28/6/11

NSND QUÝ DƯƠNG - TÀI HOA VÀ NGHỊ LỰC



PGS, TS LƯƠNG QUỲNH KHUÊ

Thế hệ những người đã làm nên kỳ tích của một “Điện Biên Phủ trên không” đều biết đến Quý Dương như một “Giọng ca vàng”, một nghệ sĩ opera hàng đầu của nền thanh nhạc Việt Nam hiện đại.

Quê gốc ở Gia Lâm Hà Nội, song lại được sinh ra ở Hải Dương, cha mẹ ông chọn tên gọi Quý Dương để đặt cho con với hàm nghĩa “quý tử” sinh ở đất “Hải Dương”, kỷ niệm nơi người cha làm việc khi đó.

Tốt nghiệp Trung học phổ thông Chu Văn An Hà Nội năm 1956, Quý Dương cùng với những người bạn sau này cũng trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng như Trần Hiếu, Hồ Quang Bình.. cùng thi vào khoa Thanh nhạc trường Âm nhạc Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp (1959 ), Quý Dương được giữ lại làm giảng viên thanh nhạc của trường. Sự nghiệp ca hát của ông bắt đầu từ đấy.

Trong ký ức của người Hà Nội hẳn không thể quên những vở ôpêra trong lộng lẫy ánh đèn sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước như “Épghênhi Ônhêghin” của nhạc sĩ vĩ đại người Nga Traicôpxki (dựa theo tác phẩm thơ của Puskin) do các đạo diễn Liên Xô dàn dựng hay “Núi rừng hãy lên tiếng” của Triều Tiên do chính các chuyên gia Triều Tiên đạo diễn. Tiếp đó là nhiều vở nước ngoài khác như “Madam Butterfly”, “Ruồi Trâu”, “ La vie Parisiene” (Đời sống người Pari ) …

Lớp nghệ sĩ opera Việt Nam đầu tiên trong các vở diễn trên như Quý Dương, Trần Chất, Trần Hiếu, Ngọc Dậu …đều là những người chưa được học tập, đào tạo về opera một cách bài bản mà chỉ được truyền thụ trực tiếp qua các chuyên gia Liên Xô, Triều Tiên, Trung Quốc lúc đó (thậm chí, Ngọc Dậu xuất thân là một nữ Nghệ sĩ Cải lương). Vậy mà, các chuyên gia nghệ thuật nước ngoài đã phải thốt lên kinh ngạc trước sự thông minh, tài hoa của các nghệ sĩ Việt Nam khi Quý Dương và các đồng nghiệp của ông thể hiện thành công những vở opera kinh điển của thế giới trên sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Bầu không khí nghệ thuật ấy đã thúc đẩy các Nhạc sĩ Việt Nam sáng tác những vở opera nói về đất nước, con người Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết hai vở “Cô Sao” và “Người tạc tượng”, nhạc sĩ Nhật Lai viết vở “Bên bờ Krông pa”...

Với những vở opera nước ngoài hay trong nước nói trên, nghệ sĩ Quý Dương luôn được chọn vào những vai “nặng”, những vai chính có nội tâm phức tạp như vai Ônhêghin (Epghênhi Ônhêghin) – một trí thức quý tộc Nga đầu thế kỷ XIX chán ghét cuộc sống nhàm chán của tầng lớp quý tộc, có hoài bão lớn lao, có khát vọng tự do, song bế tắc và bất lực trước cuộc sống; vai ông già yêu nước Triều Tiên (Núi rừng hãy lên tiếng), đặc biệt là vai Hồng y giáo chủ Montaneli (Ruồi Trâu) là một nhân vật có sự giằng xé nội tâm vô cùng phức tạp v.v…

Những năm 1979 – 1983 Quý Dương được Nhà nước cho đi học thanh nhạc ở Bungari.a Đây là thời gian giúp ông được trang bị phương pháp Bel Canto, tức phương pháp thanh nhạc cổ điển của thế giới một cách bài bản và hệ thống. Song không dừng lại ở đó, cái quý giá là ở chỗ ông đã dùng phương pháp Bel canto kết hợp với cách xử lý của nghệ thuật ca hát dân gian Việt Nam để tạo ra một cách hát rất bác học mà vẫn gần gũi với thị hiếu âm nhạc của người Việt. Trong nghệ thuật thanh nhạc, ông đã tạo ra một phong cách kết hợp nhuần nhụy giữa kỹ thuật thanh nhạc cổ điển với cách hát dân gian Việt Nam bằng trí tuệ và trái tim của một nghệ sĩ mà cuộc sống luôn gắn bó với nhân dân và dân tộc.

Ông luôn tâm niệm rằng, một nghệ sĩ chân chính, một tài năng nghệ thuật đích thực trên lĩnh vực ca hát đòi hỏi phải có bốn yếu tố: Kỹ thuật thanh nhạc tốt, hiểu sâu ngôn ngữ dân tộc, có tâm hồn dân tộc và một tình yêu đất nước.

Một đạo diễn ôpêra đã đánh giá Quý Dương là một nghệ sĩ thuộc loại hiếm có bởi ông là người hát ca khúc nghệ thuật và hát cổ điển, cả hai phương diện ấy ông đều có những dấu ấn vượt thời gian. Quý Dương cũng là người “mở đường”, nói về ông người ta nhắc nhiều đến hai tiếng “đầu tiên” như một “điệp khúc” đáng tự hào: Ông là giảng viên thanh nhạc đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội, là nghệ sĩ hát opera đầu tiên của Việt Nam, là người vào vai chính của vở opera kinh điển của nước ngoài lần đầu tiên được dàn dựng và công diễn ở Nhà Hát Lớn Hà Nội, là người đầu tiên và có lẽ là duy nhất mang opera đến trại phong Quỳnh Lập (Nghệ An), hát cho những bệnh nhân đang mắc căn bệnh mà ngoài các thày thuốc ra, ai cũng ngại ngần khi gặp họ. Vậy mà Quý Dương đã đến, đến một cách lặng lẽ, mang tấm lòng và tiếng hát của mình sẻ chia với các số phận kém may mắn, giúp họ có thêm tình yêu cuộc sống để chiến thắng bệnh tật …

Vào giữa những năm 80, trong cương vị Phó Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Quý Dương cùng với nghệ sĩ piano Hoàng My và nhiều người bạn khác nữa đã đề xướng tổ chức “Đêm nhạc Văn Cao”, giới thiệu những ca khúc cách mạng và trữ tình nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao với đông đảo công chúng Hà Nội và cả nước. Trong hai năm 1986 – 1987, hơn 60 “Đêm nhạc Văn Cao” đã được tổ chức ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành phố khác. Thành công vang dội này đã góp phần quan trọng khẳng định lại giá trị của Văn Cao, của Âm nhạc Văn Cao với những tác phẩm sống mãi với thời gian như Tiến quân ca, Trường ca sông Lô, Ngày mùa, Đàn chim Việt, Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi v.v… Đó không chỉ là tấm lòng tri âm của một người nghệ sĩ với một người nghệ sĩ mà còn là lương tâm và trách nhiệm của thế hệ đi sau đối với thế hệ đi trước mà Quý Dương và những người bạn của ông đã nêu một tấm gương đẹp.

Hiện nay, ở tuổi 71, vừa lặng lẽ và kiên cường chống lại bệnh tật vừa tiếp tục dạy thanh nhạc cho những người yêu thích nghệ thuật ca hát: Sinh viên thanh nhạc, giảng viên đại học, cô giáo, kỹ sư, công nhân… Nhìn ông ngồi bên cây đàn pianô, nghe âm vang tròn đầy trong giọng hát sang trọng của ông, không ai có thể hình dung được rằng, vừa mới đây ông còn phải nằm lọc máu ở bệnh viện vì căn bệnh nan y mà ông đã phải chịu đựng từ gần 20 năm qua.

Những ca khúc kinh điển của nước Ý, của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới và Việt Nam luôn vang lên trong ngôi nhà nhỏ của ông. Đến với ông, người học không chỉ được tiếp cận với kỹ thuật thanh nhạc, được hiểu biết và trân trọng những giá trị âm nhạc đích thực mà còn đựợc cảm nhận từ ông một niềm đam mê sự nghiệp, một tình yêu cuộc sống, nghị lực phi thường. Ở tuổi 71, ông vẫn đẹp, phong thái vẫn tài hoa...

Danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân mà Nhà nước phong tặng cho ông vào đầu những năm 1990, khẳng định những cống hiến nghệ thuật đáng trân trọng của ông. Phục hồi Nhà hát opera, đào tạo lớp nghệ sĩ opera trẻ tuổi, sáng tác những vở opera phù hợp với đời sống và cảm xúc của con người Việt Nam hiện nay là ước mong lớn nhất của NSND Quý Dương và nhiều nghệ sĩ cùng thế hệ với ông hiện nay. Mong sao mong ước của ông sẽ trở thành hiện thực...

Người Việt Nam đầu tiên hát opera trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội,
giảng viên thanh nhạc đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội -
người đã hát Tình em bên các mâm pháo của trận địa phòng không
trong 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” -
NSND Quý Dương đã qua đời chiều 28-6
sau gần 10 năm chiến đấu với bệnh thận hiểm nghèo, thọ 75 tuổi.

Nguồn:
NSND Quý Dương: Tài hoa và nghị lực

BONUS: CÁC BÀI HÁT DO NSND QUÝ DƯƠNG THỂ HIỆN

TÌNH EM
Sáng tác: Huy Du



LÁ ĐỎ
Sáng tác: Hoàng Hiệp


BÀI CA XÂY DỰNG
Sáng tác: Hoàng Vân


TRƯỜNG CA SÔNG LÔ
Sáng tác: Văn Cao


CHIỀU HẢI CẢNG
Nhạc Nga
Biểu diễn: Các NSND Quý Dương, Trung Kiên, Trần Hiếu




27/6/11

NHỮNG CA KHÚC NỔI TIẾNG ĐẦU THẬP NIÊN 1980


HÃY CHO TÔI LÊN ĐƯỜNG
Sáng tác: Trần Chung
Biểu diễn: Ái Vân


NHỮNG ĐÔI MẮT MANG HÌNH VIÊN ĐẠN
Sáng tác: Trần Tiến
Biểu diễn: Khánh Duy


CHIẾC BA LÔ VÀ BÀI CA TÌNH NGUYỆN
Sáng tác: Hoàng Tạo
Trình bày: NSƯT Bích Việt


LỜI TẠM BIỆT LÚC LÊN ĐƯỜNG
Sáng tác: Vũ Trọng Hối
Biểu diễn: NSƯT Trần Thụ


ĐẤT NƯỚC TÌNH YÊU
Sáng tác: Lệ Giang
Trình bày: NSƯT Thúy Lan


CHIỀU BIÊN GIỚI
Nhạc: Trần Chung
Thơ: Lò Ngân Sủn
Biểu diễn: NSƯT Thúy Lan


ĐẤT NƯỚC BÊN BỜ SÓNG
Sáng tác: Thái Văn Hóa
Biểu diễn: NSƯT Bích Việt




26/6/11

BIỂN ĐÔNG VÀ NƯỚC CỜ CHIẾN LƯỢC CỦA CÁC BÊN



TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG

Một, Trung Quốc muốn gì ở Biển Đông? “Sinh sự để sự sinh”, tạo đột phá nhằm triển khai chiến lược mới khai thác dầu khí biển sâu ở khu vực nam Biển Đông – Trường Sa. Nhóm thực lực Bắc Kinh còn muốn vận dụng kinh nghiệm Đặng Tiểu Bình gây chiến năm 1979 dùng xung đột bên ngoài để củng cố vị thế bên trong, nay đang ở trước thềm đại hội 18 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Vừa ép các nước, Trung Quốc vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán thương lượng để “cùng khai thác”, thực chất là để Trung Quốc khai thác phần chính do chủ động về công nghệ, lẫn tiềm lực tài chính. Ngày 21.6, Thứ trưởng ngoại giao Thôi Thiên Khải trả lời phỏng vấn Tân Hoa xã và đài Phượng hoàng liên quan đến cuộc tham vấn lần thứ nhất Trung – Mỹ về các công việc khu vực châu Á – Thái Bình Dương tổ chức ngày 25.6 tại Hawaii, nói rằng: Trung Quốc vẫn kiên trì không thay đổi những chủ trương trước đây; hy vọng các nước khác cũng sẽ giống Trung Quốc có thái độ kiềm chế, trách nhiệm và mang tính xây dựng.

Nếu các nước đều có thái độ giống Trung Quốc thì các vấn đề này sẽ dễ dàng giải quyết. Trung Quốc không mong muốn những tranh chấp thế này giữa các nước với nhau ảnh hướng đến sự ổn định của cả khu vực hoặc ảnh hưởng đến tổng thể quan hệ song phương giữa các nước liên quan. Sau những vụ “lên gân lên cốt” hiện nay, nội dung thương lượng và thoả hiệp sẽ lộ diện rõ ràng hơn.

Hai, để triển khai chiến lược mới tại Biển Đông, Trung Quốc thực hiện “ba mũi giáp công”. Trước hết hoà hoãn với Mỹ nhằm “trung lập hoá” Mỹ trong cuộc tranh chấp Biển Đông. Mỹ có thể đứng trung lập đến mức nào, vẫn là câu hỏi khó lường đối với Trung Quốc. Trước mắt, Mỹ có thể để Trung Quốc xoay xở đàm phán thương lượng, nhưng việc Mỹ đưa siêu hàng không mẫu hạm và đưa các tàu khu trục vào tập trận ở Biển Đông cho thấy Mỹ vẫn muốn cầm trịch cuộc chơi ở vùng biển này để xung đột không vượt khỏi tầm kiểm soát. Nếu có hoà hoãn thì cũng là một cuộc giải lao ngắn.

Thứ hai, dùng ngoại giao tiền bạc và các lợi ích kinh tế khác để ràng buộc các nước, tập hợp lực lượng ở Đông Nam Á; dùng “hợp tung” phá “liên hoành” của ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Bó đũa ASEAN xem ra đang bị bẻ gãy từng chiếc. Thứ ba, tăng cường chính sách thực lực và ngoại giao pháo hạm tại Biển Đông, trước hết là để khuất phục Việt Nam và Philippines. Dùng quân sự hỗ trợ đàm phán trên thế mạnh, nhưng không loại trừ khả năng tạo ra “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” để gây chiến bất chấp dư luận, đặt mọi việc trước sự đã rồi, độc chiếm Biển Đông.

Ba
, Trung Quốc có thể đi xa đến đâu? Trung Quốc tuy lắm tiền nhiều súng nhưng không có chính nghĩa. Phóng viên Thời báo hoàn cầu khi đưa tin về hội nghị quốc tế về Biển Đông tổ chức mới đây tại Singapore, ngay trước khi tàu tuần tra Trung Quốc thăm cảng nước này, cho hay hầu như tất cả các học giả đều phát biểu phê phán Trung Quốc, rất ít người nói thay cho Trung Quốc. Một học giả Trung Quốc nói rằng “mặc dù sức mạnh của Trung Quốc tăng nhanh, nhưng tiếng nói trong cộng đồng quốc tế rất yếu, trong vấn đề Biển Đông cũng như vậy”.

Mặt khác, Trung Quốc phải giải quyết khá nhiều vấn đề trong nước. Arthur Herman, một tác giả tên tuổi ở Mỹ, nhận định giá dầu tăng cao và lạm phát đang xoá đi nhiều thành tựu kinh tế của Trung Quốc; bạo lực gia tăng thành hàng chục vạn vụ hàng năm, thậm chí cả các vụ nổ bom chống lại chính quyền. Ông này nhận xét rằng nhìn vào các việc làm, “Trung Quốc trông không giống một siêu cường đang lên mà giống như một kẻ bắt nạt mất kiểm soát”.

Dù thế nào, Trung Quốc chắc cũng không muốn phá vỡ cục diện vốn đang có lợi cho họ ở Đông Nam Á. Một cuộc chiến tranh tại Biển Đông do Trung Quốc phát động tất yếu sẽ đẩy một số quốc gia đang giữ vị thế trung lập đầy khó khăn trong quan hệ giữa các nước lớn vào một liên minh mới với Mỹ.

Bốn, nước Việt ta xưa nay giữ được bờ cõi không những cần ý chí nghị lực mà phải có mưu lược. Trong nước, tiếp tục biểu dương sức mạnh đoàn kết dân tộc. Hãy sản xuất ra hàng hoá có sức cạnh tranh. Trên biển, ta phải nhanh chóng thích nghi ứng phó với loại xung đột cường độ thấp và “phi truyền thống” mà các lực lượng vũ trang và bán vũ trang Trung Quốc tiến hành.

Năm, hy vọng không phải là chiến lược. Cần dựa vào sức mình là chính, kết hợp mọi hình thức đàm phán song phương và đa phương, trong khi tăng cường củng cố thực lực của mình, đẩy mạnh tập hợp lực lượng quốc tế, vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh coi trọng quan hệ với các nước láng giềng và các nước lớn. Lại phải thấm nhuần tư tưởng cốt lõi của ngoại giao Đại Việt trong quan hệ với Trung Quốc đúc kết qua hàng ngàn năm bang giao, nằm trong hai chữ “hoà hiếu”.

Nhiều người Trung Quốc hiện nay chưa hiểu bản chất tình hình Biển Đông. Ta cần tận dụng các lợi thế của thời đại kỹ thuật số, gửi đến nhân dân Trung Quốc các thông tin xác thực, lý lẽ phải trái và bức thông điệp rõ ràng: Việt Nam không thách thức Trung Quốc trên Biển Đông; Việt Nam chỉ bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình trong vùng lãnh hải mà mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ đều được công pháp quốc tế, công lý và đạo lý thừa nhận.

Nguồn:
Biển Đông và nước cờ chiến lược của các bên

Tham khảo:
NGOẠI GIAO NHÂN DÂN CHO BÀI TOÁN BIỂN ĐÔNG
BÁM BIỂN
BIỂN ĐÔNG NHỎ CHƯA HẲN YẾU
HÀNG XÓM KỲ LẠ VÀ LIÊN MINH CHÂN VẠC
CÂU CHUYỆN "CÁI LƯỠI BÒ"
20 TRIỆU LỜI NÓI "CẮT"



25/6/11

RỦI RO ĐẠO ĐỨC TỪ HỆ THỐNG NGÂN HÀNG



Các cuộc chạy đua lãi suất của các ngân hàng khiến cho doanh nghiệp phải gồng mình chịu đựng chi phi vốn cao chỉ là một mặt của bức tranh của thị trường tiền tệ hiện nay. Một vấn đề nhức nhối khác là những rủi ro đạo đức đang ngày một tăng trong một môi trường chính sách thiếu kiên quyết và nhất quán.

Sự thật mà ai cũng biết, báo chí cũng đề cập nhiều trong thời gian vừa qua, là việc các ngân hàng thương mại lách quy định trần lãi suất huy động của ngân hàng Nhà nước (NHNN), tham gia vào cuộc chạy đua huy động có lúc đưa lãi suất tiền gửi lên tới 20 – 21%/năm đối với các khoản gửi ngắn hạn.

Khi phóng viên đặt câu hỏi này với NHNN, thường nhận được trả lời bằng một câu hỏi từ các cán bộ ngân hàng: “bằng chứng đâu?” Các ngân hàng dễ dàng lách quy định này bằng những hợp đồng tín dụng mà trên danh nghĩa là khoản gửi ở mức lãi suất 14%, nhưng cộng thêm những điều khoản khác bên ngoài khiến cho lãi suất thực nhận là trên mức trần rất nhiều.

Trên thực tế, trong vòng vài năm qua, hàng loạt quy định hành chính mà ngân hàng sử dụng làm công cụ điều tiết thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng đã không phát huy được tác dụng mong muốn, không được các ngân hàng áp dụng nghiêm minh, tạo ra tình trạng méo mó trong hoạt động của hệ thống. Quy định về trần lãi suất chỉ là một ví dụ trong hàng loạt quy định hành chính khác không phát huy được hiệu quả.

Năm ngoái, NHNN đưa ra thông tư quy định về việc tăng vốn tối thiểu của các ngân hàng lên trên 3.000 tỉ vào cuối năm 2010, một quy định được cho là hết sức cần thiết để củng cố, làm mạnh hệ thống ngân hàng, tạo sức ép để các ngân hàng nhỏ, yếu kém sáp nhập với nhau. Nhưng ba tuần trước thời hạn thực hiện, NHNN đổi ý, giãn thời hạn thực hiện tới một năm sau. Các chuyên gia về ngân hàng cho rằng NHNN đã bỏ lỡ một cơ hội để củng cố hệ thống ngân hàng, tạo một tiền lệ không tốt cho thị trường.

Câu chuyện nóng trên thị trường trong thời gian hiện nay là tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng – liệu xấu đến mức nào? Điều có thể thấy trong hành xử của các ngân hàng hiện nay là sự chênh lệch giữa các ngân hàng: trong khi có những ngân hàng có dư thanh khoản và phải mua trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp, thì lại vẫn có những ngân hàng bị thiếu thanh khoản cục bộ, mất thanh khoản tạm thời… và có giai đoạn phải chấp nhận vay nóng trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao, có nhiều trường hợp phải chấp nhận lãi suất phạt (gấp rưỡi mức lãi suất đáng ra chỉ trả, tới mức 30%/ năm thay vì 20%/năm).

Một số ngân hàng thời gian qua huy động với lãi suất cao cũng chính là những ngân hàng đang phải đi vay nóng trên thị trường liên ngân hàng. Tại sao người gửi tiền vẫn bỏ tiền vào những ngân hàng này mà không e ngại rủi ro? Quy định về bảo hiểm tiền gửi chỉ bảo đảm cho khoản tiền gửi tối đa 50 triệu đồng. Theo các chuyên gia, có một lý do mọi người đều ngầm hiểu là NHNN sẽ không để cho ngân hàng thương mại nào sụp đổ.

Nếu xảy ra tình trạng thiếu thanh khoản, thì NHNN sẽ bơm tiền vào cứu. Đây là một vấn đề nhạy cảm đối với các hệ thống ngân hàng trên toàn thế giới, không chỉ ở Việt Nam. Nhưng việc thiếu những quy định rõ ràng, các chuyên gia cho rằng đang tạo ra “rủi ro đạo đức” trên thị trường: mọi người đều biết là rủi ro nhưng vẫn tham gia vào cuộc chạy đua lãi suất.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nước ngoài lớn, đề nghị không nêu tên, còn bày tỏ lo ngại về những “rủi ro đạo đức” trong các cán bộ ngân hàng khi giao dịch với khách hàng. Vị giám đốc này cho biết, trong vòng hai năm qua chuẩn mực đạo đức của nhân viên trong các ngân hàng xuống rất thấp. Khi lãi suất cao, các khoản vay đến thời hạn đáo hạn, doanh nghiệp phải đáo nợ, phải tìm cách vay trong khi khả năng chi trả kém… những tình huống này đang tạo ra một làn nước đục cho các thoả thuận ăn chia, tỷ lệ lại quả… giữa doanh nghiệp đi vay và cán bộ tín dụng.

Vị giám đốc này nói: “Điều này đang tạo ra hệ luỵ lâu dài cho hệ thống ngân hàng”. Một trong những “làn nước đục” khác trong hệ thống ngân hàng là những khoản vay chính sách mà các ngân hàng lớn của Nhà nước áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước. Các khoản vay chính sách được cho là rất “tù mù” nhưng vẫn được duy trì.

Với chính sách ngân hàng quản lý ngân hàng như hiện nay, các chuyên gia cho rằng, khả năng sụp đổ của hệ thống ngân hàng là rất thấp hoặc không thể xảy ra, nhưng khả năng có một hệ thống ngân hàng mạnh khoẻ, giúp doanh nghiệp phát triển và có tính cạnh tranh là rất thấp. “Rủi ro đạo đức”, một thực trạng làm yếu kém hệ thống, dường như là điều ai cũng biết nhưng tránh đề cập đến.

LAN ANH

Nguồn:
Rủi ro đạo đức từ hệ thống ngân hàng



24/6/11

20 TRIỆU LỜI NÓI "CẮT"



NGUYỄN QUANG A

Rất nhiều người và tổ chức đã hưởng ứng chương trình Cùng ngư dân bám biển. Cần mở rộng đợt vận động để bà con người Việt khắp nơi trên thế giới đưa ra sáng kiến giúp ngư dân bám biển một cách bền vững, từ việc quyên góp tiền lập quỹ giúp đỡ cuộc sống cho bà con ngư dân, đến góp ý giúp họ cách làm ăn hiệu quả và nâng cao nhận thức cho tất cả mọi người dân về chủ quyền biển đảo.

Mấu chốt là phải phá vỡ âm mưu bá chiếm Biển Đông của nhà cầm quyền Trung Quốc mà trước hết là sự đòi hỏi bất hợp pháp của họ với đường lưỡi bò (sau đây gọi là đường chữ U). Chính dựa vào cái đường chữ U phi lý đó mà các lực lượng của nhà cầm quyền Trung Quốc (kể cả quân sự trá hình dưới trướng lực lượng giám hải, kiểm ngư,…) đang ngày đêm quấy rối hoạt động làm ăn sinh sống của bà con ngư dân ta (và của bà con ngư dân các nước khác) vốn đã diễn ra từ ngàn đời nay. Phá bỏ đường chữ U phi pháp này là cách căn bản nhất, lâu bền nhất để giúp bà con ngư dân bám biển làm ăn, giúp củng cố hoà bình và an ninh khu vực và thế giới.

Tôi xin nêu ý tưởng có thể góp phần tích cực xoá bỏ đường chữ U phi pháp đồng thời vận động được tiền để giúp đỡ bà con ngư dân. Hãy sản xuất 10 triệu (hay vài trăm triệu?) chiếc áo, mũ với dòng chữ U-NO (chữ U có thể in đứt khúc) hay chữ U bị gạch chéo để nhà sản xuất vẫn có lời (vừa phải) mà người mua có thể ủng hộ thêm tiền giúp bà con ngư dân.

U-NO, U bị gạch chéo, là phản đối, là nói không với đường lưỡi bò phi pháp của nhà cầm quyền Trung Quốc. Dòng chữ này, biểu tượng này không chỉ dân ta cũng hiểu mà cả thế giới đều hiểu. Và có thể vận động phong trào này ở nhiều nước khác, không chỉ ở các nước liên quan như Philippines, Indonesia và Malaysia (kể cả vận động nhân dân Trung Quốc yêu hoà bình ở Trung Hoa đại lục và trên khắp thế giới).

Các nhà thiết kế hãy giúp thiết kế hàng chữ U-NO sao cho đa dạng, bắt mắt với từng loại áo (áo thun, áo mưa…), cũng như các loại biểu tượng chữ U bị gạch chéo sao cho hợp với các loại (màu, kích cỡ) mũ nón (bảo hiểm hay mũ thường bằng vải hay chất liệu khác) sao cho vừa dễ nhận dạng lại vừa thời trang. Họ hãy làm việc này miễn phí và các phương tiện truyền thông có thể đưa lên mạng, hướng dẫn cách thực hiện (in, phun sơn, mực, dán decal v.v.) để các nhà sản xuất, các bạn trẻ có thể tải về và thực hiện in, gắn trên áo, mũ của mình. Hãy vận động mỗi người đóng góp một ít tiền cho việc sử dụng biểu tượng này.

Giá bán có thể bằng giá mua của nhà sản xuất cộng thêm một số tiền nào đó tuỳ từng loại áo (mua là giúp ngư dân!) và phần “cộng thêm” này sẽ chuyển vào tài khoản mà ban tổ chức chương trình Cùng ngư dân bám biển đã mở.

Việc phân phối nên hội, đoàn và các nhóm thanh niên tình nguyện.

Các hội đoàn người Việt, Philippines, Indonesia, Malaysia ở nước ngoài hãy cùng nhau làm tương tự hay nêu ra các sáng kiến khác, thí dụ mặc áo hay có thể dán biểu tượng lên xe của mình và vận động bạn bè cùng làm vậy thì có thể có cả triệu xe ở Hoa Kỳ và Tây Âu được dán hình chữ U bị gạch chéo.

Áo, mũ chúng ta mang hàng ngày, bảy ngày/tuần. Mỗi biểu tượng trong mắt mỗi người mặc áo, đội mũ hay nhiều người nhìn thấy nó là sự nhắc nhở đến việc xoá bỏ đường lưỡi bò, nhắc nhở về lòng yêu nước, yêu hoà bình. Nếu vận động, đoàn kết được nhân dân các nước trong khu vực, trên thế giới, kể cả nhân dân Trung Quốc thì đấy là một sức mạnh khổng lồ, là một tiếng nói đanh thép góp phần ngăn chặn âm mưu hiện thực hoá đường chữ U phi pháp của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Nguồn:
20 triệu áo, mũ in chữ U-NO, U gạch chéo giúp ngư dân bám biển

Tham khảo:
TÀU TRUNG QUỐC NGANG NGƯỢC VI PHẠM LÃNH HẢI VIỆT NAM
TRUNG QUỐC PHẢI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI
HẢI QUÂN VIỆT NAM BẢO VỆ VÙNG LÃNH HẢI VIỆT NAM
TRUNG QUỐC CÒN MUỐN BẮT NẠT ASEAN THÊM NỮA
NGOẠI GIAO NHÂN DÂN CHO BÀI TOÁN BIỂN ĐÔNG
BÁM BIỂN
BIỂN ĐÔNG NHỎ CHƯA HẲN YẾU
HÀNG XÓM KỲ LẠ VÀ LIÊN MINH CHÂN VẠC
TRUNG QUỐC XÂY NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN SÁT BIÊN GIỚI VIỆT NAM
CÂU CHUYỆN "CÁI LƯỠI BÒ"
TÀI LIỆU QUÝ KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI TRƯỜNG SA VÀ HOÀNG SA




23/6/11

CỤC BỒI THƯỜNG SỨC KHỎE NHÂN DÂN



Cục Bồi thường Nhà nước đã có quyết định thành lập từ tháng 5 và sẽ ra mắt trong tháng 6 này. Với những người không am tường luật pháp, thì tên gọi của đơn vị chuyên trách thuộc Bộ Tư pháp này có vẻ hơi... lạ lùng. Nhưng nó là cần thiết để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường.

Rất hoan nghênh, khi Nhà nước có hẳn một đơn vị chuyên trách để thực hiện trách nhiệm này. Nhưng tôi chợt nghĩ, Nhà nước đã “fair-play” như vậy, còn các doanh nghiệp thì sao?

Khi một người tiêu dùng tố cáo một sản phẩm có vấn đề, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe hoặc các quyền lợi khác của mình thì họ có thể khởi kiện doanh nghiệp đó ra tòa, hoặc kêu cứu thông qua Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Thế nhưng, có những sản phẩm bị chứng minh là nguy hại đến sức khỏe của con người hẳn hoi, nhưng “nguyên đơn” không phải là một người tiêu dùng cụ thể, mà là cả xã hội. Còn “bị đơn” cũng có thể là một doanh nghiệp cụ thể, nhưng ở bên Tây, bên Tàu. Với những vụ việc đó, ai sẽ đứng ra kiện và kiện ai?

Những ngày qua ầm ĩ trước vụ một loại thạch rau câu có sử dụng chất phụ gia tạo đục chứa độc chất DEHP, là chất có thể gây giảm khả năng sinh dục nam, rối loạn dậy thì ở nữ giới và về lâu dài, có thể gây nguy hại đến sức khỏe. Rồi hàng loạt sản phẩm khác cũng bị phát hiện hoặc nghi ngờ có chất DEHP.

Thỉnh thoảng người tiêu dùng lại tá hỏa khi có các thông tin về sữa, nước tương có chất nọ chất kia như melamine, 3-MCPD... Đó là chưa kể những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán tràn lan ngoài chợ, có nhiều nguy cơ lạm dụng các chất như chất kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu...

Những sản phẩm đó đương nhiên là gây hại đến sức khỏe hoặc làm thiệt hại tiền bạc của người tiêu dùng. Nhưng kết quả thì chỉ đến mức bị thu hồi hoặc bị loại ra khỏi các trung tâm thương mại, các siêu thị là hết. Hàng ngàn, hàng triệu sản phẩm có khi vẫn trôi nổi ở các chợ cóc, chợ quê, nhất là ở các vùng sâu vùng xa, ai biết mà thu hồi xử lý? Có phải người tiêu dùng nào cũng nắm được thông tin mà cảnh giác với những thứ độc hại bị thu hồi đó đâu?

Các doanh nghiệp làm ra các sản phẩm bị chứng minh là gây nguy hại đến người tiêu dùng đó, ngoài việc phải hủy sản phẩm, họ hầu như không phải bồi thường chút gì cho những người đã sử dụng. Từ khi một loại thạch rau câu bị thu hồi vì có chứa chất DEHP, biết bao ông bố bà mẹ lo lắng. Bởi con cái họ đã ăn biết bao lần. Ảnh hưởng đến sức khỏe là đương nhiên, nhưng đến mức độ nào, có cần đi khám không, ai phải chịu trách nhiệm bồi thường? Hoàn toàn không rõ. Và cũng không thấy ai đặt ra. Đó là điều rất thiếu công bằng.

Thật ra với những sản phẩm như vậy, nếu một cá nhân khởi kiện thì rất khó, bởi phải chứng minh đã tiêu thụ bao nhiêu sản phẩm, di hại đến sức khỏe như thế nào (Trong khi mua về thì đã ăn vào bụng từ lâu rồi, di hại thì 5 - 10, 20 năm mới phát tác). Nhưng hoàn toàn có thể chứng minh là chúng có ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế cả xã hội phải đòi bồi thường bằng cách, căn cứ trên tổng số sản phẩm đã bán trên thị trường nhân với số tiền phải đền bù trên mỗi sản phẩm thành một khoản tiền tương ứng. Chuyển toàn bộ số tiền bồi thường đó vào Quỹ Khám chữa bệnh của ngành y tế. Như thế những người bị ảnh hưởng từ sản phẩm bị thu hồi đến khi phát bệnh có thể dùng tiền từ Quỹ Khám chữa bệnh nói trên để chữa trị.

Ngành môi trường đã đưa ra được những số tiền cụ thể phải bồi thường khi doanh nghiệp gây ô nhiễm (như vụ Vedan đầu độc sông Thị Vải). Vậy thì không lẽ gì, lại không thể tính được số tiền phải bồi thường đối với những doanh nghiệp tung ra các sản phẩm gây “ô nhiễm” sức khỏe con người?

Vì thế tôi nghĩ, có lẽ phải thành lập hẳn một Cục Bồi thường sức khỏe nhân dân thuộc Bộ Y tế với chức năng tương tự như Cục Bồi thường Nhà nước thuộc Bộ Tư pháp, nhưng để đòi quyền lợi chung cho những người dân bị ảnh hưởng sức khỏe do những người sản xuất kinh doanh lương thực, thực phẩm gây ra.

ĐÔNG KINH

Nguồn:
Cần có thêm… Cục Bồi thường sức khỏe nhân dân



22/6/11

THIÊN NHIÊN CUỒNG NỘ


Một cơn bão mạnh đang tiến vào Midtown Beach, khu vực Palm Beach,
bang Florida (Mỹ), ngày 5.4.2011.

Ảnh: Allen Eyestone/The Palm Beach Post/AP

Mohammed Nawaz được hải quân Pakistan cứu ngày 10.8.2010 trong trận lụt
tại Sukkur.
Đây là trận lụt lớn nhất trong vòng 80 năm qua ở Pakistan.
Ảnh: Paula Bronstein/Getty Images

Một người dân dùng ròng rọc qua sông ở Chakdara, Pakistan, ngày 3.8.2010.
Nước lũ phá hủy cây cầu qua con sông này.
(AFP/Getty Images)

Cháy rừng gần Viege, Thụy Sỹ hôm 26.4.2011. 9 chiếc trực thăng
và hơn 300 lính cứu hỏa đã được huy động để dập tắt đám cháy -
hậu quả của đợt khô hạn nặng nhất ở Thụy Sỹ trong vòng 150 năm qua.

Ảnh: Fabrice Coffrini/AFP/Getty Images

Bang Missouri của Mỹ phải gánh chịu mùa đông khắc nghiệt nhất
trong nhiều thập niên qua hồi đầu năm nay.

Ảnh: L.G. Patterson/AP

Công binh Mỹ cho nổ đê Birds Point ở hạt Mississippi, gây lụt 130 nghìn acre đất nông nghiệp của bang Missouri để cứu thành phố Cairo (bang Illinois)
hôm 2.5 vừa qua.

Ảnh: David Carson/St. Louis Post-Dispatch/AP

Thành phố Davenport, Iowa bị bủa vây trong nước lũ từ sống Mississippi.
Ảnh: Paul Colletti/The Dispatch/AP

Màn sương mù dầy đặc bao phủ trung tâm London (Anh) ngày 22.4.2011.
Chính phủ Anh lên tiếng cảnh báo về mức độ ô nhiễm không khí trầm trọng ở thủ đô.
Ảnh: Leon Neal/AFP/Getty Images

Quang cảnh hoang tàn ở Pratt City (bang Alabama, Mỹ)
sau trận lốc xoáy cuối tháng 4.2011.

Ảnh: Butch Dill/AP

Một bé gái được cứu khỏi ngôi nhà sập sau cơn lốc xoáy ở Jolin hôm 25-28.4.2011,
khiến hơn 300 người bị thiệt mạng ở miền nam và miền trung nước Mỹ.
Ảnh: Mike Gullett/AP

Trung Quốc bắn tên lửa gây mưa ở Hoàng Phố ngày 10.5. Hạn hán kéo dài nhiều tháng ở khu vực trung tâm Trung Quốc đã khiến hơn một triệu người không có nước sạch. Gần 1.400 hồ chứa nước ở tỉnh Hồ Bắc bị cạn dưới mức cho phép khiến các nhà máy thủy điện phải hoạt động cầm chừng.
Ảnh: STR/AFP/Getty Images

Người phụ nữ Trung Quốc than khóc tại đám tang tập thể các nạn nhân lũ lụt
ở Linxiang, Trung Quốc, ngày 11.6.

Ảnh: STR/AFP/Getty Images

Lũ lụt trên đường phố ở Yotoco, Colombia, ngày 22.4.
Mưa lớn gây lũ lụt và lở đất ở nhiều địa phương Colombia.
408 người thiệt mạng, 487 người bị thương, 75 người bị mất tích và 2,8 triệu người bị ảnh hưởng vì thiên tai trong vòng 12 tháng qua ở Colombia.

Carlos Julio Martinez/AP

Mưa lớn gây lở bùn ở Nakau, Thái Lan ngày 1.4. Lũ lụt ở miền nam Thái Lan khiến 25 người chết và hàng vạn người phải đi sơ tán.
Ảnh: Madaree Tohlala/AFP/Getty Images

Người đàn ông thả lưới bắt cá ở trong khu vực bị lũ ở huyện Phunpin,
tỉnh Surat Thani.

Ảnh: Sukree Sukplang/Reuters

Các nhân viên Đại học Iowa dùng thang máy chở tuyết rơi xuống tòa nhà nghiên cứu y sinh hôm 2.2 ở thành phố Iowa.
Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images

Người đàn ông Ai Cập bán kem đẩy xe trong trận bão cát ở Kuwait City ngày 13.4. Bão cát mạnh đến mức các trường học, ngân hàng và doanh nghiệp phải đóng cửa. Tầm nhìn ở sân bay quốc tế Kuwait giảm xuống dưới 300 m.
Ảnh: Stephanie McGehee/Reuters

Người đàn ông đốt lửa sưởi ấm ở Ciudad Juarez ngày 2.2.2011.
Tuyết và nhiệt độ dưới không rất hiếm khi xảy ra ở khu vực này.

Ảnh: Jesus Alcazar/AFP/Getty Images

Những con lạc đà bị khát nước ở Mogadishu (Somalia) ngày 22.4.
Ảnh: Feisal Omar/Reuters

Tìm kiếm nạn nhân bị lở đất ở Kingking, Philippines ngày 24.4.2011.
Hàng chục thợ mỏ đã bị mất tích trong vụ lở đất này.

Ảnh: Erik de Castro/Reuters

Jim Pinter chạy khỏi ngôi nhà của ông ở Alpine, bang Arizona (Mỹ) ngày 2.6,
trước nguy cơ cháy rừng ở khu vực này.

Ảnh: Jack Kurtz/The Arizona Republic/AP

Quang cảnh vụ lở đất ở Doda (Ấn Độ) hôm 9.6.2011.
Ảnh: Channi Anand/AP

Nhân viên cứu nạn khiêng thi thể một nạn nhân bị lở đất vùi lấp tại cô nhi viện ở Hulu Langat, Malaysia ngày 22.5.2011.
Ảnh: Bazuki Muhammad/AP

Người dân sơ tán tại trung tâm mua bán Earlville (Australia) ngày 2.2.2011,
tránh cơn bão Yasi sắp đổ bộ vào Cairns. Siêu bão này có gió mạnh đến 300km/h
là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử Australia.

Ảnh: Paul Crock/AFP/Getty Images

Cơn mưa đá lớn (có đường kính tới 20cm) rơi xuống Vivian,
bang Nam Dakota (Mỹ), ngày 23.7.2010.

Ảnh: Chad Cowan.

Nguồn:
Is weather becoming more extreme?



21/6/11

VỀ "MUỐI" CỦA THIỆP



Một tranh cãi nho nhỏ đã xảy ra xung quanh kết của trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia hôm qua, khi thí sinh giành chiến thắng (Ngọc Oanh) rất có thể sẽ không giành được vòng nguyệt quế chung cuộc, nếu cô không được Ban cố vấn “cứu” trong câu hỏi cuối cùng của vòng tăng tốc.

1. Cụ thể, BTC đưa ra câu hỏi: “Đây là gì”? Với các gợi ý theo thứ tự như sau: 1 - Đây là hợp chất vô cơ; 2- Cấu trúc mạng tinh thể, liên kết ion ; 3- ..?.. của rừng (tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp); 4- Một loại gia vị; 5- Salt.

Ngọc Oanh đã trả lời là “muối ăn”, trong khi đáp án được công bố là “muối”. Lẽ ra Ngọc Oanh không được điểm ở câu hỏi này, nhưng Ban cố vấn cho rằng câu trả lời “Muối ăn” vẫn chấp nhận được, nên Ngọc Oanh đã được thêm 30 điểm.

Trên báo Tuoitre Online, có bạn đọc bày tỏ ý kiến, nếu chấp nhận đáp án là “Muối ăn” thì chẳng lẽ Nguyễn Huy Thiệp viết Muối ăn của rừng?

Một lập luận rất logic về mặt câu chữ. Rõ ràng nếu coi điều kiện thứ 3 là một dạng ô chữ, thì từ “Muối ăn” đã phạm quy, vì Nguyễn Huy Thiệp chỉ viết Muối của rừng.

Một cuộc thi thiên về kiến thức, có lẽ tiểu tiết trên không phải là điều quá quan trọng. Kết quả chung cuộc cũng đã công bố, nó giống như một giải bóng đá, khi nhà vô địch đã lên ngôi, thì kết quả đã thuộc về lịch sử, không nên “hồi tố” lại các tình tiết đã diễn ra hòng làm thay đổi kết quả.

2. Nhưng cũng dưới góc độ tri thức, một câu hỏi thú vị đặt ra: Liệu tên gọi “Muối ăn của rừng” có thể thay thế cho “Muối của rừng”?

Theo tôi, hai từ này khác nhau một trời một vực. Trong thiên truyện ngắn của mình, Nguyễn Huy Thiệp không viết về diêm dân hay nghề làm muối ở nơi rừng rú. Trái lại, thông qua câu chuyện về người đàn ông vào rừng đi săn, bắt con khỉ, và rồi thả nó, và rồi chấp nhận mất tất cả (kể cả quần áo) để tồng ngồng trở về nhà. Bỏ qua, những ý nghĩa sâu xa (mỗi người có thể hiểu một cách), ở đây tôi chỉ nhấn mạnh hình ảnh “Muối của rừng” không phải là hạt muối ăn (với các đặc điểm như cuộc thi nêu ra), mà là tên một loài hoa.

Xin được trích nguyên văn: “Ông Diểu dừng lại sững sờ. Loài hoa tử huyền cứ ba chục năm mới nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn. Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc”.

Chẳng hiểu loài hoa trên là có thực, hay chỉ là cách “hình tượng hóa” của ông nhà văn nhiều lăn lội với miền ngược này. Tôi nghĩ, có lẽ, ông xây dựng hình tượng “muối của rừng” có lẽ cũng xuất phát từ phong tục “đầu năm mua muối” của người miền xuôi. Các nhà phê bình văn học nhận định rằng, thông qua cuộc đi săn, câu chuyện mang thông điệp về cuộc kiếm về với bản ngã, về thiên lương chính mình của mỗi con người.

Ở đây tôi không dám bàn đến những nội dung to lớn ấy. Nhưng dù chưa thấy ở đâu tác giả giảng giải, nhưng tôi đồ rằng Nguyễn Huy Thiệp dùng chữ “Muối của rừng” hẳn liên hệ lời dạy “Muối của đất” trong sách kinh: “Các con là muối của đất. Muối đã mất mặn rồi thì lấy chi cho mặn lại được?” Trong lời dạy này, dĩ nhiên “muối của đất” không có ý nghĩa cụ thể là chất NaCl.

Rõ ràng, dù kết quả cuộc thi thế nào, thì cũng chớ ai nghĩ rằng Nguyễn Huy Thiệp viết “Muối ăn của rừng”, kẻo sẽ sai một ly đi một dặm về tác phẩm văn học lừng danh này.

ĐÔNG KINH

Nguồn:
“Muối” của Thiệp và “Muối ăn” của “đỉnh Olympia”


20/6/11

CỬA NGƯỜI


Cổng chùa Láng

LÊ THIẾT CƯƠNG

Năm 1984, tôi mê một cô gái ở “phố nhà binh”, cô này con quan, gia đình nề nếp, kỷ cương như trại lính. Bố mẹ cô ấy phong phanh biết chuyện yêu đương của con gái, họ ra lệnh cấm trại, nội bất xuất ngoại bất nhập. Thỉnh thoảng tôi đạp xe lướt qua lướt lại, đeo kính đen, liếc trộm từ xa. Năm thì mười hoạ may thì nhìn thấy cô ấy đứng ở cửa.

Một lần gặp thi sĩ Hoàng Cầm ở nhà bác Đặng Đình Hưng, hôm đó bác Cầm đọc một bài thơ mới. Bài thơ dài, tôi chỉ nhớ mỗi một câu để lẩy vào mình, để vận vào tình cảnh của mình. “Em cười như lá mỏng/ Tựa cửa vào chiêm bao”. Cái cửa chiêm bao đó thật mơ mộng, từ đó đến nay tôi không còn gặp cái cửa nào như vậy nữa. Câu chuyện thực và câu chuyện nhớ lại sau gần 30 năm có thể không trùng khít nhưng thôi, tội gì mà chả cho quá khứ đó sang sang thêm tí chút.

Cách đây vài năm gia đình nhà cô vợ tôi ở Mỹ phải họp để quyết định xem ai được ở chung với bà ngoại. Từ bác cả đến cậu út ai cũng có lý của người ấy chưa kể bà mẹ vợ tôi phân trần bao nhiêu năm đi làm ăn xa, nay về hưu muốn được đón bà về ở để phụng dưỡng. Cuối cùng thì vợ chồng nhà dì Bé thắng cuộc, nguyên do giản dị thế này. Dì Bé sang Mỹ từ nhỏ, mấy chục năm ở xứ người nhưng chả hiểu sao dì lại là người giữ được nếp sống của người Việt nhất. Dì bảo “Một mẹ già bằng ba then cửa”, một câu thành ngữ hay mà ngay cả những người trẻ ở trong nước cũng không biết hoặc không còn dùng nữa. Dì nói xong, cả nhà đều nhất trí bỏ phiếu thuận để dì được ở với bà. Thế là hợp nhất vì cả hai người đều thích lối sống cổ. Lẽ đương nhiên chẳng ai hiểu theo nghĩa đen, ở với bà để bà trông nhà giúp, nhưng đến gia đình nào thấy có người già trong nhà, tự nhiên thấy an lành, thấy ấm cúng hơn thì phải.

Cổng chùa Kim Liên

Tại sao người ta không nói ghép nhà/sân, nhà/mái mà lại nói nhà/cửa? Hướng cửa cũng là hướng nhà, ai làm nhà mà chả muốn chọn hướng tốt như sinh khí, diên niên, thiên y hoặc phục vị rồi còn sơn (vị trí của cửa), rồi còn kích thước nữa. Hiểu như vậy thì thấy cửa với nhà là một. Còn cái câu “Một năm làm nhà, ba năm làm cửa” chứng tỏ để có một bộ cửa ưng ý, hình thức kiểu cách gì, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật ra sao thì phải mất rất nhiều thời gian để làm hoặc để kiếm tiền mà làm. Cửa nào mà chả là khuôn mặt của một ngôi nhà. Cửa ván lùa, cửa bức bàn, cửa thượng song hạ bản… mỗi thời có một kiểu mặt của mình. Cửa chùa Láng, Hà Nội rất độc đáo, mái không nằm trên đầu cột mà treo ở lưng chừng giữa các cột. Cửa chùa Kim Liên có bộ mái đồ sộ trên hàng cột thấp, nhỏ nhưng không bị cảm giác đè xuống nặng nề mà trái lại mái tam quan trông như con chim phượng đang vỗ cánh bay lên. Cổng chùa Mía, Sơn Tây chính là gác chuông…

Nhân cái dịp đưa mấy người quen ở nước ngoài đi du xuân và chụp ảnh các cổng làng ở đồng bằng Bắc bộ. Tôi có bàn với họ: cái cổng làng cũng là bản tính của người Việt, đóng thì không đóng chặt, mở thì chỉ mở hé. Tức là chỉ mở hé và khép hờ thôi. Nếu không đóng thì làm sao bảo tồn được truyền thống qua biết bao thăng trầm của lịch sử, nếu không mở thì làm sao giao lưu được với bên ngoài, nhận được cái hay của bên ngoài vào để làm giàu mình. Hai cánh cổng của làng Việt như một cái van đóng mở tuỳ thì. Đóng – khép, mở – hé. Cái cánh đóng, giúp bảo tồn, cánh mở giúp hoà nhập. Đó là đặc điểm trong cách giao lưu của người Việt với bên ngoài.

Tôi đi thăm nhiều ngôi chùa cổ, thấy có những cửa sổ hình tròn, trang trí bát quái. Thế có nghĩa là khi càn khảm cấn chấn… đến thì Phật giáo đã ở đây rồi. Họ cùng chia nhau ảnh hưởng và chung sống hoà bình với nhau cũng như từ đầu công nguyên khi Phật giáo đến Việt Nam nó tự nguyện kết hợp với tín ngưỡng bản địa (thờ tứ pháp) để tồn tại và phát triển. Ở Việt Nam không có mâu thuẫn tôn giáo.

Then cửa

Vừa rồi các vị trường lão ở làng Chùa (quê của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều) quyết định xây lại cái cổng làng. Ai cũng biết là chả thể nào dựng lại được cái đã mất nhưng vẫn cứ phải làm để đề trên cổng dòng chữ Vọng tự nhập xuất. Cái cổng cũ đã bị đổ từ thời chiến tranh nhưng những chữ đó thì vẫn còn, còn trong đầu những người già của làng Chùa. Họ muốn con cháu họ hàng ngày ra vào, đi về nhìn thấy những chữ đó để biết cách mà sống. Thiều giải thích với tôi: “Những người già của làng tôi nói nghĩa của bốn chữ đó là: nhìn chữ để biết việc ra vào. Và tôi hiểu: chữ ở đây là văn hoá. Việc “ra vào” ở đây là phép hành xử với cuộc đời. Không có văn hoá thì không biết sống như thế nào”.


Hôm nọ về quê của người bạn chơi, một làng cổ nằm bên sông Đáy. Quê anh ấy vẫn nghèo, chùa của làng còn nguyên, chưa bị trùng tu, tam quan chùa nhỏ nhắn, bên phải cổng chính viết hai chữ Phương tiện, bên trái hai chữ Tuỳ duyên. Đúng ngày rằm nhưng chùa vẫn vắng vẻ. Tôi ngồi nói chuyện với sư thầy một lúc lâu, chuyện kinh kệ, chuyện Phật pháp. Tôi thắc mắc về mấy chữ ngoài cửa chùa. Sư thầy im lặng nghe, mãi khi tiễn tôi ra cổng, mới nói: Tuỳ duyên là cứ tuỳ duyên mà sống. Quá khứ thì đã qua, tương lai hay niết bàn cũng là chưa tới, yên tâm vui vẻ sống ở cuộc đời thật của hiện tại này đi đã. Còn duyên thì hợp, hết duyên thì tan. Bận tâm làm gì. Buồn hay vui, hạnh phúc hay bất hạnh, chính hay lệch, danh hay lợi, đỉnh cao hay vực sâu, gặp gỡ hay chia ly thì cũng chỉ là phương tiện.

Cái cửa chùa Phương tiện – Tuỳ duyên ở quê nhà bạn tôi là cửa đạo mà cũng là cửa đời, cửa người, cửa cho mọi người, cửa cho mỗi người.





19/6/11

BẢO TÀNG VĂN HÓA BIỂN



ĐỖ THÁI BÌNH

Đúng là chúng ta nên có một Bảo tàng Văn hóa biển Quốc gia, như thông điệp truyền đi từ hội thảo “Văn hóa biển đảo” ở Nha Trang mới đây. Nhưng trước hết cần thức tỉnh lòng say mê nghiên cứu văn hóa biển, tránh hư danh trong học thuật, nhất là trong điều kiện có khả năng hợp tác quốc tế rộng rãi, hợp tác liên ngành, nếu không nó sẽ khó tránh khỏi viễn cảnh giống như Bảo tàng Hà Nội, một công trình khổng lồ mà rỗng ruột!

Qua theo dõi báo chí và thăm thú nhiều bảo tàng trong nước nói chung, nhiều ý kiến đã nêu lên những cái chưa được của quan niệm làm bảo tàng ở Việt Nam. Vì bảo tàng đâu chỉ là nơi minh chứng một quyết định của một thời mà còn là nơi để các thế hệ say mê học tập quá khứ để nhìn về tương lai, nơi trưng bày những sự vật sinh động, nhân văn lôi cuốn mọi người? Nếu với cách làm bảo tàng hiện nay, có lẽ chúng ta không thể chấp nhận như một vài bảo tàng nước ngoài mà tôi đã thấy, ví dụ nó diễn giải con người đã giải quyết việc “ị” trên tàu như thế nào, từ thời các tàu buồm cho tới con tàu hiện đại, một việc khá tầm thường theo cách nhìn chung của chúng ta, nhưng lại khá sinh động và rất “khoa học công nghệ”, rất nhân văn.

Bảo tàng Dân tộc tại Hà Nội là một thí dụ thành công: người tham quan đã từng được ôn lại sinh hoạt thời bao cấp với những chi tiết tỉ mỉ, trẻ em có thể chơi “ô ăn quan” đúng như các cụ ta xưa kia vui đùa. Chỉ tiếc là cái thuyền Thanh Hóa để gần cửa ra vào của Bảo tàng chẳng nói lên được điều gì về cuộc chinh phục sông biển của dân tộc… Cho nên thay đổi một cách sâu sắc cách làm bảo tàng, sử dụng thật tốt các bảo tàng với yếu tố biển sẵn có như Bảo tàng Hải quân Hải Phòng, Bảo tàng Cọc Bạch Đằng tại Quảng Yên, Bảo tàng Quy Nhơn, Bảo tàng Trận Rạch Gầm-Xoài Mút tại Mỹ Tho… có thể là việc cần làm ngay, thiết thực, là bước tập dượt cho một bảo tàng chuyên mang yếu tố biển sau này.

Một yếu tố vô cùng quan trọng nữa là hiện vật và các câu chuyện, là nội dung trong khối nhà to lớn mà ta sẽ gọi là Bảo tàng Văn hóa biển. Có thể nói rằng, cái “ruột” của bảo tàng đó hiện nay quá sơ sài, nếu không muốn nói là chẳng có gì, tức là chúng ta chưa có nhiều công trình nghiên cứu sinh hoạt sông biển của dân tộc, từ việc làm ghe đóng thuyền, may buồm, tới việc đan lưới đánh cá và các câu ca dao hò vè… Có bạn sẽ phản đối và dẫn ra một loạt các công trình nghiên cứu về lễ hội Nghinh Ông, về các lễ Cầu Ngư… nhưng cứ xem bộ phim về biển đảo mà Truyền hình Việt Nam đã xây dựng cũng đủ biết tư liệu quá nghèo: lại các ảnh Hội An từ tư liệu nước ngoài cũ kỹ, lại thuyền trống đồng… Có một chi tiết trong bộ phim này mà tôi không quên là có một ông tiến sĩ dân tộc học trước cái mô hình thuyền buồm cánh dơi đã giải thích say sưa về cái xiếm nhưng nhầm nó với chức năng bánh lái thuyền, một cái nhầm chết người về kỹ thuật!

Trong khi đó những việc làm từ Trung Hoa đáng để chúng ta học tập. Từ vài chục năm trước, với ý chí bành trướng ra đại dương, họ đã có một kế hoạch tỉ mỉ lôi cuốn toàn dân, trước hết là giới học giả, khoa bảng trong cuộc ngược về quá khứ tìm tòi truyền thống, hướng tới tương lai đại dương, biển xanh, trong tất cả mọi ngành nghề từ khoa học xã hội lẫn tự nhiên, từ tỉnh miền núi Vân Nam tới những bảo tàng thuyền ở Phúc Châu, Phúc Kiến, từ những kho sách cổ tại Bắc Kinh tới những cuộc truy tìm các hậu duệ Hoa cho là còn sót lại tại Kenya (1) Phi Châu, từ hàng trăm nghìn đầu sách về lịch sử chinh phục biển trong nước tới cả những cuộc liên kết cổ động cho Gavin Menzies (2), một ông sĩ quan Anh về hưu nhưng mê “vịt tiềm Bắc Kinh”… Nhìn những cuốn sách trong bộ “Cổ thuyền” (3), một công trình nghiên cứu của họ, chứng minh cuộc chinh phục biển trong quá khứ, chúng ta không thể tự hỏi, ở nước ta đã có những công trình tương tự như vậy hay vẫn chỉ là việc nhắc lại những Paris, Pietri, những công trình bất hủ nghiên cứu về thuyền bè của chúng ta đã có tuổi đời hơn nửa thế kỷ? Các công trình của các trường đầy ắp các đề tài “thiết kế tàu 5 vạn tấn”, “thiết kế tàu cánh ngầm”, những đề tài copy và paste, cắt và dán nhưng liệu có đề tài nào đề cập tới buồm cánh dơi, cách tính toán và công nghệ dân gian ra sao?

Trong khi đó chúng ta nên biết rằng tàu thuyền Việt Nam luôn là đề tài nghiên cứu của nhiều thế hệ các học giả nước ngoài, là nỗi đam mê của John Doney và Edwards người Mỹ, của bà Francoise Aubaile-Sallenave (4) người Pháp. Suốt mùa hè năm 2009 Edwards đã một mình rong ruổi một chiếc xe máy cà tàng từ Móng Cái tới Kiên Giang với một chiếc máy ảnh để lưu giữ hàng nghìn tấm hình thuyền bè mà ông sợ “sẽ mất rất nhanh theo thời gian”! Có lẽ Tim Severin (5), nhà du lịch huyền thoại người Anh biêt rõ về nơi làm buồm cánh dơi tại Hà Nam, Phong Cốc, Quảng Yên hơn rất nhiều các học giả nước ta.

Đúng là chúng ta nên có Bảo tàng Văn hóa biển Quốc gia, nhưng trước hết cần thức tỉnh lòng say mê nghiên cứu văn hóa biển, tránh hư danh trong học thuật, nhất là trong điều kiện có khả năng hợp tác quốc tế rộng rãi, hợp tác liên ngành. Chúng ta biết rằng cuộc nghiên cứu cọc Bạch Đằng (6) vừa qua đã có mặt nhiều trung tâm khảo cổ hàng đầu thế giới, sử dụng nhiều công nghệ mới, trong đó có sonar quét bên…Mục đích cuối cùng l�Bảo tàng Văn hóa biển phải có khả năng truyền bá lòng yêu biển, lôi kéo toàn dân tộc tiến ra đại dương làm giàu từ biển và sẵn sàng hy sinh bảo vệ sông biển mà tiền nhân đã giành được!

___

(1) Tháng 10 năm 2010, các nhà khảo cổ Trung Quốc đào bới ở ven bờ Malindi, Kenya cộng với những bằng chứng nhân chủng học để cố chứng minh Trịnh Hòa thời nhà minh đã tới nước này và bị đắm tàu!

(2) Tác giả một số sách gây sốc, trong đó có cho rằng Trịnh Hòa nhà thám hiểm thời nhà Minh đã đi vòng quanh thế giới trước Magellan, và đã bị chính các nhà khoa học Anh bác bỏ.

(3) Có hàng chục công trình về cổ thuyền, gần đây tháng 05/2011 là cuốn “Trung Quốc Cổ Thuyền Đồ Phả” 中国古船图谱 của tác giả Vương Quan Trác王冠倬

(4) Tác giả “Bois et Bateaux du Vietnam” xuất bản tại Paris năm 1987

(5) Người đã thực hiện rât nhiều chuyến du lịch lặp lại của người xưa. Trong cuốn “China Voyage” xuất bản năm 1994, ông tả lại chuyến vượt Thái Bình Dương bẳng mảng tre (làm tại Sầm sơn) với buồm (may tại Hà Nam Quảng Yên )

(6) Cuộc khai quật nghiên cứu trận Bạch Đằng tiến hành năm 2009 thực hiện bởi Tiến sĩ Lê Thị Liên, Cô Huong Nguyen Mai, Cô Charlotte Pham, Tiến sĩ Mark Staniforth, Tiến sĩ Jim Delgado, Ông Jun Kimura và ông Randall Sasaki

Ảnh: Buồm cánh dơi trên Vịnh Hạ Long.

Nguồn:
Bảo tàng Văn hóa biển?



18/6/11

CHA VÀ NHỮNG KHOẢNH KHẮC VUI BUỒN



Trong ngày chủ nhật thứ ba của tháng 6, giới trẻ phương Tây có một ngày để nhớ về cha của họ, ngày Father’s Day, tương tự như ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5 là ngày của mẹ – Mother’s Day. Bạn có bao giờ nghĩ đến một “kế hoạch nho nhỏ” để bày tỏ lòng yêu quý cha? Điều gì cha dạy khiến bạn nhớ nhất?

Ở đâu đó trong cuộc đời này, có những người cha đang hạnh phúc và có những người cha đang đau khổ, kể cả có những người con sống không yên vì bị ám ảnh bởi quá khứ trừng phạt từ cha mình.

1 - Thỉnh thoảng, xen trong những câu chuyện về làm ăn, tôi vẫn nghe Nguyễn Ngọc Lân kể về hai đứa con trai sinh đôi bảy tuổi. Đó là niềm tự hào lớn nhất của anh, một doanh nhân Úc gốc Việt. Lân bảo: “Khách hàng này mất đi, còn có khách hàng khác đến. Nhưng tuổi thơ của con chỉ đến một lần trong đời, đừng hy sinh tuổi thơ của con cho công việc”. Vì thế, Lân không hẹn ai làm việc trong ngày thứ bảy và chủ nhật. Đó là ngày vui chơi của ba cha con, với lịch bơi lội, đá banh, đạp xe, học taekwondo... Làm ra bao nhiêu tiền, thú vui lớn nhất của gia đình Lân là đi du lịch. Một năm vợ chồng Lân đưa con về Úc ba lần để thăm ông bà nội. Hai cậu nhóc Nguyễn Ngọc Bằng và Nguyễn Ngọc Côn đều bảo: ba là bạn – bạn trong “chiến tranh” (trò chơi game), bạn trong kể chuyện, bạn trong trò chơi “nông trại”... Đặc biệt, cả hai đều thích trò chơi nông trại với ba vào mỗi tối. Hỏi hai đứa mê ba hay mê mẹ hơn, cả hai cùng bảo: Mê cả hai! Nhưng cậu bé Côn tiết lộ một “bí mật”: ba ít la tụi con hơn mẹ.

Tôi hỏi Lân: “Điều gì khó nhất khi bạn làm cha?” “Đó là sự kiên nhẫn”, Lân trả lời. Anh bảo, nhiều lúc thấy mấy nhỏ lười muốn la lắm nhưng phải cố nén. Ép con là việc rất dễ, vì bọn trẻ sẽ tuân lời ngay nhưng chúng không thấy đó là niềm vui mà là việc buộc phải làm. Vì thế, anh tập cách truyền đạt để con hiểu ý mình, nói cách này không được thì tìm cách khác, tuyệt đối không hù doạ, không la mắng. Tôi hỏi tiếp: “Điều gì Lân thấy cần thiết nhất khi dạy con?” Anh nói ngay, đó là dạy con luôn sống theo luật. Lân kết luận: “làm bố khó lắm nhưng rất vui”.

2 - Khác với vẻ hạnh phúc của ông bố Nguyễn Ngọc Lân, các ông bố có con đang điều trị căn bệnh ung thư dĩ nhiên có vẻ mặt khác. Vẻ mặt đó không mô tả được, bạn chỉ có thể thu vào đáy mắt khoảnh khắc vừa tuyệt vọng vừa hy vọng: lúc hy vọng nhiều hơn thì vẻ mặt ấy sáng lên, còn lúc tuyệt vọng, vẻ mặt ấy sạm lại. Trong khoa nhi bệnh viện Ung bướu TP.HCM, không khó nhìn thấy những ông bố hết lòng vì con, trong đó có những ông bố một mình chăm con (vì mẹ bé đã mất hoặc bỏ đi), nhưng bên cạnh đó, bạn cũng thấy sự cô đơn của nhiều phụ nữ – người mẹ, vì chồng họ đã bỏ đi, không phải vì nhẫn tâm, mà vì sự sợ hãi của đàn ông khi phải chứng kiến nỗi đau của con.

Tôi đã thấy những ông bố vật vã trên nền gạch dưới chân giường con khi cầm kết quả giải phẫu bệnh. Tôi cũng nhìn thấy những ông bố hớt hải nửa đêm tìm kiếm nguồn máu cho con, những ông bố khóc không thành tiếng khi chờ con bên ngoài phòng mổ hay phòng ICU (chăm sóc đặc biệt). Và nay, tôi tiếp tục đối diện một ông bố khác: anh là sĩ quan quân đội rất kiên cường, thế nhưng khi cầm kết quả tái phát lần thứ ba của con trai 18 tuổi, anh suy sụp hẳn. Những giọt nước mắt nén lại trong đáy mắt, anh cảm thấy bất lực trước số phận của con, đứa con trai thông minh, đáng yêu mà vợ chồng anh đặt nhiều kỳ vọng. Anh đã bán căn nhà mặt tiền ở một con đường lớn để chữa trị cho con, sau đó mua một mảnh đất ở ngoại thành để dựng lên ngôi nhà khác, trong đó mọi ưu tiên sắm sửa đều dành cho phòng con trai. Anh và vợ đã hồi phục dần để nhìn về phía trước, khi mỗi ngày đưa con đến trường bổ túc hay đưa con đi chơi với bạn bè. Giia đình anh vui vẻ được một năm, rồi... những khối u quay trở lại. Hy vọng có một cuộc sống bình thường bỗng đổ sụp!

Món quà nào trong ngày Father’s Day có thể an ủi được anh? Đó chỉ có thể là sự kỳ diệu khi con anh vượt thoát được căn bệnh trong đợt điều trị sắp tới, với dự báo còn khó khăn hơn những lần trước. Tôi cầu mong món quà ấy sẽ đến với anh.

3 - Còn anh – bạn của tôi – lại là người có những ký ức ám ảnh về người cha. Những ký ức của một thời thơ ấu khốn khổ, thường xuyên bị đói, thường xuyên bị cha đánh đập, chửi mắng, bất kể chuyện gì. Động cơ lớn nhất để anh thích đi học và học cho giỏi để có học bổng là… không muốn ở gần cha. Anh đã làm được điều đó: lên thành phố học và sinh sống luôn ở đó, thỉnh thoảng mới về quê. Sau khi cha mất, anh thường lên những cơn đau khắp cơ thể mà không tìm thấy nguyên nhân, cuối cùng bác sĩ kết luận anh bị chứng trầm cảm do những ám ảnh của quá khứ.

Nhiều năm sau, anh có được cuộc sống bình thường: có việc làm tốt, có người yêu thương. Được coi là chữa trị khỏi chứng trầm cảm. Thế nhưng ký ức bị chửi mắng, bị đánh đập vẫn thường xuyên ùa về trong những giấc mơ, trong những cơn đau đầu, trong thói quen “tự bảo vệ mình” khi nằm ngủ. Trong tiềm thức của anh, cha là cơn ác mộng. Vậy mà thỉnh thoảng gặp một tình huống trong đời sống, anh vẫn nhắc đến những lời dạy của cha – người lớn duy nhất ở bên anh trong suốt tuổi thơ (mẹ mất khi anh chưa tròn hai tuổi) – và ngạc nhiên khen cha nói sao mà trúng quá. Những lời dạy về cách sống, cách làm người anh còn nhớ cho thấy hình ảnh ông bố rất thực tế (vì họ rất nghèo) mà không kém phần dí dỏm, hài hước. Một hình ảnh người cha đầy mâu thuẫn!

Không phải vô cớ mà anh rất mê trẻ con. Bất kỳ đứa trẻ con nào đi qua trước mắt, anh cũng suýt xoa như bị hút mất hồn. Thế giới trẻ em là một điều kỳ diệu mà anh muốn hoà vào với bản năng làm cha được nuôi lớn bằng sự bất hạnh của chính mình. Tôi tiếc là cha anh không còn sống. Trong quá khứ, anh đã luôn phải nhẫn nhịn cha, và sự nhẫn nhịn đó làm anh ấm ức. Chỉ bằng cách nói thẳng và làm hoà với cha, ký ức tuổi thơ mới thôi ám ảnh và trả lại cho anh một cuộc sống cân bằng.

BEN KHÔI

Nguồn:
Cha và những khoảnh khắc vui buồn




17/6/11

LẤY "SAO" SƯỚNG KHÔNG?



Chồng tôi từng là một cầu thủ có tiếng của đội tuyển Việt Nam. Ngày tôi gặp anh, anh đang là “ngôi sao” trên sân cỏ, xung quanh anh có rất nhiều cô gái đẹp vây quanh và anh đã có vài mối tình ầm ỹ trên báo chí.

Tôi đã rất hạnh phúc khi được anh yêu và ngỏ lời cầu hôn. Ngày cưới, tôi thấy mình là người chiến thắng vì đã giành được anh - vừa đẹp trai, vừa tài giỏi lại giàu có - từ bao nhiêu cô gái khác. Nhưng chỉ qua tuần trăng mật, tôi đã hiểu vì sao mẹ tôi thở dài khi tôi nhất quyết đòi lấy anh bằng được.

Vừa đặt chân xuống sân bay sau tuần trăng mật tại châu Âu, anh đi thẳng tới nơi tập huấn cách nhà của chúng tôi hơn 60km để chuẩn bị cho giải V-league. Dù đã được báo trước, nhưng tôi vẫn cảm thấy hụt hẫng khi phải về nhà một mình và ngủ một mình trên chiếc giường rộng thênh thang. Tiếp đó là những tháng ngày anh vắng nhà thường xuyên vì phải đi tập huấn, đi thi đấu. Suốt thời gian mang bầu, tôi phải đi khám thai một mình, vì anh chỉ có thể về nhà vào cuối tuần. Ngày tôi vượt cạn, anh đang thi đấu ở Thái Lan. Dù anh gọi điện về nhà động viên thường xuyên, tôi vẫn có cảm giác mình bị bỏ rơi.

Từ khi còn là cậu bé mới lớn, anh đã sống trong môi trường thể thao. Sáng dậy xuống căng tin ăn, sau đó đi giày và xuống sân tập. Trưa lại về căng tin ăn, nghỉ ngơi rồi chiều lại tập. Tối lại về căng tin ăn và nghỉ ngơi, đi chơi với bạn bè. Quần áo thay ra có người lo giặt sạch rồi lại để về chỗ cũ. Phòng ở có người lau dọn… Anh không phải lo bất cứ thứ gì và tôi phải chịu hậu quả của nó. Anh sống bừa bộn và không có ý thức chăm sóc gia đình. Quần áo thay ra ở đâu là vứt ở đó. Khi uống li trà, anh ấy đứng ở cửa là sau đó, li trà sẽ được đặt ở dưới đất, ngay chỗ đi ra đi vào. Anh ấy không biết quét nhà, không biết lau nhà và nấu ăn thì chỉ biết luộc trứng, luộc rau và úp mì tôm. Tất nhiên, chúng tôi có người giúp việc và cả tôi lẫn anh đều không phải làm những việc đó. Nhưng tôi kể những điều này để mọi người hiểu rằng anh không hề có ý thức về một cuộc sống gia đình, và nó gây ra những hậu quả không tốt cho cuộc sống của chúng tôi.

Anh không biết giúp đỡ tôi với tư cách là người chồng, người cha. Anh lúng túng không biết chăm sóc vợ khi tôi ốm, và anh vẫn muốn tôi phải chạy ra cửa đón với nụ cười tươi, miếng nước phải được đưa vào tận tay, đôi giày của anh phải được đánh bóng và xếp vào đúng chỗ… như bình thường.

Khi con quấy khóc, anh không nghĩ là cần phải dỗ dành con. Anh không thấy cần phải về thăm cha mẹ tôi vào mỗi dịp lễ tết… Vì yêu tôi, sau gần 10 năm sống bên nhau, anh đã thay đổi một chút, biết quan tâm tới việc nhà, tới con cái, biết thể hiện nghĩa vụ của con với cha mẹ… nhưng có lẽ anh còn xa mới được bằng những người chồng của bạn bè tôi, những người đàn ông bình thường, không phải “ngôi sao” như anh. Tôi ghi nhận sự cố gắng ấy của anh và hài lòng với người đàn ông trụ cột gia đình của mình.

Điều tôi sợ nhất là những cuộc vui chơi với bạn bè cũng là cầu thủ của anh. Tôi có cảm giác các anh chỉ có thú vui giải trí duy nhất là nhậu. Bởi khi chiến thắng trong các trận đấu, các anh cũng nhậu. Khi nhận được tiền thưởng, các anh cũng rủ nhau đi nhậu. Khi thua trên sân cỏ, giải pháp của các anh vẫn là nhậu. Khi rảnh việc, anh và bạn cũng tìm tới nhậu nhẹt. Thậm chí, những dịp ít ỏi anh ở nhà, tôi chỉ muốn vợ chồng con cái loanh quanh bên nhau, nhưng anh cũng đi nhậu với bạn bè.

Những cuộc nhậu ấy kéo dài từ giữa trưa tới tối mịt, hoặc gần sáng và hóa đơn thanh toán của nó bằng nửa năm lương của tôi. Bởi nó diễn ra trong những vũ trường, những nhà hàng sang trọng. Ở những nơi đó, các anh là khách VIP quen thuộc, có bàn riêng, ô gửi rượu thừa mỗi lần nhậu… Tôi thường nghe thấy giọng con gái gọi “anh à, anh ơi” ướt rượt ở trong điện thoại khi tôi gọi cho anh. Ấy là chưa kể mỗi lần như thế, anh về nhà trong tình trạng say mềm đến mức không phân biệt được cái giường với sàn nhà và không biết tôi, vợ của anh là ai. Mỗi khi tỉnh rượu, tôi có trách thì anh lại xin lỗi, lại tặng tôi những món quà đắt tiền rồi lần sau lại thế.

Chung sống với anh, tôi còn phải đối mặt với nỗi lo một ngày nào đó, anh sẽ bị đứng trước vành móng ngựa vì tham gia cá độ, mua bán tỉ số. Tôi đã chứng kiến nhiều bạn của anh bị pháp luật sờ đến vì không biết giữ mình. Mỗi lần như vậy, tôi lại hoảng sợ, khóc lóc với anh và anh ôm tôi vào lòng, ra sức khẳng định rằng anh không bao giờ tham gia, anh muốn những trận đấu trong sáng, đúng tinh thần “fair play”… Nhưng làm vợ một cầu thủ, tôi hiểu môi trường sống của anh, biết bạn bè của anh, chơi với những cô vợ của bạn anh, nên tôi thấy rất khó tin vào lời hứa của anh. Tôi sợ một ngày nào đó anh yếu lòng, sẽ gật đầu trước một lời đề nghị từ bạn bè và điều tôi lo lắng kia sẽ đến.

Nguồn:
Lấy "sao" sướng không?



 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết