21/2/11

BÁNH CHƯNG QUA RẰM




Bánh chưng để qua Rằm tháng Giêng thì chắc chắn là thiu hết. Năm nay lạnh, bánh có thể không thiu, nhưng chắc chắn sẽ bị “lại gạo”.

Thật ra, nàng cũng không dám chắc điều đó. Nàng chỉ phỏng đoán khi nhìn thấy 8 cái bánh chưng dài vẫn để trong tủ lạnh. Bánh chưng dài thì gọi là “bánh tày”. Đấy là cách gọi của quê nàng, vùng bán sơn địa, bao năm vẫn chẳng thay đổi chút gì. Rõ nhất là cái bánh chưng ngày Tết bao năm vẫn... dài như thế, xắt ra thành những khoanh tròn, gắp vào bát, lấy đũa “gẩy” chút nhân ở giữa ra, là miếng bánh chưng bị thủng một lỗ hệt như đồng xu. Một “đồng xu” chán nhất thế giới.

Nàng chán cái bánh chưng dài quê nàng từ hồi nhỏ. Bà ngoại ngày xưa, cùng mẹ nàng và các dì là những người rất khéo léo. Nàng phải thừa nhận như thế. Bánh chưng được gói rất tròn, rất chặt, xắt ra đĩa rất đẹp, nhưng phải mỗi tội là rất ít nhân. Mỗi “đồng xu” bánh chưng ấy chỉ có một nhúm nhân đỗ ở giữa và một mẩu thịt tựa như một hòn bi. Từ hồi còn bé, mỗi lần chuẩn bị nấu bánh chưng là nàng lại “ì èo” với bà với mẹ về chuyện này.

Nhưng công thức 9 đấu gạo một đấu đỗ, 2 lạng thịt cho nồi bánh chưng Tết đã hằn vào trong óc bà ngoại nàng từ thời tản cư đói kém, rồi truyền cho mẹ nàng và các dì trong thời bao cấp khốn khổ. Mẹ nàng, kể cả khi con cái đã thành đạt, vẫn không chịu bỏ công thức đó. (Tết năm nọ, hồi nàng sắp lấy chồng, hai mẹ con suýt cãi nhau chỉ vì nàng xúc thêm mấy đấu đỗ nữa để ngâm thêm. Không can được con, mẹ nàng quay ra sụt sịt than nghèo kể khổ, vu cho nàng sắp về thành phố giàu có, ăn sung mặc sướng rồi, coi khinh mẹ và các dì ở quê. Đến nước đó thì nàng đành phải chấp nhận ăn một cái Tết cuối cùng ở quê với những “đồng xu” bánh chưng chán nhất thế giới).

Cũng như mẹ nàng, các dì của nàng kể từ khi lập gia đình riêng, cũng kế thừa công thức bánh chưng ấy một cách xuất sắc. Cho đến tận Tết này, khi nàng đưa gia đình về quê dự đám khao thọ của mẹ, giữa mâm cỗ ê hề, nàng vẫn thấy những “đồng xu” bánh chưng khốn khổ ngày nào: chỉ có một tí nhân ở giữa. Thằng cu nhà nàng, hệt như nàng ngày xưa, dùng đũa chọc thủng miếng nhân bằng hai ngón tay ở giữa, rồi xỏ miếng bánh chưng vào chiếc đũa chạy nhung nhăng khắp nhà. Chồng nào phì cười. Nàng cũng cười nhưng trong lòng thấy ngường ngượng.

Nỗi ám ảnh bánh chưng không buông tha nàng khi trở về thành phố, mẹ nàng, các dì nàng xúm xít chạy theo, mỗi người xách toòng teng theo một xâu hai cái bánh chưng buộc díu vào nhau. Phải vất vả lắm, nàng mới ngăn được cả một nong bánh chưng muốn đổ vào cốp xe ô tô. Dì Ba, dì Tư, dì Năm cùng bảo, bánh chưng biếu nàng đã được mẹ và các dì để dành suốt cả Tết, cháu không nhận thì các dì vứt bỏ ra ao đấy. Các con dì cũng xúm lại bảo, hai cái bánh chưng cho chị, mẹ chúng em đã buộc díu lạt vào nhau để đánh dấu từ khi gói. Cả Tết, mẹ chúng em cứ thấp thỏm chờ chị về, chị không nhận bọn em buồn lắm đấy.

Cuối cùng nàng phải nhận mỗi nhà một đôi bánh chưng, tổng cộng 8 cái, chắc phải ăn cả tuần mới hết.

Nói vậy thôi, chứ 8 cái bánh chưng ấy ăn hết thế nào được. Cứ nghĩ đến việc xắt ra thành những “đồng xu” bánh chưng, nàng đã thấy phát ớn. Đã thế mẹ nàng, các dì nàng mấy lần điện xuống để hỏi thăm công việc đầu Xuân, vẫn không quên hỏi bánh chưng có ngon không, đã ăn hết chưa? Suýt nữa nàng phì cười thành tiếng.

Và bây giờ, đã qua Rằm tháng Giêng, nàng tin rằng tất cả chúng đã thiu hoặc chí ít là “lại gạo”, không ăn được nữa.

Nàng yên tâm vứt chúng ra thùng rác trước cửa, cả thảy 8 cái bánh. Sáng hôm sau, nàng hơi ân hận khi thùng rác bị chuột bới lung tung, mấy cái bánh chưng bị chúng kéo ra khắp cổng, cắn xé vương vãi. Trong khi dọn dẹp, nàng bỗng thấy đỗ xanh và thịt rất nhiều, bị chuột tha đi khắp nơi. Nàng nhặt một đôi bánh chưng mới bị chuột cắn một góc lên lên. Bên trong là cả một khối toàn nhân đỗ với thịt, chỉ có một lớp bánh bao bên ngoài, mỏng như vỏ vải.

Lũ chuột dù cắn xé tả tơi, vẫn không cắn đứt được những chiếc lạt mà mẹ nàng và các dì đã cố ý buộc từng đôi bánh lại với nhau để đánh dấu. Nàng chợt hiểu ra rằng đó là những cặp bánh chưng đặc biệt mà quê ngoại đã vượt qua “công thức chán nhất thế giới” để gói dành riêng cho nàng.

Thiếu Phương


Nguồn:
Bánh chưng qua rằm



15 comments:

PTN on lúc 14:42 21 tháng 2, 2011 nói...

Em thì yêu nhất bánh chưng tày, chưa bao giờ thích bánh chưng vuông, cái đồng xu ấy chắc đứa trẻ nào cũng đã từng nghịch, nhưng chưa bao giờ em nghĩ nó "chán nhất thề giới" cả !
hi hi, may quá, thế cho nên chắc chắn trong đời mình không có phút giây "chợt hiểu ra rằng..." như nàng ở đây !

Lana on lúc 15:00 21 tháng 2, 2011 nói...

Bánh tày đúng là bao giờ cũng ít nhân hơn bánh vuông. Đơn giản là vì nó rất khó gói để nhân không bị lộn ra ngoài.

Nhưng comment thế là lạc đề. Thông điệp câu chuyện này hoàn toàn khác. Viết rất hay.

Chợt nghĩ, người viết có thể lấy tựa đề là 'Lại gạo'.

LU on lúc 15:03 21 tháng 2, 2011 nói...

Hình như bánh chưng tròn trong nam gọi là bánh tét thì phải?
Năm nay em chén hết được 1 cái bánh chưng vuông, trong 1 tuần, nên nó ko bị lại gạo.
Thật ra em định chén thêm 1 cái nữa, nhưng đã bị đứa kia trấn lột hết 1 cái rồi.

Titi on lúc 15:26 21 tháng 2, 2011 nói...

Oài, một ví dụ điển hình của lối sống duy tình nhưng chẳng thấu tình cho nên hai thế hệ cùng gia đình vất vả mãi mới hiểu được nhau.
Đúng vậy, người con bị bệnh đã ghét thì thường định kiến, cho dù đồ ấy đến từ đâu nhưng đã ghét thì vẫn sẵn sàng bỏ đi chẳng buồn ngó đến. Bánh trái chỉ là hình thức, nội dung của nó chính là tình yêu của mẹ, của dì vậy mà vẫn đang tâm ném đi.
Còn người mẹ và các dì khá hơn chút, thương yêu thì làm bánh tặng, mãi mới thay đổi được cách gói để chiều lòng con nhưng chẳng dám nói ra sự thay đổi, cứ im thít và bắt con cháu không thích vẫn phải nhận , cho nên hai bên phải trải qua bao dằn vặt với nhận ra tình yêu của nhau. Hic ... trong khi chỉ cần 1 phút để lắng nghe , để trao đổi trực tiếp với nhau sở thích và nguyện vọng về cái bánh chưng. hi hi....

Thuy Dam Minh on lúc 16:33 21 tháng 2, 2011 nói...

Cái bánh chưng, bánh tày, bánh tét chỉ là cái bánh, như lâu nay chúng ta vẫn tưởng. Ài dè, nó có tiếng nói riêng của nó, và cũng nói lên nhiều điều!

L2C on lúc 20:33 21 tháng 2, 2011 nói...

Kinh nghiệm xương máu cho thấy nếu muốn các cụ thay đổi, hãy quan sát họ len lén thay đổi.

Được cụ dân chủ trao đổi thẳng thắn thì mới hy vọng có câu 'đấy mẹ đã gói đúng ý chị rồi đấy nhé'

PTN on lúc 07:52 22 tháng 2, 2011 nói...

Ủa, ko có lạc đề chị Lana ơi, em viết đúng theo logic của bài đấy chứ. Đoạn 1 là "bánh chưng", đoạn 2 là vấn đề "thông điệp" của chị đấy, hic hic, có chăng là hơi khoe nhỉ, nhưng thật đấy, ai lại ko nhận ra sự thay đổi lớn thế từ người thân để phải có phút giây "chợt hiểu ra rằng..." !
Mà chắc tại em viết nhảy cóc quá, đáng lẽ 3 đoạn thì rõ hơn. Em hay mắc lỗi này, nghĩ nhanh viết chậm nên nhiều khi lỗ chỗ, hì hì

VMC on lúc 10:28 22 tháng 2, 2011 nói...

@PTN:
Nếu như ăn bánh chưng (hoặc bánh tày, bánh tét...) có người thích ăn nhân, thì cũng có người thích ăn vỏ. Hoặc lại có những người thích cả nhân lẫn vỏ (như anh chẳng hạn). Anh cũng đã được nếm bánh tày, cái bánh này ngon là ở chỗ nó có ít nhân.

VMC on lúc 10:29 22 tháng 2, 2011 nói...

@Lana:
Đồng ý với Lana về chuyện "lạc đề".

@LU:
Bánh tét của miền nam khác với bánh tày của miền bắc.
Tưởng đâu LU có 3 cái bánh chưng?

VMC on lúc 10:31 22 tháng 2, 2011 nói...

@Titi:
Tóm lại là cứ phải nói ra cho nhanh hiểu và dễ hiểu. Nhưng cái gì cũng nói thẳng ra thì đời sống có khi mất hết thi vị. Câu chuyện trên cho thấy hóa ra người già lại dễ thay đổi hơn người trẻ, còn người trẻ thì lại cực đoan và định kiến quá.

VMC on lúc 10:34 22 tháng 2, 2011 nói...

@A Thụy:
Vâng, hóa ra cái bánh tày còn là câu chuyện xung quanh sự khác biệt giữa các thế hệ.

@L2C:
Nhưng trước khi len lén quan sát họ thay đổi thì cũng phải góp ý chứ?

L2C on lúc 12:52 22 tháng 2, 2011 nói...

Bác nói đúng quá, là em nghĩ nhanh quá đánh ra ko kịp.

Ý em là cô gái tranh cãi, ì èo sẽ không hiệu quả bằng góp ý rồi lẳng lặng đợi một ngày đẹp trời bà mẹ sẽ lặng lẽ thay đổi. Vì người lớn tuổi ở ta rất ít khi muốn công nhận ta phải điều chỉnh theo người trẻ.

LU on lúc 12:52 22 tháng 2, 2011 nói...

anh Cường : cái bánh mờ ko có hút chân không, chỉ gói lá chuối, em sợ qua hải quan bị túm bể ổ nên em đã chén tại chỗ ở hotel roài.
Cả ngày nhịn đợi ăn chiều nên em quyết định chơi nó luôn. Tình hình là 3/4 cái nằm trong bụng em, còn 1/4 đã vĩnh viễn nằm lại trong tủ lạnh của hotel. Hai cái hút chân không được cấp giấy thông hành theo em dìa Mỹ ;))

Titi on lúc 13:52 22 tháng 2, 2011 nói...

Thế nên em mới nói là mí mẹ và các dì khá hơn mà. Nhưng vẫn là quá chậm cho 1 vấn đề cực kỳ đơn giản, đơn giản hơn nữa khi cả hai đều có tình yêu trong người mà không để tình yêu lên tiếng. Không phải cái gì cũng nói ra, nhưng trong cuộc sống có rất nhiều cái nên nói ra, nhất là khi tình yêu thương bị ảnh hưởng đến mức khó chịu và gây ấm ức cho cả hai. Quan trọng là con biết cách góp ý và người già cùng biết lắng nghe :-)
Ở đây, người con yêu mẹ nhưng vẫn khó chịu với ký ức nghèo của thế hệ trước, có nghĩa tình yêu ấy quá bé , bé đến mức chỉ nhìn thấy cái nghèo xấu xí mà hong nhìn thấy sự nỗ lực vượt qua cái nghèo của mẹ đáng giá như thế nào. Còn người già nhiều tình yêu hơn, ít ích kỷ hơn, tất nhiên là thế, nên chịu thay đổi theo con nhưng chỉ vì không cởi mở, không chịu thể hiện tình yêu một cách giản dị là nói thẳng, nên khiến con tiếp tục ấm ức đến cực đoan (vứt cả 8 cái bánh vào sọt rác) .

Chúng ta rất biết truyền thông có tác dụng thế nào, nhưng vì từ bé đã không được dạy dỗ phải nói ra chính kiến, phải tích cực giao thiệp thẳng thắn với thế giới, nên chúng ta chịu nhiều thiệt thòi trong cả công việc và tình cảm. Sự tế nhị chỉ đẹp khi sự tế nhị ấy không kéo dài hiểu lầm và làm ô nhiễm không khí cuộc sống :-)

Sơn Nguyễn nói...

Đọc xong không hiểu sao lại cảm thấy nhói nhói trong lòng. Con cái đôi khi không thể được tấm lòng của cha mẹ mình. Thấy tiếc mấy cái bánh trưng quá!

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết