30/9/07

ĐÔI MẮT



Tấm ảnh này tôi xin từ blog của chị Kim Hạnh.

Một công nhân sống sót trong thảm hoạ sập cầu Cần Thơ
như không tin vào những gì đã xảy ra sau khi thoát khỏi tay tử thần.

Đôi mắt quá biểu cảm và chứa chất nhiều nỗi niềm.

Bạn hãy chú thích tấm ảnh này
theo cảm nhận của riêng bạn trong phần comment nhé.


Cảm ơn bạn.

Tấm ảnh trên là của tác giả: Duc_sniper

29/9/07

CẦU CẦN THƠ VÀ CÁI GIÁ CỦA ODA



Tác giả: SHREK

Không muốn nói nhưng cuối cùng không thể im tiếng về một nỗi đau khó nói thành lời.

Cầu Cần Thơ sập. Phần sập là do các công ty xây dựng VN thi công.

Các công ty xây dựng VN hay làm ẩu, ăn bớt thì đã rõ. Nhưng hãy nhìn thật sâu, thật xa xem nguyên do từ đâu?

Gác ra ngoài những nguyên nhân khác mà báo chí và các blogger đã phân tích, có một nguyên nhân rất sâu xa, đó là vấn đề giá, chi phí. Điều tra chưa rõ nguyên nhân, song hãy nhìn các nạn nhân: họ đều có gương mặt nông dân, quần áo đủ kiểu, xốc xếch, mũ bảo hiểm không có... có nghĩa là vô cùng không chuyên nghiệp.

Có thể thậm chí tuần trước họ còn đang lội đồng, tuần này đã thành "công nhân xây dựng"

Họ đến công trường mà thiếu kỹ năng, thiếu cả những bộ quần áo và chiếc mũ bảo hộ.

Thói quen bán thầu qua vô số lần là căn bệnh trầm kha của ngành xây dựng nước Việt mình.

Nhưng lạ thay là những người trúng thầu thi công cầu hầu như đều là các nhà thầu từ Nhật đến. Tuổi trẻ đưa tin: "Theo lãnh đạo một đơn vị của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông (XDCTGT) 6 thuộc liên danh đang thi công gói thầu số 1 dự án cầu Cần Thơ, gói thầu xây dựng nhịp trụ neo chính bị sụp đổ đã được liên danh nhà thầu thi công Taisei, Kajima và Nippon Steel thuê nhà thầu phụ VSL (Pháp) thi công."

Thế đấy, vốn ODA Nhật thì nhà thầu Nhật trúng! Dĩ nhiên họ không có máy móc, nhân công... Họ sẽ thuê! Thuê qua thuê lại nhiều lần và chuyện sập này có lẽ là dễ hiểu!

Trước đó, nếu để ý, người ta sẽ thấy cứ công trình nào dùng vốn ODA của nước nào thì công ty nước đó trúng thầu. Ngay đường 5 có rất nhiều đoạn, đoạn nào vốn Đài Loan thì công ty Đài trúng thầu, đoạn nào vốn Nhật thì công ty Nhật trúng thầu.Kỳ diệu thay! Vậy tính khách quan của cái gọi là "đấu thầu quốc tế" nằm ở đâu nhỉ? Có thật đấu thầu hay là một sự "trả giá" tầm cỡ?

Hơn nữa, nhà thầu Taisei vốn đã có tiền án ở VN khi thi công đường 5 (mặt đường hỏng chỉ độ vài tháng sau khi nghiệm thu!) lại vẫn ngang nhiên trúng thầu nhiều công trình quan trọng khác. Kinh hoàng!

Đồng tiền ODA thường là đồng tiền vay. Vay thì phải trả. Nhưng đau xót hơn là khi tiền chưa đến tay có khi đã phải trả giá ngay vì gói thầu rơi vào tay các "nhà thầu" thiếu đủ mọi thứ, kể cả lương tâm và tư cách. Rồi trả giá tiếp, liên tục cho đến khi công trình hoàn thành.

Và đời con đời cháu chúng ta sẽ tiếp tục còng lưng làm để trả những phần còn lại. Có mấy ai cho không ai cái gì đâu?

Không biết những sự đau xót này còn tiếp diễn bao lâu nữa đây?

http://blog.360.yahoo.com/blog-57nBVXglc6_rymCTEDMZWJh0

28/9/07

VẺ ĐẸP NHÂN CÁCH CỦA HOA HẬU



Trưa hôm qua (27/9) , Hoa hậu Mai Phương Thuý đã đến Quân y viện 121 thăm hỏi những công nhân bị thương trong vụ sập cầu Cần Thơ đang được điều trị ở đây.

Cô không có nghĩa vụ phải đến chỗ đó, nhưng cô đã đến.

Thậm chí, cô còn đến sớm hơn cả một vài vị quan chức lẽ ra phải đến đó từ trước.

Thực sự, chẳng điều gì có thể bắt một cô gái còn quá trẻ đi đến bệnh viện thăm những người bị thương trầm trọng như vậy, nếu như không phải là thôi thúc từ trong chính con người cô.

Tôi biết có những phóng viên không dám vào phòng bệnh thực hiện bổn phận nghề nghiệp của mình, vì sợ cảnh máu me, sợ phải nhìn thấy những gương mặt và thân thể bị biến dạng của các nạn nhân.

Sự xuất hiện của cô đã khiến nhiều người bất ngờ, và nói như lời một thầy thuốc đang làm việc tại đây thì cô đã khiến họ phấn chấn hơn sau một ngày quá mệt mỏi vì phải cứu chữa cho quá nhiều nạn nhân.

Không có một Hoa hậu nào trong lịch sử 20 năm thi hoa hậu ở VN chăm chỉ và chịu khó làm việc thiện như cô.

Cách đây ít lâu, khi nghe nói cô tự bỏ tiền túi mua nhiều vật phẩm, rồi tự mình đi lên những địa phương hẻo lánh ở Tây Nguyên tặng quà cho các em bé người dân tộc, đã không ít người tỏ vẻ hoài nghi về cử chỉ của cô. Thậm chí có người độc miệng cho rằng cô đang làm PR, tự đánh bóng bản thân.

Ừ, thì cứ cho là cô làm PR đi, nhưng sự xuất hiện của cô thật đúng lúc và cần thiết.

Còn rất nhiều người cũng cần phải tự đánh bóng bản thân, nhưng đúng vào những lúc nước sôi lửa bỏng thì lại chẳng thấy đâu.

Tôi thấy ở Mai Phương Thuý một vẻ đẹp nhân cách.

Free hit counters

KHÔNG CÒN NƯỚC MẮT



Vui hạnh phúc bên người chồng vỏn vẹn 19 ngày, cô dâu trẻ giờ trở thành góa phụ ở tuổi 21

TRƯỜNG NHÂN, PV BÁO LAO ĐỘNG TẠI CẦN THƠ

Sáng 27.9 mình đã tới xóm Chùa Bồ Đề, cái xóm nằm ngay cạnh chân cầu Cần Thơ, cũng là cái xóm có nhiều người tử nạn nhất trong cái ngày định mệnh 26.9. Cái xóm mà ngày 26.9 năm sau sẽ có hàng mấy chục gia đình cùng tổ chức đám giỗ đầu tiên cho những người thân của họ đã rủ nhau ra đi ngày hôm qua, ngày hôm nay và không biết còn những ngày sau nữa hay không?


Ngôi nhà đầu tiên mình ghé thăm đang tổ chức tang lễ cho anh con trai út mới 23 tuổi. Trước linh cữu là tấm ảnh của một thanh niên còn rất trẻ với gương mặt hiền lành. Người cha già ngồi đó, không vui, không buồn mà cũng không khóc. Cô vợ trẻ, rất trẻ, đầu chít khăn tang, ngôi bất động và cũng không vui, không buồn, không khóc. Người mẹ ngồi bên, cố che chở cô con dâu bé nhỏ. Cũng không vui, không buồn, không khóc. Mẹ chồng, nàng dâu nương tựa vào nhau...

Đúng là "ngày vui ngắn chẳng tày gang", ông trời quả thật biết trêu ngươi. Đôi vợ chồng trẻ mới cưới nhau vỏn vẹn đúng 19 ngày, cô dâu mới, có lẽ, vẫn còn chưa kịp thạo việc gia đình bên chồng, giờ đã trở thành góa phụ ở tuổi 21, đúng vào lúc hạnh phúc nhất trong cuộc đời người con gái...

Với anh, ngày 26.9 đúng là một ngày định mệnh. Anh vốn làm việc ở bộ phận khác của công trình từ hơn 1 năm nay. Nhưng, trong cái buổi sáng định mệnh đó, vì không đủ người làm tại cái vị trí oan nghiệt kia, anh vừa được điều động để tăng cường. Vừa vào vị trí chỉ chừng 10 phút thì...

Tre già phải khóc măng non. Cuộc sống luôn có những oái oăm như vậy. Người cha già vẫn ngồi đó. Bất động. Có lẽ, ông không còn khóc được nữa. Người con trai nằm trong quan tài kia, người con rể đã được chuyển về BV Chợ Rẫy, hiện vẫn còn trong cơn nguy kịch, và một người cháu hiện vẫn còn trong cái đống đổ nát, vẫn chưa 1 chút tin tức...

Trong lúc tột cùng đau khổ, bỗng dưng mình chợt rùng mình khi nghe ông nói: "Hôm qua vậy là may lắm rồi!". May? Phải, cái "may" của ông là nếu cái đoạn cầu oan nghiệt kia nó sập trễ hơn chừng nửa tiếng nữa thôi thì số người bị nạn không phải là những con số như mấy ngày nay, mà không chừng, nó sẽ còn gấp đôi, gấp 3. Vì vào giờ cao điểm, ở cái đoạn ấy thường có đến gần 400 người làm việc, chứ không chỉ ngoài 200 như cái buổi sáng tang thương...

Quả thật mình bắt đầu có cảm giác sợ trước cái gọi là "may" từ người thân của những người xấu số. Cái "may" của họ là số người thoát nạn nhiều hơn, dù không phải người thân của mình. Cái "may" của họ là nhà kia có người thân bị nạn nhưng đã qua được cơn thập tử nhất sinh. Thậm chí, cái "may" của họ còn là đã tìm được xác người thân của mình để thà đau 1 lần nhưng còn được nhìn mặt lần cuối, hơn là cứ ngồi chờ vô vọng từ cái đống đổ nát, hoang tàn...

Từ sáng đến trưa trời vẫn mưa tầm tả. Phải xắn quần, xách dép lội bùn trên con đường đất đi xuyên xóm Chùa Bồ Đề. Những đám tang mà mình đến viếng đều khá đìu hiu. Cái không khí hoàn toàn trái ngược với truyền thống đùm bọc và chia sẻ vốn tồn tại từ bao đời nay của người dân quê ở vùng sông nước này. Cũng phải thôi, chỉ ở cái xóm nhỏ này, đã có đến hơn 30 gia đình đều lo tang lễ cho người thân của mình thì còn ai để mà giúp ai nữa chứ!

Đến 1 giờ trưa, ở chân cầu, vẫn còn rất nhiều người ngồi đó, mắt không rời nhìn về nơi có những người xấu số vẫn còn chưa tìm thấy. Dù đã không còn hy vọng gì nữa nhưng họ vẫn cứ trông chờ. Những người mẹ chờ con, vợ chờ chồng, con chờ cha,... Họ cùng nương tựa vào nhau để chờ. Có người ngồi chờ từ sáng qua đến giờ vẫn không ăn, không uống, mắt vẫn không rời khỏi những người công binh, những người cứu hộ với một chút hy vọng mong manh.

Khác với hôm qua, không khí hôm nay ở hiện trường yên ắng hơn. Không còn cảnh chen lấn, gào khóc. Tất cả ngồi chờ trong im lặng. Một sự im lặng rất đáng sợ: Họ cứ ngồi đó với nét mặt không lộ một chút vui buồn, không kêu khóc, không đau khổ và có lẽ cũng không còn hy vọng...

Blog của Trường Nhân
Free statistics

27/9/07

LIỆU CÓ THỂ NGĂN CHẶN ĐƯỢC THẢM HOẠ 26.9?


Một phụ nữ có người thân là nạn nhân trong vụ sập cầu

ĐẶNG VIỆT ĐỨC

Cho đến thời điểm này, nguyên nhân chung nhất để giải thích việc hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ đổ sập là do lún. Tôi đã tham khảo ý kiến một số chuyên gia có chuyên môn và uy tín trong ngành xây dựng cầu Việt Nam và nhận ra rằng cái sự lún đó là kết quả của một chuỗi phản ứng dây chuyền, gây ra bởi rất nhiều vấn đề đang tồn tại không chỉ ở riêng công tác thiết kế và thi công cầu Cần Thơ.

Phương án thi công được sử dụng để xây dựng hai nhịp cầu dẫn đã bị đổ sập là "đổ bê tông tại chỗ trên hệ dàn giáo cố định", một trong những giải pháp sơ khai nhất trong xây dựng cầu bê tông. Trước khi bắt tay thực hiện bất cứ dự án xây dựng cầu nào, người chủ đầu tư phải dựa vào điều kiện địa chất tự nhiên cũng như loại hình kết cấu để lựa chọn phương án thi công phù hợp nhất.

Ở trường hợp cầu Cần Thơ, như tất cả đã thấy, hai nhịp bị đổ sập đã tiến rất gần phần trụ chính của cầu dây văng nên cao độ thi công so với mặt đất là khá lớn. Ở độ cao này, rõ ràng phương án "đổ bê tông tại chỗ trên hệ dàn giáo cố định" không còn hợp lý vì đơn vị thi công phải huy động một lượng sắt thép rất lớn để dựng dàn giáo (từ mặt đất lên tới nhịp cầu).

Chiều cao của hệ dàn giáo cũng đồng thời tỉ lệ thuận với trọng lượng của nó. Một khi nền đất phù sa yếu đặc trưng (lại càng yếu hơn vào mùa mưa như thời điểm hiện nay) của vùng Đồng bằng sông Cửu Long không thể gánh nổi toàn bộ tải trọng đó thì lún là hiện tượng tất yếu phải xảy ra.

Trong khi hệ dàn giáo dần lún xuống đất làm suy giảm khả năng chống đỡ phần dầm cầu mà bê tông mới đổ vẫn chưa đạt tới cường độ cần thiết, lại xuất hiện thêm một số lượng công nhân lớn bất thường đã khiến hậu quả của vụ tai nạn thảm khốc ngoài dự tính.

Đây cũng chính là khái niệm Perfect Storm (trận bão hoàn hảo) mà thế giới đã đưa ra để cảnh báo về vấn đề an toàn nói chung, khi rất nhiều những sự cố cùng đồng thời xảy ra, gây nên những hậu quả không thể lường trước được.

Chúng ta có thể tránh được thảm họa ngày 26.9 không? Câu trả lời là có. Nếu đơn vị thi công thực hiện tốt những biện pháp khảo sát, gia cố và nhất là nếu chủ đầu tư chọn được phương án thi công phù hợp hơn với thực tế cầu Cần Thơ.

Tôi xin đưa ra một phương án được coi là thích hợp nhất, đó là phương pháp "đổ bê tông tại chỗ trên hệ đà giáo di động". Phương pháp này thiết lập hệ dầm cứng kê lên hai trụ, trên hệ dầm này có bố trí hệ thống ván khuôn để đổ bê tông nhịp.

Đặc thù của phương pháp này là không cần phải dựng một hệ dàn giáo đỡ từ dưới đất nên có thể thi công với mọi loại hình địa chất và nhất là không cần đến hàng trăm công nhân để vận hành hệ thống như ở phương pháp "dàn giáo cố định".

Vậy tại sao phương pháp này không được áp dụng? Vấn đề về phương pháp thi công cầu bê tông theo công nghệ "đà giáo di động" đã được một Viện Nghiên cứu của Bộ GTVT đặt ra từ rất sớm. Tuy nhiên quá trình biến ý tưởng này thành một đề tài khoa học cấp bộ lại vấp phải nhiều trở ngại.

Khi đề tài được nghiên cứu thành công, các kết quả của nó cũng không thể đến được với thực tiễn, trong đó phải kể đến sự dè dặt của Bộ GTVT và cái lắc đầu của chủ đầu tư nước ngoài ở công trình cầu Nam Ô. Sau này, khi được áp dụng thành công ở cầu Thanh Trì (HN) thì công nghệ “đà giáo di động" mới được nhìn nhận tích cực hơn, tuy nhiên vẫn chưa thể áp dụng rộng rãi.

Qua đó có thể thấy tư tưởng ngại ngùng và lưỡng lự khi phải đương đầu với thử thách và sự thay đổi vẫn còn, không những gây lãng phí ngân sách, mà còn đi ngược lại quyết tâm phát triển khoa học, công nghệ của nhà nước.

Rõ ràng chúng ta không thể bám mãi vào một số ít ỏi những công nghệ đang có sẵn. Hậu quả ở cầu Cần Thơ là minh chứng hùng hồn nhất cho sự bảo thủ đó. Trách nhiệm của chúng ta không thể chỉ dừng lại ở việc khắc phục những hậu quả đáng tiếc. Đã đến lúc phải thể hiện sự dũng cảm và lòng quyết tâm. Chắc chắn không ai muốn chịu đựng thêm bất cứ một thảm họa nào như vậy nữa.

* Tác giả tốt nghiệp ngành cầu hầm Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện đang theo học thạc sĩ tính toán kết cấu công trình tại Đại học Ruhr Bochum – CHLB Đức. Tác giả giữ bản quyền bài viết này.

26/9/07

VÔ DANH 14



Anh nằm mê man trên giường bệnh.

Các y bác sĩ tất tả bận rộn quanh anh, những sợi dây truyền dịch, truyền máu đang tiếp sự sống cho anh.

Còn tâm hồn anh đang phiêu diêu ở đâu đó.

Có lẽ nó đang bay trên đống đổ nát của khối bê tông đường dẫn chân cầu, nhớn nhác tìm xem những bạn bè đồng nghiệp của mình còn mắc kẹt dưới kia.

Có lẽ tâm hồn anh đang bay trên những cánh đồng bát ngát được phù sa sông Hậu bù đắp, chuyến bay có thể là cuối cùng trước khi anh trở về nơi mà cuối đường đời người ta sẽ phải về.

Có lẽ tâm hồn anh đang bay quanh những con người đang nhớn nhác quanh các bệnh viện tìm anh. Anh muốn hét lên: "Mình ơi, con ơi, anh ở đây". Nhưng sao thế này, giọng anh không thể vang lên được. Sao anh lại trở thành vô thanh thế này?

Người Nga có một hình ảnh rất đẹp: Những người lính hy sinh ngoài mặt trận biến thành những con sếu trắng. Nếu bạn nhìn thấy sếu bay trên đầu, hãy cúi chào linh hồn của những người lính.

Tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh đó và nghĩ rằng, linh hồn của những người thợ cầu HY SINH hôm nay sẽ biến thành những con cò trắng muốt bay trên những cánh đồng bạt ngạt ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Anh vẫn đang đấu tranh với Thần Chết để giành giật sự sống...

Trên ngực anh, để thuận lợi, người ta viết: "VÔ DANH 14"!

Nhưng tôi biết anh không vô danh. ANH KHÔNG BAO GIỜ VÔ DANH!

Ảnh của Lê Vũ Tuấn, phóng viên báo Lao Động tại Cần Thơ.

NGÀY ĐỊNH MỆNH TRÊN CẦU CẦN THƠ



Một công nhân ngồi thất thần sau khi thoát chết

Sáng vừa vào đến cơ quan đã nghe hung tin: Cầu Cần Thơ sập, bị thương nhiều lắm! Sập là sập thế nào được, cầu xây đã xong đâu? Với lại, từ nhà đi làm vẫn ngang qua công trình này, có thấy gì đâu? Hỏi kỹ lại thì đúng là sập thật. Sập phía sát bờ Vĩnh Long nên mình không thấy là cũng phải thôi.

Nghe nói chiều và đêm qua mưa to quá, phần đà mới đổ được vài ngày, sáng nay tháo ra, nó sập ùm xuống. Ôi mẹ ơi, hàng trăm con người chứ ít đâu. Phía bên dưới có cả trăm công nhân làm việc, phía bên trên cũng đâu cỡ hơn trăm. Thân người phải hứng chịu khối bê tông, sắt thép hàng mấy trăm tấn đổ xuống, không cần nói, cũng có thể tưởng tượng được cái cảnh nó bi đát thế nào.

Hai ông phóng viên của báo được sếp phân công ra ngay hiện trường để nắm thông tin. Được một lúc, thông tin dội về dữ quá, sếp thông báo: Huy động toàn bộ tham gia, điều thêm hai ông đang ở An Giang, Bạc Liêu về Cần Thơ cấp tốc! Mình dù không phải phóng viên cũng được sếp phân công theo chân đoàn ứng cứu. Gõ vội vài chữ lên Blast để kịp thông tin cho cả nhà, còn mình thì xách máy ảnh lao ngay ra xe...

Vừa ra khỏi cơ quan đã gặp xe cứu thương hú còi inh ỏi. Cả quảng trường phía trước Bệnh viện đa khoa bị phong tỏa, con đường đại lộ Hòa Bình hàng ngày rộng thênh thang, giờ cũng trở nên chật kín. Các anh CSGT phải ra tay dẹp đường cho xe cứu thương đi. Nói đến đây mới thấy dân mình dễ thương. Thường ngày thì ôi thôi cứ lấn tuyến, giành đường kinh. Hôm nay lại rất chi hòa nhã, đứng hẳn ra sát 2 bên lề đường mỗi khi có xe cứu thương đi qua.

Bến tàu du lịch Ninh Kiều hôm nay vô cùng tấp nập. Nhưng lại là cái tấp nập rất đáng sợ: Xe cứu thương của 5 bệnh viện to nhất Cần Thơ đều được huy động về túc trực tại đây. Dân phòng, CSTT, cơ động, CSGT, bộ đội, bác sĩ, y tá,... chen chúc nhau đứng ngóng ra phía sông Hậu, nơi có những chiếc canô, xuống máy lần lượt chở nạn nhân vào bờ. Cảnh tượng làm mình rùng mình nhớ lại cái cảnh cách đây 10 năm, người ta cũng chen nhau nơi cửa biển Khánh Hội (Cà Mau) ngóng ra biển chờ những chiếc tàu chở nạn nhân cơn bão số 5 ngày nào...

Ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ, ngay trước cổng đã đông kín các lực lượng ứng cứu và giữ trật tự. Người ta làm mọi cách để không cản trở việc chuyển nạn nhân giây phút nào. Toàn bộ lực lượng y, bác sĩ của tất cả các bệnh viện đều được huy động tổng lực tham gia. Một số ở ngay tại chỗ để cấp cứu, hồi sức và cả mổ cấp cứu cho những nạn nhân được đưa vào. Một số rất lớn khác thì được đưa lên các xe cứu thương, huy động luôn cả xe cảnh sát, quân sự để chuyển gấp các y, bác sĩ ra hiện trường vụ tai nạn để cấp cứu tại chỗ...

Một cảnh hỗn loạn và hoang mang chưa từng thấy tại Cần Thơ từ trước đến giờ!

Số người bị nạn quá nhiều, các bệnh viện đều quá tải. Nhưng nghiêm trọng nhất vẫn là thiếu máu để truyền cho nạn nhân. Ở BVĐK Trung ương, một "đội quân" khá hùng hậu - là nhân viên của Dược Hậu Giang - đã được huy động tập trung về đây để tham gia hiến máu cứu người. Những người đi đường, nhiều người biết thông tin này cũng đã tự nguyện vào BV để xin được hiến máu.

Cả các y bác sĩ cũng tham gia hiến máu. Các em sinh viên ĐH Y Dược đang thực tập tại BV cũng hiến máu.

Máu được tiếp nhận, kiểm tra xong, cấp tốc được chuyển đến các BV khác để cứu người. Phải nói chưa bao giờ thấy cảnh hiến máu sôi động như sáng nay. Người tình nguyện và cả người tiếp nhận đều sốt sắng đến mức cao nhất. Không cần phòng ốc, mà thực ra thì phòng ốc đâu cho đủ, tất cả nằm, ngồi ngay bên mái hiên, thậm chí ngay tại sân BV để lấy máu. Số lượng máu tiếp nhận rất nhiều, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với số đơn vị máu cần phải có.

Ở BV 121, đích thân ông GĐ BV trực tiếp tham gia cấp cứu. Điện thoại của ông hoạt động không ngớt, mà thông tin chủ yếu vẫn là tiếp nhận bệnh nhân và "cầu cứu" máu. Đến cuối giờ buổi sáng, nghe thông tin từ Trung tâm Truyền máu khu vực Cần Thơ, đã có hơn 2.000 địa chỉ người dân đăng ký tại trung tâm này để sẵn sàng hiến máu bất cứ khi nào cần. Một em học sinh đã gọi điện thoại đến, vừa khóc vừa xin chỉ chỗ để em hiến máu. "Chắc là họ cần máu lắm phải không chú?!"...

Ôi, cái tình của dân mình. Trong cơn hoạn nạn, họ sẵn sàng nhường 1 phần "sự sống" ngay trên chính thân thể của mình với hy vọng giúp được chút gì đó cho người bị nạn. Có lẽ, đó là niềm vui duy nhất mà mình nhận được trong cái ngày định mệnh này...

Rồi đây, người ta phải điều tra, làm rõ nguyên nhân tai nạn. Nhưng đó là chuyện của các cơ quan chức năng đối với một chuyện đã rồi. Chỉ thương cho các bạn công nhân không may trong một buổi sáng định mệnh. Rất nhiều trong số họ không phải là dân Cần Thơ hay các tỉnh lân cận. Nhiều, nhiều lắm số công nhân này từ ngoài Bắc, Trung vào đây.

Bao năm xa nhà để tham gia xây dựng một "công trình thế kỷ", giờ ngậm ngùi ôm hận nơi đất khách quê người. May mắn sống sót thì cũng rất nhiều người sẽ mang thương tật suốt đời. Trước mắt, đang trong cơn thập tử nhất sinh này, không biết cha mẹ, vợ con, gia đình họ ngoài đó đã hay tin chưa? Không biết liệu có còn kịp nhìn nhau lần cuối hay không? Ít ra là chỉ trong buổi sáng nay đã có khoảng 20 người không còn nhìn thấy người thân lần cuối!

Đến chiều hôm nay, con số đó đã tăng lên đến hơn 50 người. Đó là chưa kể số người vẫn còn kẹt trong đống đổ nát, có lẽ với họ dữ nhiều lành ít!

Mai này, cầu Cần Thơ vẫn sẽ hoàn thành. Đây vẫn là cây cầu lớn nhất và hoành tráng nhất Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển cho cả vùng đất với hàng triệu cư dân. Nhưng liệu sẽ còn bao nhiều người nhớ rằng: Cây cầu hùng vĩ đó không chỉ có bê tông, sắt thép mà còn có cả máu của hàng trăm con người kiến tạo nên nó.

Cầu Cần Thơ - Công trình của thế kỷ. Bao năm nay người ta vẫn nói thế mỗi khi nhắc đến chiếc cầu mà tổng chiều dài lên đến gần 16 cây số này. Nó chưa thành hình thì chỉ mỗi cái ảnh phối cảnh trên giấy của nó đã được xem như một niềm tự hào của người dân 2 bờ Cần Thơ - Vĩnh Long và tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vậy thì những con người đã ngã xuống để cho "công trình thế kỷ này" này sừng sững đứng lên, tên của họ cần phải được lưu lại ở một tấm bia ngay trên chính cây cầu này. Liệu có quá đáng lắm không?

Blogger Trường Nhân

25/9/07

ĐÁM ĐÔNG



Anh rất ghét đám đông.

Cứ nhộn nhạo, ồn ào, khác với bản tính trầm lặng và sâu sắc của anh.

Anh đặc biệt ghét những đám đông bu lại như nhặng trên đường phố mỗi khi có vụ va quệt, cãi vã, đánh ghen hay chỉ để xem một người điên đang làm trò, hoặc một thằng nghiện vật thuốc.

Cứ mỗi lần như thế, anh lại nhìn những con người mắc bệnh tò mò ấy một cách đầy khinh bỉ. Thật đúng chẳng còn ra thể thống gì. Có cái gì mà nhìn chứ, chỉ tổ làm tắc nghẽn giao thông. Thật không thể tưởng tượng nổi.

Cho đến một hôm anh trở thành nạn nhân trong trò lượn lách, đánh võng của mấy chú choai choai... Anh phanh gấp, chiếc xe tay ga đổ xuống đường, kéo rê anh một đoạn đến hai chục mét.

Anh choáng váng, xây xẩm mặt mày. Chân anh hình như bị gãy. Đau đến mức không thể kêu lên được nữa.

Và kìa, cái đám đông đáng ghét bu lại quanh anh.

Anh xe ôm quát: "Xê ra, xê ra!". Rồi anh ta nhanh nhẹn nhấc chiếc xe máy đang đè lên người anh và thận trọng kéo anh ra ngoài.

Bà hàng nước cũng lao thẳng từ vỉa hè, nói giật giọng: "Để nguyên đấy, để nguyên tất cả đấy". Tất nhiên, đối tượng của bà không phải anh xe ôm mà là mấy chú có vẻ nghiện đang lảng vảng định cuỗm đồ của anh đổ tung toé ra đường. Bà nhặt kính, nhặt điện thoại di động, nhặt túi của anh và cầm khư khư như báu vật.

Chị phụ nữ bán nước mía nhanh nhẹn xé tấm vải, dùng để đậy những tấm mía đã cạo sạch vỏ, garô chỗ chân bị thương để cầm máu.

Một người đàn ông trung niên, hình như là bác chữa xe máy, gạt đám đông lùi vào một bên và vẫy chiếc taxi đang tiến lại gần.

Anh xe ôm, bác chữa xe và mấy thanh niên cửu vạn chờ việc gần đó bê anh lên xe taxi, bà hàng nước dúi vào tay anh cái túi có kính, điện thoại di động và ra lệnh: "Bác Trung đưa anh ấy đến bệnh viện, còn Kình dắt xe máy lên vỉa hè đi. Tôi sẽ trông giúp. Anh cứ đi đi".

Những người kiếm kế sinh nhai trên vỉa hè sốt sắng như thể là người thân của anh vậy.

Tuyệt nhiên, chẳng thấy bóng dáng một người ăn vận lịch sự nào dừng lại để hỏi han giúp đỡ anh.


Họ cũng như anh, nhìn khinh bỉ vào cái đám đông bu quanh người bị nạn và không thể hiểu nổi tại sao người ta có thể dừng lại làm tắc nghẽn giao thông như vậy.

24/9/07

NHỚ KHÓI



5 năm trước, tôi dọn về nhà mới. Nhà xây ở khu đất mới được quy hoạch, có ba mặt giáp ruộng lúa. Lúc ấy cả khu đất rộng mênh mông mới chỉ có 3 ngôi nhà. Ai đến thăm cũng khen, sao không gian ở đây rộng thế.

Mà đúng thật, có cảm giác mình làm nhà ở giữa cánh đồng.

Dọn nhà về đúng vào mùa gặt. Mùi rạ thơm, thấy mình như giã từ phố phường bụi bặm, trở lại với tuổi thơ đi học qua những cánh đồng lúa thơm ngát.

Mấy hôm sau, một buổi chiều đi làm về thấy khói bay quanh nhà dầy đặc. Khói bị ánh chiều tà hoàng hôn nhuộm đỏ, trông như có đám cháy.

Tôi dại dột mở cửa sổ, thế là khói ùa vào nhà. Nó lẩn quất, len vào từng ngóc ngách và không chịu bò ra ngoài.

Cả đêm đó mất ngủ vì mùi khói cướp hết dưỡng khí, không quạt nào xua được hết khói ra ngoài.

... Cứ mỗi năm thì người lại đến xây nhà đông hơn. Nhà mọc lên san sát và hình thành một khu phố mới, tấp nập hơn. Dĩ vãng về cảnh điền viên lại một lần nữa lùi xa.

Những cánh đồng lúa càng bị đẩy ra xa. Và cho đến hôm nay từ nhà tôi nhìn ra, không còn thấy bóng dáng chúng đâu nữa.

Mùa gặt lại đến.

Thảng hoặc cơn gió thu lại mang đến hơi thơm nồng của rạ bị đốt từ những cánh đồng nào đó rất xa.

Thốt nhiên, tôi bỗng nhớ khói...


23/9/07

VA CHẠM



Hôm rồi đọc một vở kịch (chứ không phải xem) mà rơi nước mắt. Kịch không có mối tình ngang trái nào, không có trai yêu gái, chỉ là bi kịch của chính nghĩa bị cái xấu giày vò, vùi dập. Vùi không được, dập không xong, cho dù đầu rơi và máu đổ, tất nhiên rồi, nhưng cái cách của con người tàn bạo với cái đẹp, khiến ta bật khóc.

Đây là kịch bản được nhận giải thưởng của Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam năm 1981 của tác giả Hoàng Hữu Đản, một dịch giả, một nhà giảng dạy và nghiên cứu văn học. Nhưng 8 năm sau, vở kịch "Bí mật vườn Lệ Chi" mới được dựng trên sân khấu thành phố Hồ Chí Minh. Rồi bị buộc ngưng diễn (hiểu được là... chết liền, đọc hết vở kịch mà không hiểu sao lại bị cấm diễn). Và vở kịch đã trở lại với công chúng thành phố vào giữa năm nay.

Nhiều câu quá hay, xin trích ra đây:

Kẻ sĩ chân chính không chấp nhận lời dối trá, không khuất phục bạo tàn.

Giữ lấy ngọn đuốc văn hiến là dân, mà thổi bùng ngọn lửa văn hiến ấy là nhiệm vụ kẻ sĩ.

Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang lẽ phải có thể bị giết vì lẽ phải, nhưng bảo vệ lẽ phải vẫn mãi là thiên chức của con người!

Nghe nói đó là vở kịch rất kén khán giả. Một kiểu bi kịch Hy Lạp.

"Trước khi màn hạ, những tiếng nói cuối cùng vang lên và tóm tắt số phận của chúng ta trên trái đất là những tiếng nói của sự tiếc hận, của lòng biết ơn và yêu thương" - Lời nói của Tổng lãnh sự Pháp tại Tp HCM, Nicolas Warnery.

Bữa đó tới giờ cứ nhớ về vở kịch, nhớ ông Hoàng Hữu Đản. Nó ám ảnh ta bởi một giả thiết quá mới, được đặt ra xung quanh cái chết của Nguyễn Trãi. Ông không chết bởi bọn gian thần, bởi người phụ nữ nhẫn tâm nhiều tham vọng tên Nguyễn Thị Anh. Ông không chết bởi những con người tầm thường như thế. Ông chết bởi sự va chạm giữa hai nền văn minh (lại nói cho hoành tráng), giữa kẻ sỹ và một triều chính được xây dựng trên cái nền của vua quan hãnh tiến, thiếu một tầm nhìn xa, tham lam không kiềm chế, thù hằn vặt vãnh cá nhân, và... Nguyễn Trãi. Một mình.

Nảy sinh tình huống như sau:

Nguyễn Trãi dùng thời gian rảnh để đọc sách, thưởng trà, ông đọc "Trăm năm cô đơn", "Sông Đông êm đềm", hay "Chùm nho nổi giận" thì vua quan mê mẩn uống rượu hát ca, có đọc, thì cũng lướt qua mấy chuyện vụ án giật gân, ma quái kiểu tuyển tập "chuyện kể lúc nửa đêm".

Nguyễn Trãi vò đầu bứt tóc hoạch định một chiến lược phát triển đất nước trong năm mươi năm tới thù quan quan ấy, những người chưa bao giờ biết run rẩy, xao động khi cầm lên một cuốn sách hay, một câu thơ đẹp, một ánh trăng tan, một tiếng dế ran bên hè, một màu nắng phai, một cơn mưa mòng... chỉ nghĩ coi ngày mai ăm với món gì. Cao lương mỹ vị cũng ngán quá rồi.

Nguyễn Trãi tìm một bà vợ thông minh, biết chữ còn vua quan ấy chọn vợ đẹp, dù tham vọng, ác độc, ít học không sao, miễn là hấp dẫn, sắc nước hương trời. Và vua toại nguyện khi trong cung có được Nguyễn Thị Anh.

Va chạm đã nảy sinh từ những chi tiết rất nhỏ của hai lối nghĩ, hai lối sống, hai cách nhìn đời. Tâm hồn kẻ sĩ, thư sinh của Trương Ba không đủ mạnh kiềm chế sự bản năng, thô lậu của thân xác anh hàng thịt.

Nên trước Nguyễn Trãi, hẳn cũng có người ngã xuống, sau Nguyễn Trãi, trăm năm, ngàn năm sau vẫn còn những số phận, những giày vò, những oan khiên... Chẳng vì anh A, anh B, hay chị C nào, chỉ vì lịch sử luôn tồn tại những triều đình với những vua quan không... đọc sách, hoặc đọc sách mà không hiểu sách nói gì.

Trời ơi, ta có đề cao sách quá chăng?

NGUYỄN NGỌC TƯ

T/B: Bài của nhà văn NGUYỄN NGỌC TƯ đăng trên tạp chí Tia sáng số 18 ra ngày 20.9.2007. Bài quá hay, mà tạp chí Tia sáng lại không mấy phổ biến, nên post lên đây để bà con cùng đọc. Xin lỗi chị Tư, vì tui không biết phải liên lạc với chị qua số nào để xin phép.


Ảnh: Hữu Châu trong vai Nguyễn Trãi, vở "Bí mật vườn Lệ Chi". Xin từ blog của cogaidolong.


NGÀY KHÔNG BLOGGING



Hôm qua tôi không blogging, lý do thì chắc mọi người đều biết. Buổi trưa ăn cơm với papa-mama và mọi người trong gia đình. Tối thì đi ăn với mấy người bạn thân thiết từ hơn 20 năm nay.

Nhóm bạn bè này có thông lệ rất đặc biệt: Sinh nhật người này do một người trong nhóm chủ trì (kiêm chủ chi), tất cả đều đến một mình, không vợ chồng con cái bồ bịch gì hết.


Đêm về, mở 360 độ, thấy cơ man nào là comment và quick comment. Rất ít khi một cái entry của tôi nhận được nhiều comment như vậy trong vòng chưa đầy 20 tiếng đồng hồ. Mà entry "Nâng cốc" chỉ có năm chục chữ và hầu như chẳng có nội dung gì, thế mà lại nhận được nhiều comment đến như thế.

Qua đó càng thấy thấm thía rằng, tình bạn trong thế giới ảo là một tình bạn rất thật. Thật như chính cuộc sống vậy.

Một ngày không blogging, nhưng lại nhận được rất nhiều cảm xúc. Cảm ơn mọi người nhiều lắm, những người bạn của tôi.

21/9/07

NÂNG CỐC



22.9 mới là sinh nhật của tôi, nhưng từ hôm nay những người bạn đã gọi điện, nhắn tin, viết quick comment và comment chúc mừng.

Xin cảm ơn các bạn.

Nào chúng ta cùng nâng cốc chúc cho tình bạn trong cuộc đời và tình người trong thế giới blog...

20/9/07

MỘT TRUNG TÂM - HAI TÍ...



Người Trung Hoa hay có những ý tưởng độc đáo và sâu sắc về phương châm sống. Những triết gia thời xưa như Khổng - Mạnh thì đã đành, mà người đời sau cũng vẫn có.

Thi thoảng phải đứng ra ngoài cuộc đời để nhìn lại chính mình, để sửa mình, để sống có ích cho đồng loại. Tư tưởng ấy thật thanh cao. Nhưng cũng vì nó quá thanh cao nên chưa hẳn đã thích hợp với cuộc sống đa dạng và sôi động, đồng thời cũng xô bồ và thực dụng hơn của thời đại ngày nay.

Ý tưởng của người Trung Hoa thời nay về phương châm sống vẫn sâu sắc như xưa, nhưng xem ra có vẻ thiết thực hơn nhiều. Phương châm ấy được diễn đạt một cách rất “Trung Hoa hiện đại” như sau:

Một “trung tâm”: lấy sức khỏe làm trung tâm. Hai “một chút”: thoải mái một chút, hồ đồ một chút. Ba “quên”: quên tuổi tác; quên bệnh tật; quên hận thù. Bốn “có”: có nhà ở; có bạn đời; có bạn tri âm; có sổ tiết kiệm. Năm “phải”: phải vận động; phải hòa nhã, lịch sự; phải biết cười; phải biết kể chuyện; phải tự coi mình là người bình thường”.

Điều một trung tâm là cực kỳ quan trọng. Thường thì mãi đến lúc già yếu hoặc lúc ốm đau ta mới thấy sức khỏe là qúy giá; khi ngoài kia là trời xanh lồng lộng và nắng gió lung linh mà ta ngồi đây bất lực, mới thấy hối tiếc một thời phung phí sức lực một cách liều lĩnh và dại dột.

Rất may là chất lượng cuộc sống ngày một tốt hơn, y học ngày càng hiện đại hơn nên tuổi thọ của con người ngày càng cao hơn nữa. Sắp đến rồi, ngày mà “Sáu mươi tuổi chưa phải là già, bảy mươi tuổi vẫn còn là trung niên !”. Hạnh phúc thay là có một tâm hồn lành mạnh trong một cơ thể cường tráng. Xin hãy nhớ ở bất cứ lứa tuổi nào cũng phải “lấy sức khỏe làm trung tâm”.

Điều hai một chút thật là chí lý. Đừng đạo mạo qúa, hãy sống hồn nhiên như mình vốn có. “Thoải mái một chút” (Một chút thôi nhé!) là hợp với tự nhiên bởi cuộc sống không thể lúc nào cũng căng như một dây đàn đúng giọng được.

Cũng đừng qúa tự dày vò mỗi khi lầm lỡ. Ai mà chẳng có lúc sai lầm, có sai thì hãy tự nhủ “hồ đồ một chút” chưa sao ! Cũng lại chỉ một chút thôi nhé, luôn luôn hồ đồ thì còn nói làm gì, hồ đồ nghiêm trọng thì phải trả giá đắt, đôi khi hối không kịp.

Điều ba quên là để cho lòng mình thanh thản. Lỡ đã già rồi (và đã được sống nhiều), lỡ mang bệnh tật rồi (nhiều khi vì những lẽ rất cao cả, nhưng cũng có khi vì sự tầm phào) thì hãy quên đi, “quên tuổi tác” và “quên bệnh tật”; hãy vui sống mỗi ngày bằng những công việc thường nhật có ích cho mình, cho những người thân yêu và cho đời…

Cuộc đời riêng của mỗi người chỉ có thể thật thanh thản khi biết “quên hận thù”; “quên hận thù” là điều rất khó, nhưng cũng sẽ dễ dàng hơn khi thực lòng mong muốn có sự thanh thản của tâm hồn.

Điều bốn có rất đời thường, dung dị và thiết thực. “Có nhà cửa” và “ có bạn đời” tức là có một gia đình yên ấm. Dù cho thế giới văn minh này có biến đổi thế nào thì gia đình vẫn là tế bào bền vững của xã hội, vẫn là nơi trú ẩn cuối cùng đáng tin cậy cho những tâm hồn cô đơn đang bị tai họa phủ phàng rượt đuổi. không buồn gì bằng nổi buồn không có “bạn tri âm”, như “rượu ngon không có bạn hiền”.

Sống trên đời ai cũng ít nhiều có bạn, nhưng bạn tri âm đồng cảm chia ngọt sẽ bùi với mình thì không phải người nào cũng có. Thiếu bạn tri âm, cuộc đời sẽ thiếu đi một mảng lớn. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, là phải có của ăn của để ở chừng mực thích hợp, tức là phải có “sổ tiết kiệm”, phải dành dụm, phòng khi lỡ vận, phải lo xa một chút…

Điều năm phảikhuyên chúng ta thực hiện một phong cách sống lành mạnh và văn hóa. Trước hết, “phải vận động” (chân tay) vừa phải và bền bỉ. Khó nhất là duy trì được nết tập thể dục thường xuyên; tập kiểu gì cũng được, ít nhiều tùy theo sức, miễn là tập được đều đặn hàng ngày. Đó là cách tốt nhất để giữ cho thân thể được khỏe mạnh và tinh thần thoải mái. Còn thể thao thì tùy sở thích và tùy hoàn cảnh chứ không phải là nhất thiết.

Thứ hai là phải “hòa nhã, lịch sự”. Đó là phong cách không thể thiếu được cho mỗi người cho dù ở cương vị nào và hoạt động trong lĩnh vực nào. Nét văn hoá ấy là của chung nhân loại, dân tộc nào cũng có bất kể ở trình độ văn minh nào. Người có văn hóa không hẳn là người có học thức cao.

Thứ ba là “phải biết cười”. Biết cười có duyên không dễ. Không phải ai cũng ưa hài hước, và tính hài hước không phải có sẵn trong nhiều người. Những người dễ cười, cũng như là dễ khóc, thường là tốt bụng, những người có tính hài hước thường giàu lòng vị tha. Những người không ưa hài hước có lẽ không phải là những người có văn hóa cao. Hơn nữa, bạn có biết không, mỗi lần cười thì có tới mấy chục cơ trên mặt cùng hoạt động và làm ta sống thêm được ít phút. Vậy thì càng cần “phải biết cười”.

Thứ tư là “phải biết kể chuyện”, tức là phải biết kể lại những điều mình biết một cách khúc chiết rõ ràng, biết diễn đạt ý mình một cách sáng sủa, nói rộng ra là phải biết cách giao lưu tư tưởng. Người biết kể chuyện luôn luôn đồng thời cũng là người biết lắng nghe, bởi có chịu khó lắng nghe mới có cái để mà kể lại và mới biết kể như thế nào cho thích hợp đối với người nghe mình.

Sau hết và cũng là trước hết là “phải tự coi mình là người bình thường”. Người ở cương vị càng cao mà biết tự coi mình là người bình thường thì càng được kính trọng. Đối với một số người điều ấy không phải dễ dàng, bởi vì ngay một anh binh nhì cũng vẫn có thể ngạo mạn khinh người, coi mình là nhất thiên hạ, y hệt một tướng lĩnh lừng danh ưa phỉnh nịnh. Chúng ta vẫn thường nghe nói: “Cái khó nhất là biết dừng ở chỗ nào” và “cái cần biết trước hết là biết mình”. Người tự coi mình là người bình thường sẽ dễ “biết mình” và cũng dễ “biết dừng”.

Tôi hy vọng là đã hiểu và diễn đạt đúng được phần nào những ý tưởng sâu sắc và độc đáo của người Trung Hoa xưa cũng như nay về phương châm sống. Xin chia sẽ cùng bạn đọc nhân dịp cuối năm cũ nhìn lại mình, để đầu năm mới thêm chút thoải mái. “Cuộc đời vẫn đẹp sao”…

(Theo Nhân dân)

http://thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/forums/PrintPost.aspx?PostID=3075

19/9/07

NGỌC ÁNH ĐÁNH BẠI TÔI



Trong đêm thi top 3 Vietnam Idol vừa kết thúc, Ngọc Ánh đã đánh bại tôi.

Trong entry trước, tôi dự đoán rằng cơ hội của Ngọc Ánh rất mong manh, và tôi cho rằng Ngọc Minh sẽ chiến thắng.

Nhưng trong gala này, tôi đồng ý với Giám khảo Tuấn Khanh, rằng phần trình diễn của Ngọc Ánh là ấn tượng nhất.

Ngọc Minh đã không vượt lên khỏi mình, kém xa chính cậu trong những tuần trước.

Phương Vy thì khiến tôi hơi thất vọng. Cô không phô diễn được gì ngoài một giọng hát đèm đẹp và những bộ váy áo cầu kỳ. Thậm chí cô đã chọn cách hát an toàn với hai bài hát không có cao trào.

Ngọc Ánh chọn "Trở về" của Trần Lập thật mạo hiểm. Giọng của Ánh không địch được với giọng độc đáo của Lập nhưng bù lại, Ánh thổi vào đó sự giản dị và chân thành, nên bài hát vẫn có được nét riêng.

Bài thứ hai "Một mình" là sự lựa chọn dũng cảm. Cần nói thêm là Ánh hiểu sai ý tưởng của bài hát. Thanh Tùng viết bài này để cám cảnh gà trống nuôi con sau khi người vợ thân yêu qua đời, chứ không phải như những gì Ánh diễn giải trước khi hát rằng cậu muốn có nguời vợ tuơng lai như vậy!??

Tuy nhiên, cậu hát rất hay. Không có sự từng trải, nhưng Ánh đã thuyết phục được tôi bằng xúc cảm thực sự của cậu. Và tôi đã vote cho cậu.

18/9/07

LEO ĐỒI VÀ CHẾT CHÌM



Tháng 8.1992, vượt qua kỳ thi tuyển phóng viên báo Lao Động, tôi được nhận vào thử việc ở ban kinh tế xã hội do cây bút điều tra nổi tiếng Nguyễn An Định làm trưởng ban. Ông chủ trương “vứt phóng viên trẻ xuống nước cho tự học bơi”.

Suốt 2 tuần đầu tiên tôi quanh quẩn ở toà soạn, không biết phải đi đâu, gặp ai, viết gì. Sang tuần thứ ba, một anh bạn kể cửu vạn hoành hành ghê lắm ở mỏ thiếc Sơn Dương, Tuyên Quang, gây ô nhiễm cả một vùng.

Tôi trình trưởng ban, xin đi Sơn Dương. Ông OK và khuyên: “Nếu chú không viết được bài này, thì đừng theo đuổi nghề báo nữa”.

Hoá ra nạn thiếc tặc là nỗi nhức nhối không chỉ của người dân, chính quyền địa phương, mà của cả Mỏ thiếc Sơn Dương – doanh nghiệp bị dân cửu vạn làm cho điêu đứng. Họ nhờ công an đưa tôi lên những ngọn đồi nơi cửu vạn đào lò để “bảo vệ an toàn cho nhà báo”.

Anh công an đi cùng tôi hôm đó khoảng ngoài 30, dáng vẻ sương gió, khác hẳn với vẻ thư sinh trói gà không chặt của tôi. Nhưng lạ thay, tôi cứ băng băng leo đồi lên trước, chạy từ lán cửu vạn này sang lán cửu vạn khác, nhiều khi quên cả anh công an.

Cửu vạn cũng chẳng có gì ghê gớm lắm. Họ đều là những người dân nghèo, không có kế sinh nhai mới phải làm cái nghề khai thác quặng trái phép cực nhọc này.

Họ gọi tôi là “bác báo”, khiến tôi vừa ngượng vừa thích. Những câu chuyện ruột gan của họ về những mối hiểm nguy đến tính mạng như sập hầm khiến tôi cảm động.

Chiều tối khi xuống tới chân đồi, anh công an hỏi: “Sao anh leo đồi giỏi thế? Tôi đi quen ở đây mà đuổi theo anh cũng mệt”. Tôi chỉ cười không nói gì.

Anh có biết đâu rằng nếu không leo đồi như thế, thì có khi tôi đã bị “chết chìm” ngay trong nhiệm vụ đầu tiên.

17/9/07

CHIỀU MÌNH MỘT TÍ



(Entry viết ngày 21.9 vào vị trí được đặt gạch từ bốn ngày trước)

Một người bạn thân nói: Không ai yêu bản thân mình bằng chính mình. Hãy chiều mình nếu có thể.


Cuối tháng 6, sau khi kế hoạch của cả gia đình không được thực hiện và khoản tiền tiết kiệm không có lý do để tiêu, tôi nhớ đến lời nói của người bạn và quyết định tự chiều mình.

Dùng số tiền đó đi mua xe hơi. Chắc chắn là không đủ rồi. Nhưng hầu như ngân hàng nào cũng cung cấp dịch vụ mua xe trả góp. Chỉ cần chứng minh mình có khả năng thanh toán nợ hàng tháng là được.

Việc mua xe gì cũng tốn nhiều công sức. Sau nhiều lần dạo khắp các salon ôtô ở HN, hỏi ý kiến những bạn bè đã đi xe hơi lâu nay, và tất nhiên tham vấn cả cậu em trai yêu quý - người đôi khi sẽ được mượn xe vi vu, tôi quyết định mua Camry 2.4 đời 2007 màu bạc.

Theo hợp đồng thì salon ôtô phải giao xe từ cuối tháng 8, nhưng cách đây vài ngày, salon mới gọi điện báo xe đã về. Đến chiều 20.9 mới làm xong các thủ tục cần thiết.


Hỏi ông chú biết xem ngày, hỏi xem có thể lấy xe trong ngày 21.9 không? Ông trả lời: “Ngày đẹp đấy, ngày Canh Ngọ, nên lấy xe vào giờ Ngọ (sau 12 giờ trưa).”

Thế là hẹn salon 11h đến làm thủ tục. Cậu nhân viên bán xe rất tận tình, nhưng đúng vào giờ nghỉ trưa, nên cũng phải 13h mới đánh được xe ra đường. Trong mấy tiếng buổi chiều phải đi làm ba việc: nộp thuế trước bạ, đăng ký biển số và đăng kiểm.

Đến chi cục thuế Hai Bà Trưng nộp thuế. Nộp tiền thì nhanh thôi, nhưng đợi “cán bộ” ký giấy tờ thì mất luôn hơn 1 giờ đồng hồ. Chả biết cải cách hành chính thế nào mà dân vẫn mất thời gian quá.

Từ Chi cục Thuế, chạy như tên bắn qua cầu Chương Dương sang phòng đăng ký xe ở quận Long Biên. May mà ở đây các chú công an làm khá nhanh. Hồi hộp nhất là đoạn bấm enter máy tính lấy biển số.

Trước đó đã thử hỏi vài người xem có “nơi” nào xin được biển đẹp không, nhưng tất cả đều lắc đầu. Mọi người dân đều bình đẳng trước máy tính, ai bấm được số nào lấy số ấy. Tôi bấm enter và... Wow, số đẹp!

Cậu bán xe đi cùng làm thủ tục như reo lên: “Cộng được 9 nước, số tiến kép, tốt rồi anh. Ngày xưa mà “mua” biển này phải mất chục triệu!”

Hè hè, may quá. Trước khi đi lấy xe đã thắp hương khấn vái ông bà tổ tiên phù hộ độ trì rồi.

Lại tất tả vượt cầu Chương Dương, len lỏi qua những đường phố bắt đầu đông khi bước vào giờ tan tầm để đi đăng kiểm. May quá, đến được trạm đăng kiểm đầu đường Giải Phóng - Đại Cồ Việt là 4 giờ. Phù, vẫn kịp.

Mất nửa tiếng để được dán giấy chứng nhận đã đăng kiểm, có hiệu lực đến tháng 3.2010. Sau đó mất thêm 20 phút nữa để gắn biển số xe theo kiểu cả kẻ trộm lẫn công an đều không tháo được (xin lỗi các chú công an giao thông, một anh bạn tôi dặn đi dặn lại là phải áp dụng chiêu này).

Trở lại salon ôtô Giải Phóng đưa cậu bán hàng về và để nhận dịch vụ rửa xe miễn phí. Nhưng không may mắn (lần không may duy nhất trong ngày), bộ phận rửa xe đóng cửa sớm để salon làm lễ ra mắt xe Vios mới. Đành để người bẩn đi về nhà.

Về nhà đúng vào giờ tan tầm. Lần đầu tiên biết thế nào là khổ khi đi xe ôtô vào giờ cao điểm ở HN. Nhưng cuối cùng thì cũng về đến nhà vào lúc 18.30. Phù, mệt thật. Chiều mình đấy nhưng mà mệt. Mệt nhưng mà vui. Hìhì ...

16/9/07

AI LÀ IDOL?



Chỉ còn ba thí sinh lọt vào đêm thi diễn ra vào thứ Tư tới đây. Đó là Phương Vy, Ngọc Ánh và Ngọc Minh.

Thử điểm lại cả ba thí sinh nhé.

Phương Vy, cô gái duy nhất còn lại trong top 3. Cô cũng là đại diện duy nhất của miền Nam. Vy dáng cao, xinh đẹp, giọng hay vừa phải. Cô hội tụ mọi tố chất để trở thành một ca sĩ nổi danh của dòng nhạc thị trường.

Mặc dù cô không có thể nghiệm nào táo bạo, nhưng trong những đêm thi vừa qua, Phương Vy là thí sinh duy nhất có may mắn chưa một lần rơi vào danh sách 3 người hạng chót. Điều đó chứng tỏ sự ưu ái của khán giả dành cho cô. Đây cũng chính là thế mạnh mà các đối thủ khác không thể coi thường.

Ở đêm diễn tới, chỉ cần cô mạo hiểm một chút về chọn bài hoặc xử lý là có thể ung dung vào thẳng đêm chung kết.

Ngọc Ánh, chàng trai Hà Tây có giọng hát rất trong sáng, thể hiện tốt những bản pop ballad ngọt ngào. Ánh có gương mặt sáng sủa, nhưng chiều cao lại hơi thấp. Tuy chưa qua trường lớp, nhưng Ánh tiến bộ rất nhanh trong những vòng thi gần đây.

Cá nhân tôi thích giọng hát và cả phong cách quê quê của cậu. Nhưng dù Ánh có cố gắng cỡ nào, thì cơ hội của cậu trụ lại sau đêm thứ Tư tới đây cũng rất mong manh.

Nhưng nếu cơ may mỉm cười với cậu, thì tôi thực sự mừng.

Ngọc Minh, suýt rớt ở những vòng ngoài, vào được top 10 nhờ một nguời bỏ cuộc. Nhưng có thể nói Ngọc Minh là một trong những giọng hát có "công lực thâm hậu" nhất trong số các thí sinh dự thi Idol năm nay (hai người kia là Hải Yến và Thảo Trang đã bị knock-0ut vì khán giả).

Ngọc Minh chiếm lĩnh sân khấu tốt nhờ ngoại hình cao to và mái tóc rất lãng tử. Cậu sở hữu một giọng đẹp, có khả năng biến hoá. Minh mạnh cả về kỹ năng lẫn xúc cảm.

Nếu lấy được cảm tình của khán giả trong đêm thứ Tư, thì cậu có cơ hội nhất trong việc trở thành quán quân Vietnam Idol, vì số fan nữ đông đảo sẽ bỏ phiếu cho cậu.

Tôi dự đoán Ngọc Minh sẽ trở thành Idol, còn bạn thì sao?

Tham khảo: Kết quả bình chọn trực tuyến tại trang vietnamidol.com.vn cho tới giờ này như sau:
1. Ngọc Ánh: 15%
2. Ngọc Minh: 11%
3. PhươngVy: 8%

http://www.vietnamidol.com.vn/index.php


15/9/07

"VỤ ĐỤNG XE"



Chiều nay tình cờ bật TV đúng vào chương trình VTV3 giới thiệu bộ phim "Crash" đoạt Oscar năm ngoái. Chết nỗi, em biên tập viên khá xinh (hay chỉ là MC nhỉ?) lại dịch tên phim là "Vụ đụng xe", nên thoạt đầu cứ ngỡ ngàng, tưởng rằng em này giới thiệu nhầm.

Hoá ra đúng là nhà đài giới thiệu phim "Crash" thật, nhưng dịch là "Vụ đụng xe" thì thật tầm thường hoá bộ phim.

Trong phim quả có vụ đụng xe, nhưng đó chỉ là một loại crash cụ thể thôi. Bộ phim đề cập nhiều crash khác: Đó là sự va đập giữa các nền văn hoá, giữa các tôn giáo, giữa các chủng tộc.

Nếu chỉ dịch đơn thuần là "Vụ đụng xe" thì không ổn một chút nào.

Dường như dịch tên phim đang trở thành một vấn nạn. Chẳng hạn, phim "King Arthur" khi phát hành ở xứ ta được chuyển thành "Hoàng đế Arthur". King chỉ là vua thôi, chứ làm sao mà là Hoàng đế được nhỉ?

Ngoài sự hiểu biết ngôn ngữ không đến nơi, đến chốn, các nhà phát hành phim còn đặt cho phim những tên giật gân, câu khách khác xa với tựa ban đầu, thoạt nghe đã hãi.

Bạn hãy đóng góp cho tôi vài ví dụ nhé.

14/9/07

ĐẠI LỘ DANH VỌNG "MADE IN VIETNAM"



Một đồng nghiệp ở Sài Gòn vừa gọi điện kể một chuyện rất chi là bức xúc như thế này:

Nhân dịp khai trương cụm rạp Megastar Hùng Vương, các nhà tổ chức nghĩ ra một trò. Họ mời khá nhiều người nổi tiếng trong giới điện ảnh đến để tham dự event này, đồng thời khánh thành cái gọi là "Đại lộ danh vọng" kiểu Hollywood ở TPHCM.

Về ý tưởng thì quá được. Nếu VN có được một "Đại lộ danh vọng" để tôn vinh các ngôi sao và là nơi thu hút du khách thì hay quá còn gì???

Nhưng mà than ôi, nghe nói, cái ngôi sao trên vỉa hè của đường phố Sài thành, chỉ là ngôi sao vẽ!

Các celebrity của ta quần là áo lượt đến đó, được phát một cái bút dạ, để ký tên lên ngôi sao của mình. Ai cũng sợ hớ hênh trước ống kính máy quay và máy ảnh, nên ngồi xuống rất ý tứ khép nép.

Nhưng khi họ vừa ký xong và đi khỏi, thì người dân đã ào lên, và chẳng mấy chốc, ngôi sao rởm có chữ ký của họ đã bị dẫm đạp chẳng còn hình thù gì.

Như thế có gọi là tôn vinh nữa không nhỉ?

Không nhẽ, đến "Đại lộ danh vọng" cũng có thể làm rởm?

Tham khảo: http://www.laodong.com.vn/Home/vanhoa/2007/9/55369.laodong


13/9/07

LÀ BLOGGER


Tác giả: Shrek

Mỗi người khi thành blogger đều tốn khá nhiều thời gian và tâm huyết cho trang blog thân yêu của mình. Là blogger, bạn có những quyền gì nhỉ? Khá nhiều đấy:

1. Có rất nhiều bạn. Trai quen gái xinh, gái ế tìm được người iu và hội ham chửi bậy tìm được nhau để cùng cất tiếng đồng ca.

2. Nói chuyện với bạn được thường xuyên, có lẽ là một trong những cách giữ liên lạc tốt nhất, bất chấp mọi khoảng cách địa lý.

3. Viết và công chúng hóa được những gì bạn thích mà chả cần phải chờ bất kỳ một ông công chức thủ cựu rêu mốc nào cấp phép.

4. Viết và tự đăng mà chẳng cần tốn tem bưu điện, tốn thời gian đợi mấy ông biên tập viên lẩm cẩm đọc đọc, gạch gạch, xóa xóa và dọa... gác bài.

5. Nếu viết hay, "câu khách" giỏi, bạn vẫn có được một đội ngũ người đọc đông đảo, có được số lượng page views mà nhiều tờ tạp chí cứng đờ có mơ không nổi.

6. Đi kèm, tất nhiên, có cả sự yêu mến, hâm mộ của công chúng + sự nổi tiếng và nhiều món quà tinh thần khác.

Nhưng đổi lại, bạn phải trả giá thế nào và phải chấp nhận những điều này sao:

1. Tốn thời gian. Nhiều người bảo: "Mỗi ngày em chỉ dành 30 phút cho blog - Xạo. Chắc chắn bao giờ cũng hơn những con số mà các khổ chủ công bố.

2. Thỉnh thoảng có những bạn nhân blog vào thả cho bạn dăm con "sâu" hay thậm chí trojan làm quà tặng.

3. Chả phải cái gì viết lên cũng "xuôi", có khi ý tốt mà bị hiểu ra xấu, bị chửi cho te tua.

4. Phải làm quen với thứ ngôn ngữ kinh khủng, kiểu như: "
ChU? nha` +)j tRa` |+)a' 0^j` aj c0' vj3^c. +)3^? laj` comm3n na' ... We0 k3m tU bl3c'" hay phải vặn cả mình với mấy câu thoại siêu văn minh, đại loại:

A: - vaj~ leu` nhay? caj' c0n +)j~ r3? tj3^n` nay` cung~ dam' l3^n tjeng' noj co day'

B: - Co' hon j bo^' ma`y ko ma` noi.CHo'

5. Thỉnh thoảng bị một em nào đó mình kém chừng 20 - 30 tuổi thân ái gọi bằng... mày.

Wow, thế giới các blogger quả không đơn giản. Vậy nhưng dính vào blog nhiều khi cũng giống cảm giác yêu yêu, nghiện nghiện, vậy nên hàng ngày hàng triệu người vẫn đang dán mắt vào màn hình, vắt óc ra cái gì đó hay ho trong khi bloging để có được nhiều page views và nhiều comment, lạ lùng không? Và sao thế nhỉ?

12/9/07

ĐIỀU KỲ DIỆU



Ở nước ngoài lâu năm, bạn trở nên khó tính như một ông già.

Cứ vào căn hộ của bạn thì thấy, sạch như lau như li mà chẳng hề có bóng dáng oshin đâu cả. Bạn tự dọn hết. "Có khó gì đâu, làm đến đâu, dọn sạch đến đấy". Đến nhà bạn tự nhiên cũng phải có ý thức hơn. Cả lũ bạn nói: "Thế này thì mày còn ế lâu. Chẳng em nào chịu được sự sạch sẽ thái quá này"

Rồi bạn "mất tích" suốt nửa năm. Cũng không hẳn là biệt tăm biệt tích. Vẫn nhắn tin đấy, vẫn gọi điện đấy, nhưng không tụ tập ăn chơi nhảy múa nữa. Có tin, thằng này vướng phải lưới tình.

Mùng 2.9, bạn đột ngột gọi điện, gọi đám bạn thân đến một nhà hàng. Ở đó, bạn trịnh trọng phát cho mỗi người một cái thiếp mời và khoe album ảnh cưới. Cuối cùng, cũng đã có một cô chịu được sự sạch sẽ của bạn.

Đó là một cô gái dễ mến, nước da ngăm ngăm, đôi mắt tròn khi cười lấp lánh những đốm nắng.

Cả lũ nhao nhao hỏi, vợ của bạn là ai, làm việc ở đâu, quen nhau trong trường hợp nào. Bạn tỏ vẻ bí mật. Cứ chờ đến lúc cưới sẽ biết.

Tại lễ ăn hỏi sáng nay, tình cờ biết được cụ tỉ thiên tình sử của bạn...

Về nước, lúc đầu bạn đi taxi, khi bắt đầu quen đường xá, giao thông, bạn mua một chiếc xe máy SH. Nhưng rồi một hôm chập choạng tối, không hiểu thế nào, xe bạn đâm phải xe một cô gái.

Cô gái ngã xuống đường.

Bạn hoảng hốt dừng xe, đỡ cô ấy dậy. May quá, cô chỉ bị xây xát qua loa, chiếc xe cũng không bị hư hỏng gì đáng kể. Bạn đưa cô gái về nhà. Tại đây bạn phát hiện ra một điều thú vị: Mẹ cô gái làm việc tại chính trường đại học mà bạn đã học cách đây 20 năm.

Cô gái cũng tốt nghiệp trường ấy và được giữ lại trường làm giảng viên.

Những điều tình cờ đó cùng với vẻ đẹp giản dị của cô gái, suy nghĩ độc lập và cá tính của cô đã chinh phục bạn. Bạn đã yêu...

Nhưng hai người cũng gặp không ít trở ngại. Nào là sự chênh lệch tuổi tác giữa hai người quá lớn (18 tuổi), nào là cô có chạy theo vật chất không... Nhưng cuối cùng tình yêu cũng đã chiến thắng.

Bạn không nói gì về chuyện tình của mình, cũng như không giới thiệu người yêu với bạn bè là đúng. Tránh những bình luận không đáng có.

Đám cưới của bạn sẽ diễn ra vào Chủ nhật tuần này. Chân thành chúc mừng bạn!

11/9/07

THU ĐẾN THẬT RỒI



Đúng là thu đã đến thật rồi.

Vài ba sáng nay, khi tỉnh dậy, đều nghe thấy tiếng mưa rơi tí tách. Không gian lành lạnh. Không muốn đi làm một chút nào. Ước gì có thêm thời gian để ngủ nướng.

May mà mưa cũng nhỏ. Lúc 7.30 bước ra khỏi nhà thì mưa chỉ còn lất phất.

Trời không quang mây, nhưng cũng không u ám. Cảnh sắc thu đã tràn về, xáo trộn mọi trật tự dường như đã bị nắng nôi của mùa hè đè nén và rượt đuổi vào trú ẩn trong những góc khuất nhất của tâm hồn.

Thu đã đến, mưa thu đã rơi, nhưng lá thì vẫn chưa chịu vàng.

Chưa nghe thấy hương cốm.

Chưa nghe thấy phố phường lảng bảng trong hơi men hoa sữa.

Chưa nghe thấy bước chân tinh nghịch của những cơn gió dài.

Mùa thu còn non lắm...

Tháng Chín của tôi. Tháng Chín năm nay sao mà đến nhanh. Dường như cứ sau mỗi một năm thì tháng Chín lại càng đến nhanh hơn. Có lẽ năm sau nó sẽ sồng sộc đến nhanh hơn nữa.

Không sao, ta đã mùa thu!

Giá mà thời tiết lúc nào cũng chỉ là mùa thu, không có nắng cháy da mùa hạ, rét cắt da mùa đông thì hay biết bao.

Thu đã về thật rồi. Và chẳng mấy chốc nữa là đến mùa đông...

10/9/07

KHEN!



Khen, nhiều khi, còn nặng nề hơn cả một lời chê tồi tệ nhất.

Tôi còn nhớ, lần đầu tiên mình đã khen một cách vô duyên như thế nào.

18 tuổi, sinh viên đại học năm thứ nhất, tôi quyết định mình phải tìm hiểu một điều gì đó thực sự có ích. Thế là tháng một lần, lọ mọ đạp xe từ Cầu Giấy lên Tràng Tiền, vào các phòng tranh và triển lãm mỹ thuật ở khu vực này để xem tranh.

Một lần lọt vào triển lãm cá nhân của một hoạ sĩ thuộc loại cây đa cây đề của Việt Nam.

Tranh của ông thật đẹp. Có thể nói ông bị ảnh hưởng của phong cách hội hoạ Nga thế kỷ 19 rất rõ rệt. Đặc biệt tôi thích một bức phong cảnh ông vẽ thời ở chiến khu Việt Bắc. Bức tranh ấy gợi tôi nhớ đến những tác phẩm phong cảnh Nga của Levitan. Tất nhiên, đó chỉ là ảnh hưởng, chứ bức tranh Việt Bắc này của ông Việt Nam lắm.

Hoạ sĩ cũng có mặt ở phòng tranh, ông đang trò chuyện với một phụ nữ khoảng ngoài 30. Hình như, chị là nhà báo thì phải.

Một lúc sau họ đi ngang qua chỗ tôi đứng. Tôi rụt rè nói: "Bác ơi, cháu rất thích tranh của bác".

Ông hoạ sĩ cười rạng rỡ, nheo nheo mắt hỏi tôi: "Thế à? Cháu thích bức phong cảnh Việt Bắc này à? Vì sao cháu thích?".

Dường như ông muốn kéo dài thêm khoảnh khắc sung sướng khi được một cậu bé hâm mộ.

Tôi đáp thành thật: "Cháu thích vì bức ấy giống tranh của Levitan, bác ạ".

Ông già thoắt sa sầm mặt. Ông nhìn tôi cau có: "Levitan là ai? Tôi không biết ông ta". Rồi ông tức giận quay ngoắt đi, bước nhanh khỏi chỗ tôi đứng.

Tôi ngỡ ngàng nhìn theo, rồi quay lại nhìn chị phụ nữ. Chị khẽ khàng bảo: "Em vừa xúc phạm bác ấy".

Tôi hoảng hốt phân bua: "Sao lại xúc phạm ạ? Em thấy tranh bác ấy đẹp thì em khen. Em không biết là bác ấy không biết Levitan".

Chị cười: "Levitan là ai bác ấy biết chứ. Nhưng em nói thế có nghĩa là bác ấy bắt chước Levitan, mặc dù chính chị cũng thấy bác ấy bị ảnh hưởng. Lần sau em đừng khen như thế nhé!".

Tôi cúi đầu ngượng ngập. Chị đã dạy tôi bài học đầu tiên trong đời về việc làm sao phải biết nói khéo léo để không làm mếch lòng người khác.

Sau này tôi hiểu ra, rất có thể bác hoạ sĩ kia đã phải rất lao tâm khổ tứ mới vẽ ra được bức tranh Việt Bắc ấy, và khi sáng tác nó trong thập niên 1940, ông chưa hề biết Levitan là ai.

Cách đây không lâu, tôi viết chuyện Oshin. Đầu tiên chỉ định viết ngăn ngắn thôi. Sau được bà con trên mạng hưởng ứng, nên vừa viết vừa nghe ngóng, cố tình kéo dài chuyện để câu dầm. Hôm nay viết đến đoạn này, xem bà con comment, nếu thấy ai đoán ra cái kết cục mình định viết, thì lại phải cố tình nặn óc ra tình tiết khác. Xem ra, bà con cũng khoái cách này.

Nhưng rồi đến một hôm chat với một người quen. Cậu ta hồn nhiên nhận xét: "Cái chuyện Oshin trên blog của anh hấp dẫn phết nhỉ? Anh lấy ở đâu ra đấy?"

Ô, tôi thật choáng. Tại sao cậu ta lại có thể nghĩ là tôi LẤY ở đâu ra nhỉ? Sao cậu lại coi thường tôi thế? Đến lúc đó tôi mới hiểu cái cảm giác bị KHEN nó như thế nào.

Tôi hỏi lại: "Chẳng nhẽ tôi không viết được như thế à?". Cậu ta chột dạ: "Tại anh không ghi chú là anh viết nên em phải hỏi".

Ô hay, blog là của tôi, chẳng nhẽ viết gì, tôi cũng phải ghi chú ở dưới là "BÀI NÀY DO TÔI VIẾT" à? Chán chả buồn nói!

Tôi không trách lời khen vô tình của anh bạn nọ. Nhưng từ đó tôi bị cụt hứng viết tiếp Oshin. Mong bà con thông cảm.

Chú thích: Một bức tranh phong cảnh của Levitan.

Ghi chú: BÀI NÀY LÀ DO TÔI VIẾT!

9/9/07

VÔ HỒN



... Một nửa thành phố này đơn giản là không tồn tại. Theo tôi nghĩ, khoảng không gian bên trong đường Vành đai đang hàng đêm biến thành cái gì đó tựa như một trò chơi trên máy tính, nơi chỉ toàn đám người rỗng tuếch cư trú. Đã có những lúc họ từng là những con người bình thường với ước mơ giản dị, "với những tâm hồn, khí thế tuyệt vời", với những mối lo cơm áo gạo tiền. Thế rồi, trong một khoảnh khắc nào đó, họ hiểu rằng, để biến thành nhân vật chính của các tờ tạp chí thời thượng, những nữ hoàng, người hùng của sàn nhảy, hay các hiệp sĩ nhà hàng bên bàn nhậu, còn dễ dàng hơn. Họ biến cuộc sống của mình thành bầu không khí của những cuộc chơi mút chỉ và trở thành những cư dân chuyên lấy đêm làm ngày được tâng bốc nhất ở mọi ngóc ngách thành phố.

Những ánh đèn đêm đã khiến cặp mắt họ không còn thích nghi với ánh sáng ban ngày, những bóng đèn trong nhà tắm nắng nhân tạo đã khiến họ không còn khả năng tắm nắng ngoài thiên nhiên dưới mặt trời, hàng tấn nước hoa và mỹ phẩm cùng ma tuý và chế độ ăn kiêng dần dần khiến cơ thể họ trở nên tiều tuỵ, còn mớ tạp chí nóng bỏng cùng các chương trình giải trí trên truyền hình cũng làm cho não họ tiều tuỵ hệt như vậy. Cuối cùng thì cả đám họ biến thành những chiếc bóng tựa như người vô hình chỉ có thể rời khỏi nhà khi đêm xuống, lúc thứ ánh sáng nhân tạo che giấu hết những gì nằm dưới lớp phấn son, dưới làn váy hiệu "Prada", quần jeans "Cavalli" hay bộ complet "Brioni" - một sự trống rỗng được che đậy. Chính vì thế mà bạn chẳng bao giờ gặp họ ban ngày trên đường phố (...) Nỗi sợ hãi có ai đó sẽ nhìn thấy hai hốc mắt trống rỗng trong con ngươi sau tròng kính râm hiệu Chanel với khuôn mặt được tô vẽ sơn phết buộc họ ban ngày phải ru rú ngồi nhà. Ngày là thời gian của con người, còn đêm - ấy là thời gian của xác ướp.

Đương nhiên, phán xét sự trống rỗng tâm hồn bằng kiểu cách ăn mặc và ngồi kiểu xác ướp trong một quán cà phê Piramid nào đó hay là quán bar Ramzé và vừa chăm chú xem những tấm ảnh chụp của đám dân chơi bao giờ cũng dễ dàng hơn là sống đời con người với đầy đủ hỉ nộ ái ố. Bất cứ ai cũng đều có mục đích của đời mình, còn xác ướp thì đương nhiên là không. Chúng chỉ có một sự tồn tại trong không gian trống rỗng.

Ban đầu chúng chỉ là một số rất ít. Dần dần, chúng càng ngày càng đông lên. Chúng cần có nơi chốn để mà giao tiếp với những người giống mình, để mà cám dỗ họ vào guồng với mình và để nhân giống đội quân xác ướp. Rồi vào một ngày đẹp trời nào đó, cứ thử tin lời tôi xem, họ sẽ kịp nhân giống nguyên cả một thành phố. Và như vậy, khi cái đám xác ướp này tăng đột biến trên từng kilômét vuông diện tích hữu dụng của dăm ba nhà hàng, vũ trường, hệt như loại nấm diệt ruồi mọc sau cơn mưa axít, trong thành phố lại xuất hiện vô khối các shop thời trang, thẩm mỹ viện, vũ trường, nhà hàng hoặc quán cà phê. Đó là những chỗ mà bạn có thể thấy chúng hàng đêm.

Để đồng nhất bè bạn của mình giữa các đám khách chơi ở những chốn nói trên, (một số ít trong đó bây giờ vẫn còn là người) đám xác ướp cần một hệ thống định vị riêng của mình... Và lúc ấy, thế giới của các thương hiệu thời trang sẽ nhảy xổ vào hỗ trợ đám xác ướp này. Điều này giải thích tại sao đám xác ướp ăn mặc gần như theo một kiểu như nhau - danh sách các nhãn mác quần áo hay xe hơi hoàn toàn không dài lắm. Để làm quen với nhau, chúng không cần phải ngửi hít, ve vãn, lòng vòng rào trước đón sau với những câu chuyện dài dòng cà kê dê ngỗng kiểu như "ai mặc đồ gì ở đâu và bay đi đâu nghỉ phép" như trước đây nhằm hiểu thêm về đối tác của mình thuộc thế giới nào. Giờ đây, chỉ cần dùng mắt thường coi cách ăn mặc của đám người ngồi sau bàn là đủ để xác định được chính xác đâu là xác ướp...

Đọc đoạn trích trên, hẳn bạn tìm ra bóng dáng cuộc sống hiện đại của chúng ta trong đó. Nếu không nêu đích danh cái thành phố, nơi mà sự vô hồn này diễn ra, thì chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ rằng sự vật vờ này đang tồn tại ở đây, ngay bên cạnh ta mà thôi.

Đoạn văn trên trích dẫn từ tiểu thuyết "Vô hồn" (Duhless) của nhà văn trẻ người Nga Sergey Minaev, thuật lại sinh động cuộc sống vô nghĩa và tẻ nhạt của thế hệ 7X ở Nga - một thế hệ mà tiền và tình dục được coi là thước đo của thành công.

Cuốn sách còn có tựa đề khác là "Chuyện về một người không chân chính", để đối lập với "Chuyện về một người chân chính" của Boris Polevoi thuật lại cuộc đời của anh hùng phi công Maretsev, bị cụt hai chân, nhưng vẫn lái máy bay chiến đấu trong Chiến tranh vệ quốc.


"Vô hồn" do Nhật An và Trương Hồng Hạnh chuyển ngữ khá công. Sách do Nhà xuất bản Trẻ và Tinh Văn phối hợp ấn hành.


 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết