7/5/08

SẾN



Thực ra nhu cầu "sến" của quần chúng rất cao, nhưng ít ai chịu nhận mình là "sến".

Còn nhớ ngày xưa xem phim Liên Xô với phim Việt Nam nhiều phim rất lãng mạn, tình cảm, nhưng tìm được các chi tiết sến thì hơi bị khó. Thời ấy, đến "bi kịch" còn "lạc quan" cơ mà. Những phim như "Sếu bay", "Bản sonata bên hồ", "Sân ga dành cho hai người", "Moskva không tin nước mắt" xem xong thấy buồn, nhưng mà là buồn man mác, chứ không buồn "sến".

Năm thứ hai đại học, xem bộ phim Ba Lan có tựa đề "Thầy lang" có cảnh chàng quý tộc sau vụ tai nạn nghe tin người yêu còn sống đã ôm một bó hoa hồng vàng to tướng, giằng lấy cương ngựa nhảy lên xe, phi đến chỗ người yêu. Xe băng qua những cánh đồng đẹp như mơ, rồi chàng ôm bó hoa rắc xuống chân nàng. Trong khi nàng thì nước mắt lưng tròng vừa ngỡ ngàng vừa sung sướng.

Hồi đó cả lớp đại học bàn tán xôn xao về cảnh này. Hồi đó chưa có từ "sến", tất cả chỉ đồng ý là đẹp và cảm động. Mấy cô gái nắc nỏm: "Mình mà được thế thì chết cũng cam". Hì, đấy là biểu hiện của "sến" đấy.

Sau này, được xem nhiều phim Hollywood mới thấy một trong những nét nổi bật của điện ảnh Mỹ là "sến". "Không ngủ ở Seattle" chẳng hạn. "Sến" không tưởng tượng nổi, thế mà ngôi sao đắt giá nhất thập niên 1990 là Tom Hanks cũng đóng. À, may mà anh ta đóng, chứ không còn "sến" nữa.

Một loạt phim đoạt Oscar cũng "sến": "Shakespeare in Love", "Titanic", "Forrest Gump"... Hoàn toàn không hiểu tại sao một nước có trình độ dân trí thuộc loại cao nhất thế giới như Mỹ mà tinh thần lại "sến" như thế.

Một lần có dịp qua Mỹ mới tận mắt chứng kiến dân Mỹ "sến" như thế nào. Người Việt mình tặng quà người mới quen là chuyện bình thường, nên tôi cứ ngạc nhiên mãi khi thấy bà điều phối chương trình mắt mũi đỏ hoe sau khi nhận món quà nhỏ là bộ lót cốc bằng sơn mài. Về đến VN còn nhận được email cảm ơn của bà, vì "làm ở đây lâu nhưng chưa ai tặng quà cho tao bao giờ".

Có lẽ vì sống trong một xã hội không mấy quan tâm đến nhau, nên mỗi cử chỉ quan tâm của người khác đều dễ khiến người ta mủi lòng. Xã hội Mỹ luôn thích những câu chuyện kết thúc có hậu (happy end), nên rất thường rất bực tức trước tất cả những gì dang dở. Mà phàm là happy end thì "sến" quá còn gì.

Chúng ta đọc sách xem phim xong cứ phải nghiền ngẫm, đau đáu, còn họ xem-đọc là giải trí, thoải mái chốc lát rồi quên. Bận tâm làm gì cho mệt???

Từ khi làn sóng phim Hàn Quốc tràn vào thì mới thấy cái trào lưu "sến" được đẩy lên cao như thế nào. Dân ta chẳng còn ngại ngần bị chê là "sến" nữa. Ừ, tôi "sến" đấy, thì đã sao nào? Đây "sến", nhưng mà là người tốt nhé.

Dạo này đọc bài của một người bạn thấy cậu ấy bắt đầu gia nhập trào lưu "sến". Sáng nay hỏi vui: "Dạo này cậu "sến" quá. Đang yêu đấy à?", bạn ấy trả lời: "Không. Thiên hạ có nhu cầu "sến" nên mình viết phục vụ thiên hạ kiếm tiền thôi". "Bài trên tạp chí A... "sến" tệ". "Tại cái tạp chí chỉ có những người "sến" đọc mà. Nhưng mình thấy bài đấy cũng bình thường"???

Chết, bài "sến" thế mà còn thấy bình thường, thì chứng tỏ là đầu óc "sến" lắm rồi đấy...

Nhưng thực ra viết "sến" được cũng khó lắm. Không tin à, thử coi!


0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết