng, đúng luật pháp, không khoan nhượng né tránh, thì cơ cấu hiện có đã đủ thẩm quyền, đúng chức năng kiểm tra và đề xuất, xử lý cán bộ, thực hiện tốt yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Để thực hiện chức năng quyền lực của dân, cùng với "Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 6-2", lại rất cần có một tổ chức giám sát chuyên trách đối với đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí đủ quyền lực và chức năng, đó là Quốc hội và hội đông nhân dân cấp tỉnh, thành phố. Tổ chức giám sát này chịu trách nhiệm giám sát quá trình giải quyết, xử lý các vụ việc lớn mà dân chúng, báo chí và các tổ chức chính trị, xã hội phát hiện. Đặc biệt là giám sát việc xem xét, xử lý trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, tập thể đứng đầu trong các vụ việc nổi cộm đó.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, nên chăng Quốc hội có một uỷ ban hoặc bộ phận chuyên trách công tác giám sát như vậy? Trước những vụ việc nghiêm trọng, cơ quan giám sát chuyên trách này có quyền yêu cầu cung cấp mọi thông tin liên quan đến quá trình giải quyết, xử lý vụ việc và thực thi quyền hạn của mình theo luật định. Một uỷ ban chuyên trách như vậy có thể do Chủ tịch hay một phó chủ tịch Quốc hội đứng đầu.

Ban hành luật kịp thời và hoàn chỉnh chưa đủ là một phương thuốc đặc hiệu. Nếu như chỉ "nâng cấp" pháp lệnh lên thành luật, mà đồng thời không có những biện pháp tích cực nhất, không thiết lập kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong hệ thống công quyền, thì cũng chỉ là đổi chiếc áo.

10/6/08

EURO THỜI GẠO CHÂU CỦI QUẾ



Euro năm nay ảm đạm, cũng có thể do chưa đến lúc cao trào. Nhưng những lần trước chưa bắt đầu World Cup và Euro đã thấy dân tình ỏm củ tỏi lên rồi. Bây giờ đã đá được mấy trận mà bà con cũng chẳng chú ý lắm. Không thấy cái không khí nhộn nhạo cá cược vui vẻ kẻ được người thua như mọi lần.

Đành đổ nguyên nhân của sự thờ ơ với Euro là do lạm phát. Bà con quan tâm đến giá vàng, giá đô, giá thực phẩm nhiều hơn là Euro ai đá và đá như thế nào.

Trong bữa ăn trưa, một cậu bảo: "Tình hình cứ thế này có khi mấy hôm nữa phải về nhà ăn cơm trưa thôi". Cậu khác nói: "Thậm chí có khi sáng phải dậy sớm, nấu cơm cho vào hộp mang đến cơ quan ăn như hồi bao cấp".

Nhớ cái hồi bao cấp, bữa ăn trưa rất là vui. Mỗi người một loại thức ăn, đâm ra bữa trưa rất phong phú. Hồi ấy tôi mới ra trường, cặp lồng cơm còn đạm bạc lắm, nên toàn được các anh các chị nhường thức ăn cho.

Hồi đấy TV phát sóng "Tiếng chim hót trong bụi mận gai", "Nô tỳ Isaura", "Tất cả các dòng sông đều chảy"... Bữa trưa toàn xoay quanh chủ đề của những phim đấy. Đôi khi cãi nhau bất phân thắng bại về các tình tiết trong phim.

Trước bữa trưa, khoảng 11h30, một chị đi lấy cặp lồng của tất cả mọi người, cắm cái bếp điện (dây mai-so Liên Xô đặt trên khuôn bằng đất nung), rồi đặt các cặp lồng cơm lên trên. Khoảng mươi phút sau thì cơm và thức ăn nóng lên, bốc hơi khắp các tầng...

... Quay trở lại chuyện hôm nay. Một cậu nói: "4 h chiều về đi đón con, tranh thủ lượn qua cơ quan, mang dầu tắm với dầu gội đầu đến tắm phát rồi về nhỉ!??". Cậu kia nói: "Thôi, mang theo dầu làm gì? Lấy luôn xà phòng rửa tay ở WC mà tắm. Đã tiết kiệm thì tiết kiệm luôn".

Một cậu có bà chị họ làm ở bộ phận hành chính của một nhà hát. Nhà hát có máy giặt để giặt trang phục mà diễn viên mặc trong các vở diễn. Theo lời bà chị đó thì cái máy giặt được các bà các cô trưng dụng giặt quần áo gia đình từ Tết đến giờ rồi.

Xem ra, ngoài thời gian, thì nước với điện là những thứ dễ lấy nhất. Thế còn những người không có cơ hội "dùng chùa" điện, nước ở công sở thì họ sẽ phải làm gì để tiết kiệm thời gạo châu củi quế này?


Ảnh từ blog Mr Green:
http://blog.360.yahoo.com/blog-AAAVSCo1f6fAbyPp3IYBAw--?cq=1&tag=hanoi


8/6/08

KHI NGƯỜI ĐÀN ÔNG ỐM



Thời ông Boris Yeltsin còn sống và làm Tổng thống Nga, thỉnh thoảng ông ấy lại ốm. Sức khoẻ của Yeltsin không tốt vì chứng nghiện rượu kinh niên. Không những thế ông còn bị bệnh tim. Cứ mỗi lần nghỉ ốm dài ngày là ông lại uỷ quyền cho ai đó thay mình điều hành đất nước.

Nhưng các nhà phân tích thì cho rằng vị tổng thống này không phải ốm để mà ốm. Ông nằm một chỗ và lặng lẽ theo dõi các thuộc hạ hành xử. Người thì tưởng như ông sắp chết đến nơi, lộng quyền và vênh vang như sẽ lên tổng thống nay mai. Kẻ thì chẳng biết phải điều hành thế nào, lúng túng như gà mắc tóc.

Yeltsin nhìn thấy hết, và khi khỏi bệnh, ông mạnh tay loại những kẻ cơ hội và bất tài. Yelstin phải ốm đến năm bảy bận mới tìm được ra người kế nhiệm thực sự mà nước Nga cần. Đó là Putin.

Ấy là chuyện của chính khách.

Cách đây mấy năm, một người bạn của tôi mới ngoài 30 đang khoẻ mạnh tự dưng lăn ra ốm, phải đi nằm bệnh viện. Lúc tôi đến thăm, cũng đúng vào lúc vợ anh bế đứa con trai được hơn một tuổi vào bệnh viện. Thằng bé ôm lấy bố tình cảm lắm. Anh thì sau một tuần mới được gặp con, ôm con và ứa nước mắt.

Sau này khi ra viện, anh nói với tôi: "Anh ạ, có ốm nằm viện mới đo được tình cảm bạn bè dành cho mình. Mọi người đến thăm, động viên, mình mới xấu hổ nhớ ra là có người bị ốm nặng mình đã không đến thăm, có người sinh con mình cũng không qua mừng, có người bố mẹ mất mình không đến viếng. Ốm một trận xong, mới thấy là lâu nay mình sống hời hợt quá. Từ nay sẽ phải điều chỉnh!".

Một anh bạn đồng nghiệp khác lớn tuổi bị ốm mấy tuần nay đang nằm ở nhà. Qua nhà thăm anh, anh gắng xuống tiếp và nói: "Này, xin lỗi cậu, cho anh bỏ hai chân lên ghế nhé. Bụng anh lâm râm đau".

Anh gọi vợ xin một ly nước lọc cho mình và xin một ly cà phê cho khách (là tôi). "Anh chỉ uống nước lọc thôi, cho nó lành".

Tôi an ủi anh bằng một câu nói đùa: "Thôi, già thì cũng phải ốm một tí. Chẳng nhẽ lại cứ khoẻ mãi như thanh niên!?"

Anh ngậm ngùi: "Nghỉ ốm mới ngẫm ra nhiều sự, cậu ạ. Mới thấy nếu mình không uống nhiều thì đâu đến nỗi này, đỡ làm khổ vợ khổ con". Im lặng một lát, anh nói tiếp: "Nhưng nếu không ốm, thì lại vẫn tiếp tục uống và chẳng ngẫm ra được điều đấy. Đúng là đời có những điều thật đơn giản mà xấp xỉ lục tuần mới ngộ ra. Thôi từ nay về sau sẽ bỏ hẳn uống. Giời cảnh báo mình là mình đã già rồi đây mà".

7/6/08

CƠM, CANH CUA, CÀ, CÁ



Lúc gần trưa, ngồi uống càphê, nghe được câu chuyện sau đây ở bàn bên cạnh giữa hai người đàn ông, một anh khoảng ngoài 30, anh kia khoảng 50. Biết nghe lỏm là không hay, nhưng bởi vì họ nói khá to, nên...

- Gần trưa rồi, để em đưa bác đi ăn nhé. Bác thích ăn gì?
- Ăn gì mà chẳng được.
- Đi ăn đồ Nhật nhé?
- Thôi thôi. Hôm qua vừa đi ăn đồ Nhật ở Bà Triệu, có 6 người mà hết hơn 10 triệu bạc. Đắt quá thể.
- Vầng, bây giờ đang có mốt ăn đồ Nhật. Toàn thức ăn nhập, nên nó mới đắt.
- Toàn bọn trưởng giả học làm sang.
- Chỗ em đưa anh đến là nhà hàng có set menu 10 đô một xuất thôi.
- Anh là chúa ghét ăn susi.
- À, nếu thế thì thôi vậy. Vậy bác muốn ăn gì?
- Thì đồ Việt Nam thôi. Chú biết tính anh còn gì! Cứ cơm Việt Nam nấu giản dị là được.
- Ví dụ?
- Đậu phụ rán, ốc nấu chuối đậu, rau muống luộc thật xanh với nước dầm sấu, canh cua mồng tơi, cá kho, có thêm vài quả cà nữa là tuyệt vời.
- Thế anh vào quán bình dân có được không?
- Quán bình dân à? Trời nóng thế này vào đấy không có máy lạnh chắc hơi khó nhỉ? Với lại anh sợ vệ sinh an toàn thực phẩm không bảo đảm, bụng dạ anh quen với thức ăn sạch bên kia rồi.
- Em biết ngay là anh không vào quán bình dân được. Phải vào nhà hàng thôi. Mà nếu thế thì những món anh nêu không hề giản dị tẹo nào.
- Sao lại thế?
- Thực phẩm chế biến mấy món đó có thể tương đối rẻ, nhưng công chế biến các món thì như nhau. Họ lấy rẻ quá cũng không được, còn tiền chất đốt, tiền quản lý, tiền máy lạnh... cái gì cũng tăng cả. Vào nhà hàng thì những món ấy giá cũng same same như những món khác.
- Thế à? Lâu quá không về anh đâu có biết.
- Tóm lại bác thích đi đâu?
- Thôi đi đâu thì tuỳ chú. Ăn cơm Việt Nam, nhưng bây giờ đành ưu tiên chọn chỗ thoáng mát, ít khách, view đẹp. Có thêm các em chân dài lượn qua lượn lại thì càng tốt.
- Úi giời. Thế thì tiền cũng chẳng kém so với ăn đồ Nhật là bao nhiêu!

6/6/08

OBAMA + HILLARY = ?



Tôi thích Hillary Clinton trở thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ. Bà thông minh, có tầm nhìn, có kinh nghiệm điều hành và quan trọng, bà là một nhân vật thế giới. Nhưng đa số cử tri Mỹ lại không nghĩ như vậy.

Oái oăm là cạnh tranh với bà trên đường đua lại là một người đàn ông da màu trẻ trung. Màu da và độ tuổi là hai yếu tố đã khiến Obama thắng điểm trước Hillary. Cộng đồng da đen đông đảo đương nhiên nức lòng trước việc họ sẽ có một tổng thống da đen và bỏ phiếu cho ông. Thanh niên nhìn thấy ở ông một mẫu người năng động và thành đạt, do vậy có thiện cảm với ông nhiều hơn.

Bên cạnh đó, chính cách tranh cử năng động dựa vào sức mạnh của Internet đã giúp Obama từ nhân vật đi sau vượt lên. Bà Hillary đi theo khuôn mẫu truyền thống đã bị knock-out. Đáng tiếc là bà Hillary không rút được kinh nghiệm cần thiết từ thất bại của TNS John Kerry trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2004.

Ông John Kerry rất được lòng giới cử tri có trình độ, việc ông thắng cử với tỉ lệ cách biệt khá cao so với George Bush tại Washington D.C cho thấy điều đó. Nhưng ông dường như nằm ngoài tầm với đối với cử tri là người bình thường. Mà người bình thường thì thích lối ứng xử dân dã và có phần bặm trợn của Bush hơn. Không nhớ điều này do ai nói và ở đâu, nhưng cử tri Mỹ được ví như phụ nữ, bao giờ cũng thích bad guy hơn good guy.

Xét từ góc độ nào đó, Hillary có thể điều hành nước Mỹ tốt hơn Obama, các điều tra xã hội học năm 2007 cũng cho thấy nếu bà đối mặt với ƯCV Cộng hoà John McCain vào tháng 11 tới đây, bà có nhiều cơ hội để giành chiến thắng. Nhưng giờ đây thì bà đã bị out, đó là điều đáng tiếc.

Cũng theo điều tra trên, nếu Obama đối mặt với John McCain, ứng cử viên da mầu chắc chắn sẽ thua cuộc. Nước Mỹ luôn thực dụng, các đại cử tri mà đằng sau lưng họ là những tập đoàn lớn, sẽ không lựa chọn một nhân vật ít kinh nghiệm chính trường như Obama (và mở ngoặc đơn - lại còn da mầu nữa - điều này người ta nghĩ nhưng không nói ra).

Tuy nhiên, hôm qua có thông tin cho rằng bà Hillary sẽ liên danh tranh cử với ông Obama ở chức danh phó tổng thống. Đây là phương án mới, có thể giúp Đảng Dân chủ lấy lại được sức mạnh trước Đảng Cộng hoà. Obama có phiếu của cộng đồng người da mầu, của thanh niên. Hillary có phiếu của giới thượng lưu và tài phiệt.

Liệu Obama + Hillary = chiến thắng?

4/6/08

ĐÀN BÀ THÔNG MINH



Chị xinh đẹp, thông minh và kiêu hãnh.

Học hết phổ thông, chị được chọn đi học nước ngoài. 6 năm ở đó, chị theo học thêm một chuyên ngành nữa ở cùng trường và tốt nghiệp với 2 bằng đại học. Được chuyển sang nghiên cứu sinh, song chị lại quyết định về nước, phần vì bố mẹ đã già cần nơi nương tựa, phần vì nghĩ rằng phụ nữ giỏi quá cũng chẳng để làm gì. Đằng nào chẳng lấy chồng, sinh con. Phấn đấu gì nữa mà bằng cấp?

Nhưng cuộc sống không diễn ra như chị muốn. Về làm việc ở một cơ quan khoa học, chị trở thành tâm điểm bàn tán của cả cái viện lâu nay vẫn xám xịt với toàn các ông đầu to mắt cận. Sếp phát hiện ra năng lực của chị, giao việc cho chị, chị hoàn thành tốt, ông cất nhắc chị - thế là chị trở thành cái bung xung để đám đàn ông bàn tán. Họ kháo chị là bồ của ông giám đốc già, khiến bà vợ ông ghen lồng ghen lộn. Thế là chị dứt áo ra đi khỏi cái viện khoa học thừa chất xám thiếu văn hoá ấy.

Chị đi làm báo, và ở đây sắc đẹp và trí thông minh của chị có cơ hội phát triển. Các bài viết sắc sảo của chị khiến các đồng nghiệp lúc đầu tưởng cô này chỉ là bình hoa di động phải thừa nhận và vị nể. Chị bị đám phụ nữ ghen ghét còn đám đàn ông ngưỡng mộ. Anh nào cũng nghĩ mình là đối tượng xứng đáng nhất để kết đôi với chị. Khi vỡ lẽ ra chị chẳng mê anh nào trong số đó, họ quay ra nói xấu chị. Chịu không nổi, chị lại ra đi.

Chị chọn một trường đại học để giảng dạy. Môi trường sư phạm có vẻ như thuần chất hơn. Chị vỡ lẽ ra một điều: "Chị xinh đẹp - anh nào cũng muốn. Chị thông minh - anh nào cũng sợ. Chị kiêu hãnh - anh nào cũng nói xấu". Chị cố gắng sống thu mình, rồi lấy chồng, sinh con. Cuộc sống trở nên tương đối bình ổn giống như chị muốn.

Dạy đại học bắt buộc phải có bằng cấp. Chị chậc lưỡi, thôi ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, muốn dạy học thì phải học thôi. Chị lại miệt mài 2 năm cao học, 3 năm nghiên cứu sinh. Khi đứa con trai được 6 tuổi thì chị có được bằng tiền sĩ, và cũng là lúc chị đau khổ vỡ lẽ ra chồng chị không cảm thấy thoải mái với học vị đó. Chẳng người đàn ông nào muốn kém vợ. Họ lặng lẽ chia tay.

Chị nuôi con một mình, ngày ngày đi dạy, nỗi đau nguôi đi, cuộc sống dần rồi cũng đi vào nền nếp.

Khi chị bước vào độ tuổi 40, thì cũng là lúc ông Trưởng khoa về hưu. Ông Phó lên thay và cái ghế của ông bỏ trống. Chị là một trong 3 giảng viên có khả năng được đôn lên làm Phó khoa, cái chức mà thực ra chị chẳng màng. Hai nhân vật đàn ông lobby ráo riết và đều được ông Trưởng mới hứa hẹn.

Chị không lobby. Nhưng oái oăm là ông Hiệu trưởng, một nhân vật trẻ trung và cấp tiến, lại rất muốn bổ nhiệm chị. Ông Trưởng khoa cũng chỉ còn đôi ba năm nữa là về hưu, và ông Hiệu trưởng nhìn thấy ở chị một vị Trưởng khoa mới, có năng lực thực sự và tâm huyết với công việc. Thậm chí, chị có thể trở thành Hiệu phó, một cánh tay trợ giúp đắc lực của ông trong 5 năm tới.

Thấy cơ hội có thể bị tuột khỏi tầm tay, hai nhân vật kia bèn mở chiến dịch nói xấu chị. Nào là chị lăng nhăng tới mức chồng phải bỏ nhà ra đi. Nào là chị là bồ của ông Hiệu trưởng nên mới được ông này ưu ái v.v và v.v...

Lòng tự trọng của chị bị tổn thương. Chị trình bầy thật với ông Hiệu trưởng là chị không hề có ham muốn trở thành lãnh đạo. Ông Hiệu trưởng nói: "Chị là người phụ nữ thông minh và có năng lực, tôi muốn tạo mọi điều kiện để chị cống hiến". Chị cảm ơn: "Đàn bà thông minh thì không nên làm lãnh đạo anh ạ, tôi nghĩ thế".

Chị xin chuyển vào chi nhánh của trường ở phía nam và chỉ làm giảng viên bình thường.

Khi chị đi rồi, hai người đàn ông quay ra đánh nhau để tranh chức Phó khoa. Anh nọ tố cáo anh kia, có bao nhiêu lỗi lầm đều bị vạch ra hết. Kết cục là chẳng anh nào được bổ nhiệm. Cái ghế Phó khoa vẫn để trống. Nghe đâu, ông Hiệu trưởng đang thuyết phục để chị trở về.

(Viết nhân ngày Hillary Clinton thất bại trong chiến dịch tranh cử của Đảng Dân chủ)

3/6/08

BẰNG LĂNG NHẬT BẢN (10)



...Lòng Ly đau như xát muối. Cô không đi làm nữa bỏ lên phòng nằm vật xuống giường. Đầu óc Ly quay cuồng với vô số câu hỏi không có lời đáp. Tại sao mối tình đang đẹp thế mà lại phải chia ly? Tại sao cô và Ichiro lại phải chịu nỗi oan khiên vô lý này?

Máy nhắn tin kêu những tiếng bip bip. Tin của Ichiro: "Sao em không đi làm? Có chuyện gì vậy, em yêu?" Cô nhờ mẹ gọi điện lên công ty cáo ốm xin nghỉ một ngày.

Ly nhớ lại, hôm trước cô đã nói với bố rằng cô yêu cả bố mẹ lẫn Ichiro và cô không muốn mất ai hết. Nhưng đến hôm nay cô vẫn phải đối mặt với sự lựa chọn. Sự lựa chọn cực kỳ khó khăn mà cô không bao giờ muốn.

Bố cô sẽ ra sao nếu thỉnh thoảng lại phải gặp mặt ông con rể và những hình ảnh kinh hoàng của quá khứ lại ùa về? Mà không chỉ có Ichiro, anh ấy có thể hạn chế gặp gỡ với ông Ngoạn, nhưng nếu cô có con trai và đứa con trai đó lại giống Ichiro thì sao? Chẳng nhẽ, cả đời thằng bé sẽ không gặp ông ngoại chỉ vì muốn tránh gợi lại cho ông những kỷ niệm đau buồn?

Giả sử cô cứ nhất quyết lấy Ichiro, thì cô sẽ vĩnh viễn mất đi gia đình của mình. Liệu cô có thể ngồi đó mà tận hưởng hạnh phúc, hay lúc nào cũng canh cánh nỗi niềm về lỗi lầm của mình?

Có thể mẹ đã nói đúng, người ta chỉ có thể bỏ vợ bỏ chồng bỏ người yêu, chứ không ai bỏ được cha mẹ anh chị em ruột thịt của mình. Mẹ bảo con sẽ dễ quên Ichiro vì chưa có quan hệ sâu đậm với anh ấy ư? Không đâu mẹ ơi! Thể xác con tuy chưa thuộc về anh ấy, song tâm hồn con gắn chặt với tâm hồn của anh ấy. Và con đang vô cùng đau đớn vì ý nghĩ sẽ phải lìa xa anh ấy mãi mãi.

Nhưng ta cũng không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải rời xa Ichiro. Ngay từ ngày hôm nay. Ngay từ lúc này!

Ly lau nước mắt, đi xuống nhà gặp mẹ. Cô nói: "Mẹ ơi, con sẽ nghe theo lời mẹ. Bây giờ con sẽ viết đơn xin nghỉ việc ở công ty. Nhưng mẹ phải giúp con vượt được qua khó khăn này. Lát nữa con sẽ ra ga mua vé tàu đi Sài Gòn. Mấy đứa bạn học cùng khoá với con đang làm việc trong đó. Chúng nó có lần đã nói ở trong ấy rất dễ kiếm việc. Mẹ cho con xin một ít tiền và cho phép con đi vào đó một thời gian. Có thể là một năm, có thể là hai năm, cho đến khi nào con quên được chuyện này. Ngày mai khi con đi rồi, mẹ hãy lên công ty nộp đơn xin nghỉ việc. Mẹ tuyệt đối không được nói với Ichiro là con đi đâu. Con cũng sẽ cắt máy nhắn tin để anh ấy không liên lạc được với con nữa".

- Con ơi, thân gái dặm trường. Trong ấy thân cô thế cô, con đi làm sao được. Mẹ nỡ nào để con tự đày đoạ như thế, - bà Ngoạn nấc lên.

- Con đã suy nghĩ kỹ rồi mẹ ạ. Để nghe theo lời bố mẹ thì chỉ có cách ấy thôi. Nếu cứ quẩn quanh ở đây, con khó mà dứt khoát được với Ichiro lắm.

- Nhưng...

- Thôi, thế đi mẹ ạ. Con nghĩ đấy là cách giải quyết duy nhất! Và mẹ phải giúp con thôi.

... Bà Ngoạn tê tái tiễn con gái ra ga. Thế là nó ra đi, rứt khỏi cánh tay chở che bao bọc của mẹ. Bà ôm con gái trong tay, mắt nhoè nước. Ly leo lên tầu và ngồi sát cửa sổ nhìn mẹ.
Bà Ngoạn cầm tay cô áp vào má mình. Ly nói khẽ: "Mẹ đừng lo cho con, vào đến nơi con sẽ báo tin cho bố mẹ ngay".

Đoàn tàu rùng mình rồi từ từ chuyển bánh. Con tàu rít còi như tiếng thở hắt ra cáu kỉnh, báo hiệu hành trình chạy khỏi thành phố.
Ly dựa đầu vào thành ghế và nhắm mắt. Thế là hết, vĩnh biệt thời con gái mộng mơ. Vĩnh biệt những cánh bằng lăng tím như nở từ gót chân của nàng tiên trong chuyện cổ tích.

PHẦN 1
PHẦN 2
PHẦN 3
PHẦN 4
PHẦN 5
PHẦN 6
PHẦN 7
PHẦN 8
PHẦN 9


1/6/08

CA SĨ THÀNH HOA HẬU



Nhà mình dạo này thi hoa hậu liên miên. Vui thật, hình như thi hoa hậu tăng theo lạm phát. Cũng vì nhiều hoa hậu quá, cho nên cái cuộc Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam này không thu hút được sự chú ý của công chúng lắm.

Cháu rể hờ... hờ của mình đang ở Nha Trang, tuần trước đi xem các cuộc thi phụ, về than phiền là tổ chức lộn xộn lắm. Cậu bảo màn các nhà tài trợ tặng hoa, thế nào mà vẫn thừa ra một bó. Đến lúc các thí sinh giơ hoa lên vẫy, mới phát hiện ra người chưa được tặng. Thế là nhà tài trợ lại lóp ngóp chạy lên để tặng nốt bó hoa.

"Ban tổ chức có vẻ không chuyên nghiệp" - cậu nhận xét. Đúng rồi. Lần đầu tiên họ tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ mà. Phải như báo Tiền Phong có thâm niên 2 thập kỷ tổ chức hoa hậu thì mới khả dĩ.

Tối qua chung kết, HTV phát trực tiếp trên kênh 9. Bà con phía Bắc kêu oai oái vì nhà nào không có cable TV thì không xem được. Một anh bạn tôi, người chuyên tổ chức sự kiện, nhắn tin bực tức: "Tại sao thi hoa hậu của Việt Nam mà lại chọn tiết mục múa đặc sệt Trung Quốc từ âm nhạc đến trang phục?"

Ơ hay, tôi có phải ở trong ban tổ chức đâu nhỉ? Nhưng mà cũng biết là em Linh Nga, sinh viên ưu tú của Học viện Múa Bắc Kinh mới về, được mời biểu diễn trong chương trình này. Tiết mục của em Nga thì đương nhiên phải "đặc sệt Trung Quốc" rồi. Có gì lạ đâu???

Xem tiếp thì anh này bức xúc và góp ý một loạt vấn đề nữa:

1. Nhà đài không bắn thông tin về thí sinh như họ tên, số đo... lên màn hình.

2. MC vẫn không theo kịp MC thế giới, nói quá nhiều, mô tả quá nhiều.

3. Bỏ ngay cái kiểu văn công nhà quê là một lô nhà tài trợ lố nhố lên sân khấu tặng hoa cảm ơn sau lúc khai mạc.

4. Sân khấu quá xấu. Sàn sân khấu màu trắng làm cho sân khấu bị hẹp và bí như trong trường quay chứ không phải là khán phòng lớn.

5. Nhà đài vẫn chưa thoát khỏi cách làm show ca nhạc. Kịch bản MC dài dòng, các clip của thí sinh giống hệt nhau từ khuôn hình (cận cảnh mặt cũng giống nhau), thời gian như nhau.

6. Làm rất ẩu vì không có quay ngoại cảnh.

7. Nói chung là BTC ít tài trợ.

Tôi nhắn an ủi: "Ừ, làm show kiểu này thì không đài địa phương nào địch được với VTV3 hết".

Cuối cùng thì cuộc thi cũng có kết quả với chiến thắng thuộc về nữ ca sĩ Thùy Lâm. Một loạt người đẹp, người mẫu có danh thậm chí không lọt nổi vào top 5. Chuyện cũng bình thường. Hơi tiếc cho em Nguyễn Vũ Hà Anh, bị rớt khỏi top 5. Ai đó nói đúng, em này đi thi người mẫu thì hợp hơn.

Thế là chúng ta lần đầu tiên có một ca sĩ trở thành hoa hậu và đại diện cho VN đi thi Hoa hậu Hoàn vũ. Trước đây có mấy em đoạt giải Hoa hậu rồi mới đi làm ca sĩ, hát thì cũng bình thường, ra sân khấu cho khán giả ngắm là chính. Nay có ca sĩ trở thành hoa hậu, chắc sẽ đắt show, và sẽ xóa được mặc cảm người đẹp hát trong lòng khán giả.

Biết đâu đấy, có khi sang năm, sang năm nữa Hoa hậu của chúng ta còn đoạt giải Cống hiến không biết chừng. Chuyện gì cũng có thể xảy ra hết. Nếu như em ấy có tài năng và nỗ lực thực sự.

Ảnh: Hoàng Yến, Thùy Lâm, Thiên Lý (từ trái sang phải). Nguồn: VNE

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết