27/7/06

Không còn trong danh sách



Một buổi trưa giá lạnh tháng Giêng năm 1986, tôi đến Brest, thành phố cực tây của Liên Xô, nơi đón nhận cú đánh đầu tiên của quân đội Hitler sáng sớm ngày 21.6.1941. Tôi đã có dịp được đi trên những dãy phố đổ nát hoang tàn bởi pháo kích và hít thở thứ không khí sặc mùi khói súng, khi đắm chìm trong tác phẩm “Tên anh không có trong danh sách” của Boris Vasiliev.

Đi lang thang trong thành phố cho đến lúc mỏi dừ chân, tôi trở về khách sạn và làm một giấc ngủ vùi. Khi tôi tỉnh dậy, thì màn đêm xanh thẫm đã phủ kín ngoài ô cửa sổ. Đã 8 giờ tối. Rôi nảy ra ý định làm cuộc dạo chơi đêm trong pháo đài Brest.

Chiếc xe trolleybus thả xuống bãi tuyết mênh mông người du khách duy nhất đến thăm pháo đài vào cái giờ muộn mằn ấy, rồi lại quày quả bỏ đi kéo theo âm thanh rin rít của ròng rọc cần điện xiết vào các đương dây cùng với tiếng nghiến lạo xạo của bánh xe vào lớp tuyết trên đường. Người lính gác cổng còn rất trẻ nhìn tôi bằng ánh mắt hồ nghi, nhưng không hỏi gì cả.

Thật không uổng công chút nào. Quang cảnh đổ nát của pháo đài hầu như vẫn còn được giữ y nguyên. Tất cả được chiếu bằng thứ ánh sáng đỏ trông thật ấn tượng. Những tiếng u u rờn rợn không hiểu phát ra từ đâu khiến tôi có cảm giác như linh hồn của hàng vạn người lính đang đuổi nhau trong những dãy đường hào. Tôi đánh bạo rẽ xuống một căm hầm đỏ quạch và bỗng giật mình kinh hãi bởi tiếng rào rào của bánh xe xích. Định thần lại, tôi phát hiện ra đó chỉ là tiếng vỗ cánh của bầy quạ hoang đen trũi bị sự xuất hiện của tôi làm cho tỉnh giấc.

Tuyết trắng và sự quạnh quẽ khiến tôi thấy lạnh. Đang run rẩy thử đếm số những người lính vô danh trên tấm bia tưởng niệm khổng lồ, tôi thấy sau lưng có tiếng người: “Chào con trai! Sao lại đến đây đêm hôm khuya khoắt thế này?” Tôi ngoảnh lại. Một người đàn ông chừng 60 tuổi đang hướng ánh mắt nhân từ vào tôi. Tôi ngập ngừng: “Bác là…?”

- Ta là Ivan Pavlovich, bảo vệ ở pháo đài. Con từ đâu tới đây?

Mắt người đàn ông như sáng lên khi tôi tôi nói đến từ Việt Nam. Ông ôm chấm lấy tôi, như ôm đứa cháu từ xa trở về: “Ồ, cậu bé yêu quý. Ta đã ủng hộ Việt Nam suốt những năm trai trẻ của mình. Ở cái nơi heo hút này ta chưa bao giờ dám hy vọng được gặp đại diện của một dân tộc anh hùng như vậy”.

Nhìn mớ quần áo rét mỏng manh của tôi, Ivan Pavlovich xót xa: “Sao con lại có thể ăn mặc phong phanh như vậy được? Ngoài trời lạnh những 15 độ âm. Con hãy mặc áo panto và đội mũ lông của ta cho đỡ lạnh”. Tôi ái ngại: “Cháu về ngay bây giờ. Bác còn trực ở đây, bác sẽ cảm lạnh mất”. Ivan Pavlovich cười: “Ta còn có cái này” – ông rút trong túi ra một chai nhỏ: “Samogon (*) ta nấu đấy. Con làm một hớp nhé!”

Ivan Pavlovich cởi áo và mũ, khoác chúng lên người tôi. Ông rót rượu ra cái nắp nhỏ, chìa cho tôi uống trước. Nắp rượu làm tôi ho sặc sụa, nhưng quả nhiên sau đó, người tôi nóng rực lên.

Tôi và Ivan Pavlovic nói chuyện với nhau mãi. Trước lúc chia tay, tôi cương quyết gửi trả lại ông áo panto và mũ lông. Ông buồn.

Năm năm sau, mùa thu 1991, tôi lại có dịp quay trở lại Brest. Con tàu từ Varsava đi Mátxcơva dừng lại ở Brest hơn một tiếng đồng hồ. Tôi vội vã lấy taxi đi vào pháo đài, hy vọng chuyển được cho Ivan Pavlovich một món quà nhỏ. Vẫn bằng ánh mắt hồ nghi như tôi đã thấy hồi nào, người đàn ông trung niên ở khu di tích giở một quyển sổ trên bàn rồi nói:

- Không còn trong danh sách nữa rồi. Ông ta đã chết cách đây ba năm. Chết vì rượu. Ông ấy say rượu trong ca trực đêm, vứt hết áo ấm, nằm gục trên tuyết. Chết vì lạnh thì đúng hơn.

Có gì đó không ổn! Ivan Pavlovich không chết vì rượu. Suốt cho đến tận bây giờ tôi vẫn đinh ninh như thế. Hình như có ai đó đã ngoan ngoãn mặc áo panto và đội mũ lông mà ông hào phóng đưa cho như những người Nga chân chính vốn hào phóng vào một đêm đông giá rét nào đó năm 1988 chăng?

-----

(*) samogon: rượu vodka tự nấu

(đăng trên báo Lao Động, Chủ nhật ngày 11.8.1996)

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết