2/9/10

KẺ KHỔNG LỒ BÊN CẠNH TA (1)



Nguyễn Tiến Dũng (ĐH Toulouse – Pháp)

Vào năm 2010, TQ (Trung Quốc) đã chính thức trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, vượt lên trên Nhật Bản, và đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 1-2 thập kỷ tới.

Sự đi lên của TQ có rất nhiều hệ quả, cho thế giới. Ví dụ như, TQ sẽ thay thế Mỹ trở thành nước có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Đồng tiền Nhân dân tệ của TQ sẽ trở thành một trong các ngoại tệ mạnh được dùng làm ngoại tệ dự trữ trên thế giới, trong khi vai trò của USD thì giảm đi. Nhiều nước, trong đó có VN (Việt Nam), có nguy cơ trở thành rất phụ thuộc vào TQ về kinh tế. Nhưng đồng thời, sự đi lên của TQ cũng có thể kéo VN lên theo.
Bài viết này nhằm phân tích về sự đi lên của TQ trong hơn 3 thập kỷ qua, và những vấn đề của họ, đồng thời đưa ra một số so sánh với VN, và nhằm rút ra một số bài học cho VN.

Trong bài này, tôi sẽ đề cập đến những điểm sau, mỗi điểm được trình bày trong một mục: Triết lý "mèo trắng mèo đen"; Truyền thống tiết kiệm; Sức mạnh tỷ người; Quân bài nhân công rẻ mạt; Chính sách đồng tiền yếu; Chủ nợ của thế giới; Thực dân kinh tế thế kỷ 21; Làn sóng Hoa kiều mới; Mua chuộc Đài Loan; "Lục địa hóa" Hồng Kông; Hiện đại hóa quân sự; Phát triển công nghệ; Tự do mậu dịch; Sức mạnh mềm; Vấn nạn tham nhũng; Sự xụp đổ của xã hội tiêu thụ?; Những bài học cho VN?

Triết lý mèo trắng mèo đen

Mao Zedong (Mao Trạch Đông1) thành lập nước TQ mới (CHND Trung Hoa) vào năm 1949, và muốn đưa TQ đi theo CNCS để trở thành một cường quốc cộng sản trên thế giới, dựa trên học thuyết Marx-Lenin cộng với triết lý của Mao, lan tỏa ảnh hưởng đến toàn cầu. Thế nhưng, các chính sách «nặng mầu tư tưởng» của Mao đa làm cản trở sự phát triển của TQ. Có thể kể đến một số chiến dịch tai hại do Mao phát động như

- «Cải cách ruộng đất», 1953 (đấu tố «địa chủ», nhiều người làm ăn tử tế bị thiệt mạng)

- «Đại nhảy vọt», 1958-1961 (gây nên thảm họa kinh tế với 20 triệu người bị chết đói)

- «Cách mạng văn hóa», 1966-1971 (hủy hoại tầng lớp trí thức và nền khoa học TQ)

Một việc có lợi cho TQ mà Mao làm được là bình thường hóa quan hệ với đế quốc Mỹ, một «kẻ thù về hệ tư tưởng», vào năm 1972, với chuyến đi thăm TQ lịch sử của Tổng thống Nixon. Nhưng phải đợi đến sau năm 1976, khi Chu Ân Lai (Thủ tướng TQ) và Mao chết, và Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình, sinh năm 1904)2 lên nắm quyền, TQ mới thực sự thay đổi quĩ đạo, bắt đầu giai đoạn phát triển nhanh, để từ một nước nghèo khó trở thành đại cường quốc tranh dành ngôi bá chủ thế giới với Mỹ vào năm 2010.

Đặng Tiểu Bình từng là tướng quân đội và từng làm Phó Thủ tướng dưới thời Mao, nhưng trong thời kỳ cách mạng văn hóa bị Mao buộc tội là «hữu khuynh» và bắt đi lao động cải tạo cho đến năm 1976, và con trai của Đặng Tiểu Bình thì bị thủ tiêu. Khi Mao chết, Hoa Quốc Phong lên thay đã khôi phục lại Đặng Tiểu Bình, và sau đó họ Đặng với uy tín cao đã trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của TQ.

Trong các câu triết lý thâm thúy của Đặng Tiểu Bình, nổi tiếng nhất có lẽ là câu: Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột. Từ lúc Đặng Tiểu Bình lên, TQ đã áp dụng triệt để triết lý «mèo trắng mèo đen», rũ bỏ các chính sách nặng màu «hệ tư tưởng» (ideology), và lập nên các chính sách «thực dụng» (pragmatic) nhằm giải quyết các vấn đề mà họ quan tâm, trong đó đặc biệt là phát triển kinh tế và ổn định xã hội TQ, khiến thế giới phải nể sợ.

Một số biểu hiện cụ thể của học thuyết «mèo trắng mèo đen» là:

- Từ năm 1978, TQ bắt đầu đợt cải cách triệt để về kinh tế3. Chủ nghĩa tư bản hay kinh tế thị trường không bị coi là xấu nữa, cho phép kinh tế tư nhân, miễn sao phát triển được kinh tế.

Các hợp tác xã nông nghiệp (mô hình nông nghiệp XHCN) được xóa đi, phân lại đất cho nông dân tư hữu nhằm tăng sản lượng nông nghiệp. Vào năm 2005, khu vực kinh tế tư nhân đã chiếm đến 70% nền kinh tế TQ (tuy nhiên, cần hiểu rằng, các hãng gọi là «tư nhân» ở TQ vẫn có Nhà nước chiếm cổ phần khá lớn, hoặc/và do con cháu các vị lãnh đạo ĐCS làm chủ).

- Về mặt đối ngoại, TQ chơi với bất cứ chế độ chính trị nào, bất cứ thế lực cầm quyền nào, miễn sao điều này có lợi về kinh tế cho họ. Không còn phân biệt «địch ta» về ý thức hệ nữa. Ví dụ, khi Taliban nắm chính quyền ở Afganistan thì TQ chơi với Taliban, nhưng khi Taliban bị lật đổ và Chính phủ mới lên thay, thì TQ lại chơi ngay với Chính phủ mới, nhằm chiếm giữ quyền khai thác khoáng sản ở đó.

---

Theo triết lý mèo trắng mèo đen, thì tên gọi tư bản hay cộng sản không quan trọng, miễn sao trở thành giàu có quyền lực. Trên thực tế, ở TQ ngày nay, phần lớn các nhà tư bản của TQ là «tư bản đỏ», tức là từ ĐCS mà ra. Theo một tin của Tân Hoa Xã TQ đưa ra vào tháng 10/2006, trong số 3220 tỷ phú (tiền nhân dân tệ) tại TQ, có đến 2932 «hoàng tử đỏ», tức là con cháu của các lãnh đạo cao cấp của ĐCS TQ, chiếm 91% ! Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ở TQ tăng lên trong mấy chục năm qua, nhưng ngày nay không còn ai nói đến chuyện «đấu tranh giai cấp» nữa.

Truyền thống tiết kiệm


Truyền thống tiết kiệm của dân TQ là một yếu tố vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp tích lũy làm giàu của họ. TQ là nước có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất thế giới, và trong 2 thập kỷ qua tỷ lệ đó còn tiếp tục tăng lên. Nếu như vào thời điểm 1990 tỷ lệ tiết kiệm của TQ là khoảng 39%, thì con số đó tăng lên đến mức 53% vào năm 2008, tức là tư nhân và Nhà nước chỉ tiêu thụ 47% tổng tài sản làm gia, còn lại là tiết kiệm. Để so sánh, cũng quãng năm 2008, tỷ lệ tiết kiệm ở Ấn Độ đạt khoảng 30%, ở Việt Nam đạt khoảng 35%, còn ở các nước tư bản phát triển thì thấp hơn, chẳng hạn ở Pháp đạt khoảng 20%, và ở Mỹ chỉ khoảng 13%. Nếu chỉ tính tư nhân, thì tỷ lệ tiết kiệm của tư nhân (thu nhập trừ đi chi tiêu của tư nhân) ở TQ vào năm 2008 vào quãng 28%, so với các nước khác: Ấn Độ 32% (tăng lên mạnh từ mức 20% vào năm1998), Pháp 15%, Đức 11%, và ở Mỹ chỉ có hơn 2%. (Số liệu lấy từ nhiều nguồn khác nhau)4.


Country 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009 2010

Australia 2 3.5 0.6 -0.5 -0.4 -0.2 1.3 1.5 1.6 4.3 2.8

Canada 4.7 5.2 3.5 2.6 3.2 2.1 3.5 2.5 3.7 5 3.8

Denmark -4 2.1 2.1 2.4 -1.3 -4.2 -2.3 -3.2 -2.4 3.2 4.9

Germany 9.2 9.4 9.9 10.3 10.4 10.5 10.5 10.8 11.2 11.3 12

Hungary 8.9 8.5 6.4 4.3 6.8 6.1 7.5 4.6 3 3.7 5.3

Italy 8.4 10.5 11.2 10.3 10.2 9.9 9.1 8.2 8.6 8.4 7.7

Japan 8.7 5.1 5 3.9 3.6 3.9 3.8 2.4 2.3 2.3 2.4

Korea 9.3 5.2 0.4 5.2 9.2 7.2 5.2 2.9 2.9 3.6 3.5

Poland 10.2 12 8.2 7.6 7.7 6.9 6.5 7.1 3.9 6.3 6.4

Switzerland 11.7 11.9 10.7 9.4 9 10.1 11.4 12.7 12.8 15.3 15

United States 2.9 2.7 3.5 3.5 3.4 1.4 2.4 1.7 2.7 4.3 3.4

Greece -6 -7.5 -8 -7.3 -7.2 -8 -7.3

Euro area 8.4 9.2 9.7 9.4 9.3 8.6 8.2 8.3 8.9

Chile 6.5 7 6.8 6.4 7.2 7.1 7.7 7.7

Estonia -3 -4 -6.5 -8.4 -11.7 -10.4 -9.6 -5.2

France 15 15.7 16.8 15.7 15.8 15 15 15.5 15.3 16.3 15.6

Portugal 10.2 10.9 10.6 10.5 9.7 9.2 8.1 6.1 6.4 8.8 6.9

UK 4.7 6 4.8 5.1 3.7 3.9 2.9 2.2 1.5 7 6.4

Bảng trên: Tỷ lệ tiết kiệm của các gia đinh (tính trên thu nhập đa trừ thuế) ở một số nước thuộc OECD trong các năm 2000-2010. (Nguồn: OECD). Những nước nào có tỷ lệ tiết kiệm thấp thì dễ suy thoái hay khủng hoảng. Ví dụ Hy Lạp gần như vỡ nợ vào năm 2010.


Các khoản tiết kiệm được thể hiện ở đâu?
Nó thể hiện ở những tài sản bền vững tồn tại lâu dài và những khoản đầu tư, như nhà cửa, công ty, máy móc, khoa học và công nghệ mới, v.v., và những khoản đầu tư ra nước ngoài: các công ty ở nước ngoài, các dự trữ tài nguyên mua được của nước ngoài, các khoản cho nước ngoài vay, v.v. Tổng cộng các khoản đầu tư của TQ ra nước ngoài có thể ước lượng cỡ vài nghìn tỷ USD. Riêng các khoản TQ cho Mỹ vay (chủ yếu dưới hình thức mua trái phiếu) đã lên tới một con số khổng lồ là 1700 triệu USD vào năm 2010. Ngoài ra, TQ còn mua quyền khai thác hay mua các công ty khai thác dầu mỏ, khoáng sản, rừng, đất nông nghiệp, v.v. ở khắp mọi nơi trên thế giới, và còn mua cổ phần hay mua đứt nhiều công ty nước ngoài. Một ví dụ gần đây: hãng xe Geely của TQ, có tiếng xấu là sản xuất xe không đảm bảo độ an toàn, vào năm 2010 đa mua đứt lại hãng xe Volvo, một hãng nổi tiếng về chất lượng xe tốt. Công ty đầu tư CIC (China Investment Corporation) của Chính phủ TQ nắm trong tay 300 tỷ USD để đi đầu tư các nơi trên thế giới.

Có tiết kiệm thì mới có tiền đầu tư (mà không phải vay nợ), và tỷ lệ đầu tư cao thì tăng trưởng kinh tế nhanh. Nếu giả sử là số tiền đầu tư mới mỗi năm ở TQ tương đương với 40% GDP, và chỉ số hiệu quả đầu tư ICOR là 4 5, thì đủ để cho TQ giữ được tăng trưởng kinh tế ở mức 10%/năm. (Đây là ví dụ minh họa chứ không hẳn là con số thực tế, nhưng cho thấy ảnh hưởng của mức tiết kiệm và đầu tư trong nước đến tăng trưởng kinh tế, chưa tính đến các đầu tư của TQ ở nước ngoài mang về lợi nhuận mà không hiện lên trong GDP).

Khi có tiền tiết kiệm, dự trữ, thì nền kinh tế cũng an toàn, ổn định hơn là nếu đi vay để đầu tư và tiêu xài. Năm 2008 xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến cho nhiều nước lao đao, kinh tế đi xuống (tốc độ tăng trưởng âm) trong năm 2009. Nhưng TQ năm 2009 vẫn tăng trưởng ở mức rất cao là 8.7%, một mức mà ở nhiều nước khác lúc kinh tế thuận buồm xuôi gió nhất cũng không mơ đạt được. Đó chính là do TQ có nhiều tiền dự trữ, có thể tung ra gói kích cầu khổng lồ 600 tỷ USD vào cuối năm 2008 để kích thích kinh tế (trong khi các nước khác cũng muốn kích cầu, nhưng không có tiền để có thể làm mạnh như vậy). Khủng hoảng tài chính 2008 đã làm cho các nước «tư bản già cỗi» cũng như một loạt các nước đang phát triển yếu đi, nhưng lại làm cho TQ mạnh lên, nhờ thế mạnh dự trữ tài chính của họ.

Vì sao tỷ lệ tiết kiệm ở TQ lại rất cao? không những cao hơn rất nhiều so với các nước giàu, mà còn cao hơn nhiều so với cả các nước nghèo. Thứ nhất là truyền thống cần kiệm của người TQ: có thể làm việc rất nhiều mà không kêu ca, và có tinh thần tiết kiệm cao. Kể cả các Hoa kiều sống ở các nước giàu, có thu nhập cao, nhưng vẫn giữ thói quen tiết kiệm: nhiều khi ghế rách còn ngồi được thì vẫn dùng mãi không chịu vứt đi thay cái khác. Thứ hai là, tuy thu nhập bình quân đầu người ở TQ hiện nay đã vào loại khá, không còn là nước nghèo nữa, nhưng phân chia rất không đều: có một tỷ lệ nhỏ gười giàu lên nhanh, với mức sống không kém gì phương Tây ở các thành phố lớn; nhưng phần lớn dân số (đặc biệt là những người ở vùng nông thôn) vẫn rất nghèo và sẵn sàng lao động với mức lương rẻ mạt chưa bằng 1/10 so với mức lương phương Tây cho cùng công việc. Lực lượng đông đảo đó không có nhiều tiền để tiêu dùng, và do vậy mức tiêu dùng chung ở TQ thấp. Một lý do nữa là, đồng RMB (Nhân dân tệ) được giữ ở giá thấp so với USD góp phần làm giảm lượng tiêu thụ hàng ngoại ở TQ.

Một báo cáo của IMF (quĩ tiền tệ quốc tế) năm 20096 viết như sau: mức tiết kiệm tư nhân cao chưa chắc đã phải là điều tốt. Nó có thể là dấu hiệu của một hệ thống bảo hiểm xã hội tồi, khiến cho người dân buộc phải tiết kiệm để đề phòng lúc cơ nhỡ. Và nó cũng có thể chứng tỏ là quản lý doanh nghiệp kém, khiến cho các doanh nghiệp có thể giữ lại phần lớn lợi nhuận mà không chịu chi trả cho cổ đông.

Có những người viện vào những lý do như trong báo cáo IMF nhắc tới phía trên để coi nhẹ đi tầm quan trọng của tỷ lệ tiết kiệm cao ở Trung Quốc. Họ còn cho rằng nước Mỹ, một nước hiện có mức tiết kiệm vào loại thấp nhất thế giới, nếu tăng tiết kiệm lên sau đợt khủng hoảng tài chính 2008 thì sẽ chậm phục hồi kinh tế sau khủng hoảng (?!). Tuy nhiên, tỷ lệ tiết kiệm sụt giảm ở Mỹ trong suốt mấy thập kỷ qua (nhân dân «được» thúc đẩy tiêu dùng quá nhiều, quá khả năng, theo kiểu «xã hội tiêu thụ») chính là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến sự giảm sút thế lực kinh tế của Mỹ so với thế giới, nợ nước ngoài và thâm thụt cán cân thương mại trầm trọng của Mỹ trong những năm qua. Nếu Mỹ vực kinh tế dậy bằng cách tiếp tục kích thích tiêu pha quá khả năng, không tiết kiệm (như lời khuyên của một số nhà kinh tế), thì chỉ là đào hố sâu thêm cho mình.

Đối với các nước đã phát triển, vẫn phải giữ một tỷ lệ tiết kiệm tương đối (ví dụ như Pháp và Đức, với tỷ lệ tiết kiệm tương đối lớn), mới giữ được sự phát triển bền vững. (Thu nhập ít nhưng chi phí thấp, có nhiều của cải dự trữ thì cuối cùng vẫn giàu hơn là thu nhập cao nhưng chi phí cao, không có dự trữ). Muốn phát triển nhanh, từ nghèo khó trở nên giàu có, thì phải tiết kiệm nhiều. TQ hiểu rất rõ vấn đề này.

Trong những năm tới, khi hàng hóa TQ trên các thị trường quốc tế đã bão hòa, TQ sẽ buộc phải tăng tiêu thụ nội địa nếu muốn tiếp tục phát triển sản suất, không thì tất yếu sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa. Điều này kéo theo là mức tiết kiệm của TQ sẽ phải giảm dần đi. Đến lúc mà TQ đạt thu nhập bình quân đầu người ngang bằng với các nước giầu hiện nay, thì tỷ lệ tiết kiệm cũng sẽ phải giảm đến một «mức tiết kiệm theo nguyên tắc vàng» (golden rule saving rate)7

Sức mạnh tỷ người


Vào năm 2010, nước TQ có 1.340 triệu người, đông nhất thế giới, và bằng 20% của toàn thế giới. «Sức mạnh tỷ người» này là một lợi thế lớn của TQ trên trường quốc tế. Với dân số đông gấp hơn 4 lần Mỹ, chỉ cần đạt mức thu nhập bình quân đầu người bằng 1/4 Mỹ cũng sẽ đủ để TQ vượt lên trên Mỹ thành nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đối với các doanh nghiệp xuyên quốc gia (multi-national), thì thị trường TQ là quá lớn để mà có thể bỏ qua, và doanh nghiệp nào cũng mơ ước chiếm lĩnh được thị trường này. Bởi vậy từ khi cải cách kinh tế và mở cửa với Tư bản vào năm 1978 và thiết lấp các «vùng kinh tế đặc biệt»8 (đấy là những vùng mà nước ngoài được đầu tư trực tiếp, với các luật lệ ưu đai tự do hơn các vùng còn lại) từ những năm 1980, TQ đã không khó khăn gì trong việc thu hút đầu tư của tư bản nước ngoài.

Biết được lợi thế thị trường lớn của mình, nên TQ có thế mạnh trong đàm phán thương mại với nước ngoài. Thông thường, để vào được thị trường TQ, các hãng phải nhân nhượng về chuyện chuyển giao công nghệ cho TQ, và lắp đặt sản phẩm tại TQ. Ví dụ, đi kèm thỏa thuận mua máy bay A320 của Airbus, TQ đạt được thỏa thuận lắp máy bay đó tại TQ, trong một công ty với 49% vốn thuộc về TQ. Chiếc A320 đầu tiên sản xuất tại TQ đa ra lò năm 2009.


Shenzhen9 (Thâm Quyến, thuộc tỉnh Quảng Đông, gần Hồng Kông), ví dụ điển hình của vùng kinh tế đặc biệt, trong vòng 20 năm đã biến từ một làng nhỏ thành một thành phố trù phú và là trung tâm tài chính với 10 triệu dân. (Ảnh lấy từ internet)


Thị trường nội địa lớn cũng giúp cho các công ty TQ, đặc biệt là trong các lĩnh vực cần có «economy of scale», dễ tồn tại và phát triển. Tất nhiên, dân số đông quá thì không những chỉ có lợi, mà cũng có thể có hại, vì bùng nổ dân số kéo theo nhiều vấn đề về xã hội và môi trường, và đông dân quá thì không đủ của cải và tài nguyên thiên thiên để mà thỏa mãn các nhu cầu. Chính phủ TQ cũng nhận thấy là nước họ đa đông dân đến mức báo động, và trong nhiều năm kể từ 1979 áp dụng khắt khe chính sách «1 con» nhằm hạn chế tăng dân số. Theo ước tính, chính sách 1 con đã làm bớt đi 250 triệu lượt sinh đẻ ở TQ trong quãng thời gian từ 1979 đến 2000 (tức là nếu không có chính sách này, thì dân số TQ sẽ còn tăng thêm 250 triệu người nữa)10. Nếu như trong vòng 50 năm 1950-2000 dân số TQ tăng hơn gấp đôi, từ 550 triệu lên hơn 1200 triệu, thì dự kiến trong giai đoạn 2000-2050 dân số TQ sẽ chỉ còn tăng thêm khoảng 10%, và có nhiều khả năng giảm đi kể từ 2030.


Biểu đồ dân số TQ (lấy từ internet)


Không nhất thiết phải đông dân mới lợi thế và phát triển được, mà còn phụ thuộc vào tổ chức nội bộ tốt và đối ngoại khôn khéo. Ví dụ, Thụy Sĩ chỉ có 8 triệu dân nhưng là một trong các nước giàu có và hạnh phúc nhất thế giới. Nhưng dù sao, đất rộng người đông hơn các nước khác là một lợi thế không nhỏ trong các quan hệ đối ngoại, nếu như giữ được đất nước thống nhất và chính quyền Trung ương mạnh. Cái mà TQ sợ là đất nước «chia 5 xẻ 7», như đã từng xảy ra trong lịch sử TQ, sẽ làm TQ yếu đi. Chính vì điểm này nên TQ nhất quyết không muốn Đài Loan hay Tây Tạng độc lập. Cũng chính vì đoàn kết là sức mạnh nên TQ dùng chính sách chia để trị trong quan hệ đối ngoại, chia rẽ các nước hay các miền của một nước để ngăn không cho các đối thủ của mình mạnh lên nhiều. Chuyện đàm phán với các nước ASEAN về Trường Sa - Hoàng Sa là một ví dụ: TQ đoi đàm phán tay đôi với các nước chứ không đàm phán đa bên, vì nếu các bên kia thỏa thuận đoàn kết được với nhau thì làm yếu thế TQ.

(Xem tiếp kỳ sau:
Quân bài nhân công rẻ mạt; Chính sách đồng tiền yếu; Chủ nợ của thế giới).

------------

* Bài phân tích này được viết sau khi tôi đọc cuốn sách «Le Vampire du Milieu: Comment la Chine nous dicte sa loi» của hai tác giả Philippe Cohen (Tổng biên tập tạp chí Marianne của Pháp) và Luc Richard (một nhà viết bình luận đã sống 10 năm qua ở TQ), xuất bản ở Pháp năm 2010. Quyển sách đó có rất nhiều thông tin thú vị và cập nhật (cho đến năm 2010) về TQ, và tôi có trích dẫn lại nhiều tin đó trong bài viết này, kể cả những chỗ không ghi cụ thể là có trích từ sách. Tuy nhiên, về mặt phân tích thì tôi không theo hai tác giả này (mà tôi cho là quá lo sợ và nghi kị TQ), và muốn có cái nhìn khách quan hơn về TQ. Để viết bài này, tôi có tham khảo thêm nhiều tài liệu khác về TQ.

1 Vì các tư liệu tôi tham khảo chủ yếu là nguồn nước ngoài, nên sẽ dùng phiên âm nước ngoài của các danh từ riêng tiếng TQ, từ nào mà tôi biết phiên âm Hán-Việt thì sẽ chú thích thêm phiên âm Hán Việt vào.
2
Xem: http://en.wikipedia.org/wiki/Deng_Xiaoping
3
Xem: http://en.wikipedia.org/wiki/Chinese_economic_reform
4
Xem thêm chi tiết về tỷ lệ tiết kiệm ở TQ: Xinhua He, Yongfu Cao, Understanding high saving rate in China,
5
ICOR = incremental capital output ratio. ICOR = 4 tức là cần đầu tư thêm 4 đồng để tăng sản lượng hàng năm thêm 1 đồng. ICOR càng thấp thì hiệu quả đầu tư càng cao. Đài Loan từng đạt ICOR 3, TQ có ICOR > 4 trong những năm gần đây, còn VN có ICOR > 5.
6
Olivier Blanchard and Gian Maria Milesi-Ferretti, Global Imbalances: In Midstream?, IMF Staff position note, 22/12/2009.
7
Xem: http://en.wikipedia.org/wiki/Golden_Rule_savings_rate
8
Xem: http://en.wikipedia.org/wiki/Special_Economic_Zones
9
Xem: http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A2m_Quy%E1%BA%BFn
10
Xem: http://news.bbc.co.uk/2/hi/asia-pacific/941511.stm



Nguồn:
KẺ KHỔNG LỒ BÊN CẠNH TA - TẠP CHÍ TIA SÁNG

Entries liên quan:
GIAN LẬN HỌC THUẬT Ở TRUNG QUỐC
TRUNG QUỐC XÂY NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN SÁT BIÊN GIỚI VIỆT NAM
BẠC HY LAI - ÔNG LÀ AI?
TRUNG QUỐC BỊ CHIA NHỎ VÀO 2050?



15 comments:

Titi on lúc 09:34 3 tháng 9, 2010 nói...

Em thích cái tựa :-)

Và em thích nghĩ theo lối : hãy bit đứng trên vai kẻ khổng lồ , hơn là cứ đứng dưới chân nó, ngửa cổ lên nhổ, rồi nhổ vào chính mặt mình. Hic...

SuchAFLife on lúc 09:44 3 tháng 9, 2010 nói...

hihi, nói gì thì nói em vẫn nể người TQ. :P

họ xây dựng Tây Tạng rất hoành tráng anh ạ

trong Việt Nam sử lược, ông Trần Trọng Kim có nói: ngẫm VN ta cái gì cũng bắt chước Tàu, nhưng không đến nơi đến chốn... (haha)

muốn đi Tây An thăm lăng mộ Tần Thủy Hoàng quá :|

VMC on lúc 09:52 3 tháng 9, 2010 nói...

@Mèo điệu:
Tây Tạng không phải do người Trung Quốc xây dựng đâu.

QUANG DONG on lúc 09:55 3 tháng 9, 2010 nói...

Tây An là nơi thú vị nhất của TQ.Nghĩ ông Trần Trọng Kim nói chính xác.Đến Tây An mới hiểu TQ ngột ngạt tới mức nào vì phát triển nóng!

TQ on lúc 09:57 3 tháng 9, 2010 nói...

Bài này đọc dễ vào nhất trong số nhiều bài về TQ :-)
VN cũng mềm dẻo nhưng cũng như xiếc VN với xiếc TQ, không đọ nổi độ mềm dẻo của người ta!

LU on lúc 12:34 3 tháng 9, 2010 nói...

Nếu nói Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để thành cường quốc số 1 thế giới thì em nghĩ cũng có thể có khả năng...nhưng với điều kiện TQ nên chấn chỉnh lại chất lượng sản phẩm cho đạt yêu cầu một xí. Gì thì gì chứ nói đến chất lượng sản phẩm thì em bực nhất là nhận đồ của TQ, cứ như hàng mã í.

Thứ nhì là TQ phải chấn chỉnh lại mức thu nhập lao động cho công bằng. Một xã hội mà ép uổng nhân công (mà xã hội đó đa số dân thu nhập thấp đông hơn) để làm giàu cho một số ít khác thì...em nghĩ xã hội đó ko tồn tại lâu dài.

Ai đã từng bước vào những nơi sản xuất, của các hãng điện tử TQ nhận thầu cho Mỹ sau này thì sẽ hiểu rõ. Đám kĩ sư check sản phẩm, đại diện Mỹ sang TQ xem xét, thì được đưa rước bằng Limousine, ở hotel 5 sao, ăn uống linh đình mệt xỉu. Và khi bọn hắn bước vào nơi nhân công lao động thì thấy sợ ớn kinh. Lao động cực khổ, giờ giấc o ép mà lương một tháng nghe nói chưa đến 120 dollars.

Em ko phủ nhận người Hoa có một đặc tính tốt là tiết kiệm như người Ấn, và họ rất đoàn kết tương trợ lẫn nhau. Nhưng cho tới nay, giàu tầm trung thì người Hoa họ có, nhưng trọc phú nắm những công ti lớn thì vẫn là Mỹ và đám gốc Do Thái, sau này nổi lên ở Mỹ là dân Ấn.

Thời nào cũng thế, muốn bá chủ muốn thống trị thì phải đắc nhân tâm. Nếu lại o ép lại bốc lột thì cũng ko khác gì thời kì phong kiến xa xưa.

Công tâm mọi người hảy trả lời một xí nhé, có ai đồng í sống dưới một xã hội mà mình bị bốc lột lao động ko? mình phải sống trong sự ko công bằng ko? nếu mọi người khoái chí đồng í, thì cơ hội TQ đứng số 1 thế giới sẽ thành sự thật!

MC3 on lúc 17:31 3 tháng 9, 2010 nói...

Ủng hộ LuLu, mình có tí í kiến-í cò vầy: người xưa hay nói (đại ý): làm bạn 9 phương, dành 1 phương lấy chồng.

VN ta đang kết bạn 9 phương trời, 10 phương đất rùi đấy. Liệu có dám dành 1 phương theo... cho gần 90 triệu dân VN được nhờ không?

Thuy Dam Minh on lúc 21:16 3 tháng 9, 2010 nói...

Vote cho Lu! Khó cho người Hoa lắm!

Lana on lúc 21:48 3 tháng 9, 2010 nói...

Vote cho tựa đề Entry và cái còm của LU.

Tựa đề: Mình ghét đến căm cái thằng khổng lồ bên cạnh, phô trương bụng lớn bự đấy nhưng tham bẩn từng m đất nhà hàng xóm.

Còm của LU: Hoàn toàn đồng ý LU ơi. Lana nhìn nhỏ nhỏ thế này: Hồi ở Úc, cứ 10 đứa SV TQ sang Úc học thì có đến 9 đứa vừa sang đến nơi việc đầu tiên quan tâm không phải học ngành gì trường thế nào mà là làm sao để ở lại Úc (đứa còn lại chắc cũng tính ở lại nhưng tính sau, ha ha).

Nhìn 'xuống' để thấy mình chưa đến nỗi quá tệ :((

Titi on lúc 21:51 3 tháng 9, 2010 nói...

Ồ, kinh tế TQ không lớn mạnh vượt được Mỹ đâu. Là vì thứ mạnh nhất của TQ cũng chính là điểm yếu nhất - Văn Hóa. Mạnh vì Văn hóa TQ bao chứa quá nhiều giá trị cao , nhưng cũng Yếu chính vì cao quá. Tong khi dân TQ phân cực giàu - nghèo cả nghĩa vật chất và tinh thần, tri thức nên dân thường, dân nghèo chiếm đa số, sẽ mỏi mệt, quay lưng với giá trị cao siêu, chấp nhận và đi theo những lợi ích thực dụng, vừa tầm hơn của phương Tây.
Cái này là em tự suy, không có ý phản biện ai hết :-)

SuchAFLife on lúc 22:25 3 tháng 9, 2010 nói...

ah, em cũng có nghe là có tiền của Mỹ và... blah blah. Thực sự thì em thấy người Hán đã xây dựng Lhasa hiện đại mà, như 1 Tứ Xuyên thứ hai, mí cả tuyến đường sắt vĩ đại Thanh Tạng nối Beijing- Lhasa, công trình thủy điện hoành tráng ở Hồ Yamdrok...

em k biết gì hơn nữa, hehe

SuchAFLife on lúc 22:30 3 tháng 9, 2010 nói...

em cũng nghĩ như "tự suy" của Titi ;))

em từng đến những nhà máy ở Quảng Đông với hàng ngàn dân lao động nghèo làm công việc lắp ráp linh kiện với đồng lương cực kỳ rẻ mạt. từng ăn chơi ở chốn xa xỉ nhất Shanghai, tóm lại là em vẫn không ghét TQ như chị Lana , hí hí

LU on lúc 23:44 3 tháng 9, 2010 nói...

Ti Ti : vấn đề chính ở đây là nói về kinh tế chứ ko nói đến văn hóa Ti Ti à. Nếu nói giá trị văn hóa cao thì chưa chắc gì TQ đã đứng cao nhất thế giới đâu.
Theo sự hiểu biết giới hạn của Lu trong trường học thì văn hóa thế giới nghiêng mạnh về Châu Âu. Có thể lấy ví dụ đơn giản nhé, một cuốn văn hóa lịch sử và nghệ thuật toàn thế giới, Trung Quốc chỉ đứng một phần nhỏ trong 1 chapter thôi. Và 19 chapters còn lại bao trùm từ thế kỷ 1 đến 20 đa số nghiêng về văn hóa phương tây. Nếu ai ko tin thì tìm thử 1 cuốn văn hóa toàn thế giới trong 20 thé kỷ kiểm chứng sẽ thấy Lu ko nói ngoa.
Trở lại đề tài ở đây là nói về kinh tế, trong một nước mà nền kinh tế phát triển như TQ hiện nay thì Lu ko nghĩ sẽ đứng đầu thé giới. Lí do, ko ai để một nước chất lượng đưa ra từ đào tạo giáo dục đến sản lượng đều ko đạt iêu cầu.
Cũng ko ai chấp nhận một đất nước đứng đầu thế giới có chế độ lao động và đời sống nó kì thị quá rõ giữa giàu và nghèo. Thế giới ngày nay chủ trương nhân quyền, bình đẳng, tư do làm việc, sống và suy nghĩ.
Có thể ông nhà hàng xóm hát karaoke tưng bừng nhà ông ấy thì ko sao, nhưng khi ông ấy vác loa mang ra hú ầm ĩ phiền đến chung quanhng thì đương nhiên chung quanh sẽ cùng lên tiếng can thiệp. Trong quá khứ, những liên minh thế giới chống lại chế độ độc tài bành trướng đã có nhiều rồi.
Một thí dụ nhỏ thôi nhé, Trân Châu Cảng là một bước xử lý ko dừng được của Mỹ, nhằm kết thúc mộng bá chủ của Nhật...Ko ai biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra đâu...

Hè hè, lựng cho vui thôi nhé!

Titi on lúc 23:57 3 tháng 9, 2010 nói...

Thì mình có bảo TQ sẽ đứng đầu về Kinh tế đâu. Vì thế mạnh của TQ là Văn Hóa cơ mờ. TQ chỉ đang lấy thịt đè người, dùng số lượng và độ nóng của nhu cầu để tăng trưởng nhảy vọt thôi. Cái đó không bền và không có giá trị lâu dài phải không nào.
Còn về sách ấy mà. Phương Tây có qui tắc là chỉ bàn về những gì họ hiểu, họ nắm chắc thoai. Còn Văn hóa TQ thì chả ai bên phương Tây dám tự nhận là hiểu tường tận để viết sâu, viết hết đâu Lu à. Vì thế, nếu chỉ đứng ở Mỹ thì sẽ chỉ thấy TQ thật bé xíu, bé xiu :-D Trong khi, TQ là cái nôi của vô vàn phát kiến, phát minh, phát hiện và phát triển con người- là tiểu vũ trụ, cũng là thứ phức tạp nhất, phức tạp hơn nhiều các loại lý thuyết và mưu mẹo kinh tế. He he...

Titi on lúc 00:11 4 tháng 9, 2010 nói...

Và ý của mình từ comt đầu tiên "đứng trên vai người khổng lồ" là bit học những gì hay ho về con người, ứng xử tinh tế mà vẫn mạnh mẽ trong văn hóa Trung Hoa (văn hóa gốc của toàn bộ những nước từng dùng chữ Hán) ròi rút kinh nghiệm để VN đi lên bền vững, tránh cái kiểu phát triển quá nóng để tự tồn tại ngày một mạnh mẽ và độc đáo :-)

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết