4/4/08

CHÁU TÊN LÀ THIỆN NHÂN!



Một số phận đau đớn kỳ lạ
Cuối tháng 7.2006, báo chí đã đưa tin về cháu bé đáng thương này và những thông tin đó đã gây ra sự phẫn nộ và thương xót. Xin trích thông tin trên một số báo:

..."Sau hơn 2 giờ cấp cứu, phẫu thuật, đến 16 giờ ngày 17.7.2006, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã cứu sống một trẻ sơ sinh nam khoảng 72 giờ tuổi, bị bỏ rơi trong tình trạng bị mất chân phải và bộ phận sinh dục... Đứa trẻ này được những người dân thôn 3, xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành - Quảng Nam phát hiện sáng 16.7 tại khu vườn của ông Hồ L(...). Ngành giám định pháp y tỉnh đã có kết luận thương tích trên người cháu bé là do súc vật cắn xé. Chiều cùng ngày, Công an huyện Núi Thành - Quảng Nam cũng đã xác định người mẹ bỏ rơi cháu bé... ".

Tôi không muốn nói gì hơn về sự tàn khốc mà cháu bé bị mẹ bỏ rơi đã phải trải qua, cũng không muốn bình luận về người mẹ còn quá trẻ. Khi người ta tìm thấy, người cháu be bét máu và đầy kiến bu, da tím ngắt không còn một chút sự sống. Dường như tôi nghe văng vẳng đâu đó tiếng nói của sinh linh bé bỏng: "Mẹ ơi, sao mẹ nỡ như vậy với con!". Vô cùng cảm ơn những người phát hiện ra cháu bé, những người đã đưa cháu đi cấp cứu ở bệnh viện, vô cùng cảm ơn các thầy thuốc ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã hết lòng cứu cháu bé. Khi bị mẹ bỏ rơi, khi bị súc vật cắn xé với nỗi đau đớn khủng khiếp như vậy, bên cạnh tình thương yêu của đồng loại đã cứu cháu, có lẽ còn có nghị lực và niềm khao khát sống rất bản năng đã giúp cháu bé sống sót. Một số phận đau đớn kỳ lạ!

Nhà chùa khi đến thăm cháu tại bệnh viện, đã đặt tên cho cháu là Hồ Thiện Nhân với ước muốn ghi nhận lòng Thiện, điều Nhân của con người mãi mãi đi theo cháu suốt cuộc đời. Cuối năm 2007, được sự giúp đỡ của nhiều "mẹ" và một vài tổ chức trong và ngoài nước, bé Hồ Thiện Nhân được đưa đến khám tại Da Nang Family Medical Practice. Bệnh án của Nhân được bác sĩ Jocelyn P.Nava ghi như sau:

"Bệnh nhân Hồ Thiện Nhân. Sinh ngày 15.7.2006.
... Phần chân phải bị cụt còn lại dài 12cm và chuyển động khá tốt. Trẻ được khuyên rằng cần được thay chân giả hàng năm cho đến khi 7 tuổi, cứ 2 năm thay 1 lần cho đến khi 12-13 tuổi, cứ 3 năm 1 lần cho đến khi 21 tuổi (độ tuổi hoàn thiện khung xương), trong thời gian đó bé có thể được thay chân lần cuối cùng.

... Cơ quan sinh dục của bé phải luôn luôn được giữ sạch sẽ kể từ khi bộ phận sinh dục của bé phát triển 1 lỗ nhỏ, điều này cũng dễ dẫn đến sự tắc nghẽn và nhiễm trùng. Do đó, tôi đề nghị siêu âm bụng dưới và vùng háng để xác định phạm vi cắt cụt. Việc tái tạo cơ quan sinh dục và tinh hoàn rất có thể thực hiện được khi bé đến tuổi dậy thì. Tôi không có đủ chuyên môn để tư vấn về điều trị căn bệnh do hormone gây ra. Về mặt sức khỏe sinh dục và tiết niệu, bé cần phải được khám bởi các chuyên gia trong lĩnh vực này".

Tổ ấm mới
Khi báo chí đưa tin, trên diễn đàn những tấm lòng nhân ái của trang web Trẻ Thơ đã liên tục nhận được sự chia sẻ thương cảm của các bà mẹ cả nước. Những mẹ Meminhmin, MuaThu, Blue Cloud, Hạnh Nguyễn, memapcon, Manly, Conhuighe, Mesaurom, Mẹ Sóc xinh, Meyeuminh, Sonmum,... thường xuyên liên lạc thông báo tình hình sức khoẻ, sự chăm sóc đối với Hồ Thiện Nhân. Các mẹ đã "bầu" mẹ Nguyễn Thị Lý - đang làm việc tại Trung tâm Tin học Bưu điện Đà Nẵng, làm trung tâm kết nối, tiếp nhận những đóng góp tiền, sữa, quần áo, thuốc men cho Nhân. Những tấm lòng, những niềm thương yêu của các bà mẹ đã đến với cháu Nhân kịp thời.

Tình thương yêu đó đã đã được " đền đáp", Nhân càng lớn càng thông minh, nhanh nhẹn và đặc biệt là rất nhạy cảm về sự khiếm khuyết của thân thể. Những chuyến đi của các mẹ về nhà của Nhân (nhà bà ngoại nằm trên mảnh vườn nơi Nhân đã bị bỏ rơi) thấm đẫm nước mắt. Bà con, chính quyền xã đều rất thương Nhân. Nhưng để tính lâu dài cho tương lai của Nhân thì ông bà ngoại và mẹ đẻ của Nhân không thể làm được bởi quá nghèo.

Và rồi sự thương yêu một số phận đau đớn đã khiến nhiều bà mẹ quyết định: Phải tìm cho bé Nhân bố mẹ nuôi có điều kiện quan hệ, điều kiện kinh tế, điều kiện môi trường để chạy chữa, chăm lo lâu dài cho cháu nên người, bởi việc đó rất phức tạp và lâu dài. Mặc dù vậy, một cá nhân cũng khó có thể chăm lo cho cháu lâu dài như vậy. Vì vậy, cần cả sự giúp đỡ của cộng đồng và các tổ chức từ thiện. Nhưng ai sẽ là bố mẹ nuôi của cháu đây?

...Mai Anh kể:
"Tháng 7.2006, em đọc báo, rất xúc động về trường hợp của cháu. Nhưng sau đó báo chí không có thông tin gì thêm, nên em vào trang web Trẻ Thơ tham gia diễn đàn và được làm quen với rất nhiều người thương cháu. Em liên lạc với chị Lý và cùng các chị liên lạc email với các tổ chức nước ngoài, hỏi về việc chữa trị cho cháu.

Cuối năm 2007, em cùng một số bạn lên nhà Nhân thăm cháu. Khi gặp cháu, chúng em không cầm được nước mắt. Một cháu bé thông minh, nhạy cảm và phải chịu thiệt thòi như vậy nhưng không được chăm sóc y tế, chăm sóc nhiều mặt như những đưa trẻ khác. Tương lai của cháu đã khác biệt, sẽ cần khác biệt hơn so với các cháu bé đồng lứa nếu cháu sinh sống trong môi trường hiện tại. Lúc đó, em khát khao được làm mẹ để chăm sóc cho cháu.

Tình thương lớn hơn những khó khăn mà em đã lường trước sẽ diễn ra sau này, nên em đã quyết định sẽ xin cháu về làm con của mình. Và rồi sự thôi thúc phải chăm sóc, chạy chữa cho cháu càng nhanh càng tốt giúp em quyết định rất nhanh. Chồng em sau khi nghe về quyết định của em đã phân tích về trách nhiệm nhân lên rất nhiều (hiện vợ chồng em đã có 2 cháu trai) và thống nhất sẽ làm... bố của Nhân. Sau nhiều ngày phải hoàn thành các thủ tục pháp lý, chúng em về nhà bà ngoại của Nhân để đón cháu.

Trong ngày đến nhận cháu về, chúng em đã đến mảnh vườn nơi cháu bị vứt bỏ. Lúc đó, chúng em càng quyết tâm đón cháu. Thương lắm anh ạ. Nhà ông bà ngoại quá nghèo, nên cháu sống như con gà trong nhà, lê la khắp nơi bằng... 3 chi của mình. Cháu thấy gì ăn nấy, nhưng ăn nhiều nhất là chuối và... cơm nguội. Khi bọn em bế cháu rời nhà bà ngoại, cháu cứ quay lại giơ tay về ngôi nhà và khóc"...

Suốt đêm đầu tiên về nhà bố mẹ nuôi ở Hà Nội, Nhân không dám nằm ngủ. Cháu ngồi trên giường mà ngủ ngồi, mỗi khi gục xuống giường thì giật mình và như có sức mạnh nào đó khiến cháu bừng tỉnh để tiếp tục ngồi dậy. Dù bố mẹ dỗ mọi cách, cháu vẫn không chịu nằm. Trong thẳm sâu, cháu bé vẫn lo sợ điều gì đó bất ổn. Chính vì thế mà bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ của Mai Anh càng thương cháu, dành tình thương cho cháu nhiều hơn. Sau hơn nửa tháng về gia đình mới, đến nay Hồ Thiện Nhân đã "hoà nhập" trong tình thương yêu của tất cả các thành viên.

Chặng đường còn gian khổ

Khi tôi đến thăm, Nhân đang đứng một chân và sau đó được bố nuôi cho ăn chuối. Tôi muốn xem vết thương cũ của cháu, nhưng Nhân lấy tay giữ chặt quần, kiên quyết không cho cởi ra và khóc thét lên. Mai Anh giải thích: "Lâu nay cháu không muốn cho ai xem tình trạng cơ thể của cháu". Mắt tôi cay sè. Mới 18 tháng tuổi mà cháu đã nhạy cảm đến thế là cùng.

Một bác sĩ nói với Mai Anh khi được tin cô nhận nuôi Hồ Thiện Nhân: "Bạn đã làm một việc cao cả và không có kết thúc". Còn mẹ của Mai Anh nhắn tin: "Con đã bước một bước thì hãy bước tiếp".

Vợ chồng Mai Anh đã đưa cháu đến Bệnh viện Việt - Pháp Hà Nội khám cho cháu để có lộ trình chữa chạy lâu dài. Các bác sĩ phải cố gắng lắm mới có thể "tiếp cận" thân thể của Nhân. Khi tận mắt chứng kiến, ai cũng choáng. Các bác sĩ đưa ra các khả năng: Sẽ phải làm chân giả, nhưng vì cháu còn phát triển nên hàng năm phải điều chỉnh chân giả cho cháu cho đến khi cơ thể không phát triển nữa; về bộ phận sinh dục, trước mắt phải phẫu thuật để cháu đi tiểu được dễ dàng, sau đó nếu chuyển đổi giới tính thì phải phẫu thuật và phải tiêm thuốc cả đời, nếu để nguyên giới tính nam thì phải phẫu thuật làm dương vật giả... Mai Anh quyết định không đổi giới tính cho cháu. Điều Mai Anh mong muốn cháu lớn lên sẽ nói thật mọi chuyện để cháu cùng cha mẹ nuôi phải đối diện với hoàn cảnh, "chiến đấu" để vượt lên, trở thành người đàn ông mạnh mẽ, tự tin và có ích cho xã hội.

Nhưng cả quá trình đó là vô cùng tốn kém và lâu dài, chắc rằng vợ chồng Mai Anh không thể đủ sức. Tôi nhìn vợ chồng Mai Anh mà ái ngại. Sự mảnh dẻ kia có chịu nổi cực nhọc cả đời không? Mai Anh đỏ mắt: "Vợ chồng em thương Nhân lắm. Tội con nó anh ạ". Lòng thương yêu là vậy, nhưng chặng đường gian khó của vợ chồng Mai Anh và cháu Thiện Nhân còn dài. Nhân danh tình thương yêu, tôi xin kêu gọi cộng đồng xã hội, những người nhân ái sẽ xúm tay vào giúp cháu Hồ Thiện Nhân nên người.

Địa chỉ của Mai Anh: 118 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội; email: hanoiguppy@gmail.com hoặc elkeray@yahoo.com

Khi tôi viết gần xong bài này thì nhận được điện thoại của Mai Anh: Hồ Thiện Nhân vừa được cha mẹ nuôi đưa đi lắp chân giả và hiện tại cháu đang được mọi người giúp đỡ đi. Mong cháu sẽ được cả cộng đồng xúm tay chăm lo, để cháu vững bước đi trên đường đời vốn chông gai từ khi lọt lòng mẹ!
Tô Phán

Sau khi Lao Động đăng tải bài viết "Nhân lên lòng thiện, điều nhân", đã có hàng trăm lá thư của bạn đọc ở trong và ngoài nước chia sẻ với cháu Nhân. Hàng chục đoàn đã tới thăm hỏi, tặng quà và động viên gia đình vợ chồng anh Quang Nghinh - Mai Anh và bé Nhân. Vợ chồng anh chị Quang Nghinh - Mai Anh hết sức xúc động về sự động viên chia sẻ của cộng đồng và bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến sự đến bạn đọc. Với cháu Nhân, việc chăm sóc, nuôi nấng, tạo điều kiện cho cháu học hành là điều vợ chồng anh chị Quang Nghinh - Mai Anh hoàn toàn có khả năng làm tốt. Tuy nhiên, việc chữa trị lâu dài cho cháu Nhân quả thực là một khó khăn. Đã có nhiều sáng kiến được nêu ra như các tổ chức độc lập tạo mở một Quỹ để chữa trị cho cháu Nhân hay mở riêng một tài khoản để các tổ chức cá nhân đóng góp và chỉ dùng cho việc chữa trị bệnh cho cháu Nhân... Rất mong bạn đọc phản hồi, góp ý về cách chăm sóc, chữa trị cho bé Nhân. Bấm vào đây để gửi ý kiến.

Theo đề nghị của nhiều bạn đọc, sau khi bàn bạc, vợ chồng anh chị Quang Nghinh - Mai Anh đã quyết định dùng tài khoản của chị Mai Anh để nhận sự trợ giúp của cộng đồng giúp cháu Nhân. Những đóng góp hảo tâm của cộng đồng đến tài khoản này sẽ chỉ được sử dụng phục vụ việc chăm sóc và chữa trị cho bé Nhân.

Tên chủ tài khoản: Trần Mai Anh, số 0011000474142 Vietcombank HO. Điện thoại liên lạc: 0936166588.
Lao Động

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết