19/4/08

LOẠN LỄ HỘI



Báo Đấu thầu của Bộ Kế hoạch Đầu tư số ra ngày 18.4 dẫn nguồn Cục Văn hoá Thông tin cơ sở (Bộ Văn-Thể-Du) cho biết cả nước hiện có 8.902 lễ hội, trong đó có 7.005 lễ hội dân gian truyền thống, 1.399 lễ hội tôn giáo, 409 lễ hội lịch sử cách mạng và 25 lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam.

Như vậy nếu đem chia có 365 ngày thì tính trung bình mỗi ngày ở đất nước chúng ta có 24.839, làm tròn số là 25 lễ hội. Nghe con số mà giật mình, sao lại lắm hội hè đình đám thế? Thời gian đâu mà làm ăn, nghỉ ngơi nữa?

Thế vẫn chưa hãi. Cũng theo tờ báo trên, thì có tỉnh mỗi năm tổ chức hơn 10 lễ hội lớn với số tiền chi phí cho mỗi lễ hội khoảng 2-3 tỉ đồng. Bỏ rẻ ra tỉnh này mỗi năm tốn khoảng 25 tỉ đồng vào ăn chơi nhảy múa.

Bắc Ninh chẳng hạn, một tỉnh nhỏ bé ở Bắc Bộ có đến 7 tháng trong năm có lễ hội. Có lễ hội kéo dài đến 20 ngày. Tỉnh này đã phải dành riêng một khoản ngân sách trị giá 30 tỉ đồng cho việc tổ chức các lễ hội. Đó là chia kể khoản ngân sách của nhà nước chi cho một số lễ hội diễn ra tại tỉnh này.

Thực ra cuộc sống không có lễ hội thì rất buồn. Nhưng nếu lễ hội nhiều như nấm sau mưa thế này thì cũng chẳng có gì là hay ho gì, nhiều lễ hội chỉ là dịp tiêu tiền vô ích.

Ở Bắc Bộ cho đến tận giờ vẫn còn lưu giữ một nét đẹp truyền thống "con gà hơn nhau tiếng gáy". Hội làng này dứt khoát phải hơn hội làng kia, hội của huyện này chắc chắn phải hoành tráng hơn hội của huyện khác. Điều này đã khiến cho các làng, các xã, các huyện thi nhau bỏ tiền để dứt khoát làm cho hội sau phải hơn hội trước, tạo nên "cuộc chạy đua vũ trang" rất ngoạn mục.

Lễ hội ở các địa phương thường nhằm mục đích lưu giữ những nét đẹp văn hoá truyền thống, các giá trị dân tộc đặc sắc. Nhưng trên thực tế, vì chạy đua, nên "hương đồng gió nội" đã bị bay đi rất nhiều. Đến Hội Lim chẳng hạn, sẽ chẳng thấy liền anh liền chị hát giao duyên, mà là các diễn viên của đoàn nghệ thuật quan hộ Bắc Ninh.

Nhiều lễ hội ngày một nhuốm màu mê tín dị đoan, các hoạt động văn hoá nghệ thuật bị sân khấu hoá với trang phục kim tuyến loè loẹt không còn thấy màu sắc dân gian đâu nữa.

Mấy năm gần đây còn có mốt các tỉnh đua nhau làm lễ hội du lịch. Nào lễ hội du lịch Hạ Long, nào lễ hội du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long, nào lễ hội du lịch biển Vũng Tầu, nào lễ hội về nguồn Phú Thọ, nào lễ hội du lịch Sapa. Lễ hội nào cũng có đêm khai mạc tưng bừng được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia.

Nhưng than ôi, dường như đêm khai mạc nào cũng giống nhau. Cũng những màn ca múa mở đất khai khẩn, đấu tranh với thiên nhiên và giặc ngoại xâm và cuối cùng là khúc khải hoàn của tinh thần hoà bình, yêu lao động.

Chẳng có mấy điểm khác biệt giữa lễ hội này với lễ hội kia. Có chăng nếu là lễ hội vùng biển thì thấy có mô hình thuyền bè, lưới đánh cá. Nếu là lễ hội vùng núi phía bắc thì có thêm khèn và ô. Lễ hội Ninh Bình mới đây thấy có màn múa với bông lau. Nếu thay bông lau bằng bông lúa thì sẽ ra lễ hội Đồng bằng Sông Cửu Long.

Đêm khai mạc tiền chục tỉ cứ nhàn nhạt và chán như thế. Cũng dễ hiểu thôi, đội ngũ đạo diễn lễ hội quanh đi quẩn lại chừng 5-7 gương mặt, làm đi làm lại thì cũng hết chiêu. Hơn nữa chính quyền các địa phương cũng không thể bỏ thủ tục điểm lại lịch sử hào hùng của địa phương mình. Nên các kịch bản lễ hội cứ thế mà quay vòng.

Có đạo diễn nào mạnh dạn nghĩ ra chi tiết độc đáo thì cũng không có phương tiện kỹ thuật để thực hiện. Còn nhớ một lễ hội ở thủ đô có màn bắn máy bay B52 (mô hình bằng giấy) trông rất phản cảm.

Nói chung hiệu quả của các lễ hội không cao. Các buổi khai mạc đình đám được truyền hình trực tiếp không phải là thỏi nam châm khiến cho các tỉnh hút được thêm du khách. Giả xử du khách có đến thì cũng thất vọng vì hạ tầng du lịch, dịch vụ và sản phẩm du lịch cũng chẳng được nâng cấp bao nhiêu. Đi lễ hội nhiều khi mua bực mình vào người.

Tóm lại là nên bỏ bớt lễ hội, tốn tiền một cách vô lý!

Ảnh: Lễ hội Hoa Lư từ website Du lịch Ninh Bình.

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết