31/10/09

NGƯỜI ĐẸP UZBEKISTAN


Những người đẹp trên con đường tơ lụa
Chụp tại Tashkent và Samarkand (Uzbekistan) cuối tháng 10.2009.


Hoa hậu chợ Samarkand. Ở đây phụ nữ đẹp phải có răng vàng.

Cô bé này đứng rất bất cần đời tại một lăng mộ Hồi giáo ở Samarkand

Người phụ nữ bán hoa quả trên đường quốc lộ từ Tashkent đi Samarkand

Umida - Quý bà Uzbekistan đẹp và thành đạt

Nulifa, giáo viên tiếng Anh, sắp kết hôn cùng một sĩ quan quân đội vào ngày 7.11.

Cô dâu này có vẻ là người Nga, không phải người Uzbek
Chụp tại Quảng trường Nhà hát ở Tashkent.

Siêu mẫu trình diễn thời trang dân tộc Uzbek

Nữ diễn viên múa

Các siêu mẫu từ Con đường Tơ lụa

Còn đây là người đẹp Việt Nam trong trang phục dân tộc của phụ nữ Uzbek



20/10/09

TẤT CẢ VỀ MẸ



Những bài hát hay về mẹ do các ca sĩ đương đại nổi tiếng của thế giới trình bày:



Vitas (Nga)



Anastasia Prihodko (Ukraina - Nga)




18/10/09

GLOBAL VIETNAM IDOL



Các thí sinh gốc Việt đã làm nên chuyện tại khá nhiều cuộc thi hát kiểu "American Idol" được tổ chức ở những nước khác nhau. Đó là Thanh Bùi (Australia), Nguyễn Thị Thanh Hiền (Hungary).

1. Thanh Bùi, sinh năm 1983, sinh tại Adelade (Australia) hiện sống tại Melbourne. Thanh Bùi lọt vào top 10 Australia Idol 2008.



Ca khúc "The Winner Takes It All"của ABBA do Thanh Bùi hát tại Australia đã được Ban giám khảo và khán phòng đứng lên hoan nghênh nhiệt liệt.




Tham gia sân khấu PBN tại hải ngoại, Thanh Bùi đã trình bày ấn tượng ca khúc song ngữ "Gương thần" (Mirror, Mirror)


2. Nguyễn Thị Thanh Hiền, sinh năm 1994, có cha là lưu học sinh Việt Nam tại Budapest.



Thanh Hiền học sinh giỏi của trường Szechényi và đồng thời cũng là nhạc công violon cho Dàn nhạc thiếu nhi thành phố Sopron. Em là một trong số 5 giọng ca gốc Việt trong số 12 thí sinh gốc châu Á tham gia cuộc thi Megazstar cùng hơn 10.000 thí sinh Hungary.



Em đã lọt được vào top 10 và gây được ấn tượng tốt khi trình bày các ca khúc của BeyonceAlicia Keys.


3. Roni Trần Bình Trọng, sinh năm 1987 tại Thái Lan, hiện sống tại Hyvinkää, Phần Lan, lọt vào Idols Finland 2005.



Đĩa đơn đầu tay "Don't Wanna Be Alone" của Roni Trọng là một trong những bài hit của Phần Lan năm 2006.


4. Alice Cecilia Linh Svensson, sinh năm 1991 tại Hà Nội, được gia đình Svensson nhận làm con nuôi từ khi còn bé tí. Linh Svensson là trường hợp thành công nhất của một ca sĩ gốc Việt tại các cuộc thi Idol ở nước ngoài. Cô đã đoạt giải Nhì tại Sweden Idol 2008.



Khi hát ca khúc "Heaven's On Fire" (Bầu trời bốc lửa), cô đã được một giám khảo khen "Chính em đang bốc lửa".

Linh Svensson đã tham gia các cuộc thi âm nhạc như Talent 2007, Super Troupers 2004, biểu diễn trên kênh truyền hình TV4... Năm 15 tuổi, Linh Svensson đã đoạt giải nhì cuộc thi Joker 2006 tại Stockholm. Năm 2007, cô đoạt tiếp giải nhất cuộc thi Popcorn 2007 và trở thành thành viên của nhóm nhạc Popcorn.



Linh Svensson trình bày ca khúc "Lay On Your Love On Me" của ABBA.

Hiện Linh sống cùng với bố mẹ nuôi và em gái tại thành phố Hedesunda và đang theo học khoa thanh nhạc ở Đại học Gavle, cách nhà 7 km.

Sau cuộc thi, mẹ đẻ của Linh hiện đang sống tại Hà Nội, đã nhận ra em và lên tiếng mong gặp lại đứa con ruột thịt của mình. Linh có một cô em sinh đôi, giống Linh như hai giọt nước.


Tham khảo:
1. Đáng tự hào lắm chứ - LHSVN
2. Nguyễn Thanh Hiền lọt tiếp vào top 7 Megazstar 4 - Webdoanhnhan
3. Thanh Bùi - Wikipedia
4. Roni Trọng - Wikipedia
5. Cô gái gốc Việt đoạt giải nhì tại Sweden Idol



17/10/09

NHẠC Ý



Hồi còn trẻ con, chú hàng xóm có máy quay đĩa, có cái đĩa nhựa của Robertino. Say sưa nghe thần tượng hát O sole mio, Torna a Surriento, Jamaica và mơ về một giấc mơ thiên đường, nơi có ánh nắng chan hòa, trời xanh, biển xanh và những lâu đài cổ.

Chương trình phát thanh thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam thời đó vun đắp thêm ước mơ tôi về mảnh đất xa tít tắp nơi có những con người tuyệt diệu sinh sống qua bài hát bất hủ "Mama" với giọng hát trong vắt của Hải Vân.

Ký ức nước Ý trong tuổi thơ tôi là như thế.

19 tuổi, sang Liên Xô, tôi đắm chìm trong làn sóng nhạc pop Ý lan truyền khắp đất nước bạch dương thời trước cải tổ. Toto Cutugno bằng chất giọng khàn xuyên thẳng vào tim óc tôi một dòng điện cao thế với L'italiano.



Lasciatemi cantare
con la chitarra in mano
lasciatemi cantare
una canzone piano piano
lasciatemi cantare
perché ne sono fiero
sono l’italiano
l’italiano vero

"Hãy để tôi cất tiếng ca với cây đàn guitar trong tay
Hãy để tôi cất tiếng ca thật dịu dàng
Hãy để tôi cất tiến ca với niềm tự hào
Tôi là người Ý, một người Ý thực thụ"...

Đêm đêm, trước khi đi ngủ, tôi lại để mình đắm chìm trong tiếng hát của Cutugno, miệng lẩm bẩm: "sono l’italiano, l’italiano vero".

Con trai thời đó, cả Nga lẫn Việt, nhiều anh để tóc kiểu Toto Cutugno, dẫu chỉ là phiên bản kệch cỡm, nhưng vẫn lấy làm hãnh diện.

Anh chàng Al Bano kết đôi cùng cô gái Mỹ Romina Power tạo thành đôi song ca đũa lệch (nàng cao chàng thấp) nhưng cho ra đời những ca khúc bất hủ ca ngợi tình yêu và hạnh phúc.

4 năm sau, World Cup 1990 Italia. Người ta chắc đã quên cái lễ khai mạc đó diễn ra như thế nào, nhưng chắc sẽ còn nhớ bài hát bốc lửa của Giana Nannini với cái đoạn "na na na na..." rất sexy của cô. Đối với tôi thì đây có thể coi là "túc cầu ca" của bóng đá toàn cầu. (Cũng là bài này, hát tiếng Ý thì hay mà hát tiếng Anh sao nghe chán thế?""



Năm 1996 có may mắn đến Rimini, khu nghỉ mát trên bờ biển Adriatic. Buổi tối tại lobby khách sạn, nơi tôi dừng chân, có một ca sĩ mặc tuxedo màu đen ngồi hát bên chiếc đại dương cầm màu trắng.

Dẫu không biết tiếng Ý, nhưng tôi vẫn rụt rè yêu cầu ông hát bài "L'italiano". Người đàn ông cau mày, bài hát đó như thế nào?

Tôi đâu có thuộc lời, bèn hát cho ông mấy nốt nhạc đầu tiên và những chữ tiếng Ý đã thuộc lòng "sono l’italiano, l’italiano vero". Ông hỏi lại: "Toto Cutugno?"", tôi đáp: "Sì" (Vâng).

Lần này thì không phải cái giọng khàn của Cutugno nữa, mà là một giọng nam trung mượt mà. "Người Ý" của ông không ngùn ngụt bốc lửa mà dịu êm một cách dữ dội. Vẫn thấy trong đó niềm kiêu hãnh của một người Ý thứ thiệt.

Cách đây vài năm, đột ngột nghe giai điệu quen thuộc của "L'italiano" vang lên, kèm theo một giọng nhừa nhựa bằng tiếng Việt: "Rót mãi những chén chua cay này / Lêu bêu như gã du ca buồn / Lang thang bước với nỗi đau/ Với trái tim ta tật nguyền"...

Tôi chết lặng, chất kiêu hãnh Italia của Toto Cutugno đã biến thái thành một bài hát thất tình, chán đời một cách rẻ tiền.

Đúng là một phiên bản tật nguyền được thẩm thấu qua một trái tim tật nguyền...


NHỮNG ENTRY TRƯỚC:
1. NGÔN NGỮ SEXY
2. SỐ PHẬN CỦA HAI THẦN ĐỒNG ÂM NHẠC


15/10/09

SỨC MẠNH TÌNH YÊU



Cô gái chỉ có một tay.

Chàng trai chỉ có một chân.

Họ có thêm một cái nạng.

Để trình diễn một vũ điệu tuyệt vời.

Vũ điệu ấy chỉ có thể gọi là "Sức mạnh tình yêu"




Các nghệ sĩ biểu diễn: Mã Lệ (馬麗) và Trạch Hiếu Vĩ (翟孝偉)

Âm nhạc: San Bao

Biên đạo múa: Zhao Limin


KHI Ý CHÍ LÀM NÊN SỰ HOÀN MỸ


Điệu múa Tay trong tay của một cặp đôi Trung Quốc nhận hàng trăm lời nhận xét bày tỏ sự ngưỡng mộ, và con số trên một triệu lượt xem vẫn đang tăng vùn vụt trên YouTube - một trang web chia sẻ miễn phí video clip được nhiều người trên khắp thế giới sử dụng.

Hai người trong điệu múa, chàng tên là Trạch Hiếu Vĩ bị cụt mất chân trái từ năm lên bốn tuổi trong một tai nạn; nàng tên là Mã Lệ, bị cắt tay phải sau một tai nạn giao thông năm 19 tuổi. Bằng những nỗ lực không thể tin nổi, họ đã sát cánh cùng nhau dựng nên tác phẩm múa tình cảm, mạnh mẽ và chân thành đến rơi nước mắt.

Cuối tháng 4-2007, kênh CCTV9 - Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát đi bản tin tác phẩm múa Tay trong tay đã thu phục hoàn toàn khán giả của cuộc thi múa toàn quốc lần 4 do CCTV tổ chức. Không chỉ chinh phục những khán giả của CCTV hay YouTube, các blog cá nhân từ nhiều nước trên thế giới đang giới thiệu tác phẩm múa Tay trong tay. Nhiều người đã khóc khi xem họ biểu diễn, kể cả trên sân khấu và qua màn hình bé chỉ bằng lòng bàn tay của những trang web.

Mỗi người một cảnh

Trước năm 2005, Mã Lệ và Trạch Hiếu Vĩ chưa hề quen biết nhau, nhưng đã cùng trải qua những mất mát. Mã Lệ học múa từ năm 7 tuổi. 18 tuổi, cô tốt nghiệp loại ưu Trường nghệ thuật Mã Điếm, tỉnh Hà Nam và được nhận vào Đoàn nghệ thuật Thanh Đảo. Một năm sau cô gặp tai nạn, cánh tay phải bị dập nát, phải cắt bỏ. Bao nhiêu mơ ước tan thành mây khói. Cô rời đoàn nghệ thuật, suy sụp tinh thần.

Năm 2001, trước ít ngày diễn ra hội diễn nghệ thuật múa người khuyết tật của tỉnh Hà Nam, một nhân viên trong hội đã tìm đến Mã Lệ đề nghị cô tham dự hội diễn. Mã Lệ từ chối, nhưng rồi sau khi được thuyết phục nhiều lần, cô đến thăm hội khuyết tật và nhận ra nhiều người khuyết tật nặng hơn cô mà vẫn say mê chơi đùa, luyện tập. Mã Lệ đã đồng ý tham dự hội diễn và giành được giải vàng với tiết mục múa Cô gái Hoàng Hà, vì vậy, cô được mời tham gia liên hoan múa toàn quốc ở Bắc Kinh.

Còn Trạch Hiếu Vĩ sinh ra ở một thành phố hẻo lánh của tỉnh Hà Nam. Năm bốn tuổi, Vĩ theo mấy người lớn đến bên một chiếc máy nghiền đá, không may bị lọt chân vào khe máy đúng lúc máy chuyển động. Chân trái của anh bị dập nát và buộc phải cắt bỏ đến tận đùi. Sau khi tốt nghiệp bậc sơ trung học, Trạch Hiếu Vĩ xin được một chỗ làm cho một gia đình làm nghề đan lưới đánh cá. Năm 2005 anh trở về Hà Nam và trở thành vận động viên khuyết tật môn đua xe lăn.

Sự gặp gỡ của nghệ thuật và ý chí

Mã Lệ gặp Trạch Hiếu Vĩ tình cờ ở một trung tâm phục hồi sức khỏe vào năm 2005. Họ cảm thấy quí mến nhau. Lúc ấy Mã Lệ đang có ý tưởng tìm người múa cùng với mình để dự thi múa toàn quốc. Cô hỏi Trạch Hiếu Vỹ có thích múa không. Anh trả lời thành thật: "Tôi không múa được vì tôi không tự đi được. Tôi cũng không biết rõ là tôi có thích múa hay không". Mã Lệ phải gọi điện thuyết phục nhiều lần Trạch Hiếu Vĩ mới đồng ý.

Cuối năm 2005, họ bắt tay vào luyện tập. Nhưng vì Hiếu Vĩ chưa từng học múa nên Mã Lệ phải hướng dẫn anh từ những động tác đầu tiên. Sự luyện tập căng thẳng chỉ với một chân khiến Vĩ cảm thấy chán nản. Anh đã toan bỏ cuộc nhưng rồi Mã Lệ kiên trì thuyết phục anh rằng làm việc gì cũng phải có quyết tâm cộng với sự kiên trì mới đạt kết quả, Vĩ đồng ý trở lại luyện tập. Họ nhờ một biên đạo múa giúp họ thực hiện ý tưởng. Không có tiền thuê sàn tập, mùa đông họ tập trong nhà, mùa hè họ ra công viên. Có ngày họ tập luyện từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối mới nghỉ.

Hết lần này đến lần khác, Vĩ phải đỡ Mã Lệ trên một chân, khó nhất là động tác vừa tiến lên phía trước vừa ôm giữ cô vì toàn bộ sức nặng dồn lên chân anh, sau đó, anh phải thả cô xuống, lo giữ thăng bằng với chiếc nạng chống. Họ làm đi làm lại, vừa làm vừa điều chỉnh cho đến khi cảm thấy hoàn hảo.

Ngày thi đã đến. Họ bước ra sân khấu và múa bằng tất cả tâm hồn mình, không hề nghĩ tới cuộc thi. Tác phẩm Tay trong tay kể lại chính câu chuyện về tình yêu múa của họ. Hai người gặp nhau, có lúc xung đột tới mức chia xa, rồi quay trở về với nhau nồng ấm và quyến luyến hơn trước.

Điều đặc biệt là khi xem họ múa, những khiếm khuyết của cơ thể không còn hiện diện, chỉ còn tình yêu - sự nâng đỡ che chở trên nền nhạc da diết và mạnh mẽ còn đọng lại trong lòng khán giả. Tay trong tay đã làm lu mờ tất cả những tiết mục dự thi khác trong cuộc thi múa toàn quốc.

UYÊN LY (Từ CCTV, Internet)


THAM KHẢO
Hand in hand - Vũ điệu thắp lửa (TUỔI TRẺ)


13/10/09

HỤT HẪNG



Đi học thạc sĩ ở nước ngoài là quyết tâm của cậu.

Gia đình bên mẹ cậu có khá nhiều bà con Australia. Những ông anh họ thành đạt béo tốt năm nào cũng thay phiên nhau về thăm quê. Cậu ở Sài Gòn nên luôn là người đầu tiên chào đón họ, đưa họ đi chơi, thăm thú chỗ này chỗ kia, thu xếp cho họ về quê rồi lại đón họ trở ra thành phố và tiễn họ lên máy bay.

Cậu là người chu đáo, nên các anh rất cảm động.

Khi ý định du học của cậu chín muồi, cậu gọi điện hỏi ý kiến các anh. Họ hồ hởi: "Em sang đi, có khó khăn gì bọn anh sẽ giúp".

Cậu mừng lắm. Không phải vì cậu cần họ giúp tiền bạc hay vật chất, bởi sau khi ra trường đi làm mấy năm cậu đã lo đủ chi phí cho chuyến đi, để ít nhất có thể sống và học trong năm đầu tiên mà không phải lo lắng gì.

Cậu cũng biết người sống nước ngoài phải kiếm tiền vất vả, thời gian eo hẹp, nên cũng không trông mong điều đặc biệt gì. Cậu xác định sau khi ổn định chỗ ăn chỗ học, sẽ tìm việc làm thêm để tự trang trải mọi chi phí.

Thế nên sự hồ hởi của các anh khiến cậu yên tâm vì ở đó có người thân, để cậu có thể gặp gỡ, trò chuyện, ăn chung với nhau bữa cơm Việt, hoặc không cảm thấy trống vắng côi cút vào mỗi dịp lễ Tết.

Nhưng tiến trình thủ tục xin nhập học và visa của cậu càng tiến triển, thì cuộc trò chuyện giữa cậu và các anh càng trở nên nhạt dần. Cậu có một cảm giác mơ hồ nào đó, nhưng không lý giải được... Cho mãi đến tận hôm cậu được Đại sứ quán thông báo đồng ý cấp visa, và sung sướng bốc máy gọi cho ông anh cả...

Cậu phấn khích thông báo chuyến bay, giờ đến Sydney, nhưng người đàn ông ở đầu dây bên kia đáp lại bằng thái độ hờ hững. Nghe xong, ông hỏi lại: "Ờ, ờ, chú sang hả? Muốn ai ra đón? Hay là đi taxi về?"

Cậu chưa bao giờ để bất cứ một thành viên nào trong đại gia đình các ông anh họ trở về Việt Nam phải tự đi taxi về nhà. Câu hỏi của ông anh khiến cậu tức giận. Chẳng nhẽ họ không thể đáp lại cậu bằng cái thịnh tình mà cậu đã dành cho họ?

Cậu nói thêm vài câu nữa và trước khi buông máy, ông anh còn kịp hỏi: "Thế chú định ở nhà ai?". Cơn giận của cậu sôi lên. Cậu nhớ chưa bao giờ hỏi họ câu tương tự mỗi khi nghe điện thoại các anh báo sẽ về, mà luôn chủ động lo chỗ ở cho họ chu đáo. Chẳng nhẽ mấy anh em trai ở đó mà không thể thu xếp cho cậu ở tạm nhà một người trong vài ngày hoặc một tuần đầu tiên?

Cậu nói giọng như nghẹn lại: "Em nhờ được người thuê nhà rồi. Thôi, em sẽ tự đi taxi về".

Người đàn ông lại ờ ờ vớt vát: "Về đến city nhớ gọi điện cho anh nha"...

Hôm sau, cậu đến gặp người giúp cậu làm hồ sơ du học, nhờ anh ta tìm giúp cậu một chỗ ở. Người đó hỏi lại: "Hôm trước em nói có bà con bên đó có thể giúp em tìm thuê nhà cơ mà?"

Cậu trả lời rằng cậu muốn chủ động mọi việc. Người đàn ông nhận lời và nói thêm: "Em nên giữ khoảng cách một chút với những người bà con đó, đừng nên kỳ vọng vào họ quá. Họ đã quen với cách sống bên đó, nên người mới sang sẽ có cảm giác hụt hẫng khi thấy mình không được đối xử nồng nhiệt như ở Việt Nam"...

Cậu chỉ còn biết thở dài...


12/10/09

RẼ NGANG LÀM DOANH NHÂN



Ít nhất ba người bạn thân của tôi đã bỏ cơ quan nhà nước ra ngoài làm doanh nhân: một nhà báo, một họa sĩ và một giảng viên đại học.

Anh nhà báo đã làm đến chức trưởng ban thư ký tòa soạn của một tờ báo không nhỏ không lớn, đã khẳng định được vị trí của mình, vào một ngày đẹp trời tự nhiên thấy cuộc đời của mình chẳng nhẽ dừng ở đây? Làm Phó Tổng biên tập thì chắc là cứ chờ khoảng 7-10 năm nữa thì rồi chắc cũng lên, nhưng trong khoảng thời gian đó anh sẽ làm gì? Chẳng nhẽ lãng phí thời gian, sức lực, chất xám của mình trong chờ đợi? Thế là dứt áo ra đi. Cách đây 10 năm hành động đó bị coi là điên.

Cô họa sĩ cũng không muốn mình mòn mỏi tài năng quanh đi quẩn lại chỉ làm có từng đấy việc trong một cơ quan nhà nước. Cô muốn thử sức mình ở một địa hạt khác: thiết kế và kinh doanh thời trang. Dẫu biết là công việc mới sẽ vất vả hơn, thử thách hơn, nhưng cô vẫn quyết định dấn thân.

Chị giảng viên đại học thời còn Liên Xô xin đi làm phiên dịch. Liên Xô tan rã, chị ở lại buôn bán, đi tàu hỏa sang tận Varsava (Ba Lan) lấy hàng về Mátxcơva, có lúc lại bay xuyên Siberia đến tận Irkutsk lùng kiếm hàng độc. Khi nước Nga quá loạn lạc, chị sang Czech và rong ruổi khắp các nẻo đường của đất nước này để bán hàng may mặc. Cuối thập niên 1990, trở lại Việt Nam, trường đã cắt biên chế của chị. "Muốn không mất dậy cũng không được, thôi thì lại làm con buôn vậy" - chị cười chua chát.

Anh bạn tôi đã bán mọi vật dụng đáng kể trong nhà, mua một chiếc Wave Tầu làm phương tiện đi lại, huy động tiền nhàn rỗi của họ hàng và bạn bè để làm vốn kinh doanh. Vũ khí duy nhất mà anh có là bộ óc của mình. Anh biết việc anh đang làm là đúng và anh biết cách làm nào là thích hợp. Phải giao du, phải cấu kết, phải dùng ba tấc lưỡi (với lý lẽ sắc bén mà nghề báo đã tôi luyện) để thuyết phục đối tác, nhiều lúc anh tự hỏi: "Không biết mình có còn là mình nữa không?".

Cô họa sĩ thì có thuận lợi hơn vì cô được đào tạo bài bản, kết hợp với xuất thân từ một gia đình có truyền thống văn hóa am hiểu nghệ thuật, nên cô đã nhanh chóng tạo được sự chú ý ngay từ những bộ collection đầu tiên. Nhưng "cơm áo không đùa với khách thơ", cô phải vượt qua những mặc định của nghệ sĩ tính để học bằng được những bài học về kinh doanh, chấp nhận một đôi lần gần như trở về "mo".

Chị giảng viên mang cái thật thà của người đứng trên bục giảng lâu năm vào thương trường. Chị biết đó là điểm yếu của mình. Nhưng trong bối cảnh đục nước béo cò, sự thật thà của chị bỗng trở thành của hiếm và lại làm nên chuyện. Chị đi xin đất, ông chủ tịch huyện phát hiện ra "cô này không giống những nữ doanh nhân khác", sốt sắng đi tìm cho chị khu đất thuộc loại đẹp nhất huyện. Cứ như thế chị mở các cánh cửa khá dễ dàng.

Nhưng dễ cái này thì khó cái khác. Chị luôn trong tình trạng thiếu tiền. Nhà có tài sản gì đều đem đi thế chấp ngân hàng hết. Hết vay, lại đáo hạn. Lúc thì thiếu tiền trả lương công nhân, khi thì cần tiền để làm đơn hàng, lúc thì hàng đã xuất đi mà không thu được tiền về. Tóm lại là nói chuyện gì thì rồi cũng lại phải nói đến chuyện tiền. Làm bà chủ mà đâu có được ăn ngon ngủ yên, lúc nào cũng canh cánh một mối lo nào đó...

... Họ đã rẽ ngang làm doanh nhân như thế. Họ đã lựa chọn hoặc buộc phải lựa chọn việc đối mặt với thị trường, nơi vắt kiệt mọi nơron thần kinh, huy động tối đa mọi nỗ lực lao động cơ bắp và trí óc, nơi thực sự bắt họ phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, nơi mà họ ý thức được rõ nhất sự khốc liệt của hai chữ "cạnh tranh".

(*) mo (la mort): điểm chết

8/10/09

NOBEL VĂN HỌC 2009 GÂY TRANH CÃI



Herta Mueller, nữ tác giả người Đức còn ít được biết đến, đã đoạt giải Nobel Văn học 2009. Là thành viên trong gia đình thuộc cộng đồng Đức thiểu số ở Romania, bà Mueller được vinh danh vì những tác phẩm “tích tụ thơ ca và sự bộc trực của văn xuôi”, theo nhận xét của Viện Hàn lâm Thụy Điển.

Quyết định bất ngờ trao giải cho bà Mueller đã đổ thêm dầu vào cuộc tranh cãi xung quanh cái gọi là “sự dập khuôn” chỉ trao giải thưởng văn học danh giá cho các nhà văn Châu Âu. Chính bà Mueller cũng không giấu nổi sự ngạc nhiên: “Tôi vô cùng sửng sốt và vẫn còn chưa tin vào điều này. Tôi không thể nói gì hơn vào lúc này” – bà viết trong bản thông cáo do nhà xuất bản của bà tại Đức phát hành.

Peter Englund, Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thuy Điển, đầu tuần này đã phát biểu với Hãng tin Mỹ AP rằng Viện Hàn lâm Thụy Điển lâu nay vẫn “coi trọng Châu Âu khi lựa chọn người đoạt giải”.

Người tiền nhiệm của ông là Horace Engdahl đã khuấy động tâm tư hai bờ Đại Tây Dương vào năm ngoái khi phát biểu rằng Châu Âu vẫn là trung tâm của thế giới văn chương và rằng chất lượng viết lách ở Mỹ bị xuống cấp bởi các tác giả quá nhạy cảm với những trào lưu của văn hóa đại chúng.

Sau khi tin bà Mueller thắng cuộc được thông báo, ông Engdahl lại nói: “Nếu bạn là người Châu Âu, thì bạn sẽ hiểu biết văn hóa Châu Âu dễ dàng hơn. Đây là kết quả của sự thiên vị trong tâm lý mà chúng tôi đang thực sự muốn biết. Đây không phải là kết quả của bất cứ chương trình nào.”

Mueller, 56 tuổi, bắt đầu viết văn từ năm 1982 với tuyển tập truyện ngắn có nhan đề "Niederungen" (Đất đen), mô tả cuộc sống khó khăn trong một làng nhỏ nói tiếng Đức ở Romania. Tiếp theo, cuốn "Oppressive Tango" (Điệu tango trĩu nặng) bị cấm xuất bản tại Romania vì chỉ trích chế độ của Nicolae Ceausescu.

Mueller, có cha từng làm việc trong bộ máy Waffen SS của phát xít Đức thời Chiến tranh Thế giới II, là nữ văn sĩ thứ 12 và là người Đức thứ 10 đoạt giải Nobel Văn học, sau Guenter Grass năm 1999 Heinrich Boell năm 1972.

Bên cạnh tranh cãi về việc giải Nobel Văn học trong một thập niên gần đây chỉ trao cho các nhà văn Châu Âu, quyết định của Viện Hàn lâm Thụy Điển năm nay còn được bình luận là “chính trị hóa” thời điểm 20 năm tan rã của chủ nghĩa xã hội tại Đông Âu. Mặc dù Viện Hàn lâm Thụy Điển tránh nhắc tới, song Nhà xuất bản Hanser Verlag (Đức) và diễn viên Ion Caramitru - người chống cộng nổi tiếng ở Romania, đều thừa nhận điều đó.

Phần lớn tác phẩm của Mueller đều bằng tiếng Đức, song một số tác phẩm của bà đã được dịch sang tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha như "The Passport" (Hộ chiếu), "The Land of Green Plums" (Xứ sở mận xanh), "Traveling on One Leg" (Đi bằng một chân) và "The Appointment" (Cuộc hẹn).

Tiểu thuyết mới nhất của Mueller "Atemschaukel" (Hơi thở nhịp nhàng) đã lọt vào chung khảo giải Sách Đức năm nay. Giải thưởng này sẽ được công bố vào thứ Hai tuần tới.

Đây là lần đầu tiên có tới 4 phụ nữ đoạt giải Nobel trong cùng một năm. Các nhà nghiên cứu người Áo tại Mỹ Elizabeth Blackburn và Carol Greider chia sẻ Nobel Y khoa, còn nhà khoa học Israel Ada Yonath có tên trong danh sách các tác giả đoạt Nobel Hóa học.


7/10/09

"MỘT RỔ HUY CHƯƠNG"



Đó là cụm từ mà một nghệ sĩ tham gia Hội diễn sân khấu kịch chuyên nghiệp 2009 nói với tôi qua điện thoại, khi được hỏi về kết quả hội diễn bế mạc tối nay (7.10) tại TP Hồ Chí Minh.

"Một rổ huy chương" vì có tới 42 chiếc huy chương vàng (HCV) cá nhân được trao. Tất nhiên, Thành Lộc với 2 vai diễn trong "Hợp đồng mãnh thú" và "Ngàn năm tình sử" xứng đáng được HCV kèm danh hiệu "nghệ sĩ xuất sắc nhất". Hầu hết những cái tên nổi trội của các đơn vị nghệ thuật sắm vai chính trong các vở diễn đều được HCV.

Bên cạnh đó những cái tên được báo chí khen ngợi như NSƯT Thu Hà (Nhà hát Kịch Việt Nam), NSƯT Bảo Quốc, thì mặc dù chỉ diễn vai phụ, nhưng đã được Vàng không khó khăn gì.

Cơn mưa HCV cá nhân đã khiến một số nghệ sĩ gần đến tuổi nghỉ hưu thở phào, vì cuối cùng đã có thêm thành tích đủ điều kiện để nhân danh hiệu NSƯT hoặc nâng cấp lên NSND.

Vàng cho vở diễn có khắt khe hơn. Chỉ có 3 trong số 27 vở diễn tham gia được HCV. Đó là "Anh hùng và mỹ nhân" của Nhà hát Kịch Việt Nam, "Nỏ thần" và "Mẹ và người tình" của Sân khấu kịch Phú Nhuận.

Mặc dù BGK quá khắt khe khi cân nhắc giải Vàng (chỉ tiêu của Ban tổ chức đặt ra lúc đầu là sẽ trao HCV cho 1/3 số vở tham dự, có nghĩa là 9 vở), nhưng các vở diễn được dư luận mong đợi đã không được vàng. Đó là "Ngàn năm tình sử" của IDECAF, là "Cánh đồng bất tận" của Nhà hát Sân khấu nhỏ TP HCM.

"Ngàn năm tình sử" được Thành Lộc dàn dựng và diễn xuất xuất sắc, nhưng trước hội diễn lại bị một vài tờ báo phê bình là có cái nhìn không đúng về Lý Thường Kiệt: Không thể có chuyện vị tướng lừng lẫy trong lịch sử VN lại tự thiến vì một người phụ nữ và ngồi thổi sáo suốt 20 năm vì thương nhớ nàng.

"Cánh đồng bất tận" thì được một nhà phê bình nghệ thuật nhận xét là xử lý theo kiểu chuyển thể Slumdog Millionaire từ mấy tập sách thành tác phẩm điện ảnh. "Cánh đồng bất tận" trên sân khấu khác xa với nguyên bản của Nguyễn Ngọc Tư, nó chỉ còn những cái tên nhân vật, còn tình tiết, cốt truyện đã khác rất nhiều. Tất nhiên, tác giả kịch bản và đạo diễn có quyền như vậy. Nhưng một nghệ sĩ miền Bắc háo hức xem vở diễn này đã phải thở dài thất vọng: "Không thể chịu đựng được".

Có vẻ như Ban giám khảo đã dũng cảm khi trao giải Vàng cho hai vở diễn miền Nam và một vở diễn miền Bắc. Điều đó thể hiện đúng tương quan của hội diễn, nhưng Ban Giám khảo cũng đã lúng túng và nửa vời, không dám đi đến tận cùng nếu chỉ tính đến những tiêu chí nghệ thuật của vở diễn.

Dù thế nào thì hội diễn này cũng đánh dấu một sự chuyển mình. Kịch nói miền Bắc một thời tung hoành với những niêm luật nghệ thuật khắt khe của mình, với tiêu chí "nghệ thuật là thánh đường"
đã thực sự không còn là thánh đường nữa, khi không chịu đổi mới, cứ sống mãi với hào quang quá khứ của mình và chỉ chịu dựng vở khi có tiền đầu tư làm các vở diễn nhân các dịp kỷ niệm.

Các nghệ sĩ cứ miền Bắc cứ than khóc vì bị khán giả quay lưng, nhưng họ dường như không biết rằng chính họ đang làm cho khán giả quay lưng và bỏ đi, khi cứ tiếp tục dựng những vở diễn không khán giả, diễn những vở diễn ít người muốn xem.

Sân khấu kịch miền Nam, sau một thời gian bị phê phán là chiều theo thị hiếu khán giả, thì nay dường như đã trở lại thế cân bằng với những vở diễn vừa chiều theo thị hiếu khán giả vừa khiến thị hiếu khán giả thay đổi. Họ đã đúng: Trước hết phải có khán giả, sau đó mới bắt khán giả thay đổi được.

Cũng như chính sân khấu. Trước hết phải sống thì rồi mới hay được. Còn cứ lay lắt thì cũng chỉ lắt lay mãi mà thôi.

Chú thích: Poster vở diễn "Ngàn năm tình sử"


6/10/09

CHUYỆN TRONG NGÀY (2)



Các cụ nhà ta có câu "cháy nhà mới ra mặt chuột". Nay bão to "lật mặt" những vụ làm ăn gian dối.

1. VietnamNet ngày 6.10 đưa tin: Cơn bão số 9 gây thiệt hại hết sức nặng nề cho tuyến đường du lịch ven biển Nguyễn Tất Thành của Đà Nẵng. Đặc biệt, nửa phần đường tiếp giáp với bờ biển, đoạn từ cầu Phú Lộc đến Nam Ô, gần như không còn chỗ nào nguyên vẹn.

Trong cơn bão Xangsane năm 2006, tuyến đường Nguyễn Tất Thành cũng từng bị tàn phá nặng nề. Do vậy, vào tháng 7/2008, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã quyết định đầu tư 3,3 tỷ đồng để khắc phục những chỗ hư hỏng, sụt lún vỉa hè, hệ thống thoát nước và cảnh quan trên tuyến đường…

Nhưng chỉ sau hơn 1 năm, tuyến đường lại tiếp tục bị phá nát. Và cũng “nhờ” có bão số 9 vừa qua mà người dân phát hiện ở các đoạn bờ kè bị vỡ, tuyệt nhiên không có cây sắt nào làm lõi bên trong.

Người dân ở tổ 27C và 23C khu vực Thọ An, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà cho hay, khoảng 2 giờ sáng 29/9, gió lớn từ “rìa” cơn bão số 9 đã làm ngã đổ 5 cây trụ điện dài cả chục mét trên đường Phan Bá Phiến.

Song điều khiến người dân bức xúc là sau khi các cây trụ điện ngã đổ, người ta mới phát hiện ra mấy cây trụ bê tông ly tâm đường kính khoảng 30cm, dài khoảng 10m, nặng hàng trăm kg này chỉ được… chôn rất sơ sài trên mặt đất. Chính xác là chỉ được cắm xuống đất khoảng 70cm – 1m, chứ hoàn toàn không có móng trụ, không có bê tông liên kết (ảnh).

2. Từ Moskva, nhà báo Elena Zubtsova - CTV của báo Lao Động viết: Một tháng rưỡi sau thảm hoạ tại Nhà máy thuỷ điện Sayano-Shushenskaya (Nga) cướp đi 75 sinh mạng, Uỷ ban Giám sát kỹ thuật Nga đã đưa ra nguyên nhân thảm hoạ công nghệ lớn nhất trong lịch sử nước Nga. Theo uỷ ban, thì cả yếu tố công nghệ lẫn yếu tố con người đều góp phần dẫn đến sự cố.

Ông Kutin - người đứng đầu Ủy ban - khẳng định, nguyên nhân dẫn đến thảm hoạ tại Sayano-Shushenskaya không phải là sự tình cờ, mà là hậu quả tất yếu của thực trạng nền kinh tế Nga thời hậu Liên Xô.

Trong hai thập niên qua, "những ông chủ mới" của các tổ hợp khổng lồ trong những lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế đã bóc lột một cách không thương tiếc di sản mà nhiều thế hệ người dân Xôviết tạo dựng lên. Họ chỉ quan tâm tới lợi nhuận, mà không để ý gì đến hiện đại hóa và phát triển sản xuất, không đầu tư thêm để đổi mới công nghệ và thiết bị, cũng như không ứng dụng thêm công nghệ mới nào.

THAM KHẢO:

1. Bão đánh “vỡ” ra nhiều chuyện làm ăn gian dối - VIETNAMNET
2. Hậu quả tất yếu của một sự bóc lột - LAO ĐỘNG


5/10/09

NHỮNG ĐIỀU NÊN LÀM TRƯỚC KHI CHẾT



Các bạn báo chí tây hay bày ra trò ''Things to do before you die" (Những điều bạn nên làm trước khi chết). Đây không phải là chuyện bạn làm di chúc hay trăng trối điều gì đó, mà chỉ đơn giản là những thứ nên làm trong cuộc đời.

Cách đây mấy năm, một phương tiện truyền thông nổi tiếng của thế giới (hình như là CNN), công bố danh sách ""10 things to do before you die", trong đó có việc ăn Chả cá Lã Vọng ở Hà Nội. Bạn bè tôi nhiều người không tin chuyện này, nhưng sau khi được chuyển đường link (nay không còn tồn tại nữa), thì ai cũng hớn hở đi ăn chả cá.

Esquire mới đây đưa ra danh mục 75 việc nên làm trước khi chết. Nhiều việc trong đó khá nhảm nhí. Nhưng cũng có những việc thực sự thú vị. Chọn ra đây 30 việc theo quan điểm cá nhân để mọi người cùng tham khảo:

1. Chữa một thiết bị điện. Không khó nhưng cũng chẳng dễ.

2. Lái máy bay Cessna.

3. Giảm cân trong vòng 3 ngày bằng cách chỉ uống nước lọc.

4. Lái xe trên đường Great Ocean Road ở nam Australia. Chưa được tự lái xe nhưng đã 2 lần được đi trên con đường này.

5. Thừa nhận thành công của những người khác.

6. Viết một bức thư, kẹp vào cuốn sách bất kỳ trên giá sách để đọc lại sau đó 20 năm.

7. Lặn biển (scuba diving).

8. Học chơi đàn guitar, đủ để đệm một bài hát.

9. Xây dựng uy tín bản thân.

10. Tự tay vắt sữa bò để uống.

11. Làm một điều gì đó mà bấy lâu nay bạn vẫn lo sợ.

12. Học nấu thật ngon một món nào đó.

13. Trông một đứa trẻ lạ 3 tuổi trong một ngày.

14. Nghe kể chuyện chiến tranh.

15. Kể lại chuyện chiến tranh.

16. Viết lại cuộc đời của một ai đó mà không đưa bản thân mình vào.

17. Bán tất cả những gì mà bạn không cần.

18. Rời bỏ chiếc ghế của bạn.

19. Nấu bữa ăn có đủ 6 món rồi tự thưởng ngoạn.

20. Làm phim, dẫu là một bộ phim ngắn.

21. Cho người ăn mày tất cả số tiền mà bạn có trong ví.

22. Đọc "Lolita" của Nobokov.

23. Cưỡi ngựa.

24. Đi bộ 20 dặm (32 km).

25. Xem tivi 24 giờ không nghỉ.

26. Ngủ ngoài trời một tuần lễ liền.

27. Đến Paris mà không nói với ai. Ở đó chơi 2 tuần.

28. Nuôi chó.

29. Lấy lại một thứ gì đó từ đống rác để sử dụng.

30. Nhảy bungee.

Bạn thấy thế nào? Có nên làm những điều này không nhỉ?



4/10/09

THÈM BÁNH NƯỚNG MẬU DỊCH



Trên trang Face Book của mình, Mailan Moore - một cô gái Hà Nội định cư tại Mỹ, đúng vào ngày Trung thu đã viết thế này: "Thèm bánh nướng mậu dịch".

Đọc câu ấy, tôi không chỉ thấy ở đó một nỗi buồn tha hương. Đối với tôi, thì nó là tiếng thở dài của những người đã trải qua tuổi thơ trong thời bao cấp thập niên 1970 - 1980.

Thú thực, tôi không còn nhớ rõ mùi vị cái bánh Trung thu thời bao cấp như thế nào. Chỉ biết rằng đó có lẽ là món bánh ngon nhất đối với những đứa trẻ thời ấy. Bánh bao giờ cũng được phân phối qua cơ quan mẹ. Mẹ nào có hai đứa con trở lên thì may ra mới được nguyên một chiếc. Thời đó tôi là con một, nên chỉ được nửa chiếc.

Nhưng nửa chiếc bánh nướng mậu dịch đủ làm cho một đứa trẻ hạnh phúc, được thấy mình đúng là "búp trên cành". Mẹ tôi thường gói nửa chiếc bánh vào một cái đơn thuốc bằng giấy pơ-luy, mang về đưa cho tôi với lời tuyên bố rất thân thương mà cũng rất trịnh trọng: "Các bác các cô các chú trong ban chấp hành công đoàn gửi quà Trung thu cho con. Con là "cháu ngoan Bác Hồ" nên được nhiều hơn các bạn khác".

Tôi sung sướng lắm. Mãi sau mới biết rằng, cái vế đằng sau là mẹ tôi thêm vào. Mọi đứa trẻ đều bình đẳng được 1/2 cái bánh nướng, 1/2 cái bánh dẻo, không dựa trên thành tích học tập và danh hiệu mà nó đạt được ở trường.

Mẹ thường trìu mến nhìn tôi ăn món quà tuyệt diệu của trẻ con và nói: "Con ăn đi, ăn hết đi. Mẹ đã ăn lúc chia bánh rồi". Nhưng thực ra, bánh được phân phối bao giờ cũng vừa khít với số trẻ con là con cái thành viên trong mỗi tổ công đoàn. Lấy đâu ra bánh thừa mà các mẹ được ăn khi chia bánh?

Mẹ tôi làm ở bệnh viện, là cán bộ công nhân viên nhà nước, nên có bánh Trung thu mang về cho con. Khi đó còn quá bé, nên tôi không bao giờ đặt ra câu hỏi: Vậy con cái của những người không làm trong nhà nước thì lấy đâu ra bánh Trung thu để ăn? Có lẽ, bố mẹ chúng đã phải bỏ ra những đồng tiền tằn tiện để mua cho chúng một miếng bánh.

Bánh Trung thu bây giờ thì ê hề. Chúng khác xa những chiếc bánh dẻo, bánh nướng mậu dịch. Ngon hơn rất nhiều, vị cũng khác xưa rất nhiều. Những chiếc bánh nướng có nhân đủ loại và rất đắt tiền như nhân sâm, vây cá mập, thậm chí cả vàng...

Nhưng tôi thề là chúng thua xa những chiếc bánh nướng, bánh dẻo mậu dịch mà thế hệ 6x, 7x chúng tôi đã ăn khi xưa...

Thế nên, tôi đã viết trả lời Mailan Moore một câu như thế này: "Lấy đâu ra thứ đồ xa xỉ đó bây giờ?"


THAM KHẢO:
Entry viết cách đây 3 năm:TRUNG THU THỜI BAO CẤP



2/10/09

NHỮNG BỨC ẢNH ẤN TƯỢNG


Du khách bàng hoàng trước cảnh hoàng hôn trên Hồ Baikal (Nga).
Ảnh chụp ngày 5.7.2009

Khóa xe chống trộm tại Stockholm (Thụy Điển)
Ảnh chụp ngày 6.8.2008

Đơn lẻ.
Ảnh chụp tại San Francisco (Mỹ) ngày 14.11.2008

Nhìn cái gì?
Ảnh chụp tại Washington D.C. ngày 14.11.2008

Em yêu Obama!
Ảnh chụp tại Harrisonburg (bang Verginia - Mỹ) ngày 28.10.2008

Sóc Nhà Trắng rất dạn người.
Ảnh chụp tại Washington D.C. ngày 26.10.2008.

Người đẹp và kangaroo!
Ảnh chụp tại Great Ocean Road (bang Victoria - Australia) ngày 3.12.2005

Ru cho vợ ngủ.
Ảnh chụp tại Busan (Hàn Quốc) ngày 10.12.2006

Mê hoa.
Chụp tại Genting (Malaysia) ngày 1.5.2007

Chụp bậy hả? Thụi cho một quả bây giờ!
Ảnh chụp tại Jakarta (Indonesia) ngày 27.4.2008

BẠN THÍCH BỨC ẢNH NÀO?
HÃY CHO BIẾT Ý KIẾN TRONG COMMENT.
CẢM ƠN!



1/10/09

QUAN HỌ LIÊN QUỐC BẢO



Hồi học lớp 12, có lần tôi nghêu ngao quan họ, bị cô bí thư phát hiện. Cô ấy bảo: "Ấy hát quan họ hay phết". Rồi đến sinh nhật cô ấy, tôi được đề nghị hát "Còn duyên". Ô hay, sinh nhật trẻ con 17-18 tuổi, lại hát "Còn duyên"... Nhưng vẫn hát, và được bạn bí thư quý cho đến tận bây giờ.

Học năm thứ 2 đại học, chẳng hiểu thế nào bị túm vào nhóm văn nghệ của các anh chị năm thứ 4, để hát một hoạt cảnh quan họ. Được mặc áo the khăn xếp cầm ô đàng hoàng. Hát xong được mọi người vỗ tay, vui phết.

Thời làm "Những bài hát còn xanh" trên VTV1 năm 1997, chúng tôi chọn "Làng quan họ quê tôi" như một ưu tiên để giới thiệu. Chương trình được phát sóng, nhiều người khen. Nhưng tác giả thì không hài lòng, khiến cả nhóm phải khốn đốn một phen thanh minh ngược xuôi. Hóa ra cái duyên quan họ của mình không phải lúc nào cũng thuận.



Nhưng dù thế nào, thì vẫn yêu quan họ. Quan họ hay. Giai điệu, lời ca đều ngấm. Ngấm vào là say, như say một thứ rượu ngon. Rượu ngon thì không phải hôm nào cũng có để uống. Thỉnh thoảng mới uống thôi. Nhưng mà khi được uống thì không thể không say.

Tôi biết hai trường hợp mê quan họ điển hình.

Thứ nhất là chị Hà Oanh, phóng viên báo Hà Nội mới. Học ở Rumani về, nói mấy ngoại ngữ, quần áo, đầu tóc, phong cách sống đều toát lên chị là người hiện đại. Ấy thế mà lại mê quan họ. Đi học hát quan họ để hát bằng được theo đúng niêm luật của quan họ là . Sắm đủ trang phục của liền chị thứ thiệt Định kỳ lại đi hát cùng một nhóm toàn là công chức với dân văn phòng. Tới đó họ biến thành liền anh, liền chị thứ thiệt. Hát cho thật đã, rồi trở về với đời thương.

Thứ hai là họa sĩ Đỗ Dũng. Anh mê quan họ, không những biết tường tận lời cổ của từng làn điệu quan họ, mà còn hát quan họ rất hay. Đối với anh thì xã hội chỉ có hai loại người: loại biết quan họ và loại không biết quan họ. Chấm hết. Quan họ đối với anh là triết lý, là cuộc sống.



Quan họ là linh hồn của người dân vùng Kinh Bắc. Con gái con trai Bắc Ninh mà không hát được quan họ, thì bị coi như là mất gốc. Nhưng cái sự "mất gốc" ấy hình như đang ngày một lan tràn. Bây giờ lên vùng đất Kinh Bắc có thể sẽ thấy vài ba điều khó chịu liên quan đến quan họ. Chẳng hạn, đi hội Lim thấy các anh chị văn công đóng giả liền anh liền chị hát quan họ bằng micro qua loa phóng thanh trên những chiếc thuyền bằng tôn, rồi lượn vào sát bờ để ngả nón... xin tiền.

Hay những nhà hàng quán nhậu ở Bắc Ninh đã nhanh chóng đưa đặc sản văn hóa của mình tới phục vụ thực khách. Các liền chị áo mớ ba mớ bảy, nón thúng quai thao, má phấn môi hồng vừa hát vừa cầm chén rượu "zô" trăm phần trăm với thực khách.



Chả cứ ở Bắc Ninh, Văn Miếu cũng có quan họ. Các liền chị hát điệu mời trầu, rồi công khai xin tiền khách. Không biết những hình ảnh đó đã lưu vào bao nhiêu băng video của người nước ngoài đến thăm Văn Miếu và phát tán đến tận đâu rồi?

Thế nên, bây giờ khi quan họ không chỉ còn là quốc bảo mà đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại, thì phải có cách khác để bảo tồn và nâng tầm, không thể để nó bị bình dân hóa và tầm thường hóa thành thứ ca nhạc xin tiền được.

THAM KHẢO:
1. Ca Trù và Quan họ Bắc Ninh được UNESCO chọn vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại - SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
2. Quan họ được công nhận là di sản nhân loại - VNEXPRESS
3. Số hồ sơ đệ trình UNESCO vẫn còn ít! - LAO ĐỘNG


 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết