29/3/09

HỌP BÁO RỬA MẮT (2)



Đọc comment cho phần một của bài này, hẳn các bạn cũng thấy, dưới "bàn tay sáng tạo" của các công ty PR họp báo đang ngày một biến tướng và đi xa khỏi bản chất nguyên thủy của nó.

Hãy cùng quay lại với phần hỏi-đáp (Q-A) vốn là một trong những thành tố hấp dẫn nhất trong một buổi họp báo, thì nay thật èo ợt và qua quít. Do đa phần các cuộc họp báo ngày nay chỉ xuất phát từ ý muốn chủ quan người tổ chức, chứ không phải là là dịp để cung cấp cho báo chí và dư luận thông tin mà họ thực sự cần, nên các công ty PR phải tìm đủ cách để thu hút sự quan tâm và tham dự của báo giới. Mời đến ăn tiệc đứng là một trong những cách như vậy.

Tài liệu họp báo được chuẩn bị kỹ càng, khiến các nhà báo hầu như không cần động não sáng tạo gì, chỉ cần thực hiện copy and paste là xong. Các thông tin không đáp ứng nhu cầu muốn biết của cả độc giả và cả báo giới , nên phóng viên cũng không mấy động não xem có cần hỏi thêm chi tiết, căn vặn cái này, hỏi cho ra nhẽ cái kia nữa.

Thế là các nhân viên PR lại nghĩ ra chiêu khác để khách hàng không trách là sao họp báo lại nhạt như cơm nguội thế. Họ nghĩ ra một số câu hỏi, in thành phao, rồi nhét vào tay một số phóng viên ruột: "Anh (chị) lát nữa hỏi dùm em câu này nha. Giúp em đi mà!". Các phóng viên một mặt không muốn làm mếch lòng PR, mặt khác cũng không muốn bị mang tiếng là đến họp báo mà không hành nghề, bèn biến mình thành "gà" của PR và hỏi giúp những câu hỏi để lấp chỗ trống. Diễn giả (đồng thời cũng là khách hàng của công ty PR) hồ hởi trả lời, mà không hề biết rằng mình đang phải tham gia vào một vở kịch do chính mình phải trả tiền để công ty PR dàn dựng.

Nếu các phóng viên trẻ cứ tham gia vào các màn kịch kiểu này, cùng cơ hội kiếm tiền dễ dàng và không cần rèn luyện tay nghề và bản lĩnh thì chẳng mấy chốc mà chúng ta sẽ đầy rẫy những phóng viên suốt ngày chỉ biết lượn họp báo, mất dần khả năng tác nghiệp và tự biến mình thành công cụ của PR.

Cũng chẳng phải vô cớ mà các khách hàng cứ vô tư đưa đầu mình ra cho PR chặt như thế. Bởi vì họ không nắm được thị trường thông tin, không nắm được bản chất hoạt động của báo chí, lại thích khoa trương thanh thế, thích tổ chức những thứ hoành tráng, nên mới dẫn đến tấn bi hài kịch như vậy.

Giám đốc một công ty PR có lần bộc bạch với tôi: "Khách hàng làm một cái họp báo, ép bọn tôi phải mời bằng được lãnh đạo các báo đến dự. Tôi nói đi nói lại với họ rằng tôi đã từng làm ở báo, các vị trong Ban biên tập không bao giờ đi dự họp báo cả. Mà nếu họ có đến thì cũng không làm tin, viết bài. Mời phóng viên theo dõi ngành đến là hiệu quả nhất. Nhưng khách hàng cứ khăng khăng: "Khó mời lãnh đạo báo chí thì chúng tôi mới phải thuê công ty PR chứ!"

Gặp một cựu sinh viên, nay là giám đốc sáng tạo cho một công ty PR, tôi hỏi: "Sao em lại biến họp báo thành cái gì nửa dơi nửa chuột thế?". Cô cựu sinh viên gãi đầu: "Em đã nói đi nói lại với khách hàng là báo giới chỉ quan tâm đến những thông tin mà họ thấy rằng công chúng thực sự cần thôi. Hãy đợi đến khi quý vị có thông tin như vậy thì hãy họp báo. Nhưng họ có lý lẽ của họ. Họ bảo: "Chúng tôi phải chủ động cung cấp thông tin. Việc của bạn là làm sao cho họp báo hấp dẫn và các nhà báo đến. Chúng tôi sẽ chi đủ". Mình không nhận thì công ty khác cũng nhận. Bọn em không muốn mất khách. Sếp lại không muốn mất doanh thu. Thế là bọn em phải nghĩ ra đủ thứ. Không biết khi mọi người ngán body art thì chúng em phải chuyển sang món nào nữa đây?"

ENTRY TRƯỚC: HỌP BÁO RỬA MẮT (1)

27/3/09

HỌP BÁO RỬA MẮT (1)



Chị bạn làm trưởng ban một tờ báo lớn than: PR như cú sóng thần, húc đổ mọi giá trị chuẩn mực của báo chí, làm hư phóng viên cậu ạ.

Nghe chị nói, thấy có vẻ bi quan quá.

Một bạn đồng nghiệp chuyên theo dõi mảng tòa án, một hôm được một đồng nghiệp khác vì bận việc riêng không tham dự được lễ ra mắt bộ phim tấn của Trung Quốc, nhờ đi giúp, về nhà hồ hởi kể: "Làm phóng viên thời nay sướng ghê. Đi dự ra mắt phim được các em chân dài đón tiếp niềm nở, được phát tài liệu, được mời ăn, rồi mới vào phòng máy lạnh xem phim. Viết bài đăng lên lại có người gọi điện đến cảm ơn. Sướng thật, sướng quá. Chẳng bù bên tòa án nhìn thấy mình cứ như là nhìn kẻ thù..."

Tình cờ có mặt ở TP Hồ Chí Minh, được mời đến dự họp báo, tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều...

Họp báo được tổ chức ở một khách sạn 5 sao tọa lạc giữa trung tâm thành phố. Giấy mời ghi 17h30.

Các em PG (promotion girls) chân dài ngút ngát chờ sẵn ở lobby, nở nụ cười mê hồn cúi chào khách rồi tháp tùng đến bàn đăng ký. Tại đây bạn được trao tài liệu, rồi được mời qua... phòng tiệc.

Tôi hơi phân vân, sao đi họp báo lại được mời ăn tiệc? Nhìn quanh, thấy một số người đang chọn đồ ăn buffet, mà mới liếc qua, cũng đủ biết không phải buffet hạng xoàng.

Hỏi một đồng nghiệp đang chọn đồ ăn, thì được giải thích: Họp báo sau giờ làm việc thế này rất tiện. Tắc đường không ai về nhà được, mọi người từ cơ quan thẳng tới đây. Họ cần được ăn uống trước khi làm việc tiếp (làm việc tiếp được hiểu là dự họp báo và đưa tin sau đó).

Đồng nghiệp còn tiết lộ: Có tuần chẳng ăn tối ở nhà bữa nào, toàn đi ăn buffet họp báo thế này, từ khách sạn này sang khách sạn khác. Tuy nhiên, nhiều khi cũng phải tự phanh, vì nếu không sẽ có nguy cơ béo phì.

Màn ăn uống kéo dài khoảng tiếng rưỡi. Bảy giờ họp báo mới chính thức bắt đầu.

Bây giờ có cái mốt thuê MC truyền hình dẫn chương trình. Đơn vị tổ chức họp báo càng xịn bao nhiêu thì càng phải thuê MC nổi tiếng bấy nhiêu. Như đã nói trong một entry mới đây, đa phần các MC này không phân biệt được sự khác nhau giữa dẫn chương trình truyền hình với dẫn họp báo, hội nghị, biến các họp báo, hội nghị thành thứ gì đó na ná như talkshow truyền hình.

Hãi nhất là MC nói tiếng Anh. Cuộc họp báo mà tôi dự chỉ có một MC, cô vừa nói tiếng Việt, vừa nói tiếng Anh, phát âm đã dở lại còn dùng từ chuyên ngành sai bét.

Họp báo đương nhiên phải có phát biểu, cái này không có gì đáng để nói. Những người phát biểu đã chuẩn bị kỹ càng, nên không có gì đáng phàn nàn.

Trong khi họ phát biểu thì slideshow được chiếu lên màn hình lớn, cũng rất đẹp. Sau mỗi bài phát biểu thì có một đoạn clip ngắn liên quan đến nội dung mà diễn giả vừa nói.

Rồi đột ngột MC tuyên bố ca sĩ đang nổi sẽ hát một bài...

Nhạc từ minidisk nổi lên, ca sĩ xuất hiện, hát như một cái máy, bài hát thịnh hành, nhưng không ăn nhập gì với cuộc họp báo. Hát xong, cúi chào trong tiếng vỗ tay lẹt đẹt.

Rồi lại phát biểu, clip...

Rồi MC thông báo tiết mục giật gân hơn: Trình diễn thời trang body art của các người mẫu.

Nhạc dậm dựt. Lần lượt từng người mẫu nude nửa thân phía trên, được vẽ vời hoa lá, rồng phượng xanh đỏ, mặt mũi kẻ vẽ như mặt nạ tuồng bước ra, lượn một vòng trên sân khấu, rồi bước thẳng xuống khán phòng, lượn qua sát mắt các quan chức và nhà báo.

Tất cả trố mắt, nín thở. Khoảng một tá người mẫu tất thảy, 3/4 trong số đó là nữ.

Phần trình diễn của họ rồi cũng hết và MC chuyển sang phần Q - A (hỏi đáp). Hình như vừa trải qua những khoảnh khắc quá ấn tượng, nên Q - A nhạt nhòa. Người hỏi hỏi lấy lệ vài ba câu. Người đáp cũng nói qua quít.

Thế là xong và ra về. Hóa ra nội dung họp báo cũng chẳng cung cấp được thông tin nóng sốt gì cho dư luận, chẳng qua là cái tin thuận lợi cho công việc marketing của đơn vị tổ chức họp báo mà thôi. Phóng viên có thể viết mà cũng có thể không viết, bởi vì tin đấy có đưa về tòa soạn thì chắc 90% tòa soạn không sử dụng.

(còn tiếp)

26/3/09

NGHE SẾP NÓI TIẾNG ANH



Tuần trước, tôi phải tham dự (ngồi nghe) một hội nghị quốc tế do cấp bộ tổ chức. Lâu lâu không đi dự những hội nghị thế này nên thấy công nghệ tổ chức hội nghị của chúng ta tiến bộ rất nhiều, chẳng kém cạnh gì những hội nghị tương tự tổ chức ở nước ngoài.

Tất nhiên, vẫn còn vài hạt sạn, nhưng mà không đáng kể.

Sau lời mở đầu của hai emxi (MC) truyền hình đang khá nổi tiếng (Nói thật là hai bạn này có tài biến hội nghị quốc tế cấp bộ thành gameshow, sao người ta không chịu hiểu là dẫn chương trình truyền hình với dẫn chương trình hội nghị là hai việc rất khác nhau nhỉ?), vị Thứ trưởng lên phát biểu.

Tôi thật ngạc nhiên khi nghe ông phát biểu bằng tiếng Anh. Một thứ tiếng Anh chuẩn, giọng Mỹ. Tất nhiên, ông đọc bài diễn văn đã được viết sẵn. Nhưng quả thực là ông nói tiếng Anh, chứ không phải là một cái gì đó na ná như tiếng Anh.

Bài phát biểu của ông rất ngắn, đi thẳng vào vấn đề, không lê thê à ơi.

Sau đó, đến lượt vị lãnh đạo tổng cục. Đây mới là bài phát biểu chính của hội nghị. Vị lãnh đạo này nổi tiếng trong ngành, tiến sĩ ở Liên Xô về, có tài tính toán chiến lược rất giỏi.

Chưa kịp định thần sau bài phát biểu knock out của ông Thứ trưởng, thì tôi lại mắt chữ o mồm chữ a, khi ông Tổng cục trưởng "Good morning, ladies and gentlements". Ông này không nói tiếng Anh giọng Mỹ, mà là tiếng Anh giọng Châu Âu, một thứ tiếng Anh khá cầu kỳ và điệu đàng.

"Ồ, ông ta học tiếng Anh khi nào mà có thể nói khá như vậy nhỉ?", tôi nhủ thầm. Nhưng rồi cũng chợt nhớ ra, chính vị này đã tham gia vào khá nhiều những cuộc tranh cãi quốc tế và đa phần đều giành chiến thắng. Ông ấy rèn luyện tiếng Anh trên thực tế hoạt động, tôi nghĩ vậy.

Phát âm của ông khá chuẩn, thỉnh thoảng mắc vài lỗi ngữ pháp do chuyển di tiêu cực từ tiếng Việt sang, nhưng điểm đặc biệt là ông nói vo, không giấy tờ, chỉ nhìn vào những slide hình ảnh của power point chiếu trên màn hình lớn để nói. Ở vào tuổi trên dưới 60 của ông, làm được thế là quá xuất sắc.

Thế nhưng hình như cấp dưới của ông lại không nghĩ như vậy.

Một anh, dáng chừng là cán bộ ở tổng cục của ông, ngồi cạnh tôi xì xào với mấy đồng nghiệp vẻ chê bai: "Sếp vẽ chuyện quá, có phiên dịch mà lại phát biểu bằng tiếng Anh..."

Một chị lập tức dài giọng: "Chuyện, Thứ trưởng phát biểu bằng tiếng Anh, chẳng nhẽ đến lượt mình lại nói tiếng Việt".

Một cô còn trẻ ôm miệng cười khúc khích: "Ối giời ơi, lại có lỗi kìa".

Ô hay, đây là hội nghị quốc tế, đối tượng chính của hội nghị là khách nước ngoài, thế thì phát biểu bằng tiếng Anh là đúng rồi. Không biết những nhân viên này có trợ giúp gì sếp họ trước khi phát biểu không? Chẳng hạn lưu ý ông những lỗi văn phạm mà ông hay mắc phải?

Và nếu họ lên diễn đàn thì có nói được trôi chảy như ông không? Thậm chí là bằng tiếng Việt thôi, chứ chưa cần bằng tiếng nước ngoài!

25/3/09

CHỢ CÁ JAGALCHI Ở BUSAN



Jagalchi là chợ cá nổi tiếng ở Busan (Hàn Quốc). Ai đến Busan đều được giới thiệu đến thăm chợ cá này. Mở từ 1.11.1963, chợ rộng gần 65 nghìn mét vuông. Nghe nói, hơn 30% sản lượng đánh bắt cá của Hàn Quốc đi qua chợ này.

Jagalchi luôn náo nhiệt từ sáng sớm đến tận chiều tối. Đây không chỉ là nơi bán cá tươi, mà còn cả cá đã sơ chế, cá khô, rong biển, bánh trái. Tại đây bạn có thể nếm nhiều món ăn Hàn Quốc cay sè đầu lưỡi và rượu sochu ngọt mềm môi. Jagalchi giúp bạn tận hưởng bữa tiệc thỏa thuê về thị giác, thính giác, khíu giác và vị giác.

Giới thiệu với mọi người những tấm ảnh tôi chụp tại chợ Jagalchi trong chuyến thăm Busan tháng 11.2006.


Mực một nắng

Bạch tuộc tươi thế này ở Seoul đắt gấp 3 lần đấy nhé!

Cá sao

Mua đi cô, con cá ngon thế này tìm cả chợ không thấy đâu.


Ngồi bán giữa đường

Mổ cá giúp khách

Người mổ cá thuê

Cá rán vàng thơm ngon quá!

Cá khô vụn

Cá phơi một nắng

Bánh rán cũng có hình cá

Chị em đi chợ chống khô mồm

Người bán hàng rong

Vào làm một chén đi anh!

Thảnh thơi

24/3/09

NỮ CẦU THỦ GỢI CẢM



Ở Việt Nam, phụ nữ thường đi trước một bước.

Này nhé, những người đầu tiên trong thế kỷ đầu tiên đứng lên khởi nghĩa chống quân xâm lược phương Bắc là phụ nữ - hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị.

Diễn viên đầu tiên đoạt giải thưởng diễn xuất tại một LHP Quốc tế là Trà Giang với vai Dịu trong phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm".

Vận động viên đầu tiên đoạt huy chương tại Olympic là võ sĩ karate Trần Hiếu Ngân.

Các cầu thủ bóng đá nữ đoạt ngôi vô địch Đông Nam Á chán chê rồi mới đến lượt đội tuyển nam.

Nhân nói về các cầu thủ bóng đá nữ, lâu nay toàn xem chị em mặc quần đùi áo số, chạy thục mạng trên sân cỏ, mặt mũi không son phấn, tóc tai bết bát bởi mồ hôi, không mấy ai thấy họ xinh đẹp.

Nhưng mà chúng ta lầm.

Hôm qua hai nữ cầu thủ Ngọc Châm và Đào Thị Miện mặc váy dạ hội thướt tha, đi giày cao gót uyển chuyển, mặt mũi trang điểm cẩn thận đến dự lễ trao giải Quả bóng Vàng, mới thấy họ xinh đẹp và gợi cảm đến mức nào.

Không tin à, thử nhìn Ngọc Châm với Công Vinh trong hình trên mà xem. Ngọc Châm có khi còn hơn đứt cả em ca sĩ gì đấy đi cùng Công Vinh ấy chứ!

22/3/09

STOCKHOLM HÈ 2008















Giới thiệu với mọi người những bức ảnh thủ đô Stockholm (Thụy Điển) mà tôi chụp được trong chuyến đi tới thành phố được mệnh danh là Venice phương Bắc hồi cuối tháng 7 năm ngoái. Magiclinh yêu cầu chú thích, nhưng thật khó chú thích. Các tấm ảnh được chụp quanh Tòa thị chính, Hoàng cung và khu phố cổ và cảng tàu du lịch. Cảm giác chung là Stockholm thanh bình và sạch. Không khí sạch, nước sạch và sạch về văn hóa... Một thành phố rất đáng để sống.

19/3/09

TÀI LIỆU QUÝ KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI TRƯỜNG SA VÀ HOÀNG SA



Hai bản đồ quý khẳng định chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa và Hoàng Sa

TS Nguyễn Xuân Diện (*)
Phó Giám đốc Thư viện, Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền về biển Đông với Trung Quốc, bên cạnh khía cạnh pháp lý và luật pháp quốc tế thì vấn đề chứng cứ lịch sử là rất quan trọng. Điều này lại càng trở nên cực kỳ quan trọng khi phải đối thoại với Trung Quốc - là một nước có truyền thống lưu trữ và khảo cứu thư tịch cổ rất lâu đời, với trình độ rất cao. Theo đó, việc tìm kiếm các tài liệu bằng chứng trên thư tịch cổ trong các kho lưu trữ trong và ngoài nước không bao giờ đủ và không bao giờ thừa.

Bên cạnh các tài liệu do người VN biên soạn (hiện đang lưu trữ trong và ngoài nước) thì các tài liệu do người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc biên soạn lại càng quan trọng, vì ở đó nó là bằng chứng hùng hồn nhất trong vấn đề chủ quyền tại biển Đông. Một khi tìm được các bằng chứng từ phía Trung Quốc, về việc họ không xác nhận chủ quyền tại biển Đông thì việc xem xét vấn đề trên bình diện pháp lý trở nên thuận lợi.

Mới đây, từ các bức ảnh do PGS-TS Đinh Khắc Thuân cung cấp, PGS-TS Ngô Đức Thọ phát hiện ra rằng, đây là bằng chứng chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

Đó là cuốn An Nam đồ chí (ảnh) của soạn giả Đặng Chung. Cuốn sách này được biên soạn "căn cứ theo bản sao ở Thuật Cổ Đường của họ Tiền". Thuật Cổ Đường là tên thư viện của Tiền Đại Hân - nhà khảo chứng học nổi tiếng đời Thanh. Họ tên soạn giả An Nam đồ chí được ghi cuối bài tựa: Phân thủ Quảng Đông Quỳnh Nhai Phó Tổng binh Ôn Lăng Đặng Chung (Phó Tổng binh trấn thủ châu Quỳnh Nhai, tỉnh Quảng Đông là Đặng Chung, người huyện Ôn Lăng).

An Nam đồ chí là một tập sách bản đồ có các khảo chú về toàn quốc và các địa phương của VN. Một nội dung như vậy là một tài liệu tham khảo sử địa học quan trọng, mà giới nghiên cứu VN cả trong nước và quốc tế cho đến nay chưa từng trích dẫn hoặc biết tới. Niên đại soạn sách ghi sau bài tựa càng là một giá trị quý hiếm: Vạn Lịch Mậu Thân thanh minh nhật. Vạn Lịch (1573-1620) là niên hiệu Vua Minh Thần Tông, năm Mậu Thân Vạn Lịch là năm 1608, cách nay đúng 401 năm.

An Nam đồ chí là thư tịch bản đồ đầu tiên của Trung Quốc ghi tên cửa biển Đại Trường Sa trong tờ bản đồ vẽ nước An Nam - tức VN.

PGS-TS Ngô Đức Thọ kết luận: "Bất cứ vì lý do gì, việc một viên quan binh của nhà Minh giữ chức Phó Tổng binh châu Quỳnh Nhai (tức đảo Hải Nam) ghi tên Cửa biển Đại Trường Sa của VN trên bản đồ An Nam, chứng tỏ người Trung Hoa từ trước và từ triều Minh, triều Thanh đều thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa là thuộc VN".

Về tài liệu nước ngoài, TS Nguyễn Nhã có một phát hiện đặc biệt quan trọng, khi ông tiếp cận bản đồ An Nam đại quốc họa đồ -, do Giám mục Taberd vẽ năm 1838. Tấm bản đồ nằm trong cuốn từ điển được in ấn, nên nó không phải là độc bản mà mức độ phổ biến rộng rãi, đến được với nhiều người - đặc biệt là giới học giả (đối tượng sử dụng chủ yếu của cuốn từ điển này). Trên bản đồ, quần đảo Hoàng Sa được viết bằng chữ "Cát Vàng". Và điều đặc biệt nhất là, bản đồ có ghi tọa độ và khi đối chiếu với số liệu hôm nay thì hoàn toàn trùng khớp. Đây là bản đồ cổ duy nhất có ghi tọa độ và cũng là bản đồ cổ duy nhất có xác định tọa độ của Hoàng Sa.

Ngoài ra, trên tập san The journal of the Asiatic society of Bengal, Vol VI cũng đã đăng bài của giám mục Taberd, xác nhận Vua Gia Long đã thân chinh vượt biển đến Hoàng Sa vào năm 1816 và long trọng treo cờ, chính thức giữ chủ quyền quần đảo Paracels (Hoàng Sa, Cát Vàng)...

Hai tấm bản đồ do những người nước ngoài vẽ thực sự là một minh chứng hùng hồn về chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

*****

PGS-TS Lê Văn Cương: "Biển Đông có vị trí địa chiến lược, địa kinh tế cực kỳ quan trọng và là yết hầu kinh tế của toàn bộ khu vực Đông Á. Biển Đông là nơi giao nhau của nhiều tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới, nối liền Âận Độ Dương và Thái Bình Dương. Biển Đông rộng 6,2 triệu kilômét vuông, hàng ngày có khoảng 400 tàu lớn qua đây, khoảng 25% mậu dịch và 1/2 lượng dầu tiêu thụ của thế giới qua biển Đông. Khoảng 80% dầu thô của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nhập khẩu từ Trung Đông, Châu Phi và các nước ASEAN đều đi qua biển Đông. Biển Đông có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt, phốtphát và nhiều khoảng sản quý hiếm.

GS-TS Nguyễn Quang Ngọc - Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển: "Thư tịch và bản đồ cổ của Trung Quốc tính cho đến cuối thế kỷ XIX và thậm chí cả những năm cuối thập kỷ đầu của thế kỷ XX, đều phản ánh một thực tế hết sức hiển nhiên là vùng lãnh thổ, lãnh hải truyền thống của Trung Quốc chưa bao giờ vượt quá đảo Hải Nam. Phải khẳng định một cách tuyệt đối rằng lịch sử thực thi chủ quyền của VN ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với tư cách nhà nước, phát triển liên tục, rõ ràng, muộn nhất là từ đầu thế kỷ XVII (dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên) và qua các thế kỷ XVIII (dưới thời các chúa Nguyễn tiếp theo và vương triều Tây Sơn), XIX (dưới thời các vương triều Nguyễn) và cho mãi đến những năm đầu của thế kỷ XX vẫn chưa hề gặp phải sự phản đối của bất cứ quốc gia nào".

Sự thật không thể bị bóp méo

TS Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Cuộc hội thảo tầm cỡ quốc gia vừa qua về biển Đông tại Hà Nội ngày 17.3.2009 đã mở ra một giai đoạn mới cho các nhà nghiên cứu Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông.

Việc nghiên cứu về Trường Sa, Hoàng Sa không còn là vấn đề nhạy cảm, nên né tránh của các nhà khoa học VN nữa. Không chỉ các học giả tiếp cận các vấn đề nhạy cảm trên, mà tất cả những ai ham mê khoa học từ già đến trẻ, muốn đi tìm chân lý, đi tìm sự thật đều có thể tham gia. Dĩ nhiên cần đến sự đồng cảm, hỗ trợ từ mọi phía, từ chính quyền đến người dân, trường học, các tổ chức nghiên cứu hay các "Mạnh Thường Quân", tính thực tiễn mới có hiệu quả.

Hội thảo này không phải là cuộc hội thảo đơn lẻ, mà còn hứa hẹn nhiều cuộc hội thảo kế tiếp, không chỉ ở trong nước mà còn ở ngoài nước nữa để sự thật lịch sử đến với mọi người, chứ không bị cố ý bóp méo dưới bàn tay của quốc gia nào đó đang tranh chấp chủ quyền với VN.

Một sinh viên VN vốn là cử nhân tiếng Pháp tại Đại học Quốc gia Hà Nội, được Đài Loan cho học bổng làm thạc sĩ về lịch sử, có xin phép tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã dịch một vài chương trong luận án tiến sĩ "Quá trình xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa của VN" . Đọc xong, có giáo sư đại học ở Đài Loan nói: Không ngờ sự thật lịch sử về chủ quyền của VN rõ ràng đến như thế.

Sau hội thảo, sự thật lịch sử về chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa của VN sẽ được phổ biến rộng rãi hơn đến từng người VN, nhất là giới trẻ tại các trường học. Không những các công trình nghiên cứu quốc gia đã nghiệm thu sẽ được công bố công khai, mà còn được hỗ trợ dịch ra mọi thứ tiếng phổ biến khắp thế giới. Tất cả các nhà khoa học từ lịch sử, địa lý, môi trường - nhất là kinh tế biển - sẽ nhập cuộc. Các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ có giá trị thực tiễn, đem lại chất men yêu nước, đoàn kết xây dựng nội lực hùng cường để bảo vệ hiệu quả chủ quyền quốc gia với Trường Sa.

18/3/09

NGƯỜI PHỤ NỮ SỢ ĐỒ GIẢ



Tôi gặp cô trên một chuyến bay từ Sài Gòn ra Hà Nội. Hoá ra cô và tôi lại có chung một người bạn. Đối với tôi thì đó là bạn thân. Còn đối với cô thì đó bạn thân của bạn thân của cô. Nhưng người bạn ấy chỉ là bạn sơ với cô thôi.

Khi chờ lấy hành lý, cô bảo: "Chồng em ra đón, anh về cùng bọn em cho vui". Tôi vui vẻ: "Thế thì tốt quá, cảm ơn em".

Chúng tôi vào xe và tôi nhận ra chồng cô cũng là một người quen. Cô nói với chồng: "Hoá ra trái đất nhỏ bé thật đấy anh ạ. Anh ấy lại là bạn của cô T đấy!".

Rồi như tiện thể, cô nói: "Em nói thật, anh bỏ qua nhé. Em không thích T lắm. Cô ấy toàn cậy nhờ vào phụ tùng. Phụ nữ là cứ phải tự nhiên. Phải chinh phục đàn ông bằng trái tim, khối óc, chứ nhờ vào phụ tùng rồi lúng liếng là em chúa ghét".

Tôi ngỡ ngàng. Không hiểu cô ấy nghĩ quan hệ giữa tôi với T là như thế nào mà lại kể câu chuyện này.

Anh chồng cũng thấy chối, bật to nhạc hơn trong xe và quay sang hỏi tôi chuyện chính trị và chứng khoán.

Sau đó cô còn mấy lần gọi điện cho tôi, nói dăm ba câu chuyện tầm phào, gọi đi uống càphê, nhưng tôi từ chối. Tôi không muốn nghe cô tám về những người cô quen biết và cũng không muốn trở thành chủ đề trong các câu chuyện của cô với người khác.

Mới đây, tôi tình cờ gặp lại chồng cô ở cổng một bệnh viện. Anh hốc hác, mới ngoài 40 mà tóc bạc trắng. Tôi hỏi thăm anh có chuyện gì mà khiến anh tiều tuỵ thế, anh ngậm ngùi trả lời: "Nhà tôi đang cấp cứu ở đây anh ạ".

Anh kể vợ anh bị tai nạn xe máy, gẫy chân. May mà đội mũ bảo hiểm, nên không bị chấn thương sọ não. Nhưng hai cái chân thì bị cưa và sẽ bị tàn tật suốt đời.

Cô xuất viện và bị stress trầm trọng. Cô bỏ ăn bỏ uống, bỏ mặc những lời an ủi của bố mẹ, chồng con.

Thỉnh thoảng cô lại hét lên, khóc lóc, đau khổ vật vã. Cô không muốn ngồi xe lăn suốt đời. Cô dằn vặt vì không bao giờ được đi giày cao gót. Cô e ngại rằng chồng cô sẽ bỏ cô theo người phụ nữ khác.

Chồng cô nói sẽ không bao giờ bỏ cô. Anh yêu cô ngay cả khi cô không còn đôi chân và hứa sẽ chung thuỷ với cô suốt đời.

Nhưng cô không tin. Cô không tin rằng người đàn ông giỏi giang, đẹp trai, thành đạt và sung sức này có thể tiếp tục sống bên cạnh một người vợ bị mất đôi chân.

Thế rồi một hôm, khi ở nhà một mình, cô đã thắt cổ tự tử trong phòng tắm bằng dây vải xé ra từ quần áo. Rất may em gái cô đến thăm và phát hiện ra. Cô được đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu.

Thật buồn, khi chính cô lại không tin rằng cô vẫn có thể tiếp tục chinh phục chồng cô bằng trái tim và khối óc như cô đã từng nói. Hy vọng khi hồi tỉnh và bình phục, cô sẽ nhận ra cuộc sống thật đáng quý biết bao, ít ra cô đã 2 lần thoát khỏi tay thần chết. Hy vọng cô sẽ vỡ lẽ ra rằng mất đôi chân chưa phải là mất hết. Sống với đôi chân giả cũng không có nghĩa là chết.



17/3/09

NGƯỜI ĐÀN BÀ HÁT... LẶNG IM



Lẽ ra tôi phải viết bài này, về người phụ nữ vĩ đại này của nước Nga. Nhưng hôm nay lang thang qua blog của anh Đàm Minh Thuỵ, thấy anh viết hay quá, nên xin phép copy về đây để mọi người cùng chia sẻ. Tôi sẽ viết sau:

Vậy là nữ nghệ sĩ người Nga Alla Pugacheva sẽ giã từ sự nghiệp ca hát lẫy lừng của mình sau hơn 40 năm nổi danh trên sàn diễn. Alla Pugacheva giờ đã 60 tuổi, bà đã không còn đủ sức khỏe để theo kịp các tour diễn dày đặc như trước đây nữa. Có lẽ ở Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác, nhắc đến cái tên Alla Pugacheva nhiều người có thể không biết, Nhưng cái tên Người đàn bà hát thì chắc chắn không ai là không nghe ít nhất một lần.

Alla Pugacheva để lại ở Việt Nam 3 sự kiện hầu như ai cũng biết. Đầu tiên là cuốn phim Người đàn bà hát. Chắc hẳn ai đã xem phim này đều dễ dàng cảm nhận được tài năng phi thường của bà từ cách đây ngót ba chục năm.


"Người đàn bà hát"

Riêng tôi, không hiểu vì sao, tôi cứ có ý nghĩ là Người đàn bà hát như một video clip đặc biệt. Và rõ ràng, cũng như nhiều lĩnh vực khác, người Nga lại đi đầu thế giới trong việc làm phim ca nhạc. Chỉ có điều thật tiếc là họ lại không phát triển được nó như ở nhiều nước Phương Tây khác, vốn học mót họ, nhưng lại làm hoành tráng hơn họ nhiều.
Alla Pugacheva hát "Triệu triệu bông hồng" năm 1983

Thứ hai là bài hát Triệu triệu bông hồng. Ở Việt Nam, nhiều thế hệ đã hát bài hát này bằng tiếng Việt do Nghệ sĩ Trung Kiên chuyển ngữ. Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, nhà soạn nhạc Raimond Pauls người Latvia đã soạn nhạc cho bài thơ Triệu triệu bông hồng của nhà thơ A.A.Voznesenski để tạo nên bài ca bất hủ.

Đã có nhiều người hát bài hát này, nhưng Alla Pugacheva là người trình diễn thành công nhất. Nghe bà hát Triệu triệu bông hồng của Raimond Pauls, người nghe ai cũng như bị mê hoặc, như bị lạc vào cõi đào tiên một thuở. Bản thân tôi thì nhiều năm liền nhầm lẫn về người đã soạn nhạc cho nó. Cái tên Raimond Pauls khiến tôi cứ nghĩ quốc tịch của nhạc phẩm trên là của Pháp, chứ đâu biết là Latvia.


Alla Pugacheva và Maksim Galkin hát bài "Đó là tình yêu"

Và cuối cùng, Alla Pugacheva cũng nổi danh không kém trong lĩnh vực tình yêu. Bà kết hôn cả thảy đã 5 lần. Mà chắc gì lần này bà đã thôi. Cái chính là Alla Pugacheva lúc nào cũng yêu và kết hôn với các chàng trai trẻ hơn mình nhiều chục tuổi. Bốn lần trước, tôi không nhớ rõ lắm nhưng có một chàng ca sĩ rơi vào lưới tình của bà, kém bà tới 27 tuổi.

Chưa hết, vừa mới tháng 7 năm ngoái, bà đã lại yêu và kết hôn với Maksim Galkin, một trong những MC đầy tài năng của Truyền hình Trung ương Nga. Chàng trai này có rất nhiều fan hâm mộ là các cô gái trẻ. Nhưng không hiểu sao, cuối cùng, chàng lại về tay Người đàn bà hát. Nghe đâu bà Luidmila Ugriumova, cô giáo đầu tiên của Maksim Galkin khi biết tin, đã thất vọng đến mức phải uống thuốc trợ tim.

Người nổi tiếng, quả thực luôn có những điều mà chúng ta, những người bình thường, không tài nào hiểu nổi.


16/3/09

ĐI ĂN CÁ NÓC


Đi trên đường phố Tokyo, tôi nhìn thấy mô hình một con cá hình thù kì dị dưới mõm có nhiều gai đắp nổi trên nóc một ngôi nhà. Tò mò hỏi, thì được một thổ công Tokyo đáp: "Cá nóc đấy. Đây là nhà hàng bán các món chế biến từ cá nóc".

Ai cũng biết cá nóc có độc tố nguy hiểm, ở nước ta khá nhiều người ở khu vực miền Trung đã thiệt mạng sau khi ăn loại cá này. Chính vì thế nên Việt Nam cấm dân ăn cá nóc.

Nhưng ở Nhật Bản thì cá nóc lại là món ăn khoái khẩu, rất phổ biến và đắt tiền (50 đô/suất). Đương nhiên, món ăn từ cá nóc ở đây tuyệt đối an toàn đối với thực khách.

Thế rồi tôi cũng có cơ hội đi ăn cá nóc ở Đông Kinh. Không phải trong cái nhà hàng có hình con cá nóc tròn ung ủng nhìn thấy khi đi qua, mà trong một nhà hàng khác ở quận Akasaka (Dốc Đỏ)

Nhà hàng sạch sẽ, trang trí giản dị theo đúng phong cách Nhật. Thực khách phải bỏ giày ngay sau khi bước vào và được dẫn đến phòng ăn có kê chiếc bài dài ở chính giữa và những chiếc ghế không cao lắm.

Tiếp viên đều là những phụ nữ trung niên tầm 50 tuổi, diện kimono, trang điểm nhẹ nhàng, nói năng nhỏ nhẹ. Dường như hiểu băn khoăn của tôi về tuổi tác của các tiếp viên, thổ công Tokyo giải thích: "Nhà hàng càng sang thì tiếp viên càng già. Các bà này không phải là nhân viên của nhà hàng, mà làm cho một công ty chuyên cung ứng tiếp viên. Thù lao của họ có thể lên đến vài trăm đô một giờ".



Các tiếp viên trung niên bưng ra cho mỗi thực khách đĩa thức ăn trên xếp một lớp cá mỏng tang, có thể nhìn qua thớ thịt hồng như nilon của nó thấy hoa văn của chiếc đĩa bên dưới. Thổ công Tokyo giới thiệu đây chính là món cá sống danh bất hư truyền từ cá nóc. Hãy thưởng thức và đừng sợ gì cả!

Rồi anh hướng dẫn vắt chanh lên lớp cá mỏng tang xếp trên đĩa, chế biến đồ chấm từ tương đậu nành và mù tạc wasabi.

Nhận chìm cá trong nước chấm rồi gắp bỏ vào miệng. Vị ngọt đặc biệt khó mô tả của cá nóc, vị chua thanh thanh của chanh, vị cay gắt của wasabi hoà quyện với nhau, tác động mạnh vào các tua lưỡi và xông mạnh lên óc tạo ra một cảm giác ngây ngất.

Nói thế để đủ thấy ăn hết lớp cá mỏng tang trên chiếc đĩa đẹp đẽ kia đem lại khoái cảm như thế nào và cũng cực nhọc như thế nào.


Không phải nhà hàng nào cũng được phép bán cá nóc và đầu bếp nào cũng được chế biến món ăn từ cá nóc.

Cá nóc, tiếng Nhật là "Fugu", là món ăn truyền thống của người Nhật. Xương cá nóc tìm thấy trong các di chỉ khảo cổ ở Nhật có niên đại 2.300 năm. Fugu được đánh bắt và ăn nhiều ở khu vực miền tây Nhật Bản.

Người Nhật ăn cá nóc chủ yếu vào mùa lạnh. Họ có thể mua cá đã chế biến sẵn ở các cửa hiệu và mang về nhà ăn. Tất nhiên, khi mua họ phải nhìn thấy giấy chứng nhận cá được chế biến an toàn.

Theo Wikipedia, từ năm 1958 Nhật Bản bắt buộc các đầu bếp chế biến cá nóc và bán cho khách phải có giấy phép đặc biệt. Để được tham gia dự thi lấy giấy chứng nhận, đầu bếp phải có ít nhất 2-3 năm thử việc. Họ phải trải qua ba vòng thi: thi viết, thi nhận dạng cá và thi chế biến rồi ăn sản phẩm do mình tạo ra.

Kết quả là chỉ có 30% số thí sinh thi đỗ và được cấp bằng. Điều đó không có nghĩa là 70% số thí sinh còn lại bị chết sau khi ăn món cá nóc do mình tự chế biến. Họ trượt vì mắc những sơ suất nhỏ trong quá trình chế biến dài và phức tạp món cá nóc. Nhờ quy trình thi tuyển ngặt nghèo như vậy, nên cá nóc bán ở các cửa hàng cũng như nhà hàng đều rất an toàn.

Nếu có dịp đến Nhật, hãy ăn thử một lần món ăn bị cấm này.

Hãy nhắm mắt tận hưởng thứ mà ngay cả Nhật Hoàng cũng không được phép. Bạn có tin không? Toàn dân Nhật và khách nước ngoài đến Phù Tang đều được ăn cá nóc, miễn là có tiền, nhưng luật pháp Nhật cấm dâng món cao lương mỹ vị này cho Nhật Hoàng.

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết