12/9/10

LƯU QUANG VŨ ĐƯỢC VINH DANH NHÂN ĐẠI LỄ



Đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và kỷ niệm 22 năm vợ chồng Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh qua đời, nhà thơ kiêm kịch tác gia Lưu Quang Vũ đã được Hội Nhà văn Hà Nội tôn vinh với giải thưởng Thành tựu về thơ cho tác phẩm Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi.

Nhà thơ Lưu Quang Vũ (1948 – 1988) có những thành tựu đáng kể trong nhiều lĩnh vực, nhưng có thể nói thơ là nơi ông ký thác đời sống tinh thần của mình, nơi bộc lộ rõ nhất lý tưởng, lẽ sống và tình yêu của nhà thơ. Cũng chỉ với thơ, Lưu Quang Vũ thể hiện được nhiều hơn sự tài hoa và lịch lãm của nghệ sĩ gắn bó với Hà Nội.

Lần đầu tiên một tuyển tập khá đầy đủ thơ của Lưu Quang Vũ được xuất bản và Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi cho người đọc một cái nhìn bao quát về sự nghiệp thơ của một con người đa tài.
Tình yêu với thành phố nơi mình sinh ra và lớn lên, tình yêu đôi lứa, tình yêu với đất nước vừa đem đến niềm tự hào vừa xót thương vô hạn... thực sự lay động được cảm xúc của người đọc. Sự hồn nhiên và nồng nhiệt của cảm xúc đã nhiều lúc biện hộ cho một giọng thơ miên man như không có điểm dừng, cho một câu thơ hay như bị phân vân giữa ngồn ngộn chữ nghĩa, cho cấu tứ dường như buông lỏng của những bài thơ dài hơi.

Hội Nhà văn Hà Nội trao giải cho tuyển tập được biên soạn khá công phu này để khẳng định thành tựu của Lưu Quang Vũ riêng trong lĩnh vực thơ, cũng như tính cập thời còn nóng hổi trong thơ ông.

Ngày 10.9.2010 Hội đồng chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội đã họp phiên cuối và quyết định trao giải thưởng năm 2010 cho những tác phẩm sau:


- Cởi gió, tập thơ của Nguyễn Phan Quế Mai, NXB Hội Nhà văn, 2010. Tác phẩm nhận được 11/12 phiếu.
- Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, tuyển tập thơ của Lưu Quang Vũ, NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam, 2010 (giải Thành tựu về thơ). Tác phẩm được 9/12 phiếu.
- Nhân gian, tiểu thuyết của Thùy Dương, NXB Hội Nhà văn và công ty Hà Thế, 2010. Tác phẩm được 8/12 phiếu.


Tập thơ Cởi gió của Nguyễn Phan Quế Mai được chú ý giữa những giọng thơ trẻ. Một giọng thơ biết tiết chế để khi chạm đến cái riêng tư vẫn không sa vào bé nhỏ, vụn vặt. Tình cảm với đất nước quê hương của người xa xứ, hoặc đang sống ngay giữa lòng đất nước, thật tha thiết mà không lạm dụng cảm xúc.

Tác giả cũng chứng tỏ một bản lĩnh thơ trẻ, không chấp nhận cách cấu tứ quen tay, không sa vào ngôn từ dễ dãi, cũng không gây choáng bằng hình thức cầu kỳ, phù phiếm. Những bài thơ về Hà Nội dễ nhận được sự chia sẻ nhờ một cách nhìn hiện đại, một cách nghĩ, cách cảm trẻ trung và khá mới lạ.


Trao giải cho tập thơ của Nguyễn Phan Quế Mai, Hội Nhà văn Hà Nội khẳng định sự thành công bước đầu của một giọng thơ trẻ, đồng thời cũng mong chờ sự bứt phá của tác giả trong thời gian tới, trên cơ sở gia tăng độ mỹ cảm cho ngôn ngữ, nghiêm khắc hơn trong kỹ thuật và nghệ thuật thơ.



Về văn xuôi, tiểu thuyết Nhân gian của Thùy Dương là đóng góp của một nhà văn nữ trong việc khám phá và tái hiện đời sống theo một cách nhìn khác. Cõi nhân gian trong tác phẩm không chỉ là cõi người, mà người đọc còn được dẫn dắt vào cõi của người đã khuất. Thêm một cõi nữa mang tính nửa âm nửa dương: chuyện về những người đi tìm hài cốt liệt sĩ, những con người luôn bị ám ảnh và đời sống luôn trăn trở về những kiếp người đã chuyển sang cõi âm.

Góc nhìn hiện thực trong tác phẩm được thay đổi xoay quanh ba cõi này và tay nghề của tác giả cũng được thử thách trong quá trình dẫn dắt câu chuyện theo một cấu trúc phân mảng. Thách thức thì lớn và không phải lúc nào tác giả cũng vượt qua một cách ngoạn mục: có lúc chị đã sa vào những chuyện kể chi li làm giảm tính biểu tượng và khái quát của tác phẩm.

Ngôn ngữ thuần thông tin trong tác phẩm tiểu thuyết cũng là một sự lựa chọn không hẳn đắc địa, ảnh hưởng đến sức nặng lẽ ra có thể hàm chứa nhiều hơn trong tác phẩm. Giải thưởng này cũng là một ghi nhận đối với lao động nghề nghiệp nghiêm túc của nhà văn Thùy Dương trong thời gian qua.


Mùa giải thưởng năm 2010 của Hội Nhà văn Hà Nội đã khép lại với phần nào hẫng hụt khi vẫn có rất nhiều sách dịch được xuất bản, nhiều cuốn cũng gây được sự chú ý của dư luận, nhưng Hội Nhà văn Hà Nội quyết định không trao giải thưởng cho một bản dịch cụ thể của năm nay. Những bản dịch đáng chú ý được đề cử, bên cạnh ưu điểm thường đi kèm với những điều gây băn khoăn nên không thuyết phục được đa số hội đồng chung khảo.


Cũng như vậy, phần giải thưởng dành cho sách phê bình tiểu luận đã phải để trống bởi vì hội đồng không chọn được tác phẩm thực sự nổi trội. Và như vậy, người đọc lại có lý do để mong chờ và hy vọng vào một mùa giải sắp đến.

Nguồn: Hội Nhà văn Hà Nội

Entries liên quan:
CÁC LÃO LÀNG ĐOẠT GIẢI HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI
NGƯỜI ĐÀN BÀ NGẮM VỆT TRĂNG QUA CÁNH CỬA
"CON CHÓ NHỎ CỦA ANH"


16 comments:

Titi on lúc 20:22 12 tháng 9, 2010 nói...

LQV xứng đáng được vinh danh :-)

Nhưng nhận xét này trong phần giải thưởng của Quế Mai thì tác giả cần phải xem lại "cũng không gây choáng bằng hình thức cầu kỳ, phù phiếm." Bởi sẽ gây ngộ nhận những tập thơ cách tân, mới mẻ, dụng công sáng tạo của tác giả khác là phù phiếm :-(

haidieugiandi on lúc 20:24 12 tháng 9, 2010 nói...

Ôi em chơi với Quế Mai. Tuyển tập thơ của bạn ấy lại vượt số phiếu tuyển tập thơ của Lưu Quang Vũ cơ à? :)

Titi on lúc 20:25 12 tháng 9, 2010 nói...

Nhấn mạnh thêm rằng nhận xét trên hết sức ấu trĩ, nó không khuyến khích sáng tạo hết mình, không khuyến khích tự do trong tư tưởng và hình thức thể hiện, điều mà không chỉ thơ văn, bất kỳ ngành nghệ thuật nào của nhân loại cũng đang hướng tới. Hic...

Thái Anh on lúc 20:43 12 tháng 9, 2010 nói...

Nhất trí với ý kiến của Titi.
Với lại, cháu thấy, NPQM là người phù phiếm nhất mà chaú đã từng gặp, từng quen :D:P
Cái ý kiến mà "không chấp nhận cấu tứ quen tay" hình như cũng chưa đúng lắm vì đọc Cởi trói thấy hình như có bóng của "Trái cấm" cũng của chị ra đời cách đây chưa lâu lắm.

Thái Anh on lúc 21:01 12 tháng 9, 2010 nói...

Năm nay ngoài Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi thì hai cái còn lại có vẻ như hơi... đuối hơn!
Năm ngoái có vẻ khả dĩ hơn chú ạ, cháu thấy thế.

Thuy Dam Minh on lúc 21:46 12 tháng 9, 2010 nói...

Anh thích bài thơ Vườn Trong Phố của anh Vũ lắm. Thuộc lòng luôn. Hồi ấy thì thấy xôn xao kịch của anh Vũ. Và mối tình với chị Xuân Quỳnh nữa. Một nhân tài đích thực!

NgocLan on lúc 21:56 12 tháng 9, 2010 nói...

Em cứ tưởng kịch Lưu Quang Vũ phải nổi tiếng hơn thơ chứ.
Sau những "nghi án" về cái chết của gia đình LQV, giờ đây, sau hơn 20 năm, đẻ ra vụ này, nghe sao có gì mỉa mai và chua chát quá.

VMC on lúc 22:09 12 tháng 9, 2010 nói...

@Titi:
Đồng ý với Titi, LQV xứng đáng được vinh danh. Thơ của ông rất hay.
Nhận xét về tập thơ của Quế Mai mà em nói tới là anh trích dẫn từ thông cáo báo chí của Hội Nhà văn HN đấy nhé.

@Hai điều giản dị:
Nhưng hai tập thơ được trao giải theo 2 tiêu chí khác nhau. Tập thơ của LQV là giải "Thành tựu thơ".

VMC on lúc 22:12 12 tháng 9, 2010 nói...

@Thái Anh:
Tôi chưa đọc thơ của Quế Mai, nên chưa thể có ý kiến gì.

@Ngọc Lan:
Hội Nhà văn HN trao giải cho các tác phẩm xuất bản trong năm vừa qua. Tập "Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi" được xuất bản năm nay nên được xét giải, chứ cũng không phải là họ "đẻ ra vụ này" đâu. Đúng là LQV nổi hơn về kịch, nhưng thơ của ông ấy cũng rất hay.

VMC on lúc 22:13 12 tháng 9, 2010 nói...

@A Thụy:
Người tài đoản mệnh, tiếc, anh nhỉ?

Penpen on lúc 23:12 12 tháng 9, 2010 nói...

Với lại, cháu thấy, NPQM là người phù phiếm nhất mà chaú đã từng gặp, từng quen :D:P

====> đồng ý hai tay luôn , NPQM có lẽ là nhà thơ giỏi PR bản thân số 1 VN .

Titi on lúc 23:22 12 tháng 9, 2010 nói...

A, nhận xét của hội nhà văn HN thì khỏi bàn ròi. Hội này có lẽ chả bao giờ đọc cái gì ngoài những thứ của hội viên :-P

Unknown on lúc 09:24 13 tháng 9, 2010 nói...

LQV thì hẳn rồi, còn thơ QM thì em chưa đọc, phải tìm đọc đã...

PTN on lúc 11:44 13 tháng 9, 2010 nói...

Ối, NXB Hội Nhà văn được mùa nhỉ ?

Thái Anh on lúc 11:48 13 tháng 9, 2010 nói...

1 cái nữa theo cháu nghĩ là trao giải cho NPQM lần này cũng 1 phần giải toả cái cụm từ "trẻ hoá" luôn là một dấu chấm than đắt lên đầu các ông ở Hội, từ TƯ đến thủ đô :P

MC3 on lúc 14:44 13 tháng 9, 2010 nói...

Thật kỳ lạ: chẳng nhẽ mấy ổng phải chờ đại lễ mới vinh danh một người hùng như LQV sao?

Nếu mình không nhầm: nhiều nước tôn vinh các danh nhân văn hóa ngay khi họ đang sống sờ sờ ra đấy. Khi đó bản thân người được vinh danh càng thấy phải phấn đấu sao cho luôn xứng đáng.

>VMC: đ/c Hữu Thọ có nói 1 câu, mình cho rất hay: "...người tài phải tự biết cách bảo vệ chính mình trước mọi nguy hiểm..." LQV khi đó chưa ý thức được nguy hiểm đang rình rập mình.

Mình tin lịch sử sẽ phán xét chuyện này công bằng.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết