28/2/11

NGÀY MAI...



Mai là ngày đầu tiên của tháng 3. Và cũng là ngày... tăng giá.

Giá điện tăng 15,28%. Ai đó tính nếu vẫn dùng 200 số thì chỉ phải trả thêm có hơn 5 chục nghìn.

Giá gas tăng thêm 10 nghìn đồng đối với một bình 12 kg.

Xăng cước vận tải (taxi, xe khách...) dự tính sẽ tăng từ 15 - 20%, bởi xăng đã tăng thêm gần 3 nghìn đồng/lít từ vài hôm trước.

Các bác xe ôm chắc chắn cũng sẽ tăng giá, nhưng không biết có theo đúng tỉ lệ 15-20% như xe taxi hay không?

Chị dọn nhà chắc cũng đề nghị tăng thù lao.

Giá cơm, phở, bánh mỳ, đồ ăn từ bình dân đến sang trọng thì đã tăng giá rồi. Hôm nay đi ăn trưa ở quán cơm văn phòng, xem menu đã thấy dán đè lên giá mới.

Ngày mai giá tăng.

Bà con tăng cường tự nấu, mang đồ ăn trưa đến cơ quan vừa tiết kiệm vừa sạch sẽ; uống cà phê hòa tan để tránh cà phê cà pháo quán xá tốn tiền.

Đi xe buýt thay vì đi xe máy. Đỡ tốn tiền xăng, lại đỡ phải chi tiền cho mũ bảo hiểm, khẩu trang chống bụi, kem chống nắng (đối với chị em), lại mưa không đến mặt, nắng không đến đầu.

Chỉ cần tốn thêm một chút thời gian đi bộ ra bến xe, chờ xe, đổi bến. Nhưng lại được đi bộ, tăng cường dẻo dai, khỏe người.

Nhưng nhớ cẩn thận kẻo bị móc túi.



27/2/11

NGÀY 27.2: AI NHỚ AI QUÊN?



Một buổi tối, tôi nhận được điện thoại của bác sĩ V. Ông từng là trưởng khoa cấp cứu của một bệnh viện lớn tại TP.HCM. Ông hỏi tôi có còn nhớ ông không? Tôi bảo vẫn nhớ và nhớ rất rõ, khoảng 20 năm trước có lần tôi đến gặp ông để viết về tấm lòng của thầy thuốc trong khoa khi bệnh viện ông triển khai chữa miễn phí cho người nghèo. Nhưng sao giọng ông nghe run run, tiếng đặng, tiếng mất?

Ông bảo: Thầy đã bị tai biến mạch máu não, gục ngay trong bệnh viện, chẳng làm được gì nữa, cũng chẳng lương hưu, hoàn cảnh càng khó khăn, phải bán nhà ở chung cư về cất căn nhà nhỏ tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Nhưng khổ nhất là cả khu vực này không có nước máy. Nỗi sợ hãi vì phải sử dụng nước giếng ô nhiễm luôn đè nặng trong ông. Ông cùng bà con đã làm đơn kêu cứu khắp nơi cả chục năm qua, mỏi mòn chờ đợi, nhưng vẫn không có kết quả…

Cũng một buổi tối, tôi nhận được tin bác sĩ N.M.H. bị đột tử trong đêm sau cơn nhồi máu cơ tim. Tôi bàng hoàng, đau xót. Lẽ nào… mình nghe nhầm chăng? Vì bác sĩ H. mới vừa giới thiệu với tôi một ca thành công ngoạn mục trong cứu chữa cho một bệnh nhân nam 13 năm không ăn uống được bằng đường miệng do uống nhầm axít, bỏng cả thực quản, dạ dày và viêm dính gần hết. Bức ảnh tôi chụp vợ chồng bệnh nhân mỉm cười trong hạnh phúc vẫn còn đây – vì từ nay bệnh nhân ăn được bằng đường miệng, không phải tốn kém, vất vả chạy chữa khắp nơi từ Nam chí Bắc.

Vậy đó, có những thầy thuốc tận tuỵ, hy sinh để cứu chữa rất nhiều người bệnh cho đến những giây phút nghiệt ngã của cuộc đời mình, và thật âm thầm, lặng lẽ để lại những tình cảm sâu lắng trong lòng bạn bè, đồng nghiệp, người bệnh… Lại đến ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2.2011, người bệnh có ai còn nhớ, ai quên? Một chút lắng đọng nhớ đến người thầy thuốc đã giúp mình vượt qua cơn bệnh tật, cũng là một nghĩa cử ấm lòng.

Đã 56 năm ngành y có một ngày 27.2 để nhắc tới các thế hệ thầy thuốc không ngừng cống hiến cho y học, thương yêu người bệnh. Có người đang miệt mài nghiên cứu phương pháp điều trị mới, có người vẫn bám trụ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Có người nay đã nghỉ hưu, có người đã mất. Có người có cuộc sống thênh thang, nhưng cũng có người đang đau khổ với bệnh tật, đời sống khó khăn… Ngành y đã nói rất nhiều về phát huy nhân tố con người, về nâng cao y đức. Chúng ta đã từng hỏi làm thế nào để người nghèo được chăm sóc y tế tốt hơn, thì cũng mong rằng các thầy thuốc sẽ có điều kiện để được cống hiến tốt hơn. Và hơn ai hết, những thầy thuốc có số phận không may cũng được nhớ đến và quan tâm giúp đỡ nhiều hơn!

Kim Sơn

Nguồn:
Ngày 27.2: ai nhớ ai quên?


26/2/11

NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ Ở LẠI...


Ngày 12.8.2000, nước Nga và thế giới sững sờ khi hay tin Kursk – một trong những con tầu ngầm nguyên tử hiện đại nhất của Hải quân Nga bị đắm, khiến 118 thủy thủ hy sinh. Hơn 10 năm đã trôi qua, gia đình họ với những người vợ góa con côi hiện nay sống ra sao?

Bà Sofia Dudko (ảnh trên), mẹ của sĩ quan Sergei Dudko - trợ lý chỉ huy tàu Kurk, đã dọn từ Belarus lên cố đô Nga St. Petersburg sinh sống trong căn hộ mà chính phủ Nga cấp. Trong căn phòng rộng treo toàn ảnh, huân huy chương và các vật dụng của Sergei. Bà nhận được những tấm huân huy chương này vào thời điểm 1 năm 5 tháng sau khi thảm họa xảy ra. Trước đó chúng nằm trong con tàu ở độ sâu 100 mét nước.

Hóa ra vào đúng chuyến đi biển cuối cùng đó, không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà Sergei lại cầm theo bộ quân phục đại lễ và giữ nó trong phòng nhỏ của mình dưới tầu. “Sergei sinh ra để theo nghiệp nhà binh. Nó không hề có mơ ước nào khác. Giờ đây khi nó đã mất, mỗi năm chúng tôi có 3 dịp để ngồi tưởng nhớ tới nó: Đó là ngày sinh nhật 27.2, ngày tầu Kursk bị chìm 12.8 và ngày cưới của nó với Oksana” - bà Sofia kể.

Hàng xóm của bà cũng là những người mẹ góa con côi của các thủ thủy đã hy sinh trong tai nạn tầu Kursk. 34 gia đình đã từng sống ở những thành phố khác nhau của nước Nga có chung một nỗi đau giờ tụ họp sinh sống tại mảnh đất cố đô Nga. St. Petersburg đón họ như những người thân. Họ được cấp những căn hộ rất đẹp, được hưởng tiền trợ cấp, bảo hiểm và 10 năm lương của người đã khuất. Mỗi gia đình được mở một tài khoản để nhận những khoản đóng góp hảo tâm của các quỹ tư nhân. Chính quyền đặt tương lai cho những đứa con của các thủy thủ lên hàng đầu. Chúng được tạo điều kiện theo đuổi học vấn bằng tiền ngân sách nhà nước.

Sergei có hai người con: Con trai anh giờ theo học tại Đại học Bách khoa danh tiếng, còn con gái thì đang học lớp 8. Chị Oksana dường như vẫn chưa nguôi ngoai với nỗi đau cũ, nên vẫn chưa chịu đi bước nữa. “Hai đứa yêu nhau từ thời còn học sinh. Sergei hồi đó rất đẹp trai, cao 1m8, lũ con gái đứa nào cũng ghen tị với Oksana. Nhưng phải đến khi học năm thứ tư mới kết hôn” - bà Sofia kể.

Sergei và Olga trong ngày cưới

Nhưng không phải ai cũng như Oksana. Phần lớn vợ góa của các thủy thủ đều có cuộc sống lứa đôi mới khá êm ấm. Họ có con, nhưng không làm hôn thú với những người chồng dân sự để khỏi mất khoản trợ cấp của quân đội. Bà Sofia tỏ ra thông cảm với họ: “Có ba thế hệ vợ góa của các thủy thủ tầu Kursk: Những phụ nữ đứng tuổi có con lớn; những phụ nữ có con nhỏ và những cô gái tầm 20-22 tuổi. Không thể bắt họ cả đời mặc tang phục được. Nhưng cũng có những người hơi vội vàng, chồng chết chưa được một năm thì đã đi bước nữa...”

Irina Lyachina, vợ góa của Gennadi Lyachin - chỉ huy tầu Kursk, Anh hùng Liên bang Nga, có thời đã định làm chính trị. Thậm chí bà còn ra tranh cử đại biểu Duma Quốc gia (Hạ viện). Giờ đây bà giữ trọng trách trợ lý của ông Sergei Mironov - Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện), phụ trách vấn đề bảo đảm xã hội cho quân nhân và có văn phòng riêng tại St. Petersburg. Con trai bà là Gleb nối nghiệp cha, anh hiện đang phục vụ trong lực lượng hải quân Nga.

Ekaterina Bagryantseva, vợ của đại úy Vladimir Bagryantsev, trong suốt những năm qua không chịu rời xa... chồng. Cuộc sống của chị giờ đây gắn liền với ngôi đền xây trong nghĩa trang Serafimovskoe, nơi chồng chị yên nghỉ. Chị ở đó chăm sóc số kỷ vật ít ỏi mà chồng chị để lại: chiếc quân hàm, bức tranh thánh nhỏ xíu, chiếc thánh giá anh luôn đeo trong người đã bị sức ép từ vụ nổ làm cho cong queo. Đại úy Bagryantsev là người rất mộ đạo. Trước chuyến đi biển định mệnh, ông đã gặp Vasili Ermakov - vị tăng lữ nổi tiếng ở St. Petersburg và tặng cho ông chiếc bánh lái của con tầu. Con trai của vợ chồng Bagryantsev đã tốt nghiệp trường hàng hải ở Kaliningrad và cũng gắn bó với biển.

Khu tưởng niệm các thủy thủ tầu Kursk
tại nghĩa trang Serafimovskoe
(St. Petersburg)

Trong những ngày tang thương tháng 8.2000, báo chí đều đăng tải tấm ảnh trung úy Dmitri Kolesnikov rạng rỡ ôm vợ quay trong điệu waltz đám cưới. Hạnh phúc của họ chỉ kéo dài vỏn vẹn có 3 tháng 15 ngày. Trong cái lạnh lẽo và tối tăm của khoang số 9, anh đã để lại những dòng chữ tuyệt mệnh bằng bút chì khiến cả nước Nga phải rơi lệ: “Olga, anh yêu em. Đừng quá buồn thương, em nhé!”. Nhờ những dòng chữ đó mà người ta biết rằng không phải toàn bộ thủy thủ đoàn hy sinh ngay sau khi con tầu bị chìm.

Olga sau đó đã xuất hiện trong một bộ phim tài liệu của Na Uy kể cho cả thế giới nghe về mối tình bi thảm của mình. Giờ chị làm việc trong một vườn trẻ, nuôi dạy đứa con gái được đặt tên giống như bố là Dmitria. Tuy nhiên, quan hệ giữa Olga và bố mẹ chồng lại không được như mong muốn. Năm 2005, ông Roman Kolesnikov đã đệ đơn lên Tòa án Châu Âu về quyền con người yêu cầu điều tra lại toàn bộ vụ tai nạn kinh hoàng và bi thảm của tầu Kursk.

Bà Sofia Dudko thừa nhận, đến ngày hôm nay “không còn ai hỏi hai gì về nguyên nhân tai nạn tầu Kursk, không còn ai tìm hiểu xem sự thật ở đâu”. Nhân 10 năm tưởng nhớ thảm họa, gia đình của các thủy thủ muốn liên kết lại với nhau, thành lập một tổ chức xã hội với mục tiêu quan tâm tới tất cả những gì liên quan đến tầu Kursk. Bà Sofia nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn xuất bản một cuốn sách nhân 15 năm con tầu gặp thảm họa. Chúng tôi sẽ làm tất cả để cuốn sách được xuất bản. Nếu không thiên hạ sẽ lãng quên”...

BONUS



25/2/11

TƯƠNG LAI NÀO CHO AI CẬP?



Một tuần sau sự kiện ông Hosni Mubarak từ chức Tổng thống Ai Cập, đánh dấu sự chiến thắng của nhân dân đất nước kim tự tháp trong cuộc “cách mạng hoa nhài”, người dân lại đổ xuống đường. Họ vừa ăn mừng một tuần chiến thắng, vừa gây sức ép để phe quân sự đang nắm quyền điều hành đất nước phải thực hiện những cam kết mà phe này đã đưa ra.

“Cách mạng hoa nhài” được coi là thắng lợi. Nhưng thắng lợi đó thuộc về ai: về phe quân sự tiếp quản chính quyền của cựu Tổng thống Mubarak, hay thuộc về nhân dân Ai Cập? Đó là câu hỏi chưa có câu trả lời rõ ràng. Ngay sau khi phe quân sự tiếp quản quyền lực, dư luận đã đặt ra câu hỏi: Phải chăng họ đã lợi dụng cuộc nổi dậy của nhân dân Ai Cập để thực hiện cuộc lật đổ chế độ độc tài của ông Mubarak mà không tốn mấy công sức và không bị lên án?

Tuy phe quân sự đã cam kết sẽ cải cách hiến pháp và tiến hành cuộc bầu cử dân chủ trong vòng 6 tháng và đảm bảo trả quyền lực cho chính phủ dân sự sau bầu cử, nhưng liệu lời hứa đó có được thực thi và liệu nhân dân Ai Cập có được hưởng thành quả dân chủ mà họ đã dũng cảm đấu tranh để có được?


Hơn ai hết người dân Ai Cập hiểu rằng thắng lợi mà họ đạt được trong cuộc “cách mạng hoa nhài” mới chỉ là bước đầu. Thế nên ngày 18.2, khoảng 2 triệu người đã lại tập trung tại khu vực trung tâm của thủ đô Cairo. Một mặt họ yêu cầu phe quân sự phải thực hiện những cam kết, mặt khác đòi được cải thiện tiền lương và điều kiện làm việc. Hội đồng Tối cao các Lực lượng Vũ trang (đang nắm quyền điều hành Ai Cập) đã tỏ thái độ khá cứng rắn: Tuy để cho cuộc biểu tình được diễn ra suôn sẻ, nhưng đồng thời cũng lên tiếng cảnh báo sẽ không dung thứ cho những cuộc biểu tình gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế vốn đã khá căng thẳng.

Nếu phe quân sự tiến hành cuộc bầu cử quốc hội theo đúng cam kết, thì sẽ có khá nhiều phe phái có vai trò trong tương lai mới của Ai Cập. Đó là Hội huynh đệ Hồi giáo, các đảng: Tagammu, El Wafd, El Ghad, Mặt trận Dân chủ, và Quốc hội vì sự thay đổi. Tất cả các đảng phái này đều tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội năm 2010. Họ sẽ tung ra những ứng cử viên được lòng công chúng trong những sự kiện trên đường phố Cairo vừa qua.

Bên cạnh đó phải kể đến những cá nhân nổi lên sau “cách mạng hoa nhài” như Mohamed ElBaradei, cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đồng thời cũng là người được nhận Giải thưởng Nobel Hòa bình; Amr Moussa – đương kim Tổng thư ký Liên đoàn Arab; Wael Ghonim – giám đốc khu vực của Google, người kêu gọi tổ chức biểu tình phản đối Hosni Mubarak trên Internet.

Và đương nhiên, không thể không nhắc tới những nhân vật trong chính quyền của Mubarak. Họ đang kiểm soát một lượng tài sản khổng lồ cùng những vị chí then chốt trong chính phủ tạo thành một lực lượng đáng kể. Tiêu biểu trong số đó là Omar Suleiman – người đã từng đứng đầu Cục Tình báo và giờ đang là phó thống thống.

Ai Cập là quốc gia có vai trò quan trọng ở Trung Đông, Châu Phi và thế giới Arab, khu vực mà lâu nay Mỹ và phương Tây rất muốn áp đặt các giá trị dân chủ theo kiểu của mình. Sau những thất bại trong việc cấy mô hình dân chủ kiểu Mỹ vào Afghanistan và Iraq, thì giờ đây đang là cơ hội thuận lợi để các thế lực này đưa mô hình dân chủ của họ vào Ai Cập một cách ít tốn kém hơn và đỡ tai tiếng hơn. Nếu như mô hình đó thành công ở Ai Cập thì sẽ dễ dàng hơn trong việc “xuất khẩu” nó sang các nước láng giềng vốn lâu nay vẫn là cái gai trong mắt của Mỹ.

Xem xét tương quan lực lượng trên bàn cờ chính trị Ai Cập hiện nay, phương Tây chắc chắn không ưa phe quân sự và Hội huynh đệ Hồi giáo. Việc phe quân sự quyết định tương lai Ai Cập đã được tiên đoán kể từ những ngày đầu tiên khi “cách mạng hoa nhài” từ Tunisia lan sang Ai Cập. Nay đã cầm quyền trong tay, phe quân sự hẳn cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội để tiếp tục vai trò lãnh đạo ở đất nước có tầm quan trọng chiến lược này.

Rất có thể kinh nghiệm của tướng Musharraf - người đã tiến hành cuộc đảo chính không đổ máu ở Pakistan năm 1999, rồi cởi bỏ quân phục để trở thành tổng thống dân sự 2 năm sau đó, nhưng vẫn kiểm soát hoàn toàn lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, phe quân sự Ai Cập không có nhiều thời gian như vậy. Họ sẽ phải hành động nhanh trong vòng 6 tháng để biến đối một hoặc vài chỉ huy cao cấp nhất thành quan chức dân sự để tránh làn sóng phẫn nộ mới (được phương Tây kích động) của dân chúng.

Hội huynh đệ Hồi giáo – một trong những phong trào Hồi giáo có lịch sử lâu đời nhất và tầm ảnh hưởng nhất thế giới với mục tiêu đưa những giá trị của đạo Hồi trở thành kim chỉ nam trong đời sống của đất nước, cũng như mỗi công dân theo đạo Hồi (chiếm 90% dân số Ai Cập). Nếu tổ chức này nắm giữ một vai trò rõ rệt hơn trong bàn cờ chính trị Ai Cập, thì chắc chắn sẽ là cản trở đối với phương Tây trong việc cấy mô hình dân chủ vào đất nước này.

Mới đây, Hội huynh đệ Hồi giáo đã tuyên bố sẽ thành lập đảng chính trị sau khi dân chủ được vãn hồi. Nhưng họ cũng khẳng định sẽ không cử người ra tranh cử tổng thống, cũng như không tìm cách để chiếm đa số trong quốc hội tới. Phương Tây hồ nghi về tính xác thực của tuyên bố này và cho rằng đó chỉ là cách mà Hội huynh đệ Hồi giáo đánh lạc hướng sự chú ý của phương Tây và dư luận.

Trong vòng 6 tháng tới, Ai Cập sẽ tiếp tục nằm trong tầm ngắm và là điểm nóng thu hút sự chú ý của thế giới. Duy trì tương lai của Ai Cập trong tay người Ai Cập, giảm thiểu sự tác động và ảnh hưởng của bên ngoài là sự nghiệp khả thi, tuy nhiên đòi hỏi các lực lượng chính trị ở nước này phải thực sự tỉnh táo, biết hy sinh quyền lợi cá nhân và quyền lợi cục bộ vì lợi ích quốc gia, nếu như không muốn đi theo vết xe đổ của các cuộc cách mạng màu trước đó.



24/2/11

NGƯỜI PHỎNG VẤN HÀNG ĐẦU CỦA TRUYỀN HÌNH MỸ



Từ Phố Wall, Washington đến thung lũng Silicon, giới trí thức đều thích tham gia chia sẻ quan điểm với Charlie Rose. Rose trò chuyện với đủ loại người, từ trùm băng đảng khét tiếng tại California, tới ca sĩ Bruce Springsteen, tỉ phú Bill Gates hay Warren Buffett.

Tại sao là Charlie Rose?

Chương trình “Trò chuyện cùng Charlie Rose” thực chất là một cuộc đối thoại mở rộng, sâu sắc về nhiều vấn đề: chính trị, văn hóa, kinh doanh, khoa học, y tế, kỹ thuật, truyền thông, luật pháp, giáo dục… Chương trình được phát trên đài PBS (đài truyền hình phi lợi nhuận của Mỹ) trong suốt 18 năm qua với 6.500 vị khách mời tham gia. Mỗi tối lượng người xem chương trình này lên tới khoảng hơn 1 tỉ người, theo hãng nghiên cứu thị trường Nielsen (Mỹ).

Duyên dáng và bền bỉ, có khả năng chế ngự và xoay chuyển cuộc đối thoại, Rose có thể điều khiển một cuộc thảo luận khó và khơi gợi ra những câu trả lời bí mật mà thông tin chưa bị chọn lọc hay gọt giũa. Hank Paulson, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, nhận định: “Ông ấy có thể khiến bạn bị cuốn hút vào cuộc nói chuyện và hỏi bạn những câu hỏi khó nhưng theo một cách rất mềm mại”.

Chiếc bàn nổi tiếng của Charlie Rose trong trường quay
mà rất người muốn được ngồi vào
.

Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, là nhà sản xuất kiêm dẫn chương trình, Rose đã gặp không ít khó khăn. Được Michael Bloomberg, chủ hãng tin Bloomberg, cho mượn trường quay, Rose chỉ phải lo trả lương nhân viên, phí dịch vụ truyền hình vệ tinh và đi lại. Tất cả chỉ được chi trả trong khoản ngân sách 3,5 triệu USD/năm.

Để phát triển chương trình, Rose bắt đầu gây quỹ. Tuy nhiên, điều này không dễ. Rose nói, ông thích sự độc lập và ghét bị can thiệp vào việc lựa chọn khách mời. Do đó, dù xem Warren Buffett và Bill Gates như là những người bạn tốt, nhưng ông không bao giờ mời họ tài trợ cho chương trình của mình. Ông cũng không hỏi tiền từ PBS.

Trong khi các chương trình khác có hẳn một tổ chức để gây quỹ thì Rose chỉ có chiếc điện thoại di động và một danh sách liên lạc. Rose thiết lập một trang web để nối mạng với những người ông nhắm đến.

Sở hữu chương trình truyền hình “Trò chuyện cùng Charlie Rose” từ năm 1994, Rose chưa bao giờ nghĩ đến chuyện làm sao kiếm ra tiền từ nó. Một trong những nhà tài trợ của Rose, James B. Lee, Phó Chủ tịch của J.P Morgan Chase, không ngừng khuyến khích Rose trở thành nhà kinh doanh. “Charlie là một nghệ sĩ. Anh ta thích vẽ tranh nhưng không lo nghĩ nhiều về việc bức tranh sẽ được bán bao nhiêu. Tôi nhắc thì anh ta đáp: “Tôi không có 3 tuần để làm một dự án kinh doanh. Nếu dành thời gian cho việc đó, tôi sẽ không có đủ thời gian để làm phỏng vấn”.

Sau bức màn nhung


Gia đình Rose sống gần ga xe lửa. Lúc còn bé, Rose đã nói rằng, cậu mơ ước sẽ đến một nơi xa xôi, không còn tiếng còi hú của xe lửa, chẳng hạn như Manhattan (New York) để lập nghiệp.

Sau kỳ thực tập ở Thượng nghị viện Mỹ, Rose phát hiện ra mình có nhiều sở thích và hay thay đổi. Rose chuyển sang học lịch sử, sau đó là luật. Cuối cùng, anh đón tàu lửa đến ngân hàng Bankers Trust. Làm việc ở đó được vài năm, anh lại chán và chuyển đi nơi khác.

Rose gặp lại bạn học cũ Mary King và cưới cô ấy sau khi tốt nghiệp ngành luật. Mary là một nhà nghiên cứu tại đài CBS.

Chưa đầy 30 tuổi, Rose đã ký hợp đồng làm báo tự do tại BBC và sau đó được đề nghị làm phóng viên cho đài truyền hình WPIX tại New York. Dù vậy, Rose vẫn thích làm công việc sản xuất chương trình hơn là phụ trách đưa tin về hỏa hoạn và biểu tình. Năm 1974, vợ của Rose gặp Bill Moyers của PBS và thuyết phục ông ta nói chuyện với Rose.

Đó là điểm then chốt trong sự nghiệp của Rose. Ông trở thành nhà sản xuất trong chương trình của Moyers và được Moyers đỡ đầu. Chương trình “Một cuộc đối thoại với Jimmy Carter” của Rose đã đoạt giải thưởng Peabody (giải thưởng quốc tế hằng năm dành cho những chương trình truyền hình hoặc phát thanh xuất sắc nhất) vào năm 1976.

Sau 2 năm làm việc với Moyers, Rose tiếp tục thành công tại đài NBC News ở Washington, sau đó là một nhà phỏng vấn cho chương trình thị trường trong nước Dallas Roft Worth tại Chicago. Nhưng Rose vẫn chưa dừng lại ở đó. Ba năm gắn bó với chương trình phỏng vấn hằng đêm Nightwatch của CBS, Rose gần như không ngủ. Chương trình này đã đạt giải Emmy năm 1987.

Ngay cả những lúc có bộ dạng xấu thế này, Charlie Rose vẫn lên hình.

Bỏ việc tại CBS, Rose lên Los Angeles để dẫn chương trình mới Personalities của Fox. Không muốn làm những chuyện trống rỗng, lần thứ sáu, Rose bỏ việc phóng viên truyền hình vào năm 1990. Lúc này, ông đang bị khủng hoảng tinh thần sau khi cha mất. “Trong mắt của cha tôi, tôi chỉ là một đứa trẻ của một người cha yêu tôi sâu sắc. Nhưng chúng tôi đã không có nhiều dịp trò chuyện hay chơi với nhau”, Rose nói.

Từ sau cuộc phẫu thuật van tim vào năm 2006, nhịp thở của Rose trở nên rối loạn. Alain Carpentier, một người bạn của Rose, nói: “Tình trạng của Charlie lúc ấy rất tệ. Nếu không có lòng tin vào bản thân và sự can đảm, có lẽ anh ấy đã không thể vượt qua”.

Rose từng nói, ước gì ông có 1 đứa con trai hay con gái (Rose chấm dứt cuộc hôn nhân kéo dài 12 năm với Mary King vào năm 1980 và họ chưa có con). Amanda Burden, bạn lâu năm của Rose và là Giám đốc Sở Quy hoạch thành phố New York, cho biết: “Mỗi khi chiều xuống, lúc Rose cởi giày ra và đặt lên chiếc ghế chỗ chiếc bàn lớn bằng gỗ sồi, có lẽ đó là lúc ông ấy cảm thấy cô đơn”. Rose thì cho biết: “Đối với tôi, hạnh phúc nhất là lúc lên truyền hình”

Nguồn:
Vì sao giới kinh doanh thích Charlie Rose?



23/2/11

"PHÁ CƯỜNG ĐỊCH BÁO HOÀNG ÂN" CŨNG THÀNH HÀNG HÓA?


Lá cờ vuông (khổ 40x40cm) này được cho là phỏng theo cờ lệnh của Trần Quốc Toản,
đang được bán tại đền Bảo Lộc với giá 30.000 đồng/chiếc.

Lễ khai ấn đền Trần Nam Định đã khép lại và mặc dù nhiều người của BTC lễ có dùng từ “phát lộc ấn”, nhưng với hình ảnh khách hành hương phải chi mỗi lá ấn 20.000 đồng, thì nhiều người gọi chính xác đây chính là hình thức… “bán ấn”. Cách đền Trần không xa, tại đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc), còn có hiện tượng… “bán cờ” với giá 30.000 đồng/chiếc.

Theo ông Đặng Huy Quân - thủ nhang của đền - thì: Cờ chính là cờ mô phỏng theo cờ lệnh của Trần Quốc Toản. Cờ gồm có 3 loại. Một loại cờ đuôi nheo, một loại cờ hình vuông tầm 40x40cm. Cả hai loại này có điểm chung là một mặt đề chữ Trần, một mặt đề “Phá cường địch, báo hoàng ân” đều bằng chữ Hán. Một loại khác hình vuông nhưng to hơn, cả hai mặt đều có chữ Trần (bằng chữ Hán).

Ông cho biết thêm: “Cách đây khoảng 20 năm, tự dưng có một đoàn khách ở Ninh Bình về bảo 24 giờ 24 tháng giêng âm lịch là lúc Trần Quốc Toản ra quân, rồi họ đứng ra hò hét”(?!). Thế là trong nhiều năm sau, lễ “cướp cờ” đã được tổ chức tại đền. Đúng 24 giờ 24 tháng giêng âm lịch, cờ lệnh được mang từ trong đền ra sân. Thế rồi, màn “cướp cờ” diễn ra giữa khách hành hương. Vì chỉ có 1 lá cờ, trong khi rất đông người, nên màn “cướp cờ” diễn ra rất hỗn loạn. Người ta tìm mọi cách để có được lá cờ. Nhiều người, nhất là các cụ bị chen lấn đến ngất xỉu. Có người còn mang cả... dao để “xẻo” cho được một mảnh của lá cờ.

Chính vì nguy hiểm, mất trật tự như vậy, nên mấy năm nay, đã thôi tổ chức màn “cướp cờ”. Thay vào đó, trước giờ được cho là Trần Quốc Toản xuất quân, đền đã “bán cờ” với giá 30.000 đồng/chiếc cho khách có nhu cầu. Năm nay, theo ông Quân, đền đã làm hơn 1.000 cờ các loại. Đến thời điểm xuất quân, thì mỗi người trong tay một lá cờ đã mua, cầm một nén hương, rồi sau khi có hồi chiêng trống, mọi người hò hét rồi... kết thúc. Ông Quân cho biết: Không ai đứng ra tổ chức lễ, mà chỉ là thời điểm đó thì khách về, rồi mọi việc diễn ra, chính quyền cũng như nhà đền chỉ làm công tác giữ gìn an ninh trật tự(?!).

Ông Đặng Hùng Hậu - thủ từ đền Bảo Lộc - cho biết: “Trong đền không có bàn thờ Trần Quốc Toản. Chính sử không thấy ghi chép về ngày giờ Trần Quốc Toản ra quân, mà chỉ là truyền thuyết dân gian. Địa phương cũng đã tìm trong chính sử để khôi phục lại, nhưng chưa tìm được”.

Khi chưa có căn cứ lịch sử, nhưng đền Bảo Lộc vẫn tổ chức “bán cờ” được cho là theo cờ lệnh của Trần Quốc Toản khi xuất quân, có phải chăng đó là một thái độ thiếu tôn trọng lịch sử? Hơn nữa, việc này còn mang nặng tính thương mại hoá.

Chiều 22.2, khi có mặt tại đền Bảo Lộc, PV chứng kiến không khí sôi động tại đây. Rất nhiều hàng quán viết sớ, cấp ấn trạch, bùa hộ mệnh, bán hàng mã, cờ, đổi tiền lẻ... san sát ở hai bên đường vào đền. Nhiều loại cờ cũng được bày bán tại các cửa hàng. Lực lượng ăn xin cũng túc trực ngay ngoài cửa đền, tạo ra cảnh tượng không đẹp mắt.

Tất Thảo



Nguồn:
Nam Định: Hết “bán ấn” đến “bán cờ”?



22/2/11

MẸ HỔ DẠY CON



Người châu Á có câu “Yêu cho roi vọt, ghét cho ngon ngọt”. Kỷ luật “sắt” và yêu cầu cao đối với lũ trẻ là nguyên tắc của giáo dục phương Đông. Trẻ em phải học cực nhiều, hết học ở trường lại học ở nhà, học thêm ở ngoài. Chúng bị buộc phải bỏ mất tuổi thơ để đổi lấy tương lai ổn định. Nhiều người hy sinh tất cả vì con, thậm chí bỏ việc của mình để kèm con học suốt ngày.Không ít người cho rằng tài năng được rèn rũa trong roi vọt.

Đầu năm nay, câu chuyện một bà mẹ dạy con quá nghiêm khắc đã gây ra một cuộc tranh luận ồn ào chưa từng thấy tại nước Mỹ. Nhân vật chính ở đây là bà Amy Chua – tự xưng Mẹ Hổ – có lẽ vì bà sinh năm Hổ (1962), hoặc vì bà cho là mình đã dạy con nghiêm như Hổ mẹ.

Amy Chua có cha mẹ là người Hoa từ Phillippines di cư sang Mỹ đã lâu. Hiện nay bà là giáo sư trường Luật thuộc Đại học Yale, chồng bà là ông Jed Rubenfeld người Mỹ gốc Do Thái, giáo sư cùng trường. Họ có hai cô con gái là Sophia và Louisa, năm nay 18 và 15 tuổi. Chúng được Mẹ Hổ dạy dỗ kèm cặp từ nhỏ, theo bà nói nay đã “thành tài”: 4 tuổi đọc sách của văn hào Jean Paul Sartre; tất cả các môn học đều đạt thành tích cao nhất; Sophia 14 tuổi độc tấu dương cầm tại Phòng Hòa nhạc thành phố; Louisa là cây vĩ cầm chủ lực của dàn nhạc giao hưởng thiếu niên thành phố; ...

Giữa tháng 1 vừa rồi, Amy Chua định xuất bản cuốn sách bà mới viết, có tên Chiến ca của Mẹ Hổ . Sách Chiến ca của Mẹ Hổ dầy 256 trang tiếng Anh, ngay trong ngày phát hành đầu tiên đã được xếp hạng bestseller thứ 6 trên mạng bán sách Amazon. Khoảng 100 nghìn lời bình sách này xuất hiện trên mạng xã hội Facebook..

Sau khi tạp chí Time số cuối tháng 1/2011 đưa chuyện Mẹ Hổ lên trang bìa, cuộc tranh luận về cách dạy con của Amy Chua lan ra khắp năm châu “như một cơn sốt vi rut”. Mẹ Hổ quả thực làm rung chuyển cả thế giới.

Một số người tán thành Amy Chua, nhưng đa số, trong đó có cả nhiều bà mẹ Trung Quốc, phản đối gay gắt, gọi bà là “quý sứ”, là “mẫu người nguy hiểm” của xã hội, buộc tội bà “ngược đãi” con. Trong số hàng chục nghìn bức thư gửi Amy Chua, một số người còn đe dọa “khử” bà. Nhiều người kêu gọi phê phán Mẹ Hổ, vì nếu không “bà ta sẽ kiêu ngạo tiếp tục hành hạ lũ con mình”.

Amy Chua rất khổ tâm. Trả lời phỏng vấn của tuần báo Newsweek, bà nói: “Có người dọa giết tôi, có người bảo tôi nên cút về Trung Quốc, họ gọi tôi là quái vật ... khiến tôi rất ngạc nhiên.”

Mẹ Hổ dạy con như thế nào?

Cách dạy con của Amy Chua thực ra chẳng có gì xa lạ với người Việt Nam; còn với người Trung Quốc thì quá bình thường. Tuổi thơ của rất nhiều trẻ em Trung Quốc bị bố mẹ bắt dùng hết vào việc học; xuất hiện những “thần đồng” hơn 10 tuổi đã viết tiểu thuyết hái ra tiền, 13 tuổi vào Đại học... Phương Tây cũng biết cả. Có điều khi viết chuyện dạy con ấy ra sách thì lại khác, người phương Tây cảm thấy “kinh khủng, khiếp hãi”, “không thể hiểu nổi”.

Sophia và Louisa (tên thân mật là Lulu) suốt đời sống trong sự rèn cặp của bà mẹ mà chúng gọi yêu là Mẹ Điên, vì bà bắt chúng học như điên mọi thứ theo ý bà. Amy Chua từng nói sở dĩ trẻ con không yêu thích công việc là do chúng chưa thạo công việc ấy; khi nào đã thạo thì chúng sẽ thích công việc. Người phương Tây quá tôn trọng cá tính và sở thích, nguyện vọng của con nên thiếu nghiêm khắc với con. Người châu Á thì chỉ lo chuẩn bị tương lai cho con, vì thế bắt con phải chăm học từ nhỏ, có vậy sau này ra đời chúng mới sống được trong cuộc cạnh tranh tàn khốc.

Amy Chua viết: Nhiều người muốn biết phụ huynh người Hoa dạy con như thế nào để chúng trở thành những đứa trẻ thành công, những thiên tài toán học hoặc thần đồng âm nhạc, dù chúng không muốn. Sau đây là những điều Sophia và Louisa phải tuân theo:

- Không được qua đêm ở nơi không phải nhà mình;
- Không được xem phim;
- Không được tham gia biểu diễn văn nghệ ở trường;
- Không được than phiền vì điều cấm ấy;
- Không được xem truyền hình hoặc chơi game máy tính;
- Không được tự chọn hoạt động ngoại khóa (mà do mẹ chọn);
- Điểm sát hạch, điểm thi tất cả các môn học phải đạt mức A (tức cao nhất);
- Trừ môn thể dục và sân khấu ra, thành tích học tất cả các môn khác đều phải nhất lớp;
- Trừ dương cầm và vĩ cầm ra, không được chơi bất cứ nhạc cụ nào khác;

Amy Chua viết: Các bậc cha mẹ phương Tây dù nghiêm khắc đến đâu cũng không bằng cha mẹ người Hoa. Thí dụ, họ cho rằng bắt con mỗi ngày tập đàn từ 30 phút đến 1 giờ là quá nghiêm khắc, nhưng các bà mẹ người Hoa thì bắt con tập đàn liền 3 tiếng đồng hồ. Người Hoa cho rằng con học không giỏi là do cha mẹ chưa làm tròn bổn phận. So với người phương Tây, hàng ngày họ bỏ ra thời gian gấp 10 lần để bàn chuyện học tập với con. Thực ra cha mẹ người Hoa có thể làm nhiều chuyện rất khó tưởng tượng, thậm chí người phương Tây cho là phạm luật. Họ có thể nói với con một cách không lịch sự nhẹ nhàng, chẳng hạn bảo con “Thằng (Con) béo kia! Phải giảm cân đi!”, còn người phương Tây vì ngại xúc phạm con nên chỉ đi đi lại lại bên cạnh con, nói bóng gió về chuyện giữ sức khỏe chứ không hề động đến từ “béo”. Hậu quả là sau đấy con họ lại ăn uống thỏa thê.

Amy Chua cho rằng phụ huynh người Hoa suy nghĩ khác người phương Tây ở 3 điểm:

1- Người phương Tây rất ngại làm tổn thương lòng tự tin, tự trọng của con, cho nên thường hay khen con quá mức, khi con bị điểm xấu cũng vẫn khen, còn người Hoa thì mắng ngay và hỏi cho ra nhẽ tại sao bị điểm xấu. Nói khác đi, phương Tây quan tâm tới tâm lý của con, còn người Hoa thì không quan tâm, họ rất kiên quyết; cho nên kết quả khác nhau.

2- Người Hoa cho rằng con cái phải biết ơn cha mẹ về mọi chuyện họ làm cho chúng, do đó chúng phải phục tùng cha mẹ, phải cố làm cho cha mẹ tự hào. Nguyên nhân có thể do quan niệm của Nho giáo và do cha mẹ hy sinh vì con rất nhiều.

3- Cha mẹ người Hoa tin rằng họ biết điều gì là tốt nhất đối với con mình, cho nên họ phớt lờ yêu cầu và thị hiếu của con mà cứ ép buộc con làm theo ý họ, dù chúng không thích. Thí dụ nữ sinh trung học người Hoa không được có bạn trai và không được qua đêm ở ngoài nhà mình.

Amy Chua kể: Hồi Lulu (tên thân mật của Louisa) lên 7, cháu vẫn chơi hai nhạc cụ, và đang tập chơi piano bài Chú lừa con lông trắng. Bản nhạc rất hay nhưng vì còn nhỏ nên Lulu khó phối hợp được hai tay Tôi kèm cháu tập suốt cả tuần. nhưng tay cháu cứng đờ tập mãi không được. Cuối cùng, Lulu chán nản và tức giận bỏ đàn, giậm chân thình thịch. Tôi ra lệnh: “Ngồi vào đàn ngay!” Lulu cãi: “Mẹ không được bắt con làm thế.” Tôi bảo: “Ô hay, mẹ được làm thế đấy!”

Sau khi ngồi vào đàn, con bé phản ứng bằng cách bấm phím loạn xạ rồi bỗng dưng xé bản nhạc vứt đi. Tôi dán lại bản nhạc rồi kẹp vào bìa ni lông, để nó không thể xé được nữa. Rồi tôi kéo túi đồ chơi của Lulu đến bên chiếc ô tô và bảo: “Nếu ngày mai con chưa tập được bài ấy thì mẹ sẽ đem chỗ đồ chơi này cho đội Xì-cút.” Con bé nói: “Mẹ nên đem cho hết đi từ lâu rồi mới phải.” Tôi dọa không cho cháu ăn trưa, ăn tối, không có quà Giáng sinh, 2-3-4 năm tới không có tổ chức sinh nhật.

Jed kéo tôi ra ngoài khuyên tôi chớ nên mắng Lulu; anh ấy cho rằng dọa con chỉ vô ích, Lulu hoàn toàn không có kỹ năng phối hợp hai tay chơi đàn. Tôi bảo: “Như thế là anh chưa tin vào con bé. Sophia bằng tuổi này đã chơi được bài nhạc ấy rồi.” “Nhưng Lulu không phải là Sophia!” “Không phải thế”, tôi trừng mắt....” Anh cứ để mặc em. Em sẽ dạy nó tập kỳ được mới thôi, em sẵn sàng mang tiếng là người ác đấy!”

Tôi xắn tay áo, kèm Lulu tập đàn bằng đủ mọi cách cho tới bữa ăn tối, không cho cháu nghỉ một phút nào, không cho uống nước, không cho đi toa-lét. Phòng tập đàn cứ như bãi chiến trường.

Cuối cùng không khí chán nản biến mất. Hai tay Lulu đã có thể phối hợp được với nhau. Hai mẹ con cùng cảm thấy sắp thành công rồi. Tôi thở dài khoan khoái. Lulu mỉm cười nói: “Mẹ xem này, dễ thôi mà!” Sau khi chơi thạo bản nhạc, nó không muốn rời cây đàn. Tối hôm ấy cháu ngủ chung giường với tôi. Hai mẹ con ôm nhau như không muốn xa rời nữa.

Mấy tuần sau, Lulu biểu diễn bài Chú lừa con lông trắng rất thành công. Các vị phụ huynh đến nhe xúm lại chỗ tôi khen: “Ôi, Louisa giỏi quá!”

Từ đó trở đi Jed cứ khen tôi hoài...

Người phương Tây tôn trọng cá tính của con, khuyến khích con theo đuổi nguyện vọng của chúng, ủng hộ sự lựa chọn của con và tạo điều kiện cho con thực hiện nguyện vọng ấy. Ngược lại người Hoa tin rằng cách tốt nhất để bảo vệ con là chuẩn bị cho con có một tương lai tốt, làm cho chúng hiểu rằng chúng có thể làm được một việc nào đấy, giúp con có được kỹ năng, thói quen làm việc và có tự tin – đó là những thứ không ai có thể lấy mất khỏi chúng.

Amy Chua là ai?

Amy Chua thừa hưởng phương pháp dạy con nghiêm khắc từ chính cha mẹ mình, những người đã dạy 4 cô con gái của họ khá thành công: cô cả Amy Chua và cô thứ ba Katrin trở thành giáo sư của hai trường ĐH danh tiếng Yale và Stanford. Cô út bị bệnh Đao nhưng từng đoạt hai huy chương vàng môn bơi tại Thế vận hội người tàn tật. Bản thân ông bố cũng là giáo sư khoa Máy điện và Máy tính ĐH California, Berkeley. Một nhà 6 người mà có tới 3 là giáo sư 3 trường ĐH danh tiếng ở Mỹ chứng tỏ gia đình này có truyền thống gia giáo rất tốt; là một điển hình thành công của Giấc Mơ Mỹ. Vì vậy không có lý do gì nghi ngờ Amy Chua là người có tâm lý không bình thường. Năm 22 tuổi, bà tốt nghiệp khoa kinh tế ĐH Harvard với thành tích “cực giỏi”.

Nên dạy con theo cách nào?

Cách dạy con của phương Đông và phương Tây đều có những mặt mạnh và yếu, không thể đơn giản thay thế nhau.

Cách đây ít lâu ở ta có phổ biến trên mạng tài liệu “Dâu Tây dạy con”. Nhiều người thấy hay đã thử áp dụng, nhưng chẳng được bao lâu đành thôi. Lý do: trẻ con ta khác trẻ con Tây, khác từ hàng ngàn năm nay. Trẻ con Tây có tính tự lập cao từ nhỏ.. Ở Nga muốn bế một đứa bé 2 tuổi thì luôn bị nó từ chối: “Sam, sam ...” (Để cháu tự đi) – khác hẳn trẻ con ta thích bế ẵm. Ra bãi biển, thường thấy trẻ con Tây 2-3 tuổi chơi giỡn sóng không có bố mẹ kèm. Ở ta không ai để con chơi như vậy và lũ trẻ cũng không dám chơi một mình.

Người châu Á dành quá nhiều sức cho việc kèm cặp chăm chút dạy bảo con từng ly từng tý, lúc nào cũng sợ con ốm con hư. Trẻ con Tây được tự do hơn. Nữ sinh trung học có quyền dẫn bạn trai vào phòng ngủ của mình, bố mẹ không được can thiệp. Ở ta, con cái bị cha mẹ cấm đủ thứ. Quả thật, không cấm thì chúng rất dễ hư, làm khổ cha mẹ.

Phương Tây rất chê cách dạy con của phương Đông, cho là không tôn trọng nhân quyền, thiếu nhân tính, chuyên chế áp đặt, tước mất tuổi thơ của lũ trẻ; chúng có thể học giỏi nhưng giỏi thuộc lòng chứ không có sáng tạo. Nhà kinh tế lừng danh Larry Summers (nguyên Bộ trưởng Tài chính thời Tổng thống Clinton, cố vấn kinh tế mấy đời Tổng thống Mỹ) khi tranh luận với Amy Chua có nói: nếu các bà mẹ của Gates và Zuckerberg là Mẹ Hổ thì họ nhất định không cho con trai họ bỏ học ĐH Harvard để lập công ty riêng, và như thế loài người sẽ không có Microsoft và Facebook.

Có người ví trồng người như thể trồng cây. Ở phương Đông, cây được cha mẹ che chắn, chăm bón từ nhỏ, cây lớn nhanh nhưng khi gặp mưa bão sâu bọ thì dễ hỏng. Tại phương Tây, cây mọc trong rừng không được cha mẹ chăm sóc mà phải tự lớn lên, thân cứng cáp, nhưng lớn chậm, có điều khi đã lớn thì rất khó bị mưa bão sâu bọ làm hỏng.

Đúng là Trung Quốc hiện nay đào tạo được nhiều kỹ sư hơn Mỹ, nhưng vẫn chưa hề có giải Nobel nào cả! Nhưng người châu Á không phải không có lý khi bào chữa: thà để con bị mất tuổi thơ còn hơn là để chúng ra đời không có tương lai sáng sủa. Xã hội phương Tây được tổ chức tốt hơn, trật tự, kỷ cương; mọi công dân, nhất là trẻ em, được nhà nước chăm sóc chu đáo, thậm chí được bảo đảm có cuộc sống ổn định từ trong bụng mẹ cho tới khi xuống mồ, cha mẹ già không phải nhờ cậy con. Họ có thể cho con chơi game tùy ý mà con vẫn trưởng thành tốt. Ở ta thì khác. Trẻ lêu lổng lười học thì dễ hư hỏng, vì xã hội có rất nhiều cạm bẫy.

Câu chuyện dạy con của Mẹ Hổ đang tiếp tục được dư luận tranh cãi om xòm. Người Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung sau đây sẽ có thay đổi gì trong cách nhìn nhận phương pháp giáo dục của phương Đông hay không? Điều đó chúng ta hãy chờ xem.

(sưu tầm)


21/2/11

BÁNH CHƯNG QUA RẰM




Bánh chưng để qua Rằm tháng Giêng thì chắc chắn là thiu hết. Năm nay lạnh, bánh có thể không thiu, nhưng chắc chắn sẽ bị “lại gạo”.

Thật ra, nàng cũng không dám chắc điều đó. Nàng chỉ phỏng đoán khi nhìn thấy 8 cái bánh chưng dài vẫn để trong tủ lạnh. Bánh chưng dài thì gọi là “bánh tày”. Đấy là cách gọi của quê nàng, vùng bán sơn địa, bao năm vẫn chẳng thay đổi chút gì. Rõ nhất là cái bánh chưng ngày Tết bao năm vẫn... dài như thế, xắt ra thành những khoanh tròn, gắp vào bát, lấy đũa “gẩy” chút nhân ở giữa ra, là miếng bánh chưng bị thủng một lỗ hệt như đồng xu. Một “đồng xu” chán nhất thế giới.

Nàng chán cái bánh chưng dài quê nàng từ hồi nhỏ. Bà ngoại ngày xưa, cùng mẹ nàng và các dì là những người rất khéo léo. Nàng phải thừa nhận như thế. Bánh chưng được gói rất tròn, rất chặt, xắt ra đĩa rất đẹp, nhưng phải mỗi tội là rất ít nhân. Mỗi “đồng xu” bánh chưng ấy chỉ có một nhúm nhân đỗ ở giữa và một mẩu thịt tựa như một hòn bi. Từ hồi còn bé, mỗi lần chuẩn bị nấu bánh chưng là nàng lại “ì èo” với bà với mẹ về chuyện này.

Nhưng công thức 9 đấu gạo một đấu đỗ, 2 lạng thịt cho nồi bánh chưng Tết đã hằn vào trong óc bà ngoại nàng từ thời tản cư đói kém, rồi truyền cho mẹ nàng và các dì trong thời bao cấp khốn khổ. Mẹ nàng, kể cả khi con cái đã thành đạt, vẫn không chịu bỏ công thức đó. (Tết năm nọ, hồi nàng sắp lấy chồng, hai mẹ con suýt cãi nhau chỉ vì nàng xúc thêm mấy đấu đỗ nữa để ngâm thêm. Không can được con, mẹ nàng quay ra sụt sịt than nghèo kể khổ, vu cho nàng sắp về thành phố giàu có, ăn sung mặc sướng rồi, coi khinh mẹ và các dì ở quê. Đến nước đó thì nàng đành phải chấp nhận ăn một cái Tết cuối cùng ở quê với những “đồng xu” bánh chưng chán nhất thế giới).

Cũng như mẹ nàng, các dì của nàng kể từ khi lập gia đình riêng, cũng kế thừa công thức bánh chưng ấy một cách xuất sắc. Cho đến tận Tết này, khi nàng đưa gia đình về quê dự đám khao thọ của mẹ, giữa mâm cỗ ê hề, nàng vẫn thấy những “đồng xu” bánh chưng khốn khổ ngày nào: chỉ có một tí nhân ở giữa. Thằng cu nhà nàng, hệt như nàng ngày xưa, dùng đũa chọc thủng miếng nhân bằng hai ngón tay ở giữa, rồi xỏ miếng bánh chưng vào chiếc đũa chạy nhung nhăng khắp nhà. Chồng nào phì cười. Nàng cũng cười nhưng trong lòng thấy ngường ngượng.

Nỗi ám ảnh bánh chưng không buông tha nàng khi trở về thành phố, mẹ nàng, các dì nàng xúm xít chạy theo, mỗi người xách toòng teng theo một xâu hai cái bánh chưng buộc díu vào nhau. Phải vất vả lắm, nàng mới ngăn được cả một nong bánh chưng muốn đổ vào cốp xe ô tô. Dì Ba, dì Tư, dì Năm cùng bảo, bánh chưng biếu nàng đã được mẹ và các dì để dành suốt cả Tết, cháu không nhận thì các dì vứt bỏ ra ao đấy. Các con dì cũng xúm lại bảo, hai cái bánh chưng cho chị, mẹ chúng em đã buộc díu lạt vào nhau để đánh dấu từ khi gói. Cả Tết, mẹ chúng em cứ thấp thỏm chờ chị về, chị không nhận bọn em buồn lắm đấy.

Cuối cùng nàng phải nhận mỗi nhà một đôi bánh chưng, tổng cộng 8 cái, chắc phải ăn cả tuần mới hết.

Nói vậy thôi, chứ 8 cái bánh chưng ấy ăn hết thế nào được. Cứ nghĩ đến việc xắt ra thành những “đồng xu” bánh chưng, nàng đã thấy phát ớn. Đã thế mẹ nàng, các dì nàng mấy lần điện xuống để hỏi thăm công việc đầu Xuân, vẫn không quên hỏi bánh chưng có ngon không, đã ăn hết chưa? Suýt nữa nàng phì cười thành tiếng.

Và bây giờ, đã qua Rằm tháng Giêng, nàng tin rằng tất cả chúng đã thiu hoặc chí ít là “lại gạo”, không ăn được nữa.

Nàng yên tâm vứt chúng ra thùng rác trước cửa, cả thảy 8 cái bánh. Sáng hôm sau, nàng hơi ân hận khi thùng rác bị chuột bới lung tung, mấy cái bánh chưng bị chúng kéo ra khắp cổng, cắn xé vương vãi. Trong khi dọn dẹp, nàng bỗng thấy đỗ xanh và thịt rất nhiều, bị chuột tha đi khắp nơi. Nàng nhặt một đôi bánh chưng mới bị chuột cắn một góc lên lên. Bên trong là cả một khối toàn nhân đỗ với thịt, chỉ có một lớp bánh bao bên ngoài, mỏng như vỏ vải.

Lũ chuột dù cắn xé tả tơi, vẫn không cắn đứt được những chiếc lạt mà mẹ nàng và các dì đã cố ý buộc từng đôi bánh lại với nhau để đánh dấu. Nàng chợt hiểu ra rằng đó là những cặp bánh chưng đặc biệt mà quê ngoại đã vượt qua “công thức chán nhất thế giới” để gói dành riêng cho nàng.

Thiếu Phương


Nguồn:
Bánh chưng qua rằm



20/2/11

THẦN ĐỒNG TRƯỢT BĂNG GỐC VIỆT



Ở Canada, cậu bé 12 tuổi gốc Việt hay cười Nam Nguyễn được săn đón như một ngôi sao nhạc rock. Còn trên thế giới, tên tuổi của Nam Nguyễn hãy còn xa lạ với nhiều người, đặc biệt là ở những nước mà môn trượt băng nghệ thuật chưa được phát triển, nhưng giới chuyên môn ở Canada thì tin rằng Nam sẽ sớm chinh phục cả thế giới.

Sau bài thi của Nam Nguyễn, khán giả trong nhà thi đấu Victoria hôm 20/1 đã đồng loạt đứng dậy vỗ tay hoan hô nhà vô địch trẻ tuổi nhất ở nội dung đơn nam giải trẻ quốc gia trong lịch sử trượt băng nghệ thuật Canada. Và hình ảnh duy nhất có thể còn sống động hơn cả bài biểu diễn sôi nổi của Nam chính là cảnh Nam đứng trên bục nhận huy chương, lọt thỏm giữa Shaquille Davis và Peter O'Brien, huy chương bạc và đồng.

Tấm ảnh này được truyền tải rất nhanh trên mạng và gây ấn tượng mạnh trên các mạng xã hội. Hiệp hội Trượt băng nghệ thuật Mỹ gọi tấm ảnh này là "một trong những ảnh chụp cảnh đứng trên bục vô địch tuyệt vời nhất mà chúng tôi từng nhìn thấy".

Tuy nhiên, việc đứng trên bục cao nhất mà vẫn thấp hơn những người đoạt huy chương bạc và đồng chẳng phải là chuyện gì mới mẻ đối với Nam. Cậu bé 12 tuổi cười nói: "Chuyện này chẳng có gì lạ cả. Con đã trải qua chuyện này trong hầu hết các giải đấu. Người xếp thứ nhì và thứ ba luôn to cao hơn con".

Nếu chưa biết về thành tích của Nam, người đọc có thể nghĩ rằng Nam còn trẻ con nên đã nói hớ khi gọi những đối thủ cùng đứng trên bục danh dự với em là "người xếp thứ nhì và thứ ba"; nhưng không, đó là kiểu nói thật thà kiểu trẻ con của một cậu bé có tài năng bẩm sinh với môn trượt băng nghệ thuật. Nam đã đoạt danh hiệu vô địch Canada đầu tiên dành cho lứa tuổi nhi đồng khi mới 8 tuổi, chỉ 3 năm sau khi cậu làm quen với môn thể thao này. Hai năm sau, Nam ẵm tiếp hai giải dành cho lứa tuổi lớn hơn trong khuôn khổ giải vô địch trượt băng nghệ thuật Canada là Pre-Novice rồi Novice.



Năm ngoái, Nam đoạt huy chương đồng tại giải vô địch trẻ quốc gia. Đó là lần đầu tiên trong sự nghiệp ngắn ngủi nhưng ấn tượng của Nam, em không giành được danh hiệu vô địch quốc gia. Tuy nhiên, Nam vẫn được báo chí Canada chú ý, và tin rằng Nam sẽ trở thành tên tuổi lớn của trượt băng nghệ thuật Canada và thế giới. The Canadian Press đã dành cho Nam những lời có cánh: "Chúng tôi đã nhìn thấy tương lai, và tương lai đó là Nam".

Cũng cần phải nói thêm rằng Nam không phải là nhà vô địch thiếu niên trẻ tuổi nhất của Canada. Karen Magnussen, nữ VĐV từng đoạt HCB Olympic và Vô địch thế giới năm 1973, mới là nhà vô địch thiếu niên trẻ tuổi nhất, khi cô đăng quang ở giải vô địch trẻ quốc gia nội dung đơn nữ lúc mới 11 tuổi.

Cùng với những thành tích ở các giải đấu, Nam còn được mệnh danh là nghệ sĩ biểu diễn trượt băng nghệ thuật chỉ 35 kg nhưng dạn dĩ và thu hút nhất trên sân băng. Nam Nguyễn tự tin biểu diễn bên cạnh những tên tuổi lớn của thế giới trượt băng nghệ thuật như Even Lysacek - VĐV Mỹ, HCV Olympic 2010, vô địch thế giới 2009 - hay Patrick Chan - VĐV 3 lần vô địch Canada - trong những sự kiện lớn như Gala trượt băng nghệ thuật chào mừng thành công của Thế vận hội mùa đông Vancouver.


Cũng cần nhắc lại rằng hiện Nam Nguyễn vẫn chưa đủ tuổi để tham dự các giải Grand Prix trẻ. Thế nên Nam sẽ phải chờ đến năm tới. Còn giấc mơ Thế vận hội mùa đông cũng không thể trở thành hiện thực trước năm 2018. "Con thật sự cảm thấy buồn cho bản thân khi phải ở nhà xem những VĐV lớn tuổi hơn thi đấu quốc tế, hiện con chỉ có thể tập luyện và thi đấu ở Canada", Nam buồn rầu nói.

Cả Nam và bà McLeod đều nghe rõ những tiếng hò reo: cậu bé thần đồng, người kỳ diệu, người thừa kế, ngôi sao tương lai. Còn gì nữa không? Nam do dự một chút rồi trả lời: "Dạ… Hiện tượng. Một số người gọi con như vậy hồi con học lớp 3".

Mặc dù thể hình nhỏ bé so với tiêu chuẩn, Nam vẫn luôn tự tin mỗi khi biểu diễn và thi đấu. Nam tiết lộ sức mạnh của em là ở ý chí. "Chính ba dạy cho con cách kiểm soát ý chí. Thành công là phải biết tập trung và khi đó mọi điều mình muốn sẽ đạt được. Mọi chuyện luôn xuất phát từ tinh thần. Suy nghĩ thật tập trung về điều mình muốn thực hiện thì ý chí sẽ kiểm soát tất cả. Rồi cơ thể sẽ vận hành theo ý chí". Nam tự hào nói về ông Sony, một kỹ sư điện toán gốc Việt.

Còn về chuyện ký tặng hình? Những buổi ký tặng hình của Nam Nguyễn thu hút vài trăm người hâm mộ, trong đó có rất nhiều cô bé tuổi teen.

Trở lại chuyện biểu diễn và thi đấu của mình, Nam chia sẻ một cách rất trẻ con: "Điều con thích về thi đấu là được trình diễn trước nhiều người. Con thích làm cho mọi người vui cười. Và khi mọi người quý mến con, con hiểu rằng con đã làm được việc tốt. Con cảm thấy thật tuyệt khi mọi người chúc mừng con. Khi đó con hiểu rằng con đã làm rất tốt và khán giả biết rằng con biểu diễn tuyệt vời và xứng đáng được hoan nghênh. Điều đó tuyệt vời làm sao". Nam Nguyễn nói thêm: "Khi con dự thi, mục tiêu của con không phải là đánh bại những VĐV lớn tuổi hơn, mà là để thực hiện những động tác tuyệt vời của môn trượt băng nghệ thuật, và để vui chơi. Và con đã làm như thế".

Thư ngỏ của Nam Nguyễn

Trên trang web cá nhân của mình, Nam Nguyễn viết lá thư ngỏ xin tài trợ
để theo đuổi sự nghiệp trượt băng nghệ thuật với lời lẽ giản dị,
thật thà của một cậu bé 12 tuổi…

Chào mọi người!

Con tên Nam Nguyễn. Con 12 tuổi, học sinh lớp 7 trường Tiểu học Brentwood Park. Con đang sống ở Burnaby, British Columbia, Canada. Con là một cậu bé rất năng động và cũng rất tôn trọng kỷ luật. Con yêu trường học. Con thích đọc sách, thích làm toán… Con cũng thích chơi game trên máy PSP, Nintendo DS, X-Box, và chat với bạn bè. Con đam mê trượt băng nghệ thuật. Con đã theo đuổi môn thể thao này được 6 năm rồi. Một trong những thành tích lớn của con ở môn thể thao này là trở thành vận động viên nam trẻ tuổi nhất từ trước đến nay trong lịch sử trượt băng nghệ thuật Canada đoạt liên tiếp 3 danh hiệu Vô địch Canada; gồm vô địch lứa tuổi nhi đồng năm 2007 lúc con 8 tuổi, tiếp theo là hai giải dành cho lứa tuổi lớn hơn Pre-Novice năm 2008 và Novice năm 2009.

Ngày 20/1/2011 tại Giải vô địch trẻ quốc gia Canada tổ chức tại Victoria, British Columbia, con đã trở thành nam vận động viên Canada trẻ nhất từ trước đến nay đoạt danh hiệu vô địch ở tuổi 12.

Mục tiêu trước mắt của con là đại diện cho Canada tại Giải trẻ Grand Prix do Hiệp hội Trượt băng nghệ thuật thế giới tổ chức vào tháng 9/2011, lúc đó con 13 tuổi, và lọt vào top 5 của Giải vô địch Trượt băng nghệ thuật Canada diễn ra vào tháng 1/2012. Mục tiêu lâu dài của con là đại diện Canada ở các Giải vô địch Trượt băng nghệ thuật thế giới và các kỳ Thế vận hội mùa đông 2014 - 2018.

Con hiện đang tập luyện tại Trung tâm đào tạo vận động viên tài năng ở British Columbia với HLV đẳng cấp thế giới Joanne McLeod. Con rất muốn mọi người biết con yêu trượt băng nghệ thuật nhiều như thế nào. Con toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp trượt băng nghệ thuật của con. Mặc dù con vẫn còn nhỏ, nhưng con có ý chí mạnh mẽ và mơ ước rất lớn. Con tin rằng với sự giúp đỡ của mọi người, con có thể hoàn thành mơ ước của mình. Nếu muốn hỗ trợ cho sự nghiệp trượt băng nghệ thuật của con, xin vui lòng liên lạc với con qua địa chỉ e-mail nam_ca@telus.net.

Trân trọng,

NAM NGUYỄN



BONUS:



Nguồn:
Thần đồng trượt băng gốc Việt



19/2/11

NHỮNG GIỌNG HÁT ẤN TƯỢNG TẠI AMERICAN IDOL 2011



Những giọng hát dưới đây đã lọt vào top 40 sau vòng Hollywood Week.
Hy vọng họ sẽ làm nên chuyện tại Americal Idol mùa thứ 10.


1. CASEY ABRAMS


2. CLINT JUN GAMBOA


3. JACOB LUSK


4. SCOTTY McCREERY



5. JAMES DURBIN




18/2/11

KHI CÔNG BỐ ĐỒNG NGHĨA VỚI TẬN DIỆT



Việc một số loài sinh vật mới được khám phá ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây, cho thấy sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực khoa học điều tra cơ bản của chúng ta. Tuy nhiên, sự thực là có những loài quý hiếm bị con người tận diệt kiếm lời ngay sau khi công bố, đã tạo nên mảng màu tối trong bức tranh bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.

Lan hài cảnh: thà rằng không biết thì thôi...

Rất ít quốc gia có nhiều loài lan hài được phát hiện và công bố như nước ta: hơn 20 loài. Mới đây, sau những nỗ lực tưởng chừng vô vọng, vào tháng 5.2010, các nhà khoa học Việt Nam và Liên bang Nga đã phát hiện và công bố loài lan hài Paphiopedilum canhii – được mang tên nhà sưu tầm hoa lan Chu Xuân Cảnh – gọi là lan hài cảnh. Đây là loài lan hài nhỏ nhất trong các giống lan hài tìm thấy ở Việt Nam. Khám phá này là niềm hân hoan chung của những người trồng lan trên khắp thế giới. Nhưng, cùng với đó cũng xuất hiện nguy cơ đe doạ sự tồn vong của loài lan tuyệt đẹp này.

Lan hài cảnh có vùng phân bố rất hẹp ở những ngọn núi cao phía Bắc Việt Nam. Khi công bố loài lan này, các nhà khoa học cố tình không ghi rõ địa điểm, toạ độ vùng phân bố để tránh cho lan hài cảnh phải đối mặt với mối nguy tận diệt. Nhưng trên nhiều diễn đàn và một số trang web buôn bán hoa lan, lan hài cảnh được chào bán với giá 300 – 500 USD. Thế là một cuộc tìm kiếm và tận diệt bắt đầu. Mới đây, chúng tôi và Chu Xuân Cảnh có dịp quay lại nơi anh phát hiện loài lan này. Sự thật đau lòng là toàn bộ những cây lan phân bố ở đây đang bị người dân săn lùng và khai thác đến gần như tuyệt diệt, để bán cho các nhà sưu tầm lan quốc tế!

Thạch tùng răng cưa: giấu mới còn

Sau khi nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc về một dược chất quý có trong cây thạch tùng răng cưa được công bố, các nhà khoa học châu Âu cũng kết luận chất này có tác dụng chữa trị các bệnh về trí nhớ, đặc biệt đối với bệnh Alzheimer của người già. Ở Việt Nam, thạch tùng chỉ mới phát hiện được ở Sa Pa (Lào Cai). Hiện nay, giá 1kg thạch tùng răng cưa tươi bán cho lái buôn cây thuốc Trung Quốc là 300 USD. Chính vì vậy, trong lần khảo sát mới đây vào năm 2010, tại Sa Pa, sau hai ngày miệt mài tìm kiếm chúng tôi chỉ thu được đúng ba mẫu cây non rất nhỏ: loài cây trước đây thấy rất nhiều ở Sa Pa này, nay gần như bị xoá sổ.

Mới đây loài này được tìm thấy ở một tỉnh cao nguyên miền Trung, nhưng nếu không muốn chúng tuyệt chủng thì có lẽ không nên công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng!

Cá rồng: vô giá nên sắp vô tăm tích

Cá rồng hay còn gọi là cá mơn, tên khoa học là Scleropages formosus, có thể dài đến 90cm và nặng gần 8kg. Đây là loài cá rất hiếm, có thể được coi như tuyệt chủng và ở Việt Nam, chúng phân bố rất hẹp ở sông La Ngà – Trị An...

Hiện nay, tại TP.HCM, theo những người nuôi cá kiểng thì loài cá được gọi với cái tên hết sức mỹ miều là kim long này, có giá cho một cặp 1kg trở lên không dưới 10 triệu đồng; còn đối với loài hắc long và hồng long được nhập khẩu từ Indonesia giá tới hàng chục ngàn USD! Mới đây, năm 2010, loài cá này đã được phát hiện ở Đồng Nai và những người chơi cá cảnh sẵn sàng bỏ ra số tiền ngang với giá một chiếc xe máy đắt tiền để được sở hữu một cặp cá rồng. Nhưng về mặt khoa học, sự tồn tại và phát triển của chúng trong tự nhiên mới là vô giá.

* * *

Trước đây, đa dạng sinh học tương đối ổn định nhờ sự cân bằng giữa sự tiến hoá hình thành loài mới và sự tuyệt diệt loài cũ. Tuy vậy, con người đã làm tốc độ tuyệt chủng vượt xa nhiều lần tốc độ hình thành loài!

PHÙNG MỸ TRUNG


Nguồn:
Khi công bố đồng nghĩa với tận diệt

17/2/11

NGẪM CHUYỆN THĂNG QUAN TIẾN CHỨC NHỜ... LỘC ẤN



VŨ LỘC (Nam Định)

Năm nào cũng vậy, đúng vào giờ tý (23 giờ ngày 14 âm lịch đến 1 giờ ngày 15 tháng giêng) sẽ diễn ra lễ phát lộc ấn tại đền Trần (phường Lộc Vượng, TP.Nam Định). Tuy nhiên, khoảng vài năm gần đây thì lễ phát ấn đã gây bức xúc trong dư luận xã hội, bởi không ít người chen lấn kể cả cướp lộc ấn với một mong muốn là được thăng quan tiến chức, phát tài, phát lộc. Sau lễ phát ấn năm 2010 đã có nhiều ý kiến đề nghị bỏ lễ phát ấn, tuy nhiên năm nay tỉnh Nam Định vẫn tổ chức lễ phát ấn. Nhưng trong dư luận vẫn âm ỷ rằng “có ấn mới dễ thăng quan”.

Vào thời điểm còn cả tuần mới đến khai lễ phát ấn, thế mà tôi (đang sinh sống và làm việc tại TP.Nam Định) đã nhận được không biết bao nhiêu cú điện thoại của người thân thì ít mà bạn bè, quen biết cùng ngành ở T.Ư nhờ vả thì nhiều. Sau vài lời hỏi thăm xã giao đầu năm là họ đặt thẳng vấn đề nhờ tôi “cắm” người vào dự lễ để làm sao có được lộc ấn, giá bao nhiêu cũng mua, nhất là phải lộc ấn được phát ra vào thời khắc - giờ tý - phải được phát ra từ Ban tổ chức, chứ không phải lộc ấn bán tràn lan.

Tôi hỏi: “Các ông tin là có lộc ấn là được thăng quan tiến chức à? Mấy ông bạn là quan nhỏ hệ công chức thì dè dặt hơn, rằng thôi thì “có thờ có thiêng”, mấy ông trong bộ nhờ có lộc ấn đền Trần thăng chức nhanh lắm. Mấy ông là giám đốc doanh nghiệp thì mong phát tài, thu được nhiều tiền trong năm...

Người bạn thân nhất hồi đại học còn tiết lộ về đường thăng quan tiến chức của người bạn thuở hàn vi: Ông còn nhớ thằng X quê Phú Thọ không. Năm ngoái nó thuê một thanh niên người địa phương giật được chiếc lộc ấn. Trong năm nay nó được đề bạt lên chức phó phòng mà tài năng chẳng có gì nổi trội cả. Dây của nó - sếp trưởng lên quan, nó ngồi ngay vào vị trí ấy. Nhắc đến X, tôi liền gọi ngay đến mấy người bạn đang công tác cùng vụ với X thì mới hay đường thăng quan tiến chức của X thật đơn giản, tuân thủ phương thức “trung thành, nhẫn nhịn và chịu khó cung phụng”, cho dù việc bổ nhiệm X trong vụ đã gây những “sóng gió” trong cơ quan.

Dăm năm trước, là người sống tại Nam Định tôi thấy lễ phát lộc ấn đền Trần có gây gì tai tiếng trong xã hội đâu, không hiểu vài ba năm gần đây, chẳng hiểu dư luận đồn thổi kiểu gì mà các cán bộ công chức, giám đốc cũng ầm ầm đổ về đền Trần để xin lộc ấn. Đặc biệt tại lễ phát ấn năm 2010 đã xảy ra cướp giật ấn để mong đường công danh hoan lộ.

Tại nhiều kỳ họp QH, đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đã nhiều lần làm nóng nghị trường về chuyện chạy quan chạy chức trong hệ thống các cơ quan nhà nước. Ai cũng thấy điều ấy vì đạo đức, năng lực của người được đề bạt chính là thước đo chính xác nhất. Nhưng để xử lý ư? Bằng chứng đâu? Đành chịu và chấp nhận một sự tồn tại hiển nhiên của tệ nạn chạy chức chạy quyền. Không có bằng cấp thì mua, muốn được cấp trên nâng đỡ đề bạt thì chịu khó “cống nộp”. Những người không có tài năng, năng lực thì họ đành lựa chọn kiểu “chạy” để thăng quan, tiến chức. Khi đã yên vị ghế quan chức thì bắt đầu họ phải cố thu lại đủ những gì đã bỏ ra và bắt đầu “hành trình” hành cấp dưới.

Mặc dù lễ khai ấn đền Trần năm nay được lãnh đạo tỉnh Nam Định chỉ đạo khá công phu, mở tới 75 bàn phát ấn tại ba điểm, nhưng điều đó cho thấy sự “biến tướng” về ý nghĩa sâu sắc của lễ hội truyền thống của dân tộc và như vậy Ban tổ chức lễ hội đã thể hiện mục đích là đáp ứng nhu cầu xin ấn của người dự lễ chứ không tổ chức một lễ hội truyền thống đúng nghĩa.

Trước giờ khai ấn đền Trần năm 2011, PGS-TS văn hóa dân gian Trần Đức Ngôn day dứt: Thương mại hóa ấn đền Trần sẽ gây nên nhiều bất ổn trong xã hội. Trải qua thời gian, ý nghĩa lễ khai ấn ngày càng mở rộng và trở thành một tín ngưỡng của cả dân tộc mang theo sự thịnh vượng. Ý nghĩa linh thiêng nhất của lễ khai ấn là ở thời khắc đóng ấn cầu cho quốc thái dân an. Và trong thời khắc thiêng liêng ấy, người ta cũng chỉ đóng một số lượng ấn có hạn, thậm chí chỉ đóng một lần để khai mở ra những may mắn bắt đầu cho một năm mới.

Thế mà Ban tổ chức lễ khai ấn đã phát hành hàng ngàn lộc ấn - phải chăng đó cũng là một vấn đề mà lãnh đạo tỉnh Nam Định cũng nên... rút kinh nghiệm để tổ chức được lễ khai ấn: “Là để mở đầu cho một năm mới với mong muốn may mắn, an khang thịnh vượng, cầu xin trời đất mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, mùa màng bội thu, chứ không phải ý nghĩa chính nằm ở chỗ cầu cho mỗi cá nhân có thể thăng chức, nhiều tiền, nhiều lộc. Đó chính là những điều mà người ta hiểu sai về ý nghĩa của lễ khai ấn đền Trần” - theo như ý kiến của PGS-TS Trần Đức Ngôn.


Nguồn:
Ngẫm chuyện thăng quan tiến chức nhờ... lộc ấn



15/2/11

ẢNH BÁO CHÍ XUẤT SẮC 2010


Sáng 11.2.2011, ban giám khảo quốc tế Cuộc thi Ảnh Báo chí Thế giới (WPPC) lần thứ 54 đã vinh danh nhà nhiếp ảnh Nam Phi Jodi Bieber đoạt giải Ảnh Báo chí Thế giới năm 2010 với bức ảnh chân dung Bibi Aisha, cô gái Afghanistan bị cắt mũi vì dám chạy trốn khỏi nhà chồng. Bức ảnh chụp tại Kabul, Afghanistan.

5.691 nhà nhiếp ảnh đã gửi 108.059 tác phẩm tham dự WPPC lần này. Sau 2 tuần chấm điểm, ban giám khảo đã lựa chọn ra 56 tấm ảnh để trao giải theo 9 thể loại. Đây là cuộc thi ảnh danh giá nhất thế giới.

1. Bibi Aisha, cô gái 18 tuổi ở tỉnh Oruzgan province (Afghanistan) do bị ngược đãi đã bỏ nhà chồng về gia đình bố mẹ đẻ. Một đêm Taliban đã ra tay xét xử cô. Sau khi chỉ huy Taliban đọc bản án, anh chồng Bibi đã giữ chặt cô để chồng cô cắt hai tai và xẻo mũi cô. Bibi bị ruồng bỏ, nhưng đã được các nhân viên cứu trợ và quân đội Mỹ cứu sống. Sau một thời gian sống tại trại tị nạn phụ nữ ở Kabul, cô được đưa sang Mỹ. Tại đây cô được tư vấn và thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Bibi hiện sống tại Mỹ.

Tác giả ảnh: Jodi Bieber, Nam Phi, Institute for Artist Management/Goodman Gallery dành cho tạp chí Time.


2. Các nạn nhân bị lũ lụt tranh giành lương thực mà máy bay trực thăng của quân đội Pakistan thả xuống cứu trợ tại Dadu, ngày 13.9. Giải nhất thế loại : People in the News Stories. Tác giả: Daniel Berehulak, Australia, Getty Images.


3. Julian Assange, người sáng lập website WikiLeaks, tại London (Anh) ngày 30.9. Giải nhì thể loại: People in the News Single. Tác giả: Seamus Murphy, Ireland, VII Photo Agency.

4. Nguyễn Thị Lý, 9 tuổi, nạn nhân Chất độc Da cam, tại Đà Nẵng, Việt Nam. Giải Nhì thể loại: Contemporary Issues Single. Tác giả: Ed Kashi, USA, VII Photo Agency.

5. 4 người tị nạn Somalia trên đường hành trình tới Yemen, ngủ trên sa mạc sau một đêm vượt những con đường bùn lầy dưới trời mưa. Ảnh chụp ngày 15.3. Giải nhất thể loại: Contemporary Issues Stories. Tác giả Ed Ou, Canada, Phóng sự của Getty Images.

6. Người đàn ông vác cá mập trên đường phố Mogadishu, Somalia, ngày 23.9. Giải nhất thể loại: Daily Life Single, Omar Feisal, Somalia, chụp cho Reuters.

7. Một chuyến tầu hỏa chở quá nhiều người vào ga Dhaka, Bangladesh, ngày 16.10. Giải ba thể loại: Daily Life Single. Tác giả: Andrew Biraj, Bangladesh, Reuters.

8. Quang cảnh đô thị ở Calcutta, Ấn Độ. Giải nhất thể loại: Daily Life Stories. Tác giả: Martin Roemers, Hà Lan, Panos Pictures.

9. Vận động viên Anh Thomas Daley thi nhảy cầu ở vòng loại trong khuôn khổ Olympics Trẻ tổ chức tại Singapore ngày 22.8. Giải nhất thể loại: Sport Stories. Tác giả: Adam Pretty, Australia, Getty Images.

10. Cầu thủ Hà Lan Demy de Zeeuw bị cầu thủ Uruguay Martin Caceres đá vào mặt trong trận đấu bán kết World Cup 2010 tại Cape Town ngày 6.7. Giải nhất thể loại: Sport Single. Tác giả: Mike Hutchings, Nam Phi, Reuters.

11. Kirill Lewerski, học viên hải quân tại tầu Kruzenshtern (Nga). Giải nhì thể loại: Portraits Single. Ảnh: Joost van den Broek, Hà Lan, de Volkskrant.

12. Tự chụp ảnh cho mạng xã hội. Giải nhì thể loại: Portraits Stories. Tác giả: Wolfram Hahn, Đức.

13. Tuần lễ Thời trang Milan: Show trình diễn của Valeria Marini show. Giải nhì thể loại: Arts and Entertainment Single. Tác giả: Davide Monteleone, Italy, chụp cho Tạp chí The New York Times Style.

14. Nữ võ sĩ phi thân Bolivia: Lucha libre là một trong những môn thể thao phổ biến nhất ở Bolivia. Các nữ võ sĩ được gọi là "cholita". Carmen Rosa và Yulia la Pacena biểu diễn để quyên tiền xây dựng nhà vệ sinh cho trường học ở La Paz, Bolivia ngày 26.6. Giải nhì thể loại: Arts and Entertainment Stories. Ảnh: Daniele Tamagni, Italy.

15. Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il (phải) và con trai Kim Jong Un tham dự cuộc duyệt binh kỷ niệm 65 năm Đảng Lao động Triều Tiên tại Bình Nhưỡng ngày 10.10. Giải ba thể loại: People in the News Singles. Tác giả: Vincent Yu, Associated Press.

16. Cậu bé đứng gần ngôi Chợ Sắt đang bốc cháy ở thủ đô Port-au-Prince (Haiti) ngày 18.1. Giải nhất thể loại: General News Single. Tác giả: Riccardo Venturi, Italy, Contrasto.

17. Người đàn ông quăng thi thể một em bé tại nhà xác bệnh viện đa khoa ở Port-au-Prince (Haiti) ngày 15.1, sau trận động đất mạnh 7 độ Richter tàn phá thủ đô Haiti ngày 12.1. Giải nhất thể loại: General News Stories. Ảnh: Olivier Laban-Mattei, Pháp, Agence France-Presse.

18. Cú nhảy tự sát tại Budapest, Hungary, ngày 22.5. Giải nhất thể loại: Spot News Single. Tác giả: Peter Lakatos, Hungary, MTI.

19. Biểu tình chống chính phủ tại Bangkok, Thailand, tháng 5.2010. Giải nhì thể loại: Spot News Stories. Tác giả: Corentin Fohlen, Pháp, Fedephoto.

20. Tín đồ Hindu người Indonesia đi bộ về hướng núi lửa Bromo vừa phun nham thạch để dâng lễ vật tại một ngôi đền nằm ở chân núi, cạnh làng Ceromo Lawang, phía đông đảo Java của Indonesia ngày 24.12. Giải ba thể loại: Nature Stories. Tác giả: Christophe Archambault, AFP, Getty Images.

21. Một phụ nữ Indonesia đeo khẩu trang chống khói bụi đứng tại làng Cemoro Lawang ngày 24.12. Giải ba thể loại: Nature Stories. Tác giả: Christophe Archambault, AFP, Getty Images.

22. Cá cờ Đại Tây Dương tấn công cá mòi Tây Ban Nha ngoài khơi bán đảo Yucatan, Mexico. Giải nhì thể loại: Nature Single. Tác giả: Reinhard Dirscherl, Đức.

23. Thiên nga Whooper (bắc bán cầu) trong cảnh bình minh tại Hokkaido, Nhật Bản, tháng 1. 2010. Giải nhì thể loại: Nature Stories. Tác giả: Stefano Unterthiner, Italy, chụp cho tạp chí National Geographic.


Nguồn:
World Press Photo: winners


 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết