19/9/10

HỌ BỊ NƯỚC PHÁP XUA ĐUỔI



Hồi thập niên 1970, khán giả ở miền Bắc hẳn có ấn tượng rất mạnh với bộ phim “Đoàn Digan lên trời” (Табор уходит в небо) dựa theo truyện ngắn của đại văn hào Nga Maxim Gorky.

Cô gái Digan xinh đẹp Rada đem lòng yêu Loiko – chàng trai chuyên trộm ngựa. Người Digan trong phim này hiện lên như một dân tộc kiêu hãnh, yêu tự do, tài năng và sống hài hòa với thiên nhiên.

Nhưng đó là chuyện trong phim. Người Digan ngày hôm nay vẫn đang phải chịu sự kỳ thị ghê gớm, thậm chí ở ngay cả một nước có truyền thống “tự do, bình đẳng, bác ái” như nước Pháp...


Chính quyền của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang tiếp tục thực thi kế hoạch trục xuất 700 người Di Gan (còn gọi là Gypsy hay Roma) về nơi họ xuất phát là Romania. Cảnh sát đã dỡ bỏ những khu lều của họ và cấp cho bất cứ ai muốn tình nguyện trở về 300 euro. Nhưng dư luận Pháp lại có quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này. Cả Liên minh Châu Âu (EU) lẫn các tổ chức về quyền con người đều lên tiếng phản đối.

Người Di Gan là ai? Tại sao họ lại bị căm ghét đến vậy? Từ Gypsy trong tiếng Anh là cách gọi ngắn của từ Egyptian (Ai Cập), cho thấy sự nhầm lẫn về gốc gác của tộc người này. Trên thực tế, người Di Gan xuất thân từ Ấn Độ. Họ rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn từ thế kỷ 11, có thể do hậu quả từ các cuộc xâm lược của người Hồi giáo. Và từ đó đến nay họ không quay trở lại cố quốc. Sang thế kỷ 14, họ di cưu đến Đông Âu và cư dân tại một số nước ở khu vực này tưởng nhầm rằng họ đến từ Ai Cập.

Mặc dầu số lượng người Di Gan hầu như không bao giờ hiển thị trên các kết quả điều tra dân số chính thức, song ước tính hiện nay có khoảng 2-5 triệu người. Họ sinh sống chủ yếu ở các nước Slavơ như CH Czech, Bulgaria và Romania. Sự hiện diện của họ đã kéo dài qua nhiều thế kỷ, nhưng Châu Âu chưa bao giờ chấp nhận tộc người du mục này và đã áp dụng một cách có hệ thống những sự thanh trừng khác nhau kể từ lần đầu tiên họ đặt chân lên lục địa.

Bằng chứng của sự kỳ thị có thể nhìn thấy rõ ràng trong ngôn ngữ (tiếng Anh). Người ta dùng từ “gyp” để chỉ hành động lừa đảo tiền bạc; “Gypsy moths” (bướm đêm Gypsy) có nghĩa là sống ăn bám; “Gypsy taxi” là loại taxi hoạt động bất hợp pháp...

Vì người Di Gan cứ di cư từ nước này sang nước khác, nên họ không dễ dàng trong việc xây dựng chỗ ở cố định và có công ăn việc làm. Họ di chuyển trên những đoàn xe lưu động và kiếm kế sinh nhai bằng những trò biểu diễn, hoặc làm công nhân thời vụ hoặc bán những mặt hàng tạp hoá... Một số người làm nghề bói toán.

Người Di Gan có biệt tài là nhảy múa rất giỏi. Chính họ đã tạo ra điệu flamenco nổi tiếng. Cách sống du cư trở thành một phần trong văn hoá của người Di Gan và mặc dù có thể dễ dàng lãng mạn hoá điều đó, song trên thực tế nhắc đến Di Gan là nói đến nghèo khổ, sự ngờ vực và mặc cảm không thuộc về đâu.

Sự ngược đãi kéo dài đã buộc họ sản sinh tâm tính “chúng ta chống lại chúng nó” rất mạnh. Thậm chí, họ có những đạo luật rất khắt khe, cấm đoán kết hôn với những người “gadje” (ngoài Di Gan).

Châu Âu đưa ra những đạo luật chống người Di Gan từ đầu thế kỷ 15: những thành phố như Lucerne (Thụy Sỹ) và Freiburg (Đức) đã thường xuyên xua đuổi họ. Người Di Gan phải gánh chịu hầu hết mọi hình thức phân biệt đối xử.

Trong Chiến tranh Thế giới II, phátxít Đức đã tàn sát gần 400 nghìn người Di Gan cùng với người Do Thái, người đồng tính và những sắc dân khác. Nhiều người Di Gan bị bố ráp và bắn chết ngay trong làng của họ, không ít người bị đưa đến các trại tập trung.

Hai phụ nữ Di Gan bị trục xuất khỏi Pháp tại sân bay Roissy cuối tháng 8 vừa qua.

Quan hệ giữa nước Pháp và người Di Gan luôn luôn căng thẳng. Năm ngoái, gần 10 nghìn người Di Gan đã bị buộc phải “trở về nhà” ở Bulgaria và Romania. Theo Chính phủ Pháp, cuộc cưỡng bức hồi hương mới đây là kết quả của cuộc ẩu đả diễn ra ngày 16.7.2010. Chàng trai Di Gan 22 tuổi Luigi Duquenet bị cảnh sát bắn chết sau khi anh ta đâm vào một cảnh sát trong khi lái xe.

Cái chết của Duquenet đã dấy lên cuộc náo loạn ở thị trấn Saint-Aignan, khiến người phát ngôn của Chính phủ Pháp phải gọi người Di Gan là “nguồn gốc của buôn lậu, của những điều kiện sống cực kỳ kinh hoàng, của bóc lột trẻ em ăn xin, của mại dâm và tội ác”. Ngày 28.7, Tổng thống Sarkozy tuyên bố cho dỡ bỏ những khu lều trại của người Di Gan và trục xuất họ về nơi ra đi.

Dư luận cho rằng những hành động của chính quyền Pháp đi ngược lại luật pháp của EU. Đại đa số người Di Gan đến Pháp từ Romania và Bulgaria - hai nước thành viên của EU. Công dân của các nước EU được quyền di chuyển tự do trong lãnh thổ những nước thành viên khác.

Tuy nhiên, luật pháp của Pháp hạn chế sự lưu trú của họ trong vòng 3 tháng, trừ khi họ tìm được việc làm. Đúng là đa phần người Di Gan cư trú tại Pháp là bất hợp pháp, nhưng Pháp không chứng minh được rằng họ đang trục xuất đúng người, nếu như không kiểm tra giấy tờ tùy thân của từng người bị trục xuất.

Vẫn kiên quyết với kế hoạch trục xuất, Pháp mở chiến dịch ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ của EU. Ngày 14.9, các bộ trưởng Pháp gặp gỡ với các quan chức EU và đại diện Nhà thờ Catholic Pháp để giải thích rõ rằng các bước đi của Chính phủ Pháp là đúng luật.

BONUS:




16 comments:

LU on lúc 22:49 19 tháng 9, 2010 nói...

Không riêng gì dân Di Gan, em nghe nói Pháp vừa ra luật dân Mễ muốn vào Pháp phải có visa. Pháp đòi hỏi thế vì muốn ngăn chặn bớt dân Mễ tràn sang Pháp. Xem ra Pháp mạnh tay hơn Mỹ trong việc sàng lọc dân cư.

Pig on lúc 23:11 19 tháng 9, 2010 nói...

hết kì thị người da đen, da đỏ rồi lại digan, có lẽ sau này sẽ đến lượt người da vàng :-s

Vhlinh on lúc 23:26 19 tháng 9, 2010 nói...

Mình cũng sợ người Digan. Từ hồi ở Nga đã sợ, sang Pháp càng sợ hơn.

MC3 on lúc 00:39 20 tháng 9, 2010 nói...

Bí có thể cho biết ní do sợ đàn ông Digan đc hông?

Vhlinh on lúc 07:37 20 tháng 9, 2010 nói...

@MC3: Này, này !!! Tui không có viết là sợ "Digan'xờ man" nhé. Đừng có mượn gió bẻ măng dừ !!!

Đỗ nói...

Ngày trước có phim "Những kẻ báo thù không thể bị bắt", cậu bé Digan trong phim làm bọn trẻ con thời đó mê tít.

Titi on lúc 08:39 20 tháng 9, 2010 nói...

Ồ, hóa ra dân Digan có gốc từ Ấn độ :-)
Nói chung, làm kiếp tha hương là khổ ròi :-(

VMC on lúc 10:17 20 tháng 9, 2010 nói...

@LU:
Nói chung là Pháp quản lý nhập cư khá chặt. Người dân nhiều nước vào Pháp đều phải có visa, chứ không riêng dân Mễ đâu.

@Pika Rock:
Người gốc Á ở Pháp hầu như không bị kỳ thị.

VMC on lúc 10:22 20 tháng 9, 2010 nói...

@Vhlinh:
Sao mà Bí lại sợ người Di Gan thế? Câu này khác câu của MờMờ nhé.

@MC3:
Trình đánh lạc hướng của MờMờ hơi bị cao.

VMC on lúc 10:24 20 tháng 9, 2010 nói...

@Đỗ:
Bác vẫn nhớ phim đó ạ? Chả cứ bọn trẻ con, người lớn hồi đó cũng mê "Những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt".

@Titi:
Vấn đề là họ lại thích cách sống tha hương, du mục nay đây mai đó.

LU on lúc 10:56 20 tháng 9, 2010 nói...

anh Cuong : Ở Mỹ, sang Pháp và Canada thì ko cần xin Visa đâu anh, cứ đưa passport ra là đi qua cửa khẩu thôi. Ngay cả luật nói rằng bằng lái Mỹ ko được lưu hành ở Pháp, vì Pháp chỉ nhận những bằng lái bằng trong Roman Alphabet only, nhưng tiếng nói là thế chứ em sang thì dân tây bảo em đưa bằng lái Cali ra là OK rồi, ko cần kèm bằng chứng nhận IPD (International Permit Driving).

Thuy Dam Minh on lúc 14:43 20 tháng 9, 2010 nói...

Hay nhỉ? Tới giờ anh mới biết là người Di-gan bị xua đuổi, hay ít ra là bị kỳ thị nhiều đến thế. Trước giờ anh chỉ nghĩ là họ bị coi thường tí, kiểu như chúng ta vẫn hay chế nhạo (vui vui) và những người thiểu số thôi. Cũng lần đầu tiên anh biết là người Di gan xuất phát từ Ấn Độ.
Anh nhớ phim Đoàn Di gan đi lên trời. Nhớ câu Rada nói với Loiko: "Em rất yêu anh, nhưng em còn yêu tự do của em hơn!". Cũng từ truyện này từ phim này mà anh biết tự do là thứ quý nhất, quý hơn cả tình yêu.

Lana on lúc 19:33 20 tháng 9, 2010 nói...

Ôi em cũng kỳ thị họ (khổ thế). Từng đoàn túm tụm hoặc lang thang dọc phố, quần áo đầu tóc thì chắc chắn một tuần hay vài tuần hay nhiều tuần không tắm/ gội/ giặt, thấy khách du lịch là lân la ra dụ coi bói, chưa kể một số còn làm 'ảo thuật' móc túi (hồi đi học em được mọi người cảnh báo thế).
Nói chung em thấy người Di-gan nhìn cứ bẩn bẩn gian gian (trừ một số cô gái khá xinh, xinh kiểu chất Di-gan).

Nặc danh nói...

Thật đáng buồn! dường như vị Tổng thống Fáp đang cố theo đuổi chủ nghĩa dân tộc. Điều này đúng ra là vi phạm vào hiến chương của EU mà Fáp cũng đã fê chuẩn.

Mình cũng từng rất thích lý tưởng sống của người Digan, thích film về họ và còn rất thích một bài hát về người Digan nữa. Tiếc rằng lâu quá rồi không còn nhớ được hết lời nữa, đại khái là:

" Digan đi lang thang không quê hương bao khó khăn,
này Digan ơi đi mãi không thôi,
cất tiếng hát ước mơ ngày mai tươi sáng...."

Ai có biết post lên thì cảm ơn lắm!

Tuy nhiên chuyện gì cũng có nguồn gốc của nó. cũng như thảm họa mà người Do thái phải chịu một cách oan uổng(hứa sẽ viết ra trong một entry mới). Bất cứ ai đã ở Châu Âu từ Nga, Tiệp, Balan hay Đức-Pháp đều biết về những điều fản cảm mà người Digan thường mắc fải. Tuy nhiên còn một lý do nữa trong lịch sử cận đại mà ít người Việt biết đến và ở Châu âu thì họ tránh nói đến, đó là: trong thế chiến thứ 2, với hy vọng được đặt vào những lời hứa của Adolf Hitler là sẽ cho lập một quốc gia Digan riêng. Người Digan đã cộng tác đắc lực với Phát xít Đức, thậm chí có thời kỳ họ đã lập được thành hẳn một cánh quân Digan để chiến đấu hiệp đồng với Phát xít Đức.

Sự kiện thì là thế, còn cảm nhận xin mọi người tự tìm ra cho mình nhé.

KhảiCa nói...

Mình củng hôm nay mới biết dân Digan có góc từ Ấn Độ qua bài viết nầy .người dân Đức củng không có thiện cảm với dân Digan,gọi họ là dân du mục, không thành thật .thấy lợi quên nghỉa , phản phạc ,v..v.Không biết thực hư thế nào ,sống ở Đức 30 năm hơn,nhưng vỉ nơi cư ngụ của mình là vùng đồi núi thuộc khu vực du lịch ,khu nghỉ mát,nên chưa bao giờ thấy qua bóng dáng người Digan ,nhưng có anh và người quen bên Pháp ,họ củng không có thiện cảm lắm với sắc dân nầy .
@:Titi ,Sống tha hương ở Châu Âu hay Mỹ ,Canada ,Bắc Âu không có khổ đâu ,Titi đừng sợ ,có dịp Titi cứ thử một lần tha hương đi ,trái lại sống quen rồi khi về đến chính quên hương mình mà không làm được những gì mình mong muốn lại thấy khó thở hơn đó .
Xin lỗi anh VMC mượn nhà nói chuyện với Titi , thích những cái suy nghỉ của Titi bao giờ củng trúng ngay điểm giữa , nếu Titi tha hương chắc chắc sẻ trúng hơn bây giờ ..... ;-D.

Titi on lúc 21:53 20 tháng 9, 2010 nói...

@KC: cám ơn chị vì đã có ý kiến với em. Hi hi...ý em là người dân DIgan sẽ còn khổ cực vì bị kỳ thị, chẳng có tổ chức nào bảo vệ họ. Những dân tộc ly hương khác ít ra còn có mong muốn hòa nhập hoặc có cố quốc mà trông, mà hướng về, chị ạ :-D

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết