27/7/08

CẢNH SÁT VÀ KẺ MÓC TÚI



Đến gần lối vào cổng của Bảo tàng Vasa ở Stockholm, tôi thấy một đoàn người dài xếp hàng. Hai viên cảnh sát đứng ở đầu hàng chăm chú hỏi han từng người rồi mới lần lượt cho họ vào.

Đột nhiên dấy lên một cảm giác lo lắng và bất an vô cớ.

Mấy phút sau rồi cũng đến lượt tôi. Một viên cảnh sát hỏi bằng tiếng Anh: "Anh từ đâu đến đây?".

- Việt Nam! - tôi đáp.

- Ồ thế à? Chúng tôi lại không có bản tiếng Việt. Anh biết tiếng Anh chứ?

- Thì chúng ta đang nói chuyện bằng tiếng Anh mà.

- À, đúng rồi. Anh cầm lấy cái này.

Viên cảnh sát đưa cho tôi một mảnh bìa nhỏ màu đỏ tươi khổ 9 x 6 cm. Trên đó in dòng chữ màu đen rất bắt mắt "Watch out for pick-pockets!" (Hãy coi chừng bọn móc túi).

Tôi cười xòa nhẹ nhõm. Hóa ra là như vậy! Và tôi cảm ơn viên cảnh sát.

Anh ta cũng cười và vỗ vai tôi: "Enjoy your stay in Stockholm".

Tôi đi vào trong và đọc kỹ mảnh bìa. Nguyên văn lời cảnh báo như sau:

Information from the CityPolice and city in cooperetion

WATCH OUT FOR PICK-POCKETS!

For your safety and pleasant stay in Stockholm City.

* Keep your handbag closed and in front of you.

* Keep your wallet in an inside pocket in your jacket.

Citypolisen


Tạm dịch như sau:
"Thông tin chung của Cảnh sát thành phố và Thành phố
HÃY COI CHỪNG BỌN MÓC TÚI
Để bạn được an toàn và có thời gian lưu lại thú vị tại Stockholm
* Hãy giữ túi xách gần mình và trước mặt mình
* Hãy để ví ở túi trong của áo khoác
Cảnh sát thành phố"

Tôi đã từng thấy những dòng cảnh báo "Hãy cẩn thận với bọn móc túi" ở một số nước. Nhưng chưa bao giờ thấy chuyện cảnh sát ân cần nhắc nhở từng người một như ở đây.


Tự hỏi tại sao họ lại phải tốn công tốn sức như vậy? Sao không làm một cái bảng cảnh báo, hay một cái gì đó đại loại như vậy?

Rồi tự trả lời: Làm như thế này NGƯỜI hơn.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa.

19/7/08

BỎ CHƠI CỜ



Sáng thứ Bảy, định ngủ nướng thì chuông điện thoại vang lên. Cố phớt lờ mà nó cứ réo một cách đầy kiên nhẫn. Đành phải trả lời.

Đầu dây đằng kia là ông anh. Đang định mắng thì rụt lại vì thấy giọng bác vui quá đỗi: "Thứ bảy trời rất đẹp, cậu đang làm gì?". "Em đang ngủ, còn anh?". "Chán cậu thật, dậy đi. Đời có mấy tí mà cứ ngủ mãi thế?". "Kể cả ngày mai đời có chấm dứt thì hôm nay cũng vẫn cần phải ngủ anh ạ. Cả tuần mới có một ngày thứ bảy để em ngủ bù mà bác lại quấy quả thế!".

"Thôi dậy đi cậu". "Vầng, em dậy rồi. Thế bác đang làm gì?"

- Anh vừa vẽ xong một bức tranh. Rất tâm đắc!

- Ra thế. Vì bức tranh mà bác nỡ đánh thức em dậy. Thôi được rồi, bác nói đi, bức tranh như thế nào?

- Tôi vẽ những bông sen sắp tàn.

- Oái, sen đang đúng vào mùa, bác lại vẽ sen tàn là thế nào.

- Đúng là cậu chả biết gì. Sen đang mùa, nở tưng bừng, nhưng mà thứ rực rỡ ấy chả có triết lý gì. Tôi vẽ sen đang tàn với những gương sen chứa những hạt sen rất mẩy, nó sắp nứt, và từ đó những hạt sen sẽ rơi ra. Nó tàn, nhưng mà cống hiến cho đời hạt, là biểu tượng cho sự sinh sôi, cậu hiểu chưa?

- À, vâng, thế thì em hiểu rồi. Ai mà nghĩ được như bác, chắc cũng phải sống thêm vài chục năm nữa sang tuổi ngoài năm mươi mới biết được như thế. Dạo này bác không làm thơ nữa à?

- Có chứ. Không làm thơ thì anh sống thế nào được.

- Thế có bài nào hay gửi cho em đọc nhá.

- Được rồi.

- Thế dạo này anh không chơi cờ nữa à.

- Không, anh bỏ chơi cờ lâu rồi. Cậu có biết câu này không? "Gia trung hữu kỳ, nam tử tắc suy. Gia trung hữu cầm, nữ tử tắc dâm"...

- Nghĩa là...

- Nghĩa là trong gia đình có bàn cờ, con trai sẽ hư, trong gia đình có cây đàn, con gái sẽ dâm loạn...

- Oái. Lại đến nước thế cơ à?

- Cậu cứ ngẫm mà xem. Trẻ con xem bố đánh cờ từ bé, tính ăn thua nhiễm vào, hư lúc nào không hay. Con gái từ bé đã mê đàn địch, lãng mạn không phải lối, rồi cũng trai gái sớm. Các cụ dạy thế cấm có sai.

- Nhà bác có cả con gái lẫn con trai. Đàn thì em không thấy, nhưng bàn cờ thì trước cũng có, nên bác quyết vất đi ạ?

- Phải, đúng thế đấy.

18/7/08

THÔNG ĐIỆP TỪ ĐẠI CHIẾN XÍCH BÍCH



Hoành tráng, hào khí, bi hùng... phần một của "Đại chiến Xích Bích" (ĐCXB) mang lại cảm xúc dồn dập từ đầu cho đến phút cuối.

Ấn tượng Xích Bích

Đạo diễn Ngô Vũ Sâm đã chọn những đoạn sông cực đẹp, dãy núi hùng vĩ để dựng phim. Hình sông thế núi, đoàn chiến thuyền của Tào Tháo và doanh trại của quân Đông Ngô cờ xí rợp trời tạo nên những cảnh phim ấn tượng. Trận Xích Bích lừng lẫy mà bạn đọc từng biết qua tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của La Quán Trung được tái hiện sống động, thoả mãn cảm xúc thẩm mỹ của khán giả, đặc biệt là đối với những ai yêu thích tác phẩm "Tam quốc chí".

Tác giả kịch bản đã cắt cúp một số sự kiện thuộc các giai đoạn khác nhau, xa về không gian và thời gian trong tiểu thuyết lịch sử để gom lại làm một ở ĐCXB. Triệu Tử Long một mình cứu ấu chúa ở Đương Dương là một trong những câu chuyện hấp dẫn nhất của "Tam quốc chí" tất nhiên không thể loại trừ. Nhiều chiêu kiếm, đường thương xuất sắc của Triệu Tử Long (Hồ Quân) làm hài lòng bất cứ khán giả nào dù khó tính nhất. Quan Vân Trường, Trương Phi xuất hiện với những pha sử đao tuyệt đẹp, võ công phi phàm. Trận pháp Bát quái rất khó hình dung trong tiểu thuyết đã được dàn dựng rất công phu, và đây là cảnh quay chiến trận ác liệt và hoành tráng nhất của phần một.

Nhân vật Chu Du của ĐCXB cũng được xây dựng với hình ảnh mới. Vị đại đô đốc - người hùng thực sự của trận chiến Xích Bích không thể là đứa trẻ con cho Gia Cát Lượng dắt mũi, không phải là kẻ ích kỷ, hẹp hòi và ghen tị với Khổng Minh đến nỗi ức quá mà chết như trong tiểu thuyết. Chu Du (Lương Triều Vỹ) là bậc nho nhã, giỏi âm luật, tinh thông võ nghệ và là thiên tài về dụng binh.

Chu Du thông minh và quyết đoán, hiểu người và hiểu mình, hào hoa và hào hiệp, là vị đại tướng chủ động hoàn toàn trong trận chiến chống 80 vạn quân Tào. Dưới bàn tay của Ngô Vũ Sâm, Chu Du có phần nhỉnh hơn Khổng Minh một bậc và đó chính là điểm rất thuyết phục vì gần với chính sử, khác với lối thần thánh hoá Khổng Minh của dã sử.

Thông điệp Xích Bích

Các trận chiến trong ĐCXB đều tàn khốc, thây người ngã như thác đổ. Quân Tào chém giết quân Thục rất tàn bạo, quân Ngô băm nát quân Tào trong trận Bát quái. Hàng vạn người lính ra trận chỉ để phục vụ dục vọng cá nhân của một người. Họ chỉ là trò chơi của một người thích chơi trò chiến tranh. Tào Tháo có âm mưu và dã tâm riêng, nhưng bên ngoài vẫn giương ngọn cờ giúp Hán Hiến Đế thống nhất ba nước.

Trong phim "Kiến Long Tá Giáp" về thời Tam Quốc đang trình chiếu cũng có chi tiết nêu bản chất của chiến tranh. Tào Tháo đưa cháu nội Tào Anh lược trận ở Đương Dương, Triệu Tử Long oai dũng chém giết quân Tào. Tào Tháo quay sang đứa cháu gái còn nhỏ tuổi, nói: "Tất cả những con người dưới kia là các quân cờ của cháu. Cháu hãy nhớ lấy".

Nhưng khác với "Kiến Long Tá Giáp" chỉ có máu đổ và tiếng thét, ĐCXB có những khoảng lặng để con người trầm ngâm về chiến tranh. Khi Chu Du toan tính xuất binh, Tiểu Kiều - vợ Chu Du (Lâm Chí Linh đóng) - không dám ngăn cản vì biết đó là cuộc chiến tranh không thể tránh được.

Tiểu Kiều chỉ dùng bút lông viết hai chữ "Bình" và "An" như một trò chơi thư pháp đầy ẩn ý. Khi con ngựa con vừa mới sinh ra, có cả Khổng Minh và Chu Du ở chuồng ngựa, nàng đặt tên cho chú ngựa con và nói với chồng: "Hy vọng rằng tiểu mã này lớn lên không phải ra chiến trường". Đó là mong ước của Tiểu Kiều thay cho hàng vạn lương dân, thay cho những người lính đang mải miết chém giết nhau ngoài sa trường.



Nhưng mong ước đó không thắng nổi được tham vọng, sự độc ác của những người chơi trò chiến tranh. Chính vì thế mà máu đổ, Xích Bích trở thành mồ chôn của mấy chục vạn con người. Thật đau đớn là thế giới có quá nhiều trận Xích Bích.

Lê Thanh Phong
Nguồn: Lao Động

16/7/08

TẠ LỖI CÁNH ĐỒNG



Đầu tháng 5:

A: Này, ông xem "Suối nguồn" chưa?

B: Sách hay phim?

A: Sách!

B: Văn học, nghệ thuật sống, kinh dị, viễn tưởng hay tư liệu?

A: Văn học.

B: Của ai?

A: Ayn Rand.

B: Tên gì mà lạ hoắc!

A: Nữ nhà văn người Mỹ gốc Nga.

B: Tiểu thuyết à? Dày bao nhiêu trang?

A: Ừ, tiểu thuyết. Gần 1200.

B: Gì mà dày thế? Thời gian đâu ra mà đọc?!

A: Lúc mua tôi cũng nghĩ thế. Nhưng mà cầm lên đọc thử thì không dứt ra được.

B: Thể hở? Hãy cho tôi 5 lý do phải đọc cuốn sách ấy.

A. OK. Thứ nhất, rất hấp dẫn, lôi cuốn từ đầu đến cuối. Thứ hai, đọc để hiểu tại sao những người sáng tạo tuyệt đối lại điên cuồng, ngông nghênh và khó hiểu đối với đại đa số người. Thứ ba, sự đa diện và phức tạp của thế giới trong những năm 1930 vẫn nguyên vẹn và nóng hổi như thế trong thời đại ngày nay. Thứ tư, sự kết hợp tuyệt vời giữa bạo liệt theo kiểu best seller của Mỹ với sự tinh tế trong ngôn từ và mổ xẻ tâm lý nhân vật kiểu Nga. Thứ năm, ừm... xem đi sẽ biết...

B: Ông đã thuyết phục được tôi. Duyệt. Sẽ mua!

Giữa tháng 6:

B (nhắn tin): Đã đọc được 200 trang của "Suối nguồn". Lần đầu tiên thấy hình bóng của mình trong một tác phẩm văn học.

(Chắc muốn nói là giống kiến trúc sư Howard Roark)

16.7:

C (đệ của B, nhắn tin): Cám ơn anh đã giới thiệu "Suối nguồn". Lâu lắm mới được đọc một tiểu thuyết hay và có ý nghĩa như vậy.

A: Ồ, thế thì tuyệt vời rồi. Anh giai em đọc 200 trang và nói tìm thấy "hình bóng mình" trong đó.

C: Vẫn mới chỉ đọc được 200 trang thôi anh ạ. Chứ nếu đọc hết thì chắc là không nói thế nữa.

...

A (nhắn tin cho B): Vẫn mới chỉ đọc được 200 trang "Suối nguồn" thôi à?

B: Tạ lỗi cánh đồng!

A: Tôi và C vừa nói nếu ông đọc hết cuốn sách thì sẽ không nói là thấy "hình bóng mình" trong đó nữa.

B: Tạ lỗi cánh đồng!

A: Tôi không phải là cánh đồng, tôi là công trường!

Suối Nguồn (The Fountainhead), tiểu thuyết của Ayn Rand. Nhóm dịch: Vũ Lan Anh, Đinh Quang Hiếu, Vũ Hoàng Linh, Nguyễn Kim Ngọc, Trần Thị Hà Thủy. Hiệu đính: Phan Việt. NXB Trẻ, 2007.

14/7/08

HOA HẬU HOÀN VŨ VÀ HÌNH ẢNH VIỆT NAM



Trong cuộc họp báo đầu tiên về Hoa hậu Hoàn vũ 2008 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh cách đây 3 tháng, các nhà báo đã tỏ ra lo lắng về 9 phút mà NBC dành để giới thiệu Việt Nam trong chương trình truyền hình trực tiếp lễ đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2008 tới 1 tỉ khán giả trên hành tinh.

Lo ngại là có nguyên nhân của nó. Không rõ người ta (NBC) sẽ định giới thiệu những gì về Việt Nam? Liệu họ có đi theo góc nhìn thực dân, thấy những cái lạ (mà xấu) của Việt Nam để giới thiệu với thế giới? Chẳng phải đâu xa lạ, đã có một đạo diễn điện ảnh khá nổi tiếng của Việt Nam sau một thời gian sống ở nước ngoài về dựng phim (cho người nước ngoài xem) toàn lôi cái lạ (mà xấu) của dân tộc mình vào phim.

Vì lo ngại, nên có người cho rằng phải yêu cầu đối tác phải cho xem kịch bản những clip quảng bá Việt Nam, thậm chí cử người của mình tham dự vào các nhóm làm phim; thậm chí phải duyệt những clip đó trước khi phát sóng. Tôi chỉ dự đúng một cuộc họp đó, nên không biết những đề xuất trên có được chấp nhận hay không.

Phải đến tận lễ đăng quang sáng 14.8 từ Diamond Bay, những băn khoăn trên mới được giải đáp. Có thể nói cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 rực rỡ màu sắc Việt Nam. Bài trí sân khấu với những rừng tre, những cơn mưa nhiệt đới, những tàu lá dừa xanh ngát cùng những chiếc đèn lồng Hội An (hoàn toàn khác biệt với đèn lồng Trung Quốc) cho khán giả thấy một phong vị Việt Nam đầy mê hoặc.

Những biểu tượng của văn hoá Việt Nam như hình trống đồng, Tháp Rùa, Chùa Một cột, Văn Miếu, cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, Tháp Bà Ponagar...; những di tích lịch sử như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Dinh Thống Nhất...; những danh lam thắng cảnh như Sa Pa, Vịnh Hạ Long, Nha Trang, Bản Đôn; kênh rạch Đồng bằng Sông Cửu Long... tất cả những điểm nổi bật tạo nên giá trị văn hoá tinh thần của người Việt Nam đều được thể hiện sống động và rõ nét trong các clip phát xen kẽ suốt cuộc thi.



9 phút Việt Nam trên NBC


NBC không chỉ làm đúng, làm đủ mà còn làm hay. Chẳng hạn như màn tái hiện đường phố trước trụ sở UBND TP HCM ngay trên sân khấu khiến người xem truyền hình ngỡ ngàng, tưởng như hai MC trong nháy mắt được đưa về TP HCM. Những lời dẫn ngoài khuôn hình cũng như những phát ngôn của hai MC về Việt Nam như một điểm đến lý tưởng của du khách, có lẽ sẽ có tác động rất lớn đến hàng triệu khán giả xem chương trình này.

Cá nhân tôi thì thấy, có thể là chủ quan, rằng NBC đã quảng bá cho VN rất tốt, ấn tượng hơn rất nhiều so với clip "Vietnam - The Hidden Charm" mà ta thuê Singapore làm và phát trên CNN Châu Á.

Ảnh: Lao Động
http://www.laodong.com.vn/Home/sknb/2008/7/97480.laodong

13/7/08

LỘT XÁC Ở SAO MAI ĐIỂM HẸN-3



Đêm diễn thứ 3 của Sao Mai Điểm hẹn 2008 chứng kiến sự lột xác của Hoàng Nghiệp, Phương Thuỷ, sự khẳng định vị thế của Hà Linh, Hải Yến, sự thất bại của Mạnh Quân, Hoàng Yến, Duy Khoa.

Thí sinh khiến tôi băn khoăn nhất trước khi bước vào đêm thi nhạc rock chính là Hoàng Nghiệp. Tại cuộc thi Sao Mai năm ngoái, tôi đã ngỡ ngàng khi thấy một giọng hát thị trường thường thường bậc trung như Nghiệp lọt được vào đêm chung kết xếp hạng dòng nhạc nhẹ. Những gì mà Hoàng Nghiệp làm trong hai đêm SMDH đầu tiên càng củng cố mối nghi ngờ này trong tôi.

Hoàng Nghiệp mở màn đêm diễn thứ 3 với ca khúc "Thời gian tôi" của Đức Trí và Võ Thiện Thanh. Và thật bất ngờ, Nghiệp thay đổi toàn bộ hình dáng: từ quần áo, đầu tóc, nét mặt đến dáng đi. Không những thế, giọng hát cũng thay đổi 180 độ, từ nuột nà với những câu ngân khá rẻ tiền sang giọng gằn đặc trưng của rock.



Những bước chân chếnh choáng, ánh mắt khi tỉnh khi mê, giọng hát dồn dập với tiết tấu rock, Hoàng Nghiệp là bằng chứng sống cho thấy một cuộc thi đòi hỏi sự sáng tạo và khi bị dồn đến ranh giới giữa "sự sống" và "cái chết", thì một nghệ sĩ thực thụ có thể biến đổi như thế nào. Hoàng Nghiệp xứng đáng nhận những lời đánh giá cao nhất của Hội đồng Nghệ thuật và khán giả.

Phương Thuỷ, cô ca sĩ đất mỏ, đã tạo được dấu ấn riêng sau 2 đêm diễn mờ nhạt. Với bài hát "Trống mái" của Lê Đăng Khoa, cô như tìm được đúng bản chất của mình hơn, chứ không phải là hình ảnh hiền thục, sang trọng mà cô xây dựng từ đầu cuộc thi đến giờ. Nhưng Thuỷ vẫn mắc phải một nhược điểm là hát không rõ lời ở những nốt trầm.

Nhật Thu, người được bình chọn nhiều nhất sau đêm thứ hai (thú thực tôi không hiểu tại sao cô lại thu được nhiều bình chọn như vậy, vì phần biểu diễn ở đêm trước của cô không để lại ấn tượng gì), hát lại một ca khúc mà Phương Anh đã thể hiện khá thành công. Đó là "Giấc mơ của tôi" của Anh Quân. Với bài này, Nhật Thu cho thấy giọng hát của cô phù hợp với rock.

Mạnh Quân kiên trì theo đuổi con đường hát bài hát của chính mình. "Biển sẽ ru người" là một ca khúc quá nhẹ để đem thi thố. Chính vì vậy mà Mạnh Quân không tạo được cao trào. Nên mặc dù có vóc dáng rất sáng sân khấu và vũ điệu đẹp, nhưng Mạnh Quân không ghi được điểm nào khi hát nhạc rock. Mạnh Quân cũng chưa khắc phục được điểm yếu là cầm micro vụng, che gần hết khuôn mặt.

Với "Mơ" của Thuỷ Tiên, Thu Phượng cho thấy cô có thể biến hoá giọng hát của mình. Đáng tiếc là các đoạn giả thanh đã không tạo được sự liền mạch. Bài hát bị cắt vụn, thiếu liên kết. Vũ đạo đẹp đã biến phần trình diễn của Phượng chỉ còn là "mơ".

Hoàng Yến, ca sĩ trẻ nhất, đã nghe lời góp ý của Thanh Lam trong đêm trước, quyết tâm trở về với tuổi thực của mình bằng bài "Chân trời em mơ" của Hồ Hoài Anh. Trang phục, đầu tóc và cách biểu diễn rất nhí nhảnh, nhưng Hoàng Yến hát không ra chất rock. Người xem chỉ nhận ra đó là bản nhạc rock khi nghe đoạn dạo nhạc giữa hai lời hát.

Ngọc Minh, lên gân tung quả bom tấn quyết ghi điểm trong đêm rock với một sáng tác có thể gọi là classic rock "Nếu điều đó xảy ra" của Ngọc Châu. Hình như có nghe lời Giáng Son, nên Ngọc Minh đã tiết chế giọng hát hơn. Song toàn bộ bài hát hầu như không có cao trào, bị ghìm nén rất bức bối. Đến đoạn cuối, Minh mới phiêu và bùng nổ, nhưng vô hình trung lại chia bài hát thành hai phần rõ rệt. Trang phục của Ngọc Minh khá xấu, không rõ của dân tộc nào.

Thu Hường cover "Nước sâu" của Nguyễn Xinh Xô - bài hát đã được Hà Trần trình bày. Hôm trước tôi có ấn tượng rất tốt về Thu Hường, nhưng một blogger comment là "cô ta bắt chước Hà Trần đấy". Hôm nay để ý thì thấy đúng là cô bắt chước Hà Trần thật, điều mà Giáng Son đã chỉ ra rất rõ ràng. Hy vọng là cô sẽ khắc phục được như cô hứa "sẽ là Hường Trần chứ không phải Hà Trần".

Duy Khoa đã "thành công" khi phá hỏng bài hát "Về ăn cơm" của Sa Huỳnh. Cậu tước bỏ sự da diết của lời gọi "Về ăn cơm", khiến tôi không còn nhận ra đó là một trong những sáng tác rất ấn tượng trong Bài hát Việt năm ngoái. Gương mặt Khoa cũng không hợp với rock, mặc dù giọng có gằn để chứng tỏ rằng mình đang hát rock.

Hải Yến trở lại huy hoàng sau đêm pop trầm lắng với "Ngựa ô thương nhớ" của Trần Tiến. Chỉ với vài câu đầu, cô đã hát ngay ra rock mà không cần phải nhảy nhót múa may gì. Hải Yến cho thấy cô sinh ra là để hát rock. Mặc dù có vài chỗ hát sai lời và chệch nhịp, song Hải Yến đã trình bày xuất sắc một ca khúc đã quá quen thuộc, đặc biệt cái kết của cô rất ấn tượng.

Cover lại một ca khúc đinh của Hà Trần là "Dệt tầm gai" (Ngọc Đại - Vi Thuỳ Linh), Hà Linh đã bước ra khỏi được cái bóng mà Hà Trần phủ xuống ca khúc này. Không chỉ có giọng hát được xử lý điêu luyện, mà cách di chuyển, cách diễn giàu kịch tích, lối phục trang ấn tượng đã giúp Hà Linh thoát khỏi hình ảnh một ca sĩ thông thường để tạo dựng hình ảnh một nghệ sĩ thực thụ (ảnh).

Đêm thứ ba của SMĐH khép lại với cái kết hơi ỉu của Khắc Hiếu. "Mưa đêm" của Lương Ngọc Châu gần như dội nước vào đêm nhạc rock nóng bỏng. Tôi cũng không thích ứng xử hoạt ngôn của Khắc Hiếu trên sân khấu. Ca sĩ nên hát hay thì tốt hơn là nói hay.

Nguồn ảnh: Dân Trí

TIẾC CHO BÁC TRẦN HIẾU



Tối qua khi đi tìm mấy chiếc đĩa của ca sĩ Anh Thơ, tôi tình cờ phát hiện ra album mới của NSND Trần Hiếu, người sở hữu giọng nam trầm hiếm có của Việt Nam.

Lật mặt sau của đĩa, xem danh mục các bài hát của album, tôi thấy có ít nhất hai bài hát hay là "Riêng một góc trời", "Phôi pha". Rất tò mò không hiểu người nghệ sĩ đã thành danh với dòng nhạc đỏ sẽ hát những bài hát trữ tình này như thế nào, tôi mua ngay chiếc đĩa đó không một chút do dự.

Mang về đến nhà, háo hức bật lên nghe và thực sự thất vọng.

Những âm hưởng da diết, day dứt của "Riêng một góc trời", chất liêu trai đầy tự sự nhuốm màu triết học trong "Phôi pha" không còn thấy đâu nữa. Thay vào đó là một giọng hát kỹ thuật, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của xúc cảm. Bài hát đều đều như của một ông già về hưu, say ca hát, rỗi việc ngồi hát karaoke vậy.

Đã thế cái album này lại lẫn lộn các dòng nhạc, đang hải ngoại, lại có vài bài của Trịnh, rồi lại lọt một bài tiền chiến. Đa số là các bài hát lại (cover). Công bằng mà nói thì NSND đã phát huy thế mạnh của mình và sáng tạo ở một số chỗ, nhưng rõ ràng là ông không tạo ra được thần thái mới cho các ca khúc này. Bài duy nhất thấy có chất Trần Hiếu là "Ở trọ".

Nghe mà thấy tiếc cho bác Trần Hiếu, một nghệ sĩ đầy cá tính và sáng tạo. Thậm chí chỉ hát vài câu làm nền cho con gái trong bài "Bình yên" cũng hát rất hay, thế mà nay làm hẳn một cái album dở. Viết cái này là để bày tỏ sự xót xa, chứ không phải là phê bình.

Mấy năm trước, tình cờ ngồi nói chuyện với một NSND khác cũng nổi danh với nhạc đỏ, ông nói sắp làm đêm nhạc kỷ niệm 40 năm sự nghiệp ca hát. Ông thổ lộ có thể sẽ đưa "Mười năm tình cũ" vào chương trình này. Ông khẳng định: "Đây là một bài hát rất hay từ góc độ thanh nhạc, chỉ có điều nó gắn với Chế Linh, nên người ta nghĩ nó sến. Tôi sẽ hát kiểu khác, đảm bảo khán giả sẽ thích".

Rồi ông cất giọng, hát thử vài câu. Thực sự lúc đó tôi nghe rất phê.

Nhưng khi đêm nhạc diễn ra thì hoàn toàn không thấy bài hát này. Về sau gặp, hỏi lại chuyện cũ, thì ông nói: "Tôi nghĩ kỹ, bài đấy hát chơi thì được, hát thật thì không nên".

9/7/08

HOA TULIP TRÊN TUYẾT



Anh vẫn còn nhớ Minsk, những tháng đầu tiên của năm 1986. Tuyết rơi nặng hạt, bao phủ khắp không gian một màu trắng.

Anh từ Riga đến thủ đô Balarus để nghỉ đông theo lời mời của một người bạn đồng hương hơn anh vài tuổi. Người đó quen khá nhiều nữ sinh viên của Trường Sư phạm Gorky. Các em nhờ vả gì cũng đều được anh giúp chu đáo, nên được các cô rất yêu quý.

Anh được người bạn dẫn đi thăm các cô ở đầu kia thành phố. Phải đi tầu điện ngầm, đến ga trung tâm thì xuống đi xe buýt ba bến, sau đó đi bộ một đoạn đường chừng 500 mét mới đến được ký túc xá của các cô.

Đến ga, anh giở ví mua một bông hoa tulip đỏ rực. 5 rúp là số tiền không nhỏ, nhưng một bông tulip giữa mùa đông tuyết trắng xoá với nhiệt độ xuống đến - 15 độ C thì thật chẳng thấm tháp gì. Anh cho bông hoa vào bên trong áo măng tô, như thể ủ ấm cho nó.

Xuống xe buýt, hai anh em lảo đảo bước đi trên tuyết. Do một tay phải giữ bông hoa trong áo, nên anh đi lại hơi khó khăn. Có nhiều chỗ anh phải cố gắng giữ thăng bằng lắm mới khỏi ngã.

Họ đến ký túc xá và gõ cửa phòng 507. Một cô gái có gương mặt trái xoan với hai bím tóc xinh xắn, mắt tròn vo sau cặp kính trắng, hiện ra sau cánh cửa. Anh chết lặng nhìn cô gái. Ở cô có cái gì đó thật quen thuộc mà cũng thật lạ lẫm. Một vẻ đẹp tinh khiết và trong trẻo. Anh chỉ sực tỉnh khi được ông bạn kéo tay vào phòng.

Anh thận trọng mở áo măng tô, rút bông tulip đỏ rực ra và chìa cho cô gái: "Tặng em!".

Cô tất tả lấy một chiếc chai đựng sữa chạy đi lấy đầy nước, mang về đặt lên bậu cửa sổ và trịnh trọng cắm bông hoa vào. Sau đó cô lùi về cuối phòng và ngắm nghía. Quả là đẹp. Bông hoa đỏ rực, phá tan cái màu trắng đơn điệu của lớp băng tuyết bám chắc vào phía bên kia cửa kính.

Cô gái tên là Yên, ở cùng phòng với một cô bạn không đeo kính tên là Ánh. "Yên, thật là bình yên" - anh lẩm bẩm. Lần đầu tiên anh thấy mình luống cuống, chân tay thừa thãi, không biết nói gì.

Hai cô gái đi nấu cơm đãi khách. Ông bạn nhìn dáng vẻ luống cuống của anh nháy mắt: "Bị bắt mất hồn rồi hả?". "Vâng" - anh thú nhận.

Suốt cả bữa ăn anh hầu như không rời mắt khỏi cô gái đeo kính. Cô gái cũng phát hiện ra cái nhìn kỳ lạ của anh và lẩn tránh một cách thiếu tự nhiên.

Ăn xong, hai chàng trai rủ hai cô gái đi xem phim. Cô không đeo kính hỏi: "Nhiệt độ trong phòng ấm thế này liệu bông hoa có mau tàn không nhỉ?". Anh đáp: "Cũng có thể. Tốt nhất là các em đưa nó ra phía bên ngoài cửa sổ. Lát đi xem phim về lại lấy vào". Các cô nghe theo.

Họ đi xem phim. Anh ngồi cạnh Yên. Không nói gì. Anh chỉ muốn chạm vào bàn tay nhỏ nhắn của cô hiện ra sang sáng trong bóng tối. Nhưng một sức mạnh nào đó đã giữ tay anh lại. Anh tin chắc rằng cả anh và cô đều không hiểu bộ phim đang nói gì.

Họ xem phim xong khi đêm đã khuya. Hai chàng trai tiễn hai cô gái về ký túc xá. Trước cổng khu nhà, họ dừng lại bịn rịn. Cô hỏi bao giờ anh trở lại Riga, anh đáp "Ngày kia". Cô rụt rè: "Thế mai mời hai anh lại sang chơi nhé?". Anh thở thật mạnh và nói nhanh: "Hẹn ngày mai gặp lại".

Lần này thì cô chìa tay cho anh. Anh vội vã nắm lấy nó, xiết thật nhanh rồi buông ra, như thể sợ cô gái đọc được hết những ý nghĩ của anh truyền qua bàn tay.

... Chiều hôm sau, anh vượt chặng đường hôm qua, một mình đến ký túc xá. Cô gái có đôi mắt trong veo sau cặp kính cận lại ra mở cửa. Cô cười rạng rỡ và anh thấy trái đất như quay cuồng.

Anh vào phòng và quay về phía cửa sổ. Khung cửa trắng một màu đơn điệu. Hoàn toàn không có dấu ấn đỏ rực của bông tulip!

- Đoá hoa tulip đâu rồi? - anh hỏi ngỡ ngàng.

- Nó chết rồi anh ạ. Hôm qua bọn em về thì thấy nó bị héo quắt lại. Trời về đêm lạnh, cô bạn người Nga ở phòng bên nói nếu hoa cứ để ngoài cây mọc trên tuyết thì không sao, nhưng đã cắt cho vào chỗ ấm rồi mà lại cho ra ngoài lạnh thì nó chết rất nhanh anh ạ. Rút kinh nghiệm lần sau vậy.

Đoá hoa ấy không chỉ được cắt ra cho vào chỗ ấm, mà nó còn được sưởi bằng hơi ấm từ chính trái tim của anh. Sao anh lại quên mất điều đó nhỉ? Sao anh lại ngu ngốc, dại dột bảo các cô đưa bông hoa mà anh đã sưởi ấm ra ngoài trời tuyết nhỉ?

Bông hoa chết làm cho câu chuyện giữa anh và cô trở nên không đầu không cuối. Ngồi được một lát, anh nói với cô chạy ra ngoài phố mua thuốc lá. Nhưng đó là cái cớ để anh quầy quả trở lại ga trung tâm. Thật không may cho anh, cửa hàng hoa mà anh ghé vào hôm qua không còn một bông tulip nào.

Chẳng lẽ quay lại tay không? Anh cảm thấy ngượng, ngập ngừng đi đi lại lại trước nhà ga đến nửa tiếng đồng hồ và cuối cùng quyết định trở về nhà anh bạn.

Ngày hôm sau đoàn tàu đưa anh trở lại Riga trong day dứt. Anh cảm thấy mắc nợ với cô, mắc nợ với chính mình.

Về đến Riga, anh chạy ra bưu điện xin gửi điện hoa 5 bông tulip. Hai ngày sau, anh nhận được một bức điện báo rằng yêu cầu của anh không thể thực hiện được. Nhiệt độ ở Minsk xuống dưới -20 độ C, chắng bói đâu ra hoa tulip.

Nhưng mãi rồi tuyết cũng tan. Nước chảy thành những con suối nhỏ róc rách trên đường, những cây bạch dương trổ mầm xanh ngắt. Nắng lên cũng là lúc tulip trổ bông và khoe sắc rực rỡ trên các đại lộ. Chắc Minsk cũng thế, tulip gửi vào lúc này có giá trị gì nữa đâu???

Học hành cuốn anh vào guồng quay của nó, nhưng thỉnh thoảng trong tâm trí anh lại loé lên hình ảnh bông hoa tulip đỏ ngã gục quắt queo xuống bậu cửa sổ ngập tràn tuyết trắng.

... Mùa hè. Trước môn thi cuối cùng, anh nhận được điện thoại của người bạn: "Này, cô em đeo kính của cậu thi xong rồi. Mai kia lên đường về nước. Cậu có định xuống chia tay không?". Anh vội vã đáp "có".

Nhưng anh phải chờ hai hôm mới đến ngày thi. Trả bài xong, anh vội vã đáp tàu đi Minsk. Mùa hoa tulip đã hết, nhưng có cần gì đến hoa tulip nữa đâu? Nỗi day dứt suốt mấy tháng trời đủ khiến anh hiểu rằng, một bông hoa tulip chết không thể là cái cớ để ngăn cản anh nói lên cái điều mà trái tim anh thôi thúc.

Bạn anh ra mở cửa và ngao ngán lắc đầu: "Gọi cậu từ 3 hôm nay mà sau giờ mới vác xác xuống à? Cô em lên tầu đi Mátxcơva tối qua rồi. Có lẽ giờ này đang chuẩn bị ra sân bay cất cánh về nước..."

Anh ngồi phịch xuống nền nhà.

Giá như bông tulip đỏ không chết...

Giá như... Giá như...

8/7/08

30 ĐIỀU ĐÀN ÔNG CẦN BIẾT LÀM



  1. Tạo một chiếc đĩa CD với nhiều thể loại nhạc khác nhau. Một chiếc đĩa chữa những bản nhạc hay luôn có sức dẫn dụ mạnh mẽ đối với phụ nữ. Nhưng hãy nhớ là đừng có ghi vào đó bản nhạc rock dài 20 phút hay những đoạn solo trống loạn xạ.
  2. Phát biểu. Kỹ năng này luôn cần đối với bạn vào một ngày nào đó trong đời: Ví dụ làm bố cô dâu (hoặc chú rể), người đứng đầu một bộ phận phải triển khai một dự án quan trọng. Bí quyết à? Rèn luyện. Mỗi ngày một chút. Hãy biết rõ vấn đề mà mình cần nói và diễn đạt nó một cách giản dị. Nhưng đừng chen vào đó những từ tục tĩu.
  3. Tâng bóng. Hình ảnh một người đàn ông tâng bóng bao giờ cũng rất nam tính.
  4. Tranh luận. Giành phần thắng trong tranh luận chứng tỏ bạn là người tự tin và có lập luận.
  5. Cắt thịt. Bố bạn biết cắt thịt (chặt thịt gà), ông bạn biết làm việc này. Một ngày nào đó con bạn cũng sẽ làm. Còn bây giờ cắt thịt là việc của bạn. Hãy cắt (chặt) thịt sao cho cả gia đình bạn ăn ngon miệng. Dễ ợt í mà.
  6. Bảo vệ máy tính. Máy tính ngày càng có nhiều chức năng và ứng dụng. Nói không ngoa thì nó trở thành vật dụng ưa thích của cả gia đình. Sẽ là ai nếu không phải là bạn dựng tường lửa để con bạn không vào những trang web độc hại hay ngăn chặn virus xâm nhập. Hãy cập nhật những phần mềm ấy và scan máy tính thường xuyên.
  7. Biết rõ những người làm dịch vụ (thay bình gas, sửa điện, sửa nước...). Hãy hỏi bạn bè, hàng xóm. Hãy lưu giữ số điện thoại của họ trong máy điện thoại của bạn.
  8. Cho tiền boa. Nhưng không phải lúc nào cũng mở hầu bao. Chỉ boa khi được phục vụ tốt. Phục vụ dở thì không nên thưởng.
  9. Mát xa. Biết mát xa căn bản. Người thân của bạn luôn biết ơn bạn về điều này.
  10. Chơi golf. Nhưng chỉ cần chơi trên Xbox là đủ. Thời buổi hiện đại rồi. Chơi golf thật tốn tiền lắm.
  11. Tỏ ta tự tin. Những cuộc họp lớn, buổi hẹn hò quan trọng, cuộc phỏng vấn thứ hai... Căng thẳng là đương nhiên. Hãy nhìn thẳng vào mắt đối phương, hãy mỉm cười, hãy lắng nghe. Hãy siết chặt tay rồi buông ngay (không áp dụng điều này khi hẹn hò, trừ trường hợp thấy rõ là không nên cơm cháo gì).
  12. Biết Shakespeare. Không phải toàn bộ sự nghiệp của ông ta mà chỉ cần một vài vở kịch. Biết một vài câu, chẳng hạn “To be or not to be”, biết Shakespeare là tình yêu, chết chóc và báo thù.
  13. Chơi những trò chơi trong quá bar. Billards, phóng phi tiêu, dominoe... Hãy chọn một trò và luyện tay nghề thật khá. Điều này sẽ có ích trong nhiều trường hợp mà bạn không thể ngờ tới.
  14. Thừa nhận sai lầm và chấp nhận thất bại. Đời người ai chẳng có những sai lầm. Một số người thậm chí rất hay mắc sai lầm. Hãy học cách sống chung với nó và biết cách xin lỗi. Đừng ngoan cố và biện minh. Hãy chấp nhận lỗi lầm, vượt qua và tiếp tục đi.
  15. Thay vải trải giường. Cũng giống như mắc màn trước khi đi ngủ, thay vải trải giường chẳng phải việc thú vị, nhưng cũng không hề khó làm.
  16. Trì hoãn. Phụ nữ thường muốn công việc xong từ ngày hôm qua. Nhưng đàn ông thường kiếm cớ trì hoãn việc sang tuần tới. Mỗi người có cách trì hoãn riêng tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể, nhưng thường liên quan đến một hoặc tất cả những điều sau: dự báo thời tiết, lịch phát sóng truyền hình, bách khoa toàn thư về y khoa, thực đơn mang về nhà, từ A đến Z...
  17. Duy trì một nhóm bạn. Đàn ông giữ thuộc tính bộ lạc, cần cảm giác là một phần của bầy đàn. Họ cần có chuyện để nói.
  18. Dã ngoại. Thời cổ xưa, phụ nữ luôn ở gần hang khi đàn ông đi săn. Bản năng này vẫn chưa chịu rời bỏ chúng ta. Hãy giữ tinh thần cổ đại bằng cách lên rừng xuống biển.
  19. Tiếp cận phụ nữ. Bí quyết à? Hãy làm ngay khi có cơ hội, đừng trì hoãn. Nếu mắt đã gặp nhau thì đừng chần chừ gì nữa, bằng không sẽ chẳng bao giờ có cơ hội.
  20. Nấu một món nào đó thật ngon. Không nhất thiết phải đạt tiêu chuẩn nhà hàng và phải biết nấu nhiều món. Chỉ cần biết nấu 5-6 món gì đó cho những tình huống khác nhau trong năm (ồ anh ta nấu ngon thể nhỉ, tại sao không mau chóng kết hôn với anh ta?).
  21. Đắm mình trong hoài niệm. Đàn ông có rất nhiều điều hoài niệm và tiếc nuối. Đắm chìm vào đó luôn đem lại cảm giác thích thú.
  22. Hãy luôn hài lòng. Một số nhà tâm lý học cho rằng cơ chế tiến hoá không cho phép chúng ta hài lòng một cách thực sự, vì nếu chúng ta hài lòng, điều đó sẽ cản trở chúng ta vươn lên. Cho nên nếu bạn không thực sự hài lòng thì đó không phải là lỗi của bạn. Ý nghĩ này sẽ giải toả cho bạn và khiến bạn hài lòng.
  23. Có tuổi một cách trang nhã. Làm bố thì không nên nhảy trong đám cưới. Ngoài 35 tuổi thì không nên mặc quần bò bó sát vào người. Trung niên thì không nên đi xe thể thao. Đó là luật.
  24. Sắp xếp tài liệu một cách khoa học. Thói để giấy tờ lộn xộn chỉ có thể chấp nhận khi bạn 18. Đến năm 30 mà vẫn thế thì bạn sẽ mất tiền và thất bại. Đầu tư công sức để sắp xếp phòng làm việc của bạn. Điều đó luôn có lợi.
  25. Mua quà. Không phải ngày nào cũng mua, nhưng những món quà bất ngờ, hợp ý muốn luôn làm người thân của bạn hạnh phúc.
  26. Đọc. Hãy nuôi dưỡng thói quen đọc sách và bạn sẽ không bao giờ cảm thấy buồn chán.
  27. Chơi với trẻ con. Không nhất thiết là con của bạn. Hãy cười thật nhiều, hãy chuẩn bị làm tất cả những gì mà chúng muốn. Bạn sẽ tiêu tan cảm giác buồn chán.
  28. Làm chủ hệ thống nghe nhìn trong nhà bạn. Phụ nữ thường không hiểu biết lắm về kỹ thuật, nên chắc chắn bạn phải thạo công việc này.
  29. Hãy giả vờ ốm. Ai cũng cần có thời gian thư giãn. Nhưng hãy chọn thời điểm ốm thích hợp, để bạn không phải giải quyết hậu quả.
  30. Một điều gì đó mà cá nhân bạn thấy cần.
(Theo MSN)

7/7/08

CHIÊU MỚI CƯỚP ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG



Cậu đồng nghiệp nhăn nhó: "Em bị mất điện thoại, anh ạ. Mà bị cướp mới đau..."

Tôi ngạc nhiên: "Đàn ông đàn ang, sức dài vai rộng, khỏe mạnh thế kia, làm sao mà bị cướp?"

Hóa ra là chuyện như thế này. Chủ nhật, anh chàng phải đi thăm một người nhà bị ốm nằm trong bệnh viện. Một tay bế đứa con gái một tuổi, tay kia dắt đứa con trai 3 tuổi. Ba bố con đang đi trong sân bệnh viện, thì một thanh niên tầm ngoài 20, ăn mặc tuyền toàng, gương mặt khổ sở, tiến lại gần và đau khổ nói:

- Anh ơi, em ở quê ra, người nhà em nằm ở đây, phải cấp cứu mà bây giờ không biết trông cậy vào đâu. Anh cho em gọi nhờ một cú điện thoại cho người bạn xem có giúp đỡ được gì không?

Bạn đồng nghiệp của tôi thương tình, hỏi số điện thoại, bấm số, rồi đưa máy cho anh ta. Anh ta cầm lấy điện thoại, allo, allo, rồi bất ngờ ù té chạy.

Bạn tôi ớ người, chẳng kêu được câu nào. Con bìu con ríu, không thể đuổi theo gã thanh niên để lấy lại chiếc điện thoại.

Thằng con trai 3 tuổi ngớ ra: "Ơ bố ơi, sao chú ấy lại cầm điện thoại của bố rồi chạy?".

Bạn tôi nói tức mình thương người, chủ quan một, nhưng tức cái sự đằng sau đấy hai-ba lần. Cả buổi chiều phải tìm cách trả lời thằng con trai tại sao chú kia lại lấy điện thoại của bố nó. Chuyện vô lý đến trẻ con cũng chẳng thể tin.

Nếu tình cờ bạn đang đi trên phố và có một người đau khổ vật nài xin bạn gọi nhờ một cú điện thoại, thì tốt nhất bạn hãy cho người đó 5 nghìn rồi bảo vào một trạm điện thoại cố định gần nhất mà gọi.

6/7/08

SAO MAI ĐIỂM HẸN - ĐÊM DIỄN THỨ HAI



NHỮNG CÁNH CỬA CHƯA ĐƯỢC MỞ

Hà Linh (ảnh), thí sinh sáng giá nhất của SMĐH 2008, đã thể hiện rõ bản lĩnh của mình khi chọn một ca khúc mới toanh của Lê Minh Sơn có nhan đề “Gót sen”. Cô thực sự tạo được một gương mặt mới cho sáng tác của Lê Minh Sơn. Trước đây ta được biết đến Lê Minh Sơn qua 3 giọng hát tiêu biểu là Ngọc Khuê, Tùng Dương, Thanh Lam... Nếu như Ngọc Khuê cho thấy một LMS nhí nhảnh, với những khát vọng đầu đời trong veo, Tùng Dương cho thấy một LMS đột phá và hơi quái, Thanh Lam cho thấy một LMS bùng nổ, đầy khát vọng và kịch tính, thì hôm nay Hà Linh đã đem đến một LMS sâu lắng và giản dị một cách sang trọng. Điều duy nhất đáng tiếc là Hà Linh biểu diễn ngay đầu tiên, khiến khán giả mất cảm giác háo hức chờ đợi.

Ngọc Minh nối tiếp chương trình với ca khúc “Mặt trời trong đêm” của Lê Quang. Mặc dù được các thành viên trong hội đồng nghệ thuật khen là hát tốt hơn đêm trước, nhưng Ngọc Minh thực ra vẫn hát bằng sức là chính. Bài hát cứ trơn tuột và thiếu cảm xúc. May mà Ngọc Minh trông dễ nhìn hơn, không đánh vồng tóc lên và phun nhũ vàng giống như đêm đầu. Nói chung, anh chàng này để tóc dài không hợp.

Hải Yến, một trong những thí sinh được tôi đánh giá cao, ứng thí ở vị trí số 3. Tuy “Nuối tiếc” không phải là ca khúc hay của Hồ Hoài Anh, nhưng Hải Yến vẫn trình bày khá tốt. Đáng tiếc là vài chỗ cô xử lý hơi bị rẻ, đôi ba nốt cao hát bị vỡ giọng. Mặc dù Hải Yến tự biện rằng cô rất muốn hát những bài hát sâu lắng khác với sở trường (các bài hát sôi động, dễ bộc lộ được cá tính của mình – theo lời Thanh Lam là “điên điên”), nhưng tôi đã thấy cô thất bại trong những nỗ lực phấn đấu trở thành “cô gái ngoan”.

Phương Thuỷ thử sức với “Cánh cửa” của Đỗ Bảo. Cô quá trẻ, không đủ sức và không đủ bản lĩnh để thể hiện sự phức tạp trúc trắc vốn là trade mark của Đỗ Bảo. Bài hát này tràn ngập dấu ấn của những “bức thư tình”, nhưng không hay bằng. Dẫu vậy, Phương Thuỷ cũng không thể mở được “cánh cửa” của đêm diễn thứ 2.

Mạnh Quân tiếp tục chiêu đãi khán giả bằng món ăn do mình tự nấu. “Dấu yêu một thời” do chính Mạnh Quân sáng tác quả thực không có gì mới, do vậy dẫu là món nhà trồng được Mạnh Quân cũng không thể có gì đột phá về thanh nhạc. Điểm mạnh của Quân là có một giọng hát nam tính, da diết và tình cảm, nên nếu phát huy thế mạnh này thì sẽ thành công hơn.

Không có bình luận gì về Nhật Thu hát “Giấc mơ ngọt ngào” của Hồ Hoài Anh, Mượn lời của Thanh Lam là cô “hoàn thành tương đối sạch sẽ, hát không có gì mới, lặp lại tư duy hát rất cũ. Có thể thông cảm được vì em mới 20 tuổi, và chưa có trải nghiệm về cuộc sống.

Hoàng Yến cũng mắc chung lỗi của Nhật Thu. “Những mùa đông yêu dấu” của Đỗ Bảo là bài hát đòi hỏi nội lực, sự từng trải, trong khi giọng của Hoàng Yến quá mỏng. Cùng với Phương Thuỷ, Nhật Thu, Hoàng Yến cho thấy chọn sai bài là điểm yếu nổi bật của đêm diễn thứ hai.

Khắc Hiếu bỏ kính theo yêu cầu của Giáng Son và nhuộm tóc lại thành màu đen theo yêu cầu của nhiều người, để thể hiện “Bài ca tình yêu” của Thành Vương. Mặc dù được các thành viên trong hội đồng nghệ thuật khen là chọn được ca khúc phù hợp, nhưng Khắc Hiếu hát không để lại ấn tượng gì đặc biệt.

Thu Phượng khiến tôi nhớ đến Thu Minh khi trình bày “Âu lo” của Quốc Bảo. Hình như Thu Minh không hát bài này, nhưng cách nhả chữ cách hát của Thu Phượng rất giống Thu Minh, đáng tiếc lại là một bản sao tồi.

Hoàng Nghiệp có tiến bộ rõ rệt so với đêm thứ nhất khi trình bày “Lời yêu xa” của An Hiếu. Nhưng đôi ba chỗ Hoàng Nghiệp vẫn để lộ gót chân Achilles với cách nhả chữ đơn đớt kiểu Lam Trường, vốn là thói quen của các ca sĩ thị trường ở phía nam. Nghe kỹ thì đây là một giọng hát không hề tồi, nhưng bị chìm đắm khá lâu trong cách thể hiện dễ dãi.

Tôi đặc biệt thích Thu Hường. Cô tạo ra được phong cách riêng ngay khi hát những câu đầu tiên trong bài “Màu trắng”. Một ca khúc được sáng tác theo phong cách hoàn toàn khác lạ, làm nổi bật được thế mạnh của Thu Hường. Nhưng Thu Hường hát không rõ lời ở các nốt trầm.

Duy Khoa, thí sinh nhận được nhiều bình chọn nhất sau đêm diễn đầu tiên, cũng vẫn trung thành với phong cách của mình khi khi trình bày ca khúc tự viết có nhan đề “Lời hứa”. Mặc dù không gây được ấn tượng nào về mặt thanh nhạc, song với gương mặt “baby”, Duy Khoa chắc chắn sẽ gặt hái được vô số bình chọn bằng những bài hát đơn giản, dễ nghe và lối trình diễn ít mầu mè của mình.

Đêm diễn nhạc pop cho thấy sự bùng nổ của các bài hát tự sự. Nhưng các bài hát có tiết tấu chậm đã khiến các ca sĩ hở sườn. Nói như Ngọc Châu, hát chậm khó hơn hát nhanh rất nhiều.

Sang đêm diễn thứ hai, hội đồng nghệ thuật đã nhận xét xác đáng hơn. Mặc dù vẫn khen “em xinh”, “em có bộ trang phục đẹp”, nhưng các giám khảo đã không ngần ngại chỉ ra các điểm yếu của thí sinh. Vẫn muốn trong các đêm thi tới, các giám khảo có những nhận xét hay hơn, hóm hỉnh hơn, thông minh hơn, có ý nghĩa khái quát cao hơn, giống như Tuấn Khanh đã làm trong các cuộc thi lần trước.

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết