26/6/09

NỬA THẾ KỶ MICHAEL JACKSON



... Khi tôi 20, Michael Jackson nổi tiếng như cồn trên toàn cầu. Album "Thriller" của anh được cả người nghe nhạc lẫn giới phê bình tán thưởng. Thời đó, Việt Nam mới bắt đầu đổi mới, tiếp xúc với bên ngoài chủ yếu qua cửa ngõ các nước xã hội chủ nghĩa. Những người đi Đức, Hungary mang về những chiếc đĩa nhựa của anh và đám thanh niên chúng tôi truyền tay nhau nghe một cách háo hức.



Phải nói âm nhạc của Michael Jackson có sức ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ. Một giọng hát cao vút phi giới tính với những kiểu ngân và rung, những tiếng hú chỉ riêng anh mới có, những giai điệu kích động thăng hoa khiến người nghe run rẩy ngay từ khi những nốt nhạc đầu tiên vang lên và lôi cuốn người nghe hiến mình trọn vẹn cho ca khúc đến tận nột nhạc cuối cùng.
Vài năm sau, khi video trở nên phổ biến, tôi mới được thưởng thức những bài hát của Michael Jackson dưới dạng video clip, và càng sửng sốt, thích thú hơn với lối trình diễn có một không hai của anh. Michael Jackson đúng là hình mẫu nghệ sĩ trình diễn điển hình nhất của showbiz thế giới, kết hợp giữa giọng hát, nhảy múa và diễn xuất đầy kịch tính. Có lẽ sẽ là không quá đáng, nếu coi Michael Jackson là nghệ sĩ tài năng nhất và vĩ đại nhất của nhạc pop thế giới nửa cuối thế kỷ XX.



Những tác phẩm mang màu sắc chính trị của Michael Jackson như Earth Song, We Are the World, Heal the World cũng có sức thuyết phục và lan tỏa rộng rãi.

Vào thập kỷ 1980, khi mà thông tin chưa bùng nổ như hiện nay, thì Michael Jackson đối với tôi như một hình mẫu về sự sáng tạo. Sự có mặt của Michael Jackson trong nhóm Jackson 5 đã quá thuyết phục, nhưng khi trở thành ca sĩ solo, anh vẫn vượt được qua thành công cũ, tạo cho mình một lối trình diễn mới đầy hấp dẫn và mê hoặc, gây ảnh hưởng đến cả một thế hệ khán thính giả và những nghệ sĩ xuất hiện sau đó.

Nổi tiếng như Michael Jackson thì khó mà tránh khỏi scandal. Những vụ bê bối về lạm dụng tình dục trẻ em, những ca phẫu thuật thẩm mỹ liên tiếp để biến từ người da đen thành người da trắng... đã phần nào làm lu mờ hào quang của Michael Jackson. Không thể hiểu tại sao đang là một người da đen hoàn hảo, anh lại muốn trở thành một người da trắng què quặt?



Thực hư những vụ bê bối của Michael Jackson có lẽ từ nay sẽ ra đi vĩnh viễn cùng sự vụt tắt của một huyền thoại. Nhưng dẫu thế nào thì cũng không thể phủ nhận được tài năng và sự đóng góp của anh đối với nhạc pop thế giới. Nhiều bài hát của anh đã trở thành những tác phẩm pop kinh điển. Bản chất của con người là bao dung, nên từ nay người ta sẽ nhớ mãi những ca khúc và điệu nhảy bất hủ của anh.

Riêng tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh chàng ca sĩ da đen điển trai, sống động luôn biểu diễn hết mình và luôn biết đẩy mình đến tận cùng của cảm xúc để sáng tạo và đem đến cho nhân loại những cảm giác ngất ngây.

25/6/09

"TIM NÓNG MÀ ĐẦU CŨNG NÓNG"


Đạo diễn Khải Hưng: Nghệ sĩ làm lãnh đạo “tim nóng mà đầu cũng nóng”

Đó là phát biểu của đạo diễn phim truyền hình Khải Hưng về người nghệ sĩ làm lãnh đạo. Tôi biết Khải Hưng với tư cách một khán giả biết phim của đạo diễn. Hôm nay đọc bài phỏng vấn ông thấy hay, mạn phép chép ra đây cho bạn bè cùng tham khảo.

Đạo diễn Khải Hưng: Nghệ sĩ làm lãnh đạo “tim nóng mà đầu cũng nóng”


“Thường người nói rằng làm lãnh đạo phải có cái đầu lạnh và trái tim nóng nhưng đối với người nghệ sĩ làm lãnh đạo thì đầu nóng mà trái tim cũng nóng. Cho nên cũng có cái bất lợi, đó là có gì thì hay nói thẳng và không giữ mồm giữ miệng, hay gây scandal vớ vẩn vì lỡ mồm”... - đạo diễn Khải Hưng chia sẻ.

7h30 sáng, ông đã ngồi đợi tôi ở công ty riêng của mình. Ông bắt đầu cuộc trò chuyện với chất giọng chậm rãi, nhẹ nhàng, khác với cách trò chuyện thẳng thắn, “coi trời bằng ống kính máy quay” đặc trưng của đạo diễn Khải Hưng trước kia…

"VĂN NGHỆ CHỦ NHẬT" KẾT THÚC LÀ ĐÚNG…

- Có thể coi đạo diễn Khải Hưng là cha đẻ của "Văn nghệ chủ nhật". Mới đây, nó bị khai tử và thay thế bằng "Rubic 8". Hỏi thật, cảm giác của ông thế nào?

- Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn. Phim cũng là cuộc vui. Mà nó có tàn thì nó mới đẩy sang một cuộc vui mới.

VNCN đã có đời sống 15 năm, một chương trình giải trí tồn tại được 15 năm là quá dài rồi nên đã đến lúc nó kết thúc. Mà kết thúc là đúng. Đáng lẽ nó nên kết thúc sớm hơn, đến lúc này là hơi bị dai dẳng kéo dài rồi.

Khi người ta không tâm huyết với nó, không đầu tư với nó thì nó phải tự tiêu diệt đi, khi khán giả chán nó thì nó phải tự huỷ đi để nó mọc ra cái mới. Cái cũ bao giờ cũng nên mất đi để cái mới nẩy sinh ra.

- Nhưng sự chia tay nào cũng tiếc nuối cả…

- Tôi không tiếc vì có sự kế thừa của nó. Cốt lõi của nó không mất vì Rubic 8 đã trình chiếu là hệ quả của VNCN. Nó chỉ mất tên còn hồn cốt vẫn là phim truyền hình, mà phim truyền hình là ai đẻ ra? Là Khải Hưng chứ ai. Chắc chắn thế!

Tôi là người đầu tiên làm phim truyền hình, tôi viết các công đoạn làm phim truyền hình. Ngay cả TFS, ngày trước, cũng phải ra 3 ngày ở đây học hỏi kinh nghiệm để làm một bộ phim. Tiếc là hồi đó mình dẫn đường… sai!

Dẫn sai bởi vì hồi đó làm gì có phim dài tập, mình học theo điện ảnh nên mình chỉ biết làm phim một tập. Rồi dần dần phim nước ngoài tràn vào như "Đơn giản tôi là Maria", "Người giàu cũng khóc"… mình thấy phim dài tập nhiều nên mình mới làm phim dài tập. Công đoạn làm phim truyền hình lẽ ra phải bắt đầu với phim dài tập thì mình lại bắt đầu với con đường phim ngắn tập. Mình có được đi đâu đâu, mình có biết gì đâu…

- Nhưng rõ ràng những bộ phim ngắn tập của ông rất ấn tượng, bây giờ nhắc đến những phim VNCN là người ta nhắc đến những bộ phim của đạo diễn Khải Hưng...

- Đó là phần đầu, sau đó mất ấn tượng thì cũng là do mình. Con đường của mình lúc đầu nó chỉ ấn tượng lúc đầu nhưng nó không phải là con đường dài hơi.

- Như vậy ông nói rằng một trong những lỗi để VNCN khai tử cũng là do ông?

- Tôi khai sinh ra nó không đúng đường…

- Ông đánh giá như thế nào về "Rubic8"?

- Nó là hệ quả của VNCN và "Gặp nhau cuối tuần". Đó là một chương trình mới mang tính giải trí cao, mang tính chính luận nữa. Nó thừa hưởng rất nhiều.

- Nhưng có người phàn nàn, "Rubic 8" bị hỗn tạp quá và chưa thật sự hấp dẫn…

- Mọi người hay đòi hỏi nhưng mà thói quen của mọi người cũng dễ thay đổi. Tôi không tin nó sẽ bị kém cỏi. Vì thực ra ý tưởng này không mới, nó hình thành mấy năm nay rồi.

- Góp ý cho những người làm phim bây giờ, ông sẽ nói gì, điều mà trước đây ông chưa bao giờ nói?

- Không có gì tôi không nói. Về nghề thì tôi nói tất. Còn trong cuộc sống thì khác…. Tôi nói đánh đồng, không dám nói thẳng mặt…

Riêng VFC thì tôi nghĩ cần yêu cầu một cách quyết liệt là phải có trường quay. Chi phí cho phim phải tăng lên bởi giá bát phở từ 1000 mà bây giờ 15000 còn không mua được trong khi giá phim 15 năm nay không thay đổi.

Phải đón đầu công nghệ mới. Kĩ thuật làm phim truyền hình của mình cực kì lạc hậu, không đón đầu được. Khi tôi mang Chạy án đi tham dự liên hoan phim quốc tế, phim mình làm hay thế nhưng chiếu mờ mịt quá… Thấy xót xa chứ!

Đạo diễn Khải Hưng: Nghệ sĩ làm lãnh đạo “tim nóng mà đầu cũng nóng”

Đạo diễn Khải Hưng và con trai - đạo diễn Khải Anh.

- Thế riêng với con trai ông, đạo diễn Khải Anh, ông có định hướng gì cho con?

- Tôi chẳng bao giờ định hướng cả vì đời cua cua máy đời cáy cáy đào . Nó làm thế nào, đó là việc của nó, mình chưa định hướng được cho đời mình thì làm sao mình định hướng được đời của nó.

Tôi nghĩ những người bố người mẹ định hướng cho con cái là sai lầm hết. Mọi công dân từ 18 tuổi trở lên phải tự định hướng cho mình. Cô cứ quan sát mà xem, ông nào mà chăm con nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa , đến 25 tuổi mà vẫn chăm như còn nhỏ thì y như rằng đứa con ấy không đứng được trong cuộc đời này…

- Ông có nghĩ Khải Anh sẽ tiếp bước con đường của ông… tương lai sẽ là một giám đốc VFC…

- Con tôi làm gì là quyền của nó. Tôi không lựa chọn thay.

- Nhưng nó có thể là tiền đề…

- Vừa mới bữa cơm tối qua thôi, tôi nói rằng có cái trailer, bố thuê con thì con ra giá bao nhiêu… Nó bảo 2000 USD, tôi bảo 2000 USD thì tôi làm 20 cái. Nó nói giá bố là giá cũ, giá của con là phải 2000. Đấy là sự chênh nhau. Đó là chuyện thật. Khác nhau hoàn toàn về tư duy...

- Ông đánh giá như thế nào về khả năng của con trai…

- Tôi không bao giờ đánh giá. Đánh giá thì để cho những người xem bên ngoài đánh giá là công bằng nhất, không bao giờ bố lại đánh giá con. Với tôi, không bao giờ có chuyện con hát bố khen hay, con hát mẹ khen hay. Tôi chả bao giờ xem phim của nó trừ khi phim nó được giải…

- Không bao giờ?

- Chả bao giờ…

- Ông không xem để góp ý?

- Không…

- Tại sao?

- Vì không có uy lực. Nó có cái cá tính của nó, mình có cá tính của mình. Ngay cả khi đang còn làm giám đốc VFC tôi cũng không bao giờ góp ý trực tiếp. Người góp ý là cấp trên, thủ trưởng của nó.

- Đó là trong công việc, còn trong cuộc sống gia đình thì sao, thưa ông?

- Nó có thể yêu người này, bỏ người này, lấy người kia… Đó là việc của nó. Nó quyết định. Nó lấy vợ chứ có phải mình lấy đâu tại sao mình lại phải quyết định thay nó.

- Trong tâm tưởng của thì ông muốn có một cô con dâu như thế nào?

- Tôi muốn có một đứa con dâu phù hợp với bản thân đứa con trai của tôi chứ không phải với tôi vì mình có lấy nó đâu mà mình phù hợp. Đòi hỏi nó hợp với mình với gia phong nhà mình là chuốc lấy sai lầm…

KHÔNG MUỐN VỪA ĐÁ BÓNG VỪA THỔI CÒI…

- “Tôi giống như một người máy” – ông đã từng nói như vậy khi còn đang đảm nhận cương vị Giám đốc VFC. Bây giờ, khi đã thành “thường dân”, cuộc sống của ông có khác đi?

- Vẫn như thế! Ngày nào, tôi cũng dậy vào 5h, tắm rửa, đi ăn sáng, đến nơi làm việc khoảng 7h và về nhà vào khoảng 7h tối.

Chỉ có một điểm khác là ngày xưa sau khi ăn sáng xong thì đến Đài Truyền hình còn bây giờ đến công ty của mình.

- Đã bao giờ ông đi nhầm đường – thay vì đến công ty lại đến Đài Truyền hình chưa?

- Cũng có! Thời gian vừa mới nghỉ. Sáng, tôi vẫn có thói quen đi ăn phở, quán phở dọc đường Tuệ Tĩnh, ăn bao nhiêu năm nay, từ khi bố mẹ họ bán cho đến khi bố mẹ họ nghỉ và con cái bán.

Con đường ăn phở và con đường 20 năm đi nó giống nhau nên theo thói quen cứ đi thẳng, đi thẳng. Đến Đài Truyền hình, đi qua cổng bảo vệ, mình cũng chẳng có cảm giác gì cả, chỉ nghĩ là phải rẽ chỗ này, đậu xe chỗ kia...

Bỗng bảo vệ người ta chào mình, mình thấy chào có vẻ hơi nghiêm trọng nên mới giật mình “thôi chết rồi nhầm đường”.

Mình dừng lại và… quay xe. Hình như hôm đấy anh bảo vệ anh ấy cũng biết là mình nhầm. Đấy là một kỉ niệm cũng có thể nói là nửa vui nửa buồn.

- Tại sao nửa vui nửa buồn, thưa ông?

- Nửa vui là mình vẫn đang đi làm. Nửa buồn là cánh cửa mình đã gắn bó tới 30 năm không phải là cánh cửa mở ra với mình. Ai cũng vậy thôi, tôi không nói tới một giám đốc hay một lãnh đạo hay một cái gì đại loại như thế, khi mà đã gắn bó với một nơi nào đó mà phải xa nơi đó thì mình thấy tiếc chứ, mình nhớ chứ!

Cả cuộc đời mình gắn bó ở đấy rồi. Thời gian sung sức nhất, làm việc hiệu quả nhất của mình là làm cho VTV. Khi mình rời nơi đó mình cảm thấy tiếc, thấy buồn chứ!

Nhưng tôi nghĩ ai cũng phải về và mình nên chọn cho mình hướng đi tốt hơn sau khi về để làm cho mình không cảm thấy hụt hẫng. Việc này đã được tôi chuẩn bị trước đó gần một năm. Khi mình đã chọn được người thay thế mình, mình cũng đã phải nghĩ sau khi người đó lên thì mình phải làm gì rồi.

- Ông đã mở một công ty tư nhân sản xuất phim truyền hình. Mấy chục năm làm phim rồi, đến lúc được nghỉ ngơi, ông vẫn lao vào làm phim. Ông không sợ người khác kêu mình tham, giành hết việc của lớp trẻ à?

- Tôi muốn tạo ra một sân chơi riêng của mình, làm theo ý thích của mình. Bao nhiêu năm làm nghề sản xuất phim nên tôi tin là mình có đầy đủ kinh nghiệm. Hơn nữa, con đường của các nhà sản xuất phim tư nhân dù bây giờ có khó khăn một chút nhưng nó rất có tương lai, mà nhìn thấy nó có tương lai thì sao mình lại không đi.

Và, tôi còn tính xa hơn, đó là đây sẽ là một công ty gia đình. Tại sao lại không vì con cháu và bạn bè tôi rất nhiều người làm nghề này.

Đạo diễn Khải Hưng: Nghệ sĩ làm lãnh đạo “tim nóng mà đầu cũng nóng”

"Mẹ chồng tôi" - một trong những bộ phim thành công của đạo diễn Khải Hưng.

- Có thông tin, khi ông về hưu và lập công ty riêng, ông đã rút ra khỏi Hội đồng nghiệm thu của Đài, thực hư thế nào?

- Đương nhiên khi ra làm công ty này, tôi tự nguyện viết đơn rút khỏi Hội đồng nghiệm thu của Đài Truyền hình Việt Nam bởi vì mình không nên vừa đá bóng vừa thổi còi. Tự nhiên, mình nghiệm thu mình, rồi nhấm nháy những ông nghiệm thu khác. Như vậy không phải là mình!

Tôi nghĩ mình nên sòng phẳng, hãy nộp kịch bản như mọi người. Kịch bản tốt thì họ cho mình làm, không tốt thì thôi. Nó làm cho mình thanh thản!

Đôi khi chẳng ai nghĩ ngợi về điều đấy đâu nhưng bản thân mình sợ với chính mình. Sẽ có lúc nào đó mình không đấu tranh nổi với mình, mình lại nhờ vả hoặc giả những đồng nghiệp, những người làm ở các công ty khác họ nghĩ rằng ông này làm phim như tôi mà ông lại được nằm trong Hội đồng nghiệm thu... Cái đó cũng khó cho Đài.

Chính tôi viết đơn và được lãnh đạo Đài chấp nhận. Tôi cảm thấy được giải toả tâm lý, thanh thản bước vào cuộc chiến mới.

- Nhưng ai dám chắc là ông sẽ không nhờ vả “quân” cũ của mình?

- À! Đương nhiên là tôi sẽ có nhờ chứ, nhưng mà nhờ có tổ chức chứ không kêu gọi đánh lén. Đi phải có sự xin phép, thoả thuận chứ không đi theo kiểu chui lủi. Tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho bất kể ai ở VFC có thể làm ngoài nếu hoàn thành tốt công việc ở cơ quan và có thời gian rỗi.

Tôi đã từng cấm mọi người đi đánh lén thì không thể bây giờ lại kêu gọi điều đó. Không bao giờ là như vậy.

Nhiều người ở VFC, trước đây ở dưới sự lãnh đạo của tôi, cũng luôn gọi điện bảo, nếu bao giờ anh (chú) có phim thì gọi em (gọi cháu). Hơn ai hết, tôi biết được bộ phim này hợp với ai và tôi cũng hiểu VTV đang cần gì.

TÔI ĐÃ TỪNG RẤT CÔ ĐƠN…

- Trước đây, khi còn là Giám đốc VFC, ông từng nói ông là người rất cô độc, không có bạn bè…

- Đúng vậy! Trong thời gian tôi lãnh đạo trung tâm, thời gian dành cho bạn bè là không có bởi vì công việc chiếm từ sáng đến tối rồi mà nó mệt mỏi lắm. Hơn nữa, tôi không biết uống rượu mà đi với bạn bè thì phải đi quán xá, đi karaoke, nhậu chỗ nọ chỗ kia…

Mỗi khi xong việc, tôi chỉ muốn về nhà tắm rửa, ăn một bữa cơm nóng sốt thật ngon và xem một bộ phim. Có lẽ vì tôi sống như thế nên không có nhiều bạn bè…

Và, thật ra mà nói, làm lãnh đạo cực kì cô đơn. Làm lãnh đạo không ai dám nói thật trong lòng mình, chỉ là nửa vời. Không ai dám nói thẳng trong tim, trong óc mình đang nghĩ cái gì.

Thường người nói rằng làm lãnh đạo phải có cái đầu lạnh và trái tim nóng nhưng đối với người nghệ sĩ làm lãnh đạo thì đầu nóng mà trái tim cũng nóng luôn. Cho nên cũng có cái bất lợi, đó là có gì thì hay nói thẳng và không giữ mồm giữ miệng, hay gây scandal vớ vẩn vì lỡ mồm….

Nhưng dù là nghệ sĩ hay nghề gì đi nữa thì nếu như ai có bản lĩnh và năng khiếu một chút về lãnh thì gần như cô đơn...

- Tại sao lại cô đơn, thưa ông?

- Vì mình đâu có dám nói thật mình đâu. Không dám ngả lòng với mọi người. Ví dụ nhân viên A làm tồi đến 10 phần nhưng chỉ dám nói đến 3-4 phần, còn lại phải động viên em phải cố gắng, có thành tựu vân vân… tức là mình nói dối 50%. Hay ví dụ có cái phim dở lắm, dở 100% nhưng chỉ dám nói 40-50%,…

Mà khi đã nói dối tức là không nói thật mà đối với bạn bè không nói thật tức là tự mình đã có một hàng rào chắn, một khoảng cách đối với mọi người. Chính vì thế mình cô đơn, càng ngày càng cô đơn… Mọi người lãnh đạo đều cô đơn hết.

Tôi thoát ra khỏi sự lãnh đạo, thoát ra khỏi sự cô đơn… Mình trở lại với con người, bản chất của mình, mình chia sẻ mọi điều, không sợ ai đó nói ông là giám đốc mà nói thế à…

- Nhưng ông đâu có “thoát”, nghỉ làm giám đốc VFC ông lại nhảy sang làm giám đốc một công ty tư nhân. Đó chẳng là lãnh đạo sao?Và như ông nói thì chắc chắn ông lại phải tiếp tục nói dối?

- Đây đã có một sự chuyển đổi, trạng thái cô đơn nọ sang trạng thái cô đơn kia và nó khác nhau lắm rồi. Sự cô đơn đó nó dễ chịu hơn rất nhiều!

- Đằng nào cũng là cô đơn. Sao ông không giải phóng hẳn cho mình đi?

- Giải phóng hẳn? Như thế là tự tiêu diệt mình.

- Tại sao lại tự tiêu diệt mình, thưa ông?

- Giải phóng hẳn có nghĩa là mình chẳng làm gì, đi chơi. Nhưng, mà thú chơi của tôi lại là thú làm. Một cô nhân viên cứ băn khoăn không hiểu tại sao tôi cứ làm từ sáng đến tối như thế để làm gì. Tôi bảo là tôi đang chơi đấy chứ, đọc kịch bản của người ta gửi đến, tôi đang du lịch trong số phận của những người khác nhau.

- Nhưng dù sao vẫn không được sống đúng là mình, vẫn có lời nói dối?

- …

- Thế ông định đến bao giờ không nói dối nữa?

- Đến khi chết…

Người phỏng vấn: NHƯ QUỲNH

24/6/09

ĐẰNG SAU VINH QUANG



Chị gọi cho tôi giọng kém vui so với hai tuần trước đó. Chẳng là chị vừa nhận giải của Hội Văn nghệ tỉnh. Giải nhất hẳn hoi, nhưng mà lọt thỏm, chẳng mấy tiếng tăm ở đất nước 85 triệu dân này. Dẫu vậy chị vẫn mừng, vì nó ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi của chị trong nhiều năm qua.

Khi hay tin chị nhận giải nhất, bạn bè, người thân đều hoan hỉ chúc mừng. Chị không làm sếp, cũng chẳng có nhiều mối quan hệ, nên số người chúc mừng cũng giới hạn. Thấy người ta thực sự mừng cho mình, chị cảm thấy hạnh phúc. Nhận ra mình được thương yêu, quý trọng còn khiến chị cảm động hơn cả lúc nghe tin đoạt giải.

Tối thứ Bảy, Hội Văn nghệ tổ chức trao giải. Truyền hình đến quay và phát lên sóng đài tỉnh. Đồng nghiệp, hàng xóm, người quen nhận ra chị gọi điện, nhắn tin chúc mừng tíu tít. Dẫu trong số đó, chị nhận thấy có những lời chúc chỉ là xã giao, nhưng không vì thế mà kém vui.

Đầu tuần đi làm, gặp ngay bà phó giám đốc cơ quan ở cổng, chưa kịp chào hỏi gì, bà đã bốp chát vào mặt chị: "Xin chào nhà văn. Chị bây giờ là người nổi tiếng nhất tỉnh rồi đấy. Từ nay chúng tôi sẽ phải đối xử với chị cẩn thận, kẻo lại mang tiếng không trọng dụng nhân tài thì chết!". Chị cười: "Chị cứ nói thế, chị em mình làm việc với nhau hơn chục năm nay, chị thừa biết em đâu phải loại người như vậy". Bà liếc chị mắt sắc lạnh: "Thì tôi cứ nói thế. Không phải thì thôi!".

Biết rõ tính bà phó giám đốc, mồm miệng lúc nào cũng sắc như thế, nhưng thực ra lại rất phổi bò, không làm hại ai bao giờ, nên chị không để bụng những lời nói của bà. Vài ba người nữa trong cơ quan nói cạnh khoé vớ vẩn, nhưng chị đang vui, nên cho qua.

Rồi chị nhận được một tin nhắn. Đọc lướt qua chị không hiểu. Định thần đọc kỹ thì chị giật nảy mình: "Do di ngu voi ca BGK ha" chỉ có thể là "Đồ đĩ, ngủ với cả ban giám khảo hả?". Chị đột ngột cảm thấy hẫng. Chị như sống trong trạng thái không trọng lượng, có cái gì đó đè nặng lên ngực, trong khi người cứ bồng bềnh bồng bềnh, cục tức không bị chế ngự nhưng cũng không thể thoát ra được.

À, hoá ra có người nghĩ rằng chị không đủ tài để viết một cuốn sách đoạt giải, phải làm cái thủ đoạn hạ đẳng để có được cái vinh quang bé mọn mà giải thưởng của tỉnh nhà mang lại. Chị nhổ toẹt vào cái suy nghĩ thiển cận đó, nhưng vẫn thấy ấm ức muốn biết kẻ tiểu nhân kia là ai. Ai mà lại có thể suy nghĩ một cách bệnh hoạn như vậy?...

...Nửa tháng trôi qua, mọi chuyện dần trở lại với guồng quay cũ. Người ta lãng quên rất nhanh chuyện chị đoạt giải. Chị cũng thế. Cuộc sống cứ cuồn cuộn sự kiện này nối tiếp sự kiện kia. Vinh quang hoá ra là một thứ phù phiếm, hôm nay có, ngày mai không. Chẳng ai sống mãi với vinh quang được cả.

Một hôm ngồi họp ở cơ quan chẳng có việc gì làm, chị giở lại những tin nhắn cũ. Cái tin "do di" vẫn còn đó, như một cái gai chọc vào mắt chị. Thôi, xoá hẳn đi để khỏi phải nhớ đến nó. Chị chọn nút xoá và bấm...

Vài giây sau đột nhiên trong phòng họp vang lên tiếng chuông điện thoại lảnh lót. Bà phó giám đốc đang phát biểu gì đó, dừng lại nói gắt gỏng: "Ai, ai không chuyển điện thoại sang chế độ rung trong khi họp thế? Nội quy cơ quan có rồi, phải nhắc bao nhiêu lần nữa hả?"

Chị đưa mắt nhìn quanh thì thấy một nữ đồng nghiệp khá thân luống cuồng lục tìm điện thoại trong ví đầm, nhìn vài giây rồi tắt phụt đi. Chị ấy ngước mắt rất nhanh về phía chị. Chị cười nháy mắt, ý nói sao lại đãng trí thế?

... Buổi tối, sau khi tẩy trang, chuẩn bị đi ngủ, chị kiểm tra lại điện thoại. Ồ, lạ chưa kìa, cái message chị định xoá vẫn còn nguyên đó. Sao thế nhỉ... rõ ràng là chị đã xoá rồi cơ mà? Chị giở sang mục những cuộc gọi đi và thấy ở đó số điện thoại đã gửi cái tin nhắn đã khiến chị mất ăn mất ngủ suốt mấy ngày.

Chị giật mình, không lẽ...? Rồi chị nhớ lại ánh mắt ngước nhìn rất nhanh của người đồng nghiệp sau khi tắt chuông điện thoại. Cái nhìn có chút luống cuống, sợ hãi và bẽ bàng... Đúng rồi! Ngay lúc đó chị đâu có biết là mình vô tình gọi điện vào số máy đó, nên đã nhìn chị ta một cách hơi bỡn cợt. Và từ đó đến cuối buổi họp, chị ta ngồi im, cố không nhìn về phía chị, tan họp thì đi thật nhanh ra cửa.

Hoá ra chính người phụ nữ này là tác giả của cái message khốn khiếp đó. Chị ta phải dùng một máy điện thoại khác để nhắn cái tin dơ bẩn cho chị. Cảm thấy ngộp thở khi phát hiện ra điều bí mật này, chị mở cửa ban công bước ra ngoài. Đêm hè nóng nực như cướp hết dưỡng khí của chị.

Thì ra đó là chị ta! Hoá ra lại chính là chị ta chứ không phải ai khác. Một đồng nghiệp khá thân thiết, chia sẻ với chị nhiều điều. Người mà chị đã nhiều lần giúp đỡ, mà gần đây nhất là giúp xin việc cho cô con gái mới tốt nghiệp đại học. Quả thực cả chị lẫn chị ta đều là ứng cử viên thay thế phó giám đốc bà la sát sắp về hưu kia, song chưa bao giờ chị nghĩ hai người là đối thủ của nhau. Nhưng vô tình được giải thưởng này, chị trở thành ứng cử viên nặng ký hơn...

... Sau một đêm mất ngủ, chị vẫn không biết phải ứng xử với người đồng nghiệp quý hoá kia như thế nào? Thế đấy, người ta cứ nói "trong hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau", nhưng nay chị thấy trong vinh quang cũng nhận rõ mặt người. Lòng đố kỵ ẩn náu ngay cả trong những người có bề ngoài tử tế và đàng hoàng.

"Cứ thành công đi, khi ấy mới biết rõ ai là bạn thực sự" - đó là kết luận mà chị nói với tôi qua điện thoại.

23/6/09

NGƯỜI ĐỜI THÍCH TÌNH YÊU HƠN



Một tin bất ngờ mà tôi vừa đọc được. Hóa ra siêu sao ca nhạc Nga Alla Pugacheva không phải là người đầu tiên hát bài "Triệu bông hồng" (Миллион алых роз) . Bất ngờ bởi vì tôi biết Alla Pugacheva không bao giờ hát lại bài của ca sĩ khác.

Tác giả "Triệu bông hồng" là Raymond Pauls - nhạc sĩ người Latvia, phổ thơ của nhà thơ Nga nổi tiếng Andrei Voznesensky. Raymond Pauls sinh năm 1936, là người sáng tác nhiều bài hát đem lại vinh quang cho Alla Pugacheva. Ông được Alla Pugacheva tôn làm "bậc đại sư". Chẳng nhẽ ông lại đem một ca khúc đã từng được người khác hát để Alla Pugacheva thể hiện lại?

Trên thực tế, giai điệu nguyên bản của "Triệu bông hồng" lấy từ một sáng tác của Raymond Pauls có nhan đề là "Marita" với phần lời bằng tiếng Latvia. Bài hát kể về người phụ nữ có tên là Marita, lúc còn nhỏ thường được nghe mẹ kể những câu chuyện buồn. Sau này, khi trưởng thành, Marita kể lại cho con gái mình những câu chuyện ấy. Tóm lại là một bài hát buồn và không liên quan gì đến "Triệu bông hồng" cả.

Get this widget | Track details | eSnips Social DNA


"Marita" được một ca sĩ nổi tiếng Liên Xô người Latvia tên là Larisa Mondrus trình bày trong thập niên 1960-1970. Vì bài hát bằng tiếng Latvia, nên nó không vượt ra khỏi ranh giới của nước cộng hòa từng thuộc thành phần của Liên Xô này.

Sang thập niên 1980, tình cờ Raymond Pauls đọc được bài thơ kể câu chuyện tình lãng mạn của chàng họa sĩ thầm yêu một nữ ca sĩ đã bán tranh, bán nhà để mua hoa tặng này, ông thấy những vần thơ của Voznesensky "vừa khít" với giai điệu của Marita. Và thế là ca khúc "Triệu bông hồng" ra đời.

Raymond Pauls đưa nó cho Pugacheva. Nghe nói lúc đầu bà không thích bài hát này lắm, không phải vì nó đã có người hát trước, mà bởi vì nó hơi ... sến. Tuy nhiên, sau khi được phát sóng, bài hát ngay lập tức trở thành "hit", lọt vào chung kết "Bài hát năm" 1983 của Đài Truyền hình Trung ương Liên Xô. Không những thế, "Triệu bông hồng" còn vượt khỏi biên giới Liên Xô và được yêu thích ở nhiều nước trên thế giới.



Nghe nguyên bản "Marita" và "Triệu bông hồng" thì thấy Alla Pugacheva vẫn hát trên nền bản hòa âm cũ. Giọng ca hai người thì một chín một mười. Rõ ràng, chuyện tình được công chúng thích hơn là câu chuyện buồn mà mẹ kể cho con.

Ảnh: Mondrus và con trai

22/6/09

HÔN NHÂN DỊ CHỦNG



Anh họ tôi kết hôn với một phụ nữ nước ngoài. Cuộc sống của họ khó mà hình dung được là một cuộc sống chung. Chị sống theo kiểu của chị, theo mặc định văn hóa của chị. Anh sống theo kiểu của anh, một người Việt Nam gia trưởng mà nếu sống ở Việt Nam với vợ con là người Việt thì cũng khó mà tìm được tiếng nói chung.

Cùng một nhà mà họ ít gặp nhau, gặp nhau cũng ít nói chuyện. Thỉnh thoảng họ cũng cãi vã, nhưng chẳng bao giờ cãi được đến nơi đến chốn. Đơn giản là nếu chị có phun ra những lời giận giữ, thì anh cũng chẳng hiểu chị nói gì. Hoặc nếu anh có muốn đập bàn quát lên cho hả giận thì cũng chẳng biết phải quát như thế nào.

Có lẽ cái sự không đủ ngôn ngữ đã khiến họ không vượt qua giới hạn của những điều tệ hại có thể làm tổn thương nhau dễ dẫn đến chia tay đôi ngả. Một điều nữa giữ hai người lại với nhau là hai cậu con trai đẹp như thiên thần. Chúng đẹp hơn tất cả những đứa trẻ sống ở khu phố của họ. Điều đó khiến chị hãnh diện. Chị cũng nhìn thấy một kiểu yêu con rất đặc biệt của đàn ông Á Đông, thứ tình yêu khó cắt nghĩa và khá khác biệt so với tình cha con Châu Âu thông thường.

Chị là người phụ nữ xinh đẹp, thoáng nhìn cũng biết là người tốt. Bạn bè người Việt sống cùng thị trấn với gia đình anh ca ngợi: "Khó mà tìm được người vợ nào tốt hơn Violetta". Anh cười cười: "Cũng khó mà tìm được người chồng nào như tôi!". Ngẫm ra thì đúng thế, anh thu xếp chỗ làm cho vợ và cô em ruột của vợ, không phải lo nghĩ gì.

Họ cứ sống như thế, hai nửa hoàn hảo dưới một mái nhà, thân thiết mà xa lạ, yêu thương nhưng không thể chiếm hữu nhau.

Cuối năm ngoái, anh về Việt Nam thăm gia đình. Về một mình, vì các con đi học, vợ thì bận rộn với mùa bán hàng Giáng sinh. Trước Tết một tuần, chị gọi điện cho anh: "Em sẽ đưa hai con sang Việt Nam ăn Tết với mẹ anh!". "Sao lại quyết định đột ngột thế?" - anh hỏi giọng đầy cảnh giác. - "Không đột ngột đâu. Em quyết định sang Việt Nam cùng lúc với anh, chỉ có điều bây giờ mới nói!", chị đáp. Anh bực bội: "Lẽ ra phải nói sớm hơn, để còn chuẩn bị chỗ ăn chỗ ở chứ!". Chị bình thản trả lời: "Em học anh đấy, luôn đặt người khác vào việc đã rồi. Em đã mua vé máy bay. Sáng mùng Hai về đến Hà Nội. Không có chỗ ở tại nhà anh thì có thể thuê khách sạn. Anh nhớ ra sân bay đón mẹ con em!"

Khỏi nói anh mừng thế nào khi nghe tin này. Hai thằng con anh dù mang nửa dòng máu nước ngoài, vẫn là những thằng cháu nội mà mẹ anh mong gặp hơn ai hết. Mấy lần anh đã định đưa chúng về Việt Nam, song vợ anh không cho vì sợ anh có thể bỏ chúng ở lại. Nay chị đích thân đưa chúng sang, tức là chị cũng mong chúng biết rõ về nguồn cội của mình.

Chuyến bay hạ cánh xuống Nội Bài vào sáng sớm mùng Hai. Anh hòa mình vào dòng người đứng nhốn nháo trước hàng rào inox đối diện với cánh cửa kính nơi hành khách đi ra. Tay anh cầm một bó hoa gói khá cầu kỳ mua tại quầy hoa trong sân bay. Thấy anh lóng ngóng với bó hoa, tôi cười: "Ở bên ấy anh có bao giờ tặng hoa cho vợ không?". - "Không bao giờ" - anh đáp cụt lủn. "Thế sao hôm nay lại mua hoa?" - "Thấy người ta toàn cầm hoa đi đón người nhà, mình không có hoa trông lạc lõng thế nào ấy"- anh ngượng ngập giải thích.

Tôi dễ dàng hình dung ra tình cảnh của người phụ nữ Châu Âu khá xinh đẹp không bao giờ nhận được hoa của chồng. Chắc chị đã nhiều lần dằn vặt không hiểu người chồng Việt Nam này có thực sự yêu mình không, rốt cục thì mình là ai đối với người đàn ông khó hiểu này và mình được gì từ cuộc hôn nhân hợp chủng này.

Người đàn ông bao năm chỉ thích làm theo ý mình bỗng nhiên thay đổi hành vi khi thấy mình xử sự không giống với những người đồng bào.

Rồi chị đẩy xe hành lý cùng hai đứa con đi qua kiểm soát hải quan và tiến ra phía cửa. Hai đứa trẻ ngỡ ngàng nhìn người đàn ông cầm hoa đang đứng nhìn chúng mắt cười lấp lánh. Chúng kêu ầm: "Tatus, tatus" (Bố, bố). Anh giang tay ôm cả ba người. Tôi thấy chị có vẻ ngượng ngập. Hình như chị chưa quen được chồng ôm tại chốn đông người như thế này.

Ảnh: Corbis

21/6/09

NGƯỜI NGÃ NGỰA LẠC QUAN



Hôm qua, tôi gửi cho anh một tin nhắn chúc mừng, không khác lắm so với cái tin nhắn tôi gửi cho các đồng nghiệp khác. Không thấy anh hồi âm. Tôi nghĩ, chắc anh đoán đấy là cái tin gửi đại trà và thấy không cần thiết phải trả lời. Dù sao thì anh có còn liên quan gì nữa đâu???

Nhưng hôm nay, đúng vào giữa trưa, Hà Nội trời nóng như đổ lửa thì điện thoại của tôi đổ chuông, trên màn hình hiện lên tên anh. Tôi nhấn nút OK và giọng anh rổn rảng vang lên: "Em đó hả? Hôm qua nhận được cái tin nhắn của em, rất ấn tượng đó nghe! Thế nên hôm nay phải gọi điện để cảm ơn em".

Tôi chúc mừng anh một lần nữa. Và hỏi anh đang làm gì? Anh nói đang nhậu với mấy đồng nghiệp để ăn mừng "ngày của chúng ta". Tôi bình: thật hiếm có người nào lạc quan như anh! Anh bảo đời người ai cũng có những khúc quanh, mình đã làm được nhiều điều tốt, có gì đâu mà buồn, mà không lạc quan. "Anh vẫn vui và tin rằng sẽ có một lúc nào đó được quay trở lại" - anh nói chắc như đinh đóng cột.

Người mạnh đến đâu, khéo léo đến đâu, nếu bị ngã ngựa chắc cũng không thể tránh được đôi chút chạnh lòng. Anh chắc cũng thế thôi, nhưng anh vẫn lạc quan. Và lạc quan bao giờ cũng là điều tuyệt diệu giúp ta sức mạnh và tự tin để bước tiếp.

Một lát sau khi nói chuyện với anh, tôi nhắn thêm một tin nữa: "Cú điện thoại của anh khiến em cảm kích. Thành tâm chúc những điều tốt đẹp nhất đến với anh".



19/6/09

CHẾT LÀ CÁNH CỔNG ĐỂ KHỞI HÀNH



Bạn sẽ làm gì nếu như đột nhiên thất nghiệp?

Tất nhiên, bạn sẽ phải tìm công việc khác và có thể sẽ chấp nhận một công việc thấp kém hơn công việc cũ. Nhưng có điều 99,9% trong chúng ta sẽ không bao giờ chấp nhận công việc mà Daigo - nhân vật chính trong bộ phim Nhật Bản "Departures" nhận làm.

Trải qua bao gian khó, chàng trai tỉnh lẻ Daigo (Masahiro Motoki đóng) mới thực hiện được ước mơ từ thời niên thiếu của mình là được kéo đàn cello trong dàn nhạc giao hưởng ở thủ đô Tokyo. Anh dám bỏ 180 nghìn Yen (19 nghìn USD) mua một cây đàn quý để theo đuổi sự nghiệp của mình. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tầy gang, dàn nhạc bị đột ngột giải tán, bỏ lại chàng trai với giấc mơ tan vỡ và món nợ không nhỏ.

Daigo buộc phải bán cây đàn và dắt vợ về quê, sinh sống trong căn nhà nguyên là quán cà phê, nơi người mẹ quá cố đã một mình nuôi anh khôn lớn. Daigo đi tìm việc, sếp công ty NK Agent nhận anh ngay mà không cần phỏng vấn. Công việc lương cao, không cần kỹ năng - kinh nghiệm, được đi đây đi đó, không hề liên quan đến du lịch như Daigo và vợ anh lầm tưởng. Đó là việc TẮM RỬA, KHÂM LIỆM NGƯỜI CHẾT ĐỂ HỌ KHỞI HÀNH VÀO THẾ GIỚI BÊN KIA.


Chính Daigo cũng không ngờ rằng anh dễ dàng chấp nhận công việc ấy, bởi vì sau khi tận mắt chứng kiến những gì mà sếp đồng thời là thầy của mình làm, anh vỡ lẽ ra rằng đó không hề là công việc thấp kém. Khâm liệm người chết là một nghi lễ thiêng liêng, là cả một nghệ thuật mà phải là người có tâm thật sáng, có lòng nhân lớn mới có thể làm được.

Miko - vợ của Daigo (Ryoko Hirosue đóng) sững sờ khi biết được sự thật về công việc của chồng. Quá hoảng sợ, cô xách khăn gói về nhà cha mẹ đẻ. Ngay cả người bạn thuở thiếu thời của Daigo cũng không hiểu anh, trong một lần gặp nhau trên phố, anh khuyên người bạn một câu cụt lủn: "Cậu hãy tìm một công việc phù hợp hơn".

Càng làm, Daigo càng cảm thấy gắn bó với công việc của mình. Anh như người nối nhịp cầu giữa người sống và người chết, giữa người chết với thế giới xa lạ mà họ sắp bước chân vào. Công việc của anh khơi gợi lòng yêu thương, sự ăn năn, hối hận của những người còn sống đối với người đã khuất; chuẩn bị cho người chết một tâm thế để bắt đầu một hành trình mới.


Đến một ngày, vợ Daigo trở lại báo tin cô có mang 3 tháng. Đến một ngày, mẹ của anh bạn thân qua đời, Daigo một tay khâm liệm, xóa tan trong anh ta định kiến về một nghề không phù hợp. Đến một ngày Daigo phải vượt qua chính mình khi hay tin, người cha đã bỏ mẹ con anh 30 năm về trước để chạy theo người tình, qua đời mà anh lại là người ruột thịt duy nhất phải lo việc ma chay cho ông...

Chết không phải là chấm hết. Chết là cánh cổng mà ở đó người ta lại khởi hành.



Bộ phim trôi qua thật nhẹ và nhanh, nhưng để lại trong khán giả những dấu ấn sâu đậm về kiếp người. Lời thoại của phim giản dị, nhưng ẩn chứa sau mỗi lời thoại là một triết lý sống. Phim xứng đáng đoạt 10 giải thưởng điện ảnh của Nhật Bản, giải Oscar phim nước ngoài hay nhất và hàng loạt giải thưởng điện ảnh quốc tế danh tiếng khác.

Nếu bạn lỡ xem "Những cuộc khởi hành" vào ban đêm như tôi đã xem đêm qua, thì bạn yên tâm rằng bạn sẽ không bị ám ảnh và hoảng sợ về những cảnh trong phim. Bộ phim đầy ắp tình người, khiến bạn phải rưng rưng xúc động và thấy cõi tạm ngắn ngủi của chúng ta thật đáng sống biết bao.

Departures - Những cuộc khởi hành

Đạo diễn
Yōjirō Takita
Biên kịch
Kundo Koyama
Diễn viên
Masahiro Motoki
Ryoko Hirosue
Tsutomu Yamazaki
Kimiko Yo
Kazuko Yoshiyuki
Takashi Sasano
Âm nhạc
Joe Hisaishi
Quay phim
Takeshi Hamada
Dựng phim
Akimasa Kawashima


17/6/09

LẠI BÀN VỀ VĂN HOÁ NGƯỜI HÀ NỘI



Đường hầm giao thông hiện đại nhất Việt Nam giải quyết ách tắc cho nút giao thông Lê Duẩn - Kim Liên - Đại Cồ Việt được chính thức khánh thành ngày hôm qua. Bi hài kịch ở chỗ ông trời đã ngay lập tức làm phép thử bằng cách bất ngờ tưới một trận mưa khá nặng hạt xuống Hà Nội ít phút sau khi đường hầm thông xe. Và thật trớ trêu, đường hầm ngập oẵng nước, khiến những người có trách nhiệm vội vã đóng cửa hầm lại.

Thôi thì đành phải chấp nhận lời giải thích chính thức từ ban quản lý đường hầm rằng hệ thống máy bơm chưa kịp vận hành. Bởi vì đến chiều đường hầm đã được mở lại sau khi nước được bơm hết ra và xe lại thông...

Nhưng chuyện sau đây thì không thể chấp nhận được.

Ngay tối 16.6, những dòng chữ vô tư có, bậy bạ có bằng sơn đã kịp thời làm vấy bẩn bức tường sạch tinh khôi của đường hầm. Đọc những dòng chữ rất vô ý thức kia, người ta biết ngay tác giả của chúng là những chàng trai cô gái tuổi teen hoặc trên dưới 20 một chút. Có em còn hãnh diện lên blog của mình khoe thành tích "bóc tem" được con đường hầm.

Thật hết chỗ nói.

Thời gian qua, người Hà Nội đã nổi danh với những vụ việc vô văn hoá như bẻ hoa sakura, phá hỏng phố hoa bên bờ hồ Hoàn Kiếm nhân Tết Dương lịch 2009... Khi tôi viết entry "Hãi hùng người Hà Nội", có bạn đã comment rằng: Những người bẻ hoa vô văn hoá đó không phải là người Hà Nội gốc đâu, đó là người nhập cư tứ xứ về Hà Nội mang theo những thói quen quê mùa của họ đấy.

Điều này đúng sai còn phải bàn cãi.

Nhưng việc dùng sơn bôi bẩn lên bức tường của đường hầm thì không thể đổ lỗi cho người nhập cư được. Cái trò bôi bẩn này chắc chắn là sản phẩm của đám trẻ choai choai rửng mở biết mùi văn minh. Chắc chắn đó là những chàng trai cô gái sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nếu không thì cũng học hành tại Hà Nội, biết Internet và biết ăn chơi sành điệu.

Điều duy nhất biện minh cho hành động của họ là thái độ vô ý thức, thiếu suy nghĩ. Đi núi, đi biển, đi hang động, đi di tích chúng cháu đều viết vẽ thế, có thấy ai nói gì đâu? Vẽ ở cái đường hầm thì có gì khác đâu ạ? - Thể nào cũng có cô có cậu suy nghĩ như thế.

Không thể dung dưỡng cho những hành vi bôi bẩn bộ mặt thủ đô như thế. Chính quyền thành phố cần gấp rút lắp đặt hệ thống camera tự động trong đường hầm để ghi hình tất cả những thanh niên vô ý thức. Cần phải phạt vi cảnh họ bằng hình thức lao động công ích, buộc họ hoặc những người giám hộ họ phải trả tiền cho toàn bộ chi phí sơn lại bức tường.

Phải nghiêm như thế thì người dân thủ đô mới không phải xối mắt và đỏ mặt vì xấu hổ khi đi ra đường.

Ai có cách gì ngăn chặn những hành động vô văn hoá này, xin hiến kế trong comment.

Ảnh: VietnamNet

THAM KHẢO:
1. Hầm mới thông đã bị viết vẽ bậy - LAO ĐỘNG
2. Con ngựa trắng và đường hầm hiện đại nhất Việt Nam - VIETNAMNET
3. Hầm mới thông xe đã bị bôi bẩn - VNEXPRESS
4. HÃI HÙNG NGƯỜI HÀ NỘI - VMC BLOG


16/6/09

CHỢ BIỂN



Thơ Ngô Mai Phong

Chợ ướt như chui từ bụng cá

Đầm đìa sương sớm


Cá trong nón trong nia

Mỗi con mang một hy vọng

Những vi hồng, vẩy trắng

Những mắt thủy tinh ngấn vàng

Những dày mỏng tròn dài mềm mại

Bất ngờ mở ra tươi rói ban mai


Ai mua cá mối

Làm chả thìa là

Ai mua cá đé

Về nướng than hoa

Ai mua riềng già

Về om cá gúng

Ai mua kẹo đắng

Về thả cá kìm

Ai nhặt đinh thuyền

Về kho cá nóc...


Chợ biển nắng loang biến mất

Những cườm tay tròn lẳn lên nâu

Những tờ bạc quăn queo

Làm bằng dớp cá

Những vành khăn âm u

Cất giấu bao niềm xa lạ


Cất giấu cả những chân trời bão tố

Những cuộc đời như khoảnh khắc ban mai...


Ảnh lấy từ đây


15/6/09

MỘT CHUYỆN (NỮA) CHÉP Ở BỆNH VIỆN



Đi làm đồng về, chiếc xe công nông của ông phải tránh một đứa trẻ đi xe đạp, không hiểu sao dúi đầu xuống mương, khiến ông bay ra ngoài. Cái chân trái đau như bị gẫy. Vợ và con trai nhanh chóng đưa ông lên bệnh viện tỉnh. Ở đó người ta bó bột chiếc chân đau, kê cho ông một đống thuốc rồi bảo về nhà một tháng sau lên kiểm tra lại.

Ông về nhà, chiếc chân vừa đau vừa bức bối. Một ông hàng xóm đến thăm bảo: "Ối giời, cái bệnh viện tỉnh chẳng tin được đâu. Năm kia tôi bị đau bụng dữ dội đến đấy họ chẩn đoán là đau dạ dầy. May có đứa cháu dẫn sang bệnh viện của quân khu. Ở đó họ phát hiện tôi bị đau ruột thừa, đè ra mổ luôn. Chậm chút nữa là chết. À, ông này, dạo này có mổ nội soi, hai hôm là lại khoẻ mạnh như bình thường".

Ông vội vàng khẩn khoản ông hàng xóm nhờ anh cháu giới thiệu với bệnh viện quân khu. Hôm sau, ông với bà lại khăn gói quả mướp đi. Tại đó, sau khi chiếu chụp một hồi, anh bác sĩ quân y nói: "Có thể bác bị đứt cả dây chằng". Ông băn khoăn: "Vậy thì giải quyết thế nào?". Anh bác sĩ nói: "Phải mổ!". Ông hỏi lại giọng hoài nghi: "Có chắc là đứt dây chằng, có chắc phải mổ không?". Anh bác sĩ cười: "Nếu bác muốn yên tâm thì phải ra Hà Nội. Ở đó có những bác sĩ giỏi nhất".

Bác sĩ nói quá đúng. Sao ông không nghĩ ra là lên Hà Nội nhỉ? Ở đó họ chữa thì mới yên tâm được. Nghĩ thế ông gọi ngay cho đứa cháu, con ông anh trai: "Chú bị gãy chân, cháu bố trí đưa chú ra bệnh viện X chữa nhé!"

Anh cháu mặc dù bận bù đầu, nghe chú gọi, vội vã hỏi bạn bè xem có ai có người nhà làm ở BV X không, rồi bỏ công bỏ việc chạy đến bệnh viện. Anh tìm được vị bác sĩ là anh họ của một người bạn. Bác sĩ sau một hồi hỏi han bệnh nhân, nói: "Bây giờ tôi cần kiểm tra lại cái chân của bác. Bác có đồng ý cho tháo lớp bột này ra không?". Ông ngần ngại, nhưng rồi cũng gật đầu.

Xem xét cái chân xong, ông nói: "Chân của bác vẫn còn sưng, nên không thể kết luận được là có bị đứt dây chằng hay không. Bây giờ tôi sẽ làm cho bác một cái nẹp, kê cho bác thuốc chống đau và thuốc chống phù nề, một tuần sau bác quay lại tôi sẽ xem dây chằng thế nào".


Một tuần sau ông quay lại, chiếu chụp đủ thứ. Viên bác sĩ xem phim rồi kết luận: "Phải mổ thôi. Nhưng phải hai tuần nữa. Bác về nhà tập phục hồi dần đi nhé".

Ông ra về, thử tập theo bác sĩ hướng dẫn thì đau không chịu nổi. Ông gọi điện cho người cháu: "Này, tiền nong cho bác sĩ thanh toán thế nào rồi?", "Chú yên tâm, chỗ đấy là phòng khám dịch vụ, cháu đã thanh toán đầy đủ theo giá niêm yết của bệnh viện rồi! Bác sĩ là anh đứa bạn cháu, nó đã nói chuyện với anh ấy rất chi tiết. Nó bảo khi nào chú mổ xong, thì cháu sẽ đến cảm ơn anh ấy"- cháu ông giải thích. "Sao bác sĩ không chịu mổ cho tao, mà lại bắt tập tành, đau quá đi mất". Anh cháu phật ý: "Bác sĩ nói thì chú phải nghe chứ".

Ông lại càng lăn tăn. Thời buổi này, mình muốn mổ mình trả tiền, sao họ cứ lần lữa thế. Hay thằng cháu mình làm thủ tục không đến nơi đến chốn. Quen thuộc kiểu này có khi chết, cứ trả tiền là nhanh nhất.

Ba hôm sau ông lẳng lặng quay lại bệnh viện mà không báo cho anh cháu. Vòng vèo một hồi rồi ông cũng tìm được người đưa đến tận phòng của bác sĩ trưởng khoa. Bác sĩ xem hồ sơ bệnh án phim chụp, sờ nắn cái chân đau, hỏi han rồi cau mày: "Sao ông đang tình trạng thế này mà người ta lại bảo ông phải tập phục hồi nhỉ?".

Bác sĩ trưởng khoa yêu cầu nhân viên bó bột cái chân đau lại cho ông và thủng thẳng nói: "Ông về chờ chân lành hẳn đi. Nếu dây chằng đứt thì 6 tháng sau nối lại cũng được!"


Thế là sau ba tuần bị tai nạn, tốn thời gian, công sức, tiền bạc và chuốc thêm vô số lo âu, ông lại được bó bột trở lại giống như các bác sĩ bệnh viện tỉnh đã làm...

14/6/09

MISTER SUSAN BOYLE TỪ TADJIKISTAN



Đúng là Youtube có sức mạnh ghê gớm trong việc phát hiện các tài năng tiềm ẩn trong dân chúng và biến họ thành ngôi sao toàn cầu. Mấy tháng trước, người ta hoàn toàn không biết đến Susan Boyle, người phụ nữ thất nghiệp ở Scotland. Nhưng Youtube đã khiến chị được hàng trăm triệu người trên toàn thế giới, thậm chí chị sẽ được mời đến Nhà Trắng hát cho gia đình Tổng thống Barack Obama trong Quốc khánh Mỹ 4.7 tới đây.

Ở Nga một cơn sốt tương tự đã dấy lên sau khi đoạn video quay cảnh người đàn ông say sưa hát lại ca khúc từ một bộ phim Ấn Độ bằng cả hai giọng nam và nữ. Anh tự đệm trống (gõ tay vào mặt bàn) và khẩu thuật (beatbox) để tạo nên một tiết mục rất sống động. Đoạn video lan truyền trên Internet và tới nay đã có gần hai trăm nghìn lượt người xem.



Người đàn ông là Baimurat Allaberiyev, 38 tuổi, công nhân nhập cư từ Tadjikistan (một nước cộng hoà Trung Á thuộc Liên Xô trước đây), hiện đang kiếm tiền tại Mátxcơva. Khỏi nói cuộc sống của những người nhập cư châu Á ở Nga vất vả như thế nào. Họ làm đủ nghề để sống, phải tránh cả cảnh sát lẫn bọn đầu trọc. Baimurat đã từng mất mấy răng cửa trong một cuộc đụng độ với bọn đầu trọc.

Báo chí Nga đã tìm ra Baimurat, đưa anh lên mặt báo và truyền hình. Anh trở nên nổi tiếng với biệt danh "Jimmi Tadjik", do hát bài "Jimmi Archa". Từ bóng tối, anh đã bước ra sân khấu lớn. Cuối tháng Tư vừa qua, Baimurat đã tham gia vào buổi biểu diễn cùng ban nhạc Anh Asian Dub Foundation tổ chức ở Mátxcơva. Baimurat (diện chiếc áo sơ mi khá đẹp) biểu diễn hai bài hát có tiết tấu sôi động với chiếc xô rỗng trong khán phòng hơn 1000 người rất phấn khích. Anh đã nhận được những tràng vỗ tay rất nồng nhiệt của khán giả.



Buổi biểu diễn kết thúc khi đêm đã khuya. Baimurat bất ngờ khi cầm số tiền cát-sê khá nhiều (5000 ruble) so với tiền lương tháng mà anh nhận bấy lâu nay tại công trường. Ra về vào giờ này quả là nguy hiểm đối với một người châu Á, nên Baimurat đã rụt rè xin ngủ lại trên dãy ghế trong khán phòng.

Baimurat đã có kế sinh nhai mới với thu nhập khá hơn. Hiện anh là nghệ sĩ được nhiều hộp đêm ở Mátxcơva mời chào, thậm chí ký được hợp đồng biểu diễn ở cố đô St. Peterburg. Anh gửi phần lớn tiền về cho gia đình ở Tadjikistan, và vẫn sống cuộc sống không khác so với trước kia. Giờ đây ra phố anh vui hơn vì có nhiều người nhận ra anh và xin chữ ký.

13/6/09

HỘI AN - TRỜI XANH, NẮNG GẮT


12/6/09

SƠN TRÀ ĐÊM DỐC ĐỨNG



Chiều tối, ngồi cùng mấy người bạn nhậu ở biển Đà Nẵng, nhìn ra khơi, anh thấy quầng đèn sáng lung linh. Có cảm giác như đây không phải là biển, mà chỉ là một cái hồ lớn, còn dải sáng phía xa thực ra là những ngọn đèn đường nằm sát bờ hồ bên kia. Anh hỏi: "Kia là ánh đèn của thuyền đánh cá phải không?"

Một người bạn giơ tay chỉ: "Đèn thuyền đánh cá là ở phía này, xiên về hướng nam một chút. Còn dịch sang hướng bắc thì là dãy đèn đường dẫn lên bán đảo Sơn Trà". Anh "à" một tiếng. Anh nhớ hồi anh còn bé, bố anh nói nhiều về địa danh này. Bản thân anh đến Đà Nẵng nhiều lần, nhưng chưa đặt chân lên doi đất nhô ra biển có cái tên rất đẹp ấy.

Ăn xong, anh mượn một chiếc xe máy và mũ bảo hiểm. Mấy người bạn hỏi: "Ông đi đâu?". Anh đáp thủng thẳng: "Tôi đi lên bán đảo Sơn Trà!". Mọi người cười ồ: "Trên đấy chẳng có vị gì!", một cậu thanh niên xăng xái: "Để em chở anh đi, anh không quen đường!". Anh nói: "Cám ơn cậu, tôi muốn đi một mình".

Con đường nằm sát bờ biển tiến đến chân bán đảo thật đẹp. Anh hít thở căng lồng ngực đám không khí mằn mặt mùi biển. Những con tầu gỗ của ngư dân thảnh thơi nằm nghỉ trên bãi cát sau chuyến đi biển dài ngày. Mắt chúng lóng lánh những giọt muối biển.

Con đường đưa anh lên cao. Gió biển quấn quít sau lưng, lúc nồng ấm, lúc mát lạnh. Thỉnh thoảng lại có một đôi trai gái phóng nhanh qua anh rồi tạt đầu rẽ sang bên phải nơi có những bụi cây thâm thấp. Cũng phía bên phải đường, chốc chốc lại có những tấm biển chỉ Bãi Rạng, Bãi Nồm, Bãi Nam... Những cái tên thật dân dã.

Đi chừng hai mươi phút anh thấy một đoạn đường ánh sáng rực rỡ như ban ngày. Rất nhiều đôi trai gái và cả những người không có đôi đỗ xe lại, dựng chân chống giữa, ngồi lên xe và quay mặt ra biển. Phía đối diện là dải ngân hà lung linh của thành phố biển Đà Nẵng. Ngồi đây vừa nghe gió biển mát rượi phả vào người, vừa chiêm ngưỡng cái quầng sáng đẹp đẽ vây quang nàng tiên biển nằm dài ở tít mù tắp.

Thế rồi anh lên xe đi tiếp. Càng lên cao không gian càng tịch mịch, gió lạnh lồng lộng thổi. Con đường rộng, êm như ru, thảng hoặc mới gặp một chiếc xe máy đi ngược chiều. Khu resort Bãi Bụt và Sơn Trà vắng như chùa bà Đanh. Nghĩ đến chùa, anh mới nhớ người ta vừa xây tượng Phật Bà khá cao, đứng trắng toát trên sườn Sơn Trà nhìn về thành phố. Nhưng đi trên con đường này không thấy bức tượng, mà chỉ thấy một ngôi chùa nhỏ phảng phất trong gió mùi thơm hương trầm.

Anh cứ đi, hình như càng lên cao càng ít bóng người. Cái cảm giác người lữ hành cô độc giữa một bên là rừng già một bên là vực biển thật thống khoái. Anh cứ đi và đến một lúc đột nhiên nghĩ rằng mình đã đến điểm tận cùng của thế giới.

Anh quay đầu xe trở lại.

Đi được chừng mươi phút thì có một vệt sáng chói lòa xé rách màn đêm, mặt biển đen thẫm hiện ra trong khoảnh khắc rồi biến mất. Những ngọn đèn đường vụt tắt. Anh nghe bên tai tiếng gió rít, rồi tiếng thì thào hốt hoảng của những sinh linh vô hình. Những bàn tay lạnh ở đâu đó bám chặt lấy lưng anh, khiến anh rùng mình.

Đột nhiên anh thấy mình được nhấc bổng lên, rồi rơi tự do. Anh thấy rõ là mình trở nên nhẹ bỗng và quay tròn như một bông hoa được ném xuống giếng. Chưa kịp sợ hãi thì anh lại thấy một cái gì đó giống tấm lưới khổng lồ nhẹ nhàng đỡ lấy anh từ bên dưới và hất nhẹ anh xuống mặt đất.

Tất cả diễn ra rất nhanh, có khi chỉ kéo dài mấy giây đồng hồ. Khi định thần lại thì anh thấy mình đứng im trên mặt đường, bên cạnh là chiếc xe máy động cơ vẫn nổ và đèn pha vẫn sáng. Anh dậm chân, chân anh không sao. Anh lắc đầu, đầu anh không sao. Anh vội vàng cởi mũ bảo hiểm, đưa tay xoa khắp đầu. Có chất lỏng nào đó ri rỉ nơi chân tóc. Anh run run giơ tay ra quầng sáng của chiếc đèn xe máy, và thấy bàn tay không có màu nào khác.

Vậy là mồ hôi đã túa ra tự lúc nào.

Anh quay lại đằng sau...

... và thấy dốc đứng im lìm trong bóng đêm.

Ảnh: Đêm Sơn Trà

11/6/09

CHỈ CÒN 20 NGÀY NỮA...


Post bài của một nữ nhà báo đã khóc khi hay tin này...

Chỉ còn 20 ngày nữa, 5 loại trái cây chủ lực của Việt Nam: thanh long, thanh long, dưa hấu, chuối, vải và nhãn xuất sang Trung Quốc, nếu còn muốn tiếp tục xuất, sẽ phải trình cho được danh sách các trang trại, nhà vườn và cơ sở bao gói. Bao bì nhãn mác phải đúng quy định đồng thời phải được kiểm dịch thực vật theo yêu cầu của Trung Quốc.

Dạ thưa, chỉ còn 20 ngày nữa thôi. Biết bao việc phải làm: lên danh sách nhà vườn (trang trại thì dễ rồi vì ít), cơ sở bao gói, chuẩn hoá bao bì nhãn mác, thực hiện kiểm dịch thực vật. Nhà vườn ở xứ ta thì mênh mông, manh mún, nhỏ lẻ, mỗi nơi làm một ít, nậu gom khắp các nơi về rồi mới phân loại, dán nhãn mác của từng trang trại và xuất bán. Vùng thanh long Bình Thuận, hàng ngàn nhà vườn nhỏ lẻ như vậy. Kê khai danh sách nhà vườn ra sao, vì có khi mỗi hộ chỉ trồng vài chục cây, nhưng vẫn bán tốt, cho nậu vựa.

Vùng nhãn, dưa hấu, chuối, vải… chắc chắn không nằm ngoài tình trạng chung đó.

Vậy thì, nếu không làm được việc này, chỉ còn 20 ngày nữa, có thể hình dung điều gì sẽ diễn ra trong nước.

Trái cây xuất chủ yếu sang Trung Quốc (thị trường này trước nay dễ tính) sẽ ngưng lại, dồn ách trong nước, cộng thêm trước giờ không có công nghệ bảo quản, không có công nghệ chế biến, sẽ thối rữa ra trong nước (chứ ai ăn hết nổi).

Doanh nghiệp sập tiệm vì hợp đồng đã ký mà không giao hàng được.

Nông dân trồng trái cây ngồi trên đống trái cây khóc ròng. Khóc xong rồi chết.

Vậy đó, chỉ còn 20 ngày nữa thôi. Nước đã đến trôn rồi.

Nhưng các trang trại, nhà vườn vẫn chưa biết gì. Thậm chí họ chưa hề nghe nói đến thông tin chết người đó.

Ảnh: Dưa hấu rẻ như cho ở chợ Tân Thanh (sát biên giới Trung Quốc) và từng đoàn xe chở dưa hấu nằm mắc kẹt ở đó hồi tháng 4.2008, khi Trung Quốc siết chặt kiểm dịch nông sản nhập khẩu.

Nguồn: MUỐN KHÓC SÁNG NAY - Blogger Mamutcoixuong


 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết