26/2/11

NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ Ở LẠI...


Ngày 12.8.2000, nước Nga và thế giới sững sờ khi hay tin Kursk – một trong những con tầu ngầm nguyên tử hiện đại nhất của Hải quân Nga bị đắm, khiến 118 thủy thủ hy sinh. Hơn 10 năm đã trôi qua, gia đình họ với những người vợ góa con côi hiện nay sống ra sao?

Bà Sofia Dudko (ảnh trên), mẹ của sĩ quan Sergei Dudko - trợ lý chỉ huy tàu Kurk, đã dọn từ Belarus lên cố đô Nga St. Petersburg sinh sống trong căn hộ mà chính phủ Nga cấp. Trong căn phòng rộng treo toàn ảnh, huân huy chương và các vật dụng của Sergei. Bà nhận được những tấm huân huy chương này vào thời điểm 1 năm 5 tháng sau khi thảm họa xảy ra. Trước đó chúng nằm trong con tàu ở độ sâu 100 mét nước.

Hóa ra vào đúng chuyến đi biển cuối cùng đó, không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà Sergei lại cầm theo bộ quân phục đại lễ và giữ nó trong phòng nhỏ của mình dưới tầu. “Sergei sinh ra để theo nghiệp nhà binh. Nó không hề có mơ ước nào khác. Giờ đây khi nó đã mất, mỗi năm chúng tôi có 3 dịp để ngồi tưởng nhớ tới nó: Đó là ngày sinh nhật 27.2, ngày tầu Kursk bị chìm 12.8 và ngày cưới của nó với Oksana” - bà Sofia kể.

Hàng xóm của bà cũng là những người mẹ góa con côi của các thủ thủy đã hy sinh trong tai nạn tầu Kursk. 34 gia đình đã từng sống ở những thành phố khác nhau của nước Nga có chung một nỗi đau giờ tụ họp sinh sống tại mảnh đất cố đô Nga. St. Petersburg đón họ như những người thân. Họ được cấp những căn hộ rất đẹp, được hưởng tiền trợ cấp, bảo hiểm và 10 năm lương của người đã khuất. Mỗi gia đình được mở một tài khoản để nhận những khoản đóng góp hảo tâm của các quỹ tư nhân. Chính quyền đặt tương lai cho những đứa con của các thủy thủ lên hàng đầu. Chúng được tạo điều kiện theo đuổi học vấn bằng tiền ngân sách nhà nước.

Sergei có hai người con: Con trai anh giờ theo học tại Đại học Bách khoa danh tiếng, còn con gái thì đang học lớp 8. Chị Oksana dường như vẫn chưa nguôi ngoai với nỗi đau cũ, nên vẫn chưa chịu đi bước nữa. “Hai đứa yêu nhau từ thời còn học sinh. Sergei hồi đó rất đẹp trai, cao 1m8, lũ con gái đứa nào cũng ghen tị với Oksana. Nhưng phải đến khi học năm thứ tư mới kết hôn” - bà Sofia kể.

Sergei và Olga trong ngày cưới

Nhưng không phải ai cũng như Oksana. Phần lớn vợ góa của các thủy thủ đều có cuộc sống lứa đôi mới khá êm ấm. Họ có con, nhưng không làm hôn thú với những người chồng dân sự để khỏi mất khoản trợ cấp của quân đội. Bà Sofia tỏ ra thông cảm với họ: “Có ba thế hệ vợ góa của các thủy thủ tầu Kursk: Những phụ nữ đứng tuổi có con lớn; những phụ nữ có con nhỏ và những cô gái tầm 20-22 tuổi. Không thể bắt họ cả đời mặc tang phục được. Nhưng cũng có những người hơi vội vàng, chồng chết chưa được một năm thì đã đi bước nữa...”

Irina Lyachina, vợ góa của Gennadi Lyachin - chỉ huy tầu Kursk, Anh hùng Liên bang Nga, có thời đã định làm chính trị. Thậm chí bà còn ra tranh cử đại biểu Duma Quốc gia (Hạ viện). Giờ đây bà giữ trọng trách trợ lý của ông Sergei Mironov - Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện), phụ trách vấn đề bảo đảm xã hội cho quân nhân và có văn phòng riêng tại St. Petersburg. Con trai bà là Gleb nối nghiệp cha, anh hiện đang phục vụ trong lực lượng hải quân Nga.

Ekaterina Bagryantseva, vợ của đại úy Vladimir Bagryantsev, trong suốt những năm qua không chịu rời xa... chồng. Cuộc sống của chị giờ đây gắn liền với ngôi đền xây trong nghĩa trang Serafimovskoe, nơi chồng chị yên nghỉ. Chị ở đó chăm sóc số kỷ vật ít ỏi mà chồng chị để lại: chiếc quân hàm, bức tranh thánh nhỏ xíu, chiếc thánh giá anh luôn đeo trong người đã bị sức ép từ vụ nổ làm cho cong queo. Đại úy Bagryantsev là người rất mộ đạo. Trước chuyến đi biển định mệnh, ông đã gặp Vasili Ermakov - vị tăng lữ nổi tiếng ở St. Petersburg và tặng cho ông chiếc bánh lái của con tầu. Con trai của vợ chồng Bagryantsev đã tốt nghiệp trường hàng hải ở Kaliningrad và cũng gắn bó với biển.

Khu tưởng niệm các thủy thủ tầu Kursk
tại nghĩa trang Serafimovskoe
(St. Petersburg)

Trong những ngày tang thương tháng 8.2000, báo chí đều đăng tải tấm ảnh trung úy Dmitri Kolesnikov rạng rỡ ôm vợ quay trong điệu waltz đám cưới. Hạnh phúc của họ chỉ kéo dài vỏn vẹn có 3 tháng 15 ngày. Trong cái lạnh lẽo và tối tăm của khoang số 9, anh đã để lại những dòng chữ tuyệt mệnh bằng bút chì khiến cả nước Nga phải rơi lệ: “Olga, anh yêu em. Đừng quá buồn thương, em nhé!”. Nhờ những dòng chữ đó mà người ta biết rằng không phải toàn bộ thủy thủ đoàn hy sinh ngay sau khi con tầu bị chìm.

Olga sau đó đã xuất hiện trong một bộ phim tài liệu của Na Uy kể cho cả thế giới nghe về mối tình bi thảm của mình. Giờ chị làm việc trong một vườn trẻ, nuôi dạy đứa con gái được đặt tên giống như bố là Dmitria. Tuy nhiên, quan hệ giữa Olga và bố mẹ chồng lại không được như mong muốn. Năm 2005, ông Roman Kolesnikov đã đệ đơn lên Tòa án Châu Âu về quyền con người yêu cầu điều tra lại toàn bộ vụ tai nạn kinh hoàng và bi thảm của tầu Kursk.

Bà Sofia Dudko thừa nhận, đến ngày hôm nay “không còn ai hỏi hai gì về nguyên nhân tai nạn tầu Kursk, không còn ai tìm hiểu xem sự thật ở đâu”. Nhân 10 năm tưởng nhớ thảm họa, gia đình của các thủy thủ muốn liên kết lại với nhau, thành lập một tổ chức xã hội với mục tiêu quan tâm tới tất cả những gì liên quan đến tầu Kursk. Bà Sofia nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn xuất bản một cuốn sách nhân 15 năm con tầu gặp thảm họa. Chúng tôi sẽ làm tất cả để cuốn sách được xuất bản. Nếu không thiên hạ sẽ lãng quên”...

BONUS



6 comments:

Pig on lúc 23:42 26 tháng 2, 2011 nói...

e vẫn còn giữ cuốn 'bí ẩn tàu ngầm k101' đọc mới thấy Nga hồi đó vẫn khó khăn và khủng hoảng kinh khủng. ấn tượng đầu ko quên của Putin khi mới nhậm chức

Thuy Dam Minh on lúc 00:30 27 tháng 2, 2011 nói...

Anh nhớ vụ này. Không bao giờ quên. Cảm giác hồi đó Nga nhanh hơn, hợp tác quốc tế tốt hơn thì kết quả chưa chắc đã bi thảm như vậy. Anh nhớ không nhầm thì chính người nhái của Nauy mới là người mở được nắp tàu Kursk đầu tiên chứ không phải người nhái Nga.
Nhưng thôi, nói thế để làm gì nữa. Chuyện đã qua từ lâu. Cách xử sự của Chính phủ Nga thật đáng khen và đáng học hỏi. Phóng sự này cảm động lắm!

Titi on lúc 11:29 27 tháng 2, 2011 nói...

Đọc rất xúc động anh à :-(

Em Chuồn on lúc 19:55 27 tháng 2, 2011 nói...

Đọc về những điều CP Nga làm cho người thân ở lại mà thấy ấm áp.

VMC on lúc 20:26 27 tháng 2, 2011 nói...

@Pika:
Đúng là thử thách nặng ký đầu tiên của ông ấy trên cương vị TT.

@A Thụy:
Một người vừa mới ốm dậy, còn đang yếu thì khó mà phản ứng nhanh và hiệu quả ngay được bác ạ.

VMC on lúc 20:27 27 tháng 2, 2011 nói...

@Titi:
Nói chung người Nga luôn có thái độ rất nhân văn trong những sự kiện như thế này.

@Chuồn:
... nhưng người đã khuất thì không thể quay trở lại được nữa.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết