31/7/06

Lý Vũ Xuân và "là mình"



Lý Vũ Xuân (Li Yuchun) nổi danh trên địa hạt ca nhạc ở Trung Quốc, nhưng lại vô danh trong địa hạt điện ảnh. Thế nhưng cô gái này vừa giành mất vai đáng lẽ là của Chương Tử Di trong bộ phim sắp quay có nhan đề "Mộc Lan".

1 tỉ người Trung Quốc bắt đầu biết đến Vũ Xuân kể từ cuộc thi ca nhạc do Đài truyền hình Hồ Nam tổ chức hồi tháng 8.2005, tương tự như Sao Mai Điểm hẹn của ta. Một cô gái cắt tóc ngắn, người phẳng lì như con trai, hát nhạc rock. Bị đánh giá là người có ít cơ hội nhất trong số 6 người lọt vào chung kết, nhưng Vũ Xuân đã làm một cuộc lật đổ ngoạn mục. Cô đã phá tan quan niệm truyền thống của Trung Hoa về phái nữ. Không xí xọn son phấn váy đầm, cô giữ những nét con trai của mình và đốt cháy mình trong từng ca khúc, thu hút 8 triệu tin nhắn và giành chiến thắng oanh liệt trong cuộc thi.



Li Yuchun-Raining MV

Chắc chắn Vũ Xuân cũng nhận được nhiều lời bình phẩm, nhiều lời chỉ trích từ công chúng và những thành viên trong hội đồng nghệ thuật của "China Idol". Nhưng cô đã dũng cảm đối đầu với những lời chỉ trích ấy, kiên quyết "là mình" để đi đến thành công.

Sao Mai Điểm hẹn đã sang đến vòng 2. Có ai dám bất chấp những lời góp ý của các thành viên trong hội đồng nghệ thuật để thực sự "là mình" không? Hy vọng người đó là Mai Trang. Cô bộc lộ một bản lĩnh jazz xuất sắc trong đêm diễn đầu tiên của vòng 2. Cô hát thật xuất thần với một kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện. Chắc chắn, các fan tuổi teen sẽ chẳng bình chọn cho cô đâu. Vì họ còn mải mê với vẻ đẹp Hàn quốc vô thanh của Hà Anh Tuấn. Nhưng thời gian sẽ trả các giá trị về đúng vị trí của nó.

Chắc cô Mai Trang cũng sẽ không đọc blog này của tôi. Tôi thấy cô thật mờ nhạt ở vòng 1, nhưng cô đã bừng sáng ở vòng 2. Và nếu cô cứ tiếp tục "là mình" như đêm diễn vừa qua, chắc chắn VN sẽ có một ngôi sao nhạc jazz thực sự. Rất muốn hy vọng như thế.


27/7/06

Không còn trong danh sách



Một buổi trưa giá lạnh tháng Giêng năm 1986, tôi đến Brest, thành phố cực tây của Liên Xô, nơi đón nhận cú đánh đầu tiên của quân đội Hitler sáng sớm ngày 21.6.1941. Tôi đã có dịp được đi trên những dãy phố đổ nát hoang tàn bởi pháo kích và hít thở thứ không khí sặc mùi khói súng, khi đắm chìm trong tác phẩm “Tên anh không có trong danh sách” của Boris Vasiliev.

Đi lang thang trong thành phố cho đến lúc mỏi dừ chân, tôi trở về khách sạn và làm một giấc ngủ vùi. Khi tôi tỉnh dậy, thì màn đêm xanh thẫm đã phủ kín ngoài ô cửa sổ. Đã 8 giờ tối. Rôi nảy ra ý định làm cuộc dạo chơi đêm trong pháo đài Brest.

Chiếc xe trolleybus thả xuống bãi tuyết mênh mông người du khách duy nhất đến thăm pháo đài vào cái giờ muộn mằn ấy, rồi lại quày quả bỏ đi kéo theo âm thanh rin rít của ròng rọc cần điện xiết vào các đương dây cùng với tiếng nghiến lạo xạo của bánh xe vào lớp tuyết trên đường. Người lính gác cổng còn rất trẻ nhìn tôi bằng ánh mắt hồ nghi, nhưng không hỏi gì cả.

Thật không uổng công chút nào. Quang cảnh đổ nát của pháo đài hầu như vẫn còn được giữ y nguyên. Tất cả được chiếu bằng thứ ánh sáng đỏ trông thật ấn tượng. Những tiếng u u rờn rợn không hiểu phát ra từ đâu khiến tôi có cảm giác như linh hồn của hàng vạn người lính đang đuổi nhau trong những dãy đường hào. Tôi đánh bạo rẽ xuống một căm hầm đỏ quạch và bỗng giật mình kinh hãi bởi tiếng rào rào của bánh xe xích. Định thần lại, tôi phát hiện ra đó chỉ là tiếng vỗ cánh của bầy quạ hoang đen trũi bị sự xuất hiện của tôi làm cho tỉnh giấc.

Tuyết trắng và sự quạnh quẽ khiến tôi thấy lạnh. Đang run rẩy thử đếm số những người lính vô danh trên tấm bia tưởng niệm khổng lồ, tôi thấy sau lưng có tiếng người: “Chào con trai! Sao lại đến đây đêm hôm khuya khoắt thế này?” Tôi ngoảnh lại. Một người đàn ông chừng 60 tuổi đang hướng ánh mắt nhân từ vào tôi. Tôi ngập ngừng: “Bác là…?”

- Ta là Ivan Pavlovich, bảo vệ ở pháo đài. Con từ đâu tới đây?

Mắt người đàn ông như sáng lên khi tôi tôi nói đến từ Việt Nam. Ông ôm chấm lấy tôi, như ôm đứa cháu từ xa trở về: “Ồ, cậu bé yêu quý. Ta đã ủng hộ Việt Nam suốt những năm trai trẻ của mình. Ở cái nơi heo hút này ta chưa bao giờ dám hy vọng được gặp đại diện của một dân tộc anh hùng như vậy”.

Nhìn mớ quần áo rét mỏng manh của tôi, Ivan Pavlovich xót xa: “Sao con lại có thể ăn mặc phong phanh như vậy được? Ngoài trời lạnh những 15 độ âm. Con hãy mặc áo panto và đội mũ lông của ta cho đỡ lạnh”. Tôi ái ngại: “Cháu về ngay bây giờ. Bác còn trực ở đây, bác sẽ cảm lạnh mất”. Ivan Pavlovich cười: “Ta còn có cái này” – ông rút trong túi ra một chai nhỏ: “Samogon (*) ta nấu đấy. Con làm một hớp nhé!”

Ivan Pavlovich cởi áo và mũ, khoác chúng lên người tôi. Ông rót rượu ra cái nắp nhỏ, chìa cho tôi uống trước. Nắp rượu làm tôi ho sặc sụa, nhưng quả nhiên sau đó, người tôi nóng rực lên.

Tôi và Ivan Pavlovic nói chuyện với nhau mãi. Trước lúc chia tay, tôi cương quyết gửi trả lại ông áo panto và mũ lông. Ông buồn.

Năm năm sau, mùa thu 1991, tôi lại có dịp quay trở lại Brest. Con tàu từ Varsava đi Mátxcơva dừng lại ở Brest hơn một tiếng đồng hồ. Tôi vội vã lấy taxi đi vào pháo đài, hy vọng chuyển được cho Ivan Pavlovich một món quà nhỏ. Vẫn bằng ánh mắt hồ nghi như tôi đã thấy hồi nào, người đàn ông trung niên ở khu di tích giở một quyển sổ trên bàn rồi nói:

- Không còn trong danh sách nữa rồi. Ông ta đã chết cách đây ba năm. Chết vì rượu. Ông ấy say rượu trong ca trực đêm, vứt hết áo ấm, nằm gục trên tuyết. Chết vì lạnh thì đúng hơn.

Có gì đó không ổn! Ivan Pavlovich không chết vì rượu. Suốt cho đến tận bây giờ tôi vẫn đinh ninh như thế. Hình như có ai đó đã ngoan ngoãn mặc áo panto và đội mũ lông mà ông hào phóng đưa cho như những người Nga chân chính vốn hào phóng vào một đêm đông giá rét nào đó năm 1988 chăng?

-----

(*) samogon: rượu vodka tự nấu

(đăng trên báo Lao Động, Chủ nhật ngày 11.8.1996)

25/7/06

Sức mạnh của người chớm già



Bác Hoàng Liễn là người bạn mới quen của mình. Hôm nay gặp bác ấy, được bác khoe 2 tin mừng. Tin thứ nhất, con gái đã mang bầu được vài tuần. Tin thứ hai, bác mới đón một đứa con nữa chào đời. Híc, nhưng mà là đứa con tinh thần, tức tập thơ "Một phút và một đời".

Bìa sách được vẽ rất đẹp. Lâu mình không đọc thơ, vì chán những tâm sự anh em nghèo nàn buồn chán mang đậm dấu ấn những cái gọi là "bi kịch cá nhân" được tác giả thổi phồng.

Nhưng thơ của bác Liễn thì khác. Trong đấy có tâm sự của một người chớm già - địa hạt mà mình hoàn toàn không có kinh nghiệm. Trong thơ của bác có sự hào sảng trai tráng, sự trải nghiệm đau đớn và tình yêu cuộc sống vô bờ bến.

Một người đàn ông ngoài 50 mà vẫn trong sáng. Kể cũng lạ.


Xin giới thiệu với mọi người hai bài thơ của bác Liễn:


BIỂN, SÓNG VÀ ANH

Em không muốn anh là con sóng biển
Bởi sóng tan trước khi vỗ vào bãi cát dài
Ngực biển phập phồng con sóng hát
Lời ru nào để tặng em.

Em không muốn anh là con sóng biển
Em giang tay chẳng ôm được vào lòng
Sóng goá bụa, em càng trơ trọi
Sóng rút đi rồi còn cát với mình em.

Em không muốn anh là con sóng biển
Vô tư cần mẫn trước thời gian
Cứ dữ tợn, cứ thét gào mãnh liệt
Lớp lớp sóng trào dồn dập đổ bờ em.


MỘT PHÚT VÀ MỘT ĐỜI

Ông giời trở gió trêu ngươi
Tôi phơi quả ước chân trời, nắng lên
Trong màn trằn trọc suốt đêm
Nằm nghe gió rít ngoài thềm phiêu diêu

Bóng gầy một gánh liêu xiêu
Ríu ran nắng trắng vườn chiều hôm sau
Dài thêm một chút bên nhau
Để cho cả nửa đời sau không già.

19/7/06

Phòng chữa răng của bà Antonina Ivanovna



Ấy là mùa thu năm 1991. Hơn một tuần sau chính biến nhằm lật đổ Tổng thống Liên Xô Gorbachev, người ta vẫn chưa thèm dọn dẹp những chướng ngại bày ra phía trước Nhà Trắng (Toà nhà Chính phủ Liên Xô). Tôi đứng trước cảnh hoang tàn vắng lặng ấy và đột ngột cảm thấy nhói buốt. Cơn đau không xuất phát từ nơi ngực như tôi tưởng, mà xuất phát từ hàm trái. Răng đau! Khung cảnh ấn tượng trước mắt thốt nhiên không còn ý nghĩa gì nữa. Tôi lê gót đến Quảng trường 1905 và đáp tầu điện ngầm về nhà Igor.

- Cậu không khóc thương cho Gorbachev đấy chứ? – Igor hỏi thay cho câu chào khi nhìn thấy gương mặt khủng khiếp của tôi bên cánh cửa.

- Tớ đau răng. – Tôi khổ sở đáp. Igor mủm mỉm: “Thế thì nguy hiểm thật! Thôi đừng vào nhà nữa. Để tớ mặc cái áo khoác rồi đưa cậu tới bác sĩ”.

Tôi cười méo mó: “Bác sĩ nào? Tớ ngại xếp hàng ở bệnh viện lắm. Thà nằm nhà một lát cho hết đau còn hơn”. Igor cười vang: “Ba năm nay tớ không phải xếp hàng chữa răng nữa rồi. Chắc cậu chưa biết rằng mẹ vợ của tớ là bác sĩ nha khoa”.

Phòng chữa răng ở Mátxcơva bao giờ cũng đông người. Hình như vì nguồn nước ở Mátxcơva không được tốt lắm, hoặc cũng có thể vì người Nga nào cũng thích của ngọt. Một ông già buộc khăn quanh mặt, nhưng vẫn đang cố gắng pha trò cho mọi người bằng cách diễn lại cảnh vị Chủ tịch Uỷ ban Lâm thời Đặc biệt (người đứng đầu nhóm làm chính biến, lúc đó đã vào nhà đá) run rẩy đôi tay trong cuộc họp báo sau đảo chính được phát trên kênh truyền hình toàn liên bang. “Hắn say rượu đấy, - ông già phán – Tôi biết hắn say rượu, bởi cứ lúc nào quá chén là tay tôi cũng run hệt như thế!”. Mọi người bật cười.

Cánh cửa phòng bác sĩ bật mở, một người phụ nữ ngoài 50 mặc áo choàng trắng cầm tay một người ăn vận rất lịch sự kéo ra ngoài. Cơn giận dữ khiến gương mặt phúc hậu của bà méo xệch, nước mắt chực ứa ra và giọng nói lạc đi: “Ông theo tôi đến chỗ giám đốc bệnh viện. Ông xúc phạm tôi quá lắm!” Tất cả mọi người đều sửng sốt nhìn cảnh tượng này. Ông già pha trò nói khẽ: “Hắn là người Mỹ đấy!”. Igor bấm tay tôi: “Đi mau, xem có chuyện gì xảy ra với bà mẹ vợ tớ”.

Ông giám đốc bệnh viện rót cốc nước lọc: “Chị uống nước cho bình tĩnh lại đã, chị Antonina Ivanovna. Nào có chuyện gì thì kể cho tôi nghe”. Như trút được nỗi niềm, bà Antonina Ivanovna nức nở khóc: “Sergey Grigorievich, tôi làm việc ở bệnh viện này đã 30 năm nay. Tôi thế nào thì anh đã rõ, lao động tiên tiến từng ấy năm trời. Chính anh còn nói rằng phải tặng tôi danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”. Nhà nước cũng chưa để tôi đói ngày nào. Thế mà cái ông người Mỹ này, ông ấy xúc phạm tôi, xúc phạm xã hội của chúng ta”.

Người đàn ông Mỹ xanh mặt. Đôi mắt xám của ông ta lộ rõ vẻ ngỡ ngàng. Ông nhún vai tỏ vẻ không hiểu với ông giám đốc bệnh viện. Trông cái bộ dạng ngớ ngẩn bị cắt nghĩa là chế giễu ấy, bà Antonina Ivanovna gầm lên: “Ông nhún vai cái gì?”. Giám đốc bệnh viện bối rối: “Kìa Antonina Ivanovna, ông ta là người nước ngoài…”

Bà Antonina Ivanovna rền rĩ: “Thế cứ là người nước ngoài thì được phép xúc phạm chúng ta à? Tôi chữa răng đã hơn nửa đời người cho hàng vạn người. Đã bao giờ tôi lấy của ai một kôpếch nào chưa? Thế mà cái thằng cha khốn khiếp này lại đưa cho tôi 100 đôla và lại còn hỏi xem như thế có đủ không? Sergey Grigorievich, anh nói xem như thế có được không hả?”.

Đến lúc ấy, bà mới mở bàn tay vẫn bóp chặt ra để cho tờ bạc xanh có hình Tổng thống Franklin bị bóp nhàu nát rơi xuống bàn.

Ông giám đốc ngẩn mặt, chắc ông tưởng phải có chuyện gì ghê gớm hơn thế. Người Mỹ tội nghiệp lắp bắp bằng thứ tiếng Nga ngọng nghịu, hơn nữa lại còn bị quên từ trong cơn bối rối. “Bà ta chữa rất giỏi. Ở Mỹ nếu chữa như vậy thì phải trả đến 200 đôla. Tôi xin lỗi vì cứ nghĩ ở Mátxcơva phải rẻ hơn”.

Ông giám đốc cười xoà: “Đây là bệnh viện Xôviết. Chúng tôi chữa bệnh không lấy tiền. Ông hiểu chưa? Ông hãy xin lỗi bà bác sĩ khả kính của chúng tôi đi!”.

Người Mỹ ớ ra. Rồi chợt hiểu, ông ta cầm lấy tờ giấy bạc, vuốt cho nó thẳng thắn lại, bỏ vào túi và cúi người trước bà Antonina Ivanovna: “Xin lỗi bà”. Nói rồi ông ta ung dung bước ra cửa. Cơn đau răng của tôi đã biến mất từ lúc nào.

Hà Nội, tháng 2.1998

Đăng trên Lao Động, thứ Bảy, ngày 28.2.1998

17/7/06

Edward De Bono - chuyên gia về tư duy sáng tạo



Tấm thảm ở phòng khách chi nhánh của Viện DeBono ở Melbourne (Australia) có 6 vạch đậm mang 6 màu khác nhau: Trắng, đỏ, xanh lá cây, vàng, xanh da trời và đen. Edward De Bono - người đi đầu trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy về tư duy - sáng tạo quan niệm rằng màu trắng tượng trưng cho thông tin; màu đỏ là chuyển động, cảm nhận, trực giác; xanh lá cây là sự sáng tạo; vàng là những giá trị của lợi ích; xanh da trời là những giá trị tổ chức; đen là tính thận trọng, nguy hiểm. Nguyên cách mặc định như vậy đã gợi mở chiều suy nghĩ mới ...

"Ý tưởng là tài chính của thành công. Có ý tưởng, bạn sẽ thoát khỏi cạnh tranh" - Câu nói trên gần như là công thức sống và làm việc của Edward De Bono. Sinh trưởng tại Malta, ông đã trải qua một hành trình không mệt mỏi để đến với các trường đại học danh tiếng như Oxford, Cambridge, Harvard.

Ông là người đưa ra thuật ngữ "lateral thinking", được từ điển Oxford ghi nhận và giải thích như sau: Phương pháp giải quyết các vấn đề một cách gián tiếp hoặc bằng các biện pháp thoạt trông có vẻ vô lý. Sáu màu của ông được mệnh danh là "sáu chiếc mũ suy nghĩ" cực kỳ thông dụng trong giới tư duy sáng tạo.

Lối tư duy của ông được áp dụng và mang lại thành công ở các công ty hàng đầu thế giới như IBM, DuPont, Prudential, Siemens, Electrolux, Shell, Exxon, NTT, Motorola, Nokia, Ericsson, Ford, Microsoft, AT&T, Saatchi and Saatchi. Thế vận hội Olympic lần đầu tiên có lãi được tổ chức tại Los Angeles năm 1984 chính là nhờ áp dụng những công cụ tư duy của De Bono. Tên tuổi của ông được đưa vào danh sách 250 nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nhân loại.


Có may mắn được tiếp xúc với De Bono tại Melbourne - chặng dừng chân ngắn ngủi trong lịch trình dày đặc lên trước hai năm cho các chuyến đi trên toàn thế giới của ông, tôi đề nghị ông gợi ý cho Việt Nam cách thức phát triển tiềm năng công nghệ thông tin mà chúng ta sẵn có trong điều kiện thiếu trang thiết bị vật chất. Nhưng De Bono đã lái câu chuyện sang một hướng khác, theo đúng cách tư duy thoạt nhìn có vẻ vô lý của ông: "Có một câu diễn đạt rất đơn giản mà tôi thường sử dụng vào cuối ngày, đó là nếu bạn muốn đánh giá quá khứ thì hãy thiết kế nên tương lai. Thiết kế tương lai có nghĩa hãy nghĩ về việc sáng tạo và trao đổi giá trị. Điều đó còn có nghĩa hơn nhiều so với những gì tôi thường nghĩ như lo lắng về việc nhận biết và cung cấp các chuẩn mực của tình huống. Và điều đó bao gồm toàn bộ các lĩnh vực: Suy nghĩ truyền thụ kiến thức (instructive thinking), suy nghĩ tổng thể (design thinking), suy nghĩ có tính hợp tác (corporative thinking). Đó sẽ là chìa khoá đối với các bước phát triển ban đầu. Và nó không sẵn có trong hệ thống giáo dục. Hệ thống giáo dục đơn giản chỉ là giảng dạy những kiến thức chúng ta đã biết hay sẵn có. Năm 1985, khi tham gia chương trình cung cấp thiết bị cho các trường học ở một số nước, tôi đã nảy ra ý tưởng rằng với chương trình giảng dạy về ý tưởng, học sinh khi rời khỏi trường sẽ mang theo ý nghĩ rằng họ chính là những người sẽ làm nên những sáng tạo mới. Điều đó có ý nghĩa quan trọng và khác biệt hơn tất cả những điều khác.

Nhiều bạn trẻ đã bỏ học khi họ không có số điểm tốt tại các kỳ thi. Họ bỏ học với ý nghĩ rằng họ rất dốt nát. Điều ấy tất yếu sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời của họ. Giá như chúng ta có một cách nào đó để họ quên đi ý nghĩ rằng họ là những kẻ dốt nát, thì chắc chắn họ sẽ có thêm lòng tin tưởng vào chính bản thân, vào tương lai. Trong thời gian làm việc với một chương trình của chính phủ về những thanh niên thất nghiệp, chúng tôi đã phát hiện ra rằng nếu có những biện pháp giảng dạy về tạo "thức ăn" cho ý tưởng thì có thể sẽ làm tăng tỉ lệ việc làm lên tới 5 lần. Việc nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo cho các em có ý nghĩa rất quan trọng và có khi bằng cả 10 năm giáo dục, bởi khi đó các em sẽ từ bỏ ý nghĩ mình là kẻ dốt nát và sẽ tin tưởng hơn vào mình để có thể nộp đơn xin việc. Qua tất cả những điều trên, tôi chỉ muốn nói rằng các chính phủ hãy chú trọng, quan tâm hơn nữa đến việc khuyến khích sự sáng tạo trong học sinh. Điều đó quan trọng hơn bất cứ biện pháp giảng dạy nào trong nhà trường, bởi đó là nền tảng cơ sở cho sự phát triển trí não. Thông tin là cần thiết và được tích luỹ trong quá trình thu thập, kiểm tra... Tuy nhiên ích lợi của thông tin lại không làm giảm nhu cầu phải suy nghĩ. Chính vì vậy mà chúng ta cần cả hai".

Nói đến đó De Bono mới quay trở lại câu hỏi của tôi. Theo ông muốn khai thác tiềm năng công nghệ thông tin ở Việt Nam thì điều quan trọng là phải đưa ra được dự án có ý tưởng. Ông đơn cử Bangalore (Âận Độ), nơi sáng tạo ra các phần mềm trí tuệ cung cấp cho cả thế giới. "Sự phát triển này hoàn toàn không phục thuộc một cách cơ học vào vị trí gần một nơi nào đó thuận lợi để chuyển giao công nghệ, mà nhờ vào hệ thống những người có kiến thức biết cách thiết lập phần mềm, các công ty liên doanh. Việc phát triển ngành công nghệ không cần thiết phải đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng" - ông nhấn mạnh.


Ông đã giảng dạy tại nhiều nước Châu
Á. Hệ thống giáo dục tại Châu Á phụ thuộc rất nhiều vào chương trình giảng dạy cố định. Các bài thi chủ yếu dựa vào kiến thức sách vở. Làm sao khuyến khích được lối tư suy sáng tạo?

- Chúng ta cần phải đi ngược lại dòng lịch sử. Trước đây, Trung Quốc đã từng đi đầu thế giới về kỹ thuật như sáng tạo ra thuốc súng, chế biến giấy. Tuy nhiên, trong lúc đạt được những bước tiến đáng kể, thì những nhà kỹ thuật đột ngột trở thành thứ yếu so với đội ngũ các học giả - những người muốn miêu tả tất cả mọi thứ. Họ viết, nhưng lại không tạo ra được điều gì thực sự cần thiết cho xã hội, hay đúng hơn không góp phần phát triển hệ thống công nghệ kỹ thuật đã được đặt nền móng tại đây. Và khi thiếu vắng chìa khoá chủ chốt của trí tuệ, toàn bộ những tiến bộ đã đạt được phải giậm chân tại chỗ. Bởi vì sức sáng tạo luôn là chìa khoá cho sự thành công. Vậy thì giờ đây chúng ta cần chú trọng đến việc tạo cho học sinh thói quen suy nghĩ diễn tiến (constructive thinking), suy nghĩ tổng thể (design thinking), làm cách nào để hoà trộn các ý tưởng nhằm nâng cao giá trị, làm cách nào để có thể thực hiện công việc theo cách đơn giản hơn, làm cách nào để đạt được tiến bộ... Đó là cách tối ưu mà chúng ta có thể làm để tạo cho các em thói quen suy nghĩ và sáng tạo. Một trong những ưu điểm của hệ thống giáo dục truyền thống phương Đông, hoàn toàn khác với phương Tây là học sinh không có thói quen cãi lại thầy giáo. Nói theo cách khác, chúng ta không cần thiết phải quá nhấn mạnh đến việc tạo cho các em lối suy nghĩ diễn tiến mà có thể đi theo hướng khác. Chúng ta có thể tạo ra sự "đuổi bắt". Đó là sự thúc đẩy tiếp nối truyền thống và tiếp nối truyền thống... Như vậy, chúng ta loại ra ở bên này và cộng vào ở bên kia. Có cả một tiềm năng khổng lồ cho việc giảng dạy tư duy trên khắp các nước trên thế giới. Và hệ thống này chỉ chờ sự gật đầu của các chính phủ để khởi động. Tôi đã từng nói với nhiều nước rằng nếu bạn chi một đồng để giảng dạy cho trẻ em cách tư duy sáng tạo, thì trong tương lai ta sẽ thu gấp chục lần số tiền đó. Nhưng câu trả lời của họ thật đáng thất vọng: Họ tránh né bằng cách nêu ra một loạt những khó khăn như: Không biết đề xuất với ai chuyện này, hoặc chính phủ của họ chưa sẵn sàng thử nghiệm chương trình... Thật đáng tiếc!

Báo Lao Động của chúng tôi đang cộng tác với Công ty phần mềm FPT và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi viết phần mềm "Trí tuệ Việt Nam". Liệu ông có mối quan tâm nào về cuộc thi này?


- Tôi từng là Chủ tịch của Công ty Youngster Enterprise với hơn 500 nghìn thành viên là các thanh thiếu niên tại Châu Âu, Nga và Israel. Nhiều người đã từng thực hiện kinh doanh ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Tiềm năng về trí tuệ trong thiếu niên là rất cao. Nếu báo Lao Động có thể hợp tác với chính phủ trong việc thúc đẩy sự phát triển của CNTT, chúng tôi rất sẵn sàng tổ chức các cuộc hội nghị để giảng dạy về tư duy. Theo như tôi biết, cuộc thi "Trí tuệ Việt Nam" nhằm tìm ra các tài năng trẻ và những sáng kiến mới về CNTT trên mọi lĩnh vực, điều đó quả là rất tốt. Sẽ là rất tốt, nếu chúng tôi hợp tác với Việt Nam đào tạo những kỹ năng cần thiết về tư duy cho đội ngũ giáo viên để họ quay trở lại đào tạo cho thế hệ trẻ.

Thanh niên Việt Nam rất có năng khiếu trong lĩnh vực CNTT nhưng nhiều người lại không nắm bắt được năng lực của chính mình hay không biết nên làm gì với khả năng của họ. Ông có thể đưa ra một lời khuyên?


- Tôi cho rằng, các bạn trẻ cần phải có sự tự tin vào chính mình. Có rất nhiều cơ hội kinh doanh và thương mại dành cho các bạn trên thế giới. Có vẻ hơi khó nắm bắt và thực hiện cơ hội kinh doanh, nhưng bạn sẽ chỉ có thể đánh giá năng lực của mình thông qua việc làm cụ thể. Trở lại vấn đề sự tự tin, đây là điều hết sức cần thiết. Điều này đã được chứng minh qua chuyến thăm của tôi tới nước Nga. Thanh niên Nga rất thành thạo trong lĩnh vực sản xuất phần mềm mặc dù máy tính của họ không tốt. Cũng chính vì máy tính của họ không tốt mà họ càng phải nỗ lực hơn trong việc tạo ra phần mềm. Nếu có thể tạo được cho thanh niên sự tự tin thì nó sẽ có tác dụng rất tốt trong việc phát triển tư duy, khả năng của họ.
***
Edward De Bono chỉ dành cho tôi 30 phút trong lúc nghỉ giải lao giữa hai giờ giảng về tư duy sáng tạo cho 20 giáo viên đến từ khắp đất nước Australia. Họ phải nộp những khoản tiền không nhỏ để được tham dự khoá học này. Trước khi chia tay, Edward De Bono nói ông sẽ rất vui lòng đến VN và hợp tác cùng những người thực sự mong muốn phát triển lĩnh vực tư duy sáng tạo. "Nếu như có một hội thảo về đào tạo cho các giảng viên, thì tôi rất sẵn sàng đến nước các bạn. Theo tôi, một trong những cách thức nhanh nhất để phát triển đất nước đó là thúc đẩy các ý tưởng, sự sáng tạo. Đó là cách để bạn tiến lên phía trước, để tạo dựng tương lai, để xử lý các vấn đề, để làm mọi việc trở nên đơn giản hơn...". Phát hiện và thúc đẩy ý tưởng cũng chính là phương châm của cuộc thi "Trí tuệ Việt Nam". ở đây chúng ta đã đồng điệu được với Edward De Bono.

Xin cảm ơn Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Cty SASme và cá nhân bà Mai Hồ - Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam-Australia bang Victoria đã giúp chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này.

Website của E.De Bono: http:www.debono.com


Nguồn: Lao Động http://www.laodong.com.vn/pls/bld/display$.htnoidung(40,18952)

14/7/06

Naipaul - người suốt đời đi tìm cội nguồn



V.S Naipaul, nhà văn người Anh gốc Ấn Độ, sinh tại Trinidad, được Viện Hàn lâm Thuỵ Điển trao giải Nobel Văn chương 2001. Ông được xem là một trụ cột của nền văn hoá Anh hiện đại, đồng thời là biểu tượng của niềm đau đáu hướng về cội nguồn.

Trong bản công bố trao giải, Viện Hàn lâm Thuỵ Điển cho hay Naipaul "đã ép chúng ta phải chứng kiến sự hiện diện của những trang sử bị đàn áp". Gọi ông là "người chu du hàng hải trên văn đàn với giọng văn không thể bắt chước được", Viện này nhận xét: "Không bị ảnh hưởng bởi những thứ văn chương thời thượng, ông đã nhào nặn các thể loại hiện có thành một phong cách của riêng ông, nơi mà sự độc đáo thông thường giữa hư cấu và không hư cấu chỉ có giá trị thứ yếu".

Con trai của một công chức Ấn Độ (ÂĐ), sinh trưởng tại Trinidad, Naipaul rời đất nước này năm ông 18 tuổi để đến Anh học văn học Anh tại ĐHTH Oxford và chọn Anh làm nơi cư ngụ của mình từ đó đến nay. Bị ám ảnh bởi những ký ức về cội nguồn thông qua người cha, ông đã dành phần lớn thời gian trong cuộc đời mình để quay trở lại ÂĐ, đồng thời chu du đến nhiều nước khác ở Châu á như Iran, Pakistan, Indonesia, Malaysia. Phần lớn tác phẩm của ông đều phân tích, mổ xẻ những tổn thương ở các nước này trong thời kỳ hậu thuộc địa. Ông đã tự đặt mình thành người trong cuộc và khám phá những điều ấy với tình cảm bị tổn thương sâu sắc.

Trong tác phẩm "Ngôi nhà cho ông Biswas" (A House for Mr. Biswas), Naipaul đã dũng cảm nhìn vào những thách thức quay quắt của người nhập cư ÂĐ ở vùng Caribbe trong quá trình hội nhập vào cộng đồng, mà vẫn cố gắng duy trì những giá trị văn hoá của mình. Sự tức giận của ông trải dài từ tệ nạn tham nhũng ở ÂĐ đến cách đối xử đầy yếm thế của phương Tây đối với các thuộc địa cũ được mô tả kỹ lưỡng trong "Sự trở lại của Eva Peron" (The Return of Eva Peron). Viện Hàn lâm Thuỵ Điển đã lựa chọn tác phẩm "Điều bí ẩn của đến" (The Enigma of Arrival) ông viết năm 1987 để nhận xét "tác giả đã tạo nên hình ảnh không thương xót về sự sụp đổ lặng lẽ của nền văn hoá thuộc địa kiểu cũ".

Các nhà phê bình văn học đã nói nhiều về cảm giác "bị chuyển chỗ bẩm sinh" của ông: Sinh ra đã là người nước ngoài ở một hòn đảo thuộc địa, sau đó lại trở thành công dân của một cộng đồng lưu vong. "Sức mạnh của Naipaul là sự chua cay của Naipaul - sự chua cay của con người lang bạt lúc nào cũng cố trở về nhà, nhưng không bao giờ được đón tiếp mà chỉ được chấp nhận ở một ngôi nhà khác lâu đến nỗi ông phải thừa nhận rằng ông là người thuê nhà ở đó" - một nhà phê bình viết. Tuy nhiên, năm ngoái ông đã trút giận dữ lên "ngôi nhà ở thuê", khi phê phán Chính phủ Anh có thái độ tầm thường với văn hoá.

Thời trẻ, Naipaul có nhiều năm dài phải chống đỡ với sự nghèo túng và cô đơn. Ông gặp Pat, người vợ đầu tiên tại Oxford và cưới bà vào năm 1955. Naipaul thú nhận rằng ông đã phản bội vợ nhiều lần. Năm 1996, Pat qua đời và cùng năm đó Naipul cưới Nadira Khannum Alvi. Naipaul nổi tiếng là người khắc nghiệt và khinh khỉnh. Ông không tham gia vào những "nghi lễ" văn học như chiêu đãi ra mắt sách, hoặc viết những dòng giới thiệu sơ sài cho các đồng nghiệp. Trong "Chiếc bóng của Ngài Vidia" - cuốn sách rất không bợ đỡ xuất bản năm 1998, người bạn cũ của ông là Paul Theroux viết: "Ông đã nâng sự gàn dở của mình lên thành tiêu chuẩn cho tính nghệ sĩ của mình".

Là tác giả của hơn 20 cuốn sách, trong đó có các tiểu thuyết lừng danh như "Ngôi nhà cho ông Biswas" và "Khúc quanh của dòng sông" (A Bend in the River), được tặng Booker - giải thưởng văn chương cao quý nhất của Anh từ năm 1971 cho tác phẩm "Tại quốc gia tự do" (In A Free State), Naipaul có một sự nghiệp văn chương không mệt mỏi. Năm 1990, ông được Nữ hoàng Anh phong tước hiệu Hiệp sĩ.

Nguồn: Lao Động ngày 13.10.2001

http://www.laodong.com.vn/pls/bld/display$.htnoidung(40,17068)

Vị bác sĩ hai lần đoạt giải Goncourt



Khi thi đậu vào Trường Đại học Y khoa, chắc hẳn Jean-Christophe Rufin không nghĩ rằng ông sẽ thành đạt bằng nghề viết lách, chứ không phải bằng con dao mổ. Ngày 6.11.2001 Rufin đã đăng quang lần thứ hai trên văn đàn Pháp. Tác phẩm "Rouge Bresil" (Brazil Đỏ) đoạt giải Goncourt - giải thưởng văn học cao quý nhất nước Pháp.

Rufin còn là một nhà hoạt động xã hội lớn. Ông đã từng giữ chức Phó Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ không biên giới - tổ chức đoạt giải Nobel Hoà bình năm 1999. Tại vòng bỏ phiếu thứ 10 của giải Goncourt năm nay, Rufin đã chiến thắng nhờ hơn đúng có một phiếu. "Tôi đã khóc như một đứa trẻ khi hay tin này. Tôi đã thuyết phục mình rằng tôi sẽ không đoạt được giải này" - bác sĩ Rufin thổ lộ với kênh truyền hình LCI.

Địa điểm hội đồng giám khảo Goncourt gặp hàng năm để chọn tác phẩm trao giải "lãng mạn theo đúng kiểu Pháp" - đó là nhà hàng Drouant ở Paris. Giá trị vật chất của Goncourt chẳng nhiều nhặn gì - chỉ vẻn vẹn khoảng 7USD, song nó vẫn được coi là giải thưởng văn học danh giá nhất nước Pháp, bởi thu hút được sự chú ý lớn của báo chí và khiến tác giả ngay lập tức trở thành người nổi tiếng, còn tác phẩm được phát hành với số lượng vô cùng lớn.

"Rouge Bresil" là cuốn tiểu thuyết lịch sử thuật lại cuộc chinh phục của Pháp ở Brazil thời kỳ Phục hưng qua con mắt của hai đứa trẻ đi tìm cha mẹ mình. Just, cậu con trai sau trở thành quan chức trong bộ máy thực dân, còn Colombe, cô con gái lại đứng về phía những người da đỏ. Cô là đường dây độc đáo dẫn người đọc đi qua thế giới của người da đỏ mà giờ đây không còn tồn tại nữa. "Đây là loại tiểu thuyết sinh thái học, nếu ta có thể gọi được như vậy. Đó là sự đối đầu giữa hai khái niệm khác nhau về thiên nhiên" - Rufin nhận xét.

Rufin bắt đầu cầm bút năm 1997 và ngay lập tức ông đoạt giải Goncourt cho tác phẩm đầu tay "L'Abyssin" (Người Abyssinia), Abyssinia là tên gọi cũ của Ethiopia. Hai năm sau với tác phẩm "Les Causes perdues" (Những mục tiêu bị đánh mất) kể về những sự mập mờ trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo, Rufin đã đoạt một giải thưởng văn học khác. Ngao du nhiều nơi theo các hoạt động của tổ chức Bác sĩ Không biên giới, Rufin đã đưa vào tác phẩm của mình những vùng đất liên quan đến lịch sử nước Pháp.

"Người Abyssinia" đưa người đọc trở về năm 1699, khi Vua Louis XIV cử đại sứ đến yết kiến Negus, Quốc vương Abyssinia với hy vọng sẽ lôi kéo được đất nước này vào quỹ đạo chính trị và tôn giáo của Pháp. Jean-Baptiste Poncet, chàng dược sĩ trẻ chuyên bào chế thuốc cho các tổng trấn ở Cairo được Lãnh sự Pháp chọn dẫn đầu phái đoàn này. Họ đã vượt qua sa mạc Ai Cập và vùng núi hiểm trở của Abyssinia để đến cung điện của Negus, sau đó trở về Versailles, rồi lại quay trở lại. Trên đường đi chàng đã phải lòng con gái viên lãnh sự, chữa chứng bệnh kỳ dị về da cho Negus và tiếp kiến Vua Louis tại Pháp.

Trong phần hai của cuốn tiểu thuyết có tên gọi "The Siege of Isfahan" (Vòng vây ở Isfahan), Rufin đưa Jean-Baptiste Poncet đến những vùng đất huyền bí như Ba Tư, Nga trong bối cảnh 20 năm sau đó. Ngoài mối quan hệ với Vua Louis XIV, Poncet còn trở thành bạn của Quốc vương Ba Tư Shah và Sa hoàng Peter Đại đế. Trong một chuyến đi ở Trung Đông, vợ và con gái ông rơi vào vòng vây của quân đội Afghanistan và trở thành vật mặc cả của Quốc vương Mahmud. Bên cạnh sự hiểu biết uyên bác về Trung Đông và Nga, Rufin đã tiếp tục hoàn thiện phong cách viết lôi cuốn, huyền ảo với bố cục vô cùng chặt chẽ.

Nguồn: Lao Động, 10.11.2001
http://www.laodong.com.vn/pls/bld/display$.htnoidung(40,19584)

Mira Nair - đạo diễn xuất sắc của điện ảnh Ấn Độ



Là người phụ nữ đầu tiên đoạt Giải thưởng Sư tử Vàng tại LHP Venice (Italia), sau đó được chọn làm Chủ tịch Ban Giám khảo LHP Berlin, Mira Nair được coi là đạo diễn Âận Độ tài năng nhất hiện nay.

Mặc dù được coi là "con cưng" tại LHP Cannes tại Pháp diễn ra trước đó, nhưng "Đám cưới mùa mưa" (Monsoon Wedding) của Mira Nair vẫn khiến nhiều người ngỡ ngàng tại Liên hoan phim quốc tế danh tiếng Venice lần thứ 58. Tờ Daily Telegraph của Anh viết: "Bộ phim của Bollywood về đám cưới của người Punjab đã khiến thế giới làm phim sững sờ khi đoạt Giải Sư tử Vàng tại Venice".

Đề cập đến những khía cạnh cấm kỵ trong đời sống n Độ (ÂĐ) như hiếp dâm, đồng tính luyến ái, bộ phim phân tích cuộc xung đột giữa các giá trị truyền thống và hiện đại. Đặt trong bối cảnh một gia đình gốc gác từ bang Punjab miền bắc ÂĐ, chuyển về sống ở New Delhi, bộ phim mô tả sinh động bốn ngày trước đám cưới của một thành viên trong gia đình. Những người thân ở khắp mọi nơi trên thế giới (cả từ Australia và thung lũng Silicon Mỹ) bay về dự đám cưới. Trong không khí tấp nập và sinh động ấy, những bí mật về một quá khứ không mấy trong sạch của đại gia đình này dần dần được gỡ bỏ.


Điểm độc đáo của "Đám cưới mùa mưa" là bộ phim được quay bằng máy quay phim xách tay và thời gian quay chỉ gói gọn trong đúng một tháng. Nhưng nó đầy ắp màu sắc rực rỡ của đời sống văn hoá Punjab. Mira Nair, nổi danh từ các tác phẩm như Salaam Bombay và Mississippi Masala, đã gọi đây là "bản tình ca cho New Delhi". Tuân thủ phong cách đã định hình từ hai bộ phim trên, Mira Nair tiếp tục mổ xẻ những vấn đề gây tranh cãi trong lòng ÂĐ.

Được bà Nanni Moretti, Chủ tịch Ban Giám khảo LHP Venice mô tả là "người nhìn xa trông rộng", nhưng Mira Nair đã khiêm tốn khi phát biểu: "Tôi thực sự không trông đợi gì từ bộ phim này. Tôi muốn làm ra một thứ nhỏ thôi, nhưng tôi rất hạnh phúc khi nó trở thành thứ lớn". Mira Nair thú nhận rằng chị "không phải là người cầm cờ", khi được hỏi về cảm giác của người phụ nữ đầu tiên nhận Sư tử Vàng. "Nếu chúng ta chiến thắng và chúng ta lại lỡ là phụ nữ, thì điều đó thật tuyệt diệu" - Mira Nair nói.





"Đám cưới mùa mưa" đã rực sáng tại ÂĐ khi được chọn chiếu khai mạc trong LHP Bombay cuối tháng 11 vừa qua. Nhưng Mira Nair dường như không có nhiều thời gian để nhấm nháp dư vị chiến thắng. Sau Venice chị đã lao vào làm bộ phim "Sự mù quáng cuồng loạn" (Hysterical Blindness). Đây đã là sản phẩm của Hollywood. Dưới sự chỉ đạo của Mira Nair giờ đây là các ngôi sao thế giới như Uma Thurman, Gena Rowlands, Julliete Lewis. Sau những bi kịch cá nhân, họ thu mình về sống ở một thị trấn và tìm lại ý nghĩa cuộc sống ở đó.

Nguồn: Lao Động ngày 8.12.2001
http://www.laodong.com.vn/pls/bld/display$.htnoidung(40,22036)


"Kandahar" - chân dung một đất nước không có diện mạo



"Một đất nước không có diện mạo" - đó là điều mà đạo diễn Iran Mohsen Makhmalbaf muốn nói đến trong bộ phim truyện mang tên "Kandahar". Chỉ với địa danh này, bạn có thể dễ dàng đoán ra đất nước mà bộ phim đề cập. Vâng, đó chính là Afghanistan.

Ai cũng biết dưới chế độ hà khắc của Taliban, Afghanistan bị cô lập hoàn toàn khỏi thế giới bên ngoài: Không chiếu bóng, không truyền hình, không tranh ảnh, không sách vở... Đạo diễn Makhmalbaf đã bí mật xâm nhập vào Afghanistan và làm được một bộ phim rất hiếm bên trong Afghanistan dưới thời Taliban. Đây đồng thời cũng là bộ phim có tính chất chiến đấu nhất của ông.

Bộ phim kể câu chuyện về Nafas, nữ nhà báo Canada gốc Afghan, người quyết định trở lại Kandahar để cứu cô em gái của mình. Sống rên xiết dưới ách thống trị của Taliban, cô này tìm cách liên lạc với chị và báo rằng có thể cô sẽ quyên sinh trước kỳ nhật thực cuối cùng của thế kỷ 20. Cốt truyện của phim dựa trên câu chuyện có thật: Nhà báo Nelofer Pazira trở về Afghanistan để cứu cô bạn thân từ thời học phổ thông. Chính chị đã thể hiện vai Nafas trong phim.

Burqa là vật tượng trưng cho sự đàn áp ngột ngạt đối với phụ nữ ở Afghanistan - nhóm người vô hình ở đất nước không có diện mạo. Nhưng bằng ngôn ngữ điện ảnh, burqa trở thành phương cách bày tỏ thái độ thách thức của phụ nữ Afghan đối với sự đàn áp ấy. Chiếc mạng của Nafas không giống với những bộ burqa màu xanh da trời mà ta hay nhìn thấy trong những tấm ảnh về Afghanistan thời gian qua. Nó dệt bằng những sợi chỉ màu hồng và xanh lá cây.

Cuộc trở về Kandahar mạo hiểm chỉ được phép gói gọn trong ba ngày và Nafas phải bằng mọi cách cứu được cô em gái. Điều đó đã tạo cho phim một tiết tấu căng thẳng trong nhịp điệu chậm rãi gần như dừng lại của cuộc sống ở Afghanistan. Không may Nafas bị ốm trên đường đi và buộc phải tìm một bác sĩ.

Do các bác sĩ nam không được phép nhìn những người phụ nữ không phải là thành viên trong gia đình, nên giữa bác sĩ (kỳ lạ, lại là một người Mỹ da đen) và bệnh nhân là chiếc bình phong bằng vải. Bác sĩ "khám" cho bệnh nhân thông qua một cậu bé đi kèm. Bộ phim còn tố cáo chính sách ngu dân tàn ác của chính quyền Taliban thông qua nhân vật cậu bé đi kèm Nafas.


Trong một trường đoạn ấn tượng nhất của bộ phim ta thấy đoàn người một chân, nạn nhân của mìn, chạy giành giật mấy cặp chân giả mà máy bay trực thăng của Chữ thập Đỏ Quốc tế thả xuống. Cảnh tượng này khiến ta nhớ lại những bộ phim kinh điển của Fellini, đạo diễn Italia nổi tiếng. Nhưng đó lại là thực tế mà không đạo diễn tài ba nào có thể nghĩ ra được.



Mặc dù đây là bộ phim truyện, song Kandahar mang nhiều màu sắc thời sự tài liệu. Nhiều nhân vật trong phim không phải do diễn viên đóng, mà là những người tị nạn mà đạo diễn gặp trên đường làm phim. Bộ phim được quay khá lâu trước khi Afghanistan được giải phóng đã khắc hoạ được hình ảnh chân thực về một dân tộc với những bản năng đẹp đẽ bị tàn phá bởi nỗi sợ hãi, tham nhũng và cuộc đấu tranh sinh tồn khắc nghiệt.


Nguồn: Lao Động 15.12.2001
http://www.laodong.com.vn/pls/bld/display$.htnoidung(40,22647)

Marlene Dietrich - huyền thoại điện ảnh một thế kỷ



Được mệnh danh là "Thiên thần xanh", Marlene Dietrich là ngôi sao điện ảnh lừng danh nhất nước Đức. Bài hát vang bóng một thời của bà "Tôi vẫn còn chiếc vali ở Berlin" (I still have a suitcase in Berlin) vẫn còn vang lên khắp nơi.

Cho đến giờ Marlene Dietrich là nữ diễn viên điện ảnh duy nhất của Đức có tầm vóc toàn cầu. Bà là huyền thoại, đồng thời cũng là điều bí ẩn đối với chính người Đức. Căm ghét chế độ phátxít, bà rời bỏ nước Đức và sống phần lớn cuộc đời ở nước ngoài. Mặc dù được Tổng thống đương nhiệm Johannes Rau ca ngợi là "một nghệ sĩ không ai so sánh được về sự tận tâm đối với tự do và dân chủ trong thời đại độc tài", nhưng phần lớn người Đức vẫn coi bà là "kẻ phản bội".



Tôi vẫn còn chiếc vali ở Berlin

Với cặp chân dài, vẻ đẹp lộng lẫy và tính nghịch ngợm không thể chối cãi, Marlene Dietrich là hiện thân của sự phản kháng đối với chế độ khắc nghiệt của chủ nghĩa quốc xã. Thể hiện sự phản kháng ấy, bà trở thành biểu tượng của phá phách và nhục cảm trong bộ phim "Thiên thần xanh" (The Blue Angel) năm 1930. Sau thành công này bà sang Mỹ và vươn lên địa vị ngôi sao tầm cỡ thế giới trong "Morocco" với vai diễn lãng mạn đỉnh cao. Trong bộ phim này bà thể hiện được hết tài năng hát, múa và diễn xuất của mình. Chế độ của Hitler tìm mọi cách lôi kéo bà trở về, nhưng bà đều từ chối.

Mãi đến thập kỷ 1960 bà mới trở lại nước Đức thời hậu chiến và vấp phải cú sốc. Thay vì được đón chào nồng nhiệt, bà bị người Đức la ó vì đã "phản bội đất nước". Nhưng điều đó không làm bà thất vọng. Tự hào với dòng dõi Phổ của mình, trước khi qua đời ở Paris năm 1992, bà tỏ ý được an táng tại quê nhà ở Berlin. "Marlene là hiện thân cho những thăng trầm của nước Đức" - ông Werner Sudendorf, người phụ trách Bảo tàng phim Berlin, nhận xét.

Vào những năm cuối đời, Marlene sống ẩn dật ở Paris. Bà tránh mọi sự nhòm ngó của báo chí và tránh để người đời nhìn thấy sự tàn tạ của mình. Bà muốn giữ hình ảnh thiên thần trong tâm khảm của công chúng yêu điện ảnh. Nhưng chính điều đó đã khiến bà chìm vào bi kịch bản thân. Bà uống rượu để quên sự đời. Con người đã từng có tất cả khi ra đi chẳng có ai bên mình.

Nguồn: Lao Động ngày 29.12.2001

http://www.laodong.com.vn/pls/bld/display$.htnoidung(40,23878)

Nhật ký về những ngày kinh hoàng của cô bé Campuchia



Anne Frank là người Hà Lan, Luong Ung là người Campuchia. Họ sống ở hai thời đại, hai lục địa, nhưng những cuốn nhật ký của họ đã gây chấn động thế giới về những nỗi đau mà trẻ em phải trải qua khi dân tộc của họ gặp thảm hoạ.

Điểm khác biệt duy nhất là Anne Frank đã chết trong trại tập trung của phátxít Đức, còn Luong Ung đã vượt qua được những cánh đồng chết ở Campuchia. Còn lại cả hai người đều cảm nhận được nỗi sợ hãi và sống trong nỗi sợ hãi. 5 dịch giả Campuchia đang khẩn trương hoàn tất việc dịch "Nhật ký" của Anne Frank và "Họ giết cha tôi trước" của Luong Ung ra tiếng Khmer để phát hành đồng thời ở Campuchia.

Nhật ký của Anne Frank ghi lại cuộc sống của một bé gái Do Thái sống ẩn náu ở Hà Lan trong thời gian chiếm đóng của phát xít Đức. Kể từ lần xuất bản đầu tiên năm 1947, cuốn sách đã được dịch ra 55 thứ tiếng và bán được hơn 20 triệu bản. Ba mươi năm sau, ở bên này trái đất, Luong Ung phải hứng chịu thảm hoạ tương tự.

Cha mẹ Luong Ung là những trí thức cao cấp dưới chế độ cũ đưa 9 đứa con chạy về nông thôn Campuchia ngay sau khi Khmer Đỏ nắm quyền ở Phnom Penh tháng tư 1975. Với con mắt của đứa bé 5 tuổi, Luong Ung đã thuật lại những tháng ngày khủng khiếp khi mà bố em, rồi tiếp đó đến mẹ em và hai chị gái lần lượt bị hành hình như thế nào.

Luong Ung may mắn sống sót, được đưa sang Việt Nam và sau đó sang Mỹ. Năm 2000 cô cho xuất bản cuốn sách và được các nhà phê bình đánh giá cao, coi đó là lời cảnh tỉnh đối với những bất trắc trong thế giới hiện đại.


Cuốn sách không chỉ miêu tả những tội ác kinh hoàng mà chế độ Pol Pot gây ra ở Campuchia, mà còn khắc hoạ những hình ảnh đậm nét về những người phụ nữ Khmer. Đó là mẹ của Luong Ung, một phụ nữ nghèo vượt qua những định kiến xã hội để kết hôn với người đàn ông mà mình yêu, tận tụy với chồng con.

Đó là Kim, một cô bé 12 tuổi một mình chăm sóc mẹ và các chị em gái qua cơn hoạn nạn. Đó cũng chính là Luong Ung, một bé gái 5 tuổi đã trở thành người tự lập, không chỉ lo cho mình mà còn biết lo cho Chou, người chị luôn rụt rè và nhút nhát.

Luong Ung đã dành những trang cuối cùng trong cuốn sách thuật lại những cảm giác nồng ấm và hạnh phúc mà cô có được ở Việt Nam sau khi chạy trốn khỏi cánh đồng chết. Điều này đã khiến một nhà phê bình văn học Mỹ phải thốt lên: "Trong khi ở Mỹ chúng ta luôn cho rằng Việt Nam là ví dụ về một đất nước bị nạn đói tàn phá và bị cộng sản đàn áp, thì cuốn sách của Luong Ung đã khiến tôi phải thay đổi những định kiến bị nhồi nhét. Và cô đã làm điều đó nhiều lần".


Trong số các dịch giả có Sayana Ser và Norng Lina, những người cũng đã từng sống qua thời kỳ Pol Pot, nhưng bị mất những người thân như ông bà, và nhiều bà con họ hàng thân cận. "Bọn Đức quốc xã muốn giết chết người Do Thái, còn Pol Pot thì muốn giết người Khmer", Sayana Ser nói - "Học sinh và sinh viên phải biết Anne Frank và dân tộc của cô đã bị đối xử như thế nào. Thế hệ trẻ phải mở to mắt nhìn vào quá khứ để không cho phép tội ác lặp lại".

Nguồn: Lao Động ngày 9.3.2002

http://www.laodong.com.vn/pls/bld/display$.htnoidung(40,28949)

Barcelona mang "gương mặt" Gaudi



Một trong những toà nhà kỳ dị nhất Châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử của mình đã mở cửa cho công chúng vào thăm. Đó là toà nhà Casa Battlo, toạ lạc trên Passeig Gracia - một trong những đường phố lớn nhất Barcelona (Tây Ban Nha).

Có thể nhận ra ngay ngôi nhà nhờ cái mái độc đáo của nó, tuỳ cách nhìn của bạn mà nó mang hình con cá, hoặc con rồng. Ngôi nhà là sáng tạo của Antoni Gaudi, kiến trúc sư nổi tiếng nhất của Barcelona, người có công "phá tan" những khuôn vàng thước ngọc của kiến trúc truyền thống, tạo ra những toà nhà tròn trịa, rực rỡ và thường rất kỳ dị. Việc mở cửa Casa Battlo nằm trong chương trình "Gaudi 2002" - năm kỷ niệm ngày sinh 150 của kiến trúc sư đại tài. Giống như nhiều nghệ sĩ trong thời đại của mình, tài năng của Gaudi đã không được đánh giá đúng mức khi ông còn sống. Ông sống như một nhà tu hành ẩn dật trong studio của mình hàng năm trời và có bộ dạng rất nhếch nhác. Chính vì vậy nên khi bị ốm, người lái xe taxi đã từ chối chở ông đến bệnh viện. Gaudi qua đời do không được cấp cứu kịp thời.

Giờ đây Gaudi được xem là thiên tài ở Barcelona và trong giới kiến trúc trên toàn thế giới. Nhưng những người tổ chức chương trình "Gaudi 2002" cho rằng danh tiếng của ông chưa được quảng bá đúng mức. "Cần phải công nhận những công trình của Gaudi là di sản văn hoá thế giới" - Malu Piedrabuena, Giám đốc dự án nhà Casa Battlo phát biểu. Có thể nhìn thấy nước bất cứ ở đâu trong ngôi nhà này! Toàn bộ ngôi nhà như được bao phủ bởi những làn sóng màu xanh với những gợn tối. Xen kẽ là những tấm kính mờ dày, lượn sóng, thoạt nhìn có thể thấy hơi đơn điệu, song nếu nhìn kỹ ta có thể thấy như nước đang chuyển động trong ngôi nhà này. Những chiếc lò sưởi hình nấm tạo thành điểm nhấn độc đáo trong từng căn phòng. Chúng cho cảm giác còn có một không gian màu nâu khác.

Mặt tiền của Casa Battlo mới thực là đặc biệt. Nó được tạo bởi những viên gạch gốm nhiều màu. Từ đó mọc ra những ban công hình lồng chim màu vàng như mâu thuẫn với khung xương bằng đá của các ô cửa sổ. Sự kết hợp mạnh bạo ấy khiến người ta ngạc nhiên về những ý tưởng đi trước thời đại của Gaudi. Nhiều chuyên gia gọi sáng tạo của ông là cuộc cách mạng về kiến trúc ở Châu Âu trong thế kỷ 19. Cách toà nhà này khoảng 200 mét, cũng nằm trên phố Passeig Gracia là toà nhà độc đáo khác tên là Casa Mila hay còn gọi là La Pedrera. Trông nó giống như được chạm khắc từ mặt đá với chiếc mái đổ xuống như chiếc ván trượt tuyết và những lò sưởi nhô ra bên ngoài như những chiếc mặt nạ của các đấu sĩ thời trung cổ.

Gaudi được xem là một trong những nghệ sĩ có tầm nhìn cách tân của Tây Ban Nha chịu ảnh hưởng của trào lưu "tân nghệ thuật" (Art Nouveau) của Pháp vào đầu thế kỷ 20. Giới hoạt động văn hoá của Barcelona đang nỗ lực thuyết phục cả thế giới đánh giá Gaudi không chỉ như một kiến trúc sư, mà như một nghệ sĩ toàn năng. "Các tác phẩm của ông vừa mang tính trần tục vừa mang tính siêu phàm. Chúng toả ra mãnh lực kỳ diệu" - ông Daniel Giralt Miracle, thành viên tổ chức "Gaudi 2002" nói. Chương trình thu hút khoảng 2 triệu du khách đến thăm Barcelona.

Nguồn: Lao Động ngày 23.3.2002

http://www.laodong.com.vn/pls/bld/display$.htnoidung(40,30175)

13/7/06

Một người đàn bà Nga



Đã cuối thu. Những cơn gió mạnh lồng lên giữa thiên nhiên hầu như trần trụi và ào ào thổi đàn sếu đi xa. Con đường ngả mầu đỏ bầm bởi bao nhiêu lá phong lá dương đều lìa cành rơi xuống.

Phía đầu kia của con đường là ngôi nhà datcha (1) của gia đình Irina. Cô từ chối đi tiễn, nên giờ đây chỉ còn mình tôi đứng trên sân ga xép quạnh hiu ở ngoại ô Mátxcơva này, đợi chuyến electrichka (2) về trung tâm.

Tôi cũng giống như những chú chim chuyển mùa kia, sắp giã từ xứ sở bạch dương này bay về mảnh đất nóng ẩm. Không vô định, nhưng buồn.

Chẳng có ai đi Mátxcơva. Người ta đang bận nhặt những củ khoai tây cuối cùng trước khi mưa và tuyết rơi. Mà Mátxcơva của Liên Xô tan rã cũng chẳng có cái gì mà mua, các quầy hàng đều trống rỗng.

Tôi ngồi giữa toa tàu. Ít giây trước khi đoàn tàu chuyển bánh, một chàng trai lực lưỡng ào vào. Theo sau là một bà già chừng ngoài 60. Chàng trai cẩn thận đặt chiếc túi căng phồng lên chiếc ghế đối diện tôi, quay ra ôm lấy đôi vai bà già rồi hôn vào má bà: “Chúc bà lên đường may mắn. Cho cháu gửi lời hỏi thăm Vitali”.

Tôi nhìn người đồng hành duy nhất của mình. Bà thật đẹp lão, trông cứ như một bà tiên trong chuyện cổ tích. Tuy mặc bộ trang phục giản dị, nhưng bà toát ra một vẻ thanh thoát và thư thái hiếm thấy. Cặp mắt bà dường như làm cho toa tàu ấm cúng hẳn lên.

Chỉ có điều, trời chưa lạnh đến mức bà phải ủ đôi tay mình trong chiếc ống len thế kia. Ô, nhưng phải rồi, bà thư thái ở chính cái dáng ủ tay ấy.

Tôi chào bà và khen: “Bác đẹp quá!” Bà cười hồn hậu: “Ta biết, ta biết. Ai cũng nói vậy cả”.

Đoàn tàu tăng tốc. Những hàng cây khẳng khiu lao vút vút qua ô cửa. Irina bảo mùa thu Nga đẹp đến chết người. Những người đa cảm và bế tắc dễ bị dẫn dụ lắm.

“Bác tên là Valenka” – bà già phá vỡ luồng suy nghĩ của tôi. Tôi bật cười: “Tên bác như tên trẻ con ấy”. Bà vui vẻ cười theo: “Ừ, dăm năm nay người ta mới gọi bác như vậy, chứ trước kia bác vẫn là Valentina (3)”.

Tôi bảo: “May có bác đi cùng. Chắc bác sống hạnh phúc lắm!” Bà Valenka lắc đầu: “Bác có vui tính, nhưng hạnh phúc thì không, cậu bé ạ”.

...Bà Valenka có hai con gái và một con trai. Chồng bà nát rượu. Cậu Vitali là con út, nên ông chiều lắm. Ông dạy cậu uống rượu từ lúc cậu còn bé. Thật chẳng sung sướng gì khi phải sống bên cạnh hai người đàn ông chỉ biết suốt ngày say lướt khướt.

Khi Vitali đi nghĩa vụ quân sự về thì chồng bà chết vì ung thư gan. Vitali xin được một chân lái máy kéo ở nông trang. Cậu đẹp trai, lại kéo phong cầm giỏi nên được nhiều cô mê. Rồi Vitali lấy vợ, nhưng ít năm sau người vợ đòi ly dị vì không thể chịu đựng được cái cảnh có bao nhiêu tiền cậu đều đem đi uống rượu cả.

Vitali dọn về ở với mẹ và càng uống rượu tợn. Ít lâu sau, Vitali bị đuổi việc vì dám hành hung ông chủ tịch nông trang khi ông này phê bình cậu không được bê trễ công việc.

“Tối đó nó về nhà khi bác đã đi ngủ. Người nồng nặc mùi rượu, nó đánh thức bác giọng lè nhè: “Mẹ, đưa tiền cho con đi uống nữa đây!” Bác bảo bác không có tiền. Thế là nó rống lên: “Đưa tiền đây, không tôi giết bà. Sao tôi khổ thế này! Việc thì mất, rượu thì không có mà uống”. Quả thực lúc đó bác không có một kôpếch nào. Thế là nó trói nghiến bác lại, đem ra ngoài sân và lấy rìu bổ củi chặt hai tay bác”.

Đoàn tàu chạy qua cầu. Tiếng bánh sắt nghiến vào đường ray sầm sập được khuyếch đại trong chiếc lồng-sắt-thành-cầu. Trước đôi mắt sững sờ của tôi, bà Valenka rút đôi tay ra khỏi cái ống len. Từ khuỷu tay của bà mỗi bên cánh tay chỉ còn sót lại một đoạn khoảng 5 cm.

Tôi bỗng hiểu biệt danh của bà: “Valenka” trong tiếng Nga đọc chệch đi một chút sẽ là “cái ống ủ tay”. Giọng bà vẫn bình thản: “Bác đi thăm Vitali. Vài năm nữa là nó mãn hạn tù. Đến Mátxcơva bác phải chuyển tàu đi Siberi”.

Tàu dừng lại ở ga cuối, tôi xách giùm bà chiếc túi. Bà nhắc tôi cẩn thận. Hình như trong túi có những chai rượu tự nấu bà mang cho Vitali.

Gió trên sân ga thổi ào ào. Bầu trời xám xịt sà xuống thấp. Mùa thu đã qua thật rồi, chẳng mấy chốc nữa mà tuyết rơi.

Thốt nhiên, trước mắt tôi hiện lên cánh đồng tuyết mênh mông ở một nơi nào đó của Siberi. Chỉ có bóng bà Valenka cô độc bước đi trong vùng trắng ấy.

Đã bao lần bà bình thản đi từ mùa thu sang mùa đông như thế.

Tháng 9.1997

__

(1) datcha: nhà nghỉ ngoại ô

(2) electrichka: tàu điện nội tỉnh

(3) Valenka: tên gọi thân mật của Valentina

Tranh của Olga Nikitaevna Fomina

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết