31/5/10

MÁI TRƯỜNG NÀO CHO TRẺ TỰ KỶ?



Vinh Hạnh
(Phụ huynh CLB Gia đình Trẻ tự kỷ Hà Nội)

Tôi xin bắt đầu bằng chính câu chuyện của tôi, và về địa phương của tôi: Thủ đô Hà Nội.

Có thể nói tôi là người khá may mắn hơn các phụ huynh có con tự kỷ khác khi có được một công việc tốt và cơ quan tôi rất thông cảm khi con tôi được chẩn đoán tự kỷ: cơ quan tôi là một dự án của Mỹ - một trong các quốc gia có bề dày kinh nghiệm về tự kỷ, và con tôi không phải là trường hợp tự kỷ đầu tiên, trước đó, đã có một trường hợp của một anh chuyên gia người Mỹ.

Mọi người luôn an ủi tôi là cháu đang tiến bộ, cháu bắt đầu nói rồi, thì sẽ nói tốt dần, sẽ đi học được lớp 1, v.v Có lẽ, mọi người chỉ nghĩ (và thực lòng mong muốn cho mẹ con tôi) rằng … rồi cháu sẽ đi học được. Xin nói thêm là cũng có 1 cháu ở cơ quan tôi bị khiếm thính, phải đeo máy trợ thính, có xuất phát điểm lúc 2-3 tuổi tương đối giống như con tôi, và sau một vài năm mẫu giáo vất vả, hiện cháu đã sắp lên lớp 5 tại trường Xã Đàn. (Và con tôi hiện cũng đang theo học chính tại trường hòa nhập Xã Đàn, và các cô giáo hay đùa là: một trẻ tự kỷ khó bằng mười trẻ khiếm thính).

Và có lẽ, mọi người đều nghĩ đứa con tự kỷ của tôi cũng như em bé khiếm thính nọ. Chỉ khi tôi lặng lẽ lau những giọt nước mắt, chúc mừng những bé bằng tuổi ở văn phòng tôi xúng xính chuẩn bị cho khai giảng năm học đầu tiên của tiểu học, và con tôi vẫn học lại mẫu giáo, thì có lẽ các đồng nghiệp của tôi mới chật vật đi đến kết luận: tự kỷ đâu chỉ đơn giản như vậy!

Hãy cùng tôi phân tích tại sao trẻ tự kỷ khó được đến trường và tìm ra giải pháp.

I. TẠI SAO TRẺ TỰ KỶ PHẢI ĐI HỌC?

Khi có đứa con khuyết tật, có lẽ vấn đề đưa ra là “nuôi thả” hay “nuôi nhốt” – tôi rất xin lỗi vì cách dùng từ này, tôi là một phụ huynh trẻ khuyết tật, nên không có ý tổn hại các con. Đây chỉ là một cách ví về không gian xã hội cho trẻ.

“Nuôi nhốt” được hiểu như một đứa trẻ rất ít được ra ngoài, chỉ quanh quẩn trong nhà, vì việc đưa trẻ ra ngoài quá phức tạp, mất công sức, gia đình có thể thuê gia sư về dạy con trong nhà v.v. Người ngoài rất ít về sự tồn tại hay cuộc sống của đứa bé đó.

“Nuôi thả” nghĩa là cho trẻ ra xã hội để hòa nhập, thích nghi, mà quan trọng nhất là đi học.

Tự kỷ tuy không có thuốc chữa, nhưng lại có nhiều tiến bộ khi được dạy dỗ, tiếp xúc, va chạm xã hội. Mặt khác, đa phần trẻ tự kỷ không chấp nhận một cuộc sống nhàm chán quanh quẩn góc nhà, hay sinh ra cáu gắt, hành vi tệ hại, v.v.. Như vậy, vì sự tiến bộ của trẻ, cũng như đem lại hạnh phúc cho trẻ, trẻ tự kỷ phải được đi học.

II. KHÔNG PHẢI TRẺ TỰ KỶ NÀO MUỐN ĐI HỌC CŨNG ĐƯỢC ĐẾN TRƯỜNG!

1. Tiêu chí nào để được nhận học: Để xét có được nhận học hay không, tôi xin đưa ra 2 tiêu chí chủ yếu nhất là: 1. Có nhận thức được hay không và 2. Hành vi có ảnh hưởng đến lớp hay không?

2. Các loại trường cho trẻ tự kỷ: Trường gồm trường bình thường, trường (hoặc lớp) chuyên biệt và trường hòa nhập nơi trẻ bình thường và trẻ khuyết tật học chung. Hà Nội có 3 trường công lập cho trẻ khuyết tật khiếm thị, khiếm thính và chậm phát triển trí tuệ là Nguyễn Đình Chiểu, Xã Đàn và Bình Minh, tuy nhiên, do là trường của thành phố nên cũng hay quá tải, khả năng xin học là rất thấp.

3. Cơ hội đi học mầm non của trẻ tự kỷ: Ở lứa tuổi 2-3, theo tôi nghĩ, trẻ tự kỷ vẫn còn có cơ hội đi học và đây là thời điểm cơ hội đi học cao nhất, tại các trường mầm non bình thường hoặc các trường chuyên biệt mà hiện có khá nhiều. Hơn nữa, đặc thù học mẫu giáo là phụ thuộc vào việc có hành vi ảnh hưởng đến lớp hay không, chứ không phải là có tiếp thu được hết chương trình học hay không.

Những dấu hiệu tự kỷ ban đầu (tầm 15 tháng trở lên) không hẳn đủ nghiêm trọng để tước đi cơ hội đi học lớp bình thường, tuy nhiên có một số cha mẹ chỉ cho con đi học hòa nhập nửa ngày, nửa ngày còn lại dành cho can thiệp, hoặc gửi con đi học chuyên biệt với hy vọng trang bị cấp tốc cho con những kỹ năng, hiểu biết để sau này đi hòa nhập. Tuy nhiên, ở tầm 4-6 tuổi, cơ hội học hòa nhập của một số trẻ tự kỷ đã giảm đi nhiều, chủ yếu là do hành vi trẻ không phù hợp, chứ không phải do cháu không theo kịp chương trình mẫu giáo.


4. Cơ hội đi học ở cấp Tiểu học: Tiểu học là cấp học có thể coi là một bước nhảy lớn, khác biệt rất nhiều so với mẫu giáo. Từ tiểu học trở lên, hành vi và nhận thức đều được coi trọng.

Ở cấp tiểu học, chỉ có trường bình thường công lập và tư thục, và 3 trường cho khuyết tật của nhà nước. Chưa có trường tiểu học đặc biệt, mặc dù một số trung tâm tư nhân có dạy văn hóa, nhưng tôi không rõ như vậy có được coi là học tiểu học đặc biệt hay không, hay đơn thuần chỉ là dạy văn hóa.

Tôi xin chia nhỏ hai tiêu chí như trong bảng trộn sau (ghép cặp nhận thức-hành vi):

Hai tiêu chí của trẻ tự kỷ
1. Nhận thức tốt hơn trung bình (4 điểm)*
2. Nhận thức trung bình (3 điểm)
3. Nhận thức hơi chậm
(2 điểm)
4. Nhận thức rất chậm
(1 điểm)

A. Hành vi tương đối bình thường, không ảnh hưởng đến lớp -3 điểm ** 7 6 5 4
B. Hành vi ảnh hưởng đến lớp một chút – 2 điểm 6 5 4 3
C. Hành vi rất ảnh hưởng đến lớp – 1điểm 5 4 3 2

Tôi không phải là một nhà nghiên cứu và cũng chỉ có một quỹ thời gian eo hẹp để viết bài này, nên cách chia bảng như trên có thể rất sơ sài. Tuy nhiên, tôi hy vọng nó vẫn phản ánh được tương đối về cục diện tình hình.

Chú giải

* Có tài liệu nói 10% trẻ tự kỷ có biệt tài nào đó. Đúng là một số trẻ có những khả năng đặc biệt, ví dụ tự biết đọc (đọc trơn, không đánh vần), xếp hình giỏi, tính nhẩm siêu nhanh, v.v… Tuy nhiên, các khả năng này đa phần không liên quan đến nội dung chương trình học tiểu học, và có những biệt tài mãi sau này mới được hình thành. Rất nhiều trẻ tự kỷ đi kèm chậm phát triển trí tuệ.

Điểm cao nhất cho nhận thức của trẻ tự kỷ là 4 điểm, bằng với trẻ bình thường.

** Trẻ tự kỷ có nhiều khó khăn trong giao tiếp, liên lạc, v.v. Do vậy, hành vi xử xử của trẻ tự kỷ luôn là điểm yếu chứ không phải điểm mạnh. Thậm chí, trẻ có thể rất ngoan, nhưng lại có những hành vi giống như một trẻ hư. Do đó, mức độ hành vi tốt nhất có lẽ chỉ ở mức trung bình, được 3 điểm, ít hơn trẻ bình thường 1 điểm.

Kết quả như sau

Nếu lấy trẻ bình thường làm mốc, thì một trẻ sẽ được nhận học nếu hiểu biết ở mức khoảng trung bình và hành vi ở mức tương đối bình thường – áp vào bảng trên, nghĩa là mức của ô A2 – 6 điểm.

Tức là, số trẻ có thể đi học chỉ có thể rơi vào các ô có ít nhất 6 điểm, hay chỉ có 3 ô A1, A2 và B1. Trên thực tế, số trẻ này tương đối hiếm.

Trẻ rơi vào các ô 5 điểm (A3, B2 và C1) sẽ khó khăn khi theo học, có thể được nhận học, nhưng khả năng bám lớp thấp, nếu có thể đi học thì chỉ học được một vài năm. Độ tuổi đi học của trẻ tự kỷ có thể cao hơn trẻ bình thường, đa phần vì cần thêm một vài năm để trang bị những kiến thức cần thiết trước khi học tiểu học.

Tổng cộng nhóm trẻ có thể đi học tiểu học (đạt 5 điểm trở lên) chỉ chiếm khoảng 30%.

Trẻ ở các ô 4 điểm (B3, C2) hầu như không có khả năng đến trường.

Với 2 điểm, trẻ ở ô C3 chỉ có thể đến trường chuyên biệt, hoặc ở nhà.

Vậy, tỷ lệ có thể đi học tiểu học là 30%, nghĩa là cứ 100 trẻ tự kỷ, thì có khoảng 70 trẻ không được học tiểu học. Thậm chí, nhiều phụ huynh cho rằng con số này quá cao so với thực tế. Ai có thể không xót xa khi nghĩ đến 70 đứa trẻ này?

5. Cơ hội đi học ở cấp PHCS, PHTH và các bậc học cao hơn: Chương trình khó hơn nhiều, yêu cầu độc lập cao hơn nhiều. Hơn nữa, tâm sinh lý ở độ tuổi này cũng phức tạp hơn rất nhiều, tính cạnh tranh, chủ nghĩa cái “tôi” đậm nét hơn, làm cho khả năng đến trường của trẻ tự kỷ càng thấp.

III. KIẾN NGHỊ

Với tư cách là phụ huynh Hà Nội, tôi xin tóm tắt một số kiến nghị sau dành riêng cho Hà Nội (vì mỗi địa phương có thể có đặc thù khác nhau):

1. Ở cấp tiểu học trở lên: Mở các lớp học hòa nhập tại các trường sẵn có. Có thể mỗi quận/huyện sẽ chỉ định một hoặc một vài trường có lớp hòa nhập. Lớp hòa nhập sẽ có sỹ số thấp hơn và có thêm cô giáo đặc biệt để hỗ trợ các con học tập và hòa nhập.

2. Nhìn chung, nên tăng cường tập huấn giáo viên về giáo dục đặc biệt và hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Có chính sách ưu ái cho các giáo viên đặc biệt.

3. Tạo điều kiện cho các trường tư nhận trẻ khuyết tật, ví dụ ưu đãi về thuế, chính sách, v.v

4. Kêu gọi học sinh yêu thương, giúp đỡ trẻ khuyết tật. Có thể thông qua việc tuyên dương, đưa ra danh hiệu “Người bạn thân thiện của trẻ khuyết tật”, khen thưởng, cộng điểm, v.v

5. Xây mới một trường công lập cho trẻ tự kỷ tại Hà Nội, đáp ứng nhu cầu của phần đông trẻ tự kỷ tại Thủ đô. Tại Hà Nội, đã có trường Nguyễn Đình Chiểu cho trẻ khiếm thị, trường Bình Minh cho trẻ chậm phát triển trí tuệ và trường Xã Đàn cho trẻ khiếm thính. Với sự phức tạp của tự kỷ, chúng tôi thiết tha mong Đảng và chính phủ xây dựng thêm một ngôi trường công lập cho trẻ tự kỷ.

Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, mô hình của trường câm điếc Xã Đàn là rất thành công và phù hợp. Bước đầu, trường sẽ được tổ chức như sau:

Là trường Công lập và Liên thông từ Mẫu giáo đến Tiểu học (sau này là THCS).

5.1 Mẫu giáo: Hòa nhập 100%, trẻ bình thường học cùng trẻ tự kỷ.
5.2 Tiền tiểu học: Là bước đệm giúp trẻ vững vàng trước khi vào lớp 1
5.3 Tiểu học hòa nhập: thiết kế lớp nhỏ, có giáo viên đặc biệt, học theo chương trình chung của Bộ
5.4 Tiểu học chuyên biệt: cho trẻ không theo được chương trình chung của Bộ.

Nhân văn là điểm nhấn của mô hình trường cho trẻ khuyết tật này, nơi trẻ tự kỷ là đối tương ưu tiên và được chăm sóc, giúp đỡ, che chở. Mô hình này có thể đón nhận tất cả các cháu tự kỷ ở mọi mức độ, tạo cho các con một môi trường vừa sức và ít căng thẳng tâm lý. Cha mẹ trẻ khuyết tật cũng được nhẹ nhõm, yên tâm khi gửi con vào mô hình này.

Hơn nữa, tự kỷ hiện là một vấn đề nóng trên toàn thế giới và có lẽ, cũng không lâu nữa ở Việt Nam, nên trường cũng sẽ nhận được rất nhiều ưu ái và hỗ trợ của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong ngoài nước.

Entry liên quan
ÂM THANH VÀ CUỒNG NỘ
24 GIỜ THAY ĐỔI NHẬN THỨC
THƯ CỦA CÔ GIÁO DẠY TRẺ TỰ KỶ



30/5/10

KHI NÀO HẾT DẦU MỎ?



Thời điểm cạn kiệt dầu mỏ đang đến gần. Con người ngày một thấy rõ tính cấp thiết phải sử dụng những dạng năng lượng khác. Khi nào thì sẽ hết dầu mỏ và nguy cơ nào đang chờ đợi chúng ta?

Năm 2004, báo USA Today (Nước Mỹ ngày nay) cho hay dầu mỏ chỉ còn đủ dùng cho 40 năm. Con số này sau đó đã được tranh luận rất sôi nổi, và những chuyện diễn ra sau đó đã cung cấp tương đối đủ cơ sở để điều chỉnh dự báo.

Cuộc khủng hoảng xảy ra, giá dầu đã giảm đáng kể, và điều này cũng ảnh hưởng đến sản xuất dầu. Ví dụ đơn giản này của một thập kỷ qua cho thấy những mô hình toán học về tiêu thụ dầu là không đáng tin cậy. Tất cả đều được dựa trên điều kiện nhất định ban đầu, chẳng hạn như mức độ tiêu thụ. Nhưng ở đây số liệu thống kê lại bất lực. Có nhiều điều không thể đoán trước, và cứ vài năm chúng lại phá hủy sự hài hoà của các mô hình.

Nhưng điều đó không làm cho vấn đề dự báo dầu mỏ trở nên bớt hấp dẫn.

Có lẽ, cái gọi là “cao điểm dầu mỏ” là mô hình phổ biến nhất. Cao điểm được hiểu là sản lượng dầu mỏ tối đa của thế giới đã từng hoặc sẽ đạt được. Về mặt lý thuyết, cao điểm đã được nhà địa vật lý Mỹ King Hubbert - người đã xây dựng mô hình dự trữ dầu, tiên đoán. Năm 1956, ông tuyên bố rằng khai thác dầu ở Hoa Kỳ đại lục sẽ đạt cao điểm trong giai đoạn 1965-1970, còn khai thác dầu trên thế giới sẽ lên đến đỉnh điểm vào năm 2000.

Trên thực tế, khai thác dầu ở Mỹ đạt mức tối đa vào năm 1971 rồi suy giảm từ đó đến nay. Nhưng khai thác dầu thế giới lại chưa lên đến đỉnh vào năm 2000. Không những thế, mô hình của Hubbert còn không tính đến lệnh cấm vận của Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong những năm 1973-1979, làm giảm nhu cầu sử dụng dầu trên toàn cầu và kéo dài thời gian đạt đỉnh. Bên cạnh đó, việc tiên đoán thời hạn khai thác tối đa dầu ở Mỹ cũng không thể coi là một thành công đáng kể.

Nguyên nhân là ở chỗ khai thác dầu ở Mỹ được điều chỉnh không phải bằng thị trường tự do (hay những hạn chế tự nhiên), mà là nhân tạo. Mỹ không phải là một hệ thống bị cô lập chỉ sử dụng dầu “của mình”, mà rất tích cực mua dầu nước ngoài. Do vậy hoàn toàn có thể nghi ngờ tính khách quan trong những nguyên nhân đạt “cao điểm dầu mỏ” ở Mỹ.

Như vậy, sẽ là sáng suốt hơn nếu tính toán trữ lượng dầu tồn tại trong lòng đất. Năm 2006, các nhà khoa học Mỹ là Colin Campbell và Jean Laharrere (số liệu được báo “Rossiyskaya Gazeta” dẫn) cho rằng nhân loại có khả năng khai thác 1 nghìn tỉ thùng dầu theo cách hiện nay. Trước đó, vào năm 2000 Hiệp hội Địa lý Mỹ đánh giá trữ lượng dầu mỏ thế giới là 3 nghìn tỉ thùng.

Các nhà phân tích bi quan hơn thì cho rằng cao điểm sản xuất dầu từ tất cả những nguồn có thể (dầu đá phiến sét, bitum và sâu dưới nước) sẽ đến vào năm 2015 với sản lượng 90 triệu thùng mỗi ngày.

Theo dự đoán của Campbell và Laharrere, mức độ 90 triệu thùng/ngày sẽ kéo dài khoảng 30 năm và như vậy những thay đổi nghiêm trọng sẽ xảy ra sau năm 2030. Nhưng đánh giá này cũng cần được tiếp nhận một cách thận trọng. Không phải tất cả lượng dầu mỏ (cả đã được thăm dò lẫn chưa được thăm dò) đều có thể khai thác và được sử dụng trên thực tế. Với sự kết hợp của một vài thông số như độ xa của nguồn so với người tiêu dùng (giá vận chuyển), chi phí khai thác và chế biến, thì việc đưa mỏ dầu vào khai thác không còn ý nghĩa gì nữa. Chính Colin Campbell đã lên tiếng trấn an rằng dầu còn đủ dùng cho nhiều năm nữa.

Sau khi đạt đỉnh, sự suy giảm khai thác dầu sẽ thay đổi hoàn toàn thế giới theo một cách khó đoán trước. Hiện đã khai thác được 944 tỉ thùng dầu, tại các mỏ dầu đã biết có thể khai thác được 764 tỉ thùng nữa, và 142 tỉ thùng được liệt vào dạng “dầu mỏ phải tìm kiếm”. Nếu Campbell đúng thì sản lượng dầu thế giới mỗi năm sẽ giảm 2-3%, trong khi giá vận chuyển sẽ tăng lên.

Cuộc đấu tranh kiểm soát tài nguyên dầu sẽ trở nên vô cùng nghiệt ngã. Cái chết của dầu mỏ chưa đến trong một chốc một lát, mà sẽ thẩm thấu vào cuộc sống của chúng ta dần dần và khiến cuộc sống của chúng ta thay đổi. Sự thay đổi đó đã thực sự bắt đầu với sự xuất hiện của những chiếc xe sử dụng động cơ hybrid, tàu điện thay thế xe buýt ở Châu Âu và thái độ không vội vã đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân mặc dù vấp phải sự chống đối của các phong trào xanh...

Biểu đồ dự báo số năm khai thác dầu mỏ còn lại ở các nước căn cứ vào sản lượng khai thác cuối năm 2008. Nguồn: BP

29/5/10

BLOG VMC’S TOP TEN



Cung cấp cho cả nhà vài con số thống kê của Google Analystics đối với blog này trong 5 tháng đầu năm 2010.

Entry mới được đọc nhiều nhất
- Âm thanh và cuống nộ
- Người thả thính
- Trò chuyện với chị dọn nhà về sự dã man
- Thư của cô giáo dạy trẻ tự kỷ
- 24 giờ thay đổi nhận thức
- Yêu và ngáp
- Bữa tiệc đời
- Chữa chứng mất ngủ
- Quá tay
- Đối thoại qua tin nhắn

Entry cũ được đọc nhiều nhất
- Nhạc Ý
- Chùa Bái Đính
- Cõng mẹ đi chơi
- Chuyện đời
- Việt Nam có cave lớn nhất thế giới
- Ba người đàn bà trong “Những nàng công chúa nổi tiếng”
- Về nhà
- Những huyền thoại về cái chết của Gagarin
- Đi ăn cá nóc
- Người yêu dấu ơi

Nguồn viếng thăm

- Từ blog bạn bè:51,84%
- Máy tìm kiếm: 30, 14%
- Vào thẳng: 18,02%

Blog - cửa ngõ có
nhiều người sang nhà VMC nhất
- Đàm Minh Thụy
- Đàm Hà Phú
- Vũ Lừng (Vu Pundit)
- Lana
- Người lạ vừa đến
- LU
- Like2Chat
- S&S
- NguyenNgocLan
- Titi

Những nước có nhiều người đọc nhất
(trừ VN)
- Mỹ
- Đức
- Nhật Bản
- Australia
- Đan Mạch
- Singapore
- Czech
- Pháp
- Nga
- Canada

Những thành phố có nhiều người đọc nhất (bên ngoài VN)
- Frederiksberg
- San Francisco
- Chapel Hill
- Singapore
- Sydney
- Prague
- Dusseldorf
- Frankfurt-am-Main
- Koga
- Moscow

Các từ khóa được dùng để tìm nhiều nhất
- Vmc
- Chàng trai trên xe buýt
- Mất ngủ
- Cây bạch dương
- Phương Laurel
- Alla Pugacheva
- Maksim Galkin
- Ai bảo sinh viên không sáng tạo?
- Chu Dung Cơ
- Chim kêu buổi sớm ngựa hý chiều tà

Thời gian đọc trung bình: 3 phút 32 giây

Số pageview trung bình: 1,71.

P/S: Lần đầu tiên, nhờ có thống kê này mà tôi biết đến cái tên Fridericksberg, một thành phố có 95 nghìn dân ở Đan Mạch. Chapel Hill là thành phố 54 nghìn dân ở Bắc Caroline (Mỹ), chỗ này có Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill. Chắc có nhiều bạn sinh viên và nghiên cứu sinh VN ở đây. Koga không biết có phải ở Nhật Bản không? Những ai ở ba địa danh này lên tiếng trong comment nhé.

Cảm ơn tất cả những ai đã và đang theo dõi blog này.


Tham khảo:
TOÀN CẦU HÓA



28/5/10

20 ĐIỀU THẦY CÔ CẦN GHI NHỚ



1. Hãy vui cùng những thành tích nhỏ bé của học trò và hãy chia sẻ những thất bại của chúng.

2. Bạn là người rất gần gũi với học trò, hãy cố gắng để chúng luôn cởi mở với bạn. Hãy vừa là bạn vừa là thầy của chúng.

3. Đừng ngại thừa nhận với học trò là mình không biết về một vấn đề nào đó. Hãy cùng chúng tìm câu trả lời.

4. Hãy cố gắng khơi dậy sự tự tin trong mỗi em học sinh. Khi đó chúng sẽ đạt tới nhiều đỉnh cao trong học tập.

5. Đừng đòi hỏi một “kỷ luật lý tưởng” trong giờ học. Bạn đừng độc đoán quá, hãy nhớ rằng giờ học là một phần cuộc sống của đứa trẻ, vì vậy đừng làm cho giờ học gò bó quá, cứng nhắc quá. Qua mỗi giờ học đứa trẻ cần trở thành một nhân cách cởi mở, say mê, sáng tạo và phát triển toàn diện.

6. Hãy cố gắng để giờ giảng của bạn không khuôn mẫu quá, chuẩn mực quá. Tuyệt vời nhất là trong mỗi giờ học đều có những “phát minh” nho nhỏ được diễn ra, những chân lí nho nhỏ được phát hiện, những đỉnh cao tri thức được chinh phục và những cuộc tìm kiếm bắt đầu.

7. Các cuộc gặp gỡ với phụ huynh học sinh cần thiết thực và hiệu quả. Mỗi buổi họp phụ huynh là dịp để bạn cung cấp thêm cho họ những kiến thức về tâm lí, sư phạm, về quá trình học tập.

8. Hãy bước vào lớp với nụ cười. Khi học trò chào, hãy nhìn vào mắt từng em để hiểu được tâm trạng cúa chúng, vui thì chia vui, buồn thì động viên.

9. Hãy luôn ghi nhớ: Học trò không phải là một chiếc bình cần đổ đầy kiến thức, các em là những ngọn đuốc cần được thắp lên.

10. Điểm kém ảnh hưởng không tốt đến việc hình thành nhân cách của học trò. Bạn hãy cố gắng chừng nào có thể để tránh cho các em điểm kém. Hãy tìm cách khác để khắc phục tình trạng này.

11. Mỗi bài giảng của bạn phải là một bước tiến, dù là rất nhỏ, về phía trước trong việc khám phá tri thức. Học sinh cần phải vượt qua những khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức và bạn hãy tính toán sao cho mức độ của những khó khăn đó thật phù hợp.

12. Đừng tìm những con đường dễ dàng nhất trong việc giảng dạy. Như thế học trò sẽ lười suy nghĩ, bạn cần làm cho chúng thấy việc học là lao động thực sự. Điều quan trọng nhất là bạn phải luôn khích lệ, luôn ở bên chúng khi khó khăn.

13. Nếu phải cân nhắc giữa hai điểm số khi cho điểm học sinh thì bạn hãy chọn điểm cao hơn. Hãy chắp cho đứa trẻ đôi cánh, hãy tin ở em, cho em hy vọng.

14. Không cần che giấu tình cảm của mình với các em, nhưng cần tuyệt đối tránh sự ưu ái đặc biệt với một vài em nào đó. Hãy cố nhìn thấy những ưu điểm ẩn sâu trong mỗi em. Có thể chính các em cũng không biết mình có những ưu điểm đó. Bạn hãy giúp chúng nhận ra, phát triển chúng thêm.

15. Hãy nhớ rằng trên lớp học sinh cần phải cảm thấy hấp dẫn và thú vị. Chỉ có sự hấp dẫn mới làm các em tập trung chú ý được.

16. Khi tiếp xúc với phụ huynh học sinh, bạn cần nhớ rằng đối với họ đứa con là quí giá nhất trên đời. Vì thế, bạn hãy hết sức tế nhị, tránh đừng để phụ huynh bị tổn thương.

17. Đừng sợ xin lỗi học trò nếu thấy mình sai.Xin lỗi chỉ làm tăng uy tín của bạn trong mắt các em mà thôi. Khi các em mắc lỗi, bạn cũng đừng nóng nảy quá.

18. Hãy cố gắng sống hết mình với các em. Vui cùng vui, buồn cùng buồn. Đùa nghịch và dạy dỗ. Hãy kiềm chế khi các em nói dối. Công bằng, kiên trì và trung thực là khẩu hiệu của bạn.

19. Đừng dạy học sinh quá tự tin- sau này chúng sẽ bị xa lánh; quá rụt rè- chúng sẽ bị coi thường; quá lắm lờ i- chúng sẽ không được ai tính đến; quá cứng nhắc - chúng sẽ bị khước từ.

20. Một lần nữa xin nhắc lại: Hãy kiềm chế, bình tĩnh, kiên trì và mềm mỏng.

(sưu tầm)

KIỂM ĐIỂM BẢN THÂN:

1. Đã và đang làm.
2. Đã và đang làm.
3. Đã làm.
4. Đã, đang và sẽ làm.
5. Sẽ làm.
6. Đã và đang làm.
7. Chưa từng làm và sẽ không làm, vì dạy đại học không có họp phụ huynh.
8. Có cười, nhưng không thể nhìn vào mắt từng em, vì sĩ số quá đông: hơn 100 sinh viên.
9. Đúng là như thế. Cố gắng đổ đầy thì mệt lắm.
10. Rất ít khi cho điểm kém, phần vì sinh viên không đến nỗi dốt. Nhưng đôi khi vẫn phải buộc lòng cho điểm kém, vì chất lượng bài thi quá tồi.
11. Đã, đang và sẽ làm.
12. Đúng như vậy.
13. Hoàn toàn nhất trí. Đã, đang và sẽ làm.
14. Cố gắng công bằng, nhưng có những sinh viên đặc biệt không thể không cảm mến. Chuyện bình thường!
15. Vẫn nhìn thấy trong lớp những sinh viên ngủ. Họ mệt. Không nên đánh thức họ.
16. Không bao giờ có cơ hội tiếp xúc với phụ huynh.
17. Đã làm.
18. Khó làm vì không có nhiều thời gian với sinh viên.
19. Điều này mới biết. Sẽ áp dụng.
20. Đúng thế. Đã, đang và sẽ làm.

27/5/10

KHÔNG CÓ SÂM



Hãy lật tất cả những cái xác đó lên
Hãy tìm chiếc túi áo nào có sâm
Bản đồ chỉ huy sẽ nằm ở đó

Những chiếc áo màu cỏ úa loang đỏ
Lại bị dao găm rạch toang lần nữa
Không có, vẫn không có

Không thấy chiếc túi áo nào có sâm…

Thơ Ngô Mai Phong



26/5/10

CHỮA CHỨNG MẤT NGỦ



Hôm qua, một người bạn than bắt đầu thấy tuổi già sồng sộc chạy sau lưng rồi. Dạo này khó ngủ quá. Ngày xưa thức đến 2-3 giờ sáng không thấy sao. Bây giờ mất ngủ một tí là hôm sau biết tay liền. Mặt mũi hốc hác, cả ngày người cứ liêu xiêu.

Cách đây 20 năm, tôi biết một nữ nhà văn cũng bằng tuổi chúng tôi bây giờ. Chị nói mỗi khi mất ngủ toàn phải uống thuốc ngủ. Tôi hỏi chị không sợ bị nghiện à, chị nói rằng thà bị phụ thuộc vào thuốc, còn hơn sáng sau ra đường với khuôn mặt khó coi.

Bạn tôi chưa dám dùng thuốc ngủ. Ra đường mà trông phờ phạc thì đeo kính vào. May mà gương mặt của bạn lại rất hợp với kính. Đeo kính trông lại rất được. Nhưng bạn phải thú nhận đó không phải là giải pháp. Trời nắng đeo còn được, những hôm trời mưa thì sao?


Tôi dạo này cũng hay mất ngủ. Nhưng không dám than với ai. Ừ thì bắt đầu có tuổi rồi, ngủ ngắn lại là chuyện đương nhiên. Phải chịu thôi.


Nhưng tôi vẫn thèm ngủ. Nghe một người bạn khác khuyên, mua bịch rượu vang về, tối nào thấy khó ngủ thì làm một ly. Dễ ngủ ngay.


Tôi làm theo và thấy khá hiệu nghiệm.


Hôm nay là một ngày mệt mỏi. Thời tiếng nắng nắng mưa mưa. Đã thế lại một đống việc, việc nào cũng cần xem xét quyết định trong vài phút đồng hồ. Buổi chiều lại phải chịu một đợt tấn công tổng lực, ép toàn sân. Mười mấy ngày nữa mới đến World Cup, thế mà bây giờ đã bị tấn công sớm rồi.


Hôm nay rất mệt, làm hai ly rượu vang cho dễ ngủ hơn.


May quá, trời mưa. Mát. Dễ chịu.


À, mai sẽ phải phổ biến kinh nghiệm này cho bạn. Để bạn không bị phụ thuộc vào thuốc ngủ.


Entry trước
MẤT NGỦ



25/5/10

THƯ CỦA CÔ GIÁO DẠY TRẺ TỰ KỶ



Em chào anh.

Em là Dung, giáo viên trường Mầm non Tuổi Ngọc ở Sài Gòn. Sắp tới, ngày 05/06/2010, trường em kết hợp với DRD (Chương trình Khuyết tật và phát triển) có tổ chức hội thảo "Trường học nào cho trẻ tự kỷ".

Em được biết anh làm bên ngành báo chí. Em rất mong muốn được anh tư vấn giúp đỡ cho chúng em trong lúc này.Thật may là em được biết bolg này của anh để có thể nói lên tiếng nói của mình.

Trường chúng em là trường dạy trẻ khuyết tật và chậm phát triển. Tuy nhiên, trẻ của chúng em và cả phụ huynh có con tự kỷ nữa, khi đi ra ngoài thường được đối xử không công bằng. Khi chúng em đưa con em mình ra ngoài, mọi người nhìn các bé bằng con mắt kỳ thị, cho rằng các bé bị "điên", "thần kinh",... và xa lánh các bé. Thực ra không phải như vậy. Các bé của chúng em chỉ khác những trẻ bình thường thôi. Hơn ai hết, các bé rất cần sự quan tâm, gần gũi và yêu thương của cả cộng đồng.

Tuy nhiên, xã hội chưa có nhiều người hiểu về hội chứng tự kỷ này, thậm chí có nhiều người còn có kiến thức sai lệch nữa. Như vậy, bằng một cách nào đó, họ đã đẩy các bé tự kỷ ra xa xã hội hơn, đã nhấn chìm sâu hơn những niềm hy vọng của các phụ huynh có con tự kỷ. Cả trẻ và cha mẹ đều cần sự đón nhận trong yêu thương và chia sẻ của cả cộng đồng.


Hội thảo mà chúng em tổ chức cũng nhằm vào mục đích hướng tới cộng đồng, nhằm nâng cao hơn nhận thức của cộng đồng về trẻ tự kỷ, nhằm giúp cho nhiều người hiểu hơn về trẻ. Cuối cùng, khi họ gặp một em bé nào có hành vi khác thường một chút, họ sẽ dễ chấp nhận hơn, sẽ bước gần lại với em hơn và có cách giải quyết phù hợp hơn giúp bé có thể hiểu và chấp nhận các quy tắc của cộng đồng.


Do đó, đối tượng tham gia hội thảo là tất cả mọi người, cả những quan chức có trách nhiệm trong ngành giáo dục đến những người dân thường lao động, cả những thanh niên tri thức cho đến công nhân,… Bởi một lẽ đơn giản, tự kỷ không hẹn trước với ai, ai đang là cha là mẹ hay sắp là cha là mẹ cũng đều phải có thêm một nỗi băn khoăn “liệu con mình có tự kỷ?”.

Vậy thì, ngay từ bây giờ đi, mọi người hãy học cách chấp nhận trẻ tự kỷ cũng như những cách thức tiếp cận giáo dục những trẻ tự kỷ là như thế nào. Một điều rất quan trọng mà mọi người cần biết nữa là, nếu mình giải quyết, tác động ngay từ khi còn trong trứng nước thì mọi hậu quả sau này cũng sẽ dễ giải quyết hơn. Đó lại là con em mình thì trách nhiệm lại càng cao hơn nữa.


Tự kỷ đã trở thành vấn nạn của toàn thế giới, không riêng chỉ Việt Nam. Tự kỷ không chỉ con người giàu mới mắc mà nó gõ cửa nhà ai thì nhà đó chịu.

Em xin phép được gửi thư mời ở dưới đây ạ. Thêm một người biết về tự kỷ, hiểu về tự kỷ tức là chúng ta đã có thêm một đồng minh trong cuộc chiến trường kỳ này.

THƯ MỜI

Kính mời toàn thể bác sĩ, nhà chuyên môn, giáo viên, sinh viên, phụ huynh trẻ tự kỷ và những người có quan tâm … đến tham dự Hội thảo chuyên đề “TRƯỜNG HỌC NÀO CHO TRẺ TỰ KỶ?” được DRD (Chương trình khuyết tật và phát triển) kết hợp với các Nhóm phụ huynh trẻ tự kỷ trên cả nước tổ chức tại Khách sạn Hoàng Đế, 117 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3, TP.HCM, ngày 5/6/2010, từ 8g00 đến 11g30.

Trân trọng.


Để công tác tổ chức được chu đáo, xin vui lòng xác nhận sự tham dự của quý vị :

- Cô Loan (DRD), số điện thoại: 08-38682770, 0918235375
- Hoặc cô Dung, số điện thoại 08-35561952, 08-35561951

- Hoặc email : tamsgn@yahoo.com


Mọi người hãy tham gia càng đông càng tốt. Buổi sáng ngày hội thảo, trên bầu trời Hà Nội sẽ có nhiều bóng bay được thả cũng sẽ có các nội dung về trường cho trẻ tự kỷ, ước mơ của mọi người dành cho trẻ tự kỷ. Ở TP. Hồ Chí Minh hội thảo được tổ chức trước đông đảo sự tham gia của mọi người. Như vậy, trẻ tự kỷ không chỉ giới hạn ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh không chỉ là miền Nam hay miền Bắc, trẻ tự kỷ có ở mọi nơi, mọi miền và vì thế, trẻ tự kỷ cần sự giúp sức của tất cả mọi người, là "chuyện không của riêng ai" nữa.

Kính mong mọi người hãy đồng tâm hiệp lực, vì sự phát triển lành mạnh hơn của cộng đồng, vì sự tiến bộ hơn của xã hội.

Các bậc phụ huynh có con tự kỷ, các bạn làm trong ngành truyền thông
tư vấn giúp cô giáo Dung trong comment nhé.

THAY MẶT NHỮNG NGƯỜI QUAN TÂM TỚI TRẺ TỰ KỶ,

XIN CHÂN THÀNH CẢM ƠN CÔ GIÁO DUNG



24/5/10

VÌ SAO NGƯỜI THÁI ĐĂNG QUANG TẠI CANNES?



Một tờ báo mạng rút tít "Bất ngờ lớn tại Cannes 2010: Thái Lan giành Cành cọ vàng!". Có thật là bất ngờ không?

Để đăng quang tại một liên hoan phim hàng đầu thế giới như Cannes, thì không thể có chuyện "bất ngờ".

Thái Lan, có lẽ được điện ảnh du nhập cùng thời với Việt Nam, tức là đầu thế kỷ 20, nhưng nhanh chóng nhận được sự hợp tác của Hollywood từ thập niên 1920 và đạt được một số thành tựu nhất định. Năm 1923, khi người Việt Nam bắt tay với người Pháp làm bộ phim đầu tiên "Kim Vân Kiều" thì người Thái hợp tác với kịch tác gia kiêm đạo diễn Mỹ Henry MacRae làm bộ phim Miss Suwanna of Siam.

Sau này, trong thập niên 1960 và nửa đầu thập niên 1970, điện ảnh Thái đứng đằng sau điện ảnh miền Nam Việt Nam với những tên tuổi lẫy lừng như Lê Dân, Lê Hoàng Hoa, Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Kiều Chinh... Điện ảnh Việt Nam của cả hai miền thời kỳ đó đã ghi dấu ấn tại những liên hoan phim quốc tế danh tiếng như Berlin, Mátxcơva..., trong khi điện ảnh Thái mới chỉ lọt qua vòng ghi danh ứng thí.

Sự xuất hiện của video đã khiến cho điện ảnh của cả Việt Nam lẫn Thái Lan bị lao đao trong thập niên 1990. Nhưng có một điều khác biệt: Tại VN các rạp chiếu phim bị biến thành siêu thị, quán bar, nhà hàng, vũ trường, thì tại Thái Lan các multiplex cứ nối đuôi nhau ra đời và ngày này qua tháng khác chiếu phim Hollywood. Có lẽ người Thái hiểu rằng chẳng thể hồi sinh một nền điện ảnh, nếu không có một hệ thống rạp tốt và nuôi dưỡng thói quen xem phim của công chúng.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đã đào huyệt cho tư duy điện ảnh theo lối cũ ở Thái Lan. Ba đạo diễn hàng đầu của Thái là Nonzee Nimibutr, Pen-Ek RatanaruangWisit Sasanatieng cho rằng phải làm những bộ phim thực sự hấp dẫn thì mới thu hút được các nhà đầu tư bỏ tiền cho điện ảnh. Họ làm phim ma (Nang Nak), phim kinh dị (Tears of the Black Tiger), phim hành động (Bang Rajan), phim đồng tính (Iron Ladies)...

Tuy đây là những bộ phim mà yếu tố thương mại được đặt lên hàng đầu, nhưng giá trị nghệ thuật và ứng dụng công nghệ làm phim hiện đại không vì thế mà bị xem nhẹ. Kết quả là họ đã tạo nên một làn sóng điện ảnh mới (The Thai New Wave), lôi kéo hàng chục triệu khán giả đến rạp, tạo ra kỷ lục doanh thu mọi thời đại đối với phim Nang Nak (gần 150 triệu baht).


Cách đây 10 năm, có mặt tại Bangkokk nhân một sự kiện của ASEAN, tôi đã đến rạp xem Bang Rajan. Đó là bộ phim hành động sử thi thuật lại cuộc chiến của dân làng Bang Rajan chống lại quân xâm lược Burma (Miến Điện). Bao nhiêu trai xinh gái đẹp của Thái được huy động hết vào phim này, nên người dân làng giáp biên trở nên xinh đẹp và hấp dẫn lạ lùng. Quan hệ giữa Thái Lan và nước láng giềng Myanmar thì dường như chưa bao giờ bớt nóng, nhưng cái không khí yêu nước và tinh thần chống ngoại xâm trong điện ảnh được miêu tả hừng hực. Không ít cảnh đầu rơi máu chảy, nhưng cũng chẳng hiếm những cảnh nóng và lãng mạn (điện ảnh mà không có cảnh nóng thì có còn là điện ảnh không nhỉ?).

Hỏi một người bạn Thái là giảng viên của ĐH Chulalongkorn: "Các bạn không ngại bộ phim làm cho tinh thần chống Myanmar dâng cao gây cản trở quan hệ hai nước à?", thì anh trả lời: "Các nhà làm phim có làm quá hơn một chút, nhưng cuộc chiến ở Bang Rajan là có thật. Xem phim, ai cũng hiểu đó là điện ảnh, chứ không phải 100% là lịch sử".

Ít lâu sau, Hoàng hậu Thái Sirikit đích thân vận động tiền bạc cho dự án phim sử thi đắt nhất Thái trước nay có tên The Legend of Suriyothai (Huyền thoại Suriyothai) kể về cuộc chiến Xiêm - Miến đẫm máu hồi thế kỷ 16. Hoàng cung Thái Lan vàng son, những bộ trang phục lộng lẫy, những đại cảnh giao chiến có voi và hàng nghìn người tham gia đã ghi một dấu ấn khó phai trong lòng khán giả Thái.

Các nhà làm phim Thái không chỉ hợp tác với Hollywood để có được công nghệ làm phim tân kỳ nhất, mời nhạc sĩ Anh Richard Harvey viết nhạc cho phim, mà còn cầu cạnh cả các nhà quay phim hàng đầu của Nga để quay những đại cảnh chiến tranh mà điện ảnh thời Liên Xô rất có thế mạnh. Suriyothai sau đó được đạo diễn Mỹ lừng danh Francis Ford Coppola biên tập lại và phát hành rộng rãi ở Mỹ.

Trong vòng hơn một thập niên qua, điện ảnh Thái đã phát triển khá toàn diện, với đủ mọi thể loại điện ảnh từ phim bi, sử thi chính thống, cho đến phim hài, phim hành động, phim kinh dị, phim viễn tưởng, phim ca nhạc, phim teen... Năm nào điện ảnh Thái cũng có ít nhất một tác phẩm làm mưa làm gió trên màn ảnh nội địa. Liên hoan phim Bangkok đang vươn lên trở thành một LHP quốc tế mạnh của khu vực Đông Nam Á.

Sự hồi sinh mạnh mẽ của điện ảnh Thái đã sản sinh ra Apichatpong Weerasethakul (năm nay vừa tròn 40 tuổi). Apichatpong là đạo diễn tiên phong của dòng phim độc lập ở Thái. Là đạo diễn và đồng đạo diễn cho 6 phim, anh đã ngay lập tức gây được sự chú ý với lối làm phim rất riêng, khai thác những đề tài nhạy cảm, đề cập những vấn đề rất Thái, nhưng lại khéo léo lồng ghép vào đó những giá trị toàn cầu.

Tiêu biểu trong số đó là Blissfully Yours, thuật lại tình cảnh éo le của một chàng trai nhập cư bất hợp pháp người Miến trên đất Thái, cũng như mối tình giữa chàng trai với một cô gái Thái. Phim đoạt giải ở thể loại "Một cái nhìn" (Un Certain Regard) tại LHP Cannes 2002. Hai năm sau Apichatpong đem đến Cannes tác phẩm mới có nhan đề "Tropical Malady" (Bệnh nhiệt đới) đề cập các chủ đề cũng rất nhạy cảm là đồng tính và tâm linh. Phim chia ra hai phần, với hai nội dung hầu như khác biệt, không liên quan đến nhau. Phim đoạt giải thưởng của Ban Giám khảo tại LHQ Cannes.



Năm nay, Apichatpong xuất hiện tại Cannes với tư cách cựu chiến binh. Bộ phim "Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives" (Bác Boonmee, người nhớ được kiếp trước) thuật lại những ngày cuối cùng trong cuộc đời của ông Boonmee. Cuộc gặp gỡ với những người thân, trong đó có hồn ma của vợ và con trai, đã giúp ông Boonmee khám phá những cuộc đời trong quá khứ của mình, cũng như nguyên nhân dẫn đến căn bệnh của ông. Phim đã vượt qua những tác phẩm nặng ký của Mike Leigh (Anh), Xavier Beauvois (Pháp), Nikita Mikhalkov (Nga) để đoạt "Cành cọ Vàng".

Như thế có thể thấy thắng lợi của Apichatpong không phải từ trên trời rơi xuống. Nó được chuẩn bị trong cả một thời gian dài, với những bước đi bài bản của toàn bộ nền điện ảnh (bao gồm cả đầu tư cơ sở vật chất, marketing, PR...). Dòng phim thương mại và dòng phim độc lập song hành đảm bảo một nền điện ảnh vừa có khán giả vừa có giải thưởng. Có khán giả không khó lắm, nhưng có giải thưởng tại các LHP danh tiếng thì quả là câu chuyện dài. Trở ngại chính trên con đường này là thói quen tư duy.

Trung Quốc từ cách đây 2 thập niên đã phớt lờ để Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca tự do sáng tạo và giành giải thưởng tại Cannes, Venice. Người Thái cũng đi theo con đường đó của Trung Quốc thôi. Và nếu chúng ta cũng đi theo lộ trình đó, thì hoàn toàn có thể hy vọng từ thắng lợi ban đầu còn khiêm tốn của Phan Đăng Di tại Tuần lễ phê bình ở Cannes vừa qua.

Quả ngọt không tự nhiên từ trên trời rơi xuống, nó chỉ có thể là kết quả của một quá trình vun trồng lâu dài và khó nhọc.



23/5/10

CẤT MẶT KHỎI MÀN HÌNH



Một trong những gương mặt nổi tiếng nhất trên Đài truyền hình quốc gia Italia (RAI) – Maria Luisa Busi, người dẫn bản tin thời sự 8 giờ tối trên kênh 1 (Rai Uno) đã từ chối làm việc để phản đối chính sách của đài. Hãng tin Nga RIA Novosti cho hay, nguyên nhân khiến Busi đi đến quyết định như vậy là do RAI không phản ánh đúng thực tế ở Italia hiện nay.

Trong bức thư dài 3 trang rưỡi gửi đến ông Augusto Minzolini, Giám đốc Rai Uno, mà báo chí Italia có được và đăng tải, Busi viết thông tin của kênh là “thiên vị và không đầy đủ”.


“Đâu rồi đất nước Italia mà trách nhiệm của chúng ta là phải thông tin? Đâu rồi đất nước Italia, nơi những người đàn ông và đàn bà bị mất việc đang phải làm việc tạm bợ và sống bằng trợ cấp? Một đất nước Italia như vậy vẫn đang hiện hữu, nhưng đã bị dẹp khỏi bản tin thời sự. Italia đang trải qua cuộc khủng hoảng xã hội sâu sắc nhưng đã bị lãng quên vì sự thờ ơ của chúng ta” – Busi viết.


Nhà báo nữ này đã hơn một lần chỉ trích chính sách của ban biên tập thời sự Rai Uno, đặc biệt sau việc nhóm quay phim của chị bị cư dân khu vực L’Aquila xua đuổi hôm 21.2 vừa qua. Họ bất bình vì cách thức mà truyền hình Italia đưa tin về vụ động đất gây thiệt hại nghiêm trọng tại đây năm 2009.


Theo PRItalia, Maria Busi cho rằng, nếu như các đồng nghiệp báo in được quyền từ chối đăng bài để bảo vệ quan điểm và công sức của mình, thì những người dẫn bản tin thời sự có quyền cất mặt mình khỏi màn hình.


Ông Paolo Gentiloni (Đảng Dân chủ) phát biểu: “Quyết định của Maria Luisa Busi chống lại sự chuyển đổi là dũng cảm và được đánh giá cao về mặt nghề nghiệp. Đài phải tự vấn đề mức độ sai lệch trong bản tin truyền hình hàng đầu của mình. Trước kia thông tin của RAI là tiếng nói của thể chế, bây giờ nó đang trở thành kênh truyền thông quân sự với những tin tức thiên lệch.”

Ông Daniele Capezzone (Đảng PDL – đảng của đương kim Thủ tướng Silvio Berlusconi) lại lên tiếng bênh vực Giám đốc Minzolini: “Tôi bày tỏ sự đoàn kết của tôi với ông Minzolini và với đại bộ phận các bên tập viên của Rai Uno buộc phải trải qua giai đoạn này. Tâm lý siêu sao của những người cho rằng mình là bất khả xâm phạm là điều không thể chấp nhận được đối với hàng triệu người Italia đang phải trả phí cho RAI và trong nhiều năm qua phải chịu đựng thông tin thiên vị cho cánh tả. Tin tức trên Rai Uno hiện đang có rating khán giả rất cao. Có lẽ có ai đó không hài lòng về chuyện này”.



21/5/10

TRÒ CHUYỆN VỚI CHỊ DỌN NHÀ VỀ SỰ DÃ MAN




- Chú này, cái chuyện giết người chặt đầu, cắt tay ấy sợ quá đi mất, chú nhỉ?
- Chị cũng quan tâm đến chuyện ấy à?
- Thì còn chuyện gì hay hơn nữa đâu? Tụi tôi làm xong buổi sáng, tụ tập ăn trưa trước khi đến nhà chú, kháo nhau thế. Úi giời, tôi đã từng dọn nhà cho một cô ở chính cái khu nhà cao tầng ấy đấy. Nghe mà tởn, nghĩ mà rùng mình.
- Chị lớn tuổi rồi, vẫn còn sợ những chuyện như thế à?
- Sợ chứ, không phải sợ cho tôi, mà sợ cho con tôi. Con gái tôi nó cũng đi dọn nhà cho mọi người như tôi. Nó trẻ thế, nhỡ đâu... Thời buổi này chẳng tin được thằng nào con nào chú ạ.
- Chị cứ nói thế. Cả vạn người mới có một thằng dã man như thế.
- Vầng. Nhưng mà chú này, sao người có học lại dã man hơn người vô học?
- Ai bảo chị thế?
- Thì đấy, những vụ giết người man rợ toàn do người có học làm. Cô Kim Anh Lạng Sơn đang học đại học nhá, thế mà cắt cổ ông bồ già trên xe ô tô. Giờ đến cậu Nghĩa Hải Phòng này, cao to đẹp giai, đeo kính trắng trông rõ trí thức nhá, thế mà đâm cô kia, sau khi, sau khi vừa... ấy..., mà lại còn chặt đầu. Khiếp quá. Thế chẳng dã man là gì?
- Ý em hỏi là sao chị lại so sánh như thế? Sao chị lại cho rằng người có học dã man hơn người vô học?
- Thì tôi có thấy người vô học nào dã man thế đâu?
...
- À mà chú này, thầy tôi bảo bọn có học là đểu lắm. Càng có học càng đểu. Tôi ngẫm ra cũng đúng, ở làng tôi cứ học hành ít thì còn tốt, lắm chữ một cái là đểu ngay.
- Làng chị có chuyện đấy à?
- Làng nào mà chẳng thế, chả cứ ở làng tôi. Cứ đứa nào học hành bằng cấp, thoát ly ra tỉnh về là đểu ngay. Về nhà mặt mũi cấc lấc, chả chào hỏi ai, có tiền nhưng cấm giúp ai cái gì bao giờ. Chúng nó mang tiền về làm loạn cả làng. Đểu lắm chú ạ. Tôi cấm con tôi chơi với bọn có học đấy.
- Thế à? Mà này, chị nói thế không ngại em giận à?
- Chú giận tôi ấy à? Sao mà giận? Tôi có nói xấu gì chú đâu?
- Thì chị vừa nói người có học dã man, rồi càng có học càng đểu đấy thôi...
- Ơ... đấy là tôi nói chung như thế, chứ không nói chú.
???



20/5/10

ĐỐI THOẠI QUA TIN NHẮN



1.
- Ai bảo chú là anh chuyển sang cơ quan khác?
- Ê, định nhắn tin cho ai mà nhắn nhầm sang máy tôi thế?
- À, thằng ku nhân viên tôi vừa nhắn tin hỏi có phải anh sắp chuyển không?
- Thế à? Nhân sự nóng, nhiều tin đồn lắm...
- Hic, họ dương đông kích tây. Tôi đã chọn đây làm điểm đỗ cuối cùng, nếu đi thì tôi ở lại cơ quan cũ làm sếp, việc gì phải đi đâu nữa?

2.
- Em chưa đi thăm chị N được anh ạ. Lý do là sau chuyến đi nước ngoài vừa rồi về thì em biết mình có bầu, nên nghỉ phép liền tù tì và hạn chế đi lại. Mọi người đi thăm chị ấy về đều bị sốc và bảo em nên chờ qua 3 tháng đầu hãy đi.
- Thôi, em đi thăm sau cũng được. Chúc mừng em có tin vui nhé. Đúng là sang đất Phật, được Phật thương.
- Cảm ơn anh. Bắt chước cô đào Ý của anh.
- Bắt chước cô nào?
- Monica Bellucci ấy. Cô ấy có bầu đứa thứ hai ở tuổi 46. Ghê chưa?
- Ồ, vụ này anh không biết.
- Cô ấy còn khoe bụng bầu trên tạp chí, vì ở tuổi đó mà tự nhiên có con là hiếm lắm.
- Đúng là trời thương nhỉ?
- Vâng. Nhưng em mới 41 thôi. Nên chưa phải là của hiếm như cô Bellucci của anh.

3.
- Anh ơi, có người bố nào nói như thế này khi được hỏi về sự trợ giúp nuôi con không? "Em nhận nuôi con mà! Anh nghèo, không nuôi được con, em nghĩ cách để cho chúng nó sống. Anh không biết gì nữa". Em thấy đau cho con mình quá.
- Em làm một cái giấy đi. Ghi rõ là anh ta từ chối đóng góp tài chính, đổi lại anh ta không được phép đòi nuôi con.
- Em giữ lại hết mọi tin nhắn anh ta xúc phạm, chửi bới em và từ chối nuôi con. Đó là bằng chứng khi ra tòa. Nhưng em vẫn cảm thấy đau lắm.
- Hiển nhiên là đau rồi. Nhưng không thể ngồi đó ôm nỗi đau được đâu. Em phải mạnh mẽ, cứng rắn lên để vượt qua. Em mạnh mẽ thì các con em mới được hạnh phúc.
- Thật ra từ lâu rồi em vẫn luôn xác định sẽ tự thân nuôi dạu con. Nhưng khi người ta buông ra những lời như thế em vẫn cảm thấy buồn tủi. Một chút thôi, anh ạ. Em đủ mạnh mẽ mà. Kêu với anh một chút để em nhẹ lòng.
- Ừ, anh hiểu. Đừng liên lạc với anh ta nữa.



19/5/10

QUÁ TAY



Rạng sáng nay (19.5), Chính phủ Thái Lan đã quyết định cho quân đội tiến vào khu vực biểu tình của phe áo đỏ, dùng bạo lực cưỡng chế họ khỏi chiến lũy ở trung tâm Bangkok, ngõ hầu vãn hồi trật tự tại thủ đô Thái Lan sau một thời gian dài bị biểu tình của phe áo đỏ làm cho tê liệt.

Hãng tin AP dẫn lời Mark MacKinnon, nhà báo người Canada, có mặt tại đền Wat Pathum Vanaram, nơi những người biểu tình đến lánh nạn, mô tả cảnh đạn bay vèo vèo trên đầu cho mãi đến khi lệnh ngừng bắn được ban ra vào đêm 19.5.


Phóng viên báo Lao Động sang Bangkok phản ánh tình hình từ hôm qua, hôm nay báo về cho biết Bangkok bắt đầu tình trạng thiết quân luật từ đêm nay.


Vừa đọc tin trên Yahoo! News, thấy bạn Abhisit - Thủ tướng Thái, nói như đinh đóng cột rằng trật tự sẽ được vãn hồi và bạn sẽ tiếp tục thẳng tay với những kẻ đã gây ra đám cháy lớn ở thủ đô hôm 19.5.


Tất cả đã trở nên quá. Người biểu tình của phe áo đỏ thì quá đà, nhiều người dân Bangkok đã quá chán nản với những hành động đòi dân chủ của họ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và công việc kinh doanh của họ.
Chính phủ thì đã quá tay khi phải dùng vũ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Riêng trong ngày 19.5 đã có 6 người chết, nâng tổng số nạn nhân trong đợt đụng độ này lên con số 12. Một mạng người mất đi khi vẫn còn những biện pháp khác có thể được áp dụng là điều đáng tiếc. Đằng này lại là những 12 mạng người.


Nói chung tôi không có cảm tình với những nhà cầm quyền giương súng bắn vào người dân của mình. Thế nên, dù trước đây rất có thiện cảm với bạn Abhisit, tôi cũng phải thừa nhận rằng sau vụ bắn giết hôm nay ở Bangkok, tôi không còn thấy bạn là một chính khách thích hợp với thế giới hiện đại nữa.

Người cầm quyền chỉ có thể giương súng bắn vào kẻ thù, chứ không phải bắn vào nhân dân mình.



Entry cũ: BẠN ABHISIT
Tham khảo:
THÁI LAN: NỤ CƯỜI TẮT NGẤM - LAO ĐỘNG
BANGKOK THÀNH CHIẾN TRƯỜNG - LAO ĐỘNG


 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết