7/10/09

"MỘT RỔ HUY CHƯƠNG"



Đó là cụm từ mà một nghệ sĩ tham gia Hội diễn sân khấu kịch chuyên nghiệp 2009 nói với tôi qua điện thoại, khi được hỏi về kết quả hội diễn bế mạc tối nay (7.10) tại TP Hồ Chí Minh.

"Một rổ huy chương" vì có tới 42 chiếc huy chương vàng (HCV) cá nhân được trao. Tất nhiên, Thành Lộc với 2 vai diễn trong "Hợp đồng mãnh thú" và "Ngàn năm tình sử" xứng đáng được HCV kèm danh hiệu "nghệ sĩ xuất sắc nhất". Hầu hết những cái tên nổi trội của các đơn vị nghệ thuật sắm vai chính trong các vở diễn đều được HCV.

Bên cạnh đó những cái tên được báo chí khen ngợi như NSƯT Thu Hà (Nhà hát Kịch Việt Nam), NSƯT Bảo Quốc, thì mặc dù chỉ diễn vai phụ, nhưng đã được Vàng không khó khăn gì.

Cơn mưa HCV cá nhân đã khiến một số nghệ sĩ gần đến tuổi nghỉ hưu thở phào, vì cuối cùng đã có thêm thành tích đủ điều kiện để nhân danh hiệu NSƯT hoặc nâng cấp lên NSND.

Vàng cho vở diễn có khắt khe hơn. Chỉ có 3 trong số 27 vở diễn tham gia được HCV. Đó là "Anh hùng và mỹ nhân" của Nhà hát Kịch Việt Nam, "Nỏ thần" và "Mẹ và người tình" của Sân khấu kịch Phú Nhuận.

Mặc dù BGK quá khắt khe khi cân nhắc giải Vàng (chỉ tiêu của Ban tổ chức đặt ra lúc đầu là sẽ trao HCV cho 1/3 số vở tham dự, có nghĩa là 9 vở), nhưng các vở diễn được dư luận mong đợi đã không được vàng. Đó là "Ngàn năm tình sử" của IDECAF, là "Cánh đồng bất tận" của Nhà hát Sân khấu nhỏ TP HCM.

"Ngàn năm tình sử" được Thành Lộc dàn dựng và diễn xuất xuất sắc, nhưng trước hội diễn lại bị một vài tờ báo phê bình là có cái nhìn không đúng về Lý Thường Kiệt: Không thể có chuyện vị tướng lừng lẫy trong lịch sử VN lại tự thiến vì một người phụ nữ và ngồi thổi sáo suốt 20 năm vì thương nhớ nàng.

"Cánh đồng bất tận" thì được một nhà phê bình nghệ thuật nhận xét là xử lý theo kiểu chuyển thể Slumdog Millionaire từ mấy tập sách thành tác phẩm điện ảnh. "Cánh đồng bất tận" trên sân khấu khác xa với nguyên bản của Nguyễn Ngọc Tư, nó chỉ còn những cái tên nhân vật, còn tình tiết, cốt truyện đã khác rất nhiều. Tất nhiên, tác giả kịch bản và đạo diễn có quyền như vậy. Nhưng một nghệ sĩ miền Bắc háo hức xem vở diễn này đã phải thở dài thất vọng: "Không thể chịu đựng được".

Có vẻ như Ban giám khảo đã dũng cảm khi trao giải Vàng cho hai vở diễn miền Nam và một vở diễn miền Bắc. Điều đó thể hiện đúng tương quan của hội diễn, nhưng Ban Giám khảo cũng đã lúng túng và nửa vời, không dám đi đến tận cùng nếu chỉ tính đến những tiêu chí nghệ thuật của vở diễn.

Dù thế nào thì hội diễn này cũng đánh dấu một sự chuyển mình. Kịch nói miền Bắc một thời tung hoành với những niêm luật nghệ thuật khắt khe của mình, với tiêu chí "nghệ thuật là thánh đường"
đã thực sự không còn là thánh đường nữa, khi không chịu đổi mới, cứ sống mãi với hào quang quá khứ của mình và chỉ chịu dựng vở khi có tiền đầu tư làm các vở diễn nhân các dịp kỷ niệm.

Các nghệ sĩ cứ miền Bắc cứ than khóc vì bị khán giả quay lưng, nhưng họ dường như không biết rằng chính họ đang làm cho khán giả quay lưng và bỏ đi, khi cứ tiếp tục dựng những vở diễn không khán giả, diễn những vở diễn ít người muốn xem.

Sân khấu kịch miền Nam, sau một thời gian bị phê phán là chiều theo thị hiếu khán giả, thì nay dường như đã trở lại thế cân bằng với những vở diễn vừa chiều theo thị hiếu khán giả vừa khiến thị hiếu khán giả thay đổi. Họ đã đúng: Trước hết phải có khán giả, sau đó mới bắt khán giả thay đổi được.

Cũng như chính sân khấu. Trước hết phải sống thì rồi mới hay được. Còn cứ lay lắt thì cũng chỉ lắt lay mãi mà thôi.

Chú thích: Poster vở diễn "Ngàn năm tình sử"


5 comments:

Vhlinh on lúc 08:13 8 tháng 10, 2009 nói...

Vừa giận vừa thương
Một rổ huy chương
Giống như cả trường
Đều học sinh giỏi
Có một câu hỏi
Chẳng ai trả lời
Rồi lại khơi khơi
Thôi. Mặc kệ nó.

---
Nói sai xin hai chữ "tiểu xá"

LU on lúc 09:42 8 tháng 10, 2009 nói...

Thôi anh đừng bắt các nghệ sĩ kụ phải thay đổi, lở đi theo chiều hướng xấu thì khán giả lại nhơi ko nổi. Cứ giấy cũ mà giử lấy lề là ổn rồi. Mà sao mí nghệ sĩ ham tiền thế? có tiền mới chịu diễn đệp, còn ko tiền thì diễn lôm côm. Khán giả quay lưng vì họ phải bỏ tiền ra mới được mua vui, họ có quyền chọn lựa ko thích thì ko xem.

Titi on lúc 10:23 8 tháng 10, 2009 nói...

1. Một Rổ huy chương: lộc lá chia đều, đó là một trong những kiểu hành xử kiểu cảm tính, rất Việt nam đó anh :-P

2. Nghệ thuật ngày nay là phải có 3 yếu tố: tài chính, tổ chức và chuyên môn. Các bố miền Bắc quen bao cấp, nhà nước cho xiền nên chỉ đẻ sòn sòn, kệ cho đứa con có lớn và được xã hội chấp nhận hay không. Nay, tự thu tự chi, mới vỡ lẽ ra là đứa con đó phải biết vận động theo dòng chảy của xã hội thì mới được chấp nhận, mới có thể lấy được tiền của thiên hạ...

Nhưng, có một dòng nghệ thuật hiện nay cần nhà nước bảo kê nhất thì lại ko thấy gì: Nghệ thuật cổ truyền. Không khẩn cấp bảo vệ thì mất toi trong chớp mắt...

Vân Lam on lúc 11:26 8 tháng 10, 2009 nói...

Em tâm đắc cmt của chị Ti. Nhất là phần kết. :)

Titi on lúc 15:21 8 tháng 10, 2009 nói...

@Vân Lam: Thanks 4 ur support :-)

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết