30/11/09

KỲ THỊ NGƯỜI CÓ AIDS



Sáng cuối tuần, đồng nghiệp gọi điện hỏi thăm:

- Cuối tuần cậu làm gì?
- Không làm gì cả. Đang nằm ườn trên giường thôi. Còn ông?
- Tôi chuẩn bị đi đám tang.
- Tang ai thế?
- Một đồng nghiệp.
- Sao mà chết.
- Ốm chết. Chính xác hơn là bị AIDS.
- Thế à. Thế nào mà lại dính AIDS.
- Thôi đừng hỏi. Anh ta là người tốt. Tai nạn thôi mà.

Vâng, tôi cũng tin như vậy. Thời buổi này mà một người có học bị dính AIDS thì đúng chỉ có thể là tai nạn.

Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, một đám nhà báo trẻ, trưa tụ tập ăn uống, thấy một cậu môi sưng tấy bèn trêu: Này có khi ông bị AIDS.

Anh kia chống chế: "Không, mùa này tôi hay bị sưng môi như vậy"

Cả đám không buông tha: "Ông mà bị AIDS là nổi tiếng ngay, người ta sẽ nói: "Nhà báo đầu tiên bị nhiễm HIV".

Chàng trai tái mặt, cười gượng, lo âu lộ rõ trong mắt.

Mấy hôm sau, môi hết sưng, cậu nói: "Hôm nọ các ông làm tôi lo quá".

Chúng tôi thấy hối hận vì đã đùa quá trớn.

Nhân Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS, chương trình thời sự VTV1 tối qua phát đoạn băng một người phụ nữ tuổi chừng 30 chao chác nói: "Chúng tôi cũng hiểu thôi, nhưng để con cái chúng tôi học chung với chúng (những đứa trẻ nhiễm HIV) một ngày thì được. Đây là cả năm cả tháng. Ai đảm bảo là con cái chúng tôi không bị lây nhiễm? Trẻ con hiếu động như thế, nhỡ ra, rồi ai chịu trách nhiệm."

Thế là nỗ lực đưa trẻ nhiễm HIV/AIDS hòa nhập cộng đồng đã không thể thực hiện được. Những đứa trẻ bất hạnh chỉ được dự lễ khai giảng ở trường, rồi lại trở về trại trẻ mồ côi, chơi đùa học hành với những bạn có chung hoàn cảnh.

Thử đặt ta vào vị trí cha mẹ có con học chung với trẻ nhiễm HIV/AIDS thấy cũng khó lòng mà yên tâm được.

Thời sự tivi tối nay lại phát một câu chuyện khác. Một người đàn ông có HIV cũng chừng 30 tuổi, phát biểu mà không cần các kỹ thuật viên truyền hình phải che mắt. Anh nói: "Bây giờ xã hội đổi khác rồi. Mấy năm trước thì khó khăn hơn đấy. Trước đi ra ngoài đường người ta cũng tránh. Giờ ra đường người ta quý lắm, bắt tay bình thường. Tôi đi làm với những người không nhiễm HIV cũng không có gì xảy ra. Thậm chí anh em còn mặc chung quần áo"".

Giá mà ở đâu cũng được như thế.



29/11/09

ĂN MÌ GÓI MƠ NGÔI VÔ ĐỊCH



Xem trang Nhất báo Thanh Niên hôm nay, hẳn sẽ có người bảo: "Báo này công khai quảng cáo cho mì gói Omachi ngay trên trang Nhất. Đố ông nào dám phạt!"

Hai tuyển thủ U23 Việt Nam mặc đồng phục của đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEAGames tại Vientiane (Lào) đẩy xe chở hành lý ra khỏi sân bay. Trên hành lý là thùng mì gói với nhãn hiệu Omachi rất bắt mắt. Pháp lệnh quảng cáo của Việt Nam cấm báo chí (in) đăng quảng cáo trên trang Nhất. Nhưng khó ai có thể bắt giò được Thanh Niên trong vụ này.

Nhìn các cầu thủ mang theo mì tôm (hay mì gói theo cách gọi của người miền nam), thậm chí một cầu thủ còn hý hoáy ký vào thùng mì vì sợ thất lạc mới thấy thương cho các cầu thủ. Họ đi thi đấu vì mầu cờ sắc áo của quốc gia, mà vẫn e ngại không ăn được đồ ăn của nước bạn. Trong trường hợp đó thì mì gói là thứ khả dĩ nhất có thể thay thế được.


Tôi cũng hay phải đi công tác nước ngoài, nhưng hầu như không bao giờ mang mì gói theo, vì luôn ép mình phải ăn tất cả những thức ăn có thể tìm thấy.

Năm 1998 trước khi đi hội thảo ở Agra - Ấn Độ, tôi nhận được lời khuyên của một người am hiểu Ấn Độ rằng cần mang mì gói theo vì đồ ăn ở nước này rất cay. Tôi mua 10 gói mì cho 5 ngày hội thảo. Nhưng tại KS Agra nơi hội thảo diễn ra họ cung cấp các món ăn continental (đồ ăn Âu), nên tôi không gặp khó khăn gì. 10 gói mì còn nguyên cho đến tận ngày cuối cùng. Tôi tặng chúng cho người phụ nữ dọn phòng. Chị vui mừng cứ cảm ơn tôi mãi. Đó là lần duy nhất tôi mang mì gói theo.

Có mấy lần đi công tác cùng đồng nghiệp, tuy không mang theo lương thực, nhưng tôi vẫn được chiêu đãi món mì gói. Đúng là chẳng có gì ngon hơn trong bối cảnh đồ ăn không hợp khẩu vị.

Tháng 7 năm ngoái, đi Vietnam Airlines từ Franfurt (Đức) về Hà Nội, gặp đúng cuộc đình công của công nhân hàng không Đức, các tiếp viên chiêu đãi hành khách mì tôm không hạn chế. Tôi phải ăn đến 3 gói mới dằn được cái đói.

Đến tháng 10 qua Mỹ tường thuật bầu cử tổng thống, bữa ăn sáng ở khách sạn quá dở, khiến tôi phải đi tìm mì gói. Nhưng chỉ mua được mì của mấy anh ba Tầu sản xuất, giá 1USD một gói, nhưng mùi vị không thể ngon bằng mì Việt Nam.

Quay lại chuyện các tuyển thủ mang theo mì gói. Điều này chắc hẳn khiến các cổ động viên phải chạnh lòng. Tại sao Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, hay rộng hơn là Tổng cục Thể dục Thể thao không làm một điều gì đó để giúp các cầu thủ nói riêng và các vận động viên dự thi tại SEA Games nói chung tránh phải ăn mì gói. Sức trai như thế ăn bao nhiêu gói mới đủ no? Và chẳng nhẽ phải ăn mì gói để bảo vệ màu cờ sắc áo.

Bà con Việt kiều ở Lào khá nhiều. Có ai tổ chức nấu ăn cho các vận động viên thì tốt quá!



28/11/09

KHÔNG TIỀN SỐNG MỚI HẠNH PHÚC



Xin nói ngay đây không phải là ý tưởng của tôi, mà là quan điểm sống của Mark Boyle, một người đàn ông Ireland, cử nhân kinh tế. Anh đã thực sự sống 1 năm trong trạng thái không một xu dính túi và thấy thật sự hạnh phúc vì cách sống này.

Anh sống trong một căn nhà di động ở Timsbury, tự trồng lấy lương thực và sử dụng lại những thứ mà người ta vất đi. Căn nhà này có trang bị hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời. Mark đi lại bằng xe đạp, điện thoại chỉ nhận cuộc gọi đến, làm sạch rằng bằng thứ bột từ xương cá (???). Anh kiếm quần áo từ các bà các cô hoặc từ các website Freecycle.

Mark viết blog về cuộc sống của mình, sử dụng máy laptop bằng năng lượng mặt trời và thời gian wi-fi mà anh đổi công bằng một vài việc ở nông trại trong vùng. "Đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi và chắc chắn tôi sẽ tiếp tục sống như vậy. Tôi không có bất cứ lý do nào để quay trở lại thế giới được định hướng bằng tiền" - Mark tâm sự.

Theo anh, thì anh được giải phóng hoàn toàn, không còn bị bất cứ sự căng thẳng nào vì các hóa đơn, tài khoản ngân hàng, kẹt xe và những giờ dài dặng dặc phải có mặt tại công sở. Điều khó chịu nhất của cuộc sống không tiền là không gặp gỡ được với bạn bè. Tuy nhiên, Mark vẫn không nuối tiếc: "Thay vì la cà quán xá, tôi đi cắm trại đốt lửa, chơi nhạc hoặc đi dạo".



Đầu năm ngoái, Mark dự định thực hiện cuộc đi bộ kỷ lục từ Anh đến Ấn Độ dài 9.000 dặm trong tình trạng không tiền. Họ sẽ làm việc để đổi lấy thức ăn và chỗ trú thân. Trước khi khởi hành cùng 2 người bạn, Mark nói: "Phần lớn vấn đề trong thế giới như lòng tham, sự sợ hãi, tình trạng bấp bênh đều là xuất phát từ tiền. Tôi lên đường và đặt lòng tin vào thế giới."

Nhưng chưa đầy 1 tháng sau đã buộc phải từ bỏ ý định, khi đặt chân đến Calais (thành phố Pháp, điểm đầu của đường ngầm xuyên biển Manche nối giữa Pháp và Anh). Nhà cầm quyền Pháp chẳng những không chia sẻ quan điểm hoang đường của Mark, mà còn buộc tội anh và hai người bạn là "những kẻ ăn bám".



27/11/09

NƠI GIỮA ĐẠI HỘI VIỆT KIỀU - MỘT NỖI BÌNH AN



Nguyễn Hữu Liêm - Chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nhân Việt-Mỹ

The State is the march of God on earth (Hegel)

Hà Nội: Như rứa mà qua ba mươi lăm năm, ngày tôi rời Việt Nam. Trưa ngày 30 tháng 4, 1975, đeo đu đưa trên chân đáp của chiếc trực thăng cuối cùng rời phi trường Cần Thơ, trên vai vẫn đeo súng, và vai kia mang túi xách, tôi đã thoát đi trong tiếng la hét hoảng sợ và cuồng nộ, bắn giết của đoàn quân đang tan vỡ. Trong hai mươi năm qua, tôi đã bao nhiêu lần về lại Việt Nam. Lần nào bước vào phi trường Tân Sơn Nhất, tôi vẫn luôn mang một nỗi sợ hãi thầm kín. Không biết là lần này mình có bị trục xuất hay không? Những ngày còn ở trong nước thì vẫn nghĩ đến chuyện công an “mời lên làm việc.” Tôi đã như là một đứa con ghẻ trên chính quê hương mình. Nhưng lần này, tôi về lại quê nhà với một tâm trạng khác. Tôi được chính thức mời trở lại Việt Nam.

Tôi vẫn phân vân suốt cả tháng trời là có nên đi dự “Đại hội người Việt ở nước ngoài,” hay “Đại hội Việt Kiều” (Đại hội). Với tư cách là chủ tịch của Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Mỹ, tôi có nhiều lý do để tham dự. Cùng về với tôi trên các đường bay khác là một phái đoàn bao gồm những thương gia và chuyên gia. Trên chuyến tàu từ San Francisco về đến phi trường Nội Bài ngày thứ Sáu 20 tháng 11, tôi chỉ đi một mình. Tôi để ý đến các cô tiếp viên Việt Nam cố gắng cười trên môi trong nỗi bực mình thể hiện qua lông mày vì những yêu cầu của khách hàng đi từ Đài Loan.

Vừa bước tới quầy thủ tục nhập cảnh ở Nội Bài, tôi đã được hướng dẫn vào lối đi dành cho đại biểu kiều bào về tham dự Đại hội. Một sĩ quan cấp tá đón tiếp tôi thân mật, tươi vui. Viên sĩ quan đóng dấu ngay lập tức vào tờ khai nhập cảnh và chào tôi nghiêm chỉnh với nụ cười. Tôi được hướng dẫn bới hai nhân viên khác đến một quầy tiếp đón. Xong rồi tôi ra xe đang chờ về khách sạn cùng với một số đại biểu từ Âu Châu. Đến khách sạn chúng tôi cũng được chào đón thân mật. Ở đâu, ở trên khuôn mặt nào, tôi cũng chỉ thấy những nụ cười, những lời chào hỏi trân trọng. Phòng trọ của tôi ở khách sạn Thắng Lợi, xây dựng bởi kỹ sư Cuba, nằm ngay trên mặt nước Hồ Tây. Tôi bước ra balcony, nhìn ra xa bên kia bờ là đường Thanh Niên và phố Thuỵ Khuê. Tôi chợt nhận ra một Hà Nội mà chưa bao giờ mình biết đến – dù rằng tôi đã đến xứ Thăng Long này biết bao lần.

Sau khi tắm rửa, thay quần áo, tôi đi xuống phòng ăn. Được gặp nhiều anh chị em, có người tôi từng quen biết, có người không. Những khuôn mặt tươi vui bắt tay nhau, như cùng hát vang bài của chàng Sơn thưở nọ, “Mặt đất bao la, anh em ta về, gặp nhau, mừng như bão táp quay cuồng. Trời rộng. Bàn tay ta nắm nối liền một vòng Việt Nam.” Ở trong khung cảnh này, tôi đọc được những tâm trạng không cô đơn của những con người nặng lòng với đất nước.

Tôi cảm ra rằng mình vui lên như đứa trẻ thơ – dù rằng trong ý thức tôi muốn chăm nhìn chính mình và các đại biểu Việt kiều từ một góc độ khác. Tôi muốn bắt chước Edmund Husserl đi xoi tìm một tinh hoa, về cái thực chất của tình yêu nước, trên cơ sở của hiện tượng học, một thể dạng tình cảm quê hương thuần chất trong con người Việt Nam – cái dân tộc tính đặc thù, sau khi đã loại trừ đi những yếu tố kinh nghiệm cá nhân và lịch sử. Ở trong và kinh qua tất cả những vọng động từ sử tính, trong khổ đau, qua thể chế, với đầy cực đoan và ngu muội, thì cái thực chất tinh thần yêu nước của con người Việt Nam, như là một thực tại thuần trừu tượng của khái niệm, qua biện chứng cuộc đời, có được nâng cao lên tới một thời quán tiến hóa mới? Hay là những người “phía tả” như chúng tôi vẫn là những đứa con trẻ đang lớn lên của thời tiền cách mạng khao khát một nguyên cớ lịch sử để hy sinh chính mình nhằm tìm ra chính mình?

Chuyến đi Đại hội này – tôi an ủi và tự đánh lừa chính mình – như là một dự án về biện chứng sử tính trong hiện tượng luận của Husserl. Triết học ở đây như là một chiếc áo còn quá rộng cho một chàng quê vừa lên tỉnh, hăm hở lý thuyết như con trâu đói ngấu nghiến nhai đám cỏ vàng úa giữa đồng hoang.

Tôi tìm đến Hussserl trong đoạn văn này. “Cuộc đời của con người, trên cơ bản tinh hoa phổ quát của nhân loại và văn hóa bản địa, nhất thiết phải mang yếu tính lịch sử. Nhưng đối với một con người khoa học, cuộc đời như là cuộc sống của khoa học, trên chân trời của cộng đồng những khoa học gia, thì nó đã đánh dấu một sử tính mới. Nó đòi hỏi một cuộc cách mạng cơ bản về ý thức sử tính. Đó là cuộc cách mạng về trái tim lịch sử trong ý thức sử tính của con người.”

Husserl, theo ngôn ngữ phiên giải của Derrida, viết tiếp, “Thứ nhất, đó là một sử tính tổng quan trong sinh mệnh con người khi nhân loại hiện thân và sống trong bối cảnh tinh thần và văn hóa của truyền thống. Cái tiếp theo và cao hơn là sự thức dậy từ tính kích động của văn hóa Âu châu, để tìm đến một dự án lý thuyết và triết học. Cuối cùng là sự chuyển hóa từ triết học đến hiện tượng học. Từ đó, mỗi chặng đường chuyển hóa, được đánh dấu bởi một cuộc cách mạng nhằm phá bỏ dự án cũ, thực ra chỉ là một tổng dự án, qua khả thể vô hạn hóa sử kiện, sử dụng giác quan để điều tra đến tận cùng cái chủ ý ẩn dấu của tập thể dưới tất cả những chuyển động lịch sử.” À ha!

Đây chính đã là dự án của Lý Đông A cho con người Việt Nam. Tôi xin vay mượn Đại hội Việt kiều, qua tinh thần Lý Đông A và phương pháp luận của Husserl, để suy tìm cho chính tôi, một nhận thức mới về “trái tim sử tính” của dân tộc Việt từ một trăm năm nay – từ khi truyền thống sử tính dân tộc Việt Nam bị kích động thức dậy bởi văn minh lý thuyết Tây Âu. Cái tôi muốn bước tới là cái mà Trần Đức Thảo, từ năm 1955, khi tôi vừa mới ra đời, đã về từ Paris đến Hà Nội cố gắng khơi mào một cách tế nhị và gián tiếp: Một cuộc chuyển hóa về sử tính từ ý thức ôm chặt bởi văn hóa truyền thống và bản địa hạn hẹp sang đến cõi sống thuần tinh hoa lý thuyết và triết học phổ quan. Ảo tưởng trí thức – dĩ nhiên. Nhưng đây là niềm vui tự tách rời của tôi. Nhưng tôi phải tự hỏi như Lý Đông A đã từng hỏi cả gần thế kỷ trước: Tất cả những khổ đau – và nỗi nực cười bi đát – mà cả dân tộc Việt Nam kinh qua đã phải cho một mục đích – tức là chủ ý tinh thần và tinh hoa cho sử tính Việt. Nó là gì?

Nó có phải là tinh thần dân tộc độc lập – một tinh thần tự do tập thể cổ điển – đang được chuyển hóa sang ý thức tự do – một tinh thần giảì phóng cá nhân? Hay rằng: Nó vẫn chỉ là một tinh thần thuần phản ứng, trên cơ sở dân tộc chủ nghĩa, được vẽ vời thêm bằng giáo điều vọng tưởng, cộng thêm một võng lưới vướng mắc từ quyền lực và quyền lợi, mà đảng Cộng Sản là hiện thân, đối với tính hiện đại từ Tây Âu đem đến?

Tôi muốn dựa vào phép biện chứng quốc thể (state), tức là các hình thái tổ chức, mà Đại hội Việt kiều này là một, và chính tôi, cùng các đại biểu Việt kiều, những người mang tinh thần dân tộc trong lưu vong, tương tác – như là một tiến trình đối ứng và thông hiểu, để chuyển hóa lẫn nhau – từ các nội dung đầy kịch tính chính trị đến những nỗi hồn nhiên mang nặng tính bi hài trong những con người đại biểu như chúng tôi. Tôi biết rằng không một ai đã bước vào lịch sử mà không làm một thánh tử đạo sẽ là – và khi chết không phải làm một tên hài kịch đã là.

Sáng sớm ngày hôm sau, thứ Bảy, 21 tháng 11, phái đoàn chúng tôi lên xe buýt – có xe cảnh sát hú còi mở đường – đi về trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Hà Nội, khi đi ra khỏi khu Ba Đình, là cả một công trường xây dựng. Các cao ốc thi nhau vươn lên. Có một cái gì đó mang ít nhiều tính bất cập, bất tương xứng giữa những con người và chế độ chính trị, và cả con người tôi thấy trên đường phố, đối với các cao ốc hiện đại đang được dựng cao. Tôi hình dung ra một tập thể nông dân thích ngắm tập tranh vẽ mây nước của Tàu đang tham dự một cuộc triển lãm hội họa đương đại. Ngôn ngữ khẩu hiệu cũng nhẹ nhàng đi. “Người Việt ở nước ngoài” thay cho “Việt kiều.” Chữ “Đảng” cũng thấy và được nghe rất ít. Những anh công an chính trị cũng luôn nở nụ cười, bắt tay. Cái biện chứng tương tác của ý chí thể thức đang lôi kéo các tâm hồn thượng cổ, làng mạc ra với không gian mới của thời đại – như các cô chiêu đãi viên Hàng không Việt Nam vẫn cố cười dù rất là không muốn.

Hay quá! Chủ nghĩa “chủ quan duy ý chí” của một đế chế chính trị khắt khe và nhiều sai lầm – như là ý chí lịch sử Việt Nam – đang đòi hỏi các con người mang sử tính liên hệ phải thay đổi. Hôm nay, cái bụng dạ thuần phản ứng phải uốn nắn theo thể thái ngôn ngữ và khuôn mặt chính mình theo “kinh tế thị trường.” Cái đang là của thực tế cuộc đời đang uốn nắn bởi cái phải là của thời thế. Tôi nhìn rõ được một dạng thức tương tác giữa ý chí và ý thức đầy mâu thuẫn này vốn đang đưa con người Việt Nam đi đúng đường, đúng hướng.

Qua đến ngày thứ hai của Hội nghị. Trong các khóa hội thảo chuyên ngành, tôi tham dự phiên “Trí thức và chuyên gia.” Có một giáo sư kiến trúc, về từ Pháp, tôi chỉ nhớ tên là Trường, khoảng 65 – 70 tuổi, đã tâm sự chuyện về Việt Nam giảng dạy suốt nhiều năm qua. Không lương bổng, và không được trả bất cứ chi phí nào, giáo sư Trường đã kèm dạy nhiều lớp sinh viên trong ngành xây dựng và kiến trúc, cũng như khiêm tốn làm việc với các ban ngành của chính phủ về các vấn đề xây dựng và quy hoạch thành phố. Tôi tự hỏi mình có làm được như thế không? Có làm như vậy mới xứng đáng với vai trò trí thức của mình. Tôi thầm vui mừng – và hãnh diện – vì trong hàng lớp nhà giáo gốc Việt ở hải ngoại đang có nhiều anh chị em về Việt Nam âm thầm làm việc, đóng góp như vậy. Không có chức năng lịch sử nào trọng yếu và tích cực hơn là vai trò khai sáng và chuyển giao ý thức. Dĩ nhiên, ý thức – mà tất cả chỉ là ý thức tự do – phải nằm trên cơ sở khoa học thực nghiệm, như Trần Đức Thảo đã dầy công phân tích.

Ngày thứ ba của Hội nghị, ở cuối phần bế mạc, tôi cùng đứng dậy chào cờ. Bài Tiến Quân Ca được vang cao trong cả hội trường. Lạ thật. Tôi chưa hề từng nghe Quốc ca Việt Nam (này) trong khung cảnh thể thức như thế. Từ ấu thơ đến bây giờ, tôi từng hát Quốc ca của miền Nam, trước năm 1963 thì cùng với bài hát buồn cười “Suy tôn Ngô Tổng thống.” Ba mươi bốn năm qua là Quốc ca Hoa kỳ xa lạ, Star Spangled Banner. Nay thì tôi lại nghe và chào Quốc ca Việt Nam và lá cờ đỏ sao vàng. Con người là con vật của biểu tượng. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước. Tôi cảm nhận được một giòng điện chạy từ đáy lưng theo xương sống lên trên cổ trên đầu như là khoảnh khắc thức dậy và chuyển mình của năng lực Kundalini. Tôi nhìn lên phía trước, khi vừa hết bài Quốc ca, mấy chục cô và bà đại biểu từ Pháp đang chạy ùa lên sân khấu, vỗ tay đồng ca bài Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Tôi nhìn qua các thân hữu Việt kiều từ Mỹ, và ngạc nhiên khi thấy hầu hết – kể cả những người mà tôi không ngờ – đang vổ tay hào hứng la to, Việt Nam! Hồ Chí Minh! Cả hội trường, và tôi, cùng hân hoan trong tất cả (vẫn là) cái hồn nhiên mà dân tộc ta đã bước vào từ hồi thế kỷ trước.

Trong không khí vang ầm của lời ca, tôi lại lắng nghe từ Paul Ricoeur, “Đây là ý chí hồn nhiên thứ hai, khi con người đã bước ra khỏi hồn nhiên thứ nhất, trở về lại để tìm ra nó như là một niềm hạnh phúc nguyên sơ.” Tôi thầm cảm thấy mình thật sự bình an khi đất nước này đã mở rộng vòng tay đón tôi trở về – dù tôi đã ý thức rõ ràng về sự khác biệt nhiều tương phản giữa quê hương và thể chế chính trị. Tôi biết và cảm thông được nỗi buồn vô hạn của những người trí thức đã từng bị trục xuất khỏi quê nhà khi về đến sân bay. Ôi tổ quốc ơi! Sao mà ngươi khó khăn và khắc nghiệt thế? Cho dù tôi có cố gắng khách quan hóa ý thức đầy sử tính của mình, cái tinh chất thuần ý thức mà hiện tượng luận muốn đi tìm vẫn chỉ còn là một ẩn số lớn.

Ngày hôm sau, thứ Ba, 24 tháng 11, trên suốt chuyến bay để “đi” California – không phải là “về” như bao lần – tôi thấy chính mình đang mang tiếp được một nỗi bình an ngày hôm trước. Quê nhà đã đón mừng và nhận lại mình. Tôi không còn sợ tổ quốc, sợ chế độ, sợ công an, sợ cộng sản. Bạn thấy không? Con người tôi vẫn là của thời quán thứ nhất – một anh nông dân trong làng chưa bước qua được giai thoại của một thứ dân tộc chủ nghĩa thô sơ và đầy uẩn khúc. Tôi chưa phải là con người tự do.

Xin chân thành cảm ơn tất cả. Ôi hỡi quê hương Việt Nam. Lần này, tôi đã thực sự trở về!

Nguồn: Blog Trương Thái Du
Ảnh: VNN, VNE

26/11/09

THẬP KỶ TỒI TỆ NHẤT TRONG LỊCH SỬ



Tạp chí Time (Mỹ) gọi thập niên 2000-2009 là "thập kỷ tồi tệ nhất trong lịch sử".

Tại sao lại như vậy? Bởi thế giới đã phải chứng kiến những thảm kịch chưa từng thấy trong lịch sử.

Đó là:

1. Cuộc tấn công khủng bố nước Mỹ vào Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center) ở New York và Lầu năm góc ở Washington D.C. ngày 11.9.2001.

2. Sóng thần ngày 26.12.2004. Động đất ngoài khơi Sumatra (Indonesia) gây ra những cơn sóng thần khủng khiếp trên Ấn Độ Dương, cướp đi mạng sống của gần 300 nghìn người ở hàng chục quốc gia Đông Nam Á và Nam Á.

3. Bão Katrina đổ bộ vào nước Mỹ ngày 1.9.2005. New Orleans - một trong những thành phố đẹp nhất nước Mỹ, bị tàn phá. Sự chủ quan của người Mỹ đã khiến 1.836 người tử nạn.

4. Khủng hoảng tài chính toàn cầu, bắt đầu từ sự sụp đổ của thị trường chứng khoán ngày 13.9.2008.

Những cuộc chiến tranh ở Afghanistan, Iraq; những cuộc xung đột ở Lebanon, Israel, Palestine, Thái Lan, Tân Cương, Tây Tạng...; những cuộc khủng bố ở Mumbai, Beslan...; những vụ thiên tai khủng khiếp ở khắp nơi trên thế giới tô thêm màu sắc đen tối cho thế giới.

Nhưng chúng ta vẫn đang sống...

Ảnh: Một phụ nữ khóc than người thân bị chết trong thảm họa sóng thần.


25/11/09

BẤT NGỜ VỀ MÚA


Vọng nguyệt

Có ai chủ tâm đi xem múa ở Việt Nam bao giờ không? Chắc là rất ít. Hôm kia tôi được mời đi xem múa. Không định đi, nhưng bà chị con bác (thân thiết với tôi hơn cả chị em ruột), hiện đang làm việc tại Trường Cao đẳng Múa Việt Nam (CĐMVN) , tha thiết mời, nên không nỡ từ chối.

Chẳng là trường kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Đây chính là ngôi trường mà Lê Vân nói tới trong hồi ký "Yêu và sống" gây xôn xao dư luận mấy năm trước. Trường này còn nổi tiếng vì một vài em chân dài xinh đẹp liên quan đến những vụ bê bối của các đại gia.

Tóm lại là nhân dịp tròn nửa thế kỷ, trường CĐMVN tổ chức chương trình "50 năm - Múa với thời gian" giới thiệu những tiết mục múa đặc sắc do các thầy cô giáo của trường biên đạo, hoặc dàn dựng lại từ những tác phẩm múa của nước ngoài: Múa dân gian VN, múa ballet, múa dân gian Nga, Trung Quốc, múa đương đại VN.


Chị tôi tất tả lo đón khách (vì có một số quan chức tới xem), đưa cho tôi vé và dặn: "Em cố xem đến hết nhé. Mấy tiết mục đầu có thể chưa hấp dẫn lắm, nhưng càng về sau càng hay đấy. Có cả Cao Chí Thành đấy". Tôi ậm ừ: "Được rồi, chị yên tâm".


Mở ngoặc đơn về Cao Chí Thành. Anh chàng này được báo chí mệnh danh là "Hoàng tử ballet Việt Nam" vì là nghệ sĩ ballet đầu tiên của Việt Nam đoạt giải tại một cuộc thi ballet quốc tế (giải tư Helsinki International Ballet Competition 2005). Cao Chí Thành là sản phẩm đào tạo 100% của Việt Nam.


Cao Chí Thành

Trong chương trình tối hôm kia, Thành trình diễn 2 trích đoạn kinh điển của múa ballet là
"Don Quixote" và "Diana và Acteon". Quả đúng là danh bất hư truyền. Tài năng đã được khẳng định của Thành lại một lần nữa tỏa sáng. Tôi thấy không có sự khác biệt lắm với các ngôi sao thế giới trong màn trình diễn của Thành. Điểm thêm một số ấn tượng nữa.

Tôi đặc biệt thích ba cô gái Kiều Anh, Tuyết Anh, Mai Linh trong tiết mục "Vọng nguyệt" (biên đạo: NSƯT Kiều Lê). Tiết mục này được dàn dựng theo phong cách "Cirque du Soleil" của Canada. Ba cô gái cho thấy họ thành thục cả kỹ năng múa dân gian (ở đây là múa dân gian Việt Nam), lẫn khả năng tạo hình của nghệ thuật xiếc để tạo thành một tiết mục đặc sắc.


Ballet Việt Nam đầu thập niên 1980 đã dàn dựng và trình diễn thành công những vở ballet kinh điển của thế giới như Spartacus. Thời đó, nam diễn viên Nga đảm nhận vai Spartacus, vai nữ do NSND Kiều Ngân. Giờ đây Kiều Ngân dựng lại trích đoạn trữ tình nhất của vở diễn với cặp đôi Hoàng Giang và Tuyết Dung. Hoàng Giang phù hợp với Startacus cả về hình thể lẫn sự mạnh mẽ, còn Tuyết Dung thì như sinh ra để múa vai này vậy. Cả hai đã chứng minh rằng họ có đủ kỹ năng và cảm xúc để trình diễn trọn vẹn một vở ballet cổ điển.

Tóc

Chương trình ghi nhận sự tiến bộ đáng kể trong trình độ biên đạo với những tiết mục đầy ngẫu hứng của các biên đạo múa trẻ. Trần Ly Ly thể nghiệm sự "đùa giỡn" với âm nhạc dân gian, nhịp điệu phóng túng với những cô gái mặc yếm trễ nải tạo nên một vũ đạo khó quên của tóc.

Một điểm yếu của múa Việt Nam đó là hình thể các diễn viên nam hơi mỏng manh, không tạo được sự mạnh mẽ đẹp mắt. Biên đạo múa Hồng Phong đã khắc phục được điều đó trong "Quốc ấn - Tâm thư" với những động tác khoáng đạt và nam tính. Tiết mục khắc họa chân dung sĩ phu Bắc Hà trong khung cảnh Văn Miếu tạo được hiệu ứng nhìn khá hiệu quả.
Quốc ấn - Tâm thư

Nhưng tạo hiệu quả sân khấu mạnh nhất phải kể đến "Gạo mới" (NSƯT Kiều Lê biên đạo). Các cô sơn nữ múa mừng hội mùa rộn ràng trong vũ khúc của tre và kết thúc với màn thoát y táo bạo và gợi cảm, nhưng lại đầy thẩm mỹ.

Tôi không bỏ về như chị tôi lo ngại lúc đầu, vì các tiết mục cuốn hút từ đầu đến cuối. Hai tiếng đồng hồ trôi qua thật nhanh và chương trình kết thúc trong sự thòm thèm của khán giả. Nếu cứ múa thế này thì ai bảo nghệ thuật múa khủng hoảng nhỉ?


Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

24/11/09

NGÀY MƯA Ở CỐ ĐÔ NGA


Đến Saint Petersburg đúng vào ngày mưa.
Thành phố vẫn đẹp - một vẽ đẹp não nùng, khiến ta phải nao lòng.




Những cây cầu trong mưa



Sông Neva
Đại lộ Nevsky

Chiến hạm Rạng Đông

Nhà thờ Spass na Krovi qua cửa kính xe buýt

Chú lính về phép.

Cha con anh Adrey Pyatko, từ bán đảo Kamchatka cách xa 12 nghìn km
đến thăm cố đô Nga.




22/11/09

CHỈ CÓ MỘT LÊ DUNG


Tôi là một trong những người hâm mộ tài năng của cố NSND Lê Dung, tôi quen biết chị, nói chuyện với chị nhiều lần, nhưng không bao giờ viết được một bài về chị hay như bài sau đây. Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn.

Cái tên Lê Dung tôi nghe trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam rất nhiều từ lúc tôi còn nhỏ khi Đài phát các bài Mùa xuân trên TP HCM, Anh ở đầu sông tôi cuối sông, Chợ chờ em vẫn chờ ai … nhưng tuyệt nhiên tôi không thấy Lê Dung hát trên các sân khấu, trên truyền hình vào cái thời mà Thu Hiền, Thanh Hoa, Ái Vân ngự trị hầu hết các chương trình phát sóng ca nhạc. Thế nên vào khoảng năm 87, 88, 89 tôi cứ ngỡ Lê Dung là một nghệ sỹ của thế hệ trước đó và không còn hoạt động sân khấu nữa. Thế rồi vào đầu những năm 90 lần đầu tiên tôi nhìn thấy Lê Dung trên truyền hình Việt Nam, cũng là lúc nhà tôi bắt đầu có TV màu! Đó là chương trình ca nhạc trước thời khắc giao thừa. VTV phát 3 bài hát đại diện cho 3 miền: Hồng Nhung hát Nhớ Hà Nội của Hoàng Hiệp; Kim Phúc hát Một mùa xuân của Trần Hoàn và Lê Dung hát Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh của Xuân Hồng. Cả ba bài đều lấy âm thanh của VOV và các ca sỹ chỉ quay ngoại cảnh rồi hát “đớp”. 3 bài hát quá tuyệt, tới mức cứ mỗi khi Tết về tôi lại nhớ lại chính 3 bài đó. Tôi cũng có ý định sẽ dựng lại 3 bài đó thành một clip rồi đưa lên Youtube!

Lần đó Lê Dung xuất hiện trên truyền hình với phong cách thật hiện đại: không phải với mái tóc một mất một còn như trong một khoảng thời gian sau này mà là một mái tóc ngắn hoàn toàn. Hình ảnh ấy thật sự rất sốc với phấn lớn người Việt Nam khi đó vì phải gần 10 năm sau người ta mới quen kiểu tóc ngắn như vậy với sự xuất hiện của Mỹ Linh. Tôi nói bạn đừng cười, tôi còn nhớ ông hàng xóm của tôi đã thốt lên “trông nó như … con bớp”. Không hiểu khi đó Lê Dung để tóc ngắn như vậy là do sự cố về sức khỏe hay do thời trang. Nếu là thời trang thì quả là cô ấy đã đi trước thời đại. Khổ, đi trước thời đại là như thế đấy.

Tuy vậy, tôi vẫn có ấn tượng rất tốt đẹp về hình ảnh Lê Dung trong lần xuất hiện lần đầu đó. Trong những lần tiếp theo, tiết mục của Lê Dung luôn là tâm điểm theo dõi của tôi. Có lẽ tới giờ tôi vẫn có thể nhớ đầy đủ các tiết mục của Lê Dung trên truyền hình. Đó là hình ảnh Lê Dung đội tóc giả hát Em ơi Hà Nội phố (vì lúc đó tóc ngắn chưa dài) trong tà áo dài trắng cách tân không được đẹp lắm. Nhưng Lê Dung đã thật đẹp với mái tóc dài hơn, hơi một mất một còn với chiếc áo dài xẫm màu trong một chương trình giới thiệu các tác phẩm của Phạm Tuyên mà trong đó Lê Dung hát Lời ru của đêm. Lê Dung vừa hoạt bát, vừa tươi tắn khi xuất hiện cùng Tường Vy, Tuyết Mai, Đàm Liên là những người cùng được phong NSND nhân dân vào năm 1993. Lần đó Lê Dung hát cùng Tường Vy một bài hát của Nga mà trong đó khán giả rất ấn tượng về một Lê Dung đang rất sung mãn còn Tường Vy thì rõ ràng đă ỏ bên kia đỉnh dốc. Rồi Lê Dung trở thành ca sỹ chủ lực trong các đêm nhạc của Phú Quang, Dương Thụ được VTV phát sóng. Tôi thích nghe Lê Dung hát Lang thang và Nỗi nhớ của Phú Quang, Họa mi hót trong mưa của Dương Thụ cùng với piano. Cách xử lý đầy chất phóng tác vì được hát cùng piano chứ không phải hát cùng dàn nhạc nhẹ như trong Album sau này. Tôi được biết Phú Quang vẫn giữ hết các tư liệu này.

Lê Dung ít hát trong các chương trình ca nhạc dựng hình trong trường quay của VTV như Thu Hiền hay Thanh Hoa. Nhưng có một lần Lê Dung ngồi hát Khúc mùa thu của Phú Quang- Hồng Thanh Quang trong trường quay của VTV một tiết mục đã chinh phục rất nhiều khán thính giả, trong đó có tôi. Trong các năm sau đó Lê Dung thực sự trở về với đời sống ca nhạc trong nước với sự xuất hiện liên tục trong các chương trình lớn, điều này thì bạn và tất cả khán giả truyền hình Việt Nam đều quá rõ. Nhưng tôi còn nhớ có lần thời sự còn trích đoạn Lê Dung phát biểu với tư cách là thành viên của hội nhạc sỹ hay sân khấu Việt Nam, trong đó Lê Dung đứng trên bục của Nhà hát lớn và phát biểu rất mạnh mẽ về “sự xâm lăng của các loài cỏ dại vào nền âm nhạc thời mở cửa của Việt Nam”. Hình như trong Đại hội đó của hội nhạc sỹ Lê Dung lại không được bầu vào ban chấp hành… Lần cuối cùng tôi nhìn thấy Lê Dung trên truyền hình là một chương trình Lá thư âm nhạc hay Điểm hẹn âm nhạc truyền hình trực tiếp từ HCMC mà trong đó Lê Dung hát hai bài là Nụ cười sơn cước và Bóng cây K’nia. Có lẽ đây chính là chương trình mà bạn đã nói tới, chương trình truyền hình trực tiếp cuối cùng có sự xuất hiện của Lê Dung, trong đó Lê Dung hát quả là có phô và hơi yếu, mờ.

Tôi cũng có may mắn được xem Lê Dung hát trực tiếp một số lần. Lần đầu tiên là năm 1995 trong kỷ niệm 50 năm ngoại giao Việt Nam với sự có mặt của tất cả các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đương thời. Lê Dung hôm đó hát Người Hà Nội và Đêm đông. Sau đó một năm tôi được xem Lê Dung hát lần thứ 2 trong một chương trình nhạc cổ điển đặc sắc, đó là chiêu đãi văn nghệ dành cho đoàn ngoại giao tại Nhà hát lớn. Chương trình không quá 45 phút và chỉ có Đăng Dương và Lê Dung hát. Đăng Dương hát Tình ca và một trích đoạn opera rất hay, nhất là Tình ca với ngón đàn điêu luyện của Hàn Ngọc Thoa. Tuy nhiên Lê Dung đã thực sự khiến cả khán phòng ấn tượng khi cô ấy xuất hiện trong bộ đầm màu đen, tóc dài vắt sang một bên. Ngay sau khi cúi chào khán giả, cử chỉ đầu tiên của Lê Dung là nhấc cái chân mic bỏ sang một bên và bắt đầu hát không mic. Lê Dung hát Bài ca hy vọng, Sông Lô và sau đó là trích đoạn Pace pace. Thật không thể có phần trình diễn nào hoàn hảo và sang trọng hơn thế. Phải qua những lần như thế tôi mới thấy hết được đẳng cấp của Lê Dung.





Tôi không có may mắn được tiếp xúc với Lê Dung lúc còn sinh thời cô ấy. Nói chính xác là có một số dịp bị bỏ lỡ. Lê Dung có quan hệ khá mật thiết với nhiều đồng nghiệp của tôi. Một lần Lê Dung và Phú Quang đến trực tiếp cơ quan tôi để giao lưu với các anh chị trong cơ quan. Không hiểu lần đó tôi bận gì mà không có mặt. Nghe kể lại hôm đó Lê Dung hát nhạc Phú Quang và Phú Quang chỉ đệm bằng ghi-ta, rất lạ, tôi chưa bao giờ được nghe như thế. Đồng nghiệp của tôi cũng kể, có một lần, khi hát tại sứ quán Việt Nam tại Singapore trong chiêu đãi quốc khánh, giữa vài trăm khách mời, Lê Dung còn thẳng thắn nhắc nhở khán giả là hãy trật tự nếu muốn nghe hát! Lê Dung cũng đi cùng các sư phụ của tôi trong đó có Mme Tôn Nữ Thị Ninh, Mme Nguyễn Thị Hồi (cựu đại sứ VN tại Canada) sang Bắc Kinh dự Hội nghị thượng đỉnh về phụ nữ và mọi người càng trở nên những người bạn thân.

Trong mối quan hệ đó, vào năm 2000, khi bọn tôi đăng cai Hội nghị phụ nữa Quốc tế, trong danh sách đại biểu Việt Nam bọn tôi đã ghi tên Lê Dung. Tôi rất mong chờ sự kiện đó để có dịp gặp và trò chuyện cùng Lê Dung. Tuy nhiên, cơ hội đó đã không đến vì Nhạc viện đã làm thất lạc thư mời và Lê Dung sau đó cho biết là cô ấy cũng rất tiếc vì không được đến dự hội nghị. Cũng có lần khi đi học tôi đã nhìn thấy Lê Dung đi bộ ở gần khu tập thể Thành Công (chắc là đi chợ về, trông rất có vẻ thế). Khoảnh khắc mà tôi đứng gần Lê Dung nhất, thật buồn, lại là trước linh cữu của cô ấy. Vào đúng buổi đi làm đầu tiên sau Tết Nguyên Đán năm 2001, tôi và các đồng nghiệp đều bàng hoàng khi hay tin Lê Dung đã qua đời. Cả cơ quan đi viếng, nhìn Lê Dung nằm trong quan tài với nét mặt vẫn tươi tắn mà thật xót xa. Hôm đó Phú Quang cũng bay từ Sài Gòn ra, tóc bạc phơ và chú ấy nói bản thân đang chống chọi với ung thư! Trong đám tang của Lê Dung, người ta không mở nhạc hồn tử sỹ hay tiếng kèn bát âm, xuân nữ mà là tiếng hát Lê Dung trong bài Gửi người em gái: “Em tôi đi màu son trên đôi môi, khăn san bay lả lơi …”.

Tối hôm đó chương trình thời sự VTV cũng đưa về sự ra đi của Lê Dung. Ngay sau khi kết thúc thời sự là một chương trình ca nhạc tưởng nhớ NSND Lê Dung với các bài gắn liền với tên tuổi Lê Dung trên VTV1: Bài ca hy vọng, Người Hà Nội, Ave Maria, Mẹ yêu con… là các tác phẩm thuộc dòng nhạc chính thống và cổ điển. Trên VTV3, Kiều Chinh làm một chương trình đầy đủ hơn, gồm cả phỏng vấn các nhân chứng, giới thiệu cả bài hát thiếu nhi Em yêu đất mỏ quê em, các cuộc thi quốc tế của Lê Dung, bài ca hy vọng cũng như một số bài hát tiền chiến như Đêm đông (video của Truyền hình Cần Thơ mà trong đó Lê Dung có hát Ảo ảnh của Y Vân). Cùng thời gian đó, Mai Trung Kiên của VOV làm một chương trình tưởng nhớ Lê Dung rất xúc động trên VOV1, trong đó giới thiệu các bài: Bạch Long Vĩ đảo quê hương, Anh ở đầu sông em cuối sông, Gửi anh đi đầu quân, Ngày mùa, Ba Vì năm xưa, Từ trên đỉnh núi, Tiếng đàn bầu, Mẹ yêu con và Đêm đông (bản thu thanh tại VOV ngay sau khi Lê Dung từ Pháp về nước). Thời gian đó tôi có gửi thư yêu cầu cho cả VOV1 của Ánh Quyên và VOV3 của Trang Công Tiến và yêu cầu được nghe hai bài Mùa xuân trên TPHCM và Chợ chờ em vẫn chờ ai. Ánh Quyên đã đáp ứng yêu cầu của tôi bằng cách cho phát Chợ chờ em vẫn chờ ai. Trang Công Tiến thì lại cho phát… Họa mi hót trong mưa. Tôi biết là Mùa xuân trên TPHCM do Lê Dung hát đang bị thất lạc và họ chỉ có thể phát bản của Tam ca Áo trắng hoặc Ngọc Lan.

Sau ngày Lê Dung qua đời, tôi rất chú ý theo dõi các chương trình ca nhạc trên VTV để hy vọng được xem lại những hình ảnh của Lê Dung. Quả thật đã có tới 3 chương trình giới thiệu những bài hát đi cùng năm tháng mà ca sỹ minh họa là Lê Dung: Người là niềm tin tất thắng- Lê Dung hát với phong cách opera đặc trưng, quay ngoại cảnh ngay phía sau Lăng Bác Hồ; Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người; và Người lá đò trên sông Pô Kô. Mặc dù VTV là nơi lưu trữ tư liệu hình ảnh tệ nhất trên thế giới nhưng hy vọng những video clips đó tương đối gần đây nên vẫn còn giữ lại được.

Tôi kể lể về những diễn biến ở trên quả là rất lan man và có lẽ những câu chuyện trên chẳng có ý nghĩa gì với nhiều người. Nhưng với tôi, sự ra đi của Lê Dung lại chính là sự kiện tác động rất lớn tới đam mê nhạc VOV của tôi. Kể từ sau sự kiện ấy, tôi tìm mọi cách để tập hợp lại các bài hát của Lê Dung. Tôi đã liên hệ được với Trang Công Tiến, Xuân Thọ, Xuân Kỳ của VOV và Kiều Chinh, Phương Liên của VTV. Đó cũng là sự khởi đầu cho việc tích lũy kho nhạc VOV của riêng tôi, một quá trình kéo dài tới nay cũng ngót 10 năm J Trong suốt một thời gian sau đó, dù đi đâu, làm gì thì trong ba lô của tôi cũng có chiếc Sony Walkman (hồi đó đâu đã có ipod) và mấy cuộn cassettes tiếng hát Lê Dung. Tôi đi Sài Gòn cũng mang theo, đi nước ngoài cũng mang theo. Tôi nghe và “bắt” những người thân và bạn bè của mình cùng nghe, cũng giống hệt như khi tôi nghe Khánh Ly- Trịnh Công Sơn, rồi Tiến Thành nữa. Cho đến vài tháng sau đó, đúng lúc tôi đang ở Sài Gòn, đang trọ ở đúng phố Phạm Ngọc Thạch, đang nghe nhạc ở Tiếng Tơ đồng vào tối 1/4 và được Quang Minh và Hồng Ngọc báo tin Trịnh Công Sơn vừa qua đời thì những người bạn và đồng nghiệp của tôi đã “tổng kết” rằng: mày cứ hâm mộ ai là người đó… đoản thọ!!! OMG, thiện tai!!!

***

Tôi không biết Lê Dung tu nghiệp ở Tchaikovski chính xác ở giai đoạn nào và cô ấy ở Pháp thời gian cụ thể nào. Tuy nhiên căn cứ vào tư liệu âm thbạn của tôi thì tôi thấy Lê Dung thu thanh khá liên tục từ năm 1974-75 (Tiếng đàn bầu, Xa khơi, Bạch Long Vĩ đảo quê hương … ) cho đến 1985-86 (Trở lại Cao Bằng) mặc dù có hai tư liệu sớm hơn, một là bài hát thiếu nhi Em yêu đất mỏ quê em từ năm 1964 (sang tác của Nguyễn Đức Huyên, hát cùng một thiếu nhi khác tên là Bích Ngọc, Lê Dung được biết với cái tên Kim Dung) và bài Nhanh tay lên chị em ơi mà Lê Dung hát cùng tốp nữ Văn công Tả ngạn từ năm 1971. Trong tư liệu của tôi không hề có bài hát nào được Lê Dung thu âm trong các năm 87, 88, 89 trong khi đây là thời kỳ nở rộ của Ái Vân, Thanh Hoa, Thu Hiền. Đến năm 90 mới bắt đầu tiếp tục có tư liệu của Lê Dung với Mẹ yêu con (1990), Lời ru của đêm của Phạm Tuyên, Đêm hương hồi của Vũ Hùng và Aria Sức mạnh số phận (la forja del destino) trong opera Pace pace được thu năm 1991. Năm 1992 thì Đài VOV và đài Hà Nội giới thiệu nhiều lần chùm ca khúc Việt Nam được Lê Dung hát kiểu semi-classic với Đêm đông (mà bạn đã đề cập), Em ơi Hà Nội phố, Tuyết rơi, Mặt trời bé thơ, O sole mio, Chiếc lá cuối cùng. VTV cũng dựng hình từ các băng âm thanh này, Lê Dung khi đó tóc chưa dài nên phải đội tóc giả. Sang năm 1993 thì Lê Dung được phong nghệ sỹ nhân dân và cho ra đời Album Họa mi hót trong mưa…

Như vậy thời gian 87,88,89 có thể là lúc Lê Dung không ở Việt Nam và nếu so sánh giọng hát Lê Dung ở thời điểm trước và sau khoảng thời gian thì thấy có sự khác biệt rất rõ về cách xử lý bài hát. Chủ yếu sự khác biệt được thể hiện ở chỗ Lê Dung lúc trước hát rất chỉn chu, mô phạm và lúc sau thì vô cùng tự tin, cách tự tin của một người đã làm chủ được toàn bộ nhưng gì thuộc về kỹ thuật thanh nhạc, một người đã nắm hết được phần hồn của bài hát và cũng là một người đang ở đỉnh cao của phong độ, của sự màu mỡ trong giọng hát và cả của sức khỏe nữa. Nhưng cái làm nên cái chất của Lê Dung, cái mà ta phân biệt Lê Dung với các giọng nữ khác thì dường như bất biến: giọng Lê Dung luôn trong vắt, tròn căng, đầy đặn, mượt mà, nghe không bao giờ chói tai. Để thấy rõ hơn cái này thì tôi đành phải so sánh. Chẳng hạn như ta không thể nói giọng Thu Hiền là trong vắt, không thể nói giọng Thúy Lan hay Kim Phúc hay thậm chí là Ái Vân, Thanh Hoa là căng tròn, là đầy đặn vì giọng của họ thực ra rất mảnh. Lê Dung có khẩu hình nhìn rất sang trọng, nhất là khi khép làn môi lại vừa như để mỉm cười trong lúc hát vừa để cho làn hơi được đẩy lên cao trong lúc ngân, và có thể là để lấy hơi qua mũi một cách khéo léo nữa.

Giọng hát của một ca sỹ trước hết và bắt buộc phải do thiên phú rồi sau đó mới tính chuyện được hoàn thiện nhờ học hành, rèn luyện chuyên nghiệp, và rồi lại phải được “Tổ đãi” nữa thì mới mong sống lâu với nghề. Lê Anh Dũng cũng đồng ý với tôi như thế với đại ý là “không có bột thì khó mà gột nên hồ”. Ở Lê Dung mấy yếu tố đó được thể hiện rõ ràng nhất. Nghe Lê Dung hát Em yêu đất mỏ quê em từ năm 1964 khi mới hơn 10 tuổi dù ta không thấy được rằng đó là một thần đồng nhưng cũng thừa sức để thấy được một tiềm năng rất mạnh. Lê Dung ngay từ khi xuất hiện trên sân khấu chuyên nghiệp của Đoàn Văn công Tả ngạn ắt hẳn đã bộc lộ tiềm năng của một soprano thứ thiệt của Việt Nam khi cô ấy lĩnh xướng trong Nhanh chân lên chị em ơi hay Hát mừng Việt Lào chiến thắng (đều trong năm 1971). Và từ 1974 Lê Dung bắt đầu có được chỗ đứng khá đĩnh đạc trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam giữa thời kỳ đỉnh cao của nền ca khúc Việt Nam với cả một rừng các cây đa, cây đề thuộc thế hệ đó như Bích Liên, Thanh Huyền, Vũ Dậu và biết bao nhiêu tên tuổi nữa. Cho đến nay, những bài hát Lê Dung hát từ thời kỳ đó như Xa khơi, Tiếng đàn bầu, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Bạch Long Vĩ đảo quê hương, Đất mỏ anh hùng … vẫn thường xuyên được phát sóng và được nhiều người yêu thích.

Tuy nhiên, đúng như bạn và nhiều người nhận xét, giọng Lê Dung thời kỳ này có một nhược điểm rất rõ, đó là rung giọng. Khoảng cách vibrato quá ngắn và liên tục khiến có lúc ta tưởng Lê Dung hát chưa được bình tĩnh, hơi chưa đủ căng nên tiếng hát thành ra run rẩy. Nhược điểm này kéo dài trong suốt các năm 74,75,76 mà ta thấy trong các ca khúc thu thanh vừa kể trên. Nhạc sỹ Phú Quang trong đêm nhạc Con đường âm nhạc số đầu tiên của VTV3 khi tưởng nhớ Lê Dung cũng nói về nhược điểm này trong giọng hát thời kỳ đó của Lê Dung. Đại ý Phú Quang kể rằng ông đã có lần rất nghiêm khắc phê bình Lê Dung vì cái “tội” rung giọng “như dê kêu” khi ông tập cho Lê Dung bài Anh ở đầu sông em cuối sông cùng Dàn nhạc Mùa thu vào năm 1978 tới mức Lê Dung bưng mặt khóc và chạy ra khỏi phòng thu.

Sự rèn luyện nghiêm khắc đó quả là đã phát huy hiệu quả khi mà ta nghe Lê Dung trong các tư liệu thu thanh từ thời kỳ đó trở đi không còn nhược điểm này nữa. Từ Anh ở đầu sông em cuối sông cho đến Tình em biển cả mà Lê Dung thu trong năm 1978 người ta thấy có sự chuyển rất rõ rệt. Cho đến các năm 79, 80, 81 giọng hát Lê Dung đã thực sự bước vào thời kỳ đỉnh cao với sự hoàn thiện về kỹ thuật, của sự màu mỡ trong chất giọng, của sự chín muồi trong xúc cảm. Đã đành nhạc cảm của Lê Dung luôn luôn thường trực như một hằng số trong các ca khúc cô hát thời kỳ này, nhưng đồng thời những người làm nghề và khó tính cũng không thể nào tìm ra được những nhược điểm trong kỹ thuật và cách xử lý bài của Lê Dung khi cô hát Suối Lê Nin, Viếng Lăng Bác, Chào tôi cô gái Lam Hồng, Cảm xúc tháng Mười, Vui mùa chiến thắng, Tiếng hát trên đường quê hương hay các bài dân ca như Đò đưa, Chung lập chiến công (thu âm năm 1979).




Giọng hát hoàn hảo, nhạc cảm đặc biệt, sự nhập cuộc và làm chủ tác phẩm đến nhuần nhuyễn của Lê Dung trong thời kỳ này đã làm sản sinh ra những tác phẩm lưu danh giọng hát của cô cho mãi về sau, đó chính là Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (Xuân Hồng), Ba Vì năm xưa (Huy Du), Củ Chi yêu thương (Trương Quang Lục), Hát từ xóm biển Cà Mau (Văn Chung), Vầng trăng sáng (Thái Cơ), Vaxilo... Ta cũng cảm nhận rõ nhất sự hội tụ của tất cả các ưu điểm của Lê Dung khi cô hát Cô gái vót chông của Hoàng Hiệp (năm 1983) với khả năng hát giọng cao mà rất dày, đầy và rõ tiếng, cũng như cách hát nảy âm staccato giả tiếng chim rừng ở đoạn interlude. Nhạc cảm mà Lê Dung thể hiện trong Trở lại Cao Bằng của Tân Huyền, (1985) chính là thứ vốn liếng của cảm xúc mà nhiều năm sau này ta gặp lại trong Lời ru của đêm của Phạm Tuyên (1990), hay Đêm hương hồi của Vũ Hùng (1991), thậm chí trong Chiều phủ Tây Hồ hay Khúc mùa thu của Phú Quang.

Các cụ nói “yêu nhau củ ấu cũng tròn”. Tôi vẫn tin tôi có lý trí chứ không để tình cảm làm mình mất khách quan. Không hiểu tôi hiểu bình luận của bạn về giọng hát Lê Dung với dòng nhạc tiền chiến có chính xác hay không. Tuy nhiên, nếu bạn cho rằng Lê Dung không hợp hay không thành công trong dòng nhạc tiền chiến thì tôi nhất định phản đối. Rõ ràng Lê Dung luôn đứng đầu bảng trong mảng opera ở Việt Nam vì ở giọng hát của cô vừa có sự hoàn thiện về kỹ thuật vừa có sự dồi dào của cảm xúc. Cứ nghe Lê Dung hát Pace pace của nước ngoài hay aria Cô Sao của Việt Nam hay phong cách opera trong Bài ca hy vọng, Người Hà Nội, Đường chúng ta đi, Trường ca Sông Lô, Du kích sông Thao thì sẽ thấy điều đó.

Nhưng tôi vẫn phải khẳng định rằng Lê Dung là một ca sỹ hiếm hoi của Việt Nam thành công với nhiều thể loại ca khúc. Cô có khả năng chuyển giọng để nó rất phù hợp với các thể loại ca khúc khác nhau, loại nào ra loại ấy chứ không lẫn lộn như như nhiều nghệ sỹ khác. Opera hay nhạc đỏ thì chúng ta nói rồi. Lê Dung hát dân ca vô cùng hay với Đò đưa, chung lập chiến công như tôi đã kể hay âm hưởng dân ca trong Chợ chờ em vẫn chờ ai của Huy Du. Trong nhạc nhẹ thì ai có thể hát các ca khúc của Phú Quang, Dương Thụ như Chiều phủ Tây Hồ, Khúc mùa thu, Ngày mai, Nỗi nhớ, Họa mi hót trong mưa hay được như Lê Dung.

Với nhạc tiền chiến và nhạc Trịnh, nhạc miền Nam thì quả là tôi cũng không đánh giá cao Album Họa mi hót trong mưa nhưng chủ yếu do chất lượng phòng thu không được tốt. Còn bộ CD Những tình khúc bất tử mà Lê Dung làm ở Pháp và Thụy Sỹ với những Đêm đông, Buồn tàn thu, hay CD Tiếng thời gian, CD Màu nắng có bao giờ phai đâu với nhạc Đoàn Chuẩn, CD Tình nghệ sỹ … theo tôi là những sản phẩm hoàn hảo cả về nghệ thuật và thị trường. Tôi cũng có một băng cassette Lê Dung thu khi cô ở Pháp gồm các bài Quê hương, Mưa rơi (Trần Hoàn), một số bài của Ngô Thụy Miên, Đỗ Dũng do một người bạn tặng.

Cũng từ các CD trên thị trường mà tôi tìm thấy bài Biển hát chiều nay, một bài theo tôi phải tới bản thu của Lê Dung thì Hồng Đăng mới thực sự tìm được chủ nhân cho bài hát của ông. Và chắc chắn nhiều nhạc sỹ cũng tìm thấy tri âm tri kỷ cho các tác phẩm của họ từ giọng hát Lê Dung. Nhiều nghệ sỹ thanh nhạc lừng danh của Việt Nam cũng thần tượng giọng hát Lê Dung. Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Huyền nói trên một tờ báo rằng trong các giọng hát của thế hệ sau bà thì Lê Dung là người mà bà khâm phục nhất. Nữ danh ca Khánh Ly cũng coi giọng hát Lê Dung là một trong những giọng hát đẹp nhất của Việt Nam.

Chỉ có một Lê Dung.

Nguồn: TMHBlog


20/11/09

CHUYỆN TRONG NGÀY (3)



1. Bóng đá

Các siêu sao vang bóng một thời của Manchester United và Liverpool như Andy Cole, Steve Mcmanaman... đến Hà Nội thi đấu tại Master Cup với các cựu tuyển thủ Việt Nam.

Đón họ tại sân bay Nội Bài là một rừng cổ động viên với bandroll, biểu ngữ, hoa (ảnh)... Họ hò hét, chụp ảnh, nhoài người ra bắt tay, xin chữ ký và làm nhiều chuyện nữa, khiến cho các cựu danh thủ thế giới phải ngạc nhiên: Sao cổ động viên Việt Nam lại nồng nhiệt như thế?


Thậm chí có danh thủ còn hồ hởi phát biểu trước ống kính truyền hình: Cổ động viên VN là số 1 thế giới.

Nhưng sự nồng nhiệt đó đột ngột biến mất như khi xuất hiện và cũng khiến các cựu danh thủ ngỡ ngàng không kém. Trận đấu của họ trên sân Mỹ Đình chỉ có khoảng 3000 khán giả tới xem. Thật là một tỉ lệ quá ít ỏi nếu đem so với sức chứa của sân là 40 nghìn chỗ ngồi.

Đâu là nguyên nhân cho sự lạnh nhạt như vậy?

Một số ý kiến cho rằng giá vé quá cao. Xem các ngôi sao một thời mà giá vé tới 600 nghìn đồng thì ai chịu cho thấu? Đã thế trận đấu cũng chỉ là đấu chơi, chẳng có ý nghĩa gì.

Một số người lại bảo: Tại thời tiết ở Hà Nội lạnh quá. Mười mấy độ, tội gì ra ngoài, nằm trong chăn xem tivi không sướng hơn à?

Nhưng giải thích thế nào về cảnh các cổ động viên huyên náo tại sân bay Nội Bài?

Theo quan điểm của tôi (không biết có đúng không), thì sự huyên náo ấy rất có thể chỉ là màn kịch của công ty tổ chức sự kiện. Không loại trừ trong số đám đông chờ đón các cựu danh thủ Anh ở sân bay có cả những CĐV thực sự mong muốn nhìn thấy thần tượng. Nhưng để tổ chức một đám đông với cờ phướn, hò hét thì chẳng khó khăn gì.

Vấn đề là dựng màn kịch để tạo cảm tưởng về sự hot của CĐV VN để làm gì?

2. Trẻ em

Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày mà đã xảy ra hai vụ bạo hành trẻ em với mức độ dã man mà người bình thường không thể hình dung nổi.

Mấy năm trước dư luận ngỡ ngàng khi người mẹ kế trẻ đem ném con chồng xuống sông Hồng. Năm ngoái, cô bảo mẫu ở Bình Dương bị bắt quả tang vừa đánh vừa bắt các cháu ăn cơm. Khi đó thì dư luận đã rất bức xúc. Nhưng nếu các vụ ấy diễn ra sau hai vụ mới đây thì có thể đã không khiến dư luận xôn xao và bất bình đến như thế.

Vụ thứ nhất: Đâm kim khâu lốp vào đầu con rơi của chồng

Không hiểu vì lý do gì mà Đỗ Thị Kim Duân, một phụ nữ đã 40 tuổi đã từng sinh nở và nuôi con, lại có thể mù quáng vì ghen tuông mà đâm một chiếc kim khâu lốp vào thóp của đứa trẻ mới được 40 ngày tuổi? Điều gì khiến chị ta làm được điều đó mà không hề run tay, trong khi tuyệt đại đa số chúng ta mới chỉ thoáng nghĩ qua đã cảm thấy rùng mình?


Vụ thứ hai: Đem con đẻ ném xuống giếng

4 giờ sáng, trời miền Bắc lúc này đang rất rét, phải có công có việc lắm người ta mới có thể chui ra khỏi chăn ấm vào lúc đó. Nhưng người phụ nữ mới ngoài 20 tuổi, tên Nụ (ảnh), đã lặng lẽ trở dậy, ôm đứa con trai 3 tháng tuổi, vứt xuống giếng ngay trong sân nhà.

Sau đó, cô ta lẳng lặng trở lại giường, thực hiện màn kịch "con bị bắt cóc"...

Đứa bé chết một cách oan nghiệt trong chiếc giếng sâu dưới làn nước giá lạnh!

Ngay cả cầm thú cũng biết bảo vệ con, vậy thì tại sao một người phụ nữ lại dám thực hiện tội ác man rợ như vậy với chính con đẻ của mình?

Cưới mà không yêu, nghi ngờ chồng có bồ... Tất cả những điều đó đều không thể biện minh được cho tội ác.


19/11/09

PANO LIÊN HOAN PHIM



Hôm nay Cát Khuê đưa lên Face Book của bạn ấy cái pano cho Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 sẽ được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh từ 8 đến 12.12.2009. Tinh thần của LHP là "Vì một nền điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập.."

Cũng theo Cát Khuê, LHP VN lần này có 15 phim truyện tham dự, bao gồm (xếp theo thứ tự ABC):

14 ngày phép (Nguyễn Trọng Khoa),
Chơi vơi (Bùi Thạc Chuyên),
Chuyện tình xa xứ (Victor Vũ),
Duyên trần thoát tục (Lê Cung Bắc),
Được sống (Lê Ngọc Linh),
Đừng đốt (Đặng Nhật Minh),
Em muốn làm người nổi tiếng (Nguyễn Đức Việt),
Giải cứu thần chết (Nguyễn Quang Dũng),
Hoài vũ trắng (Đào Duy Phúc),
Huyền thoại bất tử (Lưu Huỳnh),
Không cân sức (tên cũ Tử hình- Trương Dũng),
Mười (Kim Tae-Kyung),
Rừng đen (Vương Đức),
Trăng nơi đáy giếng (Vinh Sơn),
Trái tim bé bỏng (Nguyễn Thanh Vân).

Thú thực là mình chưa được xem bất cứ phim nào trong danh sách này. Nghe dư luận thì thấy mấy phim có vẻ gây xôn xao là Chơi vơi, Đừng đốt, Rừng đen, Trăng nơi đáy giếng, Huyền thoại bất tử.

Xét theo tên phim và tên đạo diễn, thì thấy danh sách có vẻ cũng đáp ứng được 2 tiêu chí chính là đổi mới và hội nhập.

Xét về "đổi mới" thì có Chơi vơi, phim ta làm theo phong cách Tây được giải của FIPRECI tại LHP Venice, có Trăng nơi đáy giếng được coi là có cách làm phim mới với những cú máy quay từ vai... Xét về "hội nhập" thì có phim của các đạo diễn người ta từ "bển" về như Victor Vũ, Lưu Huỳnh, thậm chí có cả phim của đạo diễn Hàn Quốc (Mười).

Như thế là tương đối ổn, phải không ạ?

Nhưng cái pano thì không ổn tẹo nào.

Nó giống cái pano của thập niên 1980, thiết kế quá xấu kể cả phông chữ lẫn màu sắc. Một hoạ sĩ thiết kế mới vào nghề cũng đã biết là trên một cái pano hay poster thì không nên có 2 phông chữ. Đây thì có đến 3 loại khác nhau. Cái thì nghiêm túc, cái thì nhảy múa, cái thì nghiêng duyên dáng.

Hình ảnh những gương mặt trẻ thơ lồng trong hai chữ cái XV (số Lamã) không rõ được đưa vào cho đẹp hay mang thông điệp gì? Phải chăng ngoài 2 tiêu chí "hiện đại" và "hội nhập" thì còn tiêu chí ngầm nữa là "trẻ", là "tương lai", hay LHP này nhằm tới công chúng chính là thiếu nhi?

Pano cũng có một điểm được, đó là 5 cảnh phim được ghép thành dãy phim hay chữ I màu đỏ ở phía tay phải. Xem ra thì có sự đổi mới thật. Tình yêu được đề cao ở vị trí số 1, văn hoá dân tộc ở vị trí số 2, nông thôn - nông nghiệp ở vị trí số 3, cái gì đó (ảnh bé quá, nhìn không rõ) ở vị trí số 4 và cuối cùng mới là chiến tranh.

Cụm từ TPHOCHIMINH không rõ viết bằng tiếng nước nào? Nếu bằng tiếng Việt, thì phải là "TP. HỒ CHÍ MINH" mới đúng. Còn nếu bằng tiếng Anh thì phải là "HOCHIMINH CITY" chứ nhỉ?

Rồi cái chủ đề của LHP ở chân pano không hiểu sao lại có tới 2 dấu chấm ở cuối. Không rõ có thứ ngôn ngữ nào sử dụng dấu (..) không? Hay đây là dấu 3 chấm (...), mà "cậu đánh máy" hay "cậu thiết kế" nào đó lỡ quên mất một dấu chấm?

Nếu là cái dấu 3 chấm thì có lí hơn nhỉ. Ý là ngoài "đổi mới", "hội nhập" phải có thêm gì gì nữa đó, tuỳ cách hiểu của mỗi người.

Ai biết giải thích rõ hộ với.

Bonus: Poster Liên hoan phim Cannes 2009

18/11/09

NHỮNG NƯỚC THAM NHŨNG NHẤT THẾ GIỚI



Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) vừa công bố bảng xếp hạng chỉ số nhận thức về tham nhũng đối với các quốc gia trên thế giới. 180 quốc gia và vùng lãnh thổ có thể tìm thấy vị trí của mình trong bảng này để từ đó tự hào, hoặc ngậm ngùi cay đắng về thứ hạng của nước mình.

10 nước xếp ở dưới lên là:

- 180: Somalia

- 179: Afghanistan
- 178: Myanmar

- 176: Sudan, Iraq

- 175: Chad

- 174: Uzbekistan

- 168: Turkmenistan, Haiti, Guinea, Guinea Xích đạo, Burundi

10 nước xếp từ trên xuống là:
- 1: New Zealand

- 2: Đan Mạch

- 3: Singapore
- 4: Thụy Điển
- 5: Thụy Sĩ
- 6: Phần Lan
- 7: Hà Lan

- 8: Australia, Canada, Iceland

Việt Nam ta xếp thứ bao nhiêu?

Thưa, thứ 120, đồng hạng với Armenia, Bolivia, Ethiopia, Kazakhstan và Mông Cổ.


Trong khối ASEAN ta xếp sau những anh nào? Ta xếp sau Singapore (3), Brunei (39), Malaysia (56), Thái Lan (84), Indonesia (111).


Và xếp trên: Philippines (139), Campuchia, Lào (158), Myanmar (178).


Khối ASEAN đúng là có sự phân hóa rất rõ rệt: Singapore đứng top 3 trên, Myanmar đứng top 3 dưới.
Trung Quốc (xem phim của họ thấy nạn tham nhũng ghê gớm lắm), nhưng xếp ở vị trí 79.

Ấn Độ ngày xưa cũng bị chỉ trích là một trong những nước tham nhũng nhất thế giới nay xếp ở vị trí 84.


Mấy anh tai to mặt lớn thì thế nào?

- Đức xếp thứ 14.
- Nhật và Anh cùng xếp thứ 17.
- Mỹ xếp thứ 19.
- Pháp xếp thứ 24.
- Italia xếp thứ 63.

An ủi đối với Việt Nam là Nga xếp tận thứ 146.




16/11/09

NGÀY BAO DUNG



Hóa ra hôm nay (16.11) là Ngày Quốc tế về bao dung (International Day for Tolerance). Ngày này được tôn vinh trong Tuyên bố về các nguyên tắc bao dung của UNESCO và bắt đầu được thế giới kỷ niệm thường niên từ năm 1995, sau khi được thông quan tại hội nghị toàn thể lần thứ 28 của UNESCO.

Khoan dung được bản Tuyên bố định nghĩa là "sự tôn trọng, chấp nhận và hiểu đúng sự đa dạng phong phú các nền văn hóa của thế giới chúng ta, những hình thức tự biểu hiện và những khả năng thể hiện cá tính của con người."

Bản tuyên bố còn kêu gọi công nhận một thực tế là con người khác nhau về hình dáng bên ngoài, địa vị, lời nói, cách ứng xử và các giá trị; có quyền được sống trong hòa bình và duy trì cá tính của mình.




Nhân kỷ niệm 10 năm Ngày Quốc tế về bao dung năm 2005, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc đã phát biểu rằng cuộc đấu tranh chống lại thái độ phi bao dung là một trong những hướng hoạt động chính của tổ chức này.

Để bao dung hơn, theo ông, cần phải biết về nhau nhiều hơn, tôn trọng truyền thống và tín ngưỡng của nhau; cần phải tôn trọng cá tính của nhau, tôn trọng đặc tính tôn giáo và văn hóa của nhau, để có thể đánh giá được khả năng của mình mà không căm ghét khả năng của người khác.

Bao dung cũng có nghĩa là phải biết NHẪN.

Sao nước mình không nói nhiều về ngày này nhỉ?

Video link: http://www.youtube.com/watch?v=kJn_nS_E62k

15/11/09

SẮC MÀU BÁT TRÀNG



Hầu như cứ có bạn bè ở xa về là tôi lại dụ họ đi Bát Tràng. Thủ đô có cái gì độc đáo hơn cái làng gốm ngày một rời xa khỏi khuôn khổ một làng nghề truyền thống này nữa? Chắc là có, nhưng tôi cứ thích đi Bát Tràng.

Để chạm tay vào đám bát đĩa, ca cốc, lọ bình... đủ loại, đủ kiểu, đủ kích cỡ phủ một lớp bụi mỏng mà ai cũng phải miết tay vào mới thấy được lớp men thực sự.

Để lặng lẽ ngắm nhìn những chị sồn sồn khuân kìn kìn mọi thứ vừa mắt.

Để ngắm nhìn những bạn trẻ tung tăng đi chơi hơn là đi mua hàng.

Để nhìn cái cảnh các bạn Tây cái gì cũng hỏi giá và mấy chị bán hàng gắt gỏng: "Khổ quá, có mua được đâu, hỏi giá làm gì?"

Để thấy một cô gái bán hàng da trắng, tóc vàng, thoạt nhìn cứ tưởng là Tây, nhưng khi nghe cô nói tiếng Việt thì mới biết cô là người Việt, chẳng qua bị mắc căn bệnh giống như Michael Jackson.

Chẳng còn gì để khám phá ở Bát Tràng nữa, nhưng vẫn thích. Nghe nói dạo này ở Bát Tràng bán nhiều đồ Tầu lắm. Nghĩ mà buồn...

Dẫu chẳng mua gì mà chỉ để sang đó ăn bắp nướng, khoai nướng, những cái bánh rán thơm phức và cốc nước ngô luộc nóng hổi.

Sang Bát Tràng đi!



Bình hoa, ấm chén rất đẹp. Không biết có hàng Tầu trong này không?

Cô gái bán chuông gió

Chợ Bát Tràng xuất hiện cả người viết thư pháp.

Chán, bố với các bà chỉ mải chơi bài!

Từ Hà Nội sang tận đây để vẽ...

... và tự làm đồ trang sức.

Tấm sexy thế này làm gì mà Vua chẳng chết mê chết mệt nhỉ?

Chí Phèo - Thị Nở to có, bé có.
Chẳng hiểu có ai rước đôi này về mà thấy nhiều quầy bầy bán.

Hóa ra há miệng chờ sung là như thế này đây.



 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết