21/1/09

GIÁP TẾT NGHE "TIẾNG VIỆT"



Qua blog của nhà thơ Dạ Thảo Phương , thấy giới thiệu bài hát "Tiếng Việt" của nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm do nghệ sĩ đàn nhị kiêm ca sĩ Ngô Hồng Quang trình bày.

Một bài hát cho thật nhiều cảm xúc.

Giáp Tết, bận rộn, nhưng mọi người bỏ ra 4 phút 42 giây để nghe bài này một lần nhé.

TIẾNG VIỆT

Nhạc: Nguyễn Lê Tâm
Thơ: Lưu Quang Vũ
Ca sĩ: Ngô Hồng Quang

A... í a... í a... a á... í a...
Trái đất rộng bao thứ tiếng (í a)
Tiếng (í a) Việt quê ta
Hồn nhiên lời nói thánh thót như tiếng đàn, lời ca ơ
tiếng
đàn lời ca... tiếng đàn

Mỗi sớm dậy, thân thiết nghe bốn bề
Người (a í a) qua đường chung tiếng Việt cùng tôi.

Chưa thành chữ viết (í a) đã (í a) vẹn tròn lời nói
Vầng trăng cao, đêm cá bơi biệt tăm (ơ)
sao mờ biệt tăm, sao mờ

Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa óng (í a) tre ngà, mềm mại như tơ.

A... a í a... a í a... a á... a í a...
Ôi tiếng Việt, tiếng Việt, tiếng Việt
Đẹp như lụa, như tơ... đẹp như lụa, như tơ... (ơ).
Mát lịm tiếng suối (í a) theo (í) mây gọi về
Đường xa một tiếng nhớ (ơ)
Kìa nón ai thẳm xa (ơ) bên trời... thẳm xa bên trời

Tiếng cha dặn khi lũ về bão dội
Cánh nôi mơ màng giọng mẹ à ơi...

Phiêu bạt xa lắc (í a) cuối (í a) bể cùng trời
Người ơi, người có gọi khẽ tiếng Việt trong những đêm dài
(trong những đêm dài, trong những đêm dài...).

Ai lỡ đường quên giống nòi, gốc nguồn
Trông (í a) tiếng Việt quay về cùng tôi
Ai lỡ đường quên giống nòi gốc nguồn
Trông (í a) tiếng Việt quay về cùng tôi...

A í a... a í a... a í a...

Ngô Hồng Quang (Nhị)
Việt Hồng (Nguyệt)
Thuý My (Tam Thập Lục)
Hồng Hạnh (Tranh)
Khắc Huấn (Trống)
Tống Đức Cường (Piano)
Đức Minh (Đàn Môi)

NGHE "TIẾNG VIỆT" TẠI ĐÂY

THAM KHẢO:
Ngô Hồng Quang: Tôi sẽ dùng nhị chơi Rock - LAO ĐỘNG

19/1/09

XEM LINH NGA HIẾN MÌNH CHO "VŨ"



Mọi người đọc xong cái tít trên thì đừng giật mình. Em Linh Nga hiến mình cho "Vũ", ấy là cho nghệ thuật múa mà em và gia đình em ấy tôn thờ bấy lâu nay, chứ không phải cho anh nào có tên như vậy hết.

Quả thực là tôi không định đi xem chương trình này, bởi lâu nay múa may của nước mình chán quá. Nhưng một đồng nghiệp kiên quyết dúi vé vào tay và bắt phải đi xem. "Chắc chắn là ông sẽ thích" - chị quả quyết như vậy. Tôi đành chậc lưỡi đồng ý.

Lúc nhận được vé thì thấy chỗ ngồi trên tận tầng 3 Nhà hát Lớn Hà Nội, cao vòi vọi, xa tít tắp. Bèn gọi điện lại cho đồng nghiệp để phàn nàn. Chị nói: "Ông yên tâm, có mấy hàng đầu tiên ở tầng 1 là vé mời. Dân mình thà bỏ tiền triệu ra mua vé, chứ nhất định không chịu đi vé mời. Cho nên thể nào tầng 1 cũng còn nhiều chỗ trống, nhảy vào đó mà ngồi".

Nhưng sự tình lại không đúng như vậy. Tôi đến đúng lúc mở màn, tiến thẳng vào tầng 1. Nhưng than ôi, toàn bộ tầng 1 đã chật cứng người. Chuyện tương tự chỉ thấy trong các chương trình đỉnh như "Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam" hay cây độc tấu dương cầm trẻ Trung Quốc Liang Liang biểu diễn. Đành lên tầng 3 và cũng không được ngồi chính diện sân khấu.

Và đây, Linh Nga múa. Những màn đầu chưa thấy thuyết phục lắm, nhất là cái "Phật Bà nghìn mắt nghìn tay" của Trung Quốc. Các cô gái khiếm thính của Trung Quốc đã trình diễn cái này siêu quá rồi. Cả "Thập diện mai phục" cũng thế. Có thể Chương Tử Di (và các nghệ sĩ múa thế cho cô trong phim này) cũng chỉ giỏi cỡ Linh Nga là cùng, nhưng mà ngôn ngữ điện ảnh của Trương Nghệ Mưu đã làm cho họ trở nên khó quên. Thế nên điệu múa "Thập diện mai phục" tại Nhà hát Lớn Hà Nội đêm 17.1 lại là nơi phô diễn của hai nam vũ công Trung Quốc là Lục Đông và Lục Hiểu Minh, chứ không phải của Linh Nga.

Cô thực sự hiện ra với tư cách là vũ công đẳng cấp trong điệu múa "Ngắm mình dưới trăng". Trên nền một mặt trăng khổng lồ hiển thị trên phông hậu của sân khấu, Linh Nga đã bộc lộ một bản ngã và triết lý múa sâu sắc. Điệu múa đó không thể thực hiện hoàn hảo đến như vậy, nếu như người múa không có một thời gian dài khổ luyện, không chỉ đổ mồ hôi sôi nước mắt, mà còn nhấn chìm mình trong cái thế giới mà múa được coi là đạo.

Tôi đặc biệt thích phần hai của chương trình với những điệu múa dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian và dân vũ của Việt Nam. Linh Nga biến hóa tài tình trong "Đào Liễu", mạnh mẽ, phóng khoáng và gợi cảm trong "Cầu mưa". Mỗi tác phẩm đều được xử lý thành một vở kịch với cao trào đầy kịch tích, khiến Linh Nga không những bộc lộ được hết những kỹ thuật múa rất khó, mà còn chứng mình được mình là một nghệ sĩ diễn xuất thực thụ với gương mặt biểu cảm của một ngôi sao điện ảnh.

Toàn bộ chương trình được thực hiện trên nền nhạc hay. Duy chỉ có điều đáng tiếc là hai video clip "tư liệu" ở phần hai hơi dài.

Màn kết của Linh Nga cũng cho khán giả thấy một thứ văn hóa khác. Cũng là cảm ơn cha mẹ, người thân đấy, nhưng cái cách mà cô làm khiến cho người ta xúc động và tin rằng đó là những tình cảm chân thật, chứ không phải một sự trình diễn.

Tôi có may mắn đã được xem đôi ba chương trình độc diễn của những nghệ sĩ múa hàng đầu thế giới. Cuối chương trình họ ngập chìm trong hoa và tiếng vỗ tay không dứt của khán giả. Linh Nga cũng ngập chìm trong tiếng vỗ tay, nhưng cô lại mải miết đi tặng hoa cho những bạn đồng nghiệp đã đóng góp công sức làm nên live show đầu tiên của cô. Đó cũng là một nét đẹp văn hóa mà không phải nghệ sĩ (thậm chí nghệ sĩ lớn) cũng ý thức và làm được.

Sao nhỉ? Linh Nga, một cô gái trẻ 25 tuổi, xa cha mẹ từ năm 12 tuổi để học nghề đằng đẵng 10 năm ở xứ người. Nay cô trở lại và chứng minh cho mọi người thấy rằng hoàn toàn có thể đưa múa trở thành bộ môn nghệ thuật có thể thu hút khán giả chật khán phòng.

Với những gì hiện có, với tố chất và bản ngã nghệ sĩ cùng tài năng được khổ luyện, chắc chắn Linh Nga sẽ trở thành một trong những nghệ sĩ đương đại lớn của Việt Nam.

Ảnh: VNExpress

THAM KHẢO
"VŨ" - CÂU TRẢ LỜI CỦA LINH NGA (LAO ĐỘNG)

16/1/09

CHÚC MỪNG NĂM MỚI KỶ SỬU



Chúc mừng Năm mới.

Lời đầu tiên con muốn dành cho Mẹ.

Con chúc Mẹ mãi mãi là như thế. Như lần cuối cùng con nhìn thấy Mẹ trong buổi chiều đầu xuân đó.

Mẹ vẫn mãi như thế. Vẫn đẹp như 29 năm trước và chẳng chịu già đi.

Mẹ và con đã đón giao thừa cùng nhau như vậy đã cái Tết thứ 7 trong ngôi nhà mới. Và con mong sẽ còn được cùng Mẹ đón nhiều giao thừa như vậy.

Chúc cho tất cả chúng ta, tất cả mọi người một Năm mới có nhiều niềm vui, sức khoẻ, may mắn và hạnh phúc.

Hy vọng 2009 sẽ không quá khó khăn như chúng ta dự tính.

Chúc một thế giới an bình.

CON MUỐN TRỞ VỀ



Tốt nghiệp trung học, cha muốn con trai học lên đại học, nhưng con trai lại muốn đi làm, muốn tự kiếm tiền, muốn trải nghiệm, muốn thoát khỏi sự quản lý của ba má, muốn được trở thành người đàn ông độc lập.

Chàng trai nói với cha: "Con muốn dọn ra ngoài!".

Người cha vằn mắt: "Con đừng học tập theo tụi Mỹ. Dù thế nào thì con vẫn là người Việt, bởi vì ba má đều là người Việt và gia đình ta là gia đình Việt Nam".

Chàng trai gãi gáy: "Nhưng ba ơi, con không thể tiếp tục ăn bám ba má. Con đã lớn và con phải tự kiếm sống. Các bạn con đều ra khỏi nhà. Con không muốn bị họ chế diễu".

Người cha gầm gừ: "Con nhầm rồi. Một nửa trong số bạn của con đi học đại học. Chúng nó ra khỏi nhà để đến trường. Nếu con ra khỏi nhà bằng cách đó thì ba má rất vui lòng. Còn nếu con ra khỏi nhà theo cách của con thì con có thể đi mà không cần quay trở về ngôi nhà này!".

Chàng trai uất hận. Cậu chỉ xin phép dọn ra ở riêng, nhấc một gánh nặng ra khỏi vai ba má, chứ không hề muốn rời xa họ. Nhưng lời nói gay gắt của cha khác nào muối xát vào tim câụ. Cha đuổi cậu ra khỏi nhà. Tính tự ái trẻ con nổi lên, cậu hậm hực xách đồ đạc ra đi.

Cậu làm đủ nghề: bồi bàn, hái quả, cắt cỏ, đưa báo... Cậu tự hào vì có thể tự nuôi sống mình. Ra khỏi nhà, cậu thấy mình lớn hơn, vượt qua được những khó khăn mà nếu cứ ở nhà với ba má, cậu sẽ không bao giờ phải đối mặt.

Duy chỉ có điều cậu nhớ quay quắt mùi thức ăn mà má nấu. Nhớ giọng nói trầm ấm bông lơn của ba. Nhớ ánh mắt trìu mến tràn trề yêu thương của má mỗi khi cậu trở về nhà.

Giáng sinh đến gần, bạn bè của cậu đều rộn ràng tính chuyện trở về nhà. Riêng cậu lặng im. Cậu không biết phải làm gì. Chiếc điện thoại của cậu không nhận được cú gọi hay tin nhắn nào từ số điện thoại của ba má. Cậu check email liên tục, nhưng tấm thiệp mong đợi nhất vẫn không thấy.

Chỉ còn một ngày nữa là Giáng sinh. Bạn bè đều trở về nhà. Cậu còn lại trơ trọi một mình.

Không chịu nổi, cậu quay số điện thoại quen thuộc. Đầu dây đằng kia, giọng đàn ông trầm ấm vang lên. Cậu ngập ngừng. Cha hỏi: "Thưa, ai đầu dây đó ạ?"

Cậu thưa giọng run run: "Ba... là con gọi đây!"

Một vài giây im lặng. Rồi giọng cha cậu bình thản vang lên: "À, cuối cùng anh cũng nhớ gọi điện chúc mừng Giáng sinh tôi sao?"

Cậu nghẹn giọng: "Ba... con... con nhớ nhà quá à!"

Vẫn giọng nói đó vang lên lạnh lùng: "Sao? Đến giờ này anh mới nhớ nhà sao? Anh không nói là anh muốn về nhà đó chớ?"

Cậu im lặng, bắt đầu cảm thấy nuối tiếc vì đã gọi điện.

Giọng cha cậu đanh lại: "Tôi chưa nói chuyện với má anh, nên tôi không biết chúng tôi có sẵn sàng đón anh vào nhà hay không. Nhưng anh cứ về. Nếu thấy cái cây trước nhà buộc một cái khăn trắng thì hãy vào nhà. Còn nếu không thấy, thì coi như là chúng tôi chưa sẵn sàng!"

Nói xong, cha cậu buông máy.

Lời thách đó của cha thắp lại cho cậu niềm tin mong manh. Cậu hối hả vất đồ đạc lên chiếc xe cà tàng và lên đường trở về nhà ngay.

Cậu lái xe đến tận nửa đêm. Tuyết rơi và cậu buộc phải ghé vào một motel ngủ tạm để sáng sau tiếp tục hành trình.

Con đường đầy tuyết khiến cậu không thể chạy nhanh và mãi đến lúc chập tối cậu mới về đến nhà. Tuyết phủ trắng sân, mái nhà, cây cối. Cậu dừng xe ngoài đường, phóng tầm mắt qua tấm kính mờ và nhìn về phía nhà mình, hàng cây trước nhà cũng phủ đầy tuyết trắng.

Cậu mở cửa xe, ngập ngừng bước xuống đường. Cậu phân vân đưa mắt nhìn: Làm sao biết được có cái khăn trắng buộc ở vào thân cây trước cửa nhà hay không?

Cậu quyết định đi về phía cửa nhà. Tuyết lạo xạo dưới chân. Tim cậu đập mạnh.

Cậu đến sát gốc cây và ngẩng lên nhìn. Và, trời ơi, cậu không còn tin vào mắt mình: Những chiếc khăn mầu trắng buộc đầy trên những cành cây, nằm lẫn trong tuyết mà chỉ đứng dưới gốc cây người ta mới có thể nhìn thấy.

Chắc hẳn hôm qua, khi tuyết bắt đầu rơi, cha cậu đã phải buộc thêm nhiều khăn trắng để cậu có thể nhìn thấy được chúng.

Những dòng nước mắt nóng hổi tuôn trào làm tan đi những hoa tuyết đậu trên má cậu. Cậu đã trở về nhà.

(Dựa theo kịch của Quang Minh và Hồng Đào)

15/1/09

CHỮ TÍN CỦA MỘT CON CHÓ



Mấy năm trước, anh xây xong ngôi nhà mơ ước sau nhiều năm "cày bừa" vất vả.

Ngôi nhà ba tầng trên một khu đất khá rộng, nhưng lại ở giữa một cái làng trong thành phố, đường xá đi lại ngoắt nghéo. Dọn về được vài hôm, anh thấy một con chó lông vàng bên cổng nhà mình. Thấy anh về, nó ngoe nguẩy đuôi mừng rỡ như nhìn thấy chủ.

Anh ngỡ vợ anh hoặc con gái mua hoặc xin con chó ở đâu về, mở cửa cho nó vào nhà, lấy cơm cho nó ăn. Lát sau vợ anh đi làm, con gái anh đi học về, nhìn thấy con chó đều hỏi: "Anh (bố) ơi, con chó ở đâu ra mà xinh thế này?"

Anh ngẩn người, hoá ra đó là con chó lạc. Anh đi khắp ngõ hỏi xem có nhà ai bị mất chó không? Không một ai mất chó cả. Anh lại gọi cho mấy người bạn thân, anh chị em trong gia đình xem có ai đem chó đến tặng không? Tất cả đều nói không.

"Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu", các cụ nói thế. Anh giữ con chó lại. Đằng nào thì nhà anh cũng cần một chú chó giữ nhà.

Từ khi sang nhà mới (chẳng nhẽ lại nói từ khi có con chó), gia đình anh bắt đầu gặp may mắn. Đầu tiên là chị vợ ký được hợp đồng làm việc cho một công ty đa quốc gia ở nước ngoài. Hợp đồng ban đầu chỉ 3 năm, mỗi năm 2 lần về phép, nhưng do chị làm việc tốt nên được kéo dài thêm 2 năm nữa.

Anh ở nhà với con gái (tất nhiên có cả chú chó nữa). Con gái anh học cấp 3, không cần đến sự chăm sóc của bố mẹ nhiều lắm. Anh thì đã ở độ tuổi U50, nên sống xa vợ cũng không phải là điều gì khó khăn.

Khi chị được gia hạn hợp đồng, thì cũng là lúc con gái học xong phổ thông và đi du học ở nước mà vợ anh đang công tác. Đến lúc này, thì đúng là chỉ còn anh ở lại một mình trong căn nhà rộng thênh thang với con chó. Nó thực sự trở thành bạn anh. Mỗi tối, anh với nó ăn cơm cùng nhau (chủ ăn trên bàn, chó ăn dưới đất, đồ ăn đôi khi cũng giống nhau). Anh vừa ăn, vừa nói chuyện với nó.

Hết hạn hợp đồng, chị về nước. Thì cũng khi ấy, anh nhận được lời mời đi giảng dạy ở một trường đại học nước ngoài. Hợp đồng 3 năm. Chị nói: "Anh đã ở nhà cho em đi làm, nay chẳng nhẽ em lại giữ anh ở nhà thì ích kỷ quá. Thôi anh cứ đi đi, giờ có tiền rồi mình sẽ qua lại thăm nhau!"

Duy chỉ có điều là chị không chịu ở một mình trong ngôi nhà rộng nằm tận cùng trong ngõ sâu thế này. Chị mua một căn hộ tại chung cư cao cấp, dọn về đó ở cho có đông người xung quanh. Ngôi nhà của họ thông báo cho thuê, nhưng không có khách. Ngõ sâu quá, ôtô không vào được, công ty thuê làm văn phòng không thích hợp. Thuê để ở thì giá lại cao quá. Anh định cho người quen ở nhờ, nhưng chị ngăn lại vì e rằng sau này lại nảy sinh chuyện này chuyện khác.

Chị bảo anh yên tâm hàng ngày sẽ đảo qua nhà cho chó ăn. Đồ đạc quý giá trong nhà mang đi hết, chỉ để lại mấy thứ đồ gỗ.

Trước khi đi, anh ôm cổ con chó và nói: "Mày phải sống cho đến khi tao về đấy nhé". Con chó nhìn sâu vào mắt anh.

Trong ba năm đi công tác, năm nào anh cũng về, khi thì Tết, lúc thì hè. Con chó vẫn sống lầm lũi một mình trong ngôi nhà gần như bỏ hoang ấy. Mặc dù ngày nào nó cũng được vợ anh cho ăn đầy đủ, song anh biết là nó buồn.

Cuối năm 2008, anh về hẳn và đau lòng khi thấy con chó già và yếu quá. Nó mừng rỡ rụi đầu vào chân anh, mắt ầng ậng nước. Anh nói: "Tao về hẳn rồi, sẽ chăm mày cẩn thận, sẽ đưa mày đi bác sĩ khám bệnh. Chịu khó ít bữa nữa nhé".

Anh ở tạm căn hộ cùng vợ, chờ sửa sang lại ngôi nhà rồi hai vợ chồng mới dọn về nhà cũ.

10 ngày sau, toán thợ anh thuê sửa nhà đến. Họ ở tạm trong phòng khách.

Đêm đó, trở trời. Gió mùa đông bắc thổi về kéo theo một cơn mưa lạnh.

Sáng sau anh đến mang theo đồ ăn cho cả tốp thợ lẫn con chó. Nhưng anh không thấy nó ra cổng đón như mọi ngày.

Anh ngạc nhiên, xăm xăm bước tới ngôi nhà nhỏ bằng gỗ của nó trong góc vườn. Con chó nằm đó lặng thinh.

Nó đã chết.

Nó chết sau khi giữ lời hứa với anh.

Nó chết khi biết chắc chắn rằng chủ của nó sẽ quay trở lại ngôi nhà mà nó một mình canh giữ suốt ba năm ròng.

12/1/09

NƯỚC NGA KHÔNG BÌNH YÊN



(Trò chuyện qua chat với một người bạn Nga)

- Này cậu, lại thêm một sinh viên Việt Nam bị sát hại tại Nga, lần này là ở ngay thủ đô Moskva.

- Có, mình có nghe chuyện này qua TV. Một sinh viên người Cameroon cũng bị sát hại tối thứ Bảy vừa rồi. Trong một tháng qua ở khu vực Moskva đã xảy ra ít nhất 4 vụ giết người nước ngoài rồi, 2 nạn nhân kia từ các nước cộng hoà cũ của Liên Xô là Kazakhstan và Tadjikistan. Thú thực là mình thật xấu hổ khi phải nhắc đến chuyện này. Đã từ lâu nước Nga không còn là nơi an toàn cho người nước ngoài nữa, đặc biệt là người Châu Á và người Châu Phi.

- Chẳng nhẽ chính quyền không có biện pháp gì ư?

- Tại sao lại không? Cuối năm ngoái Thủ tướng Putin đã đề nghị gia tăng mức hình phạt đối với những kẻ lạm dụng tình dục trẻ em và những kẻ đầu trọc quá khích gây tội ác đối với người nước ngoài.

- Vẫn mới chỉ là đề nghị...

- Nhưng người đề nghị là Thủ tướng, và đó lại là nhân vật quyền lực nhất của nước Nga. Chắc từ đề nghị đến luật không còn lâu nữa.

- Và trong thời gian đó sẽ vẫn có những người bị sát hại...

- Không loại trừ chuyện đó. Mà có phải chỉ có người Việt, người Cameroon, người Kazakh, người Tadjik... bị sát hại thôi đâu? Nước Nga ngày nào chẳng có người Nga bị sát hại: doanh nhân, chính khách, nhà báo, dân thường... đủ cả. Họ là nạn nhân của các cuộc đấu đá giữa các băng đảng. Đã từ lâu rồi nước Nga không còn bình yên nữa.

- Nhưng chẳng nhẽ có thể sống mãi như thế?

- Biết làm sao được? Sau những thay đổi to lớn tận gốc rễ như thế! Nước Nga đã thay đổi. Chúng tôi phải học cách sống chung với tội phạm. Sao những người nước ngoài không chịu biết rằng những kẻ đầu trọc quá khích có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào và họ cần phải phòng vệ?

- Phòng vệ bằng cách nào?

- Thì đừng ra đường một mình vào lúc tối trời.

- Cậu sinh viên này bị đâm vào lúc hơn 6 giờ tối ở gần một trong những nhà ga nhộn nhịp nhất của Moskva!

- 6 giờ tối, mùa đông, tuyết nặng như vậy. Cậu ở Nga rồi chắc phải biết giờ đó vào mùa đông không khác gì nửa đêm vào mùa hè. Và tại sao cậu sinh viên ấy lại ra đường một mình vào giờ đó?

- Cậu buộc tội người xấu số đấy à?

- Mình không buộc tội mà chỉ đưa ra câu hỏi thế thôi. Nếu như đi một nhóm 3-5 người thì sẽ khác.

- Tại Saint-Peterburg mấy năm trước cả một nhóm sinh viên đi cùng nhau mà một người vẫn bị giết đấy.

- Nhưng đi một mình thì khả năng bị tấn công sẽ cao hơn. Và tốt nhất là không nên đi ra ngoài vào lúc tối trời. Nếu có việc bắt buộc phải đi, thì nên đi đông người, hoặc đi cùng một bạn người Nga. Mình nhớ lần trước cậu sang, mình luôn thu xếp thời gian để đi cùng cậu, đúng không?

- Đúng thế. Nhưng có phải lúc nào cũng nhờ được vài ba người hay một người Nga đi cùng đâu?

- Nếu thế thì hãy dùng điện thoại di động để giải quyết các vấn đề. Mình nghĩ là ở trong bối cảnh như vậy mọi người cũng sẽ thông cảm.

- Ôi nước Nga, còn đâu nước Nga yên bình và nhân hậu của ngày xưa?

- Đúng là không còn nước Nga của ngày xưa. Nhưng không phải tất cả nước Nga đều trở nên lang sói như thế. Chỉ một bộ phận rất nhỏ thôi. Nhưng rất tiếc, bộ phận nhỏ ấy lại chưa được chế ngự và đầu độc toàn bộ xã hội. Phải tự bảo vệ mình, tự cứu mình trước khi trời cứu. Đó là cách tốt nhất.

Ảnh: Một nhóm thanh niên đầu trọc của Nga.

10/1/09

VẺ ĐẸP NGA



"Trông tội ghê!" - đó là nhận xét đầu tiên của một đồng nghiệp ở Nha Trang, khi được hỏi về Hoa hậu Thế giới người Nga Ksenia Sukhinova vừa bay đến thành phố biển này để thực hiện các hoạt động từ thiện, dọn đường cho cuộc thi Hoa hậu Thế giới sẽ được tổ chức tại đây trong năm tới.

Sao mà tội? Thì đó, Hoa hậu Thế giới gì mà đi có một mình, không có phụ tá, chuyên gia trang điểm gì hết! Cả một đoàn toàn đàn ông, thêm một người phụ nữ nữa, thì lại là bà Julia Morley - sếp sòng của cuộc thi Miss World rồi. Nàng xuống máy bay, gió thổi mạnh làm mái tóc sổ tung ra, chỉ còn biết đưa tay vuốt lại tóc.

Ăn mặc thì thật giản dị. Những bộ váy áo của cô hình như không phải loại hàng hiệu cao cấp gì! Nhưng lạ là vẻ đẹp của cô cứ hiển hiện một cách thật thuyết phục. Sự chân thành toát ra từ nụ cười, sự nồng hậu toát ra từ ánh mắt. Mọi cử chỉ, động tác, lời nói của cô đều tự nhiên, không theo một bài bản khuôn mẫu nào. Hoàn toàn không có sự làm duyên làm dáng.

Cô Hoa hậu Hoàn vũ người Venezuela đăng quang ở Nha Trang năm ngoái cũng đẹp một cách thuyết phục. Nhưng rõ ràng cô là kết quả của một quá trình đào luyện và ai cũng phải thừa nhận là cô quá điêu luyện trong giao tiếp với công chúng và báo chí.

Còn Ksenia Sukhinova thì không thế. Đôi lúc, người ta thấy cô lúng túng. Thậm chí cô cũng không nói thạo tiếng Anh. Người đẹp đến từ Siberia xa tít và mênh mông giá lạnh...

Đơn giản thôi, vẻ đẹp Nga luôn là sự kết tinh vẻ đẹp của tự nhiên và tâm hồn.

Ảnh của VNExpress

THAM KHẢO:
1. Xuyên Việt làm từ thiện - LAO ĐỘNG
2. Hoa hậu Thế giới 2008 thăm trẻ em khuyết tật Nha Trang - THANH NIÊN
3. Hoa hậu Thế giới rạng rỡ trong nắng Nha Trang - VNEXPRESS

7/1/09

NHỮNG NGÔI BIỆT THỰ CỔ HÀ NỘI


Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1988, nơi đầu tiên tôi đến làm là Nhà Xuất bản Ngoại văn Hà Nội (nay là Nhà Xuất bản Thế giới) ở số 46 Trần Hưng Đạo. Đó là ngôi biệt thự xây từ thời Pháp có kiến trúc rất đẹp.

Nghe nói, chủ ngôi biệt thự là một sĩ quan hải quân người Pháp. Ông yêu sóng nước biển cả, nên cho thiết kế ngôi nhà 3 tầng của mình theo hình dáng một con tàu, với những cửa số hình tròn, cầu thang ngoài trời uốn lượn từ tầng 1 lên tầng 2. Sảnh trên tầng 2 nơi cầu thang dẫn lên có một khoảng rộng được bao bằng lan can, trông như boong tàu.

Khi đó mới đổi mới được ít lâu, tiền của chưa có nhiều nên ngôi biệt thự hầu như chưa được sửa chữa gì. Lớp ván sàn và cầu thang đã bạc phếch, những bức tường quét ve màu vàng phủ bụi. Một phòng tắm được cải tạo; bồn tắm vòi nước bị khuân đi đâu hết và trở thành chỗ làm việc của bà y tá kiêm thủ quỹ của cơ quan. Một phòng vệ sinh thì cũng bị dọn sạch thiết bị vệ sinh và trở thành nơi kê mấy cái máy tính.

Bàn làm việc của tôi kê ngay cạnh cửa sổ, gần hai chị biên tập viên tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hoa. Cả hai chị đều hay chuyện, lơi ra một chút là buôn chuyện líu lô. Thời đó máy lạnh chưa phổ biến như bây giờ, nhưng dù nhiệt độ cao bao nhiêu, vào ngôi nhà này cũng trở nên mát rượi.

Thỉnh thoảng khi làm việc, tôi lại phóng tầm mắt qua ô cửa sổ tròn để ngắm nhìn sóng lá xanh ào ạt từ hàng cây trên hè phố và trong khuôn viên biệt thự, lòng nhủ thầm: Sao mình may mắn thế nhỉ, được làm việc trong một ngôi nhà đẹp như thế này?

Cùng làm ở NXB với tôi khi đó có chị H., nhân viên đánh máy. Cha chị nguyên là tư sản dưới thời Pháp thuộc, nên gia đình chị có một ngôi biệt thự to đùng trên đường Điện Biên Phủ. May bố mẹ chị có nhiều con, nên cả gia đình sống trong ngôi biệt thự ấy, không phải chia sẻ với ai. Con trai, con gái, con dâu, con rể đều sống ở đó, mỗi cặp vợ chồng được chia một căn phòng rộng khoảng 20 mét vuông.

Đôi ba lần chúng tôi đến nhà chị H. chơi, được chị dẫn đi thăm ngôi nhà. Nó đã xuống cấp lắm rồi, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp. Tuy nhiên, những nhà tắm, toilet, bếp, hành lang rộng đều bị "xử lý" làm mất đi tính hợp lý về không gian mà kiến trúc sư đã thiết kế.

Vợ chồng chị H. ở tầng 1, trông ra cái vườn hoa nhỏ mà bao nhiêu năm đã biến thàng vườn rau. Anh chị đặt cái bếp dầu ở ngay vỉa hè, cứ nấu nướng xong xuôi là lại để cho nguội và cất vào gầm giường cho đỡ tốn diện tích. Chị H. khoe, tất cả anh chị em nhà chị đều sinh trong ngôi nhà này. Nên họ cũng sẽ chết trong ngôi nhà này.

Tôi chỉ làm ở 46 Trần Hưng Đạo có 10 tháng, nhưng cũng đủ để yêu ngôi nhà đó. Vẫn nhớ những ô cửa sổ hình tròn, những chiếc lò sưởi đồ sộ nhưng không bao giờ được thắp lên, những cầu thang uốn lượn với lớp ván sàn bạc màu kêu cót két dưới mỗi bước chân.

Mấy năm sau tôi gặp lại chị H., đẫy đà hơn so với trước. Chị mời đến chơi nhà mới, tôi hỏi: "Chị không sống ở biệt thự trên phố Điện Biên Phủ nữa à?". Chị nói không, sau khi bố mẹ chị mất, các anh chị em đã quyết định bán ngôi biệt thự ấy cho một tập đoàn đa quốc gia làm trụ sở công ty. Số tiền bán nhà (nghe nói lên cả triệu đô) được chia đều cho mọi người và tất cả đều hả hê dọn đến nhà mới.

Ngôi biệt thự ấy được công ty đa quốc gia kia sửa sang. Họ phá hết những thứ lặt vặt cơi nới mà nhà chị H. làm ra, rồi biến nó thành một trong những tòa nhà đẹp nhất trên đường phố này. Mỗi lần đi trên đường Điện Biên Phủ, tôi lại liếc mắt nhìn ngôi nhà ấy, lòng thấy tiêng tiếc là chị H. đã không được ở đó đến cuối đời như chị đã từng mong muốn. Không hiểu chị có cái cảm giác ấy không?

Nhưng nếu nhà chị H. không bán lại ngôi biệt thự, cứ để cho nó xập xệ xuống cấp, thì đường Điện Biên Phủ hẳn không sạch sẽ, đẹp đẽ như bây giờ.

Hà Nội đẹp, một phần vì những ngôi biệt thự kiến trúc kiểu thuộc địa này. Chúng được xếp vào loại "biệt thự cổ". Chẳng phải nước nào cũng có được di sản quý giá ấy. Singapore có khu Raffles Institution, chẳng thể so sánh được với những biệt thự cổ ở Hà Nội, nhưng được bảo tồn, trùng tư và quảng bá lên tận mây xanh để thu hút du khách.

Cách đây khoảng 1 tháng, HĐND Hà Nội đã quyết định chỉ giữ lại 173 ngôi biệt thự trong tổng số gần 1000 biệt thự cổ ở Hà Nội. 800 ngôi còn lại sẽ được đem bán. Giới kiến trúc, sử học và những người yêu Hà Nội đều lo ngại rằng quyết định này có thể sẽ làm biến mất một di sản kiến trúc mà không phải thành phố Châu Á nào cũng có được.

Tôi thì lại nghĩ khác. Nếu cứ để chúng xuống cấp như hiện nay thì còn phí hơn. Chắc là số đông những người dám bỏ tiền ra mua loại biệt thự này hẳn biết được giá trị của nó. Họ sẽ đầu tư, trùng tu nâng cấp để làm cho nó đẹp hơn. Và như vậy, di sản sẽ được bảo quản tốt hơn, chứ không ở trong tình trạng "cha chung không ai khóc".

Đừng tiếc vì không được chết trong những ngôi nhà ấy giống như gia đình chị H. Cuộc sống vẫn quan trọng hơn.



TIẾNG NAM



Năm tôi lên 9 tuổi, thì miền Nam được giải phóng. Thời đó, tất cả miền Bắc đều ngóng về miền Nam, nơi mà những người cha, người chồng, người anh, người em sẽ trở về.

Trẻ con miền Bắc chắc ai cũng biết bài hát "Miền Nam em dừa nhiều/Miền Nam em dứa nhiều/Miền Nam em dừa thơm/Miền Nam em khoai bùi"...

Tiếng Nam qua giọng đọc của phát thanh viên Việt Khoa trên làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam thân thương lắm.

Sau năm 1975, mọi thứ từ miền Nam ùa ra miền Bắc. Thật ngỡ ngàng mà cũng thật thân thiết. Người Bắc hình như tiếp cận với mọi thứ của miền Nam nhanh hơn, hồ hởi hơn. Cải lương miền Nam được bà con miền Bắc đón nhận nhiệt liệt.

Có thời phim ảnh của Xí nghiệp Phim Tổng hợp TP Hồ Chí Minh được cả nước đón xem. Những ngôi sao điện ảnh thời bấy giờ như Hương Xuân, Thùy Liên, Thúy An, Lý Huỳnh, Chánh Tín, Thẩm Thúy Hằng, Thương Tín, Trần Quang, Bích Liên, Phạm Anh... nổi tiếng như cồn.

Giọng nói ngọt ngào của người Nam Bộ qua các vở cải lương và các bộ phim đi vào lòng khán giả cả nước. Tôi vẫn nhớ thời đó các anh thanh niên mơ có người yêu nói giọng ngọt ngào như Thùy Liên và Thúy An trong phim "Mùa gió chướng".

Người Bắc mê tiếng Nam đến nỗi có thời bất cứ phim nào sản xuất ở Hà Nội đều phải lồng tiếng Nam mới có người xem. Các ca sĩ Hà Nội cũng học cách phát âm bằng tiếng Nam cho sành điệu.

Người Bắc đi vào Nam làm ăn nhiều, mỗi lần về thăm quê lại mang theo những từ mới và cả ngữ điệu theo cách nói của người miền Nam. Thế nên, tiếng miền Nam ngày một lan tỏa trong đời sống thường nhật của người dân Bắc. Và quả thực, có những từ mà người Nam dùng khó mà thay thế được bằng từ tương đương của người Bắc.

NHẬU là một từ mà bây giờ người Bắc dùng nhiều và khó kiếm được từ nào phù hợp hơn để thay thế.

HUỴCH TOẸT cũng hơn từ "nói thẳng" của miền Bắc. "Huỵch toẹt" tượng thanh hơn, cho thấy hành động rất mạnh, rất rõ ràng mà từ tương đương trong tiếng Bắc không thể có được.

Còn gì mô tả chính xác hơn một người ốm không ra ốm, khỏe không ra khỏe, lờ và lờ vờ, chẳng chịu làm gì, lượn lờ như một cái bóng, bằng cụm từ 'XÌU XÌU ỂNH ỂNH"?

CÀ CHỚN, nghe vui tai và dễ thương hơn so với từ "láo", "mất dạy"!

Và còn rất nhiều ví dụ khác.

Tiếng miền Nam nghe thật dễ thương phải không?

Ảnh chỉ có tính chất minh họa.

free hit counters

5/1/09

TẾT Ở NHÀ HAY ĐI CHƠI?



Tôi biết một cô gái, cứ ông Công ông Táo xong là cô tạm biệt bố mẹ xách vali lên đường đi chơi. Mùng 4 mùng 5, nhà hóa vàng xong xuôi thì cô mới về. Mấy bà mấy chị ở cơ quan nói, con gái như thế là không được, Tết đi chơi quen chân, sau về làm dâu nhà người ta, không biết làm mâm cơm cúng Giao thừa, người ta chửi cho.

Nhưng sự đời cũng không bi kịch như họ tiên đoán. Cô kết hôn cùng một chàng nước ngoài. Nhà chồng chẳng có khái niệm gì về cúng Giao thừa với hóa vàng hết. Mẹ chồng cô thì khen tất cả các món mà cô nấu, mặc dù cô nấu chẳng xuất sắc gì, vì bà có biết các món Việt Nam phải ngon như thế nào đâu.

Anh bạn tôi có cô bạn gái. Tết cô không về nhà với gia đình mà ở lại Hà Nội. Họ chia tay nhau ngay sau đó, vì đối với anh thì việc con gái không về quê ăn Tết cùng bố mẹ là không thể chấp nhận được. Cô gái ấy có cá tính khá hay, nhưng tôi thấy anh cũng có lý.

Bà chị họ tôi rất phiền muộn chuyện Tết nhất. Osin về quê, một mình chị phải nấu mấy bữa cỗ, Tất niên, Giao thừa, mùng 1, mùng 2, hóa vàng mùng 3. Tết mà suốt ngày nấu ăn, rửa bát đứng đau cả chân, sụn cả lưng, không có lúc nào diện quần áo đẹp đi ra đường. Chị chỉ muốn mau mau chóng chóng hết Tết để thoát khỏi cảnh bận tối mắt tối mũi.

Trưa nay, ngồi ăn cơm với 2 người thành đạt. Chị hỏi, Tết này tôi đi đâu.?Tôi nói, chưa có kế hoạch cụ thể. Muốn đi tour sang Israel và Ai Cập mà Israel vừa chiến sự, không biết có đi được không.

Anh bảo, Tết là phải ở nhà, không đi đâu hết.

Chị bảo, nhà chị cứ mùng Hai là cả nhà lên xe đi đến mùng 5 - 6 mới về. Ở nhà chán chết. Quanh đi quẩn lại ăn ăn uống uống. Dễ béo chứ được cái gì!

Anh nói, nhà chị thế là thoáng đấy. Nhà anh mọi người đều thích ở nhà. Mấy khi tất cả ở nhà cùng nhau. Chăm sóc nhau một tí. Cả năm mới có một dịp.

Chị nói, chị đi cũng là đi cả nhà. Cả nhà vẫn có dịp chăm sóc nhau.

Tôi thì không thích ở nhà lắm. Nhưng đi thì cũng không hẳn là hay.

Có năm mùng Hai Tết mò đi Sài Gòn. Xuống đến sân bay, nóng táp vào mặt, hối hận muốn đáp máy bay quay ngược trở lại. Đối với tôi thì Tết không đồng nghĩa với nóng.

Có năm đến một chỗ thấy đầy nhóc người là người. Mọi thứ nhộn nhạo, dịch vụ chặt chém.

Có năm lại đến một chỗ vắng hoe. Tìm một chỗ ăn cơm cũng khó.

Túm lại, Tết ở nhà hay đi chơi?

Free blog counter

4/1/09

ĐI QUA NĂM GIAN KHÓ



Cuối năm 1990, báo chí thời đó đưa tin: Liên Xô sẽ cắt hoàn toàn viện trợ cho Việt Nam kể từ năm 1991. Thông tin này khiến nhiều người lo lắng. Việt Nam khi đó đã tiến hành đổi mới được 5 năm, kinh tế thị trường đã cho những trái ngọt đầu tiên, xã hội đã bắt đầu khởi sắc.

Nhưng trong khoảng thời gian 5 năm đó vẫn có sự chống lưng của Liên Xô: máy móc, xăng dầu của Liên Xô vẫn được đưa tới Việt Nam. Công cuộc cải tổ của Liên Xô lúc đó đã báo hiệu những bất ổn, kinh tế của "người anh cả" không còn được huy hoàng như cũ. Và ông anh quyết định rằng đã đến lúc các "em" phải đi bằng đôi chân của chính mình.

Tôi nhớ tối 30 Tết năm đó, cùng một hội bạn đi dạo quanh Hà Nội. Đêm 30 không lạnh lắm và thời bấy giờ Hà Nội còn khá hoang vắng. Đi qua Nhà hát Lớn, thấy một tấm phướn lớn trải dài từ trên xuống dưới với khẩu hiệu mà tôi không nhớ rõ, đại loại như "Sẵn sàng vượt qua thử thách trong năm 1991".

Một người bạn nói với tôi: "Thế là sang năm bị dứt khỏi bầu vú mẹ rồi đây? Không biết có sống được không?". Một người khác nói: "Không được bú mẹ thì nuôi bộ, trẻ con vẫn sống đầy ra đấy".
Đám thanh niên mới ngoài 20 một chút cười vang đầy vô tư.

Nhưng 1991 quả là một năm thật gian khó. Đó cũng chính là năm diễn ra cuộc chính biến tại Mátxcơva với cuộc đảo chính Gorbachev bất thành. Liên Xô lúc đó đã rệu rã lắm rồi. Cuối tháng 8 năm đó, tôi tình cờ có mặt ở Mátxcơva, chỉ vài ngày sau cuộc chính biến và còn thấy ngổn ngang chiến lũy ở khu vực Quảng trường 1905 và trước cửa Nhà Trắng - trụ sở của Chính phủ Nga.

Người Nga lo âu, nhưng ẩn bên trong lớp vỏ lo âu đó lại là tinh thần phấn chấn và lạc quan. Sasha - một người bạn thân của tôi nói: "Nước Nga có truyền thống sẵn sàng đập hết những gì mà họ không thích để xây lại cái mới hơn".

Cuối năm đó các nước cộng hoà trong Liên Xô lần lượt tuyên bố độc lập...

Người Việt Nam vẫn nói: "Trong cái khó ló cái khôn". Liên Xô cắt hoàn toàn viện trợ có thể coi như một cú hích khiến Việt Nam đoạn tuyệt hoàn toàn với nền kinh tế bao cấp và chuyển hẳn sang kinh tế thị trường.

Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành từ năm 1988, nhưng đến 1991 mới thực sự đem lại những thành quả của đổi mới. Riêng năm 1991, Việt Nam thu hút được 1,2 tỉ USD đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI). Giai đoạn 1991-1996 được coi là 5 năm bùng nổ đầu tư của Việt Nam. Năm 1995, VN thu hút FDI được 6,6 tỉ USD, gấp 5 lần so với năm 1991.

Kể từ 1991 chính sách tìm bạn mới bắt đầu được đẩy mạnh. Thời đó các hoạt động ngoại giao được bố trí dày đặc, đại đa số các cuộc gặp là với các đối tác ASEAN, Đông Bắc Á, Mỹ... Tôi còn nhớ có ngày có tới 3 cuộc gặp cấp cao ở cấp nhà nước, chính phủ và quốc hội.

1991 thực sự trở thành năm bản lề đối với Việt Nam.

18 năm đã trôi qua. Những chàng trai, cô gái sinh vào cái năm bản lề ấy nay đã trưởng thành. Vào ngày cuối năm 2008 ta lại nghe rộ lên dự đoán: Năm 2009 sẽ còn khó khăn hơn.

Chắc chắn sẽ có khó khăn. Nhưng tôi trộm nghĩ rằng đối với những người đã trải qua thời bao cấp, thì gì có thể khó khăn hơn năm 1991, cũng như chẳng thể khó khăn hơn những năm tháng trước đó.

Thách thức bao giờ cũng đi kèm với cơ hội. Đi hết một năm gian khó, thì sẽ thấy trời quang thôi.
Free web counter

2/1/09

HÃI HÙNG NGƯỜI HÀ NỘI



Sống 1/4 thế kỷ ở Hà Nội, tôi tự cho mình được gọi mình là người Hà Nội.

Và hôm nay, tôi thấy hãi hùng về tinh thần "vùi hoa dập liễu" của người Hà Nội.

Hồi đầu năm 2008, các bạn Nhật tốn bao công sức đưa hoa anh đào từ Nhật Bản sang trưng trong lễ hội Sakura tại Triển lãm Giảng Võ Hà Nội. Cây hoa đứng được một lúc cho mọi người trầm trồ, chụp ảnh, thế rồi bỗng nhiên xuất hiện một dòng người chen lấn xô đẩy ầm ầm nhảy vào vặt trụi cây hoa trong nháy mắt.

Ban tổ chức hết tím mặt vì tức tối, chuyển sang đỏ mặt vì xấu hổ.

Người Hà Nội đấy, biểu trưng của Tràng An thanh lịch đấy. Thế mà có hành động không đẹp chút nào.

Khi đó, blog đã ào lên làn sóng phản đối. Có người viết chua xót: "Xin lỗi, Sakura".

Những tưởng chuyện ấy chỉ diễn ra một lần. Nhưng không! Nó lặp lại vào tết Dương lịch 2009.

Thủ đô mời các nghệ nhân hoa làm một đường phố hoa ở Bờ Hồ Hoàn kiếm. Các nghệ nhân tích cực hưởng ứng. Họ tự bỏ tiền mua hoa và các nguyên liệu phụ trợ, bỏ công để làm nên một đường phố vô cùng lộng lẫy, mà bất cứ ai trông thấy cũng phải trầm trồ.

Nhưng ngay sau lễ khai trương đêm 31.12, phố hoa đã bị người dân Hà Nội, phá cho tơi bời. Nhiều chậu hoa, cây cảnh là tài sản của các nghệ nhân cũng bị những người bình thường thản nhiên mang đi . Đó thực sự là hành động ăn cướp trắng trợn.

Không thể hiểu nổi, tại sao người ta có thể hành động một cách vô văn hoá như thế?

Những con đường đẹp như Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt... có thảm cỏ ở giữa hai làn đường, mà nhân viên Cty Công viên Cây xanh phải tốn bao công sức, mồ hôi mới tạo dựng lên được. Nhưng sinh viên các trường ở khu vực này (toàn sinh viên trường đỉnh) như Luật, Ngoại giao, Ngoại thương, Trường cán bộ đoàn, Trường Cao đẳng Mẫu giáo Trung ương... cứ thiên nhiên lấy đó làm nơi vui chơi.

Nếu ai có dịp đi qua những con đường này vào những đêm trăng sáng, thời tiết đẹp (đặc biệt là đêm Trung thu), thì mới thấy hết cảnh các sinh viên của chúng ta hành hạ và xả rác ra cái thảm cỏ tuyệt đẹp đó như thế nào.

Nhưng tuyệt nhiên không một ai nhắc nhở họ rằng đó là hành động vô văn hoá. Chỉ thương các chị lao công lại phải cặm cụi nhặt từng cọng rác mà con người vô ý xả ra.

Hồi bé, đi học mẫu giáo tôi được dạy một bài hát thế này: "Ra vườn hoa em chơi/Dưới ánh nắng vườn hoa tươi đẹp/ Em muốn hái một bông hoa hồng/Nhưng cô dặn em đừng hái/ Bông hoa này là của chung/ Nghe lời cô em ngoan/ Em không hái một bông hoa nào/ Hoa sắc thắm nhìn em hoa cười/Em vâng lời cô dặn bảo/ Bông hoa này là của chung".

Hình như, bài này bây giờ không còn được dạy cho lũ trẻ nữa?

Mà chẳng cứ lũ trẻ, người lớn cũng phải học lại bài này. Nếu không, người Hà Nội sẽ được mang danh là cộng đồng có tinh thần "vùi liễu dập hoa" nhất thế giới!

Ảnh của báo Tiền Phong

THAM KHẢO
Buồn giữa phố hoa - Lao Động
Đêm trắng ở phố hoa: Ngắm, vặt, bẻ - Tiền Phong
Lễ hội phố hoa - Sao có thể như thế? - Tuổi trẻ

Free website counter

1/1/09

10 HY VỌNG 2009



Nghe thiên hạ dự đoán năm 2009 còn khó khăn hơn năm ngoái do khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ cho thấy những tác động sâu của nó.

Đành vậy. Nhưng có ai cấm chúng ta hy vọng nhỉ?

Nào hãy cùng hy vọng nhé:

1. Kinh tế mau chóng hồi phục, lạm phát in ít thôi để giá cả không tăng phi mã như năm vừa rồi.

2. Trẻ em không bị bạo hành, được chăm sóc đầy đủ hơn, học ít hơn, chơi nhiều hơn.

3. Mùa đông không lạnh giá như mùa đông 2008.

4. Hà Nội, TPHCM sớm thoát khỏi cảnh kẹt xe; hệ thống thoát nước hoạt động tốt hơn.

5. Ít người thất nghiệp.

6. Đội tuyển bóng đá VN thành công vòng loại Cup Châu Á.

7. Một em gái VN nào đó làm nên chuyện trên trường đua sắc đẹp thế giới.

8. Thế giới yên hàn hơn, không có khủng bố, ít thiên tai và những tai nạn thảm khốc.

9. Sức khoẻ cho bản thân, gia đình và những người thân.

10. Hy vọng là sẽ vẫn còn hy vọng.

Blog counters
 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết