30/5/08

CÓ HẬU HAY "VÔ" HẬU?



- Anh ơi, cuối cùng thì chúng nó có lấy nhau không ạ?

- Ai lấy ai hả em?

- Ơ, anh buồn cười nhỉ, cô Ly với anh bạn trai người Nhật Bổn trong "Bằng lăng Nhật Bản" trên blog của anh ấy...

- À, anh lại cứ tưởng em hỏi ai. Sao em không theo dõi mà lại cứ thích nhảy cóc thế?

- Em toàn thế. Xem phim được 10 phút là thể nào em cũng tua đến đoạn cuối xem cái kết rồi mới quay lại xem cẩn thận. Đọc sách em cũng toàn lật lật để đọc kết. Chờ lâu mệt mỏi lắm. Có mỗi cái thể loại chuyện blog nhiều tập của anh là em không lật trang được, tức muốn chết!

- Thế em thích có hậu hay là "vô" hậu?

- Có hậu chứ! Truyện phim gì thì cũng phải happy ending mới hay. Cái "Bằng lăng Nhật Bản" này là có thật đấy hả anh.

- Dựa trên truyện có thật thôi.

- Thế ngoài đời chúng nó có lấy nhau không ạ?

- Hmm, ngoài đời ấy à? Thôi em cứ theo dõi tiếp đi, cũng sắp hết rồi.

- Anh này gan thật đấy, chết đến nơi rồi mà không chịu khai hai đồng chí chính ủy trong đống rơm à?

- Cô này hay nhỉ...

- Thôi nói đi, em hứa là chỉ mình em biết, không viết lên blog của em làm mất hứng độc giả của anh đâu mà sợ.

- Anh sẽ viết theo đúng cái kết như trên thực tế.

- Em nghi là happy ending lắm đây.

- Ơ, chẳng phải em thích happy ending là gì?

- Đúng rồi. Nhưng riêng cái vụ "Bằng lăng Nhật Bản" này thì thôi.

- Thôi là thế nào?

- Tức là anh muốn làm thế nào thì làm, nhưng đừng để chúng nó lấy nhau!

- Sao thế?

- Bởi vì em thấy bọn giai Nhật chán bỏ xừ. Lấy làm gì cho đời nó khổ!

- Ô hô, sao em biết là giai Nhật chán?

- Bạn em mấy đứa lấy giai Nhật, ly dị hết rồi. Em Ly mà lấy anh chàng Ichiro thì thể nào cũng bỏ nhau cho mà xem.

- Căn cứ vào đâu mà em lại nói thế?

- Thì căn cứ vào thực tế chứ còn vào đâu? Nếu hai nhân vật anh lấy làm nguyên mẫu lấy nhau ngoài đời, thì chắc chắn họ sẽ li dị. Còn anh, còn em, anh thử theo dõi xem em nói có đúng không?

- Tóm lại, theo em là Ly với Ichiro không nên lấy nhau à?

- Vầng. Anh cứ cho họ bỏ nhau luôn đi để sau này đỡ phải viết tiếp vụ họ ly dị. Thế nhé!

free hit counters

29/5/08

BẰNG LĂNG NHẬT BẢN (9)


Thực tâm bà Ngoạn rất muốn mọi chuyện êm đẹp. Hơn ai hết trong gia đình này, bà muốn chuyện tình của con gái với chàng trai Nhật Bản đi đến hồi kết có hậu. Trải qua thời gian dài với những khốn khó thời bao cấp, bà Ngoạn biết rằng những nhọc nhằn của cuộc sống gia đình đều dồn lên vai người phụ nữ. Khi thấy Ly có tình cảm với Ichiro, bà đã cả mừng và nhiệt tình vun đắp. Chính bà đã giục chồng nói với Ly đưa người yêu đến ra mắt, lấy cớ là đi chợ nghe buôn chuyện của mấy bà hàng xóm.

Khi chồng phát hiện ra mối liên lạc giữa Ichiro với tên sĩ quan Nhật xưa kia, bà Ngoạn ngày đêm cầu mong điều đó không phải là sự thật. Khi nghe ông Daiki kể lại chuỗi ngày dài sám hối của cụ Takahashi, bà thấy xúc động thực sự. Thôi, người ta đã gây tội ác và đã phải chịu dằn vặt khổ sở suốt 50 năm rồi. Nên tha thứ cho người ta. Còn con cháu người ta thì có dính dáng gì đến chuyện đó đâu. Bà rất muốn chồng chấp nhận lời xin lỗi của cha con ông Daiki và coi chuyến thăm Hà Nội của ông như một cử chỉ hàn gắn quan hệ giữa hai gia đình.

Nhưng điều mà bà không ngờ tới chính là phản ứng của chồng khi nghe lời xin lỗi. Có lẽ hình ảnh tên sĩ quan Nhật cầm kiếm đâm vào ngực anh Đàn rồi mang cây kiếm dính máu đến tế con ngựa đã ăn sâu vào trí óc non nớt của chú bé Ngoạn và không thể gột rửa được. Nó khiến ông đau đớn thực sự.

Khi những vị khách Nhật Bản ra về, bà vội vã gọi điện cho người bạn làm bác sĩ và khẩn thiết mời ông đến khám cho chồng. Vị bác sĩ cho hay, chồng bà có nguy cơ đột quỵ tim nếu bị xúc động manh và kê cho ông một số loại thuốc trợ tim.

Suốt đêm bà Ngoạn không ngủ được. Thế là ước mong đổi đời cho con gái sắp tan thành mây khói. Bà thấy xót xa cho con. Mối tình đầu trong sáng như thế, đẹp đẽ như thế, lẽ nào dang dở. Nhưng nếu cứ nhắm mắt cho con gái lấy Ichiro, thì chồng bà có ngày nguy hiểm đến tính mạng. Làm sao có thể bắt ông không được quay về với ký ức kinh hoàng trong quá khứ?

... Dậy sớm nấu ăn sáng cho chồng con như mọi ngày, bà Ngoạn nán lại ngồi ăn với Ly, chứ không ra ngoài tập thể dục như mọi khi. Bà nhỏ nhẹ hỏi: "Ly à, ý con bây giờ thế nào?

- Mọi chuyện rõ ràng rồi mà mẹ. Bác Daiki đã đến xin lỗi. Bố có bị sốc một tí, nhưng con nghĩ sẽ qua thôi. Gia đình người ta thiện chí, chứ cũng không cố chấp và lấp liếm. Bố mẹ cũng nên mở lòng, đúng không ạ?

Bà Ngoạn thở dài: "Mẹ thì không có vấn đề gì. Mẹ thông cảm lắm. Con có thấy hôm qua khi bác Daiki xin lỗi, mẹ đã xúc động đến mức nào không? Nhưng... nhưng bố con thì khó đấy!"

Ly ngừng ăn, ngẩng lên nhìn mẹ: "Sao mà khó hả mẹ? Bác Đàn đúng là đã từng thân thiết với bố, nhưng cũng có phải là người ruột thịt của gia đình mình đâu? Đằng nào thì bác ấy cũng đã khuất rồi..."

- Đúng là bác Đàn không phải là người gia đình ta. Nhưng vấn đề không phải là bác Đàn đâu. Vấn đề là ở chỗ bố không quên được ký ức khủng khiếp đó, con ạ. Nếu cứ buộc bố phải nhớ, thì... thì mẹ e rằng điều đó quá sức chịu đựng của bố. Và rất có thể mẹ con ta sẽ mất bố không chừng.

Ly bỏ hẳn đũa xuống, kêu lên: "Sao mẹ lại nói thế hả mẹ? Chẳng nhẽ gia đình người ta đã cố hết sức rồi, đã thiện chí đến như thế rồi mà... mà chúng con đành chịu bó tay sao?". Ly định nói "mà bố mẹ vẫn không cho con lấy anh Ichiro sao?", nhưng cô thấy nói thẳng ra điều đó thì ích kỷ quá, nên đành nói tránh ra như vậy.

Bà Ngoạn vòng ra sau ghế, ôm lấy đầu con gái: "Ly ơi, mẹ thương con lắm. Nhưng hôm qua bác sĩ nói, bố có thể bị đột quỵ tim nếu lại rơi vào những hoàn cảnh khiến bố bị xúc động mạnh. Nếu chỉ lo cho hạnh phúc của con, mà bố có mệnh hệ gì, thì mẹ con ta sẽ ân hận suốt đời. Giả sử con lấy Ichiro, thì chẳng lẽ không bao giờ nó được đến đây thăm bố mẹ? Hay là con lấy chồng xong rồi đi biệt xứ?"

Ly gục đầu vào tay mẹ: "Thế thì con biết phải làm sao bây giờ? Ichiro có làm gì nên tội đâu? Con chẳng có lý gì để bỏ anh ấy hết!".

"Mẹ biết, mẹ biết chứ. Mẹ cũng tiếc nó lắm. Mẹ chẳng bao giờ nghĩ rằng lại có lúc phải đẩy con đến cảnh bên tình bên hiếu thế này" - bà Ngoạn ngậm ngùi.

"Mẹ nói thế có nghĩa là mẹ khuyên con nên chia tay với anh ấy ạ?" - Ly run run hỏi. Bà Ngoạn không trả lời ngay và lại dè dặt ướm lời: "Mẹ hỏi con một chuyện, nhưng con phải nói thật nhé?"

- Vâng! - Ly đáp

- Con đã trao thân cho Ichiro chưa?

Ly ngỡ ngàng trước câu hỏi bất ngờ của mẹ. Cô luống cuống: "Ô, sao mẹ lại hỏi thế ạ?". Bà Ngoạn nhẹ nhàng: "Mẹ không trách móc hay phán xét gì con đâu. Mẹ hiểu, các con bây giờ sống hiện đại, nên mẹ không trách cứ điều gì. Con cứ nói thật với mẹ đi."

- Chưa, mẹ ạ! - Ly trả lời.

Bà Ngoạn thở phào: "Thế thì không có chuyện gì phức tạp hết con ạ. Mình là phụ nữ với nhau, mẹ rất hiểu, nếu quan hệ giữa con với Ichiro đã sâu đậm, thì khó chia tay hơn. Còn như thế này thì cũng chỉ đau một thời gian ngắn thôi".

(còn tiếp)

PHẦN 1
PHẦN 2
PHẦN 3
PHẦN 4
PHẦN 5
PHẦN 6
PHẦN 7
PHẦN 8

28/5/08

BẰNG LĂNG NHẬT BẢN (8)



Ông Daiki Takahashi đến Hà Nội vào một ngày mùa hè. Trời nắng nóng oi bức, một thứ nóng với độ ẩm cao rất khó chịu. Sân bay Nội Bài bé nhỏ, lụp sụp với gương mặt lạnh lùng của các sĩ quan nhập cảnh và hải quan khiến ông hơi hoài nghi về những lời nói nồng hậu mà con trai ông dành cho Việt Nam.

Con trai ông trông rắn rỏi hơn với làn da rám nắng và cặp mắt trải đời, khác với cái vẻ gà công nghiệp gần một năm về trước. Bên cạnh anh là cô gái Việt Nam có vẻ đẹp trong sáng và cặp mắt hồn hậu. Nhìn cô gái, ông Daiki thấy yên tâm ngay và tin rằng việc ông lặn lội sang Việt Nam trong tiết trời nóng nực thế nàyvì tương lai của con trai không phải là uổng phí.

Trong bữa ăn tối đầu tiên ở Hà Nội, ông Daiki thông báo với Ichiro và Ly rằng bố cô đã không nhầm khi nhìn ra mối liên hệ giữa viên sĩ quan Nhật với Ichiro: "Bác thay mặt cha bác đến đây để nói lời xin lỗi với bố cháu và những người trong gia đình vì sự cố năm xưa. Bác hy vọng chuyện cũ sẽ không ảnh hưởng xấu tới quan hệ giữa cháu và Ichiro".

Ly im lặng. Ichiro nhìn cô như dò hỏi. Ly nói khẽ: "Cám ơn bác đã sang tận đây để lo cho tương lai của cháu. Nhưng quả thực cháu không biết bố cháu sẽ phản ứng như thế nào khi nghe được sự thật này". Ichiro nắm lấy tay cô và xiết chặt, như muốn nhắc nhở rằng anh luôn ở bên cô và sẽ cùng cô vượt qua khó khăn này.

... Cuộc gặp mặt đầu tiên giữa ông bà Ngoạn với ông thông gia tương lai diễn ra trong bối cảnh thật lạ lùng. Họ chưa bao giờ quen nhau, nhưng lại đã biết về nhau rồi. Ông bà Ngoạn rất muốn tỏ ra thật hiếu khách nhưng lại thật sự ngại ngùng vì không biết đang tiếp vị khách này với tư cách nào: con trai kẻ đã gây ra tội ác với gia đình, hay bố chồng tương lai của con gái? Họ muốn bầy biện đón tiếp ông Daiki thịnh soạn, nhưng rồi lại thôi.

Ông Daiki hiểu được tâm trạng ngổn ngang của ông bà Ngoạn. Sau vài câu chào hỏi xã giao tẻ nhạt, ông chủ động nói luôn câu chuyện chính - câu chuyện mà vì nó mà ông tới Việt Nam lần này. Buổi gặp mặt trở thành cuộc độc thoại của ông Daiki. Ông kể hơi dài dòng, nhưng mạch lạc ngõ hầu ông bà Ngoạn có thể hiểu hết bối cảnh mà gia đình ông và cha ông phải trải qua.

Vừa kể, ông Daiki vừa kín đáo để ý thái độ của ông bà Ngoạn để có được sự phản ứng kịp thời. Khi ông nói đến chi tiết người cha khả kính mang cây kiếm hoen gỉ đến chôn ở góc vườn nơi ông đến ở dưỡng già và tiếp tục chịu đựng nỗi ám ảnh thêm 30 năm nữa, ông nhận thấy sự xúc động mạnh trong ánh mắt của bà Ngoạn. Bà bíu chặt vào cánh tay của chồng, rưng rưng nhìn ông Daiki.

Áng chừng tình hình có vẻ thuận lợi để nói lời xin lỗi, ông Daiki đứng dậy và ra hiệu cho Ichiro cũng đứng lên.

- Thưa ông bà, tôi đến đây để thực hiện nguyện ước cuối cùng của cha tôi là được tạ lỗi với gia đình vì tội lỗi mà cha tôi đã gây ra trong quá khứ. Giá mà ông bà biết được cha tôi đã đau khổ như thế nào, dằn vặt như thế nào suốt từ ngày ông từ Việt Nam trở về cho đến tận khi qua đời. Cha tôi đã trăng trối để Ichiro sang Việt Nam, như một cách chuộc lại lỗi lầm. Số phận run rủi thế nào mà cháu Ichiro lại tìm được đúng gia đình nhà ta. Sự việc đã qua lâu rồi. Tôi mong ông bà hãy tha thứ và cho cháu Ichiro được làm rể nhà ta. Gia đình chúng tôi đồng ý để Ichiro ở lại Việt Nam mãi mãi...

Gương mặt bà Ngoạn lộ rõ vẻ xúc động mạnh. Ông Daiki cúi gập người xuống và Ichiro cũng cúi theo cha. Bà Ngoạn quay sang nhìn chồng như mong một cử chỉ tha lỗi. Nhưng bà thấy ông cúi mặt, một tay đưa lên ngực, gương mặt biến dạng đau đớn. Bà kêu lên: "Ối, ông ơi, ông làm sao thế này?"

Ông Ngoạn cố gắng nói, giọng đứt quãng: "Bảo họ... đứng thẳng lên. Tôi... không chịu nổi cảnh này!"

Ly giật vội tay áo Ichiro. Anh ngẩng nhìn và cũng giật mạnh tay cha. Ông Daiki ngỡ ngàng nhìn bà Ngoạn đỡ chồng ngả người lên thành ghế và cuống quýt rót cho ông một cốc nước. Ly cũng ngồi xuống bên bố, đỡ cốc nước cho ông uống.

"Con nói họ đi đi, bố không chịu đựng nổi khi nhìn thấy cảnh cha con họ cúi gập xuống giống hệt cái cảnh sau khi giết anh Đàn ngày xưa" - ông Ngoạn nói với Ly.

(còn tiếp)

PHẦN 1
PHẦN 2
PHẦN 3
PHẦN 4
PHẦN 5
PHẦN 6
PHẦN 7

27/5/08

BẰNG LĂNG NHẬT BẢN (7)



Ông Daiki Takahashi lặng người sau khi nghe câu chuyện qua điện thoại của con trai. Ông không ngờ sự việc lại đưa đến hoàn cảnh trớ trêu ngày hôm nay. Âm điệu từ giọng nói run run với nhịp nói gấp gáp của Ichiro khiến ông hiểu rằng những gì mà Ichiro vừa kể chắc chắn có tác động rất lớn đến cuộc sống của nó.

Ông vẫn còn nhớ cái buổi chiều mùa thu heo hắt ông nhận được cú điện thoại của người em trai báo tin bệnh tình của cha ngày một trầm trọng và ông cụ sẽ khó mà trụ lại đến mùa đông. Ông vội vã đáp tầu cao tốc trở về thành phố nhỏ duyên hải nơi cha ông chọn làm nơi ẩn dật sau khi nghỉ hưu đã gần 30 năm nay.

Cha ông ngồi trên chiếc ghế bành bằng mây, quay mặt ra khu vườn còn vương lại những tia nắng rớt. Cặp mắt mờ đục của cụ như sáng lên một chút khi thấy con trai trở về. Ông quỳ xuống bên cạnh cha, cầm lấy bàn tay nhăn nheo của cha và hôn nhẹ lên đó.

Ông nhìn cha xót xa. Người đàn ông cao to, kiêu hùng, thần tượng một thuở của đám thanh thiếu niên trong thị trấn, giờ đây ngồi nhỏ thó như một đứa bé trong chiếc ghế. Người đó đưa bàn tay run rẩy vuốt ve gương mặt của ông: "Đừng khóc con, đàn ông nhà Takahashi không bao giờ được khóc!"

Ông rút khăn mùi xoa lau mắt. Đối với ông những lời nói của cha bao giờ cũng là mệnh lệnh thiêng liêng mà ông không bao giờ dám cưỡng lại. Cha ông nói chậm rãi bằng một giọng rin rít và ngắt quãng: "Daiki, giá trị to lớn của cuộc đời cha. Cha hài lòng vì những gì con đã làm cho dòng họ, cho con, cho gia đình con và cho đất nước này. Cha bao giờ cũng tự hào về con. Giờ đây, khi cha sắp sửa ra đi, cha muốn con biết một điều bí mật mà cha vẫn chôn chặt trong lòng và nếu có thể, hãy tha thứ cho cha..."

Ông Daiki cầm hai bàn tay cha và hấp tấp nói: "Vâng, thưa cha, có điều gì uẩn khúc, cha cứ nói. Con nguyện sẽ hóa giải để cha được an lòng". Ông già lặng im. Những tia nắng rớt ngoài vườn như đang trườn đi khiến khung cảnh phần nào ảm đạm.

- Daiki, khi cha trở về sau chiến tranh lúc đó con đã 15 tuổi rồi, đúng không?

- Vâng.

- Ừ, cha nhớ con bắt đầu vỡ giọng. Chỉ chưa đầy ba năm không gặp con, mà khi cha trở về, con đã từ một đứa bé trở thành một chàng trai. Cha còn nhớ con đã hân hoan thế nào khi cha trở về. Bạn bè con có đứa bố bị chết trận, có đứa bố trở về nhưng bị thương tật. Thế nên việc cha trở về lành lặn khiến con không chỉ vui mừng mà còn tự hào nữa. Con cũng chẳng cần biết cha đã làm gì trong cuộc chiến đó. Chắc con cũng chỉ đơn giản nghĩ rằng người cha oai hùng của con đã tung hoành ngang dọc, đã tiêu diệt không biết bao nhiêu là quân thù...

Ông Daiki ngước lên nhìn cha. Đúng là như vậy. Cậu bé 15 tuổi Daili lúc đó chỉ mong được đeo chiếc kiếm của cha vào thắt lưng, nhảy lên lưng ngựa và thúc cho nó phi nước đại trong tiếng quân reo vang dội.

- Cha nhớ khi cha tháo kiếm ra chưa biết để đâu thì con đã nhanh nhẹn đỡ lấy. Rồi con cầm nó bằng hai tay nghiêm trang bước đến chỗ bàn thờ. Con từ từ quỳ xuống nâng kiếm lên ngang mày. Con nhìn vào cây kiếm với ánh mắt vừa âu yếm vừa nể trọng. Con hôn nó rồi mới đặt nó lên bàn thờ... Nhưng ngày hôm sau, chiếc kiếm đã không còn ở vị trí ấy nữa. Con có thắc mắc, và cha giải thích là đã đem nó đến cho bảo tàng chiến tranh. Con có biết cây kiếm ấy giờ ở đâu không?

- Không, cha ạ. Khi con lên Tokyo học đại học, con nhủ thầm nhất định phải đến bảo tàng chiến tranh để nhìn ngắm lại cây kiếm của cha. Nhưng học hành, rồi công việc, vợ con... nên cho đến tận giờ con vẫn chưa đi thăm lại cây kiếm của cha.

- Nó không nằm ở viện bảo tàng đâu, Daiki. Cha đã đem chôn nó ngay ngày hôm sau. Chỗ của nó là dưới đất. Cha đã giết người bằng chiếc kiếm đó. Ở Việt Nam!

Ông Daiki giật nẩy mình khi nghe lời thú tội ngắn gọn và rành rẽ của cha. Ánh mắt ông cụ phiêu diêu đậu đâu đó ngoài khu vườn đã tắt nắng.

- Nhưng cha ơi, đó là chiến tranh. Chuyện giết chóc trong chiến tranh thì cũng là thường tình...

- Điều đó đúng trong trường hợp sát hại quân thù. Còn cha lại đâm chết một người nông dân không có một tấc sắt trong tay chỉ vì lý do anh ta đã đầu độc con ngựa của cha. Chiếc kiếm đó đã thấm máu của một người vô tội... Nhưng cha không chỉ giết chết một con người đó. Cha còn giết hàng nghìn người khác bằng cách tịch thu thóc lúa của họ, khiến họ bị chết dần chết mòn, chết tức chết tưởi vì đói... Con có bao giờ nghe đến nạn đói năm Ất Dậu tại Việt Nam không? Đó thực sự là cảnh tượng kinh hoàng...

- Con cũng biết sơ sơ... - ông Daiki ngập ngừng đáp.

- Con biết, sau này thì con biết hết. Nhưng con đã không nỡ hỏi cha tường tận về chuyện đó. Cha cảm ơn con đã không căn vặn về quá khứ của cha. Nhưng nếu con hỏi cha, để cho cha được trả lời, thì có lẽ cha đã thanh thản hơn rất nhiều...

- Con xin lỗi.

- Không cần phải xin lỗi đâu. Con biết không, có những đêm cha giật mình tỉnh giấc khi nghe thấy tiếng rú hãi hùng từ góc vườn nơi chôn cây kiếm. Đúng là tiếng rú của anh chàng nông dân đã bị cha đâm chết. Có những đêm cha lại nghe thấy tiếng nỉ non của hàng nghìn con người đang van xin thức ăn vì đói... Họ đi theo cha suốt từ đó đến nay.

- Cha ơi, nhưng cha đã rời ngôi nhà có mảnh vườn đó từ lâu. Gần 30 năm nay cha dọn về đây, nơi không còn cây kiếm nữa, làm sao cha còn bị ám ảnh đến như vậy?

- Không, con ạ. Khi cha dọn đến ẩn dật chỗ này, cha đã đào cây kiếm hoen gỉ ấy lên và mang nó đến chôn ở góc vườn chỗ dưới tảng đá nhỏ đằng kia. Cha đáng bị trừng phạt, thì hãy để cho cha bị trừng phạt. Cha phải tiếp tục chịu đựng nó, nếu không tai hoạ sẽ giáng lên đầu con, các em con, con cháu của các con. Cha cứ ngỡ cha có thể nhanh chóng được giải thoát, nhưng ông trời đã bắt cha phải chịu đựng thêm gần 30 năm nữa. Phải đúng 50 năm cầu nguyện xin tha thứ cho tội ác ấy, cha mới được giải thoát. Nay chắc đã sắp đến lúc đó rồi...

- Kìa cha, cha đừng nói như vậy!

- Daiki, cha biết cha sắp được ra đi. Ý nguyện cuối cùng của cha là con hãy cho Ichiro đến Việt Nam, hãy để nó đến đó để chuộc lại những lỗi lầm của cha. Có như thế cha mới được thanh thản nơi chín suối.

- Vâng, con sẽ làm theo lời cha. - Ông Daiki nói, nước mắt chảy dài trên má.

Đêm đó cụ
Takahashi lặng lẽ ra đi...

(còn tiếp)

PHẦN 1
PHẦN 2
PHẦN 3
PHẦN 4
PHẦN 5
PHẦN 6

25/5/08

NGƯỜI NGA THẮNG TỪ BÓNG ĐÁ ĐẾN CA NHẠC



Mười ngày sau chiến thắng của Zenit tại Cúp UEFA, nước Nga lại một lần nữa say trong men chiến thắng khi ca sĩ Dima Bilan đoạt giải nhất tại cuộc thi ca nhạc danh tiếng Eurovision kết thúc tại Belgrade (Serbia) đêm 24.5.



Với bài hát tiếng Anh "Believe" của nhạc sĩ Jim Beanz, Dima đã chinh phục khán giả của toàn Châu Âu. Kết quả bình chọn từ khán giả cho thấy Dima được 272 điểm, xếp thứ nhất, vượt xa nữ ca sĩ Ukraina về thứ nhì là Ani Lorak (230 điểm). Xếp ở vị trí thứ ba là ca sĩ Hy Lạp Kalomira với 218 điểm.

Trong đêm chung kết Dima biểu diễn cuối cùng, theo số thứ tự là 24. Dima cho rằng đây là con số may mắn vì anh sinh ngày 24.12, và chung kết cuộc thi Eurovison cũng diễn ra vào đêm 24.5.

Hai ngôi sao khác đã phụ diễn cho Dima trên sân khấu là vô địch trượt băng nghệ thuật Châu Âu Evgeni Plyushenko và nghệ sĩ vĩ cầm Edvin Marton. Báo chí gọi bộ ba này là "đội tuyển hùng mạnh của Nga tại Eurovision".



Đối với thế giới thì Dima Bilan vẫn còn là một tên tuổi xa lạ, nhưng anh rất nổi tiếng ở Nga và các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) sau khi giành giải Nhì tại cuộc thi Eurovision năm 2006. Bài hát "Never Let You Go" mà Dima trình bày tại cuộc thi năm đó đã trở thành top hit ở Nga và một số nước Châu Âu.

Ngay sau khi giải thưởng được công bố, Dima Bilan hát lại bài "Believe" và nói với khán giả: "See you in Moscow" (truyền thống của Eurovision là tổ chức cuộc thi kế tiếp tại nước của ca sĩ chiến thắng), Tổng thống Dmitry Medvedev đã gọi điện đến Belgrade chúc mừng ca sĩ trẻ và toàn bộ êkip của Nga.

Đây là lần đầu tiên Nga chiến thắng tại Eurovision trong suốt lịch sử của cuộc thi này từ năm 1956 đến nay. Thực ra Nga mới cử ca sĩ ứng thí Eurovision từ năm 1994 và đã gặt hái được những thành tích đáng kể: nữ ca sĩ Alsou đoạt giải Nhì năm 2000, nhóm song ca Tatu đoạt giải Ba năm 2003, Dima Bilan đoạt giải Nhì năm 2006, nhóm Serebro đoạt giải Ba năm 2007.

Dima Bilan quyết tâm giành chiến thắng tại Eurovision năm nay sau khi Nga quyết định lựa chọn anh đại diện cho nước Nga. Dima tuyên bố anh sẽ kết hôn với người mẫu Lena Kuletskaya sau khi "đăng quang" tại Belgrade.

Dima Bilan năm nay 27 tuổi, anh hát bằng 3 thứ tiếng: Nga, Anh và Tây Ban Nha.

BẰNG LĂNG NHẬT BẢN (6)



Ichiro bối rối khi nghe câu chuyện mà Ly kể lại. Anh lắc đầu như một cái máy: "Anh không tin, anh không tin có chuyện đó xảy ra".

- Anh không tin điều gì? Anh không tin người sĩ quan đó có quan hệ họ hàng gì với anh, hay anh không tin là đã xảy ra một tội ác như vậy? - Ly lấy tay hất lại những lọn tóc lượn sóng đổ tung tóe trên vầng trán cao của Ichiro sau những cái lắc đầu quá mạnh.

- Anh không tin đã xả ra một chuyện kinh khủng như vậy. Anh có nghe đến cuộc thảm sát Nam Kinh, đến những phụ nữ Hàn Quốc, Trung Quốc bị buộc phải "giải khuây" cho binh lính Nhật trong Chiến tranh Thế giới II, nhưng anh chưa bao giờ nghe đến bất cứ hành động dã man nào của quân đội Thiên hoàng tại Việt Nam.

-Nhưng anh phải tin thôi. Anh có thấy bố em phản ứng như thế nào khi nhìn thấy anh không? Ông đã bị sốc vì anh quá giống người sĩ quan đó. Điều mà chúng ta phải làm bây giờ là xác định xem anh có quan hệ gì với người ấy hay không? - Ly ôm lấy gương mặt tái xanh của người yêu.

- Để giải quyết vấn đề gì hả em? Thử đặt tình huống xấu nhất, đấy có thể là một người thân trong gia đình anh, khi đó chúng ta sẽ ra sao? Liệu bố em có đồng ý cho chúng ta tiếp tục yêu nhau không? - Ichiro nhìn đăm đắm vào đôi mắt đen đang ở cận kề. Họ ngồi im lặng một lúc lâu. Rồi Ly nghẹn ngào lên tiếng.

- Em cũng không biết bố em sẽ thế nào nữa. Ông đã nói là sẽ không cho em kết hôn với con cháu của kẻ giết người. Em chỉ biết là em yêu anh. Rất yêu. Và em không bao giờ muốn rời xa anh. - Những giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên má Ly.

- Ly, anh đến Việt Nam không một chút vướng bận về quá khứ. Gia đình anh, ba anh, ông anh chưa bao giờ đề cập mối liên hệ nào với đất nước xa xôi này. Anh nhớ trước khi anh lên đường, ba anh chỉ nói: "Việt Nam là Nhật Bản của 30-40 năm trước. Chắc người dân ở đó đang phải đối mặt với những khó khăn và đang nỗ lực giống thế hệ của ba ở Nhật Bản trước kia. Con hãy đến đó, hãy giúp họ và hãy giúp con trưởng thành". Anh đã làm theo đúng lời ba anh dặn. Và rồi anh gặp em. Anh yêu em ngay từ ngày đầu tiên em đến làm việc ở văn phòng. Và anh chờ mãi mới có một cơn mưa để có cớ đưa em về nhà. Sáng sau anh nhìn thấy em trẻ trung bước đi như lướt trên đường phố rụng đầy những cánh hoa tím. Anh có cảm giác em như cô tiên trong truyện cổ tích, cứ mỗi bước lại làm cho mặt đất nở hoa. Khi đó anh biết là anh sẽ yêu em mãi. Cả anh và em, chúng ta đang sống trong hiện tại. Tại sao chúng ta lại phải hứng chịu những món nợ từ quá khứ? Anh không bao giờ chấp nhận điều đó.

- Ý anh muốn nói là ngay cả khi một người thân của anh đã làm chuyện đó, thì anh cũng sẽ không bao giờ đầu hàng, anh sẽ không bao giờ từ bỏ em?

- Đúng vậy. Nếu người đó là người thân của anh, thì chúng ta cũng không thể làm gì để thay đổi, để ngăn chặn tội ác không xảy ra. Vì người gây ra chuyện đó là một người Nhật, nên anh thấy có bổn phận phải nói lời xin lỗi. Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ mà bố em, gia đình em và tất cả chúng ta phải hiểu rằng chúng ta không thể vin vào đó để cản trở dòng chảy của cuộc sống hiện tại.

- Vâng, anh nói đúng. Nhưng chúng ta cũng không thể không làm việc mà bố mẹ em yêu cầu.

- Phải. Anh sẽ gọi điện cho ba anh và tìm hiểu rõ chuyện này. Chắc chắn ba anh không liên quan gì, vì ba anh cũng chỉ hơn bố em 5-7 tuổi, nên ông không thể có mặt tại Việt Nam vào thời điểm đó. Có thể đó là ông nội anh hoặc ai đó trong số những người anh em trai của ông nội. Anh sẽ làm tất cả để nếu có một chút sự thật nào đó, hay một mối liên hệ dù là mỏng manh nhất giữa dòng họ anh với tội ác đấy, đều trở nên sáng tỏ. Nhưng dù bất luận trường hợp nào, thì em cũng phải hứa với anh rằng sự thật dù có cay đắng đến đâu cũng sẽ không phải là cái cớ để chia lìa chúng ta.

- Vâng, em hứa! Ly thì thầm và đắm chìm vào nụ hôn xác tín với người đàn ông mà cô yêu.

(còn tiếp)

PHẦN 1
PHẦN 2
PHẦN 3
PHẦN 4
PHẦN 5

23/5/08

BẰNG LĂNG NHẬT BẢN (5)



- Thế là nó không giết thầy hả mình? – bà Ngoạn thảng thốt hỏi.

- Không! Sao mình lại hỏi thế? Mình biết là thầy mới mất cách đây có 5 năm mà. - Ông Ngoạn sẵng giọng, có vẻ bực trước sự vô ý của vợ.

- À, vâng! Tại tôi hồi hộp quá. Ý tôi muốn hỏi là tại sao nó lại chỉ đâm có mình anh Đàn?

- Tôi đoán là thằng sĩ quan Nhật đó biết rõ rằng anh Đàn chủ tâm giết con ngựa, chứ không phải thầy. Chỉ có thanh niên bồng bột thì mới làm việc ấy, chứ người lớn ai lại trả thù kiểu nhỏ nhen thế. Bắt người ta phải đền mạng con ngựa thì quả là độc ác.

Ly chăm chú ngồi nghe câu chuyện của bố. Đến giờ cô mới nhẹ nhàng hỏi: “Vậy theo bố thì anh Ichiro liên quan gì đến câu chuyện này?”

- Vấn đề chính là ở chỗ đó. – ông Ngoạn nhìn thẳng vào con gái. – Bố phát hiện ra là thằng Ichiro giống hệt tên sĩ quan Nhật đó. Từ gương mặt, đến dáng đi, giọng nói. Tên sĩ quan khắc khổ, phong trần hơn vì khi đó là chiến tranh, còn Ichiro thì nho nhã hơn vì lớn lên trong hòa bình. Lúc đầu bố chỉ ngờ ngợ thôi, nhưng khi nó cúi gập người xuống chào bố mẹ, thì bố thấy giống y như tên sĩ quan cúi xuống tế con ngựa.

- Bố ơi, con phải nói với bố điều này. Thứ nhất, bố gặp người Nhật rất ít, nên thoạt nhìn thì không thể phân biệt giữa họ với nhau. Con còn nhớ ông Phó tổng giám đốc người Nhật mới đây sang thăm Văn phòng Hà Nội đã thú nhận rằng không thể phân biệt được các cô gái Việt Nam làm trong văn phòng. Thứ hai, cúi chào là nghi lễ quen thuộc của người Nhật, ai cũng thường xuyên cúi gập người như vậy, chứ không chỉ một vài người.

- Nhưng con ơi, làm sao bố có thể quên được gương mặt của kẻ sát nhân đó? Cặp mắt của hắn, nụ cười của hắn, dáng người cao cao của hắn, tất cả đều như một khuôn đúc với Ichiro.

- Lúc nãy bố nói là vất vả lắm bố mới nhớ ra là Ichiro giống ai. Điều đó có nghĩa là hình ảnh của tên sĩ quan Nhật kia không in đậm trong tâm trí bố đến như vậy. Bố đã gán hình ảnh của Ichiro vào hình ảnh của hắn. Và bây giờ thì bố tin chắc rằng Ichiro là con cháu gì đó của tên sĩ quan kia...

- Ly, con không được hỗn! – bà Ngoạn ngắt lời.

- Mẹ ơi, con có hỗn đâu, con chỉ muốn chỉ ra điều bất hợp lý trong suy luận của bố thôi ạ. Bởi vì vấn đề này rất quan trọng đối với cuộc sống của con, nên con muốn cùng bố mẹ trao đổi hết nhẽ để sau này không phải ân hận vì điều gì. Nếu bố nhầm lẫn thì sao ạ? Năm mươi mấy năm đã trôi qua kể từ hồi đó. Có cái gì đảm bảo để trí nhớ của một đứa trẻ 6-7 tuổi hồi đó lại trùng với thực tế của bây giờ? Con yêu bố mẹ, nhưng cũng yêu Ichiro. Con không muốn mất ai hết.

Ông Ngoạn cố gắng bình tĩnh:

- Ly, con nghe đây. Bố đang vô cùng lo lắng cho tương lai của con. Tại sao, con biết không? Bởi vì bố yêu con. Bố không muốn con kết hôn với con cháu một kẻ đã gây tội ác trên đất nước này, nhất là đã sát hại một người thân của bố. Anh Đàn tuy là người ở, nhưng như là một người anh trai của bố, con hiểu không?

Ly bặm môi im lặng. Ông Ngoạn nói tiếp:

- Bố khẳng định với con là bố không lầm lẫn. Tiếc rằng ông bà đều đã mất cả, nếu như ông bà nhìn thấy Ichiro hôm nay, chắc chắn ông bà cũng suy nghĩ giống bố. Nếu con muốn, gia đình ta sẽ đưa Ichiro về quê, gặp lại những người đã chứng kiến cái chết của anh Đàn xem họ nói gì?

- Nhưng thế gian hiếm gì chuyện hai người xa lạ giống nhau hả bố?

Bà Ngoạn chen vào: “Đúng thế đấy mình ạ! Tôi thấy là bây giờ chúng ta sẽ không vội vã kết luận cậu Ichiro có quan hệ ruột thịt gì với tên sĩ quan kia hay không? Tôi có ý kiến thế này: Ly sẽ phải nói chuyện hết với Ichiro và hỏi xem trong gia đình cậu ấy trước đây có ai sang Việt Nam xâm lược hay không. Nếu họ tìm được câu trả lời thỏa đáng, thì không nên cấm chuyện của con Ly với cậu Ichiro”.

Ông Ngoạn mệt mỏi: “Thôi, cứ làm như ý mình cũng được! Nhưng tôi nói rồi đấy, chắc chắn là tôi không sai đâu”.

(còn tiếp)

PHẦN 1 PHẦN 2 PHẦN 3 PHẦN 4

22/5/08

BẰNG LĂNG NHẬT BẢN (4)



... Cậu bé Ngoạn co ro trong ổ rơm sau khi dằn bụng một củ khoai luộc mà u nó đưa cho khi sớm. Trời lạnh như cắt da cắt thịt. Ấy là mùa đông năm 1945 sau Tết Ất Dậu ít lâu. Ông Thiềm, thầy nó dặn nó chỉ loanh quanh ở nhà không được đi ra ngoài kẻo chết rét.

Ông nội nó là địa chủ ở cái làng này, nhưng thóc lúa của gia đình đều đã bị bọn Nhật tịch thu cả. Tất nhiên, ông nội, thầy nó và các chú cũng đã giấu được một ít, song họ cũng chỉ dám ăn dè sẻn, thậm chí cũng phải tỏ ra túng thiếu để bọn Nhật đỡ sinh nghi.

Bụng rỗng, trời lạnh trẻ con không được ra ngoài là đương nhiên. Nhưng ông Thiềm còn ngại mấy đứa con ông có thể bắt gặp xác những người chết đói ở đâu đó trong làng. Từ sau Tết đến nay, hầu như ngày nào làng cũng có người chết đói. Hôm trước, cả nhà anh cu Liễn, từng làm công cho nhà ông Thiền, đã chết sau mười mấy ngày không có gì ăn.

Ngoạn ở nhà một mình, nó đang thiu thiu ngủ thì nghe tiếng ồn ào, những tiếng chửi rủa, rồi tiếng kêu thất thanh của một người đàn bà: “Thả chồng tôi ra!”. Nó định thần giỏng tai lắng nghe. Tiếng người phụ nữ lại ré lên: “Thả chồng tôi ra!”. Ơ, giọng này đúng là của u nó. Ngoạn vùng dạy và chạy qua mảnh sân nhỏ ra đường làng có lát những phiến đá xanh lớn.

Nó nhìn thấy u nó đang bế con em miệng không ngớt kêu la đi theo một toán lính Nhật giải hai người đàn ông bị trói giật cánh khủy. Một đám người làng ồn ào kéo đuôi theo sau. Nó nhận ra hai người bị trói là thầy nó và anh Đàn người ở cho gia đình nó.

Nó chạy đến và túm lấy áo u nó: “U ơi, sao thầy lại bị bắt thế kia?”. U nó quệt nước mắt trên gương mặt lấm lem: “Con ngựa của quan Nhật chết, nên nó bắt thầy và anh Đàn. Phen này chắc nó giết thầy mất con ơi”.

Nghe thấy thế thằng Ngoạn òa khóc nức nở. Nó đã nghe nhiều câu chuyện rùng rợn về sự tàn ác của lính Nhật. Bọn Nhật về tịch thu thóc lúa và đóng quân ở làng bên. Chúng coi mạng người như con nhái.

Chỉ huy của chúng là một tên sĩ quan tuổi chừng 40. Trái với lũ lính thấp lùn, tên này dáng dong dỏng cao, có gương mặt khá điển trai và phong trần. Hắn đi bốt da, đeo kiếm dài và thường xuyên cưỡi ngựa.

Một buổi chiều hắn đến nhà ông Thiềm. Hắn biết nhà ông vẫn còn nuôi mấy con trâu và cố gắng giữ chúng bằng được cho vụ mùa tới. Qua tên thông ngôn, hắn yêu cầu ông Thiềm hàng ngày phải cung cấp một phần cỏ mà anh Đàn kiếm được cho con ngựa của hắn.

Và thế là hàng ngày, anh Đàn phải lũi cũi ôm mớ cỏ mà anh lặn lội kiếm được đến cho tên sĩ quan Nhật. Mùa đông, cỏ hiếm dần, có hôm anh Đàn kiếm được rất ít, nhưng ông Thiềm vẫn bảo anh mang cả cho tên sĩ quan, còn mấy con trâu ở nhà ông cho ăn rơm.

Anh Đàn ức lắm, thằng Ngoạn nghe anh chửi rủa, nhưng thầy nó an ủi: “Thôi, thí cho nó đi con. Cố cầm cự hết mùa đông, chừng tháng nữa là lại có cỏ thôi mà!”. Anh Đàn lầm bầm: “Chém cha con ngựa nhà nó!”.

Đến giờ này thì thằng Ngoạn lờ mờ hiểu ra rằng anh Đàn đã làm điều gì đó khiến con ngựa của thằng sĩ quan Nhật bị chết, và lính Nhật bắt cả anh Đàn lẫn thầy nó giải đến cho thằng sĩ quan hỏi tội.

Bọn Nhật giải hai người đàn ông qua cánh đồng sang làng bên. Thằng Ngoạn chạy theo u nó trên những luống đất đã cày đang phơi ải, mẹ chạy đến sát thằng lính Nhật áp giải và kêu: “Chồng tôi không có tội!”.

Tên lính mạnh tay gạt khiến mẹ nó cùng đứa em gái ngã xóng xoài. Con em khóc ré lên. Thằng Ngoạn chạy tới đỡ mẹ và em dậy. Thầy nó quay lại nói: “U em cho các con về đi, đừng cho chúng nó nhìn thầy cảnh này”.

Nhưng u Ngoạn không chịu về. Một số người dân làng, chủ yếu là những người làm công cho ông Thiềm, cũng đi theo.

Tên sĩ quan Nhật đeo kiếm dài đứng chờ đoàn người bên cạnh xác con ngựa. U Ngoạn đưa em cho nó bế và quỳ sụp xuống chân hắn: “Con cắn cơm cắn cỏ lậy quan lớn, chồng con không giết ngựa, xin quan lớn tha tội chết”!

Tên Nhật liếc mắt ra hiệu cho đám lính xốc nách lôi người đàn bà ra. Hắn ra lệnh trói hai người đàn ông vào gốc cây. Đến lúc này thì anh Đàn bật khóc nức nở: “Con giết chú rồi, chú ơi”.

Ông Thiềm gắt: “Im mồm, đàn ông dám làm dám chịu. Đến nước này còn khóc làm gì?”. Anh Đàn mếu máo: “Lạy chú tha tội cho con!”, rồi cố nín tiếng khóc.

Tên sĩ quan Nhật chầm chậm bước những bước dài từ chỗ con ngựa chết đến bên hai người đàn ông bị trói quỳ ở gốc cây. Tất cả những người có mặt ở đó nín thở. Chỉ có gió mùa đông bắc lướt qua cánh đồng trống hoác rít vào những tán cây ven làng như muốn xé rách chúng.

Hắn rút kiếm và đưa mũi kiếm đến cổ ông Thiềm. Ông ngửa cổ bình thản nhìn thẳng vào mặt hắn. Nhưng hắn quay lại phía anh Đàn, đưa mũi kiếm vào cổ anh như vừa làm với ông Thiềm. Chàng trai trẻ mặt lem nhem nước mắt nhìn hắn đầy lo sợ.

Hắn lùi lại một bước, vung mạnh tay về đằng sau rồi cắm phập chiếc kiếm vào ngực anh Đàn. Một tiếng kêu khàn đục vang lên hòa cùng tiếng hét thất thanh của đám người đứng quanh đó.

Tên sĩ quan đâm quá nhanh khiến thằng Ngoạn không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nó há mồm chăm chú nhìn vào ngực anh Đàn. Tên Nhật rút kiếm ra và một dòng máu đỏ phụt ra ngoài vào thẳng ống quần và bốt của hắn. Anh Đàn giãy lên một cái rồi gục đầu xuống ngực. Từ miệng anh rỉ ra một dòng máu đỏ tươi.

Thằng Ngoạn ngước nhìn tên sĩ quan. Hắn nhếch mép cười và cầm chiếc kiếm dính đầy máu quay lại chỗ xác con ngựa. Hắn đặt cây kiếm lên đầu con vật xấu số, rồi cúi gập người xuống.

(còn tiếp)

Photo from Hora Tomio's book "The Great Nanjing Massacre and the Kill All, Loot All, Burn All War "

PHẦN 1 PHẦN 2 PHẦN 3

free hit counters

21/5/08

NỖI KHỔ CÓ XE



- Trưa nay ông đi khao xe cậu T đấy à?

- Đâu? Có thấy nó nói gì đâu?


- Ơ, hôm thứ Hai nó bảo tuần này trưa nào khao xe mà.


- Ừ, trưa nào chứ không phải trưa nay. Phòng nó, nó còn chưa khao nữa là! Chắc mua xe xong hết tiền rồi.


- Có thể lúc mua hứng lên, thích quá nhắm mắt nhắm mũi mua, mà không lường hết được tiền nuôi xe như thế nào.


- Đúng thế. Tốn kém phết ông ạ. Nuôi xe chẳng khác nào nuôi con nghiện trong nhà.


- Ví von khiếp thế?


- Thật thế mà. Đây nhé: Mỗi tháng riêng tiền xăng tối thiểu đã mất 2 triệu, đó chỉ là đi lại trong thành phố thôi đấy. Mua xe rồi chẳng nhẽ ở nhà, mỗi tháng một chuyến đi dã ngoại cũng mất đứt triệu bạc. Rồi tiền gửi xe: gửi qua đêm cũng 5-6 trăm rồi, ban ngày đi làm có thể đậu trước cơ quan, nhưng nếu đi đâu đó thì lại mất mỗi lần 20 nghìn tiền gửi. Vị chi cả tháng cũng mất thêm 5-6 trăm nữa. Không có xe đi ăn chỗ nào cũng được, có xe thì lại phải chọn chỗ nào ăn đỗ được xe, mà những chỗ ấy thì giá đồ ăn đồ uống lại đắt hơn chỗ khác đến 20%. Rồi còn tiền rửa xe, hút bụi, trăm thứ bà dằn... Nuôi một cái xe tháng mất toi 5 triệu.


- Ừ nhỉ... Thế là bằng nuôi hai đứa trẻ con còn gì!


- Đó là chưa kể bố mẹ lại thích về quê. Có xe thì đương nhiên phải phục vụ các cụ rồi. Về quê thì có phải chỉ xăng nhớt không đâu, còn cả quà cáp nữa. Các cụ chỉ có lương hưu, gánh sao được khoản đó?

- À, ông kể tôi mới nhớ, một ông bạn tôi nói có xe nên năng về quê thăm bà con họ hàng. Dưới quê họ biết đâu, cứ thấy anh đi xe hơi bóng loáng về, lần nào cũng cho quà, nên cứ nghĩ là anh ăn nên làm ra lắm. Thế là hết người nọ đến người kia gọi điện hỏi... vay tiền. Lúc thì làm nhà, khi thì cưới xin, lúc lại đau ốm... Méo mặt không biết từ chối cách nào.

- Thì tôi đây, mỗi tháng trả nợ ngân hàng 12 triệu. Nói thế nhưng mà bà con ở quê chả tin. Họ rủa mình keo kiệt.


- Khổ nhế? Nói thế thôi, nhưng mà đi xe vẫn thích đi. Mưa không đến mặt, nắng không đến đầu. Rét như hồi đầu năm nay thì có xe là nhất còn gì? Đi đường lại không phải hít thở không khí ô nhiễm, giảm thiểu nguy cơ bị tai nạn. Ti tỉ thứ lợi. Cho nên cứ mua xe vẫn là hơn.

- Nhất là không phải đội mũ bảo hiểm nữa...

(Xin lỗi mọi người, tạm nghỉ một kỳ "Bằng lăng Nhật Bản")

20/5/08

BẰNG LĂNG NHẬT BẢN (3)



Nghe bố chậm rãi nói những lời ấy, Ly choáng váng. Một cơn giận dữ xen lẫn với hờn tủi trào lên. Con gái rượu, con gái ngoan, niềm tự hào của bố, luôn luôn yêu thương, tôn trọng và nghe lời bố, thế mà giờ đây bị tước đoạt hạnh phúc. Người Ly run lên, mắt ầng ậng nước. Cô run rẩy nói: "Tại sao, tại sao hả bố? Anh ấy có khiếm khuyết gì khiến bố không hài lòng?"

Ông Ngoạn nhìn thẳng vào mắt con gái, một cái nhìn không được tự tin cho lắm: "Bố không thấy có khiếm khuyết gì, nhưng bố thấy không được!"

Bà Ngoạn ôn tồn: "Mới gặp cậu ấy một lần thì chắc chúng ta chưa thể có ý kiến gì về nhân cách của cậu ấy. Ngoại trừ là ông đã theo dõi cậu ấy từ lâu. Nhưng nếu vậy thì ông cần gì phải bảo con đưa cậu ấy về nhà giới thiệu! Chắc chắn ông có nguyên nhân nào đó khác. Tôi, tôi hy vọng ông sẽ không nói rằng cậu ấy có mối liên hệ nào với ông chứ???"

- Mối liên hệ nào? Bà nói thế là định ám chỉ cái gì? - đến lượt ông Ngoạn tức giận.

- Mình thông cảm, tôi là bà nội trợ, quanh quẩn bếp núc với cái tivi, suốt ngày chỉ xem phim truyền hình Mexico, nên suy nghĩ cũng chỉ thế thôi. Ý tôi định nói là mình với cậu Ichiro ấy chắc không có quan hệ máu mủ ruột rà gì để mà con Ly không được phép quan hệ với cậu ấy.

- Hmm. Thật quá quắt! - ông Ngoạn đấm mạnh tay xuống mặt bàn, khiến nước từ cái chén bắn lên tung tóe.

- Tôi xin lỗi, - bà Ngoạn lí nhí.

Sự nghi ngờ của vợ khiến ông Ngoạn trở nên quả quyết hơn. Ông thở hắt ra một tiếng, chiêu ngụm nước và nói: "Mình và hai con nghe đây, tôi phát hiện ra một điều quan trọng. Khi Ichiro bước vào, tôi ngỡ ngàng vì nhận ra rằng tôi đã gặp nó rồi. Gặp ở đâu đó, trong một điều kiện khủng khiếp nào đó, mà tôi không nhớ rõ ngay được lúc đó. Nhưng đó là một ký ức rất đau đớn, nó làm tôi đau nhói như có ai đâm vào ngực vậy. Tôi đã đánh rơi chén nước khi nhìn thấy nó..."

- Sao bố có thể gặp anh ấy trong điều kiện khủng khiếp nào được? Anh ấy mới sang đây chưa được một năm. Quanh đi quẩn lại thì anh ấy cũng chỉ từ nhà đến văn phòng, từ văn phòng về nhà, thỉnh thoảng thì đi công tác ở Sài Gòn. Bố có thể gặp anh ấy ở đâu được cơ chứ. Anh ấy hiền lành, tử tế, ai cũng quý. Làm sao có thể làm được điều gì khủng khiếp khiến bố phải đau đớn chứ? Bố có ngủ mơ không, bố ơi? - Ly bực bội kêu lên.

- Giá mà mơ được, thì đó cũng chỉ là cơn ác mộng thôi. Đằng này không phải là ngủ mê, con ạ. Ý bố nói là không phải bố đã gặp Ichiro. Mà cái gương mặt ấy, hình dáng ấy, cặp mắt ấy... tất cả đều y đúc hình hài một con người khủng khiếp tồn tại đâu đó và đột ngột nhảy bổ vào đầu bố, khi Ichiro bước vào...

- Có phải mình định nói là mình đã gặp một người nào đó rất giống Ichiro? - bà Ngoạn hồi hộp dò hỏi.

- Đúng thế. Nhưng oái oăm một nỗi là tôi không thể nhớ ra tôi đã gặp con người đó ở đâu. - ông Ngoạn chán nản lắc đầu.

- Bố ơi, bố có biết điều bố vừa nói là gì không ạ? Tâm lý học gọi đó là hiện tượng "Déjà vu", có nghĩa là "đã nhìn thấy, đã chứng kiến". Tức là ai đó nhìn thấy một điều gì đó mới hoàn toàn, nhưng lại có cảm giác chắc chắn là đã gì thấy cái này rồi, hoặc đã thực hiện trong quá khứ cái điều mà ta vừa mới nhìn thấy. Hiện tượng này xảy ra với tất cả mọi người, càng cao tuổi, thì người ta càng dễ mắc "Déjà vu". Gớm, thế mà bố làm cả nhà phát sợ! - Ly vui vẻ như bắt được vàng.

- Không, con nói không đúng, bố chắc chắn là bố đã gặp Ichiro, à đã gặp một người như Ichiro!

- Bố ơi, bố quả quyết thế là phải rồi, một người mắc "Déjà vu", thì luôn có cảm giác chắc chắn về điều mà anh ta cho là anh ta đã nhìn thấy.

- Bố không biết cái lý thuyết tâm lý học ấy của con. Suốt cả lúc ngồi nói chuyện với Ichiro, đầu óc bố cứ rối tung cả lên, nó như lục lọi mọi ngóc ngách để tìm xem cái con người này là ai và bố đã gặp trong hoàn cảnh nào.

- Thế bố đã tìm ra chưa? - Ly sốt ruột.

- Khi mọi người ra về, bố lên phòng nghỉ. Bố nằm và vắt óc suy nghĩ. Cuối cùng bố đã nhớ ra bố gặp người ấy ở đâu.

(còn tiếp)

PHẦN 1
PHẦN 2

18/5/08

BẰNG LĂNG NHẬT BẢN (2)



... Mọi người đều đổ dồn mắt vào chú rể Nhật Bản, nên hầu như không ai nhận ra hành động bất thường của người chủ gia đình ngoại trừ Ly và người yêu của cô. Ông Ngoạn (tên bố Ly) trấn tĩnh rất nhanh. Ông nở một nụ cười máy móc, tay phải chìa cho con rể tương lai, tay trái quờ chiếc chén đánh rơi trên bàn. Nhưng có một bàn tay khác đã kịp thời nhặt chiếc chén lên và lau đám nước đổ ra. Bàn tay ấy nắm lấy tay ông và bấm nhẹ.

Chú rể tương lai cúi gập xuống chào bố mẹ người yêu. Khi ngẩng lên, anh ta thận trọng cầm lấy bàn tay cứng ngắc và nhơm nhớp mồ hôi của ông Ngoạn và cố gắng nói bằng tiếng Việt: "Cháu chào hai bác ạ. Tên cháu là Ichiro, tiếng Nhật có nghĩa là "con cả". Cảm ơn hai bác cho phép cháu đến nhà".

Ông Ngoạn gật đầu, giới thiệu với Ichiro ông tổ trưởng dân phố và các thành viên trong gia đình rồi mời anh ngồi xuống. Ichiro chỉ nói được vài câu chào hỏi bằng tiếng Việt, còn lại đều phải nói bằng tiếng Anh và nhờ Ly phiên dịch.

Những câu nói của ông Ngoạn rời rạc, hầu như không ăn nhập với không khí có phần bị kích động của gia đình trước bối cảnh cô con gái sắp lấy một anh chồng nước ngoài có học, lịch lãm và giàu có.


Có một điều gì đó rất khó tả trong thái độ của ông Ngoạn, khác hẳn với sự quảng đại và linh hoạt ngày thường. Ly vừa dịch cho người yêu vừa cố hiểu xem cái gì đã xảy ra với bố cô.

Rõ ràng không phải ông có mặc cảm hay phân biệt đối xử gì với người nước ngoài, chính ông đã yêu cầu cô dẫn người yêu về chính thức ra mắt cơ mà. Nhưng trong mắt ông có sự thất vọng, hay bẽ bàng nào đó. Nó mạnh đến nỗi bứng trọn ông khỏi không gian thân thuộc trong căn nhà mà ông làm chủ và cuốn ông đến một nơi chốn mà ông không biết ai, không biết phải hành xử thế nào.


Cuộc trò chuyện được trông đợi là sẽ rất nồng nhiệt và chân thành bỗng chốc trở nên nhạt nhẽo và vô hồn. Ông Ngoạn như đang để tâm trí ở một chỗ khác và muốn chấm dứt càng nhanh càng tốt cuộc hội ngộ bất đắc dĩ này.

Ichiro nói với ông bà Ngoạn nội dung mà Ly đã tư vấn trước, đại loại "cháu yêu con gái của hai bác, xin hai bác cho phép chúng cháu tìm hiểu nhau và cho phép cháu qua lại thăm hai bác..." Ông Ngoạn tất nhiên gật đầu đồng ý. Cú gật đầu của chú robot.


Ly tiễn người yêu về. Trước khi lên xe, Ichiro thận trọng dò hỏi: "Bố em hàng ngày vẫn thế à?". "Không anh ạ, hàng ngày bố vui vẻ lắm. Nhưng hôm nay bố có vẻ căng thẳng. Chắc tại thấy sắp mất con gái..." - Ly nói đùa.

Ichiro lắc đầu: "Có vẻ như bố em không thích anh???". "Không phải thế đâu, Ichiro. Các ông bố Việt Nam luôn tỏ ra khó tính khi con rể tương lai tới ra mắt. Anh cứ yên tâm, em cam đoan là không có chuyện gì đâu. Lần sau anh tới, anh sẽ thấy mọi chuyện rất khác" - Ly vội vã trấn an người yêu. Ichiro bất giác thở dài: "Hy vọng thế!".


... Ly vào nhà. Bố cô cáo mệt lên phòng nằm nghỉ. Cô vào bếp hỏi mẹ: "Bố bị làm sao thế mẹ?". Bà trả lời: "Mẹ không biết, nhưng chắc chắn có chuyện gì đó đã xảy ra khi bố con nhìn thấy Ichiro. Mẹ thấy khó hiểu quá, nó trẻ trung, cao ráo, đẹp trai, có học, lịch lãm... chẳng có điều gì để chê cả..." Ly sốt ruột: "Để con lên hỏi bố xem thế nào". Bà mẹ kéo tay con gái: "Thôi con. Để cho bố nghỉ. Mẹ nghĩ tối nay bố sẽ giải thích".

Bữa cơm tối dọn ra. Mẹ Ly giục cậu con trai lên tầng mời bố xuống ăn cơm. Ông chậm rãi bước xuống. Mặt trắng xanh, bộ mặt đầy ưu tư, chứng tỏ ông vừa trải qua một cơn sốc tinh thần. Ba mẹ con nhìn ông thảng thốt. "Ông sao vậy" - bà hỏi khẽ. Ông lắc đầu, chậm rãi ngồi xuống ghế: "Tôi không sao cả. Thôi ta ăn cơm nào".

Bữa cơm diễn ra trong im lặng. Một sự im lặng nặng nề. Ly ăn cơm như nhai rơm. Bố cô cũng như vậy. Cố gắng nuốt được hai bát cơm, ông đứng dậy và nói: "Ăn xong, ba mẹ con ra phòng khách, tôi có chuyện muốn nói".

Ba mẹ con nhanh chóng kết thúc bữa tối, dẹp bát đĩa vào chậu rửa và vội vã tiến vào phòng khách. Ông Ngoạn với tay lấy remote tắt tivi: "Thế này, mẹ nó và hai con ạ. Ly chắc chắn không thể kết hôn với cậu Ichiro này!"

(còn tiếp)

PHẦN 1

16/5/08

BẰNG LĂNG NHẬT BẢN (1)



Hoa bằng lăng mầu tím nở rộ ở Hà Nội trung tuần tháng 5 dương lịch. Bằng lăng mới từ nam đổ bộ ra Bắc chừng hơn một thập niên và mang đến cho Hà Nội thêm một mầu nữa, sau hoa sưa trắng toát vào tháng Ba, hoa loa kèn trắng xanh và những hàng cây sà cừ đổ lá vàng rào rạt trên hè phố vào tháng Tư và trước khi phố phường rực cháy bởi hoa phượng vào tháng Sáu.

Bằng lăng hoàn toàn không có gốc gác Nhật Bản, nhưng câu chuyện dưới đây lại liên quan đến Nhật.

Tốt nghiệp đại học, với vốn tiếng Anh kha khá, cô xin được một chân văn phòng trong một hãng Nhật Bản tại Hà Nội. Thời đó cách đây cũng hơn 10 năm rồi. Hà Nội khi đó mới mở cửa được vài năm, cũng đã bắt đầu khởi sắc.

Làm được mươi ngày, cô hoảng sợ phát hiện ra mình không thể về vào lúc 5 giờ chiều khi hết giờ hành chính. Sếp cô, một người đàn ông Nhật Bản nho nhã, tầm hơn 30 tuổi một chút, vẫn còn ở cty và không một nhân viên nào dám ra về khi anh ta chưa xách cặp đi khỏi. Anh ta thường ra về vào lúc 7 giờ, đôi khi ngồi đến tận 9 giờ tối.

Được một tháng, thấy bố mẹ cứ phải chờ cô về ăn cùng khi mà cơm đã nguội tanh nguội ngắt, cô nói với bố mẹ nên ăn cơm trước, vì tình hình này có nguy cơ không thể cải thiện được. Ông bố sợ con đi là cà, lang thang đi đâu, nên có vài lần bí mật đến gần văn phòng, ngồi ở quán chè chén bên kia đường để theo dõi. Ông chỉ yên tâm khi thấy đúng là cô con gái về muộn thật, chứ không phải đi chơi.

Kể từ khi xuất hiện cô trong công ty, các chị lớn hơn vướng chuyện chồng con, phân công cô sẽ là người cuối cùng ra về cùng sếp. Họ sẽ lặng lẽ lần lượt về sớm chăm sóc gia đình. Cô vui vẻ chấp nhận.

Một buổi tối trời mưa, sếp xách cặp ra khỏi công ty. Cô mặc áo mưa, dắt xe đạp ra và đóng cổng lại. Bỗng nhiên, cô nghe thấy tiếng gọi: "Ly, mưa gió thế này mà cô định đạp xe về nhà sao?". Hóa ra là sếp gọi. Cô nói: "Vâng, không sao. Tôi quen rồi ạ".

Sếp có vẻ không hài lòng: "Không được, mưa to lắm. Cô cất xe vào công ty đi. Ra đây tôi chở cô về nhà".

Cô ngỡ ngàng: "Vâng, nhưng ngày mai tôi sẽ đi đến cơ quan thế nào?"

Sếp quả quyết: "Mai tôi sẽ đến đón cô. Nhanh lên!"

Cô luống cuống cất xe vào bên trong, cởi bỏ bộ áo mưa, rồi lấy một chiếc ô của văn phòng, chạy ra ngoài. Sếp nhoài người mở cửa trước cho cô. Cô ngồi xuống, song song với ghế lái xe nơi sếp đang ngồi và lí nhí nói: "Cảm ơn ông".

Sáng hôm sau, sếp đón cô rất đúng giờ. Mưa đã tạnh từ đêm và trời sáng bừng nắng. Ý thức có người đàn ông đến đón mình, cô trang điểm và ăn mặc đẹp hơn bình thường.

Sếp vừa lái xe vừa hỏi: "Này Ly, loài hoa rực rỡ nở trên cái cây trước cổng nhà cô là hoa gì vậy?"

- Hoa bằng lăng thưa ông. Nó nở khi mùa hè bắt đầu.
- Ồ, vậy à? Loài hoa này thật đẹp. Nó khiến tôi gợi nhớ đến hoa anh đào ở Nhật Bản. Hoa anh đào mới nở rộ cách đây mấy tuần, báo hiệu mùa xuân sang.
- Thế ạ? Tôi chưa nhìn thấy hoa anh đào bao giờ...
- Nó màu hồng tươi và cũng nở rộ trên cây như hoa bằng lăng này... À, mà Ly này, hôm nay trông cô rất đẹp.

Cô đỏ mặt, cúi đầu.

Các chị trong cơ quan xôn xao khi thấy sếp đánh xe chở Ly đến công ty. Một vài người hân hoan ra mặt: "Em thật tốt số, được sếp để ý. Hóa ra các chị về sớm em lại thuận lợi nhỉ?". Cô ngượng nghịu: "Đâu mà, chẳng qua là hôm qua mưa thôi..."

Nhưng rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Ly bước vào mối tình này thật nhẹ nhàng, cứ y như một sự xếp đặt vậy.

Một hôm, bố cô nói sau bữa cơm gia đình vào chiều Chủ nhật: "Ly này, bà con hàng xóm cứ xì xào về chuyện con được người nước ngoài đưa đón bằng ôtô. Họ không biết công ăn việc làm của con, nên cứ đồn đại lung tung. Nếu con tính chuyện nghiêm túc, thì phải đưa người đó về đây giới thiệu chính thức với gia đình. Bố mẹ sẽ mời ông tổ trưởng dân phố đến chơi hôm đó. Để cho người ta thấy mình là người đàng hoàng, là gia đình có nền nếp".

Cô đem chuyện nói với người yêu. Sếp cô đần mặt ra, nhưng rồi gật đầu lia lịa: "Phải rồi, phải rồi. Chủ nhật tuần sau anh sẽ đến".

Cuộc trình diện diễn ra theo đúng dự định. Bố mẹ, cô dì chú bác, anh chị em Ly ngồi chật ở nhà. Ông tổ trưởng dân phố cũng đến. Trông thấy Ly dẫn chú rể tương lai vào nhà, bố cô há miệng, trợn mắt, chén nước chè đang cầm trên tay rơi xuống mặt bàn...

(còn tiếp)

14/5/08

AI LÃNH ĐẠO NƯỚC NGA?



Putin đã chuyển giao quyền lực cho Medvedev trong một buổi lễ ngoạn mục được truyền hình trực tiếp đi khắp thế giới.

Sau đó hai ngày nước Nga đánh dấu lễ đăng quang của vị "Sa hoàng" trẻ bằng màn biểu dương sức mạnh trên Hồng trường với những vũ khí hạng nặng tối tân, khiến không ít người phải chột dạ.

Putin đã thành lập xong nội các của mình với đa phần các bộ trưởng từ nội các cũ. Medvedev cũng đã thông qua bộ máy điều hành của Phủ Tổng thống với đại đa số cố vấn đã từng phụng sự Putin trước đây.

Họ gần như đổi vị trí cho nhau với bộ máy hầu như giữ nguyên.

Suốt từ khi bầu cử cho đến nay, dư luận không ngớt băn khoăn: Ai là người nắm giữ quyền lực thực tế ở nước Nga? Thủ tướng Putin hay Tổng thống Medvedev?

So với "Giáo chủ áo xám" Putin, thì Medvedev chẳng khác nào một cậu học trò lên sân khấu nhận phần thưởng học sinh giỏi.

Medvedev sẽ cựa quậy ra sao trong cái bóng bao trùm quá lớn của Putin?

Liệu có chuyện các vị thống đốc vùng quyền uy nắm giữ những nguồn của cải vô tận của nước Nga sẽ nghe lời thủ tướng, chứ không nghe lời tổng thống?

Người ta nghi ngờ Medvedev sẽ trở thành con rối trong tay Putin.

Nhưng Putin không phải loại người dựng người khác lên để làm bù nhìn.

Cứ xem những động thái dàn xếp, xây dựng lòng tin và những ứng xử đầy khôn ngoan của ông ta trong suốt 8 năm qua, thì cũng đủ thấy ông ta sẽ áp dụng một đối sách rất linh hoạt để đảm bảo quyền lực vững chắc cho cả hai.

Putin đồng ý trở thành Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất và giữ ghế thủ tướng không phải là để tranh giành quyền lực với Medvedev, mà là để tạo thành cơ cấu quyền lực gọng kìm. Mục tiêu của ông là tiếp tục duy trì ảnh hưởng để sau nhiệm kỳ 4 năm của Medvedev, sẽ ra tranh cử và trở lại ngôi vị tổng thống nước Nga một lần nữa.

Và không phải chỉ ngồi có 4 năm mà là 2 nhiệm kỳ 8 năm. Lúc đó ông sẽ đổi vị trí cho Medvedev và cơ cấu gọng kìm quyền lực sẽ trị vì tạo giai đoạn ổn định 12 năm cho nước Nga. Cộng thêm 8 năm đã qua, nước Nga sẽ có tổng cộng 20 năm thịnh trị đủ trở thành cường quốc mạnh nhất thế giới, theo đúng chiến lược mà Putin đã vạch ra.

Còn Medvedev sau 8 năm cầm quyền của Putin mới 55 tuổi, thừa sức để cầm quyền thêm 2 nhiệm kỳ nữa. Lúc đó Putin sẽ sắm vai Thái thượng hoàng thực sự và ngôi vị thủ tướng sẽ được chuyển giao cho một nhân vật mới.

Với logic như thế thì Putin sẽ không tranh giành ảnh hưởng với Medvedev, mà sẽ hợp tác, chỉ bảo và tạo không gian để Medvedev có thể tạo dựng được uy tín của mình. Họ sẽ cùng lãnh đạo nước Nga và sẽ trở thành một trong những cặp bài trùng quyền lực thuộc loại ăn ý nhất trong lịch sử nhân loại.

13/5/08

NHÀ BÁO ĐỐI DIỆN VỚI PHÁP LUẬT


Thực sự là giới báo chí bị rúng động trong suốt hơn một ngày qua sau vụ bắt giữ hai nhà báo Nguyễn Văn Hải (Tuổi Trẻ) và Nguyễn Việt Chiến (Thanh Niên). Đây không phải là lần đầu tiên nhà báo bị bắt, nhưng đúng là chưa bao giờ giới báo chí bị tác động mạnh đến như vậy.

Trong những lần trước, đa phần các nhà báo bị bắt đều có tì vết. Họ khiến cho báo giới xấu hổ và muốn quên đi thật nhanh. Còn lần này, bị bắt là những cây bút điều tra tên tuổi của những tờ nhật báo hàng đầu Việt Nam, trong số đó có cả người đã từng đoạt giải thưởng cao nhất của Hội Nhà báo Việt Nam.

Tôi không có quan hệ cá nhân thân thiết với những nhà báo này, song căn cứ vào nhận xét của những đồng nghiệp mà tôi tôn trọng thì họ là những nhà báo thực tài và có tâm huyết với nghề nghiệp.

Mặc dù cố gắng xem xét sự việc một cách khách quan nhất, mổ xẻ các vấn đề liên quan một cách tỉnh táo nhất, và tìm những lý lẽ thuyết phục nhất để biện minh cho quyết định của cơ quan điều tra, chắc chắn không ít nhà báo vẫn thấy băn khoăn xung quanh vụ bắt giữ này.

Tờ Tuổi Trẻ số ra ngày hôm nay đã thừa nhận: "Trong quá trình xử lý, đăng tải thông tin về vụ án tiêu cực ở PMU18, báo Tuổi Trẻ có một số thông tin không chính xác và ngay sau đó đã cải chính kịp thời trên mặt báo, có tin cải chính tới hai lần. Những sơ suất này đều được Ban biên tập Tuổi Trẻ rút kinh nghiệm sâu sắc ở các khâu, trong đó có vấn đề tỉnh táo, thận trọng, tránh nôn nóng khi đưa tin về các vụ chống tham nhũng".

Tờ Thanh Niên thì cho hay trong số ra ngày 18.4.2006 tờ báo này đã đăng đính chính bài viết "Bùi Tiến Dũng khai đã đưa tiền cho gần 40 nhân vật" của tác giả Nguyễn Việt Chiến đăng trên số báo 2 ngày trước đó.

Điều này cho thấy các cơ quan báo chí đã tuân thủ Luật Báo chí sau khi đăng tải những thông tin không chính xác.

Các nhà báo thực ra cũng chỉ là các công dân, phải "sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật". Luật Báo chí có cho phép truy tố hình sự đối với những cá nhân vi phạm pháp luật. Nhưng có nên bắt các nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến?

Báo chí là bộ phận đặc biệt trong xã hội. Các nhà báo chuyên viết điều tra, chống tiêu cực lại là những người đặc biệt trong bộ phận đặc biệt đó. Họ có ảnh hưởng đối với xã hội và trong một chừng mực nào đó là những người được dư luận đặt niềm tin.

Những cây bút điều tra ở nước ta thường coi thông tin từ cơ quan điều tra là nguồn tin tin cậy nhất. Cơ quan điều tra nói tức là thông tin đúng. Trong trường hợp này thường không có double check (kiểm chứng kép).

Tôi nghĩ rằng trong quá trình điều tra PMU18, hai nhà báo của chúng ta có một niềm tin thật đơn giản là họ đang làm đúng. Thiết nghĩ nên áp dụng những điều khoản kỷ luật của Luật Báo chí đối với họ thì hợp lý hơn là truy tố vì tội danh nêu ra trong điều khoản luật chống tham nhũng.

Nhiều nhà báo nổi tiếng thế giới đã mắc sai lầm (kể cả vô tình và cố ý) và phải trả giá cho sai lầm của mình. Đó không phải là điều khó hiểu, chỉ có điều ở Việt Nam các nhà báo chưa được chuẩn bị tinh thần đối mặt với sự nghiệt ngã này.

12/5/08

ĐỘNG ĐẤT TẠI HÀ NỘI



Động đất vừa diễn ra tại Hà Nội lúc 13h45 trên địa bàn khá rộng. Khu vực chủ yếu là Giảng Võ, Thủ Lệ, khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Kim Liên, xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Thiền Quang...

Động đất đã khiến những người dân sống trong các khu nhà cao tầng ở khu Trung Hòa - Nhân Chính, hoặc các tòa nhà văn phòng hoảng sợ và chạy tán loạn ra bên ngoài.

Một nhân viên làm việc tại tòa nhà VIT (đối diện với khách sạn Daewoo) cho hay: Động đất được cảm nhận rất rõ rệt. Ngồi trên ghế trong phòng ta có cảm giác như đang đứng trên cầu mây bị gió mạnh thổi vào. Những chậu hoa cảnh bị lắc.

Động đất kéo dài khoảng 30 giây, nhân viên này cho hay.

Những người trong nhà cao tầng đã nhanh chóng tìm cách thoát thân ra bên ngoài. Họ dùng cả cầu thang máy, mà lẽ ra không nên sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Thời gian gần đây tại Hà Nội đã xảy ra một số trận động đất nhẹ, nhưng cũng đủ để tạo nên sự hoảng loạn trong những người sống hoặc làm việc tại các tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, công tác hướng dẫn người dân phản ứng trong những sự cố tương tự lại chưa được tiến hành.

Theo Lao Động Điện tử : Chị Tâm, nhân viên công ty New Way Logistics làm việc tại tầng 6, tòa nhà 17t3 Trung Hòa, Hà Nội cho biết biểu hiện động đất khá rõ, bản thân chị cảm thấy rất buồn nôn và chóng mặt. Nhân viên và người dân trong các tòa nhà lân cận tại khu vực này đều chạy ra khỏi tòa nhà trong tâm trí khá sợ hãi.

Chị Hương làm việc tại Ocean Park thì kể lại có cảm giác say say, đồ vật trong phòng đều rung, thậm chí các vách ngăn tòa nhà còn kêu cọt kẹt. Những người làm việc tại tòa nhà Prime Center ở 53 Quang Trung cũng cho biết bị ảnh hưởng bởi động đất. Theo lời chị Hoa, làm việc tại tòa nhà này cho biết đợt động đất lần này diễn ra lâu và mạnh hơn hẳn so với trận động đất diễn vào vào năm trước. Thông báo động đất được phát đi phát lại liên tục khắp tòa nhà. Nhiều nhân viên làm việc tại tầng thấp tại các tòa nhà khẳng định cảm nhận rõ động đất.

Theo thông tin ban đầu từ Viện Vật lý Địa cầu, trận động đất vừa diễn ra tại Hà Nội có thể là do ảnh hưởng từ một trận động đất diễn ra tại Trung Quốc, cách VN khoảng 1 nghìn km.

Trích tường thuật của Bùi Khương từ VIT Tower:

"Vào hồi 13h45, tất cả các cán bộ, nhân viên đang làm việc tại toà nhà VIT Tower số 519 Kim Mã bị một phen hoảng loạn và phải tháo chạy xuống phía dưới vì cả toà nhà bị rung chuyển khá mạnh.

Sau khi nhận được tin báo, chúng tôi có mặt ngay ở trước cổng toà nhà VIT Tower. Gần như tất cả mọi người trong toà nhà đều tràn ra phía cổng, vỉa hè, thậm chí nhiều người đứng tràn ra cả long đường để “tránh” sự cố.

Anh Vũ Tuấn Phong, nhân viên PR làm việc trên tầng 19, vừa chạy xuống cho chúng tôi biết: “Tất cả chỉ diễn ra trong khoảng 10 giây, khi đó mọi người đang hăng say làm việc thì bỗng có cảm giác như “đang ngồi trên cành cây” đung đưa. Tiếp sau đó là những rung chuyển của các đồ vật trên bàn làm việc. Các bình gốm, lọ hoa đề bị lung lay và trong tư thế sắp đổ. Một số người không khỏi sợ hãi đã hét to: “Động đất, động đất, chạy thôi…!”.

Tiếp sau đó, không ai bảo ai, hầu như tất cả các cán bộ nhân viên, nam có nữ có đều chạy về phía thang máy để tháo chạy xuống phía dưới. Chị Hùynh Thị Huệ, một nhân viên maketing đang làm việc trên tầng 18 của toà nhà Vit Media cho biết: “Chưa đầy 5 giây, tất các các thang máy đều chật ních người, mọi người đều trong trạng thái hoảng loạn, những người không chen được vào thang máy thì vội vã chạy xuống theo lối cầu thang bộ…”

Anh Quách Tuấn Phát, nhân viên kinh doanh vừa chạy bộ từ tầng 19 xuống vẫn còn hổn hển cho chúng tôi biết: “Lúc đó mọi người đều sợ hãi nên cũng chẳng để ý và chỉ biết tháo chạy xuống dưới…”.

Phải mất hơn 20 phút sau, tình hình ở đây mới được ổn định trở lại. Các cán bộ, nhân viên ở đây đã bắt lên làm việc trở lại nhưng với tâm lý vẫn còn hơi sợ hãi!"

Khoảng 16 giờ, dư chấn tiếp tục xảy ra, rõ rệt nhất ở tháp Vincom. Tại Vietcombank và VIT Tower đã nhận được khuyến cáo dư chấn có thể sẽ tiếp tục xảy ra trong chiều nay, nên ngày làm việc đã chấm dứt ở những tòa nhà này.

Bài tham khảo: "Hà Nội: Hốt hoảng vì cơn dư chấn nhẹ"



10/5/08

VIẾT CHO ĐÔI TÌNH NHÂN BLOGGER



Cuối cùng thì sáng nay tôi cũng gặp họ, đôi tình nhân phiêu lưu nhất và lãng mạn nhất trong thế giới blog Việt.

Cô gái thật mong manh so với người phụ nữ mạnh mẽ, nồng nàn với những ưu tư rộng hơn cả một kiếp người mà cô thể hiện trong blog của mình. Cặp mắt cô không còn u uẩn như những tấm hình cô post trên blog của mình, mà ánh lên niềm hạnh phúc. Của một người phụ nữ đang yêu và được yêu.

Chàng trai cao lớn, vững chãi, hơi thô tháp đối lập với sự tinh tế trong những dòng viết thao thiết. Nhưng cái chí, sự quảng đại, tinh thần lạc quan, thái độ vô tư và bất cần thì hiện ra rất rõ nét trong từng câu nói, cử chỉ.

Họ xuất hiện ở đây, trước mặt tôi, mạnh mẽ và mong manh, tay trong tay, như một minh chứng hùng hồn rằng cái thế giới ảo tồn tại trong những khoảng không vô định nào đó, đằng sau những bàn phím, xuyên qua những đường biên giới, vượt lên những khác biệt, là có thực. Cái thế giới ảo ấy tạo nên tình yêu - điều nhiệm màu nhất của thế giới và sự sống.

Nếu muốn cố nói một cách không văn vẻ, thì cũng chẳng thể nào tìm được một cụm từ nào khác hơn là họ đã sống ở "những phương trời cách biệt". Nếu tính ở Việt Nam, thì cô gái ở tận An Giang, nơi gần như đã là tận cùng của Việt Nam, còn chàng trai xuất thân từ miền quê lúa Thái Bình. Số phận đưa cô đến Australia, nhưng rồi những con sóng vô hình nào đó lại đẩy cô ra khỏi bờ bến đó. Chàng trai sau 3 năm lặn lội từ Nam ra Bắc, kiếm được một học bổng thạc sĩ ở Italia.



Bức thư tình đầu tiên (Đỗ Bảo - Tấn Minh)

Họ tình cờ tìm thấy nhau trên blog, khi mà chuỗi ngày buồn của cô dường như không tìm thấy điểm chấm dứt, còn chàng thì đang vô cùng bận rộn với luận văn tốt nghiệp. Họ thấy gì ở nhau trong những dòng chữ rút ruột trút lên blog? Cái đó chỉ có họ mới biết. Kể từ đó cô gái biết rằng nỗi buồn có nghiệt ngã thế nào thì cũng có ngày chấm dứt, còn chàng trai thì thấy tương lai mà mình hoạch định đang thành hình.


Sau một năm yêu nhau online và offline, hôm nay chàng trai đã từ sa mạc Trung Đông, nơi đang có một hợp đồng làm việc, trở về Việt Nam để đón cô gái. Sa mạc gió cát, với cái nóng thường xuyên trên 40 độ, với những con lạc đà và những người đàn bà mặc burqua màu đen trùm kín từ đầu đến chân, sẽ là miền đất xa lạ để nuôi dưỡng tình yêu của họ. Nhưng những gì khắc nghiệt nhất có lẽ đã qua. Phía trước họ sẽ là "ngôi nhà và những đứa trẻ".

Thú thực, hiếm có đôi tình nhân nào gây ấn tượng mạnh với tôi như hai người này. Cứ đi đi, Vân Lam và Bọ cạp! Trời cao đất rộng là của các bạn.

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết