19/7/06

Phòng chữa răng của bà Antonina Ivanovna



Ấy là mùa thu năm 1991. Hơn một tuần sau chính biến nhằm lật đổ Tổng thống Liên Xô Gorbachev, người ta vẫn chưa thèm dọn dẹp những chướng ngại bày ra phía trước Nhà Trắng (Toà nhà Chính phủ Liên Xô). Tôi đứng trước cảnh hoang tàn vắng lặng ấy và đột ngột cảm thấy nhói buốt. Cơn đau không xuất phát từ nơi ngực như tôi tưởng, mà xuất phát từ hàm trái. Răng đau! Khung cảnh ấn tượng trước mắt thốt nhiên không còn ý nghĩa gì nữa. Tôi lê gót đến Quảng trường 1905 và đáp tầu điện ngầm về nhà Igor.

- Cậu không khóc thương cho Gorbachev đấy chứ? – Igor hỏi thay cho câu chào khi nhìn thấy gương mặt khủng khiếp của tôi bên cánh cửa.

- Tớ đau răng. – Tôi khổ sở đáp. Igor mủm mỉm: “Thế thì nguy hiểm thật! Thôi đừng vào nhà nữa. Để tớ mặc cái áo khoác rồi đưa cậu tới bác sĩ”.

Tôi cười méo mó: “Bác sĩ nào? Tớ ngại xếp hàng ở bệnh viện lắm. Thà nằm nhà một lát cho hết đau còn hơn”. Igor cười vang: “Ba năm nay tớ không phải xếp hàng chữa răng nữa rồi. Chắc cậu chưa biết rằng mẹ vợ của tớ là bác sĩ nha khoa”.

Phòng chữa răng ở Mátxcơva bao giờ cũng đông người. Hình như vì nguồn nước ở Mátxcơva không được tốt lắm, hoặc cũng có thể vì người Nga nào cũng thích của ngọt. Một ông già buộc khăn quanh mặt, nhưng vẫn đang cố gắng pha trò cho mọi người bằng cách diễn lại cảnh vị Chủ tịch Uỷ ban Lâm thời Đặc biệt (người đứng đầu nhóm làm chính biến, lúc đó đã vào nhà đá) run rẩy đôi tay trong cuộc họp báo sau đảo chính được phát trên kênh truyền hình toàn liên bang. “Hắn say rượu đấy, - ông già phán – Tôi biết hắn say rượu, bởi cứ lúc nào quá chén là tay tôi cũng run hệt như thế!”. Mọi người bật cười.

Cánh cửa phòng bác sĩ bật mở, một người phụ nữ ngoài 50 mặc áo choàng trắng cầm tay một người ăn vận rất lịch sự kéo ra ngoài. Cơn giận dữ khiến gương mặt phúc hậu của bà méo xệch, nước mắt chực ứa ra và giọng nói lạc đi: “Ông theo tôi đến chỗ giám đốc bệnh viện. Ông xúc phạm tôi quá lắm!” Tất cả mọi người đều sửng sốt nhìn cảnh tượng này. Ông già pha trò nói khẽ: “Hắn là người Mỹ đấy!”. Igor bấm tay tôi: “Đi mau, xem có chuyện gì xảy ra với bà mẹ vợ tớ”.

Ông giám đốc bệnh viện rót cốc nước lọc: “Chị uống nước cho bình tĩnh lại đã, chị Antonina Ivanovna. Nào có chuyện gì thì kể cho tôi nghe”. Như trút được nỗi niềm, bà Antonina Ivanovna nức nở khóc: “Sergey Grigorievich, tôi làm việc ở bệnh viện này đã 30 năm nay. Tôi thế nào thì anh đã rõ, lao động tiên tiến từng ấy năm trời. Chính anh còn nói rằng phải tặng tôi danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”. Nhà nước cũng chưa để tôi đói ngày nào. Thế mà cái ông người Mỹ này, ông ấy xúc phạm tôi, xúc phạm xã hội của chúng ta”.

Người đàn ông Mỹ xanh mặt. Đôi mắt xám của ông ta lộ rõ vẻ ngỡ ngàng. Ông nhún vai tỏ vẻ không hiểu với ông giám đốc bệnh viện. Trông cái bộ dạng ngớ ngẩn bị cắt nghĩa là chế giễu ấy, bà Antonina Ivanovna gầm lên: “Ông nhún vai cái gì?”. Giám đốc bệnh viện bối rối: “Kìa Antonina Ivanovna, ông ta là người nước ngoài…”

Bà Antonina Ivanovna rền rĩ: “Thế cứ là người nước ngoài thì được phép xúc phạm chúng ta à? Tôi chữa răng đã hơn nửa đời người cho hàng vạn người. Đã bao giờ tôi lấy của ai một kôpếch nào chưa? Thế mà cái thằng cha khốn khiếp này lại đưa cho tôi 100 đôla và lại còn hỏi xem như thế có đủ không? Sergey Grigorievich, anh nói xem như thế có được không hả?”.

Đến lúc ấy, bà mới mở bàn tay vẫn bóp chặt ra để cho tờ bạc xanh có hình Tổng thống Franklin bị bóp nhàu nát rơi xuống bàn.

Ông giám đốc ngẩn mặt, chắc ông tưởng phải có chuyện gì ghê gớm hơn thế. Người Mỹ tội nghiệp lắp bắp bằng thứ tiếng Nga ngọng nghịu, hơn nữa lại còn bị quên từ trong cơn bối rối. “Bà ta chữa rất giỏi. Ở Mỹ nếu chữa như vậy thì phải trả đến 200 đôla. Tôi xin lỗi vì cứ nghĩ ở Mátxcơva phải rẻ hơn”.

Ông giám đốc cười xoà: “Đây là bệnh viện Xôviết. Chúng tôi chữa bệnh không lấy tiền. Ông hiểu chưa? Ông hãy xin lỗi bà bác sĩ khả kính của chúng tôi đi!”.

Người Mỹ ớ ra. Rồi chợt hiểu, ông ta cầm lấy tờ giấy bạc, vuốt cho nó thẳng thắn lại, bỏ vào túi và cúi người trước bà Antonina Ivanovna: “Xin lỗi bà”. Nói rồi ông ta ung dung bước ra cửa. Cơn đau răng của tôi đã biến mất từ lúc nào.

Hà Nội, tháng 2.1998

Đăng trên Lao Động, thứ Bảy, ngày 28.2.1998

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết