30/4/09

CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG


Con đường mây trắng này nằm vắt trên dãy Hoàng Liên, chạy men theo chân đỉnh Phansipang trên đường từ Sa Pa sang đô thị mới Lai Châu. Ảnh chụp cuối tháng 6.2008.









29/4/09

SAO KHÔNG HỌC CHUYỆN TRẠNG QUỲNH?



Hồi nhà văn Vũ Bão đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, báo chí ồn ào đưa tin về Vương quốc Balodistan. Trước đây người ta cũng ít quan tâm đến xứ sở ấy, vì nó nghèo nàn, lạc hậu, ở quá xa, lại cũng chẳng có chuyện gì độc đáo... Nhưng khi tiểu thuyết "Utopia - một miếng ở đời" của Vũ Bão đoạt giải (mặc dù khi đó nhà văn đã thành người thiên cổ), người ta mới lùng sục tìm đọc và phát hiện ra cái xứ sở ấy cũng hay ho, đặc biệt là nó có quá nhiều điều giống Việt Nam. Vì thế nên báo chí ra sức đưa tin còn dân tình thì say sưa đọc nghiến ngấu.

Nhưng đưa mãi rồi cũng hết...

Thế rồi khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra. Người ta ngóng trông các ông lớn như Huê Kỳ, Nhật Bổn... hồi phục thế nào, chứ cái anh Belodistan bé nhỏ, kinh tế còn chưa hoà nhập với thế giới kia thì có gì đáng để theo dõi. Và Vương quốc Belodistan rơi vào quên lãng...

Nhưng mới đây, một nam ca sĩ hải ngoại nổi tiếng đã được mời đến Belodistan. Hoá ra celebrity Việt kiều này là bạn thân của Thái tử Belodistan từ hồi học đại học bên Mỹ. Quốc vương Belodistan bắt chàng vừa học vừa làm, nên chẳng ai biết chàng là người trâm anh thế phiệt. Ở chung trong campus, anh sinh viên người Việt cám cảnh người bạn đồng môn nghèo, nên vẫn mời ăn chung với mình, và cứ mỗi kỳ nghỉ lại lôi bạn về nhà bố mẹ cho ăn uống thoải mái.

Thái tử cảm động, nên khi tốt nghiệp trở về đã lặn lội sang Việt Nam xem đất nước ấy như thế nào mà có những con người tốt bụng như thế. Tại đây chàng đã tình cờ thưởng thức thịt chó tại thôn Chè, xã Trà Thuỷ, huyện Sông Trà, tỉnh Trà Lý, thấy ngon quá bèn quyết định đưa các đầu bếp Việt Nam sang Belodistan mở nhà hàng bán món đặc sản có một không hai này. Và chuyện sau đó đã được Vũ Bão thuật lại chi tiết trong "Utopia - một miếng ở đời".

Đến đây, để tiện cho việc kể chuyện, bạn đọc cần được biết, ca sĩ hải ngoại có tên là David Tran. Khi đặt chân tới sân bay Belodistan, Tran ngạc nhiên khi thấy một chiếc Cadillac chờ sẵn ở cầu thang máy bay. Một người đàn ông khả kính, giới thiệu mình là quan chức khánh tiết của Hoàng cung cúi đầu chào anh và xin phép đưa anh về khách sạn sang trọng nhất ở thủ đô.

Lòng Tran tràn ngập mối nghi hoặc. Sau khi check-in, tắm rửa thay quần áo, anh lại được chiếc xe Cadillac đưa vào Hoàng cung. Lần đầu tiên anh tận mắt chứng kiến những vàng son huy hoàng mà lâu nay mới chỉ nhìn thấy qua phim ảnh. Thế rồi anh không tin vào mắt mình khi nhìn thấy người ngồi trên ngai vàng Belodistan chính là người bạn đồng môn nghèo thuở nào.

Khi Obama vào chiến dịch tranh cử nước rút ở Mỹ, và có nhiều cơ hội trở thành Tổng thống thứ 41 của Huê Kỳ, Quốc vương Belodistan suy nghĩ: Có lẽ đã đến lúc phải rút lui. Thế giới sắp được trao cho những nhà lãnh đạo 6X. Bên Nga đã có ông Medvedev sinh năm 1965, Huê Kỳ lại sắp có Obama sinh năm 1961. Ta trao quyền cho con trai ta thuộc hẳn thế hệ 7X để cạnh tranh với mấy ông lớn này.

Thế là Quốc vương thoái vị và trao vương miện cho con trai. Thái tử lên ngôi trong sự phấn khích tột độ của dân chúng. Lúc đấy khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã bắt đầu tác động tới Belodistan. Dân chúng tin rằng vị Quốc vương trẻ với bằng thạc sĩ kinh tế tài chính lấy được ở Mỹ sẽ giúp vương quốc của họ nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng.

Quốc vương trẻ không phụ lòng trông đợi của thần dân. Do quy mô của nền kinh tế còn nhỏ, mức độ phụ thuộc vào nước ngoài không nhiều, nhu cầu của người dân cũng không quá cao, nên Belodistan cũng nhanh chóng vượt qua được giai đoạn khó khăn. Củng cố được vị thế của mình, Quốc vương nhớ lại những người bạn thuở hàn vi và quyết định mời David Tran tới chơi.

Chẳng gì có thể diễn ra được niềm vui và sự đắc ý của Quốc vương khi chứng kiến sự ngạc nhiên tột cùng của người bạn thân sau nhiều năm mới gặp lại. Họ như quay lại thời cùng đi học và không hề cảm thấy khoảng cách nào trong vị thế xã hội. Quốc vương đưa Tran tới những nơi đẹp nhất trong Vương quốc Belodistan, khoản đãi Tran những món ăn ngon nhất, những thứ rượu tuyệt nhất và không từ chối Tran bất cứ lạc thú nào...

Một hôm, Quốc vương nói: "David, vậy là anh đã hầu như thưởng ngoạn tất cả mọi thứ ở xứ sở Belodistan này. Trước khi chia tay, tôi muốn anh tham dự một buổi thiết triều". Tran vui vẻ đồng ý.

Buổi thiết triều thực ra là phiên họp nội các với các nghi lễ đã được giản lược. Nội dung chủ yếu của phiên họp hôm đó là các vấn đề văn hoá - xã hội. Bộ trưởng Văn hoá là một người đàn ông ngoài 50, nguyên thư ký của cựu Quốc vương. Ông ta đọc tờ trình về các biện pháp chấn chỉnh hoạt động của các quán karaoke đang mọc lên như nấm sau mưa tại Vương quốc.

- Tại sao lại phải chấn chỉnh hoạt động tại các quán karaoke. Chẳng phải chính ông cách đây vài năm đã tư vấn Vua cha ta nên cấp phép hoạt động karaoke thoải mái để người dân được thoải mái vui chơi ca hát sao? - Quốc vương hỏi.

- Tâu bệ hạ, đúng như vậy. Nhưng các quán karaoke bây giờ bắt đầu biến thái ạ. Đấy trở thành nơi tụ tập của những cô gái làm tiền và bị đám thanh niên choai choai biến thành bãi đáp để chơi thuốc lắc ạ. - Bộ trưởng đáp.

- Vậy biện pháp mà ông đưa ra là gì?

- Tâu bệ hạ, thần thiết nghĩ, không nên rút giấy phép của các quán karaoke, chỉ cần cấm người hát nhảy múa thôi ạ. Karaoke là "hát không dàn nhạc", hát chứ không phải nhảy múa. Đến karaoke để hát là lành mạnh, còn để nhảy múa thì đích thị là "lắc" rồi.

- Nhưng tại sao hát lại không được nhảy múa?

- Muôn tâu, văn hoá nước ta như vậy. Bệ hạ thấy dân ca xứ ta chỉ hát, chứ có kèm nhảy múa đâu ạ? Dân ta cũng không có truyền thống nhảy múa, bằng chứng là chúng ta có điệu nhảy truyền thống nào đâu? Mấy điệu múa dán mác dân gian đều là cải biên nâng cao từ dân vũ của mấy tộc người thiểu số. Hát mà kèm nhảy múa đích thị du nhập từ nước ngoài, đó là chưa kể đấy còn là cái cớ để bọn người xấu "lắc" ạ...

- Chết thật, chết thật. Ngươi là quan chức văn hoá mà có những suy diễn thật thiển cận. Trong Hoàng cung của ta cũng có phòng karaoke, khi ta hát ta cũng nhún nhảy đấy, vậy nếu tấu trình của người được phê duyệt thì ta cũng sẽ chỉ được hát chay thôi sao?

- Dạ, tâu Bệ hạ, Bệ hạ là ngoại lệ...

- Không ngoại lệ gì hết, đã là luật thì bất kể Quốc vương hay thần dân đều phải chấp hành. Ta thấy tấu trình của ngươi vô lý một cách nực cười. Ngươi không quản lý được, bất lực trong việc phòng chống các tệ nạn tiêu cực, thì ngươi ra lệnh cấm, mà lại cấm một bộ phận tự nhiên và hữu cơ của một tổng thể. Ngươi đã đọc Trạng Quỳnh chưa?

Bộ trưởng Văn hoá cúi đầu nói khẽ: "Dạ, chưa ạ".

Quốc vương Belodistan khoát tay: "Ngươi chưa đọc cũng là phải thôi. Thời còn học đại học ở Mỹ, ta có may mắn được ở chung với ông Tran. Ông ấy đã kể cho ta nghe chuyện Trạng Quỳnh của Việt Nam. Vừa hài hước lại vừa thâm thuý. Ta vẫn coi đó là một trong những kim chỉ nam cho người cầm quyền. Tấu trình cấm nhảy múa khi hát của ông chẳng khác nào việc cấm hò reo khi giật nhà, hay chỉ cho ỉa mà không cho đái".

Triều thần Belodistan cười rần rần. Quốc vương phán: "Thấy chưa, chính triều thần cũng thấy đó là những quy định vô lý và không thực hiện được..."

Lúc đấy, Bộ trưởng Văn hoá mới nhìn lên Quốc vương lí nhí phân trần: "Dạ muôn tâu, cái này có phải thần nghĩ ra đâu ạ. Thần học tập kinh nghiệm của chính Việt Nam đấy chứ ạ..."

27/4/09

VĨNH BIỆT MÓN TIẾT CANH



Tiết canh là món khoái khẩu của không ít người Việt Nam. Cứ tưởng chỉ đàn ông mới thích tiết canh, nhưng thử đi qua những quán ngan vịt, lòng lợn tiết canh... sẽ thấy không ít chị em hớn hở xì xụp món ăn này.

Máu của nhiều con vật có thể chế biến thành tiết canh. Phổ biến nhất là lợn, kế đến là chó, dê, ngan, vịt, chim, baba, rắn... Nghe nói còn có cả tiết canh cua, tiết canh tôm nữa.

Có lần tôi được mời đi ăn thịt thú rừng, mấy anh bạn ngỏ ý muốn ăn một con dúi và đương nhiên, muốn được thưởng thức món đặc sản "tiết canh dúi". Khi nhân viên nhà hàng cầm cái gọi là con dúi ra thì tôi thật kinh hoàng khi thấy đó là một con chuột khổng lồ (ảnh).


Lấy cớ bận việc đột xuất, tôi biến thật nhanh khỏi quán ăn.

Nói như thế không có nghĩa là tôi không ăn tiết canh. Tôi đã ăn tiết canh lợn, vịt, dê... và thấy đó là món ăn khá ngon.

Máu là thứ không thể thiếu trong các cơ thể sống. Nhưng máu cũng là nơi chứa vô số vi khuẩn, vi trùng sinh bệnh. Tiết canh là món không nấu, máu được hãm đông, nên các vi khuẩn, vi trùng vẫn sống và hoàn toàn có khả năng tấn công khi đã ở trong cơ thể người.

Một số người mê món tiết canh lợn đã bị sán "ăn" não.

Không ít người tử vong vì virus cúm gà H5N1 là do ăn tiết canh ngan, vịt nhiễm bệnh.

Dịch viêm phổi cấp SARS bùng nổ ở Quảng Đông và Hồng Kông là do món ăn chế biến từ huyết của con cầy hương.

Điều gì sẽ xảy ra nếu ăn tiết canh của con vật trông bẩn thỉu và gớm ghiếc như con dúi, từ những con lợn mắc bệnh tai xanh, hoặc cúm lợn H1N1 như hiện nay?

Tốt nhất là hãy vĩnh biệt món tiết canh. Đó là cách giúp mình loại trừ một khả năng nhiễm bệnh.

26/4/09

YÊU MÌNH VÀ "NÔ TÍNH"


Thi đại học ở Trung Quốc

Bài “Các em thật giỏi quá” để lại trong tôi một ấn tượng mạnh hơn bất cứ lời bình nào về nền giáo dục của nước Mỹ. Người thầy giáo trong bài báo ấy chẳng khác một thiên thần. Ông đem lại cho lũ trẻ lòng công bằng, tình yêu thương, tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, tư duy lý tính, ý nghĩa của cuộc đời … Với cách giáo dục như thế, sao mà lũ trẻ không có tình thương, sao mà chúng còn chịu sự ràng buộc và hạn chế của những điều này khoản nọ nào đấy?

Tôi bỗng nhớ lại hồi học trung học, thầy giáo có tổ chức cho chúng tôi học tập tấm gương Lại Ninh.

Chuyện Lại Ninh như sau: Ngày 13 tháng 3 năm 1988, thiếu niên Lại Ninh 14 tuổi bỗng phát hiện thấy có đám cháy trong rừng, anh liền tức tốc chạy tới chỗ cháy và cầm lấy một cành cây hăng hái quên mình dập lửa. Tuy các đội viên đội chữa cháy từng khuyên mọi người chớ chạy đến gần đám lửa, nhưng vì không đành lòng nhìn thấy tài sản của Nhà nước bị thiệt hại, Lại Ninh vẫn tiếp tục dập lửa. Sau cùng đám cháy rừng bị dập tắt, hơn 3500 mẫu rừng được cứu thoát, trạm vệ tinh chuyển tiếp truyền hình trong rừng và nhà kho của công ty dầu lửa cũng bình yên vô sự. Sáng hôm 14, người ta tìm thấy xác Lại Ninh trong đống tro rừng. Tay phải anh vẫn còn nắm chặt cành cây, mặt hướng lên đồi, cặp kính cận thị văng đâu mất, tay trái bám lấy mặt đất, chân phải ở tư thế leo lên đồi. Lại Ninh đã vĩnh biệt chúng ta nhưng tinh thần của anh mãi mãi còn sống với chúng ta. Anh là tấm gương để chúng ta học tập noi theo! Anh mãi mãi là niềm kiêu hãnh của chúng ta!

Lại Ninh là một thiếu niên tốt và có tinh thần quý trọng của công rất cao. Thế nhưng tại sao chúng ta không dạy dỗ trẻ em cách phòng tránh khi có cháy rừng mà lại khuyến khích các em chạy tới đám cháy? Có “tài sản Nhà nước” nào quý hơn tính mạng con người chăng ? Những người thân của Lại Ninh sẽ phải chịu đựng nỗi đau như thế nào vì chuyện ấy ? Còn có cách giáo dục nào thiếu đạo đức hơn lối dạy trẻ em như thế không ? Nhất là ngày nay, trong khi một lũ quan tham ra sức chiếm đoạt “tài sản Nhà nước” thì ta vẫn tiếp tục dạy dỗ các em hy sinh thân mình để bảo vệ một loại tài sản nào đó, thử hỏi đạo trời ở đâu?

Tại nước Mỹ, khi xảy ra nguy hiểm, các thầy cô giáo bao giờ cũng khuyên răn học trò rời xa ngay nơi đó và hướng dẫn chúng rất tường tận cách tránh né. Họ hiểu rằng tính mạng giữ được thì lại có thể làm ra tài sản… Cách giáo dục của chúng ta thì có thể đưa bao nhiêu thanh thiếu niên ưu tú đi tới chỗ chết!

Thế nhưng trước đây tôi đâu có biết đạo lý ấy. Tôi từng mong muốn mình cũng được như Lại Ninh liều thân chữa cháy, dẫu có hy sinh trong đám lửa thì cũng không quản ngại. Cho tới năm học lớp 12, tôi được một thầy giáo trẻ dạy môn sử có lương tri bảo ban cho dần dần hiểu rõ thực chất của nhiều vấn đề, từ đó tôi bắt đầu suy nghĩ sâu sắc. Sau khi trở thành nhà báo, đi nhiều thấy nhiều, tôi dần dần hiểu ra rằng tính mạng con người, tình thương yêu, lòng khoan dung và niềm tin mới là thứ đáng quý nhất.

Kiểu giáo dục khuyên bảo lũ trẻ con ấu trĩ xông vào cứu cái gọi là “tài sản Nhà nước” ấy thật đáng trách, ngay cả loài cầm thú cũng chẳng làm thế. Tất cả mọi thứ vật chất đều có thể làm lại, riêng sinh mạng thì không thể.

Cách giáo dục ấy hủy hoại lũ trẻ từ nhỏ, xóa bỏ thiên tính của chúng, ươm trồng hạt giống tính nô lệ. Ngay từ ở nhà trẻ, có cô giáo đã quyết định thái độ đối xử với từng cháu tùy theo bố mẹ cháu chức vụ cao hay thấp, giàu hay nghèo; ngay từ tuổi ấy chúng đã dần dần học được cách lấy lòng cô giáo. “Nô tính” ấy thâm căn cố đế tới mức sau này có người leo lên địa vị lãnh đạo rồi mà vẫn còn giữ thói cũ, thậm chí còn nặng hơn. Thấy khách nước ngoài thì cung kính vâng vâng dạ dạ; thấy quần chúng bình thường thì nạt nộ ra oai … Thật là đáng buồn làm sao !

Chế độ giáo dục xóa bỏ lương tri, tính người, hủy hoại tình thương yêu, trau dồi nô tính và tính phục tùng, gạt người nghèo ra khỏi ghế nhà trường chẳng những chỉ đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo mà còn hủy hoại tiền đồ của một dân tộc. Nếu không thấy rõ sự khác biệt giữa chúng ta với người Mỹ ngay từ cách giáo dục trẻ em, nếu không cải tổ nền giáo dục mà cứ phát triển theo kiểu giết gà lấy trứng như thế này thì chúng ta sẽ mãi mãi chẳng đuổi kịp người Mỹ và con cháu chúng ta sau này sẽ phải trả giá đau khổ cho cách tăng trưởng kinh tế này.

Huy Đường (Lược dịch theo bài viết của Thời Hàn Băng trên báo Trung Quốc)

Nguồn: ... “Thật đáng buồn cho cách dạy của chúng ta...” Tạp chí Tia sáng



25/4/09

AI NGĂN CẢN LỌ LEM?


Bài đăng trên tạp chí Tia Sáng số ra mới đây

Thầy giáo bắt đầu giờ học văn bằng Chuyện Cô bé Lọ lem. Trước tiên thầy gọi một học sinh lên kể chuyện Cô bé Lọ lem. Em học sinh kể xong, thầy cảm ơn rồi bắt đầu hỏi.

Thầy: Các em thích và không thích nhân vật nào trong câu chuyện vừa rồi?
Học sinh (HS): Thích Cô bé Lọ lem Cinderella ạ, và cả hoàng tử nữa. Không thích bà mẹ kế và chị con riêng bà ấy. Cinderella tốt bụng, đáng yêu, lại xinh đẹp. Bà mẹ kế và cô chị kia đối xử tồi với Cinderella.
Thầy: Nếu vào đúng 12 giờ đêm mà Cinderella chưa kịp nhảy lên cỗ xe quả bí thì sẽ xảy ra chuyện gì?
HS:Thì Cinderella sẽ trở lại có hình dạng lọ lem bẩn thỉu như ban đầu, lại mặc bộ quần áo cũ rách rưới tồi tàn. Eo ôi, trông kinh lắm!
Thầy: Bởi vậy, các em nhất thiết phải là những người đúng giờ, nếu không thì sẽ tự gây rắc rối cho mình. Ngoài ra, các em tự nhìn lại mình mà xem, em nào cũng mặc quần áo đẹp cả. Hãy nhớ rằng chớ bao giờ ăn mặc luộm thuộm mà xuất hiện trước mặt người khác. Các em gái nghe đây: các em lại càng phải chú ý chuyện này hơn. Sau này khi lớn lên, mỗi lần hẹn gặp bạn trai mà em lại mặc luộm thuộm thì người ta có thể ngất lịm đấy (Thầy làm bộ ngất lịm, cả lớp cười ồ). Bây giờ thầy hỏi một câu khác. Nếu em là bà mẹ kế kia thì em có tìm cách ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử hay không? Các em phải trả lời hoàn toàn thật lòng đấy!
HS: (im lặng, lát sau có em giơ tay xin nói) Nếu là bà mẹ kế ấy, em cũng sẽ ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội.
Thầy: Vì sao thế?
HS: Vì …vì em yêu con gái mình hơn, em muốn con mình trở thành hoàng hậu.
Thầy: Đúng. Vì thế chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều chẳng phải là người tốt. Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ lại rất tốt với con mình. Các em hiểu chưa? Họ không phải là người xấu đâu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con người khác như con mình mà thôi.
Bây giờ thầy hỏi một câu khác: Bà mẹ kế không cho Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử, thậm chí khóa cửa nhốt cô bé trong nhà. Thế tại sao Cinderella vẫn có thể đi được và lại trở thành cô gái xinh đẹp nhất trong vũ hội?
HS: Vì có cô tiên giúp ạ, cô cho Cinderella mặc quần áo đẹp, lại còn biến quả bí thành cỗ xe ngựa, biến chó và chuột thành người hầu của Cinderella.
Thầy: Đúng, các em nói rất đúng! Các em thử nghĩ xem, nếu không có cô tiên đến giúp thì Cinderella không thể đi dự vũ hội được, phải không?
HS: Đúng ạ!
Thầy: Nếu chó và chuột không giúp thì cuối cùng Cinderella có thể về nhà được không ?
HS: Không ạ!
Thầy: Chỉ có cô tiên giúp thôi thì chưa đủ. Cho nên các em cần chú ý: dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần có sự giúp đỡ của bạn bè. Bạn của ta không nhất định là tiên là bụt, nhưng ta vẫn cần đến họ. Thầy mong các em có càng nhiều bạn càng tốt.
Bây giờ, đề nghị các em thử nghĩ xem, nếu vì mẹ kế không muốn cho mình đi dự vũ hội mà Cinderella bỏ qua cơ hội ấy thì cô bé có thể trở thành vợ của hoàng tử được không?

HS: Không ạ! Nếu bỏ qua cơ hội ấy thì Cinderella sẽ không gặp hoàng tử, không được hoàng tử biết và yêu.
Thầy: Đúng quá rồi! Nếu Cinderella không muốn đi dự vũ hội thì cho dù bà mẹ kế không ngăn cản đi nữa, thậm chí bà ấy còn ủng hộ Cinderella đi nữa, rốt cuộc cô bé cũng chẳng được lợi gì cả. Thế ai đã quyết định Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử?
HS: Chính là Cinderella ạ.
Thầy: Cho nên các em ạ, dù Cinderella không còn mẹ đẻ để được yêu thương, dù bà mẹ kế không yêu cô bé, những điều ấy cũng chẳng thể làm cản trở Cinderella biết tự thương yêu chính mình. Chính vì biết tự yêu lấy mình nên cô bé mới có thể tự đi tìm cái mình muốn giành được. Giả thử có em nào cảm thấy mình chẳng được ai yêu thương cả, hoặc lại có bà mẹ kế không yêu con chồng như trường hợp của Cinderella, thì các em sẽ làm thế nào
HS: Phải biết yêu chính mình ạ!
Thầy: Đúng lắm! Chẳng ai có thể ngăn cản các em yêu chính bản thân mình. Nếu cảm thấy người khác không yêu mình thì em càng phải tự yêu mình gấp bội. Nếu người khác không tạo cơ hội cho em thì em cần tự tạo ra thật nhiều cơ hội. Nếu biết thực sự yêu bản thân thì các em sẽ tự tìm được cho mình mọi thứ em muốn có. Ngoài Cinderella ra, chẳng ai có thể ngăn trở cô bé đi dự vũ hội của hoàng tử, chẳng ai có thể ngăn cản cô bé trở thành hoàng hậu, đúng không?
HS: Đúng ạ, đúng ạ!
Thầy: Bây giờ đến vấn đề cuối cùng. Câu chuyện này có chỗ nào chưa hợp lý không ?
HS: (im lặng một lát) Sau 12 giờ đêm, mọi thứ đều trở lại nguyên dạng như cũ, thế nhưng đôi giày thủy tinh của Cinderella lại không trở về chỗ cũ.
Thầy: Trời ơi! Các em thật giỏi quá! Các em thấy chưa, ngay cả nhà văn vĩ đại (nhà văn Pháp Charles Perrault, tác giả truyện Cô bé Lọ lem) mà cũng có lúc sai sót đấy chứ. Cho nên sai chẳng có gì đáng sợ cả. Thầy có thể cam đoan là nếu sau này trong số các em có ai muốn trở thành nhà văn thì nhất định em đó sẽ có tác phẩm hay hơn tác giả của câu chuyện Cô bé Lọ lem! Các em có tin như thế không?
Tất cả học sinh vỗ tay reo hò hoan hô.

Huy Đường Lược dịch theo báo Trung Quốc

Nguyên bản: Các em giỏi quá


23/4/09

VIỆT NAM CÓ CAVE LỚN NHẤT THẾ GIỚI



Việt Nam vừa lập được một kỷ lục thế giới mới về cave. Đây là cave - hang động, chứ không phải như mọi người nghĩ đâu nhé.

Đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh do ông Howard Limbirt dẫn đầu, vừa kết thúc đợt tìm kiếm hang động mới nhất ở Việt Nam tại khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng ở tỉnh Quảng Bình và đã tìm thấy hang Sơn Đoòng.


Hang này có chiều cao 150m, rộng 140 m, nghe nói là lớn gấp 5 lần hang Phong Nha, vượt qua hang Deer ở Malaysia để chiếm ngôi đầu bảng hang động lớn nhất thế giới. Như vậy, đương nhiên con sông ngầm ở hang này cũng lớn hơn con sông ngầm ở Phong Nha, và đương nhiên cũng đứng đầu thế giới.

Nhưng có cái tên thì thấy mỗi báo đưa một phách: Sơn Đoòng (Lao Động, Thanh Niên, VNExpress), Sơn Đồng (Tuổi trẻ, VietnamNet).

Ảnh: Đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh

21/4/09

TỪ GƯƠNG MẶT ĐÁM ĐÔNG ĐẾN GƯƠNG MẶT TOÀN CẦU



Nửa tháng trước đừng nói là thế giới, mà ngay cả những người dân bình thường ở Blackburn, West Lothian (Scotland - Anh) cũng không biết Susan Boyle là ai?

Thế rồi, đêm 11.4, người phụ nữ 47 tuổi vóc dáng xồ xề với dung mạo không thể nói là xinh đẹp - một gương mặt không dễ nhận biết trong đám đông, bước ra sân khấu của chương trình Britain's Got Talent. Trả lời Simon Cowell - vị giám khảo nổi tiếng khó tình của "American Idol", chị nói chị muốn được nổi tiếng như ca sĩ Elaine Paige.

Không chỉ Cowell, hai giám khảo khác, mà cả khán phòng đều tỏ vẻ hoài nghi. Rồi người phụ nữ đó cất tiếng hát với bài "I Dreamed a Dream" (Tôi mơ một giấc mơ - hay "Trông giấc mơ tôi vẫn thường mơ" - câu từ bài hát "Hà Nội và tôi" của Lê Vinh) . Không thể tin được, đó là giọng hát của một thiên thần.

Đã nhiều lần xem Americal Idon, tôi chưa bao giờ thấy ánh mắt của Cowell lộ rõ vẻ ngạc nhiên thích thú đầy ngưỡng mộ đến như vậy. Nó giống như người đàn ông bắt gặp tiếng sét ái tình vậy. Và không chỉ Cowell, cả khán phòng đều phải hứng chịu tiếng sét đó.



Khi đoạn video ứng thí của Susan Boyle được đưa lên Youtube, chỉ sau ít ngày 50 triệu lượt người đã xem. Susan Boyle ngay lập tức trở thành hiện tượng toàn cầu, báo chí thế giới tới tấp đưa tin về chị và ngay lập tức ông hoàng phỏng vấn Larry King của CNN đưa chị lên chiếc ghế nóng của ông.

Susan Boyle là ai? Đương nhiên, chị là người Scotland. Chị chưa bao giờ học hát bài bản ở trường lớp. Chị thất nghiệp, hiện đang làm tình nguyện viên cho nhà thờ. Chị dành một thời gian dài chăm sóc người mẹ đau yếu cho đến lúc bà qua đời mới đây. Chị chưa kết hôn lần nào. Và còn một điều nữa mà chị mới thú nhận: Chị chưa từng hôn ai...

Nếu Susan Boyle có một dung mạo dễ coi hơn, có lẽ chị đã nổi tiếng từ nhiều năm trước. Để được đứng hát trên sân khấu, người ta không chỉ cần có giọng hát. Và lâu nay, có khi còn không cần cả giọng hát.

Nhưng nếu như Susan Boyle không xấu như thế, thì liệu chị có thể trở thành siêu sao ca hát toàn cầu chỉ sau có một đêm và chỉ hát có đúng một bài?

Không có gì phải bàn cãi, giọng hát của chị quả là thiên thần. Chị chinh phục được những khán giả khó tính nhất. Chị bắt đầu ca hát từ khi 11 tuổi, và đã nuôi dưỡng giấc mơ của mình suốt gần 40 năm qua. Đó là sự kiên trì đáng khâm phục.

Nhưng còn có cả những điều khác nữa đã mang lại danh tiếng lanh nhanh với tốc độ ánh sáng cho người phụ nữ này. Nếu chị không giữ trong mình những giá trị của một lối sống bình dị, nếu chị không phải vướng bận với những lo toan như tất cả những người khác, nếu chị không có một đời sống riêng chật vật như vậy, mà vẫn toát lên một thái độ lạc quan và tự tin... thì chưa chắc chị đã có ngày hôm nay.



Khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến cho hàng trăm triệu người phải khốn đốn. Nhưng khủng hoảng không thể quật ngã được con người. Susan Boyle là một ví dụ điển hình như thế. Chị như một tia sáng giúp nhiều người lấy lại được niềm tin vào cuộc sống.

Phải chăng đó là bí quyết đưa người phụ nữ không có gì dị biệt này trở nên vô cùng đặc biệt?



19/4/09

ĐỪNG ĐỂ MẤT VIÊN NGỌC BA BỂ



Cùng với Vịnh Hạ Long, động Phong Nha..., hồ Ba Bể là một trong những báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam. Nằm giữa những dãy núi đá vôi ở độ cao 145 m so với mặt nước biển ở tỉnh Bắc Kạn, hồ Ba Bể quả là điểm đến hấp dẫn.

Khá hoang sơ, hầu như không có dịch vụ gì - đó là những điểm nổi bật của Ba Bể. Nghe nói Bắc Kạn đã yêu cầu những công ty lớn muốn tìm cơ hội làm ăn trên địa bàn tỉnh đều phải đưa ra một dự án thu hút du khách đến với Ba Bể.

Tôi cứ mong nơi đây không biến thành điểm du lịch, để cái hồ ấy xứng đáng là viên ngọc của vùng rừng núi phía bắc của đất nước. Du khách mà đến đây thì chẳng mấy chốc mà mất cái hồ đã được Hội nghị hồ nước ngọt thế giới đưa vào danh sách 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ.

Từ bến đò Buốc Lốm, xuôi theo dòng sông Năng, chui qua động Puông ta sẽ đến Hồ Ba Bể. Phong cảnh hai bên bờ khi thì nên thơ, khi thì hoang dã dữ dội.





Người dân chở trâu bò và đánh bắt tôm cá trên sông Năng

Cảnh đẹp trên Hồ Ba Bể










18/4/09

ĐÀN ÔNG VÀ OPERA XÀ PHÒNG



Thời ấy cách đây có lẽ đã gần 2 thập niên.

Một sáng anh đến cơ quan, dắt xe máy đi qua phòng thường trực, bà thường trực gọi giật lại: "Này, lát quay ra đây u bảo".

Anh cất xe máy rồi quay ra. Mặt bà thường trực hốc hác, phờ phạc, hai mắt đỏ húp híp. Anh hỏi: "U có chuyện gì thế?"

Bà ngập ngừng, mắt ầng ậc nước, rồi sụt sùi: "Cái con mụ mẹ chồng ác quá con ạ!". À, phải rồi, con gái bà mới lấy chồng, chắc mẹ chồng - nàng dâu cãi vã xung đột đây. Anh hỏi ân cần: "Thế ạ? U kể cho con nghe xem bà ấy quái ác như thế nào?".

Bà sụt sùi kể đứt đoạn, không đầu không đuôi về một bà mẹ chồng hành hạ con dâu, những chuyện nghe có phần xa vời, nghe có vẻ không giống lắm với một cuộc hôn nhân hiện đại. Anh sốt ruột ngắt lời: "Có phải u đang kể về bà mẹ chồng của con gái u không?".

Bà nhìn anh như nhìn một sinh vật lạ ngoài trái đất. "Không, con gái u thì liên quan gì đến chuyện này. U đang kể cho con nghe phim "Xóm vắng". Phim bộ nhiều tập của Đài Loan, u thuê ở cửa hàng video về xem. Hôm nào cũng phải xem đến 2-3 giờ sáng mới đi ngủ. Vừa xem vừa khóc. Sao lại có cái phim hay thế không biết!".

Anh thở phào. Hoá ra là bà vật vã với số phận của những nhân vật trong bộ phim được dựng từ tác phẩm siêu sến của nhà văn Quỳnh Dao, chứ không phải có điều gì bất hạnh xảy ra với gia đình bà.

... Mấy năm trước, truyền hình nóng bỏng với "Giày thủy tinh". Sáng nào hai cô gái cùng phòng anh cũng bàn luận với nhau về diễn tiễn mới nhất trong vở opera xà phòng Hàn Quốc dài hàng trăm tập này. Các cô thông cảm, bực bội, thở ngắn thở dài, đoán già đoán non. Khi anh hỏi các cô đang bàn chuyện gì, thì một cô lên tiếng: "Phim trên tivi, anh không xem à? Phim hay lắm. Không xem phí cả đời".

Hmm, phí đời là thế nào? Thật chẳng hiểu ba cái phim opera xà phòng thì có gì hay ho để mà bàn luận cơ chứ?!?

Đầu năm nay lên thư viện giở xem các bìa báo Tết, chị thủ thư bảo: "Tăng Thanh Hà đắt sô ghê, lên nhiều bìa báo quá!".

Anh hỏi: "Cô này là người mẫu hay ca sĩ hả chị?". Cậu thanh niên ngồi bên cạnh cười khùng khục: "Em ấy là diễn viên, đang nổi như cồn trên truyền hình. Anh không xem "Bỗng dưng muốn khóc" à...?". Ồ, làm gì có thời gian mà xem. Với lại nghe cái tên phim đã không muốn xem rồi! Cậu thanh niên nói: "Không đến nỗi nào, xem được anh ạ. Giải trí ấy mà".

Thế là từ "Nô tì Isaura" Brazil, "Đơn giản tôi là Maria" Mexico, "Xóm vắng" Đài Loan, "Giày thủy tinh" Hàn Quốc, nay chúng ta đã có opera xà phòng nội địa. "Bỗng dưng muốn khóc"! Nghe rất chi là "bỗng dưng"...

Chẳng những thế báo chí còn đi theo trào lưu "bỗng dưng" này. Nhìn lên các tít báo từ báo trung uơng, đến báo địa phương, từ báo đoàn thể đến báo ngành, từ báo in đến truyền hình rồi báo mạng, đâu đâu cũng thấy những cái tít rất chi là "bỗng dưng"... Bỗng dưng chàng hồi xuân, bỗng dưng muốn chán, bỗng dưng mất đường, bỗng dưng mua nhà đắt hơn 30%, giếng làng bỗng dưng thành giếng thánh, xe khách bỗng dưng bốc cháy, khi bạn đời bỗng dưng... trầm cảm. Và còn vô số "bỗng dưng" khác.

... Tháng rồi, anh tham gia vào nhóm gần năm chục anh đàn ông... bỗng dưng phải tham gia vào một khoá huấn luyện tại ngôi trường cách thủ đô ngót trăm cây số. Ngôi trường biệt lập ở giữa cánh đồng, nội bất xuất ngoại bất nhập, ăn uống ngủ nghỉ theo hiệu lệnh, chỉ cuối tuần mới được về nhà và chưa hết cuối tuần thì lại hớt hải lên.

Ở cái chốn "câu lưu" ấy Internet không, hàng quán không, có mỗi cái tivi, nên ăn uống, tập tành, đánh cờ đánh bài xong rồi thì cuối cùng cũng lại quay ra xem tivi. Thế là đám đàn ông khám phá ra rằng sau thời sự 7 giờ có thể xem tù tì ba phim liền trước khi đến với thể thao 360 độ, rồi bóng đá vào lúc nửa đêm. Đầu tiên là "Đi qua bóng tối" trên VTV1, sau đó là "Lập trình trái tim" và "Những nàng công chúa nổi tiếng" trên VTV3. Hai phim đầu của Việt Nam, phim sau của Hàn Quốc.

Buộc phải xem, nên các quý ông bỗng dưng thấy phim truyền hình Việt Nam xem cũng... được. Cái "Đi qua bóng tối" tình tiết phức tạp, éo le ra phết. Cô Liễu xinh đẹp ghê gớm mưu mẹo quá. Luật sư Quân thì tuy dại gái, nhưng hơi bị cù lần trong quan hệ với phụ nữ. Ông Phó Chủ tịch tỉnh Nô và bà Nguyệt doanh nhân hoá ra lại tình tang với nhau từ trước, chưa biết chừng cô Tuyết - nhân vật chính (ảnh) - lại là con chung của hai người.



À, nhân tiện nói về cô Tuyết. Các ông kháo nhau: Trông ngây thơ hiền lành nhu mì đáng yêu đấy chứ! Nhưng sao xồ xề sớm thế nhỉ? Một ông U60 nhất định "kết" Tuyết, một hai quả quyết rằng phụ nữ (kể cả còn con gái) là phải có da có thịt như thế chứ...

Nghỉ cuối tuần lên, ông loan báo cho tất cả mọi người một tin hot. Con trai tuổi teen của ông kể tường tận chi tiết về nữ diễn viên đóng vai này với những chiêu PR cá nhân trên mạng làm ông bỗng dưng... thất vọng. Ông thở dài sườn sượt: "Trông mặt nó ngây thơ, hiền dịu thế cơ mà..."

Thế là tan nát một thần tượng của quý ông U60!

Nếu không có vụ "câu lưu" này, chắc anh cũng như năm chục quý ông chẳng bao giờ ngó ngàng đến opera xà phòng Việt Nam và không bao giờ hiểu rằng, ngoài chính trị, thể thao, tiền bạc... thì opera xà phòng cũng có thể là món đem ra tám khi nhạt miệng.


12/4/09

NHỮNG HUYỀN THOẠI VỀ CÁI CHẾT CỦA GAGARIN



Ngày này cách đây 48 năm, 12.4.1961, Yuri Gagarin – công dân Liên Xô đã trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ, thực hiện ước mơ hàng nghìn năm của nhân loại. Ngày này được Liên Xô, sau đó là Nga, và cả loài người kỷ niệm như sự kiện bước ngoặt trong công cuộc chinh phục không gian.

Với nụ cười tươi và gương mặt đẹp, Yuri Gagarin đã trở thành thần tượng của thanh niên toàn cầu trong thập niên 1960. Nhưng chưa đầy 7 năm sau, vào ngày 27.3.1968, thế giới đã sững sờ khi hay tin: Gagarin tử nạn trong khi thực hiện một chuyến bay thử nghiệm ở tuổi 34. Cùng thiệt mạng trong tai nạn này là Anh hùng Liên Xô Vladimir Seregin.

Uỷ ban điều tra của chính phủ Liên Xô sau khi nghiên cứu các bằng chứng thu thập được đã đi đến kết luận rằng chiếc máy bay MiG-15 UTI do Gagarin và Seregin điều khiến đã không thành công trong thực hiện cú bổ nhào theo đường xoắn ốc và bị đâm xuống đất.

Tuy nhiên, nhiều dữ liệu đã không được trao cho uỷ ban điều tra và một số điều đã không được xem xét đầy đủ. Những giả thiết khác nhau về nguyên nhân vụ tai nạn đã được đưa ra: nổ máy bay, rạn nứt trong khoang lái, vật lạ trong động cơ… Kết luận mà Uỷ ban điều tra đưa ra do vậy kém sức thuyết phục, khiến nảy sinh nhiều tin đồn và đủ loại huyền thoại.

Một trong số những giả thiết gây tranh cãi nhất là Gagarin bị thủ tiêu. Do không còn được ban lãnh đạo Liên Xô đánh giá cao, nên Gagarin có âm mưu chống lại chế độ (?!). Người ta còn cho rằng Gagarin nghiện rượu và say bí tỉ trong thời điểm chuyến bay thử nghiệm. Chính vì thế, ông đã không điều khiển được máy bay. Còn phi công Seregin thì bị suy thận (?!). Giả thiết này có vẻ thực tế, vì biên bản pháp y cho thấy có nồng độ cồn trong cơ thể của Gagarin.

Một huyền thoại khác là Gagarin bị cơ quan tình báo phương tây mua chuộc. Do linh tính mách bảo mình đã bị lộ, nên ông đã quyết định tự sát để giữ thể diện cho nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Liên Xô. Và chuyến bay thử nghiệm đã trở thành cơ hội duy nhất để ông thực hiện ý định của mình.

Những người say mê khoa học viễn tưởng thì cho rằng Gagarin và Seregin đã đụng độ với vật thể bay không xác định (NLO). Những người ngoài hành tinh đã tác động ngoại cảm khiến Gagarin và Seregin bị tê liệt, chiếc máy bay bị mất lái và đâm xuống đất.

Vào giữa thập niên 1980, báo chí Liên Xô bắt đầu đăng tải những bài báo về nguyên nhân vụ tai nạn của Gagarin, trích dẫn ý kiến của các thành viên trong Uỷ ban điều tra, các nhà khoa học, các chuyên gia quân sự, cũng như những người đã chứng kiến thảm hoạ. Trong số đó có Giáo sư Sergei Beloserkovsky, phi công vũ trụ Leonov và nhiều nhà hoạt động nổi tiếng khác.

15 năm sau thảm kịch, GS Beloserkovsky đã tiến hành nghiên cứu chi tiết nguyên nhân vụ tai nạn. Công việc này được tiến hành suốt mấy năm trời với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, phi công… Họ đã ứng dụng những công nghệ tính toán hiện đại, tiến hành những thí nghiệm có một không hai… để rồi đi đến kết luận rằng một loạt nguyên nhân đã ảnh hưởng đến chuyến bay của Gagarin. Nếu đặt chúng riêng lẻ, thì không mấy nguy hiểm, nhưng tổng hợp chúng lại thì gây ra hậu quả nghiêm trọng như chúng ta đã biết.

GS Beloserkovsky phủ nhận giả thiết cho rằng chiếc máy bay bị trục trặc kỹ thuật, các phi công có vấn đề sức khoẻ, máy bay va phải một đàn chim trời…, tức là phủ nhận tất cả những kết luận mà Uỷ ban điều tra đưa ra. Theo ông, nguyên nhân chính khiến chiếc máy bay mất lái là do nó sà xuống quá thấp so với chiếc máy bay Su-11 bay trước đó. Máy bay của Gagarin sa vào luồng khí do máy bay đó thải ra khiến nó bị bổ nhào theo đường xoắn ốc.

Trong tình thế đó, Gagarin và Seregin đã cố gắng vượt ra. Họ thao tác rất nhanh và đúng đắn trong tầm nhìn bị hạn chế do bay trong mây. Nhưng sai lầm của đài khí tượng đã khiến họ xác định nhầm độ cao của tầng mây dưới và họ đã vượt ra khỏi mây ở độ cao thấp hơn so với quy định. Các phi công đã làm tất cả để cứu mình, nhưng họ không có đủ 250-300 mét độ cao và tai nạn thảm khốc đã xảy ra.

Như vậy nguyên nhân dẫn đến cái chết của Gagarin và Seregin là chiếc máy bay Su-11 vi phạm vùng bay của chiếc máy bay thử nghiệm. Phi công vũ trụ Leonov cũng đã đưa ra ý kiến tương tự trong cuộc họp báo ngày 24.3.2003, nhân lễ tưởng niệm 35 năm ngày mất của Gagarin.

Tuy nhiên, đến giờ vẫn nhiều người không đồng ý với kết luận trên và tiếp tục đưa ra những giả thiết mới.



11/4/09

ĐÊM ĐOM ĐÓM



... Cậu bé sống ở một thị xã miền núi. Thị xã nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi xanh bủa vây tứ phía. Một con sông sâu có sườn dốc đá dựng đứng cắt đôi thị xã. Những cánh đồng như giành giật đất với những khu dân cư bé nhỏ.

Cậu bé theo mẹ chuyển qua nhiều căn nhà ở những khu khác nhau trong cái thị xã nhỏ như lòng bàn tay này. Cứ vài năm nó lại chuyển đến một ngôi trường mới, làm quen và kết thân với một đám bạn mới.

Những căn nhà tranh mà mẹ con nó ở đem lại cho nó khung cảnh thiên nhiên của đồng quê, hơn là cảm giác phố phường chật hẹp. Nó chơi đủ trò với lũ trẻ con, nghịch bẩn, đánh nhau như bất cứ chú nhóc nào.

Nhà tranh mùa lạnh cũng như mùa nóng, hơi thở của thiên nhiên luôn tràn ngập trong nhà. Buổi tối, trước khi đi ngủ, nó ra sau nhà tè và luôn nhìn thấy cánh đồng sáng huyền ảo trong những ngọn đèn chập chờn của hàng vạn con đom đóm.

Mẹ nó làm trong bệnh viện, lấy về cho nó những chiếc lọ đựng peniciline. Nó cùng lũ bạn bắt đom đóm thả vào đó để có những chiếc đèn với ánh sáng xanh vô cùng dịu mát. Chơi chán, chúng thả đom đóm ra, vì tin rằng đom đóm là linh hồn của những người đã khuất, mang chút ánh sáng trở lại với đời.

Tuổi thơ êm đềm của cậu bé đột ngột chấm dứt vào năm nó 13 tuổi. Mẹ nó đột ngột qua đời vào một đêm thứ Bảy vì sự tác trách của các đồng nghiệp. Bà bị mất máu mà người cầm chìa khoá tủ máu dự trữ lại nghỉ không có cách nào tìm được. Bà chết tại chính cái bệnh viện mà bà đã cứu sống được rất nhiều người.

Cậu bé quen sống một mình, vì mẹ nó hay phải đi trực đêm. Bố nó ở xa và nó chưa thể chuyển ngay về ở với bố.

Một hôm bố nó về thăm. Bố nó bảo: "Con lên giường ngủ chung với bố". Nó lắc đầu: "Con ngủ một mình quen rồi".

Nó nằm một lúc, thấy bố nó trở mình ở giường bên cạnh và thở dài. Nó bỗng thấy thương bố nó quá, ông đã vượt qua hàng trăm cây số đường đèo dốc để về đây thăm nó. Thế mà...

Nó lồm cồm bò dậy, cầm gối, leo lên giường bên và nằm ôm lấy bố.

Sáng sau, bố nó hỏi: "Tối qua có phải con sợ khi nhìn thấy một con đom đóm to trên xà nhà không?"

Nó nhớ lại, đúng là đêm qua có một con đom đóm rất to bay vào nhà. Nhưng nó chơi với đom đóm quen rồi, nó đâu có sợ?

Bố ôm nó vào lòng: "Con đừng sợ, nếu mẹ có về, thì mẹ cũng không bao giờ làm hại con..."

Cậu bé không nói gì, nước mắt nó rơi lã chã.

... Rất nhiều năm đã trôi qua. Cậu bé dọn về thành phố sống với bố. Rồi cậu lớn lên, đi học đại học, đi làm, trở thành một người đàn ông như hàng triệu người đàn ông khác tất bật với vòng quanh của cuộc sống trong cái thành phố đông dân này.

Một ngày, người đàn ông đi công tác đến một miền quê. Anh nghỉ đêm trong một căn nhà gạch ở giữa cánh đồng. Sau bao nhiêu năm, anh mới lại được sống với hơi thở của thiên nhiên tràn ngập trong căn nhà.

Xem xong bộ phim phát trên sóng truyền hình vào lúc 23 giờ, anh tắt tivi, đẩy cánh cửa gỗ, bước ra bên ngoài. Đêm thật ấm áp và yên tĩnh. Và ngay bên bậc thềm, một con đom đóm to đang nhấp nháy toả sáng. Anh đưa mắt nhìn rộng ra thì thấy cả cánh đồng rập rờn huyền ảo bởi ánh sáng từ hàng vạn con đom đóm.

Thứ ánh sáng xanh dịu mát như vuốt ve cặp mắt anh.

Và anh thấy mình khóc.

10/4/09

HẢI ĐÔNG LONG CUNG TỰ



Hải Đông Long Cung Tự là một trong ba ngôi chùa linh thiêng nhất thờ Phật bà Quan âm ở Hàn Quốc. Chùa toạ lạc ở thành phố Busan.

Những bức ảnh này chụp tháng 11.2006.















Website của Hải Đông Long Cung Tự: http://www.yongkungsa.or.kr

free hit counters
 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết