Bà là người phải chịu đau buồn nhất kể từ khi ông mất.
Con cái lớn đi hết, ông bà sống với nhau ở cái cơ ngơi mà ông đã dành dụm cả đời để xây dựng nên. Nhà ngói cây mít, sân gạch, giếng nước trong vắt mát lạnh, mảnh vườn quanh năm có rau xanh và đầy hoa trái. Hoa bưởi, hoa cau nở theo mùa thơm ngát. Hai ông bà sống với nhau đầm ấm trong cảnh điền viên như thế.
Thế rồi vào một buổi chiều mùa đông khi bà nấu xong cơm, lên nhà mời ông dậy để xơi cơm, thì đã thấy ông đi tự lúc nào. Gương mặt thanh thản và mãn nguyện. Bà khóc nấc lên, nước mắt thấm ướt lồng ngực đang lạnh dần của ông : "Sao ông lại để tôi ở lại một mình, ông ơi?"
Bà còn lại một mình trong cái cơ ngơi rộng thênh thang và hoang vắng ấy. Đói cơm không muốn ăn. Cái sân rụng đầy lá không muốn cầm chổi quét. Con trai lớn và con gái thứ hai đều sống ở thành phố. Chỉ có cô út lấy chồng, dạy học ở làng bên, năm bảy ngày mới rẽ qua một lần, quáng quàng nấu cho mẹ niêu cơm, hỏi han vài câu rồi lại tất tả đạp xe về nhà chăm con.
Chị là con gái thứ hai. Làm trăm ngày cho cha, chị trở về nhà và xót xa khi thấy mẹ tiều tuỵ quá. Cơm nước xong xuôi, chị thưa với bác trưởng họ cho phép đón mẹ lên thành phố để tiện bề chăm sóc mẹ hơn.
Ông trưởng họ nói: "Cháu đón mẹ lên là đúng, con cái phải báo hiếu cha mẹ. Nhưng cháu nên hỏi xem mẹ cháu có đồng ý không?". Chị cầm lấy hai bàn tay gầy guộc của mẹ: "Mẹ đồng ý chứ mẹ?". Bà đưa mắt nhìn khắp căn nhà thân thuộc một lượt, nước mắt ứa ra, rồi nhìn chị gật đầu.
Bà đồng ý đi không phải bởi vì bà cần có ai chăm sóc, mà chỉ bởi vì bà không thể chịu đựng được, khi mỗi ngóc ngách, vật dụng trong căn nhà này đều khiến bà nhớ tới ông, nhớ tới những kỷ niệm về một cuộc sống đã vĩnh viễn rời xa.
Chị đưa mẹ về căn nhà 4 tầng ở phố, sắp xếp cho bà một căn phòng ở tầng một ngay cạnh bếp và phòng ăn của cả nhà. Chị nghỉ ở nhà một tuần để giúp mẹ thích nghi với cuộc sống mới. Tối chị ngủ cùng mẹ, hai mẹ con rủ rỉ ôn lại những chuyện ngày xửa ngày xưa. Chị cảm thấy bà hài lòng với cuộc sống ở đây.
Chị là chủ một công ty may mặc xuất khẩu. Nghỉ một tuần ở với mẹ, chị như ngồi trên đống lửa. Mẹ chị nhận thấy điều đó, bà chủ động nói: "Con à, mẹ cũng quen ở đây rồi. Con nên đi làm, kẻo công việc lại chất đống ở đó".
Chị lao đầu vào công việc , 9-10 giờ khuya mới về đến nhà. Cơm nước đã có oshin lo. Chồng con thì tự chăm sóc nhau. Chị vừa mừng vừa tủi, khi thấy mẹ đích thân dọn cơm cho chị và ngồi cùng ăn. Chị ngạc nhiên: "Sao mẹ không ăn với anh ấy và các cháu?". "Thôi mẹ đợi con về ăn cùng con cho vui. Ăn một mình đâu có vui!".
Nhưng không phải hôm nào chị cũng về được để ăn cùng mẹ. Có hôm xong việc chuẩn bị về, lại nhận được điện thoại của đối tác yêu cầu hoàn thành nhanh đơn hàng, lỡ vài ngày có thể ế cả lô hàng. Thế là chị lại ngọt nhạt với công nhân để họ làm thêm ca và đích thân phải ở lại để đốc thúc. Chị gọi điện về nhà nói mẹ để bà không chờ cơm.
Đơn hàng ngày một nhiều, container liên tục phải gửi. Những bữa ăn tối ở nhà của chị cũng ngày một thưa thớt hơn. Chị vẫn gọi điện hỏi han mẹ mỗi ngày, yêu cầu cô oshin nấu cho bà những món ăn cần cho người già. Một ngày cô oshin mất hết kiên nhẫn và nói: "Cô ơi, cô cứ bắt cháu làm hết món này đến món kia làm gì? Vừa tốn công vừa tốn tiền. Bà có ăn mấy đâu?".
Chị ngạc nhiên gắt: "Sao lại không ăn?". Nó đáp hồn nhiên: "Cô hỏi bà ấy. Những hôm cô không về bà có thiết ăn uống gì đâu?"
Tối đó, chị cố gắng về nhà sớm. Ngồi ăn cơm với mẹ, chị nói: "Mẹ à, mẹ thông cảm cho con, công việc bận rộn quá, phải ở lại công ty cũng là việc chẳng đừng. Những hôm con không về được, con sẽ báo sớm, mẹ ăn tối luôn với chồng con và các cháu nhé. Chứ mẹ cứ đợi con rồi con không về được lại bỏ bữa thì không tốt đâu".
Bà nói chậm rãi: "Con đừng lo, người già đâu có ăn nhiều. Ngày mẹ chỉ cần ăn một bữa là đủ. Nhưng thôi được, cứ làm như con vừa nói nhé!". Chị nhìn mẹ lòng đau như cắt.
Một buổi tối, chị ở trên công ty thì đột ngột nhận được điện thoại của bà. Nghe giọng của mẹ trong điện thoại, chị giật mình, bà chưa bao giờ gọi điện cho chị từ ngày ra thành phố ở với vợ chồng chị. "Có chuyện gì thế mẹ ơi?" - chị sốt ruột hỏi. Bà khẽ đáp: "Mẹ muốn về nhà. Mai con đưa mẹ về quê nhé!".
Giọng chị run lên, chực khóc: "Mẹ ơi, chồng con hay các cháu có sơ xuất gì mà mẹ lại giận thế? Con xin lỗi". Bà vẫn khẽ khàng: "Không, chẳng có chuyện gì đâu. Mai là tiết Thanh Minh, mẹ muốn con đưa mẹ về quê để tảo mộ cho bố". Chị thở phào, mừng quýnh đáp: "Vâng, vâng, được, được mẹ ạ. Mai con sẽ về sớm để đưa mẹ về quê, mẹ yên tâm mẹ nhé!"
Chị hú vía. Không phải chăm sóc mồ mả, nên chị cũng không để ý đến tập tục tảo mộ này. Chị gọi điện dặn dò con bé oshin sắm sửa lễ và đồ cúng để "sáng mai cô về cùng bà đi sớm". Lại gọi điện cho cô em gái dọn dẹp nhà cửa của ông bà để mai hai mẹ con chị về có chỗ nghỉ ngơi.
Bà đòi đi ra thẳng nghĩa trang chứ không về nhà trước. Bà giành sắp lễ lên mộ ông, thắp hương và xì xụp khấn vái. Bà tỉ mẩn nhổ từng ngọn cỏ mọc quanh mộ ông, dọn sạch những chiếc lá khô. Chờ hương tàn hạ lễ, bà đi thắp cho mỗi ngôi mộ xung quanh một nén hương, miệng lẩm bẩm: "Nhà em mới xuống, mong các bác mở lòng, cho nhà em đỡ cô quạnh".
Bà trở lại mộ ông, rẩy rượu trắng ra xung quanh rồi đốt vàng mã. Không hiểu sao bà giữ lại một nửa số tiền vàng. Bà cho lũ trẻ dọn mộ ở nghĩa trang một phần ba số đồ lễ, phần còn lại mang về nhà.
Về lại ngôi nhà xưa bà tỏ rõ sự hài lòng khi thấy căn nhà ngăn nắp, sạch sẽ, vườn tược vẫn xanh, sân gạch đường đi phong quang. Bà mang số tiền vàng lấy từ mộ thắp hương cùng hoa quả mới. Chị hơi ngạc nhiên, nghĩ mẹ bắt đầu lẩn thẩn khi tiết kiệm, không đốt hết chỗ tiền vàng. Chị nhắc khéo: "Tiền vàng con sắm đủ cả ở mộ lẫn ở nhà, sao mẹ không đốt hết ngoài kia?"
Bà không trả lời.
Ba mẹ con ngồi ăn với nhau bữa cơm trưa. Bà chậm rãi nói: "Có cả hai đứa ở đây, mẹ nói chuyện này. Mấy tháng rồi, mẹ ở nhà chị rất tốt. Chị chăm sóc mẹ chẳng thiếu thức gì. Anh ấy với các cháu cũng cư xử phải phép hiếu lễ. Nhưng mẹ nghĩ kỹ rồi và mẹ quyết là từ hôm nay mẹ sẽ ở lại quê!"
Chị đưa mắt nhìn em gái rồi nhìn mẹ: "Ơ kìa, sao mẹ lại thế. Ở đây một mình, sớm hôm tối lửa tắt đèn, biết nhờ cậy ai?". Bà nhìn hai chị em quả quyết: "Mẹ đã quyết rồi, các con đừng bàn nữa. Lắp cho mẹ cái điện thoại, có chuyện gì là biết ngay".
Không khí bữa cơm chùng xuống.
Được một lát, bà mới thủng thẳng: "Hai đứa biết không, có một bà mới năm mấy vừa mất chôn ngay cạnh chỗ bố nằm đấy. Mẹ cứ thấy lo lo thế nào ấy. Từ nay, các con có gửi tiền cho bố thì cũng gửi in ít thôi nhé. Nhiều tiền rồi rửng mỡ theo gái chẳng biết có chờ được đến ngày mẹ xuống dưới đấy hay không???"
Ảnh: Hoàng Đình Nam
Con cái lớn đi hết, ông bà sống với nhau ở cái cơ ngơi mà ông đã dành dụm cả đời để xây dựng nên. Nhà ngói cây mít, sân gạch, giếng nước trong vắt mát lạnh, mảnh vườn quanh năm có rau xanh và đầy hoa trái. Hoa bưởi, hoa cau nở theo mùa thơm ngát. Hai ông bà sống với nhau đầm ấm trong cảnh điền viên như thế.
Thế rồi vào một buổi chiều mùa đông khi bà nấu xong cơm, lên nhà mời ông dậy để xơi cơm, thì đã thấy ông đi tự lúc nào. Gương mặt thanh thản và mãn nguyện. Bà khóc nấc lên, nước mắt thấm ướt lồng ngực đang lạnh dần của ông : "Sao ông lại để tôi ở lại một mình, ông ơi?"
Bà còn lại một mình trong cái cơ ngơi rộng thênh thang và hoang vắng ấy. Đói cơm không muốn ăn. Cái sân rụng đầy lá không muốn cầm chổi quét. Con trai lớn và con gái thứ hai đều sống ở thành phố. Chỉ có cô út lấy chồng, dạy học ở làng bên, năm bảy ngày mới rẽ qua một lần, quáng quàng nấu cho mẹ niêu cơm, hỏi han vài câu rồi lại tất tả đạp xe về nhà chăm con.
Chị là con gái thứ hai. Làm trăm ngày cho cha, chị trở về nhà và xót xa khi thấy mẹ tiều tuỵ quá. Cơm nước xong xuôi, chị thưa với bác trưởng họ cho phép đón mẹ lên thành phố để tiện bề chăm sóc mẹ hơn.
Ông trưởng họ nói: "Cháu đón mẹ lên là đúng, con cái phải báo hiếu cha mẹ. Nhưng cháu nên hỏi xem mẹ cháu có đồng ý không?". Chị cầm lấy hai bàn tay gầy guộc của mẹ: "Mẹ đồng ý chứ mẹ?". Bà đưa mắt nhìn khắp căn nhà thân thuộc một lượt, nước mắt ứa ra, rồi nhìn chị gật đầu.
Bà đồng ý đi không phải bởi vì bà cần có ai chăm sóc, mà chỉ bởi vì bà không thể chịu đựng được, khi mỗi ngóc ngách, vật dụng trong căn nhà này đều khiến bà nhớ tới ông, nhớ tới những kỷ niệm về một cuộc sống đã vĩnh viễn rời xa.
Chị đưa mẹ về căn nhà 4 tầng ở phố, sắp xếp cho bà một căn phòng ở tầng một ngay cạnh bếp và phòng ăn của cả nhà. Chị nghỉ ở nhà một tuần để giúp mẹ thích nghi với cuộc sống mới. Tối chị ngủ cùng mẹ, hai mẹ con rủ rỉ ôn lại những chuyện ngày xửa ngày xưa. Chị cảm thấy bà hài lòng với cuộc sống ở đây.
Chị là chủ một công ty may mặc xuất khẩu. Nghỉ một tuần ở với mẹ, chị như ngồi trên đống lửa. Mẹ chị nhận thấy điều đó, bà chủ động nói: "Con à, mẹ cũng quen ở đây rồi. Con nên đi làm, kẻo công việc lại chất đống ở đó".
Chị lao đầu vào công việc , 9-10 giờ khuya mới về đến nhà. Cơm nước đã có oshin lo. Chồng con thì tự chăm sóc nhau. Chị vừa mừng vừa tủi, khi thấy mẹ đích thân dọn cơm cho chị và ngồi cùng ăn. Chị ngạc nhiên: "Sao mẹ không ăn với anh ấy và các cháu?". "Thôi mẹ đợi con về ăn cùng con cho vui. Ăn một mình đâu có vui!".
Nhưng không phải hôm nào chị cũng về được để ăn cùng mẹ. Có hôm xong việc chuẩn bị về, lại nhận được điện thoại của đối tác yêu cầu hoàn thành nhanh đơn hàng, lỡ vài ngày có thể ế cả lô hàng. Thế là chị lại ngọt nhạt với công nhân để họ làm thêm ca và đích thân phải ở lại để đốc thúc. Chị gọi điện về nhà nói mẹ để bà không chờ cơm.
Đơn hàng ngày một nhiều, container liên tục phải gửi. Những bữa ăn tối ở nhà của chị cũng ngày một thưa thớt hơn. Chị vẫn gọi điện hỏi han mẹ mỗi ngày, yêu cầu cô oshin nấu cho bà những món ăn cần cho người già. Một ngày cô oshin mất hết kiên nhẫn và nói: "Cô ơi, cô cứ bắt cháu làm hết món này đến món kia làm gì? Vừa tốn công vừa tốn tiền. Bà có ăn mấy đâu?".
Chị ngạc nhiên gắt: "Sao lại không ăn?". Nó đáp hồn nhiên: "Cô hỏi bà ấy. Những hôm cô không về bà có thiết ăn uống gì đâu?"
Tối đó, chị cố gắng về nhà sớm. Ngồi ăn cơm với mẹ, chị nói: "Mẹ à, mẹ thông cảm cho con, công việc bận rộn quá, phải ở lại công ty cũng là việc chẳng đừng. Những hôm con không về được, con sẽ báo sớm, mẹ ăn tối luôn với chồng con và các cháu nhé. Chứ mẹ cứ đợi con rồi con không về được lại bỏ bữa thì không tốt đâu".
Bà nói chậm rãi: "Con đừng lo, người già đâu có ăn nhiều. Ngày mẹ chỉ cần ăn một bữa là đủ. Nhưng thôi được, cứ làm như con vừa nói nhé!". Chị nhìn mẹ lòng đau như cắt.
Một buổi tối, chị ở trên công ty thì đột ngột nhận được điện thoại của bà. Nghe giọng của mẹ trong điện thoại, chị giật mình, bà chưa bao giờ gọi điện cho chị từ ngày ra thành phố ở với vợ chồng chị. "Có chuyện gì thế mẹ ơi?" - chị sốt ruột hỏi. Bà khẽ đáp: "Mẹ muốn về nhà. Mai con đưa mẹ về quê nhé!".
Giọng chị run lên, chực khóc: "Mẹ ơi, chồng con hay các cháu có sơ xuất gì mà mẹ lại giận thế? Con xin lỗi". Bà vẫn khẽ khàng: "Không, chẳng có chuyện gì đâu. Mai là tiết Thanh Minh, mẹ muốn con đưa mẹ về quê để tảo mộ cho bố". Chị thở phào, mừng quýnh đáp: "Vâng, vâng, được, được mẹ ạ. Mai con sẽ về sớm để đưa mẹ về quê, mẹ yên tâm mẹ nhé!"
Chị hú vía. Không phải chăm sóc mồ mả, nên chị cũng không để ý đến tập tục tảo mộ này. Chị gọi điện dặn dò con bé oshin sắm sửa lễ và đồ cúng để "sáng mai cô về cùng bà đi sớm". Lại gọi điện cho cô em gái dọn dẹp nhà cửa của ông bà để mai hai mẹ con chị về có chỗ nghỉ ngơi.
Bà đòi đi ra thẳng nghĩa trang chứ không về nhà trước. Bà giành sắp lễ lên mộ ông, thắp hương và xì xụp khấn vái. Bà tỉ mẩn nhổ từng ngọn cỏ mọc quanh mộ ông, dọn sạch những chiếc lá khô. Chờ hương tàn hạ lễ, bà đi thắp cho mỗi ngôi mộ xung quanh một nén hương, miệng lẩm bẩm: "Nhà em mới xuống, mong các bác mở lòng, cho nhà em đỡ cô quạnh".
Bà trở lại mộ ông, rẩy rượu trắng ra xung quanh rồi đốt vàng mã. Không hiểu sao bà giữ lại một nửa số tiền vàng. Bà cho lũ trẻ dọn mộ ở nghĩa trang một phần ba số đồ lễ, phần còn lại mang về nhà.
Về lại ngôi nhà xưa bà tỏ rõ sự hài lòng khi thấy căn nhà ngăn nắp, sạch sẽ, vườn tược vẫn xanh, sân gạch đường đi phong quang. Bà mang số tiền vàng lấy từ mộ thắp hương cùng hoa quả mới. Chị hơi ngạc nhiên, nghĩ mẹ bắt đầu lẩn thẩn khi tiết kiệm, không đốt hết chỗ tiền vàng. Chị nhắc khéo: "Tiền vàng con sắm đủ cả ở mộ lẫn ở nhà, sao mẹ không đốt hết ngoài kia?"
Bà không trả lời.
Ba mẹ con ngồi ăn với nhau bữa cơm trưa. Bà chậm rãi nói: "Có cả hai đứa ở đây, mẹ nói chuyện này. Mấy tháng rồi, mẹ ở nhà chị rất tốt. Chị chăm sóc mẹ chẳng thiếu thức gì. Anh ấy với các cháu cũng cư xử phải phép hiếu lễ. Nhưng mẹ nghĩ kỹ rồi và mẹ quyết là từ hôm nay mẹ sẽ ở lại quê!"
Chị đưa mắt nhìn em gái rồi nhìn mẹ: "Ơ kìa, sao mẹ lại thế. Ở đây một mình, sớm hôm tối lửa tắt đèn, biết nhờ cậy ai?". Bà nhìn hai chị em quả quyết: "Mẹ đã quyết rồi, các con đừng bàn nữa. Lắp cho mẹ cái điện thoại, có chuyện gì là biết ngay".
Không khí bữa cơm chùng xuống.
Được một lát, bà mới thủng thẳng: "Hai đứa biết không, có một bà mới năm mấy vừa mất chôn ngay cạnh chỗ bố nằm đấy. Mẹ cứ thấy lo lo thế nào ấy. Từ nay, các con có gửi tiền cho bố thì cũng gửi in ít thôi nhé. Nhiều tiền rồi rửng mỡ theo gái chẳng biết có chờ được đến ngày mẹ xuống dưới đấy hay không???"
Ảnh: Hoàng Đình Nam
0 comments:
Đăng nhận xét