6/7/10

MỘT NGÀY VĂN MINH ĐÃ MẤT



Hôm trước, tôi có nhắc tới lễ hội hát Soóng Cọ trong entry "Ngày lạnh ở miền đông". Có bạn hỏi, hát Soóng Cọ là gì? Thú thực, tôi chưa nghe Soóng Cọ bao giờ. Giới thiệu với mọi người bài phóng sự "Một ngày văn minh đã mất" của Ngô Mai Phong, đăng trên báo Lao Động cách đây 4 năm. Hy vọng mọi người sẽ có một khái niệm chung về loại hình ca hát độc đáo này của người Sán Chay.

Cuối cùng, tôi cũng tới được Khe Lặc - thung lũng nằm về phía tây dãy núi Thông Châu thuộc xã Đại Thành, huyện miền núi Tiên Yên, Quảng Ninh. Đây là một trong chốn quần cư thanh bình nhất của người Sán Chay - tộc người không đông so với các cộng đồng dân tộc thiểu số Quảng Ninh, nhưng giỏi nghề canh nông và đặc biệt có một nền văn hoá lâu đời không thể trộn lẫn.

"Slạm nhịt hụi" là một phong tục đặc thù của nền văn hoá ấy. Đó là ngày hội của áo khăn, của những làn điệu soóng cọ. Sâu xa hơn, đó còn là ngày hiến tế của tình yêu tự do - một ngày văn minh mà chẳng phải tộc người nào cũng có được...

Thế giới trong giọt nước

Vượt qua hơn 30km đường đèo, Khe Lặc hiện ra tịch liêu, thanh bình trong nắng thu với trùng trùng ruộng bậc thang xanh rượi lúa mùa. Cúi xuống là lúa. Ngẩng đầu lên là lúa. Lúa cấy chen với đá mồ côi. Những mái nhà lợp ngói âm dương rải rác từ triền thung lên sát đỉnh núi phảng phất như khung cảnh một đào nguyên xưa cũ. Khe Lặc vốn là một thung lũng rộng gần 20km2, gồm 5 thôn: Khe Lặc, Khe Mươi, Mui Lạ, Nà Cam, Kéo Cai vừa được tách ra từ xã Đại Dực bên kia chân núi Thông Châu để hợp lại dưới cái tên chung: xã Đại Thành.

Trang phục phụ nữ Sán Chay

Ngoài một bản người Dao vài chục nóc nhà nằm ở triền ngoài thung lũng, gần 200 hộ trong này đều thuộc tộc Sán Chay. Nguồn sống chính của họ là thâm canh lúa nước, chăn nuôi gia súc và trồng rừng. Năng suất lúa mùa ở đây đạt tới 42 tạ/ha, không thua kém so với nhiều khu vực đồng bằng, đủ thấy người Sán Chay giàu kinh nghiệm canh nông và cần cù như thế nào.

Khang - ông bạn "mệnh quan nông lâm" huyện am tường thung thổ, rất mê dân ca Sán Chay và là người đồng hành của tôi trong cuộc đi này, kể lại: Cách đây không lâu, một giáo sư Đại học Kyodo - Nhật Bản có dịp qua Đại Thành khi nhìn thấy ở đây vẫn còn nguyên những chiếc cối giã gạo bằng nước nguồn; nông cụ cầm tay và cả lối kiến trúc những ngôi nhà gạch đất, đã phải thốt lên sao giống đời sống của dân tộc ông 200 năm trước đây một cách lạ lùng.

Riêng tôi, hơn một lần tôi đã từng đọc được những câu soóng cọ nhắc rất nhiều về thuyền bến, sông hồ. Rằng: "Vân Nam con đường về quê mình/ Chim én ngậm hoa bay qua núi/ Gió thổi hoa đào không muốn rơi/ Dù nhớ quê hương khó trở lại". Chẳng nghi ngờ gì, Sán Chay chính là tộc người Sơn Quả của miền Vân Nam - Trung Hoa di cư qua đây từ nhiều đời tao loạn xa xưa và hoà nhập vào cộng đồng các dân tộc thiểu số VN. Chợt hiểu khái niệm về một "thế giới phẳng" chẳng còn gì xa lạ. Nó tựa như một giọt nước dù tan vỡ không ngừng, cuối cùng cũng sẽ lại tròn đầy như bản chất của sự vĩnh cửu.

Ngày hội không có trẻ con

Ngôi nhà người Sán Chay đầu tiên chúng tôi ghé lại nằm khuất dưới một mom đồi giữa bạt ngàn thông mã vĩ. Ông Sằn Sẹc (63 tuổi) ngả vò rượu ra mời khách thay cho nước uống. Trên chiếc chiếu trải giữa nhà, chỉ sau vài ba chén, cả chủ lẫn khách bị cuốn ngay vào câu chuyện về "Slạm nhịt hụi", về soóng cọ. Ông Sằn Sẹc vân vi: "Soóng cọ, tiếng Pạc và (Bạch thoại) nghĩa là xướng ca. Đó là hình thức giống như người Kinh hát đúm.

Ông Sằn Sẹc (phải)

"Slạm nhịt hụi" mà không có soóng cọ không thành hội. Người đi nhất nhất phải biết hát. Thuộc nhiều ca từ dân ca đã khó, biết ứng tác cho hay, làm mê lòng người hát với mình càng khó hơn". Khi rượu đã ngà ngà, mắt chủ nhân bỗng lung liêng, dài như lá ngón. Ông bắt đầu cất tiếng: "Dằn mòi sình/ Sláu nhạ sệch chí dằn mòi chài/ Dằn mòi sình sấu thào vạ phát/ Dằn mòi sình sấu lầy vạ hoi" (Mời muội hát/ Tay cầm viên sỏi mời muội gieo/ Mời muội hát đến hoa đào nở/ Mời muội hát đến hoa mận khai).

"Nhện giăng tơ/ Sớm giăng trước cửa, chiều giăng bờ rào/ Giăng trước cửa sớm chiều thấy/ Giăng ở lòng anh ngày đêm nhớ". "Bẻ lấy rào/ Bẻ cành xanh rào đầu đường/ Bẻ cành xanh rào lối rẽ/ Không cho người bay qua châu khác"... Sằn Sẹc hát rất lâu. Không ngờ ông là cả một kho tàng dân ca Sán Chay lịch lãm, tinh tế, bạo liệt. Càng hát, khuôn mặt ông càng như phiêu diêu và không còn dừng lại cho tôi kịp ký âm nữa. Giờ đây, tôi đã hiểu tại sao "Slạm nhịt hụi" lại mở vào ngày 16.3 và duy nhất chỉ có một ngày vào tiết thanh minh.

Ấy là lúc trời đất trong sáng hoà dịu nhất. Việc ruộng nương đã xong. Tất cả các loài hoa mùa xuân đều khai mãn. Một ngày nhưng người ta phải chuẩn bị từ trước cả tuần lễ. Phụ nữ áo khăn phải chuốt nếp. Tóc chiều nào cũng phải gội bằng hai thứ lá "coóng cạy mộc" và "kệch tái thăng" cho thật thơm, thật óng. Đàn ông phải lo cất rượu thật ngon. Lấy cật giang làm khuôn mũ rồi bọc vải chàm phẳng phiu, sang như mũ quan châu. Ai không có không đi.

Chính hội là 16, song người ta thường lên đường từ một ngày trước đó và có thể rong ruổi qua ngày 17. Nơi người Sán Chay các vùng đổ về là xã Húc Động - huyện Bình Liêu. Nhưng "Slạm nhịt hụi" không đơn thuần chỉ là ngày hội làm sống lại truyền thống folklore của cả cộng đồng. Đó còn là một ngày mà mỗi người đều được trả lại quyền tự do tối thượng.

Cho phép người ta bước qua mọi lề luật nghiệt ngã nhất của đời sống hôn nhân để đến với người mình yêu dấu bất luận giới tính, dù đã có vợ hoặc có chồng. Phong tục cũ của người Sán Chay: Con gái, con trai 10 - 12 tuổi đã cưới xin. Cưới xong, cô dâu vẫn ở nhà cha mẹ cho đến lúc mang thai. Sự non nớt tuổi tác và những tháng năm chưa hoàn toàn ràng buộc chính là quá trình người ta ý thức dần về cuộc hôn phối "từ trên trời rơi xuống". Dù cam chịu, những giấc mơ về một hình bóng khác vẫn tới.

"Slạm nhịt hụi" chính là khoảnh khắc ngắn ngủi để người ta giải phóng những xung cảm chồng chất và dâng mình trọn vẹn cho hạnh phúc. Nó còn là cơ may của những người đàn ông vô sinh hoặc những người đàn bà suốt đời thèm được yêu thương. Bởi lẽ ấy, "Slạm nhịt hụi" cấm kỵ không hát với người cùng bản hoặc cùng vùng. Đã có những cặp dám từ hôn để sống với người mình đeo đuổi. Đấy là trường hợp của Káy Cường ở Khe Lặc 40 năm về trước.

Bây giờ, ông đã ngót tuổi 70. Lại cũng có đứa con ra đời không giấu nổi sau mùa hội ấy. Đó là thân phận của S - vợ một liệt sĩ ở Khe Lục thuộc xã Đại Dực bên kia triền núi Thông Châu. Còn nhân vật của tôi, năm 18 tuổi chính ông trước ngày ra lính vẫn còn đắm đuối về một người phụ nữ Đồng Văn mượt mà như chim trĩ tháng 3 mặc dù cả hai đều đã yên bề.

Ông Sằn Sẹc bâng khuâng: " Đấy là một ngày có thật. Ngày đó, ngả ai người nấy đi. Ngày hội không có trẻ con". Và rồi ông lại cất tiếng hát đầy hàm ý: "Kìn mòi hèn lầu thầu tày tày/Mằn mòi cù ná sái vạ quậy/Sái vạ mào kín thầu xoòng xép/ Thầu lìn mào kín sáu vạ quậy." ( Thấy muội đi đường cúi cúi đầu/ Hỏi muội đi đâu chơi hoa về/ Phơi hoa không thấy cài trên tóc/ Hái hoa sao không cầm trên tay ?).

Vành khăn soóng cọ

Tôi leo lên bản Mui Lạ giữa lưng chừng núi Thông Châu. Lại rượu. Nhưng lần này rót cho tôi là một phụ nữ: Chị Lục Móc Nhì (44 tuổi) - chủ nhà đã có 4 con. Con trai đầu đang học lớp 12. Con gái thứ hai (17 tuổi) đã gả chồng, đang mang bầu vượt mặt. Em đi ngang qua hiên, đôi mắt không vui cũng không buồn. Và tôi không sao đoán được tâm trạng của một cô bé sắp thành thiếu phụ.

Hát Soóng Cọ thời nay

Thời con gái của người phụ nữ Sán Chay tàn mau như hoa cải trời. Chị Móc Nhì bảo: "Ngày xưa, tôi có thể hát suốt ba ngày ba đêm". Nhưng ngày xưa ấy cũng đã hơn 20 năm. Tôi hỏi Móc Nhì: "Lũ trẻ nhà này có biết hát soóng cọ không?", người mẹ lắc đầu. Tôi quay sang Ngân - cậu trai thứ ba (16 tuổi) của chị tóc dựng xơm xơm, cặp lông mày bôi phẩm hồng kiểu tài tử TV Hàn Quốc và tin ngay cái lắc đầu buồn buồn của chị. Chợt nhớ ông Sằn Sẹc bảo: "Slạm nhịt hụi" là ngày không ai được ngáng chân ai. Có điều người phụ nữ nên kín đáo".

Nhưng biết thế nào là kín đáo? - Tôi kể lại chuyện trên cho chị Móc Nhì. Người đàn bà lặng lẽ quay vào buồng mang ra chiếc khăn vấn đầu màu chàm rộng hai muơi phân, dài hai mét rưỡi. Chiếc khăn đã cũ, mấy cô gái hàng xóm sang chơi phải xúm vào vuốt mãi mới phẳng lại. Rồi họ cùng gấp nhỏ dọc chiều khăn. Sau cùng, chị Móc Nhì phải nhờ Lặng - cô gái khéo tay nhất giúp vấn bao quanh vành khăn xanh đã có ngay ngắn trên đầu. Chị Móc Nhì cười cười nhìn tôi: "Đây, nếu đi hội về mà vành khăn này xộc xệch thì là "không kín đáo". Khi đã tuột ra rồi, đàn ông khéo mấy cũng khó mà vấn lại cho ngay ngắn". Ra thế, cái ngày "ngả ai người nấy đi" kia vẫn ngấm ngầm có sự ghen tuông.

Đã mấy chục năm qua, những vành khăn soóng cọ không bao giờ sổ nữa. Lớp trẻ Khe Lặc lớn lên, học hành và những chân trời dài rộng mở ra. "Slạm nhịt hụi", nói như bí thư trẻ xã Đại Thành: " Tuỳ ai đi thì đi" chỉ còn là dịp kèn trống suồng sã của các nhân viên phòng văn hoá huyện.

Tôi từ giã Thông Châu, lòng ám ảnh hoài về vành khăn nhàu nhĩ của chị Móc Nhì và câu hát của người đưa tiễn: "Nhất tiễn anh ra về/ Ra cửa ba bước chúc anh may mắn/ Bạn của ta ta mới tiễn/ Không lời nói tiễn người dưng".

Nguồn:
MỘT NGÀY VĂN MINH ĐÃ MẤT - LAO ĐỘNG




14 comments:

Thuy Dam Minh on lúc 21:06 6 tháng 7, 2010 nói...

Xem lại phóng sự của anh Phong, mới biết hồi làm báo, anh đi còn ít quá. Nhiều chuyện trong này, anh chưa hề biết.

LU on lúc 21:31 6 tháng 7, 2010 nói...

Phải chi em được đi xem hát sóong cọ...

Titi on lúc 21:38 6 tháng 7, 2010 nói...

Trời! Sao em làm Văn nghệ mà hong bit tục lệ hay quớ là hay này của Soóng cọ nhỉ.
"Đó còn là một ngày mà mỗi người đều được trả lại quyền tự do tối thượng. Cho phép người ta bước qua mọi lề luật nghiệt ngã nhất của đời sống hôn nhân để đến với người mình yêu dấu bất luận giới tính, dù đã có vợ hoặc có chồng."

Chứng tỏ người Sán chay rất tiến bộ, quan tâm tới thực chất cảm xúc của từng con người chứ không chỉ là những lề thói cứng nhắc :-)

Titi on lúc 22:20 6 tháng 7, 2010 nói...

Trời! Sao em làm Văn nghệ mà hong bit tục lệ hay quớ là hay này của Soóng cọ nhỉ.
"Đó còn là một ngày mà mỗi người đều được trả lại quyền tự do tối thượng. Cho phép người ta bước qua mọi lề luật nghiệt ngã nhất của đời sống hôn nhân để đến với người mình yêu dấu bất luận giới tính, dù đã có vợ hoặc có chồng."

Chứng tỏ người Sán chay rất tiến bộ, quan tâm tới thực chất cảm xúc của từng con người chứ không chỉ là những lề thói cứng nhắc :-)

Còm lần 2 :-(

Titi on lúc 22:27 6 tháng 7, 2010 nói...

Trời! Sao em làm Văn nghệ mà hong bit tục lệ hay quớ là hay này của Soóng cọ nhỉ.
"Đó còn là một ngày mà mỗi người đều được trả lại quyền tự do tối thượng. Cho phép người ta bước qua mọi lề luật nghiệt ngã nhất của đời sống hôn nhân để đến với người mình yêu dấu bất luận giới tính, dù đã có vợ hoặc có chồng."

Chứng tỏ người Sán chay rất tiến bộ, quan tâm tới thực chất cảm xúc của từng con người chứ không chỉ là những lề thói cứng nhắc :-)

Còm lần 3 :-(

Titi on lúc 22:52 6 tháng 7, 2010 nói...

Trời! Sao em làm Văn nghệ mà hong bit tục lệ hay quớ là hay này của Soóng cọ nhỉ.
"Đó còn là một ngày mà mỗi người đều được trả lại quyền tự do tối thượng. Cho phép người ta bước qua mọi lề luật nghiệt ngã nhất của đời sống hôn nhân để đến với người mình yêu dấu bất luận giới tính, dù đã có vợ hoặc có chồng."

Chứng tỏ người Sán chay rất tiến bộ, quan tâm tới thực chất cảm xúc của từng con người chứ không chỉ là những lề thói cứng nhắc :-)

Còm lần 4 :-(

Titi on lúc 22:55 6 tháng 7, 2010 nói...

Trời! Sao em làm Văn nghệ mà hong bit tục lệ hay quớ là hay này của Soóng cọ nhỉ.
"Đó còn là một ngày mà mỗi người đều được trả lại quyền tự do tối thượng. Cho phép người ta bước qua mọi lề luật nghiệt ngã nhất của đời sống hôn nhân để đến với người mình yêu dấu bất luận giới tính, dù đã có vợ hoặc có chồng."

Chứng tỏ người Sán chay rất tiến bộ, quan tâm tới thực chất cảm xúc của từng con người chứ không chỉ là những lề thói cứng nhắc :-)
Cám ơn anh NMP vì phóng sự rất chi tiết này.

Còm lần 5 :-(

VMC on lúc 23:49 6 tháng 7, 2010 nói...

@A Thụy:
Anh là nhà báo kinh tế mà.

@LU:
Cứ có ước muốn là sẽ làm được thôi.

VMC on lúc 23:50 6 tháng 7, 2010 nói...

@Titi:
Cảm ơn Titi đã còm 5 cái liền.

Titi on lúc 00:16 7 tháng 7, 2010 nói...

ÔI trời! Định quay lại xem nó có hiện ra để xóa bớt mừ anh cám ơn thì để vậy.
Em chợt nghĩ ra một ý tưởng mới cho đợt Liên hoan dân ca toàn quốc tới. Một lần nữa cám ơn anh Phong :-)

LU on lúc 02:25 7 tháng 7, 2010 nói...

ha ha...blogspot nhà anh có vấn đề, hôm qua em còm xong thấy nó mất tiêu lại được anh xóa...bi giờ thì nó lại xài sang cho Ti Ti còm luôn 5 phát =))

Moon on lúc 08:56 7 tháng 7, 2010 nói...

Đọc bài này, lại thấy ngứa chân thèm đi nữa rồi. Vì thấy sao còn nhiều nơi nhiều chổ mình chưa đến quá. Cảm ơn Bác vì một bài hay

Lana on lúc 09:29 7 tháng 7, 2010 nói...

Lại có thêm lý do để thích đọc những gì của Ngô Mai Phong.

Bài phóng sự nhiều sắc màu thú vị quá.

NTD on lúc 12:26 7 tháng 7, 2010 nói...

thật tinh tế (:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết