25/7/10

CHERNOBYL - CUỘC CHIA TAY TRONG TUYẾT TRẮNG



Ngày 15/12/2000, Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl đóng cửa. Như tất cả những người dân Liên Xô khác, ông Rostyslav Bilodid (hiện là đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ucraina tại Việt Nam) sẽ chẳng thể nào quên sự cố khủng khiếp xảy ra ở đây đêm 26/4/1986. Giờ đây đã 70 tuổi, ông nhớ lại chuỗi ngày hoảng loạn của người dân thủ đô Kiev sau khi nghe phong thanh về vụ nổ: "Cảm tưởng đáng sợ nhất của tôi trong những ngày đầu tiên sau thảm hoạ là sự thiếu vắng thông tin. Chẳng ai hiểu chuyện gì đã xảy ra".

Từ sai sót của con người


Sau đó khi biết được một vài điều, người ta bắt đầu hoảng sợ. Đến thở người ta cũng sợ. Đó là hình thái của căn bệnh tâm lý sợ nhiễm phóng xạ “radiophobia”. Người ta đã tấn công vào các đoàn tàu, hối hả chở con cái đi sơ tán. Ông Bilodid cũng vội vã chở con cái đến gửi họ hàng ở Rostov. Trong vòng hai ngày, ông phải một mình lái xe hơn 2500 km vừa đi vừa về.

“Nhưng nếu đó không phải dưới thời Xôviết, lạy chúa, nếu như mà thảm hoạ trên xảy ra vào thời điểm này, thì đất nước Ukraina của chúng tôi sẽ không thể tự đối đầu với thảm hoạ nhanh đến như vậy!”, ông Bilodid nói. Liên Xô đã huy động toàn bộ sức người, sức của và trí tuệ đến Chernobyl. 600 nghìn người đã được huy động đến đây để dọn chất độc phóng xạ. Với tư cách là Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Viện Hàn lâm Khoa học Ukraina, Bilodid đã tháp tùng các chuyên gia nước ngoài đến Chernobyl.

Ông đã tận mắt chứng kiến những người lính cứu hộ. Tuy mặc quần áo bảo hiểm bằng chì, nhưng họ chỉ có thể đứng ở khu vực lò phản ứng hạt nhân số 4 có 30 giây, kịp đổ hai xô dầu chống phóng xạ và chạy thật nhanh khỏi chỗ ấy. Với tính cách Slavơ “thấy chết cười ngạo nghễ” họ đã hoàn thành nhiệm vụ ấy một cách quả cảm. “Họ là những người anh hùng thật sự. Họ đã xông vào cái chết đã được biết trước”, ông Bilodid nói, giọng chùng xuống.


Lượng phóng xạ từ vụ nổ Chernobyl cao gấp 500 lần quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima năm 1945. 14 năm đã trôi qua, ước tính khoảng 1,5 đến 3 vạn người đã chết vì nhiễm phóng xạ, trong số đó có không ít ngời đã tham gia vào chiến dịch dập tắt và khu biệt tổ máy số 4. Đối trọng với họ là những kẻ cơ hội.

Bilodid tâm sự: “Tôi biết những người chưa bao giờ có mặt tại nơi xảy ra thảm hoạ, nhưng lại tự cho mình là Chernobylets (người cứu nạn ở Chernobyl). Bởi vì ngoài vinh dự, điều đó có giúp họ được miễn giảm 50% tiền nhà, được hởng các khoản trợ cấp đặc biệt”. Đội quân tự coi mình là Chernobylets nhiều đến nỗi Liên Xô phải tiến hành chiến dịch “thanh lọc”: Lần đầu loại bỏ một nửa danh sách; lần thứ hai loại thêm một nửa nữa trong số còn lại.

“Sai sót của con người thật là khủng khiếp. Mọi máy móc ở đó đều đúng. Chỉ có sự vận hành của con người là sai, Bilodid vừa nói vừa đưa cho tôi xem những tấm ảnh - "Đây là ngôi mộ của chàng trai đã quên mình lao vào tổ máy số 4. Anh ấy sinh năm 1962, tức là chết khi mới 24 tuổi. Còn trẻ quá. Còn tấm này là ngôi nhà nông dân bị bỏ hoang. Thật tiếc, quanh Chernobyl có những nơi phong cảnh thật đẹp”.

Theo các nhà khoa học Ukraina và Hà Lan phải 30 năm nữa những vùng đất quanh Chernobyl mới có thể canh tác trở lại bình thường, khi mà cặn bã của chất phóng xạ biến mất khỏi đất và nguồn nước.

Thực tế đã vén màn sự thật. Những vết đen đau thương hằn lên cả một thế hệ thanh niên trưởng thành trong vùng bị nhiễm xạ. Nhiều cặp kết hôn không dám sinh con bởi sợ để lại di chứng cho thế hệ tiếp nối. Thời gian trôi đi, cuộc sống đã trở lại bình lặng hơn, nhưng nỗi đau từ Chernobyl thì vẫn còn đó.

Cuộc chia tay trong tuyết trắng

160 tấn chất phóng xạ vẫn đang nằm trong lòng đất Chernobyl. Không một ai dám chắc rằng quả bom hẹn giờ ấy có phát nổ hay không hoặc sẽ phát nổ vào lúc nào. Dưới áp lực của phương Tây, năm 1995 Ukraina đã ký thoả thuận đồng ý đóng cửa vĩnh viễn Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl. Phương Tây hứa cung cấp 2,3 tỉ USD, trong đó có 500 triệu viện trợ và 1,8 tỉ tiền vay. Nhưng đó mới chỉ là cam kết. Theo những thông số mà Đại sứ Bilodid đợc biết, thì đó mới chỉ được 1/4 con số cần thiết.

Bây giờ là mùa đông. Tổ máy còn lại của Chernobyl có công suất rất lớn, 1 triệu kw/h, tức bằng một nửa công suất Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình - Việt Nam. “Đấy là năng lượng” - vị Đại sứ cao lớn có giọng nói trầm như giọng thợ mỏ nhấn mạnh, dường như đó là vàng. Ukraina đề nghị phương Tây phải giúp tạo ra được số năng lượng bù đắp và đã được hứa. Ngạn ngữ Slavơ có câu: “Một lời hứa phải đợi ba năm”. Thế đấy, Ukraina phải đóng cửa một tổ máy điện hạt nhân đóng góp 5% vào lưới điện quốc gia giữa mùa đông giá lạnh. “Chúng tôi phải tìm nguồn năng lượng mới cho dân sưởi ấm trong mùa đông, nhưng lại không có tiền”, Bilodid than phiền.

Tại sao lại có sự chậm trễ trong việc thực hiện cam kết? Thì ra phương Tây đưa ra hết điều kiện này đến điều kiện khác. Chẳng hạn như việc Ukraina phải trả hết nợ cho các ngân hàng phát triển quốc tế, hay phải tư hữu hoá ngay lập tức hệ thống năng lượng quốc gia. Tất nhiên họ có đưa ra những giải thích của mình, nhưng đó là những yêu cầu không thể thực hiện ngay được, thậm chí trong vòng một năm. “Những điều kiện ấy đã gây sức ép cho Ukraina và có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của chúng tôi. Ai cũng biết là ngân sách của Ukraina rất yếu" - ông Bilodid nói.

Đóng cửa vĩnh viễn Chernobyl, đó không chỉ đơn giản là việc đào cái huyệt và đặt quan tài vào, mà bên cạnh đó còn là vấn đề xã hội. Khoảng 10 nghìn công nhân làm việc ở đây, đó là chưa kể đến gia đình họ. Những chuyên gia lành nghề mà không phải ở đâu cũng có sẽ bị mất việc. Cần phải giải quyết việc làm cho họ và lại cần phải có tiền để tạo việc làm mới. Ukraina đã quyết định biến thành phố Slamutinsk (cách Chernobyl hơn 20km) - nơi các công nhân này đang sinh sống thành khu vực kinh tế tự do. 20 nghìn người sống ở đây. Người ta cũng đã lên kế hoạch lập ra những nhà máy sản xuất tại đó.

Theo ông Bilodid có thể nhìn thấy trước cuộc đấu tranh gay gắt trong vấn đề này. Ukraina hiện đang rất thiếu điện. Để đảm bảo hiệu điện thế chung cho lưới điện quốc gia, sẽ phải cắt điện trong một khu vực rộng lớn nơi sinh sống của khoảng 10 triệu dân. Một phần điện năng của Chernobyl còn được cung cấp cho Belarus theo lưới điện Liên Xô trước đây.

“Không tưởng tượng được ngời dân ở đó sẽ sống qua mùa đông như thế nào” - Đại sứ Bilodid trầm ngâm - “Chúng tôi không chỉ mất nhà máy điện, mà mất những đồng tiền thực thụ. Ngân sách của chúng tôi sẽ có một lỗ thủng lớn, khiến tăng trưởng kinh tế 5% như hiện nay khó mà duy trì được”.

Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đến Chernobyl ngày 15/12 này để chứng kiến cảnh tượng Tổng thống Kuchma xúc xẻng đất tượng trưng chôn vùi Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl. “Nếu xét về mức độ quốc tế thì đây sẽ là một sự kiện lớn. Một trang lịch sử đau thương được khép lại”.


Nhưng còn con người? Hàng nghìn chuyên gia giỏi về năng lượng hạt nhân sau nhiều thập kỷ mới đào tạo được sẽ làm gì? Nhiều người trong số họ sẽ chẳng thể hợp được với thương trường của khu vực kinh tế tự do mở ra ở đây nay mai. Một số người đã nhận được lời mời đi nước ngoài làm việc.

Nhưng không phải ai cũng có thể thanh thản rời bỏ Chernobyl, mảnh đất đầy hiểm nguy, để mưu cầu một cuộc sống điền viên riêng cho mình. Quá khứ gian khổ 14 năm qua sẽ theo họ, khiến họ phải nước mắt lưng tròng ngoảnh lại chia tay với mảnh đất khắc nghiệt trong giá lạnh quay quắt.

Nguồn: Báo Lao Động, 14.12.2000.

Entries cũ:
1. BIỂU TÌNH BẰNG... TẮM
2. TRUNG QUỐC XÂY NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN SÁT BIÊN GIỚI VIỆT NAM
3. CÀPHÊ VÀ TUYẾT
4. ĐÊM TUYẾT BERLIN
5. HOA TULIP TRÊN TUYẾT



12 comments:

LU on lúc 00:46 26 tháng 7, 2010 nói...

Sống chung với sự đe dọa khủng bố tính mạng thì chán thật anh ha. Như hồi vụ khủng bố 11/9 xảy ra cũng gây tâm lý bất ổn cho hành khách đi máy bay. Mấy năm liền lên máy bay mà thấy ai có mặt hơi giống Trung Đông là bắt đầu hơi bị sợ. Hậu quả tồn tại lại sao vụ nỗ mới là kinh, những hơn 30 năm mới có thể xới đất mà làm lại từ đầu.

Lana on lúc 09:04 26 tháng 7, 2010 nói...

Hai mấy năm rồi, không thấy công bố nghiên cứu thống kê cụ thể về di chứng của thảm họa Chernobyl đối với người dân nhỉ?
Lana có một lần đọc về trại hè ở Cuba dành cho những đứa trẻ bị ảnh hưởng phóng xạ từ vụ Chernobyl...

Đỗ on lúc 10:23 26 tháng 7, 2010 nói...

Hậu quả của sự cố này thật là khủng khiếp. Cám ơn thông tin của bạn.

Thuy Dam Minh on lúc 10:59 26 tháng 7, 2010 nói...

Xem bài này, nghĩ đến nước mình chuẩn bị làm điện hạt nhân, vẫn biết là công nghệ bây giờ tốt hơn, an toàn hơn, nhưng vẫn thấy sợ sợ thế nào ấy!

Unknown on lúc 12:56 26 tháng 7, 2010 nói...

Ngưỡng mộ sự dũng cảm của các Chernobylets chân chính và cũng thật đáng khinh cho những kẻ cơ hội...

Vân Lam nói...

Thật là kinh hoàng.
Những người cứu nạn thật quả cảm.

Nặc danh nói...

@anh VMC
Đọc entry này xong, cảm xúc lẫn lộn, chẳng biết comment làm sao.

L2C on lúc 01:00 27 tháng 7, 2010 nói...

Em vẫn nhớ những bà cụ xin tiền trên tàu điện ngầm ở Kiev đeo biển kể lể mình là nạn nhân của Chernobyl. Sợ mơ hồ.

VMC on lúc 08:51 27 tháng 7, 2010 nói...

@LU:
Không có gì căng thẳng bằng sống chung với nguy cơ. Nhưng cứ sống chung với nguy cơ mãi thì nỗi sợ hãi cũng giảm bớt...

@Lana:
Năm 1995 anh có một bài viết về những đứa trẻ Chernobyl nhân kỷ niệm 10 năm vụ thảm họa, để hôm nào tìm lại post lên cho mọi người cùng đọc.

VMC on lúc 08:56 27 tháng 7, 2010 nói...

@Đỗ:
Cảm ơn bác đã đọc và comment.

@A Thụy:
Em đã đi thăm 2 nhà máy điện nguyên tử của Nhật, thấy người dân sống ngay bên cạnh. Không thấy họ sợ hãi gì.

VMC on lúc 08:58 27 tháng 7, 2010 nói...

@Phú, Vân Lam:
Một số người lính cứu hỏa biết mình chết mà vẫn xông vào để dập lửa trong thảm họa này. Họ thực sự là những anh hùng.

@HPLT:
Cứ comment như thế là được rồi em ạ.

VMC on lúc 08:58 27 tháng 7, 2010 nói...

@L2C:
Có những người là nạn nhân thật, nhưng cũng có những người giả dạng nạn nhân để ăn xin đấy.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết