11/11/10

BỐ ƠI, CON ĐẾN RỒI!



Nikolai Bykov

Người bạn lâu niên của tôi gọi điện. Ông giờ về quê sinh sống: về với đất kể từ khi nghỉ hưu. Tất nhiên, có phần tủi thân, vì bị quên bẵng đi: cậu con trai cùng vợ con ít khi về thăm. Ông đắm chìm trong không gian tĩnh lặng cùng cảnh sắc đẹp đến nhức mắt xung quanh.Tôi quyết định: thôi không nên lần lữa đến thăm ông nữa.

Tôi xuống tầu ở một ga xép. Người thành phố trông thấy khoảng không mênh mông và và cả một bầu trời rộng là mừng. Con đường mòn dẫn từ ga tầu ngập chìm trong mầu xanh của cây cối.

Chủ nhà bước ra đón. Ông reo lên và thân ái ôm chầm lấy tôi. Lâu quá rồi chúng tôi không gặp nhau. Tôi kể cho ông nghe những tin tức quan trọng nhất, nhưng chỉ sau vài câu tôi vỡ lẽ ra rằng những tin đó chẳng còn quan trọng nữa. Hóa ra bạn tôi đã từ lâu trở thành một nhà triết học, có quan niệm hoàn toàn khác về bước chạy của thời gian, hay trong bối cảnh này nói chính xác hơn là sự trôi đi của thời gian...

Chúng tôi cùng ngồi thoải mái trên chiếc ghế dài. Bỗng nhiên ông nói: “Ông không phản đối nếu một người quen của tôi, cũng là người thành phố chuyển về quê, đến bây giờ chứ?”

- Không sao. Thêm bạn càng vui.

Một cơn mưa mùa hè ấm áp ập đến. Chúng tôi chạy vào nhà. Mưa rơi ào ào nặng hạt, nhưng chỉ làm ướt đất rồi im bặt. Tiếng sấm ì ầm đằng xa không đủ làm ai hoảng sợ cũng lặng đi.

Có tiếng xe đến gần. Rồi hai người đàn ông bước ra: một người chừng 50 tuổi, ánh mắt sống động, luôn nhìn xoáy vào người khác. Người kia còn rất trẻ.

- Tôi là Viktor, còn đây là con trai Aleksei của tôi, - khách giới thiệu.

Aleksei cầm trịch cuộc gặp của chúng tôi, cậu liên tục kể những câu chuyện khôi hài xảy ra với cậu hoặc bạn bè của cậu. Tôi cảm thấy một mối liên hệ chặt chẽ vô hình giữa hai cha con. Chàng trai rất yêu bố mình. Nhưng không chỉ có thế, mà còn cả sự kính trọng, cảm giác mắc nợ?

Chúng tôi quyết định ăn trưa ở hành lang bên thềm nhà. Rõ ràng là bạn tôi chuẩn bị khoản đãi rất thịnh soạn. Tôi để ý là Aleksei chỉ uống nước khoáng. Được một lát, cậu xin phép ra về: mẹ ở nhà một mình, không nên để mẹ buồn. Cậu nói sẽ quay lại đón bố sau.

- Anh có cậu con trai tuyệt quá. Loại thanh niên vừa học vừa đi làm giờ hiếm lắm. – Chúng tôi trầm trồ với Viktor.

- Đúng là ít thật. – Viktor trầm ngâm đáp.

- Nào, hãy cùng nâng cốc vì con cái. Mong chúng trưởng thành, nhân hậu và yêu thương chúng ta! – chủ nhà nói và chúng tôi cạn li.

Đột nhiên, có cái gì đó bùng nổ trong tâm hồn Viktor. Ông nói: “Số là, Aleksei đã từng bị nghiện. Chuyện này nhớ lại chỉ đau lòng, nhưng tôi sẽ kể cho hai ông nghe. Năm đó nó 17 tuổi và đột ngột thay đổi”.

... Vợ chồng tôi không còn nhận ra nó nữa: cau có, hơi tí là cáu giận. Nhà trường báo nó hay bỏ học, kết quả học kém. Không những thế nó còn biến đi đâu nữa. Mà nó mới học lớp 10. Thú thực là tôi suốt ngày bận rộn, ít quan tâm đến con trai. Nhưng tôi yêu nó và không bao giờ từ chối nó cái gì. Một lần vợ tôi phát hiện ra vết chích trên tay nó. Chúng tôi cố gặng hỏi: lấy ma túy ở đâu, đi chơi với ai, những người đó như thế nào. Nó chỉ im lặng. Chúng tôi có cảm giác nó đang rời xa chúng tôi.

Rồi nó bắt đầu biến mất, lúc đầu thì một tuần, sau thì cả tháng. Khi nó đảo về nhà, vợ chồng tôi không còn nhận ra nó nữa: gầy gò, xanh xao, không dám nhìn thẳng vào mắt, lẩn tránh. Bị tra hỏi đi đâu, làm gì, nó trả lời khô khốc: “Không quan trọng. Con thấy thoải mái ở đó”. Rồi nó lại đi.

Vợ chồng tôi không biết phải làm gì, đi đâu, cầu cạnh ai giúp đỡ. Làm sao có thể giằng đứa con của mình khỏi cái hố chết người đó, làm sao để đưa nó trở lại cuộc sống, trở lại ánh sáng, trở lại với những người tốt...

Aleksei trở thành con nghiện 2 năm. Vợ tôi già đi trông thấy. Cô ấy bắt đầu đi nhà thờ. Không bỏ lỡ buổi lễ nào, ở nhà đêm nào cũng cầu nguyện.

Thế rồi điều kỳ diệu đã xảy ra.

Một lần Aleksei bỏ nhà đi biệt 2 tháng trời. Vợ chồng tôi héo hắt, không còn sức sống nữa. Nhưng rồi nó trở về. Chúng tôi lặng lẽ đón nó, rồi quây quần bên bàn ăn.

Nó nói: “Mẹ ơi, sao mẹ thay đổi thế, mẹ già quá. Mẹ mới có 42 tuổi!”. Vợ tôi cụp mắt xuống. “Mẹ ơi, chẳng nhẽ con đã mang đến cho mẹ nhiều nỗi đau và tóc bạc như thế này sao?”. Con trai tôi ôm lấy mẹ và cả hai người cùng khóc. Tôi đứng bên mà không biết phải làm gì.

Aleksei buông một tay ra, kéo tôi lại gần. Cả ba chúng tôi ôm đứng ôm nhau khóc...

- Nếu con lại tiếp tục bỏ đi thì mẹ sẽ không sống nổi nữa đâu. Vợ tôi nói khẽ. Và nó không bỏ đi thật. Thời gian đầu thật khó khăn. Vật vã, đói thuốc... Tôi tìm những bác sĩ tốt nhất, đưa nó đi cai nghiện. Chúng tôi không để nó cô đơn một phút nào.

Đã 4 năm trôi qua kể từ khi kết thúc chuỗi ngày đen tối đó. Vợ chồng tôi rất mừng. Aleksei thi đỗ, đi làm... Nhưng đến giờ tôi vẫn còn sợ...

Viktor đưa mắt nhìn ra xa. Người đàn ông mạnh mẽ không giấu nổi sự xúc động, mắt ông đỏ hoe, đẫm nước.

Ít phút sau chúng tôi nghe thấy tiếng xe hơi đến gần.

- Bố ơi, con đến rồi! – Từ ngưỡng cửa vang lên giọng nói vui vẻ của Aleksei.

- Ừ, bố ra đây, – Viktor đáp.

Chúng tôi chia tay. Họ ngồi vào xe, nổ máy rồi từ từ khuất vào bóng râm của ngôi làng.

Tôi và ông bạn cũ tiếp tục ngồi lại, tận hưởng không khí mát lạnh của buổi chiều hè. Trong sự tịch mịch đó như vang lại giọng nói của chàng trai:

- Bố ơi, con đến rồi!

VMC dịch từ tiếng Nga



9 comments:

Titi on lúc 21:58 11 tháng 11, 2010 nói...

Thất bại, vấp ngã là những trải nghiệm quí giá . Người yêu thương không bao giờ chỉ trích nhau vì thất bại. Khi thất bại, người ta có xu hướng tách mình, u uẩn, câm lặng, như vậy càng cần những người thân lắng nghe, thông cảm vô điều kiện :-)

haidieugiandi on lúc 22:02 11 tháng 11, 2010 nói...

Câu chuyện cảm động anh ạ. Không phải ai cũng may mắn như người bố trong truyện...

LU on lúc 22:39 11 tháng 11, 2010 nói...

Thanh niên tuổi cha mẹ sợ nhất là từ 15 đến 18. Ở lứa này cha mẹ phải theo sát nhưng ko phải theo như quản lí tù nhân mà là theo như những người bạn thân thiết. Nếu cha mẹ khôn khéo biết lèo lái con mình lướt qua được sự thay đổi tâm sinh lí ở tuổi này thì lên đến đại học có thể yên tâm 70% là sẽ học hành đàng hoàng ko bị bạn bè xấu lôi kéo.

Em cũng thích khi retire thì về sống ở những nơi gần thiên nhiên như rừng núi hay đồng ruộng. Càng vắng vẻ càng tốt, trồng cây vặt sâu, oánh cờ chơi thôi. Rảnh rỗi đôi tháng vác ba lô đi chu du tìm hiểu lịch sử thắng cảnh, rồi dìa nhà lại trầm ngâm vắt sâu trồng cây oánh cờ, an hưởng tuổi già.

LU on lúc 22:45 11 tháng 11, 2010 nói...

Hị hị, anh dịch cũng như văn anh viết nhe, đơn giản và cũng có chất nhẹ nhàng của VMC. Để em đọc xong Ha Jin rồi em cũng oánh đu theo anh dịch thử xem sao, hi vọng cái cách tưng tửng của em sẽ ko làm hỏng chất văn của Ha Jin, hè hè ;))

Thuy Dam Minh on lúc 23:35 11 tháng 11, 2010 nói...

Chuyen hay em a! Cam dong nua! Chang trai dung la nhu tu dia nguc tro ve nho long thuong yeu vobo Ben cua Bo me va ca nghi luc dang khen cua chinh cau!

Thái Anh on lúc 00:19 12 tháng 11, 2010 nói...

"Nếu muốn tinh thần bổn phận đâm rễ trong cốt tuỷ và biến thành nguồn sống thì ta hãy nhờ gia đình" - J. Simon

Lana on lúc 05:38 12 tháng 11, 2010 nói...

Câu chuyện rất Nga VMC ơi. Rất thích cụm từ VMC dịch "về với đất".

An Thảo on lúc 09:35 12 tháng 11, 2010 nói...

Con em 15 tuổi. Nói thế là đủ hiểu.

Nặc danh nói...

Bước ngoặt mới được 4 năm..., tác giả có vẻ hơi vội vã khi kể ra câu chuyện này. Đọc xong cảm giác thêm một chút lo âu mơ hồ. Mọi thành quả trong cuộc sống mà con người ta có được thật mong manh! Hy vọng không gặp lại tác giả để phải nghe thêm một chuyện buồn khác...

Nghệ Nghệ.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết