Hôm rồi đọc một vở kịch (chứ không phải xem) mà rơi nước mắt. Kịch không có mối tình ngang trái nào, không có trai yêu gái, chỉ là bi kịch của chính nghĩa bị cái xấu giày vò, vùi dập. Vùi không được, dập không xong, cho dù đầu rơi và máu đổ, tất nhiên rồi, nhưng cái cách của con người tàn bạo với cái đẹp, khiến ta bật khóc.
Đây là kịch bản được nhận giải thưởng của Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam năm 1981 của tác giả Hoàng Hữu Đản, một dịch giả, một nhà giảng dạy và nghiên cứu văn học. Nhưng 8 năm sau, vở kịch "Bí mật vườn Lệ Chi" mới được dựng trên sân khấu thành phố Hồ Chí Minh. Rồi bị buộc ngưng diễn (hiểu được là... chết liền, đọc hết vở kịch mà không hiểu sao lại bị cấm diễn). Và vở kịch đã trở lại với công chúng thành phố vào giữa năm nay.
Nhiều câu quá hay, xin trích ra đây:
Kẻ sĩ chân chính không chấp nhận lời dối trá, không khuất phục bạo tàn.
Giữ lấy ngọn đuốc văn hiến là dân, mà thổi bùng ngọn lửa văn hiến ấy là nhiệm vụ kẻ sĩ.
Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang lẽ phải có thể bị giết vì lẽ phải, nhưng bảo vệ lẽ phải vẫn mãi là thiên chức của con người!
Nghe nói đó là vở kịch rất kén khán giả. Một kiểu bi kịch Hy Lạp.
"Trước khi màn hạ, những tiếng nói cuối cùng vang lên và tóm tắt số phận của chúng ta trên trái đất là những tiếng nói của sự tiếc hận, của lòng biết ơn và yêu thương" - Lời nói của Tổng lãnh sự Pháp tại Tp HCM, Nicolas Warnery.
Bữa đó tới giờ cứ nhớ về vở kịch, nhớ ông Hoàng Hữu Đản. Nó ám ảnh ta bởi một giả thiết quá mới, được đặt ra xung quanh cái chết của Nguyễn Trãi. Ông không chết bởi bọn gian thần, bởi người phụ nữ nhẫn tâm nhiều tham vọng tên Nguyễn Thị Anh. Ông không chết bởi những con người tầm thường như thế. Ông chết bởi sự va chạm giữa hai nền văn minh (lại nói cho hoành tráng), giữa kẻ sỹ và một triều chính được xây dựng trên cái nền của vua quan hãnh tiến, thiếu một tầm nhìn xa, tham lam không kiềm chế, thù hằn vặt vãnh cá nhân, và... Nguyễn Trãi. Một mình.
Nảy sinh tình huống như sau:
Nguyễn Trãi dùng thời gian rảnh để đọc sách, thưởng trà, ông đọc "Trăm năm cô đơn", "Sông Đông êm đềm", hay "Chùm nho nổi giận" thì vua quan mê mẩn uống rượu hát ca, có đọc, thì cũng lướt qua mấy chuyện vụ án giật gân, ma quái kiểu tuyển tập "chuyện kể lúc nửa đêm".
Nguyễn Trãi vò đầu bứt tóc hoạch định một chiến lược phát triển đất nước trong năm mươi năm tới thù quan quan ấy, những người chưa bao giờ biết run rẩy, xao động khi cầm lên một cuốn sách hay, một câu thơ đẹp, một ánh trăng tan, một tiếng dế ran bên hè, một màu nắng phai, một cơn mưa mòng... chỉ nghĩ coi ngày mai ăm với món gì. Cao lương mỹ vị cũng ngán quá rồi.
Nguyễn Trãi tìm một bà vợ thông minh, biết chữ còn vua quan ấy chọn vợ đẹp, dù tham vọng, ác độc, ít học không sao, miễn là hấp dẫn, sắc nước hương trời. Và vua toại nguyện khi trong cung có được Nguyễn Thị Anh.
Va chạm đã nảy sinh từ những chi tiết rất nhỏ của hai lối nghĩ, hai lối sống, hai cách nhìn đời. Tâm hồn kẻ sĩ, thư sinh của Trương Ba không đủ mạnh kiềm chế sự bản năng, thô lậu của thân xác anh hàng thịt.
Nên trước Nguyễn Trãi, hẳn cũng có người ngã xuống, sau Nguyễn Trãi, trăm năm, ngàn năm sau vẫn còn những số phận, những giày vò, những oan khiên... Chẳng vì anh A, anh B, hay chị C nào, chỉ vì lịch sử luôn tồn tại những triều đình với những vua quan không... đọc sách, hoặc đọc sách mà không hiểu sách nói gì.
Trời ơi, ta có đề cao sách quá chăng?
NGUYỄN NGỌC TƯ
T/B: Bài của nhà văn NGUYỄN NGỌC TƯ đăng trên tạp chí Tia sáng số 18 ra ngày 20.9.2007. Bài quá hay, mà tạp chí Tia sáng lại không mấy phổ biến, nên post lên đây để bà con cùng đọc. Xin lỗi chị Tư, vì tui không biết phải liên lạc với chị qua số nào để xin phép.
Ảnh: Hữu Châu trong vai Nguyễn Trãi, vở "Bí mật vườn Lệ Chi". Xin từ blog của cogaidolong.
Đây là kịch bản được nhận giải thưởng của Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam năm 1981 của tác giả Hoàng Hữu Đản, một dịch giả, một nhà giảng dạy và nghiên cứu văn học. Nhưng 8 năm sau, vở kịch "Bí mật vườn Lệ Chi" mới được dựng trên sân khấu thành phố Hồ Chí Minh. Rồi bị buộc ngưng diễn (hiểu được là... chết liền, đọc hết vở kịch mà không hiểu sao lại bị cấm diễn). Và vở kịch đã trở lại với công chúng thành phố vào giữa năm nay.
Nhiều câu quá hay, xin trích ra đây:
Kẻ sĩ chân chính không chấp nhận lời dối trá, không khuất phục bạo tàn.
Giữ lấy ngọn đuốc văn hiến là dân, mà thổi bùng ngọn lửa văn hiến ấy là nhiệm vụ kẻ sĩ.
Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang lẽ phải có thể bị giết vì lẽ phải, nhưng bảo vệ lẽ phải vẫn mãi là thiên chức của con người!
Nghe nói đó là vở kịch rất kén khán giả. Một kiểu bi kịch Hy Lạp.
"Trước khi màn hạ, những tiếng nói cuối cùng vang lên và tóm tắt số phận của chúng ta trên trái đất là những tiếng nói của sự tiếc hận, của lòng biết ơn và yêu thương" - Lời nói của Tổng lãnh sự Pháp tại Tp HCM, Nicolas Warnery.
Bữa đó tới giờ cứ nhớ về vở kịch, nhớ ông Hoàng Hữu Đản. Nó ám ảnh ta bởi một giả thiết quá mới, được đặt ra xung quanh cái chết của Nguyễn Trãi. Ông không chết bởi bọn gian thần, bởi người phụ nữ nhẫn tâm nhiều tham vọng tên Nguyễn Thị Anh. Ông không chết bởi những con người tầm thường như thế. Ông chết bởi sự va chạm giữa hai nền văn minh (lại nói cho hoành tráng), giữa kẻ sỹ và một triều chính được xây dựng trên cái nền của vua quan hãnh tiến, thiếu một tầm nhìn xa, tham lam không kiềm chế, thù hằn vặt vãnh cá nhân, và... Nguyễn Trãi. Một mình.
Nảy sinh tình huống như sau:
Nguyễn Trãi dùng thời gian rảnh để đọc sách, thưởng trà, ông đọc "Trăm năm cô đơn", "Sông Đông êm đềm", hay "Chùm nho nổi giận" thì vua quan mê mẩn uống rượu hát ca, có đọc, thì cũng lướt qua mấy chuyện vụ án giật gân, ma quái kiểu tuyển tập "chuyện kể lúc nửa đêm".
Nguyễn Trãi vò đầu bứt tóc hoạch định một chiến lược phát triển đất nước trong năm mươi năm tới thù quan quan ấy, những người chưa bao giờ biết run rẩy, xao động khi cầm lên một cuốn sách hay, một câu thơ đẹp, một ánh trăng tan, một tiếng dế ran bên hè, một màu nắng phai, một cơn mưa mòng... chỉ nghĩ coi ngày mai ăm với món gì. Cao lương mỹ vị cũng ngán quá rồi.
Nguyễn Trãi tìm một bà vợ thông minh, biết chữ còn vua quan ấy chọn vợ đẹp, dù tham vọng, ác độc, ít học không sao, miễn là hấp dẫn, sắc nước hương trời. Và vua toại nguyện khi trong cung có được Nguyễn Thị Anh.
Va chạm đã nảy sinh từ những chi tiết rất nhỏ của hai lối nghĩ, hai lối sống, hai cách nhìn đời. Tâm hồn kẻ sĩ, thư sinh của Trương Ba không đủ mạnh kiềm chế sự bản năng, thô lậu của thân xác anh hàng thịt.
Nên trước Nguyễn Trãi, hẳn cũng có người ngã xuống, sau Nguyễn Trãi, trăm năm, ngàn năm sau vẫn còn những số phận, những giày vò, những oan khiên... Chẳng vì anh A, anh B, hay chị C nào, chỉ vì lịch sử luôn tồn tại những triều đình với những vua quan không... đọc sách, hoặc đọc sách mà không hiểu sách nói gì.
Trời ơi, ta có đề cao sách quá chăng?
NGUYỄN NGỌC TƯ
T/B: Bài của nhà văn NGUYỄN NGỌC TƯ đăng trên tạp chí Tia sáng số 18 ra ngày 20.9.2007. Bài quá hay, mà tạp chí Tia sáng lại không mấy phổ biến, nên post lên đây để bà con cùng đọc. Xin lỗi chị Tư, vì tui không biết phải liên lạc với chị qua số nào để xin phép.
Ảnh: Hữu Châu trong vai Nguyễn Trãi, vở "Bí mật vườn Lệ Chi". Xin từ blog của cogaidolong.
1 comments:
Phổ biến bên FB nữa a Cường nhé
Đăng nhận xét