23/7/10

TRUNG QUỐC XÂY NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN SÁT BIÊN GIỚI VIỆT NAM



Trung Quốc vừa thông qua dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại TP cảng Phòng Thành (Quảng Tây), cách biên giới nước ta (Móng Cái, Quảng Ninh) chỉ 60 km. Thông tin này đang dấy lên lo ngại về mức độ ảnh hưởng tới VN.

Theo Nhân dân Nhật báo, Ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc ngày 15.7 đã chính thức thông qua dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) tại TP Phòng Thành (tỉnh Quảng Tây) với 6 lò phản ứng hạt nhân. Giai đoạn 1 sẽ xây trước 2 lò phản ứng CPR-1000, có công suất 1,08 GW, vốn đầu tư 24 tỉ nhân dân tệ (3,5 tỉ USD), khởi công ngay cuối tháng 7 này. Thời gian xây dựng cho một lò phản ứng khoảng 56 tháng và dự tính đưa vào hoạt động từ giữa năm 2015-2016.

Công ty TNHH công trình điện hạt nhân Quảng Tây (thuộc Tập đoàn điện hạt nhân Quảng Tây) chịu trách nhiệm quản lý xây dựng công trình. Vai trò thiết kế chính 2 lò phản ứng này được giao cho Tập đoàn năng lượng hạt nhân Quảng Đông trên nền tảng công nghệ nước ngoài và 80% vật liệu sử dụng được sản xuất trong nước.

NMĐHN ở Phòng Thành chỉ là 1 trong 23 dự án trọng điểm với tổng vốn 682,2 tỉ tệ mà Chính phủ Trung Quốc đã công bố từ đầu tháng 7 sẽ xây dựng tại các tỉnh kém phát triển.

Tính tới nay, nước này đã có 4 nhà máy điện hạt nhân với 11 lò phản ứng đã đi vào hoạt động.

Ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử (Việt Nam) cho biết: “Theo quy định của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các nước khi xây dựng NMĐHN đều phải có báo cáo phân tích an toàn và chia sẻ thông tin. VN mới đây đã tham gia Công ước An toàn hạt nhân, qua đó, hằng năm sẽ được chia sẻ thông tin an toàn hạt nhân với các nước”.

Ông Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ, hạt nhân (Bộ Khoa học - Công nghệ), cho rằng bất cứ một quốc gia nào khi tham gia Công ước về an toàn bức xạ hạt nhân đều phải tuân thủ mọi quy định. NMĐHN có an toàn hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như công nghệ, quá trình vận hành, bảo dưỡng... “Trung Quốc có quyền xây dựng NMĐHN trên đất của họ. Việc xây NMĐHN gần biên giới VN, nếu hoạt động bình thường thì không có gì cả, nhưng khi đã mất an toàn, mức độ phát tán, thất thoát phóng xạ trong không khí có thể ảnh hưởng lên tới cả ngàn km. Trong trường hợp này, châu Á cũng sẽ bị ảnh hưởng chứ không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên khả năng sự cố khó có thể xảy ra vì sau sự cố nổ nhà máy điện nguyên tử Chernobyl (Liên Xô cũ), nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra. Hiện nay, công nghệ thế giới đã có bước tiến vượt bậc, khả năng kiểm soát an toàn hiện nay rất cao”, ông Nhân nhìn nhận.

Đồng quan điểm trên, ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công thương) nhận định: “Trung Quốc sẽ phải theo tiêu chuẩn quốc tế về mức độ an toàn, không thể tự quyết được. Nếu sự cố xảy ra cũng tùy từng mức độ, nếu sự cố trầm trọng như Chernobyl thì khu vực ảnh hưởng rất rộng, toàn châu Á chứ không riêng gì VN, song sự cố nhỏ sẽ không có vấn đề gì”.

Ông Nguyễn Quang Hào, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ hạt nhân (Cục An toàn bức xạ, hạt nhân), cho hay: “Theo khuyến cáo của công ước quốc tế, đối với các NMĐHN, trong vùng bán kính từ 30 - 35 km phải có biện pháp an toàn để hỗ trợ ứng phó với sự cố. Theo đó, khi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng phải tính đến phương án đảm bảo an toàn cho người dân. NMĐHN của Trung Quốc xây dựng cách Móng Cái 60 km, tức nằm ngoài khu vực lên kế hoạch”.

Mặc dù IAEA không quy định xây dựng NMĐHN phải có ý kiến của nước láng giềng, nhưng ông Hào cho rằng nên có công ước quốc tế quy định khoảng cách xây dựng NMĐHN gần nhất đến biên giới để các quốc gia láng giềng cùng xây dựng phương án khi có sự cố.

Ông Vương Hữu Tấn cho biết: “Chúng tôi đã trình Chính phủ việc lắp đặt mạng lưới các trạm quan trắc ở các tỉnh sát biên giới Trung Quốc để quan trắc về thời tiết như gió mùa đông bắc, đồng thời có thể đưa ra những đánh giá, tác động của NMĐHN ở TP cảng Phòng Thành (Quảng Tây) tới Việt Nam”.

Các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, đang xây dựng và sẽ được xây dựng ở TQ.

Nếu có sự cố, 10 giờ sau Hà Nội có thể bị ảnh hưởng

Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS - TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện xã hội - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, cho biết điều chúng ta quan tâm nhất hiện nay là Trung Quốc sẽ xây NMĐHN tại Quảng Tây bằng công nghệ gì, đổ chất thải ở đâu và kiểm soát chất thải như thế nào, trình độ kỹ thuật vận hành điện hạt nhân của họ ra sao? Ông Hòe nhấn mạnh: “Bất cứ một NMĐHN nào cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro tuy nguy cơ này là rất thấp. Miền Bắc nước ta có địa hình vòng cung, gió mùa đông bắc di chuyển với tốc độ 20 - 25 km/giờ, dưới chiều gió này, nếu nhà máy ở Quảng Tây gặp sự cố, phát lên bầu không khí những ion nhiễm xạ thì 10 giờ sau đã gây ảnh hưởng tới Hà Nội rồi. Tôi nghĩ hai nước phải hiệp thương để có cơ chế cung cấp thông tin phù hợp nhất”.

Chiều qua 22.7, ông Nguyễn Xuân Long, Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Chúng tôi đã nắm được thông tin về việc Chính phủ Trung Quốc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Phòng Thành từ 3 tháng trước. Sở đã báo cáo lãnh đạo tỉnh thông tin này”. Theo ông Long, tháng 6.2010 UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt đề tài “Nghiên cứu các luận cứ nhằm xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố phóng xạ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. “Một trong những căn cứ nêu lên tính cấp thiết của đề tài này nêu rõ: Quảng Ninh có đường biên giới với Trung Quốc nên có nguy cơ bị tác động bởi các sự cố có khả năng xảy ra đối với các NMĐHN của Trung Quốc được xây dựng tại Quảng Tây, tiếp giáp Quảng Ninh”, ông Long nói.

Đề tài nêu trên được UBND tỉnh đặt hàng Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố, thuộc Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học - Công nghệ. Dự kiến đề tài sẽ hoàn thành vào quý IV năm 2011. Khi đề tài hoàn tất sẽ nêu ra các kịch bản như bị rò rỉ nguồn, mất nguồn phóng xạ... và các giải pháp ứng phó, trong đó cũng tính tới cả khả năng bị tác động bởi nguy cơ mất an toàn phóng xạ từ phía Trung Quốc.

Ông Long cho biết thêm: “Sở Khoa học - Công nghệ đang và sẽ đề xuất trang bị thêm thiết bị đo nồng độ bức xạ tại khu vực cửa khẩu Móng Cái. Chúng tôi cũng đã xây dựng xong bản đồ số cơ sở dữ liệu phông nền phóng xạ tại các khu du lịch, khu dân cư, các địa bàn dọc tuyến quốc lộ từ Móng Cái đến Đông Triều. Dữ liệu này sẽ là cơ sở để so sánh, phát hiện các khu vực có nồng độ phóng xạ tăng bất thường”...

Trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua 22.7, PGS-TS Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt (Lâm Đồng), cho rằng về nguyên tắc, việc Trung Quốc có dự án sẽ xây dựng NMĐHN ở TP Phòng Thành sẽ không ảnh hưởng gì đến VN. Chuyện phát triển điện hạt nhân là tất yếu và nếu không xảy ra sự cố thì người dân dù có ở bên cạnh nhà máy 1 km cũng không sao.

Xung quanh ý kiến nếu NMĐHN ở TP Phòng Thành xảy ra sự cố vào mùa đông thì sẽ rất dễ đe dọa đến Hà Nội, PGS-TS Nguyễn Nhị Điền nói “vấn đề này khó nói về mặt định lượng”, bởi còn tùy thuộc vào loại thiết kế của lò như thế nào (2 hay 3 vòng bao bọc) và mức độ tai nạn đến đâu, nặng hay nhẹ. Bình thường, nếu xảy ra sự cố nhẹ thì chỉ nằm trong lò phản ứng thôi, trường hợp nặng thì phóng xạ mới theo ống khói thoát ra ngoài. Tuy nhiên cũng còn phụ thuộc vào việc lượng phóng xạ thoát ra ngoài là bao nhiêu, đồng thời còn phải theo hướng gió, mưa thì mới biết được ảnh hưởng ra sao. “Với công nghệ mới như hiện nay thì sẽ không gây nổ, tỷ lệ mất an toàn năng lượng hạt nhân là rất thấp, hàng triệu sự kiện mới có một sự cố”, PGS-TS Điền nói.

Ảnh: Xây dựng móng một nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc.

Nguồn: Báo Thanh niên

THAM KHẢO:

1. Nuclear Power in China - World Nuclear Association
2. China Plans to Build Advanced Nuclear-Power Plant - The Wall Street Journal
3. CÂU CHUYỆN "CÁI LƯỠI BÒ"
4. NHỚ BẠN CŨ
5. TÀI LIỆU QUÝ KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI TRƯỜNG SA VÀ HOÀNG SA



12 comments:

Lana on lúc 09:54 23 tháng 7, 2010 nói...

Đọc cái tít là giật mình phải chạy qua đọc một lượt hết tận entry.

Đầu tiên là đọc xem có công ước quốc tế hay TQ-VN nào quy định về khoảng cách đến biên giới nước láng giềng khi XD nhà máy hạt nhân không. Câu trả lời là không.
Vậy thì họ có quyền xây rồi. Mình chỉ có quyền lo nếu lỡ sự cố thôi. Mà không hiểu sao mình không tin vào người TQ vốn nhanh nhất, giỏi nhất thế giới về làm giả.

Ông Nguyễn Đình Hòe nói đúng, điều đáng lo nữa là họ "đổ chất thải ở đâu và kiểm soát chất thải như thế nào". Không chừng chất thải sẽ bị chôn ngay biên giới, hoặc vùng biển của VN mà họ vẫn đang muốn thò cái tay tham ra chiếm lấy.

Thương ghê VN mình ở cạnh lão hàng xóm vừa to vừa thâm vừa tham.

Titi on lúc 10:00 23 tháng 7, 2010 nói...

Oài, hôm qua em vừa được báo tin này mà thấy sửng sốt, lo cho con em chúng ta quá. Nhưng nếu TQ đã trình quốc tế về mức độ đảm bảo an toàn và được chấp thuận thì mình khó mà phản đối được :-(

LU on lúc 10:32 23 tháng 7, 2010 nói...

Thôi thế là Hà Nội xong film. Nói về cái sự cẩn thận của China thì em có thể làm chứng được từ những món hàng điện tử ở Mỹ, sau này 80% được đưa sang China lắp ráp. Giá labor cost có rẻ thật, nhưng chất lượng thì nửa gà nửa vịt. Đài Loan build sản phẩm OK hơn...mấy cái server khách kí hợp đồng cho China build, sang đến bên em phải gởi trả về cho họ chỉnh lại...đôi khi gởi lần hai mới đạt yêu cầu. Mà tiền cước phí từ Mỹ sang China cũng ko nhẹ, nếu tính bằng kg cho một cái server.

NADIA on lúc 10:36 23 tháng 7, 2010 nói...

Thế thì làm thế nào bây giờ anh ơi?! Nằm im chờ chết hả anh??? Huhu

Thuy Dam Minh on lúc 10:36 23 tháng 7, 2010 nói...

Vụ này rất khó giải quyết. Nó cũng hệt như mình có một ông hàng xóm hay chơi khăm. Mệt quá! Không biết nhà mình, các bác Lãnh đạo định làm thế nào đây?

LU on lúc 10:54 23 tháng 7, 2010 nói...

Thôi thì, chuyện đã lở rồi chỉ còn một cách là...dời nước VN đi thôi!

Nặc danh nói...

Lo cho tương lai quá anh ơi, chuyện này mà thành sự thật thì nguy hiểm. Có khi phải sang tá túc bên Lu mất thôi. Đúng là hàng xóm như Trung quốc thì lúc nào cũng lo ngay ngáy bởi nó đâm vào sườn mình bất cứ lúc nào

ntd on lúc 14:44 23 tháng 7, 2010 nói...

Thực ra chẳng có gì đáng phải lo ngại quá như vậy vì họ đã có 4 nhà máy điện nguyên tử đang hoạt động. Và nếu có xẩy ra tai nạn thì TQ là nước chịu hậu quả trước tiên. Cái định xây mới với công nghệ nước ngoài sẽ có sự kiểm tra của quốc tế thì lại càng không đáng lo. Việc VN cần làm là tác động đến tổ chức hạt nhân thế giới để họ theo dõi, kiểm tra việc xử lý chất thải ở đâu, như thế nào. VN cũng đến lúc phải xây các nhà máy điện nguyên tử rồi, chẳng tránh được đâu.
@LU: không thể so sánh với việc sản xuất hàng điện tử của TQ. Phải nhìn nhận là về mặt công nghệ cao, TQ không phải là nước kém, dù vẫn phải sử dụng một phần công nghệ của nước ngoài như việc bay vào vũ trụ chẳng hạn.

LU on lúc 21:23 23 tháng 7, 2010 nói...

@ntd : Lu đang nói về "tính cẩn thận" trong công việc của những sản phẩm Lu nhận về từ các nước thôi. Những cái mác "Japan", hay một nước trung gian nào khác, được yên tâm hơn về độ "cẩn thận" trong việc sản xuất món hàng, điều này giúp team của Lu đở nhọc công tìm bệnh hơn là khi nhận hàng từ China sang gởi sang. Lu chỉ nói kinh nghiệm thực tế khi làm việc của Lu thôi.

NTD on lúc 23:55 23 tháng 7, 2010 nói...

haizz thì cũng như nhà bên cạnh là quán ăn họ để mấy thùng phuy to chứa đồ ăn thừa. Nếu quen mấy ông phường thì còn nhắc nhở họ quây kín để chỗ khuất mắt được, chứ không quen ông phường nào là cũng mệt phết ạ :D

Truong Son nói...

Em hỏi khí không phải anh Cường k17 đấy không nhỉ

Đỗ on lúc 17:19 24 tháng 7, 2010 nói...

Sự cố điện hạt nhân không dễ gì,nhưng nghe tin này cũng thấy sao sao ấy.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết