4/5/10

BƯỚC ĐẠI NHẢY VỌT CỦA ẢNH KỸ THUẬT SỐ


Joseph Niépce mất 10 năm thất bại liên tiếp để rồi đến mùa hè 1826 trở thành người chụp ảnh đầu tiên trên thế giới. 180 năm sau, thương hiệu hàng đầu về ảnh kỹ thuật số Epson tiếp tục thực hiện những cuộc cách mạng mới trong nhiếp ảnh: từ giấy điện tử cho đến việc in ảnh thẳng từ màn hình TV.


Ảnh thời sơ khai


Ramon Ollé, Tổng Giám đốc Epson, nói: “Trong nhiều thập niên qua, ảnh luôn là một phần quan trọng của xã hội chúng ta. Tất cả chúng ta ai cũng có nhu cầu chụp ảnh, khoe ảnh, chia sẻ ảnh và lưu trữ ảnh trong tương lai. Bền bỉ nghiên cứu và phát minh trong suốt 18 năm qua đã giúp chúng tôi có được vị trí như ngày hôm nay trong lĩnh vực ảnh kỹ thuật số”.


Ông Ollé nói không quá lời, bởi hiện nay chúng ta có thể in dễ dàng một tấm ảnh chất lượng cao ngay tại nhà trong vòng chưa đầy một phút. Chắc chắn Joseph Niépce cũng phải ngạc nhiên về cách thức có được một tấm ảnh ngày hôm nay. Thời của ông, phải mất hơn 8 giờ đồng hồ, hình ảnh mới hiển thị trên chiếc đĩa thiếc tráng lớp dung dịch dầu hoa oải hương, nhựa đường Judae với dầu mỏ trắng – chất có tác dụng làm tan những phần nhựa đường không bị ánh sáng làm cho rắn lại. Tấm ảnh đầu tiên là khung cảnh nhìn từ cửa sổ phòng làm việc của Niépce trong trang trại của ông ở Gras - Pháp (ảnh). Kể từ đó đã có rất nhiều người khác dọn đường cho nhiếp ảnh hiện đại như chúng ta biết ngày hôm nay và công nghệ làm ảnh vẫn tiếp tục phát triển không ngừng.



4 năm sau thành công của Niépce, Louis Daguerre đã phát minh ra một quy trình mang tên ông là “Daguerreotype” tạo ra hình ảnh trên miếng đồng bọc bạc. Đến năm 1840, William Fox Talbot khám phá ra một quy trình khác sử dụng giấy có phủ chloride bạc để in ảnh dương bản. Ý tưởng của ông được hoàn thiện vào năm 1901, nhiếp ảnh hóa học ra đời. Ảnh đen trắng độc chiếm mãi cho đến tận năm 1935 khi phim màu hiện đại xuất hiện và nhu cầu về ảnh lớn mạnh, chuyển từ đối tượng khách hàng chuyên nghiệp sang người tiêu dùng.


Bước tiến khổng lồ của kỹ thuật


Công nghệ ảnh kỹ thuật số liên quan trực tiếp đến công nghệ ghi hình của truyền hình. Năm 1951, máy thu hình ảnh vào băng (VTR) đầu tiên thu được hình ảnh trực tiếp từ các máy quay bằng cách biến đổi thông tin thành những xung điện (kỹ thuật số) và lưu thông tin vào băng từ. Những phòng thí nghiệm của Bing Crosby (do Crosby đầu tư và do John Mullin lãnh đạo) đã tạo ra VTR thế hệ đầu vào năm 1956. Công nghệ VTR được Charles P. Ginsburg hoàn thiện và đưa vào sử dụng rộng rãi trong ngành truyền hình.


Ngày 17.10.1969, George Smith và Willard Boyle phát minh ra thiết bị tích điện kép (CCD) – một loại cảm biến hình ảnh sau này trở thành trái tim của mọi máy ảnh kỹ thuật số. Nhưng cũng giống như mọi phát minh được thiết kế phục vụ cho một mục đích sử dụng định trước, Smith và Boyle chỉ định tạo ra một loại bộ nhớ bán dẫn cho máy tính. Nhưng cũng khi đó, họ đang thử tìm cách để chế tạo một loại máy ảnh bán dẫn cho điện thoại video, nên họ chỉ mất đúng một tiếng đồng hồ để vẽ ra cấu trúc cơ bản của CCD, hoạch định nguyên tắc hoạt động của nó và phác thảo những ứng dụng mà nó thích ứng nhất.


Năm 1970, Smith và Boyle đã đưa CCD vào máy quay video bán dẫn đầu tiên trên thế giới. 5 năm sau, họ trình diễn máy quay CCD đầu tiên cho hình ảnh có độ nét cao đủ để phát sóng truyền hình. Ngày nay, công nghệ CCD được ứng dụng rộng rãi trong mọi loại máy ghi nhận hình ảnh (như máy quay TV/video, máy ảnh kỹ thuật số), đến các thiết bị văn phòng như máy fax, máy photocopy...


Năm 1981, hãng Sony sản xuất ra máy ảnh kỹ thuật số điện tử đầu tiên có tên gọi là Mavica (viết tắt từ Magnetic Video Camera). Mavica ghi hình như những xung điện từ lên đĩa mềm compact. Hình ảnh được thu bằng 2 chip CCD: một chiếc lưu giữ thông tin độ chói, còn cái kia ghi có lựa chọn thông tin màu sắc. Chiếc máy này có thể chụp được 15 hình ảnh với độ phân giải 720 nghìn pixel.



Năm 1986, các nhà nghiên cứu của hãng Kodak phát minh ra cảm biến megapixel đầu tiên trên thế giới có khả năng ghi được 1,4 triệu pixel đủ để in ảnh có chất lượng khổ 5x7 inch. Năm 1990, Kodak chế tạo ra hệ thống Photo CD – bộ tiêu chuẩn đầu tiên về định mầu trong môi trường số của máy tính và các vùng ngoại biên máy tính”. Một năm sau, Kodak cho chào đời hệ thống máy ảnh kỹ thuật số chuyên nghiệp đầu tiên (DSC) dành cho các phóng viên ảnh. Đó là máy Nikon F-3 được Kodak trang bị cảm biến 1.3 megapixel.


Tương lai là ảnh số


Năm 2003, 3,6 tỉ tấm hình được in hoặc được lưu trữ ở Tây Âu. Chỉ 3 năm sau, số lượng ảnh tăng gần gấp 10 lần lên 34,6 tỉ bức. Giờ đây, ảnh hóa chất đã bị thay thế gần như hoàn toàn bởi ảnh kỹ thuật số, bởi sự thuận lợi về in ấn và lưu trữ.


“Giờ đây ai cũng có thể tham gia vào quá trình làm ảnh – sau khi chụp hình xong, chúng ta có thể thay đổi màu sắc, thậm chí cả người trong tấm ảnh, rồi tự in ảnh ra, đồng thời tự quyết định số lượng ảnh, kích cỡ và loại giấy. Điều thú vị nhất là chúng ta có thể làm toàn bộ những điều đó ngay tại nhà, thậm chí không cần đến máy tính” – ông Ollé nói.


Theo ông Ollé, hãng Epson tin rằng ảnh màu sẽ có thể thực hiện được ở bất cứ đâu bằng chỉ một cú bấm. Chừng nào con người còn mong muốn lưu giữ những khoảnh khắc tuyệt đẹp trong đời, thì các hãng sản xuất thiết bị ảnh còn phải nỗ lực để giản tiện hóa cách thỏa mãn nhu cầu đó của con người.




11 comments:

Vhlinh on lúc 23:57 4 tháng 5, 2010 nói...

Không biết gì về đại nhảy vọt, chỉ cảm ơn 14 chấm màu hoa anh đào cực đẹp.

VMC on lúc 00:07 5 tháng 5, 2010 nói...

@Vhlinh:
Thêm màn hình cảm ứng nữa, Bí ạ.

Vân Lam nói...

chẹp..chẹp..
lại thèm con DSLR roài. :(

Lana on lúc 07:21 5 tháng 5, 2010 nói...

Bí 'rửa' cái 14 chấm ấy đê... hôm nọ có cơ hội thử nghiệm thì Bí cáo bận làm cả hội hỏi tới hỏi lui Bí đâu, nhất là người khệ nệ rinh cái 14 chấm ấy về :)

LU on lúc 08:45 5 tháng 5, 2010 nói...

Camera là cái ko thể thiếu được trong ba lô của em, gặp chuyện lạ là bấm máy ngay, chưa bao giờ em tốn tiền đi studio chụp ảnh cả, tự chụp mình ên luôn ;))

L2C on lúc 09:20 5 tháng 5, 2010 nói...

Các cháu như con em hầu hết đều là visual learner, nên em phải chụp rất nhiều ảnh để dạy cháu. May mà có công nghệ ảnh kỹ thuật số, không thì biết xoay kiểu gì.

PHOTO POLICE nói...

LU: Nhìn hình Nu là biết chụp mình ên òi! ặc ặc.Ai mừ pốt bài ´´ngày tàn của máy ảnh KTS´´ thì ano mình sẽ hoả tốc cho vài ảnh xem chơi.

Đỗ on lúc 12:19 5 tháng 5, 2010 nói...

Tôi là người bảo thủ, xài máy cơ suốt. Một bữa đi rừng cách nay mấy năm, gãy mất ống kính mới xài đỡ máy KTS của bà xã, không ngờ. Nhất là chơi blog. Cám ơn ông Kodak.

Thuy Dam Minh on lúc 14:39 5 tháng 5, 2010 nói...

Em thu nhập ở đâu được nhiều số liệu thú vị thế nhỉ? 3,6 tỉ tấm ảnh được lưu trữ ở Tây Âu năm 2003. Từ số liệu này, anh thắc mắc, đúng là ảnh kỹ thuật số là văn minh rồi, nhưng liệu nó có thay thế hoàn toàn được ảnh hóa chất đang lưu giữ không nhỉ? (Tất nhiên là giờ người ta đã chụp lại để lưu trong ổ cứng)

Titi on lúc 16:41 5 tháng 5, 2010 nói...

Hé hé...em thích chụp ảnh, đơn giản vì có rất nhiều điều nhìn thấy không thể tả bằng lời. Hơn nữa, em còn được cho là ăn ảnh nữa. Vừa không phải nói, vừa được khen xinh ...còn gì bằng :-D hú hú...

Nặc danh nói...

@Titi:hú hú

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết