29/1/10

"CON CHÓ NHỎ CỦA ANH"



"Olga, con chó nhỏ của anh" - đó là lời mở đầu thân thương của bức thư mà người đàn ông gửi cho vợ. Người đàn ông là nhà văn, kịch tác gia Anton Chekhov, còn người được gọi là "con chó nhỏ" là nữ diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Hàn lâm Mátxcơva (MKHAT) Olga Knipper. Cuộc hôn nhân của họ chỉ kéo dài 5 năm, trong 5 năm đó họ sống bên nhau rất ít. Sự xa cách và nhớ nhung đã khiến họ viết cho nhau 800 bức thư.

Chekhov nổi tiếng trên toàn thế giới nhờ những truyện ngắn và kịch bản về tình yêu. Nhưng câu chuyện tình hay nhất của ông lại không phải là những mối tình lãng mạn ông viết trong tác phẩm của mình, mà là thiên tình sử của ông với Olga Knipper.

Họ gặp nhau năm 1898 tại một buổi Chekhov đọc vở kịch mới của ông có nhan đề "Hải âu". Nhà văn khi đó 38 tuổi, còn Olga chưa đến 30. Ông khi đó đã là người nổi tiếng, còn nàng là nữ nghệ sĩ mới nổi. 6 năm sau đó chứng kiến những biến chuyển trong quan hệ giữa hai con người tài năng này: đầu tiên chỉ là nhà viết kịch và diễn viên, sau đó là tình nhân, rồi vợ chồng và cuối cùng là người đàn ông ốm yếu cùng người vợ túc trực bên giường bệnh cho đến lúc ông ra đi ở tuổi 44.

Phần lớn thời gian trong cuộc hôn nhân của họ Knipper sống ở Mátxcơva diễn trên sân khấu MKHAT, còn Chekhov sống ở Yalta (trên bờ Biển Đen, cách Mátxcơva khoảng 1200 km) do mắc bệnh lao phổi. Họ chỉ gặp nhau vào mùa hè, nhưng ngay cả khi đó sức khỏe của Chekhov cũng ảnh hưởng nhiều đến hạnh phúc riêng của họ. Nhưng dẫu vậy cả hai vẫn chung thủy và có một tình yêu đẹp.

Ký ức về tình yêu của họ còn lại trong những bức thư mà họ viết cho nhau từ năm 1899 cho đến 1904 - giai đoạn lịch sử của MKHAT với sự ra đời của nhà hát và công diễn 4 vở diễn đã trở thành kinh điển của Chekhov là "Hải âu" (1899), "Cậu Vania" (1899), "Ba chị em" (1901) và "Vườn anh đào" (1904). Ở cả 4 vở này Knipper đều đóng vai chính. Sau khi vở "Ba chị em" được công diễn, Chekhov và Knipper làm quen với gia đình của nhau. Hai người cùng rời Mátxcơva đi Yalta và trở thành tình nhân.

Họ trao đổi thư từ trong giai đoạn diễn ra những sự kiện lớn trong cuộc đời họ như việc Knipper bị sảy thai và ốm (năm 1902). Ít lâu sau khi nàng bình phục thì đến lượt Chekhov bị suy sụp sức khỏe. Bị bệnh tật dày vò, nhưng Chekhov vẫn cố gắng hoàn thành vở "Vườn anh đào" và vở kịch ra mặt vào tháng 1.1904. Tháng 4 năm đó, Chekhov trở về Mátxcơva và cùng Knipper sang Đức. Ba tháng sau ông qua đời trên đất khách.




Người đời khó mà hình dung được hoàn cảnh của Chekhov và vợ lúc đó. Nữ nghệ sĩ nổi tiếng đắm chìm trong công việc tại nhà hát hàng đầu ở thủ đô, còn Chekhov thì ốm yếu. Họ ở cách xa nhau. Knipper thường ở lại nhà hát sau khi diễn để viết thư cho chồng. Nhiều khi nàng viết sau những buổi dạ tiệc kéo dài thâu đêm, khi chỉ còn lại một mình mệt mỏi và buồn chán. Có khi nàng viết ngay trên tầu, trên đường từ Yalta trở về Mátxcơva. Còn ông viết trong nỗi cô đơn, bị căn bệnh gặm nhấm, nhưng lại khát khao muốn biết tin tức về nhà hát. Chekhov thậm chí còn không đến dự buổi công diễn của 3 trong 4 vở kịch của mình.

Những bức thư đã đem lại sinh lực cho cả hai. Knipper là sợi dây duy nhất nối Chekov với nhà hát và Mátxcơva. Còn nàng thì thấy đau đớn vì không thể ở bên cạnh chăm sóc cho người chồng ốm yếu. Nàng viết thư như một cách làm nhẹ lỗi của mình với chồng, người mà nàng coi là nhà soạn kịch vĩ đại nhất nước Nga, là vật bảo đảm cho thành công của nàng tại nhà hát.

Những bức thư có đủ mọi cung bậc của đời sống gia đình, đụng chạm vào mọi vấn đến như sức khỏe, tiền bạc, thời tiết, các chuyến đi. Knipper ghen tuông, còn Chekhov thì lo lắng về lối sống thượng lưu của vợ. Cả hai cùng nói về sự cô đơn và nỗi buồn. Có khi họ viết rất ngắn, cả bức thư chỉ có một câu kèm theo lời hứa sẽ viết nhiều hơn vào lần sau.

Bệnh tình Chekhov ngày một nặng thì các bức thư của ông càng ngắn hơn: (Hôm nay anh ăn súp và trứng, không muốn ăn thịt cừu nữa), còn các bức thư của nàng thì càng tuyệt vọng (Em thấy thật xấu hổ khi được gọi là vợ anh). Nhưng dù tình yêu của họ ngày một trở nên bi kịch, thì những bức thư vẫn luôn âu yếm và tràn đầy yêu thương. Nàng gọi ông nồng nhiệt "Anh yêu dấu", còn ông thì gọi nàng bằng nhiều cách khác nhau: "Con chó nhỏ của anh", "con cá sấu của anh", "con ngựa của anh", "Knippershvits nhỏ bé của anh"... Ông cố gắng pha trò để đưa nàng ra khỏi bi kịch mà nàng tự trói mình vào.

Nhưng cũng có những lúc ông than thở: "Tài năng viết kịch của anh đã cạn kiệt..."

Khi đó nàng thông báo cho ông về những buổi tập, về cách diễn mà ông khuyên nàng được nàng áp dụng đã thành công như thế nào.

Nhưng những bức thư cũng cho thấy góc khuất của Chekhov: ông không muốn kết hôn cùng nàng. Nhà văn không được khỏe chỉ là một nguyên nhân. Ông có trách nhiệm phải hỗ trợ tài chính cho gia đình lớn của mình. Sống cùng người mẹ già và cô em gái tôn thờ anh trai, thường xuyên tiếp xúc với các nữ nghệ sĩ và các quý bà đam mê văn chương, Chekhov luôn tận hưởng sự chiều chuộng của phụ nữ và ông không thờ ơ với họ.

"Thôi được, tôi sẽ kết hôn, nếu ông muốn điều đó" - Chekhov viết cho Suvorin, ông chủ xuất bản năm 1895 (năm đó ông có quan hệ tình cảm với ít nhất 3 phụ nữ, một trong số đó sau này trở thành hình mẫu nữ nhân vật chính trong vở "Hải âu"). "Tôi sẽ không bao giờ gánh nổi hạnh phúc kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Hãy cho tôi một người vợ, giống như vầng trăng, không xuất hiện trong bầu trời của tôi mỗi đêm. Hơn nữa, nếu tôi có lấy vợ, thì tôi cũng không viết hay hơn".

Khi gặp Knipper, Chekhov đã có được điều ông muốn. Một số nhà viết tiểu sử Chekhov cho rằng nếu như họ sống cùng nhau, thì cuộc hôn nhân cũng không thể kéo dài. "Tôi không có khả năng làm một công việc khó khăn và khó hiểu như hôn nhân và vai trò người chồng khiến tôi hoảng sợ" - Chekhov viết. Họ cũng có những bí mật riêng. Đôi khi Chekhov dùng giọng bông đùa để che giấu những tình cảm thật của mình. ("Hãy trả lời em trung thực, không được nói đùa" - Knipper thường viết như vậy).

Còn một bí mật khác không được họ đề cập trong thư đó là việc Knipper bị sảy thai hồi tháng 2.1902. Donald Reyfield, nhà viết tiểu sử Chekhov cho rằng Knipper thụ thai không vào thời điểm nàng ở cùng chống. Tại sao nàng lại bất ngờ đến Yalta vào tháng 2? Tại sao nàng không thông báo chuyện có thai trong những bức thư trước? Tại sao Chekhov không nhắc đến chuyện này trong những bức thư sau đó?

Những câu hỏi đó không bao giờ có câu trả lời. Nhà văn và nữ nghệ sĩ đã không để lại hậu duệ, song họ để lại cho đời một kho báu khác - đó là những bức thư tình có thể được coi là một thiên tình sử xuất sắc.

(Viết nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Anton Chekhov, 29.1.1860 - 29.1.2010)

free hit counters
free hit counters

6 comments:

LU on lúc 22:00 29 tháng 1, 2010 nói...

"con chó nhỏ của anh" --> số 11 :D

Yêu như thế này mới gọi là yêu, họ yêu mà ko cần đòi hỏi sự công nhận, đòi hỏi ràng buộc, đơn giản họ yêu nhau vì feeling. Cũng có trách móc giận hờn nhưng nó vẫn được bộc lộ bằng sự yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Có nhiều dạng tình yêu, yêu ăn bánh trả tiền cần body chửa lữa thì thời gian ngắn là ngán ngẩy và cần tìm một cái khác thế vào, xe nào chạy cũng có lúc mòn bánh mà. Tình yêu dạng này dễ đâm chém nhau khi chia tay. Nhưng tình yêu như câu chuyện này mới đúng thực sự là yêu, nói theo kiểu người ta bảo không thực tế, là lãng mạng quá đáng ấy. Nhưng theo riêng em thì thế này mới gọi là yêu. Có tiền bạc tính toán mưu mẹo len vào thì đó chỉ là những cuộc ăn bánh trả tiền. Mà hình như tình yêu nếu nó no đủ quá nó sẽ chết, nó lộ liễu phàm phu tục tử quá thì nó cũng ko thọ lâu. Yêu thì dễ quá ai chã biết yêu, giử được tình yêu như thế này mới là vấn đề.

Thuy Dam Minh on lúc 22:44 29 tháng 1, 2010 nói...

Phải nói một cách thẳng thắn (và rất nhất trí với Lu) rằng đây mới là tình yêu. Tình yêu đúng là yêu nhau chỉ là để yêu nhau. Đẹp. Rất đẹp! Nhưng tất nhiên là lắm truân chuyên.

LU on lúc 23:00 29 tháng 1, 2010 nói...

anh Thụy : uhm, anh nói đúng rồi lắm truân chuyên, nhưng kệ, thế mới gọi là tình yêu để đời ;))

Vân Lam nói...

Yêu - lúc nào cũng đi liền với nụ cười và những giọt nước mắt. Hehehe..Tiếc là hiếm có tình yêu nào nụ cười nhiều hơn nước mắt anh ợ. :D

Em thích cái cách ông ta gọi người vợ. Và cách ông nghĩ về hôn nhân. Chắn ăn gần hết 99 đàn ông khi lấy vợ xong đều có cái ý nghĩ ấy. Nhưng không nói ra thôi. :P

Unknown on lúc 11:08 30 tháng 1, 2010 nói...

Quả là một tình yêu đẹp, mà nói chung tình yêu thì luôn luôn đẹp

Titi on lúc 14:35 30 tháng 1, 2010 nói...

Mình đồng ý với Đàm Hà Phú, tình yêu luôn đẹp, chỉ có con người để cho những thứ ngoài tình yêu ảnh hưởng xấu nên tình yêu dần bị vùi dập theo năm tháng. Chekhov và vợ ông đã không để bất cứ thứ gì bệnh tật, ghen tuông, tự ái vặt, lòng kiêu hãnh, khoảng cách, nỗi cô đơn, sự bất lực...ảnh hưởng xấu lên tình yêu của 2 người. Ngược lại, bằng trái tim yêu thương và cả ý chí tuyệt vời chiến thắng những cảm giác nhỏ nhặt, chiến thắng những bất hạnh do hoàn cảnh tạo ra, họ đã khiến tình yêu đẹp mãi. Thậm chí, tình yêu vĩ đại, ý chí vĩ đại còn khiến họ đảo ngược số phận. Không có con nhưng tình yêu của họ vẫn tái sinh bằng những tác phẩm bất diệt.
2 diễn viên trong phim trên thật đẹp , vẻ đẹp cổ điển quá, lãng mạn quá làm em liên tưởng đến điện ảnh Pháp hơn là điện ảnh Liên Xô :-)

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết