30/11/10

THÂN PHẬN NGƯỜI NHẬP CƯ Ở NGA


Mátxcơva, 4 giờ sáng một ngày cuối tháng 11 lạnh giá. Một chiếc xe buýt chở cảnh sát và nhân viên Cục Di trú liên bang (Nga) ập đến ob (ký túc xá) gần trung tâm thương mại "Mátxcơva" ở Lyubino. Cảnh sát nhanh chóng vây tòa nhà, phong tỏa các lối ra vào và tiến hành kiểm tra giấy tờ tùy thân của hơn 500 người Châu Á, sinh sống tại đây. Đại bộ phận dân cư là người Trung Quốc, một số là người Việt.

Cách làm việc của các nhân viên Cục Di trú liên bang khác với cách của cảnh sát. Họ nhã nhặn giải thích cho các cư dân vẫn còn đang ngái ngủ rằng họ phải mặc quần áo, cầm theo giấy tờ và đi xuống dưới. Một số người biết tiếng Hoa, cố gắng giải thích bằng tiếng Hoa, nhưng những người Trung Quốc dường như quên sạch mọi thứ ngôn ngữ.

Cảnh sát phải ra tay với những người không chịu mở cửa. Họ nói bằng cả tiếng Nga lẫn tiếng Anh: "Police! Open the door! Считаю до трех! Open the door! Раз! Open the door! Два! Open the door! Три!"

Cánh cửa này làm bằng sắt nên khó mở. Cảnh sát đạp mạnh vào tường.

Một số người định bỏ chạy, nhưng ra đến sân thì bị bắt và được đưa vào nhà ăn.

Khu ký túc xá đúng là một mê cung. Những hành lang ma quái không biết dẫn đi đâu. Cư dân ngăn những khoảng không gian thành những căn phòng nhỏ với tường bằng nhựa. Hàng trăm căn phòng. Phòng nào cũng đầy nhóc người. Không phải chỗ nào cũng sáng đèn. Một nửa số cửa đóng kín.

Những người có vấn đề về giấy tờ đều không chịu mở cửa. Họ hiểu rằng họ sẽ có nguy cơ bị trục xuất. "Mặc quần áo ấm vào, cầm theo giấy tờ và đi xuống tầng 1 nhé".

Một người đàn ông Việt Nam đưa ra tờ giấy chứng nhận hộ chiếu của anh đang được giữ ở đại sứ quán.

Cảnh sát kiểm tra hộ chiếu của một người Trung Quốc. Những người có giấy tờ không hợp lệ sẽ phải rời nước Nga trong vòng 10 ngày. Không ít người về nước làm hộ chiếu với tên khác và quay lại Nga tiếp tục làm việc.

Phụ nữ và trẻ em không phải là đối tượng kiểm tra giấy tờ.

Trong ký túc xá có hẳn một khu tắm hơi...

...và dịch vụ tươi mát.

Cô gái này trốn trên giường tầng, được phát hiện một cách tình cờ.

Các phòng ở đều chật hẹp, đầy đồ đạc và rác rưởi.
Phòng nào cũng bốc mùi hôi nồng nặc.
Đây là nhà tắm của các cư dân.


Những người bị bắt đều tỏ ra hoảng sợ.

Cô gái này giả vờ chết trong nhà vệ sinh. Cảnh sát bế cô vào giường và định gọi xe cứu thương. Nhưng khi họ vừa đi, thì cô cũng tỉnh trở lại.

Công nhân nước ngoài vi phạm luật xuất nhập cảnh của Nga bị phạt 5 nghìn rub, người thuê công nhân bất hợp pháp bị phạt 800 nghìn rub
cho mỗi công nhân mà họ thuê.


"Hãy thả cô gái này ra, cô ấy là bạn gái của tôi.
Cô ấy là sinh viên, đến đây ăn cơm thôi!"

Kiểm tra giấy tờ thì thấy đều ổn. Nhưng cô sinh viên trường y
lại không nói được một từ tiếng Nga nào.


Trong khi cảnh sát gom những người nhập cảnh bất hợp pháp, các nhân viên của Cục Di trú liên bang xem xét máy tính của người Trung Quốc.

Những người nhập cư bất hợp pháp được đưa cả vào nhà ăn, nhưng đông quá,
nên họ được đưa bớt sang...


...nhà tắm hơi. 50 người không có giấy tờ tùy thân và không có giấy nhập cảnh. Những người bị giữ được đưa đến tòa án, nơi sẽ quyết định hoặc phạt hành chính, hoặc trục xuất họ về nước.

Nguồn:
Полиция! Откройте дверь!



29/11/10

ĐỒNG XANH


Đồng xanh của Brothers Four là bài hát tôi muốn nghe vào lúc này.
Chia sẻ cùng mọi người.






"Green Fields"

Once there were green fields kissed by the sun
Once there were valleys where rivers used to run
Once there were blue skies with white clouds high above
Once they were part of an everlasting love
We were the lovers who strolled through green fields

Green fields are gone now, parched by the sun
Gone from the valleys where rivers used to run
Gone with the cold wind that swept into my heart
Gone with the lovers who let their dreams depart
Where are the green fields that we used to roam

I'll never know what made you run away
How can I keep searching when dark clouds hide the day
I only know there's nothing here for me
Nothing in this wide world, left for me to see

Still I'll keep on waiting until you return
I'll keep on waiting until the day you learn
You can't be happy while your heart's on the roam
You can't be happy until you bring it home
Home to the green fields and me once again


28/11/10

NGHĨ VỀ LÒNG VỊ THA



KHÁNH PHƯƠNG

Nhà thơ Đỗ Phủ khi xưa ước muốn về một ngôi nhà chung che bão tố cho đủ khắp văn sĩ trên đời, nhưng nếu ông ước ngôi nhà cho người nghèo, thì ngôi nhà ấy ắt còn phải to thêm và rộng thêm đến mênh mông. Nhà văn Orhan Parmuk cũng nói ý, nhân loại đa phần sống trong đói nghèo và đau khổ. Ngoài các nhà văn, liệu có ai từng nghĩ tới đa số của nhân loại đó, như một thành tố quan trọng, cơ yếu?

Trong khi các nước đang phát triển đứng trước nguy cơ luôn luôn trở thành “sân sau” để các nước lớn áp đặt luật chơi, thành bãi thải công nghệ lỗi thời, phải trả giá bằng thảm họa môi trường, sự suy kiệt của lực lượng lao động đồng thời với việc bị xâm thực, xói mòn các giá trị văn hoá; mà nơi đó, chỉ có một bộ phận nhỏ thức thời đoạt được vị trí thuận lợi kèm theo đời sống vật chất, tinh thần sung mãn trong tương quan ngặt nghèo kể trên; thì vấn đề sự an toàn, quyền được thoả mãn cá nhân, cơ hội được học tập và tiến bộ của những người thuộc tầng lớp dưới, nhất là những người bất hạnh, kém may mắn, càng phải được đặt ra cấp thiết, không chỉ như một mục đích nhân đạo, mà còn là một cách bảo toàn giá trị tồn tại rộng rãi và sâu xa của cộng đồng.

Quyền được vị tha

Ngày mới tốt nghiệp trường đại học sư phạm, tôi có đi dạy học cho các em nhỏ ở làng trẻ mồ côi H. Các em được tập trung nuôi dưỡng, sinh hoạt trong các gia đình nhỏ, mỗi gia đình gồm từ 8 đến 10 em, do hai bà mẹ tình nguyện trông coi, gắn bó suốt đời với các em.

Buổi sáng các em tới lớp học như các bạn nhỏ có đầy đủ cha mẹ khác. Chiều về, các mẹ ở làng trẻ kèm con tự học. “Cô giáo” đứng lớp với con số dao động từ 12 tới 15 em, trình độ từ lớp 1 tới lớp 6, học ghép lẫn nhau. Bài toán phải ra theo từng trình độ, còn môn tiếng Việt, chính tả, may thay các em có thể cùng lúc cảm thụ một bài thơ, hay một vấn đề ngôn ngữ, nếu có khác biệt cũng là khác biệt của từng cá nhân mà thôi.

Các em thông minh, nhạy cảm, nhận thức khá nhanh, mau tiến bộ, không hề thua kém các bạn lớn lên trong điều kiện bình thường, khiến không ai có thể nghĩ, chỉ vừa vài tháng hay một, vài năm trước, các em là những đứa trẻ lãnh nhận và vượt qua sự tàn nhẫn đến khó lòng hình dung của số phận. Thậm chí, tất cả học trò trong lớp học ghép của tôi đều có thể bước đầu lĩnh hội lý thuyết tương đối mới mẻ, “ vị từ” trong cấu trúc ngôn ngữ tiếng Việt, mà vì tò mò, “mạo hiểm”, tôi đã thử đem ra dạy các em.

Cả lớp, chỉ có duy nhất một học sinh luôn viết sai một vài từ nhất định, và cũng chỉ riêng những từ đó, ngoài ra các tri thức và kỹ năng khác của em ở mức độ khá tốt, thuần thục. Tôi nghĩ, đó có thể là kết quả của một tổn thương tâm lý, nhưng chưa có dịp để tìm hiểu sâu hơn.

Cùng với việc ngày càng nhiều trẻ em bị bỏ rơi khi vừa chào đời, như hệ quả tất yếu của một đời sống chưa ổn định, với nhiều giá trị tinh thần bị phá vỡ, xô lệch, những vòng tay cứu độ nơi tam bảo là sự đáp ứng khẩn thiết từ lẽ sống vị tha, tấm lòng chân thiện. Tôi đã tới thăm một ngôi chùa như vậy. Nơi đó, các vãi già, các chị các cô, nhiều người dĩ nhiên chưa hề làm mẹ, thành tâm công đức săn sóc cho các cháu, từ tắm rửa, cho ăn, tới ru ngủ, dỗ chơi… Được lớn lên trong lòng từ bi, nghĩa đồng bào, chắc hẳn các em nhỏ sẽ trưởng thành như những con người lành mạnh, chân thiện và hơn nữa, còn đầy nội lực. Nhưng một điều mà có thể các em suốt đời sẽ không có được, đó là tình cảm ruột thịt của cha mẹ, gia đình, dẫu cho tình yêu thương đích thực không phải luôn luôn, nhất thiết, được bộc lộ bằng niềm hạnh phúc được cận kề thân thể, tinh thần, bằng huyết thống và sự hy sinh của những người ruột thịt.

Tạo hóa cho mọi con người quyền được vị kỷ, được mưu cầu hạnh phúc cho bản thân. Cũng nhờ động lực vị kỷ đó mà con người và xã hội vươn tới những thành quả văn minh cao hơn, đạt tới sự phồn thịnh về vật chất, đồng thời như một quá trình phân loại tự nhiên để sắp xếp tổ chức đời sống xã hội theo thang bậc hợp lý, hiệu quả, có kẻ thấp người cao. Nhưng cũng chính động lực vị kỷ, như một nguồn năng lượng tiêu cực, trở thành “tham, sân, si”, làm xói mòn những bản năng tốt lành, biến dạng quá trình sắp xếp tổ chức đời sống, vùi lấp những thành quả mang cả ý nghĩa vật chất lẫn tinh thần của cộng đồng. Một người chỉ biết thoả mãn cá nhân, sẽ không nhìn nhận ra sự đóng góp tài năng trí tuệ cũng như vị thế quan trọng tương đối của người khác.

Nguyên lý “vị tha” xuất phát từ việc coi kẻ khác cũng bình đẳng với bản thân, cũng với niềm vui và đau khổ giống như mình. Bởi vì, ngay từ khi sinh ra, con người vốn là bình đẳng với nhau, trước mọi tạo vật, về trí tuệ, tình cảm, nhân cách. Ngay cả những người thiệt thòi, “thiểu năng” cũng sẵn được mặc khải một thứ “ trí tuệ” đặc biệt, nếu hiểu trí tuệ là sự lãnh hội về mối tương quan giữa chủ thể và thế giới còn lại, cũng như vẫn phải được đảm bảo quyền con người.

Trong khi những tiến bộ khoa học, tính hợp lý trong tổ chức đời sống xã hội ngay cả ở các nước văn minh, vẫn chưa giúp giảng hoà nghịch lý về vị thế bình đẳng giữa con người với hoàn cảnh bất hạnh, thua thiệt, thì tình yêu thương vị tha là phương cách duy nhất hữu ích để cân bằng nghịch lý ấy. Yêu thương để dành cho người thiệt thòi một cơ hội được học tập, vươn lên và bình đẳng với bản thân mình, trong những giá trị chung tốt lành của xã hội. Nhưng tình yêu thương đích thực bao giờ cũng là một thách thức đối với mỗi cá nhân, trong quan hệ với thế giới xung quanh. Lòng vị tha, sự cống hiến hào hiệp cũng là thách thức, để trở thành động lực xây nên những giá trị khoa học và nghệ thuật đích thực đóng góp cho con người.

“Đa phần nhân loại”

Tôi đi cùng một người bạn trẻ tới dự đêm vui trung thu của các cháu tại một làng trẻ mồ côi ở Hà Nội. Anh thường xuyên phát tâm ủng hộ hoạt động nuôi dưỡng và sinh hoạt, học tập hàng ngày cũng như các dịp lễ lạc của trẻ em tại làng. Anh không quên giải thích với tôi, mình đã đủ ăn, thì nghĩ tới và san sẻ với những người còn thiếu thốn hơn, thậm chí là chưa có ăn. Đó là một quan niệm giản dị.

Truy tới ngọn nguồn, thì bất cứ một ngành sản xuất và doanh thương nào, nhất là doanh thương - không ngoại trừ cả việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm văn hoá, cũng đều được lập ra, sinh tồn và phát đạt dựa trên một mặt thiếu thốn, chậm phát triển nhất định của đời sống cộng đồng. Việc đóng góp trở lại một phần lợi nhuận cho các hoạt động phúc lợi dân sinh, trước khi được xem như một nghĩa cử, phải là hành vi thông thường, tất yếu. Các nhà phú hộ, bạn phường của xã hội xưa kia coi việc công đức hàng tháng, hàng năm vào chùa chiền, thái miếu, quỹ khuyến học… là đạo đức sống và kinh doanh, là nếp sinh hoạt thuần phác đời thường.

Trong khi “giá cánh kéo” của ngành ngoại thương chấp nhận thế yếu theo cấp số cộng, cấp số nhân của đồng nội tệ, thì một đường lối kinh tế xã hội quốc nội và đối ngoại, không chỉ quyết định trực tiếp đến vận mệnh, sinh khí của các tập đoàn kinh tế, ngân sách quốc gia, tài sản cá nhân, mà còn trực tiếp tạo ra sự ổn định hay bất an của đời sống cộng đồng, tạo ra những tầng lớp người nghèo hay người giàu mới, và cả những số phận bất hạnh, những tai nạn có sức phá huỷ không kém gì thiên tai, đi xa hơn sức tưởng tượng của bất cứ nhà hoạch định hay nhà văn nào.

Vận mệnh của từng cá nhân trong xã hội ràng rịt với nhau, trong khi đa số người ta không có nhu cầu nhận thức điều này. Người nghèo, người thiệt thòi không chỉ cần sự tương trợ bằng chính sách “mềm”, bằng hoạt động từ thiện, mà sự cấu thành của một guồng máy kinh tế cũng phải tất yếu bao gồm một cách chặt chẽ, cả phần đóng góp và quyền lợi của họ, chứ không chỉ là sự làm ra và phân chia lợi ích.

Nhà thơ Đỗ Phủ khi xưa ước muốn về một ngôi nhà chung che bão tố cho đủ khắp văn sĩ trên đời, nhưng nếu ông ước ngôi nhà cho người nghèo, thì ngôi nhà ấy ắt còn phải to thêm và rộng thêm đến mênh mông. Nhà văn Orhan Parmuk (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng nói ý, nhân loại đa phần sống trong đói nghèo và đau khổ. Ngoài các nhà văn, liệu có ai từng nghĩ tới đa số của nhân loại đó, như một thành tố quan trọng, cơ yếu? Khoảng cách từ người nghèo tới người bất hạnh, không phải là điều có thể làm choáng váng hay gây bất ngờ cho bất cứ ai. Bất hạnh còn là hệ quả trực tiếp của đói nghèo.

Xét cho cùng, thì hoạn nạn, bất hạnh chẳng phải của riêng ai và chẳng phải riêng ai suốt đời có thể né tránh nó. Mỗi chúng ta, kể từ khi có mặt, ai mà chẳng mồ côi và không nơi nương dựa trên đời.

Chấp nhận hay thay đổi?

Một xã hội thực sự văn minh và tiến bộ là xã hội có chỗ cho người nghèo. Không phải bằng lòng từ thiện, mà bằng ý thức về sự có mặt và đóng góp của họ vào đời sống.

Theo thống kê của Tổ chức Francoise Étudents, Pháp, năm 2006, hàng năm, nước Pháp có tới 40.000 sinh viên cả nam lẫn nữ phải bán dâm để có tiền trả học phí cũng như các khoản chi phí học tập khác cho tới khi hoàn thành chương trình học, có nghề nghiệp ổn định. Không phải sinh viên nghèo nào cũng đạt tới ngưỡng hưởng trợ cấp học tập của chính phủ. Người ta đành phải xem, các bác sĩ, kỹ sư, luật gia… đã thành tài nhờ bán thân đó, là một thành tựu đóng góp cay đắng của người nghèo vào bộ mặt dân trí quốc gia, trong khi xuất phát điểm của họ thua thiệt và các định chế xã hội cũng như quyền ưu đãi chỉ mở ngỏ với người có tiền. Và trong khi việc bán thân không bị xem là vi phạm đạo đức, mà chỉ là một nỗi tủi hổ thầm kín về mặt tinh thần mà thôi.

Con người chưa thể hoá giải phần nào nghịch lý giữa những mục tiêu nhân đạo với thực tiễn, có lẽ một phần quan trọng là do tính chất cơ giới, thực dụng và quan liêu trong tổ chức đời sống, trong việc thực hành những thành tựu tri thức đạt được, mà có lẽ chúng ta tưởng rằng đã thực sự hợp lý. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, để tiến gần mục tiêu ấy, cần tạo ra sự đột phá về tư tưởng trong toàn thể xã hội. Phải chăng, “ sự đột phá” ấy cần phải hiểu rằng, từ góc độ của mỗi cá nhân, ngồi xuống cùng suy ngẫm, cùng chứng nghiệm, cảm nhận, về từng thân phận, về mỗi điều đang diễn ra, cũng như những vấn đề chung của tồn tại con người.

Có thể bạn không tin, chỉ bằng ý nghĩ và cảm xúc của mình, lại có thể giúp đỡ cho một ai đó bên ngoài bạn. Nhưng khi cả một nhóm, một cộng đồng cùng suy tưởng, thì bản thân điều đó đã làm thay đổi toàn thể cộng đồng thành một cộng đồng khác.

Nguồn:
Nghĩ về lòng vị tha - Tạp chí Tia sáng

Entries liên quan:
HAI NGƯỜI CHA
NGÀY BAO DUNG



27/11/10

TẠI SAO DU LỊCH VIỆT NAM KÉM THÁI LAN?



Tạp chí Economist ấn bản tháng rồi có bài báo cho hay rằng tỷ lệ du khách quay lại Việt Nam chỉ có 5% (tương ứng với con số 50% của Thái Lan). Việt Nam mới chỉ mở cửa du lịch 25 năm, trong khi Thái Lan đã là địa điểm được ưa chuộng từ những năm 1960.

Xét về bề dày kinh nghiệm du lịch giữa hai bên thì rõ ràng sự so sánh có thể khập khiễng. Thái Lan đã và đang là một trong những điểm đến giá trị nhất, “xứng đồng tiền bát gạo” nhất thế giới, đặc biệt du lịch biển và đảo với đặc trưng dễ đi lại, dễ nghỉ ngơi, nước trong như pha lê, khung cảnh đẹp như tranh ở mọi nơi.

Không thể sánh với danh sách các bãi biển ở Thái dù Việt Nam có những bãi biển tuyệt đẹp, song chưa hề được phát triển cho du lịch. Thái còn có những khu rừng già và những đường mòn du lịch rất hấp dẫn dành cho du khách thích đi bộ và khám phá.

Việt Nam cũng có thế mạnh là hình thái du lịch đa dạng, song lại chưa biết cách khai thác theo hướng có lợi. Chẳng hạn như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, bờ duyên hải dọc dài cả nước, miền Bắc giàu văn hóa, lịch sử và những phố núi như Sapa... Thế nhưng du khách đến Việt Nam lại ít trở lại là vì sao?

Đa số du khách đến Việt Nam đều được giới thiệu hành trình Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, từ Bắc đến Nam hoặc từ Nam ra Bắc. Cấu tạo địa lý của đất nước khiến nhiều du khách nghĩ đây là một sự lựa chọn lý tưởng và nghĩ rằng họ đã biết hết Việt Nam qua chuyến đi ngắn ngủi chỉ kéo dài ba tuần.

Với loại du khách thích mở mang tầm mắt và ưa phiêu lưu, Việt Nam với họ thế là xong và họ sẽ bắt đầu lựa chọn một nước khác để đến
và tiếp tục khám phá. Những du khách thường xuyên quay lại một điểm đến nào đó thường là loại “chung thủy”, có thể họ phát hiện được một nơi nào đó thú vị và “bị” dính liền với nơi đó, ví dụ như một hòn đảo, một bãi biển, một khu resort...

Thái Lan đầy rẫy những nơi như vậy. Nếu phải chọn giữa Thái Lan hay Việt Nam cho một chuyến du lịch biển hai tuần thì chắc chắn tôi chọn Thái Lan ngay!

Vì vậy tôi không ngạc nhiên khi Thái Lan có tỷ lệ du khách quay lại cao gấp mười lần Việt Nam, bởi họ có nhiều điểm đến khác nhau dành cho những loại du khách khác nhau.

Một trong rất ít những nơi tôi biết ở Việt Nam có khả năng thu hút khách du lịch quay trở lại là Mũi Né. Chỉ cách Sài Gòn 200km, thế nhưng để đến được Mũi Né phải qua năm tiếng ngồi xe mỏi mệt.

Thái Lan, Malaysia và những nước khác có biển tương tự thường có đường bay hoặc đường cao tốc thông suốt có thể đưa du khách đến nơi trong tích tắc.

Đó có thể chỉ là một yếu tố nhỏ, nhưng nếu phải chọn, rõ ràng thời gian và phương thức di chuyển trong du lịch chiếm một điểm rất quan trọng. Xuyên suốt Việt Nam, giao thông là một rào cản lớn. Khoảng cách giữa Nha Trang, Mũi Né, Đà Lạt không là bao, nhưng hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ khiến du lịch trở nên khó khăn.

Quốc lộ 1 chưa bao giờ thôi khiến tôi ngạc nhiên bởi nó là đường... độc đạo đi Phan Thiết, Nha Trang, hơn nữa chỉ là một con đường nhựa chất lượng thấp chạy xuyên qua không biết bao nhiêu thôn xóm với người dân sinh hoạt ở hai bên dọc suốt chiều dài đất nước.

Cũng trên quốc lộ, xe ca, xe tải chen nhau chạy bất chấp nguy hiểm - một cảnh tượng chỉ làm cho những du khách lần đầu đến Việt Nam kinh sợ mà không bao giờ nghĩ đến chuyện quay lại lần nữa.

Chuyến đi Mũi Né gần đây lại cho tôi hiểu thêm một lý do khiến nhiều du khách ái ngại khi đến Việt Nam. Mũi Né có những đồi cát xinh đẹp, leo lên rất là thú, nhưng thú thật là gia đình tôi đã bị một đám trẻ con dưới 10 tuổi la hét, rượt đuổi chúng tôi chạy xuống. Thật là một cảnh tượng bẽ bàng!

Tôi cũng đã nghe rất nhiều người than phiền những người bán dạo liên tục dồn khách như ở trên đèo Hải Vân, khiến du khách thay vì được thong thả đứng trên đèo ngắm cảnh thì chán ngán quay vào xe chỉ sau chưa đầy năm phút.

Thế nên, mặc dù Việt Nam không nằm chung “hạng” với Thái Lan, vẫn còn nhiều việc chúng ta cần làm để bộ mặt du lịch Việt Nam được sáng dần lên.

Đó là ngoài thu hút du khách, Việt Nam cần phải giữ chân du khách để họ vui khi đến đây và sẽ còn vui để trở lại. Đó là chăm sóc, bảo vệ môi trường, thiên nhiên, không ngừng tôn tạo để những phong cảnh đẹp trên khắp đất nước ngày càng thân thiện, an toàn và xứng tầm giá trị vốn có.

JONATHAN HOFF - Q.A dịch

Nguồn:
Hãy trở lại Việt Nam... - Doanh nhân Sài Gòn



26/11/10

HOÀNG HẢI NÓNG GIỮA MÙA ĐÔNG


Ngày 23.11, CHDCND Triều Tiên đột ngột nã pháo sang đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc khiến 4 người chết (2 binh sĩ và 2 dân thường), làm bị thương 18 người, phá hủy một số ngôi nhà và gây ra nhiều đám cháy. Đây là vụ đụng độ nghiêm trọng nhất giữa hai miền nam - bắc Triều Tiên trong vài thập kỷ qua.

Triều Tiên cho rằng hành động của họ là nhằm trả đũa đợt pháo kích trước đó của Hàn Quốc. Phía Hàn Quốc khẳng định đúng là họ có bắn pháo, nhưng là bắn tập và không bắn vào lãnh thổ Triều Tiên. 70 nghìn lính Hàn Quốc đang tiến hành cuộc tập trận thường niên trên toàn quốc có tên gọi "Bảo vệ Dân tộc". Cuộc tập trận được tiến hành cả ở gần địa điểm chiếc tầu hải quân Hàn Quốc bị chìm hồi tháng 3 vừa qua khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Hàn Quốc đổ lỗi Triều Tiên đã gây ra vụ chìm tầu.

Vụ tấn công này trùng với thời điểm công luận quốc tế phát hiện ra Triều Tiên đang tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân của mình, khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bị leo thang. Dư luận lo ngại không biết diễn tiến tình hình sẽ đi đến đâu.

Một người dân Yeonpyeong đang cố gắng dập lửa tại ngôi nhà bị cháy do pháo kích.

Lính cứu hỏa Hàn Quốc dập cháy tại Yeonpyeong, hòn đảo nằm trong vùng lãnh hải tranh chấp trên biển Hoàng Hải.

Những ngôi nhà bị trúng pháo kích trên đảo Yeonpyeong.

Bên trong ngôi nhà bị trúng pháo kích.

Khung cảnh hoang tàn như vừa trải qua một cuộc chiến thực sự.

Người dân đảo Yeonpyeong trú ẩn, tránh pháo kích.

Một quả đạn pháo của Triều Tiên.

Lực lượng tuần tra bờ biển Hàn Quốc giúp người dân Yeonpyeong đi sơ tán.

Người sơ tán đến cảng Incheon.

Một bà lão trên đường sơ tán tại cảng Incheon.

Báo chí phỏng vấn một phụ nữ sống sót trong trận pháo kích.

Hai người Hàn Quốc quan sát khu vực do quân sự kiểm soát tại đài quan sát Imjingak ở Paju, gần khu phi quân sự chia cắt hai miền nam - bắc, cách thủ đô Seoul 55km về phía bắc.

Yang Chun Song của Triều Tiên (phải) và Kim Dai-sung của Hàn Quốc thi đấu tại vòng 1/8 môn vật tự do hạng 66 kg tại Á vận hội 16 ở Quảng Đông (Trung Quốc), một ngày sau vụ nam - bắc pháo kích lẫn nhau. Yang Chun Song thắng.

Cụ già Hàn Quốc gạt nước mắt chia tay người thân từ Triều Tiên (ngồi trong xe buýt) sau khi tham dự cuộc đoàn tụ các gia đình ly tán sau chiến tranh Triều Tiên 1953. Cuộc đoàn tụ diễn ra tại khu nghỉ mát Kumgang ở miền nam Triều Tiên hôm 31.10.2010.

Nguồn:
Tension in the Koreas



25/11/10

SĂN NGƯỜI BẠCH TẠNG Ở CHÂU PHI


Mary và hai con gái bạch tạng còn sống sót

Bị đánh thức lúc nửa đêm, Mary Mathias kinh hoàng thấy một kẻ lạ mặt đang kề dao rựa sát cổ chồng chị. Van xin hắn đừng động đến chồng, người mẹ 7 con thót tim khi nghĩ đến 3 đứa con gái bị bạch tạng ngủ ở phòng bên cạnh. Tiếng động rợn người từ bên kia tường cho chị biết tội ác đang xảy ra. Trong những năm gần đây, Tanzania bị chìm trong làn sóng sát hại người bạch tạng. Nguồn cơn là những tên bác sĩ phù thủy lấy chi của người bạch tạng làm ma thuật để bán cho những kẻ mê tín cầu may.

Sau khi lũ người bất lương kéo đi, Mary kinh hoàng phát hiện ra cô con gái yêu quý 14 tuổi tên là Eunice nằm chết trong vũng máu. Hai chân của em đã bị chặt và đánh cắp. Chị chỉ còn biết khóc. Trong vòng chưa đến 1 năm (tính đến tháng 11.2009), 50 người bạch tạng ở Tanzania đã bị sát hại, khiến uy tín của một trong những quốc gia tự do và ổn định nhất Châu Phi bị suy giảm nghiêm trọng.

Những tên tội phạm bị đưa ra xét xử không nhiều, tuy nhiên cách đây một năm, 4 tên giết người đã bị tử hình vì tội giết hại một người bạch tạng 50 tuổi tên là Lyaku Willy. Đây là lần đầu tiên những kẻ buôn bán các bộ phận cơ thể của người bạch tạng bị đưa ra trước vành móng ngựa.

Trong khi chính quyền tăng cường các biện pháp ngăn chặn tệ nạn này, thì một bí mật kinh hoàng được khám phá là một vài bậc phụ huynh đã đang tâm bán tính mạng của chính con mình. Khi điều tra cái chết của Eunice, cảnh sát Tanzania cũng không loại trừ nghi vấn này. Mary kể: “Họ bắt chồng tôi. Anh ấy bị cáo buộc giết hại con gái”. Đương nhiên, hai con gái cũng bị bạch tạng còn lại của Mary bị tổn thương tinh thần ghê gớm sau cái chết của chị gái. Chúng lo sợ sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo.

Shida, 13 tuổi, nói: “Mọi người tránh gặp chúng cháu. Họ cười và nhổ nước bọt vào chúng cháu. Cháu nghe tiếng dao rựa chặt chị cháu. Chúng dọa sẽ giết cháu nếu cháu nhìn mặt chúng. Điều cuối cùng cháu nghe thấy chị cháu nói là: “Chúa ơi, cứu con với, con chết mất”. Cháu muốn rời khỏi nơi này trước khi bị bọn sát nhân giết hại. Chúng cháu chỉ mong muốn một cuộc sống bình thường như những người khác”.

Mary kể: “Đứa con gái bạch tạng đầu của tôi là Semeni sinh năm 1991. Mọi người cười tôi và lôi nó ra làm trò cười. Dân làng sợ nó sẽ đem lại những điều rủi ro, nhưng đứa trẻ vẫn là món quà của Chúa. Chúng tôi không được làng bảo vệ và giúp đỡ. Khi tôi đi cùng các con tôi, mọi người kẻ cả nhìn chúng tôi. Các con tôi luôn sống trong sợ hãi. Tôi nấu ăn tối, nhưng chúng không ăn, chúng nói: “Tối rồi, đêm nay chúng con sẽ chết”.

Nỗi lo bị sát hại luôn thường trực trong tâm trí người bạch tạng Châu Phi

Thi thể của Eunice được mai táng tại một địa điểm bí mật, không có bia mộ. Hội đồng địa phương đã cẩn thận cho đổ bêtông quanh quan tài của Eunice để ngăn chặn kẻ trộm có thể đào xác cô bé. Đứng bên nơi mai táng con, Mary khóc: “Eunice là một đứa con ngoan. Tôi có cảm giác thật tồi tệ khi đứng ở đây. Tôi muốn nó có một nấm mồ xinh xắn giống như những ngôi mộ khác. Thật buồn khi phải nhìn thấy con nằm trong nấm mộ bêtông thế này”.

Vụ sát hại Gasper Elikana, cậu bé bạch tạng 10 tuổi, khiến những người dân ở tỉnh Mwanza bị rúng động. Em bị giết ngay trước mắt cha và những người hàng xóm. Bọn sát nhân chặt đầu em trước để em khỏi kêu, rồi chặt chân của em trước khi bỏ chạy. Cha em cố gắng cứu con trai và cũng bị bọn chúng chém một nhát vào đầu. Anh được đưa đi bệnh viện cấp cứu và may mắn thoát chết.

“Người dân cảm thấy khiếp sợ về vụ giết người này”, bà Pauline Kilele, điều phối viên của Hội Chữ thập đỏ Tanzania tại tỉnh Mwanza cho hay. “Hội đã cử các tình nguyện viên đến trường Mitindo (trường cho trẻ em khiếm thị, nơi có hơn 100 em bạch tạng lánh nạn sau vụ giết người) để giúp các em lấy lại tinh thần. Nhưng chúng tôi không có nguồn lực để làm nhiều hơn”.

Kabanga – ngôi trường dành cho trẻ khuyết tật tại Kasulu (tỉnh Kigoma) cũng là nơi để các em bạch tạng lánh nạn. Bé trai 7 tuổi Enus Abel và mẹ đã phải sống 2 tuần liền trong rừng sau khi chạy khỏi làng trước khi lũ săn người bạch tạng đến. Da của người bạch tạng rất mẫn cảm dưới ánh nắng nên dễ bị phồng rộp. Đầu và cổ của Enus bị phỏng rát, nhưng em may mắn thoát chết. Enus là đứa trẻ thứ 49 đến Kabanga kể từ khi làn sóng giết người bạch tạng được khơi mào năm 2007.

(còn tiếp)

Nguồn: The Sun 13.11.2009

Entry liên quan:
HÀNH HÌNH BẰNG NÉM ĐÁ





24/11/10

NHÀ THƠ DÂN TỘC CHĂM NÓI VỀ VĂN HÓA ĐỌC



INRASARA (Nhà thơ dân tộc Chăm)

Trước 1975, người Chăm tỉnh Ninh Thuận có khoảng 20 gia đình sở hữu tủ sách trên dưới nửa ngàn cuốn, tiếng Việt và cả tiếng Pháp, trên dân số 25.000 người. Hiện tượng đó hầu như không tồn tại trong xã hội hôm nay. Hiện nay, nơi trang trọng nhất của ngôi nhà một gia đình, đập vào mắt khách là tủ buffet chưng diện bát đĩa và... cái tivi đời mới. Mấy năm qua, ta có thêm máy vi tính. Hiếm gia đình có được tủ sách.

1. Trong các chuyến đi xuyên Việt, bằng tàu lửa hoặc xe du lịch chất lượng cao, để ý – dễ nhận thấy rằng, ngoài số người ngủ gật hay làm chuyện lặt vặt hoặc tán gẫu, có hai bộ phận đọc khác nhau: Đọc sách và đọc báo. Chú ý nữa, hầu hết người cầm trong tay cuốn sách dày là khách Tây; ngược lại, dân Việt Nam.

Đi vào các khu di tích văn hóa - lịch sử, trong khi ta xách theo gói đồ ăn thì dân phương Tây luôn tay giở các trang sách. Họ đi du lịch vừa để giải trí vừa học. Họ luôn tự trang bị vốn hiểu biết tối thiểu về nơi họ sắp đến. Không hiểu, họ hỏi; hiểu lờ mờ, họ hỏi. Họ thắc mắc về sai biệt giữa thực tế và chi tiết được viết trong cuốn cẩm nang du lịch: Tại sao bức tượng kia không còn ở đó? Sao sách viết thế này mà cô thuyết minh nói như thế kia? v.v… Các chuyến tàu ngầm ở Nhật, không gian yên tĩnh lạ thường, bởi non một nửa hành khách cắm cúi vào trang sách!

Quan sát vẻ ngoài hiện tượng nào đó của xã hội, ta hay bị định kiến đánh lừa. Bởi đến hôm nay, chưa có thống kê đầy đủ rằng có bao nhiêu người Việt thường xuyên đọc sách, đọc sách loại gì, đọc như thế nào. Rồi lứa tuổi, thành phần xã hội, địa phương, v.v... qua đối sánh với vài nước trong khu vực hay trên thế giới.

2. Dĩ nhiên ấn tượng ban đầu không phải không cần thiết cho gợi ý so sánh.

Hành khách tàu ngầm Nhật cũng như bao nhiêu khách Tây balô đi du lịch Việt Nam chắc chắn không là dân đặc tuyển. Họ thuộc đại chúng, nhưng qua cách hành xử với chữ nghĩa, họ khác ta rất nhiều – ít ra là ở thời điểm hiện tại. Ở đây, tôi thử chọn một đối tượng phổ thông mà tôi biết rõ: Người Chăm, một cộng đồng cư trú tại vùng đồng bằng xen cư/cộng cư với người Kinh, không ở vùng sâu vùng xa như vài dân tộc khác, cũng không phải tại các trung tâm văn hóa lớn. Dân tộc từng sở hữu nền văn hóa phong phú, được coi là có truyền thống học và đọc.

Trước 1975, người Chăm tỉnh Ninh Thuận có khoảng 20 gia đình sở hữu tủ sách trên dưới nửa ngàn cuốn, tiếng Việt và cả tiếng Pháp, trên dân số 25.000 người. Hiện tượng đó hầu như không tồn tại trong xã hội hôm nay. Hiện nay, nơi trang trọng nhất của ngôi nhà một gia đình, đập vào mắt khách là tủ buffet chưng diện bát đĩa và... cái tivi đời mới. Mấy năm qua, ta có thêm máy vi tính. Hiếm gia đình có được tủ sách. Có - nhưng rất ít, chỉ lèo tèo vài chục cuốn. Trong khi dân số người Chăm ở tỉnh này tăng gấp năm lần, chưa nói đến “trình độ học vấn” được nâng cao gần như là đại nhảy vọt.

Hơn nửa ngàn đầu báo, tạp chí đủ loại tràn ngập thị trường; ngoại lệ còn có các loại báo như Tuổi trẻ, Công an Thành phố, Bóng đá... được bày bán ngay đầu ngõ vào plây. Bà con nông dân, tầng lớp có học đọc báo, yên tâm rằng mình đã hiểu mọi chuyện. Người Chăm vài chục năm qua, đã bỏ thói quen đọc sách. Thói quen vào hiệu sách tìm mua thì càng hiếm hơn nữa. Có lẽ sau 1975, đất nước lâm cảnh nghèo khó kéo dài đã gây nên tình trạng đó, từ đó làm thành thói quen chung chăng?

Không hẳn vậy.

3. Tại sao? Đất nước đói khát sau cuộc chiến đã làm đảo lộn tất cả. Từ khủng hoảng đời sống kinh tế lây lan sang khủng hoảng tinh thần, xảy ra cả với thành phần được cho là ưu tú. Nhưng đó chỉ là một trong những nguyên nhân rất thứ yếu.

Thế hệ “trí thức Chăm” trước 1975 phần đông là nông dân chưa được trang bị kiến thức Tây học, không ai mù chữ Chăm. Họ có thể thảo luận về nhiều vấn đề trong môi trường văn hóa rất đặc trưng là lễ hội dân gian. Sau khi đất nước thống nhất, tất cả đều tắt ngúm. Giới có [Tây] học Chăm ngày càng xa lạ với chữ mẹ đẻ; còn việc đọc hiểu văn bản chép tay cổ thì ví như chuyện hái sao trên trời.

Với chữ nghĩa và văn hóa truyền thống dân tộc đã thế, tri thức về thế giới bên ngoài lại càng tệ hại hơn. Làng xóm đói sách. Cả thị xã Phan Rang có mỗi hiệu sách, mà sách thì luôn là... “sách mẫu” không bán. Hơn mười năm thiếu sách cũng đủ giết chết thói quen đọc sách cùng “khả tính tri thức” của một thế hệ chưa lấy gì làm vững vàng. Đứt mạch truyền thống, rồi khi truyền thống được nối lại thì giá sách thời kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang ở trên trời, vượt tầm với của đại bộ phận người có học cư trú vùng nông thôn.
Thế hệ này không “dốt” mới lạ!

Dốt, họ vẫn đọc. Đọc lúc này - qua giáo dục nhà trường hay tự học - đa phần là để thu thập kiến thức với mục đích duy nhất là chống giặc đói hay giật lấy tấm bằng. Giật lấy tấm bằng để tiếp tục “chống đói” ở bậc cao hơn. Nghĩa là học và đọc để phục vụ cho sự no ấm, ngon đẹp của tấm thân là chính.

4. Vậy, làm gì, để khôi phục thói quen đọc?

Phải làm lại từ đầu. Nghĩa là khắp nơi phải CÓ sách. Có sách cả nơi chưa cần có, nhất là các vùng ngoại vi. Thư viện tỉnh huyện đã đành, càng cần có sách tại nhà văn hóa làng bản, trường học, gia đình nơi vùng sâu miền xa... Bởi không ít trường hợp, các vùng miền này đã cung cấp cho đất nước bao tài năng sáng chói. Internet hay sách điện tử các loại không giết chết “sách”, Umberto Eco khẳng định mạnh mẽ thế. Chúng có thể thay thế “sách-để-tham-khảo” chứ không loại trừ “sách-để-đọc”.

Vấn đề có SÁCH GÌ và ĐỌC NHƯ THẾ NÀO cần được đặt ra. Ngoài sách, tạp chí các loại phục vụ cho thực tiễn sinh hoạt, sách nâng cao đời sống tinh thần là rất thiết yếu. Chớ ngại kiến thức kia vượt tầm hiểu của cộng đồng. Không chịu đọc tác phẩm vượt tầm, thì vẫn còn chưa biết ý nghĩa và thú vui của đọc. Cạnh đó, dù thấp nhất là chỉ để giải trí, để thỏa mãn tính tò mò, để học tập – nghiên cứu phục vụ cho đời sống thực tế hoặc tinh thần, hay là gì đi nữa, mọi hình thức đọc cần được khuyến khích.

Điều cuối cùng, đâu là NƠI gợi hứng tốt nhất cho thú vui đọc? Nhà trường, chứ không đâu khác. Chẳng những gợi hứng mà chính nhà trường còn là nơi gợi mở cho tìm tòi, sáng tạo. Tôi thử làm cuộc điều tra bỏ túi các sinh viên Khoa Sáng tác và Lí luận - Phê bình văn học thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội về Barthes, Foucault, Derrida, Kristeva… thì nhận được câu trả lời không chút ngại ngần rằng đó là các tên tuổi hoàn toàn xa lạ với họ.

Còn với các loại báo của Hội Nhà văn Việt Nam, thì - rất ít người đọc. Nguyên do ư? Không có gì để đọc cả! Sinh viên viết văn cần học/đọc CÁI MỚI, nhưng chương trình đại học và các loại báo chuyên văn học không cung cấp thông tin gì mới cho họ cả! Hỏi người trẻ yêu văn chương hôm nay biết gì về các trào lưu văn học đương đại như tân hiện thực, thơ tân hình thức, hậu hiện đại…? Câu trả lời thật lòng nhất là: mù. Mù, nên không biết đâu điểm xuất phát, từ đó hết còn hứng thú dấn vào sâu hơn trong hành trình tìm tòi khai phá, cuối cùng là chấm dứt luôn cảm hứng sáng tạo.

Nguồn:
Văn hóa đọc - nhìn từ một vùng ngoại vi
Tham khảo
Blog Inrasara
Entry liên quan:
TỪ CHIẾC BOOKMARK NGHĨ VỀ VĂN HÓA ĐỌC


23/11/10

CON CÁ HEO 12 TUỔI



Công ty của anh kỷ niệm 12 năm thành lập. Mới đó mà đã 12 năm. Một người xuất thân làm báo bị hoàn cảnh xô đẩy phải đi làm doanh nhân. Và cũng thành công.

Ngay từ đầu tôi cũng không nghi ngờ gì về việc anh có thể kinh doanh. Số phận run rủi, anh phải trải qua khá nhiều thăng trầm, bị chà xát, bị trầy vi tróc vẩy, không ít lần phải lượn gần về mort, thế nên thêm một lần rẽ có lẽ chẳng nhằm nhò gì.

Nhưng đúng là anh làm kinh doanh hợp. Công ty anh ăn nên làm ra, anh trở thành người thành đạt.

Tôi dự hầu hết những lễ kỷ niệm thành lập công ty của anh. Chẳng lần nào giống lần nào. Lần nào cũng vui, cũng đáng nhớ cho cả đội ngũ nhân viên, lẫn những vị khách. Các nhân viên có dịp trổ tài, khoe dáng.

Dấu ấn tại các buổi lễ bao giờ cũng là anh. Không phải vì anh trổ tài biểu diễn cái gì, cũng không phải vì anh mặc những bộ complet đắt tiền, mà là vì những bài phát biểu rất ấn tượng. Đó là những lời tri ân đầy xúc động đến đội ngũ nhân viên, những người đã có đóng góp quan trọng vào thành công của công ty.

Đó là những bài phát biểu không sách vở, không khô khan, không lả lướt cải lương, không kêu gọi giáo điều. Ở đó có những tâm sự của cá nhân anh với tư cách là người đứng mũi chịu sào. Ở đó có những chia sẻ của anh với mối quan tâm của mọi người. Ở đó có những suy tư của anh về con đường chung mà công ty họ cần phải đi trong tương lai sắp tới.

Ngắn gọn và súc tích. Tình cảm vừa đủ. Lý trí không thừa thãi. Bài phát biểu của anh bao giờ cũng là cái đinh của chương trình mà nhân viên mà khách khứa chờ đợi lắng nghe sau các màn múa hát vui vẻ sôi động. Có lần tôi nói vui với anh: "Chỉ cần tập hợp lại các bài phát biểu trong các lễ sinh nhật này cũng có thể thấy được lịch sử cô đọng và đúng đắn công ty của anh".

12 năm đã qua. Một chu kỳ của trời đất đã đi qua. Giờ đây khó có điều gì có thể đe dọa sự tồn vong của công ty anh, trừ ý muốn của chính anh. Một chặng đường không dài, nhưng ở đó có thể thấy những nỗ lực rất lớn, ý chí mạnh mẽ và tinh thần lạc quan để vượt qua đủ loại khó khăn.

Ở lễ kỷ niệm lần thứ 12, lần đầu tiên anh mời nhóm bạn ảo quen và thân nhau qua blog tới dự buổi lễ sinh nhật thật. Tiếc là không phải tất cả các blogger bạn anh đều có mặt, nhưng chắc chắn họ mong may mắn và thành công tiếp tục đến với công ty của anh. Để sang năm, dịp này, họ lại có cơ hội quây quần cùng các nhân viên lắng nghe bài phát biểu của anh. Mặc dù bài phát biểu lần này không còn gây được ấn tượng mạnh như những lần trước đó.

Thì đấy, sang năm anh liều liệu mà viết một bài cho hay. Nghĩ từ bây giờ đi là vừa!

Chú thích ảnh: Họp báo ra mắt phim truyền hình "Thăng Long ký sự" với sự tham gia của cty của nhân vật trong bài viết này.



22/11/10

NHỮNG KHOẢNH KHẮC TRÁNG LỆ


Một số tấm ảnh thiên nhiên tráng lệ và huy hoàng tham gia cuộc thi ảnh thường niên 2010 do tạp chí National Geographic tổ chức.

Ảnh trên chụp cảnh cơn giông di chuyển vào lúc chiều tà trên thảo nguyên của bang Montana (Mỹ). Ảnh: Sean Heavey

Một hành tinh nước.
Tác giả ảnh giới thiệu sóng biển từ một góc nhìn mà ít người thấy được.

Ảnh: Freddy Cerdeira

Vũ trụ. Ảnh: Patrick John O'Doherty

Sét trên Vịnh New York. Ảnh: Jay Fine

Con đường Serra da Leba Road nổi tiếng gần Lubango (Huíla, Angola).
Ảnh: Kostadin Luchansky

Bình minh sương sớm. Ảnh: Glen Hush

Chú lạc đà không bướu đứng trên đồi trong cảnh hoàng hôn ở Chavín de Huántar, Peru.
Ảnh: John Palmer Gregg


Hồng Kông trong cơn giông. Ảnh: Michael Siward

Ốc đảo. Ảnh: Nam In Geun

Tu viện Ki ở Hymalaya nằm trên độ cao 4.000m so với mặt nước biển.
Ảnh: Natalia Luzuriaga

Cơn mưa chiều ở Zhenyuan (Quý Châu - Trung Quốc).
Ảnh: Fred Wang

Núi kim tự tháp ở Iceland. Ảnh: Sukru Mehmet Omur

Masai Mara, Kenya. Ảnh: Niko Saunio

Mây và tầu biển. Crimea, Biển Đen, Ukraine. Ảnh: Yevgen Timashov

Nguồn:
National Geographic's Photography Contest 2010

Entries liên quan:
NHỮNG CUỘC DI CƯ



 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết