18/11/10

VĂN HÓA PHONG BÌ



Bàn tròn báo Sài Gòn Tiếp thị

Nguyễn Minh Sơn: Tuần này Quốc hội đang bàn thảo sôi nổi về cải cách hành chính. Một trong các vấn đề của cải cách hành chính đó là văn hoá phong bì.

Đây là vấn đề không mới. Có thể nói nửa thế kỉ qua chúng ta đã ta thán vấn đề này rồi. Nhưng chính vì nó cũ mới đáng sợ, một khi văn hoá phong bì trở thành một nếp sống của người Việt thì đáng sợ vô cùng. Ta bàn hôm nay rồi có khi hôm sau, hôm sau nữa cũng phải bàn, bàn đến khi nào văn hoá phong bì thực sự triệt tiêu trên đất nước ta khi đó mới hết bàn. Không biết tôi nói thế có đại ngôn không nhưng thực lòng là như vậy.

Xin hỏi câu thứ nhất: Rõ ràng ai cũng biết văn hoá phong bì là một tệ nạn, nhưng nó xuất phát từ lối sống Việt hay cơ chế?

Nguyễn Quang Lập: Cha ông ta không có văn hoá phong bì nhưng văn hoá ứng xử theo kiểu bánh ú đi bánh chì lại, gái có công chồng không phụ cũng là nguyên cớ cho văn hoá phong bì có lý do phát triển. Thay vì hai tiếng cảm ơn, người ta hành xử theo cách “bánh chì lại”, chính cái sự “bánh chì lại” là lý do đẻ ra văn hoá phong bì. Ý tôi muốn nói là, từ một ứng xử rất văn hoá, đầy tình người đã bị văn hoá phong bì lợi dụng. Văn hoá phong bì gặp cơ chế quan liêu mệnh lệnh giấy tờ, cơ chế xin cho đã nhanh chóng sinh sôi nảy nở, nhanh chóng trở thành một tệ nạn. Lâu ngày nó trở thành nếp nghĩ, nếp sống của người Việt. Ngày nay nó như một lẽ đương nhiên, đến nỗi không ai buồn nói đến nó nữa. Rất đáng sợ.

Võ Đắc Danh: Văn hóa phong bì thực chất là một hình thức hối lộ, khác chăng là nó hiện đại hơn. Thời phong kiến, vào cửa quan phải cho tiền anh gác cổng, khi gặp quan thì trước hết phải đặt tiền vào cái đĩa trên bàn quan, gọi là tiền trình, có tiền trình thì quan mới cho trình. Khi quan giải quyết công việc xong thì phải đặt vào cái đĩa ấy số tiền gọi là tiền tạ. Thiết nghĩ từ cái đĩa chuyển sang phong bì chỉ khác nhau về hình thức đút lót mà thôi. Cho nên tôi nghĩ nó vừa là lối sống ảnh hưởng phong kiến vừa là cơ chế.

Đỗ Trung Quân: Cái đĩa còn có tính công khai, còn phong bì thì hoàn toàn bí mật. Nếu người ta qui định việc này phải tốn bao nhiêu, việc kia tốn bao nhiêu một cách rõ ràng thì khi đó sẽ không có cái gọi là văn hoá phong bì.

Nguyễn Trọng Tín: Theo tôi gọi là văn hoá phong bì không ổn. Không thể nào gọi chuyện hiếp dâm là văn hóa hiếp dâm, chuyện cướp giật là văn hóa cướp giật; vì vậy cũng không thể nào gọi chuyện đưa và nhận tiền đựng trong phong bì mà thực chất là chuyện đút lót, đưa hối lộ (bởi ở đây không hề có chuyện ai vay ai trả, ai bán ai mua…) là văn hóa phong bì. Hồi tôi còn đi học, ngày lễ, ngày tết, kể cả khi nhà thầy có chuyện ma chay, không có đứa học trò nào, dù là đứa học trò hạng bét, muốn lấy lòng thầy để được lên lớp, dám nghĩ đến chuyện đút tiền vô phong bì rồi đem đến đưa cho thầy. Hồi thời chính quyền Sài Gòn trước 30.4.1975, chuyện tham nhũng cũng rất dữ dằn, nhưng chủ yếu là ở 2 dạng: 1/quan chức chính quyền và quân đội ăn cắp từ nguồn viện trợ chiến tranh của Mỹ, 2/Người trong bộ máy động viên quân dịch ăn tiền đút lót của người trốn lính, nhưng chuyện đưa tiền cũng rất lén lút, không có chuyện công khai đưa phong bì. Chuyện đưa phong bì theo tôi là không phải xuất phát từ lối sống Việt; nó là con đẻ của thiết chế xã hội.

Hồ Trung Tú: Tui thấy gọi văn hoá cũng không sai. Trước hết nó là một tệ nạn nhưng lâu ngày nó thành nếp nghĩ, lối sống thì đó là văn hoá. Đề tài này đang vô cùng thời sự và bác Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ, tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách Tthủ tục hành chính của Thủ tướng, nói hay hơn anh em ta khi gọi đích tên đó là chi phí “qua gầm bàn”! Tuy bác ấy gọi đúng tên nhưng xác định mức độ ở tầm “bức xúc” thì quá nhẹ, nó phải gọi là “mục ruỗng” mới đúng danh sự việc! Chở hàng đi cứu trợ Quảng Bình bằng xe tải không treo băng rôn cứu trợ, xe tôi bị hàng chục lần công an giao thông chận lại, và tài xế cho biết cái chuyện ai cũng biết vì báo chí nói nhiều rồi. Giải quyết chuyện này là dễ nhất trong tất cả mọi chuyện, vì đó là lực lượng chuyên chính, thế nhưng vẫn không được, sao vậy ? Anh trưởng phòng giao thông các cấp là người chịu trách nhiệm cụ thể nhất nhưng vẫn không buộc trách nhiệm được như bất cứ chuyện gì khác. Sao vậy? Nó là tệ nạn hay là “một lẽ đương nhiên” như bác Lập nói. Nếu nó là lẽ đương nhiên thì là văn hoá rồi đó bác Tín.

Nguyễn Minh Sơn: Cảm ơn các bác. Sự bàn luận có vẻ như xa rời câu hỏi này lại chính là sự trả lời rất hay. Tiền thì ở phương Tây có thể gọi là văn hóa. Phong bì thì không thể kèm hai từ văn trị và giáo hóa vào đó. Ban đầu phong bì biến thể từ việc người ta muốn thể hiện nghĩa cử hàm ơn, nhưng khi nó đi vào cơ chế xã hội trở thành xung đột lợi ích và mang ý nghĩa tiêu cực. Ngày nay ở Việt Nam nó tràn ngập như một thứ dịch bệnh xã hội mà bác Tú nói ông Nguyễn Xuân Phúc – Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ vừa nói tuần rồi là “chi phí dưới gầm bàn”. Từ chỗ ứng xử đầy tình người “bánh ú đi bánh chì lại” như bác Lập nói đến “Chi phí dưới gầm bàn” như ông Phúc nói là sự dịch chuyển từ văn hoá của lối sống Việt đến văn hoá của cơ chế ngày hôm nay.

Cho tôi sang câu hỏi thứ hai: Có người nói muốn dẹp bỏ văn hoá phong bì thì cần phải nâng cao mức sống công chức, điều đó có đúng không?

Nguyễn Trọng Tín: Không đúng. Tôi ví dụ, nếu trả lương cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ là một trăm triệu/tháng, thì những cái phong bì chứa vài trăm ngàn cho tới vài triệu đô la Mỹ kia chắc chắn ông ta vẫn lấy như thường. Mấy ông trong vụ PMU 18, ông nào cũng năm ba biệt thự, đất đai mênh mông, tiền đánh bài tính bằng trăm ngàn đô la chứ đâu phải người túng quẫn vì lương thấp mà đi làm bậy. Lòng tham con người là cái túi không đáy. Người văn hóa xài tiền càng thấp thì lòng tham càng vô độ.

Nguyễn Quang Lập: Bác Tín nói “không đúng” tôi cho là hơi nhẹ. Tôi xin nói luôn đó là sự ngộ nhận rất nguy hiểm. Bởi vì phong bì sinh ra vì lòng tham chứ không phải sinh ra từ đói nghèo. Ông bà ta nói đói cho sạch rách cho thơm là vì vậy. Để tiêu diệt nạn phong bì thì phải có thiết chế hành chính thế nào để tiêu diệt lòng tham chứ không phải nâng cao mức sống. Vả lại nói vậy cũng buồn cười, làm sao có thể nâng cao mức sống cho công chức một khi tham nhũng vẫn tồn tại như một lẽ đương nhiên.

Hồ Trung Tú: Bác Nguyễn Xuân Phúc gọi đúng đối tượng khi nói: "Chi phí “qua gầm bàn” đối với thủ tục hành chính là vấn đề xã hội đang rất bức xúc, do chính cán bộ gây ra”. Thế nhưng khi bàn đến chuyện giải quyết thì Bộ trưởng lại nói đến yếu tố con người, con người trước hết. Nói thật, tôi mất niềm tin vào vai trò của nhận thức, ý thức, về tinh thần, ý chí gì gì đó từ lâu lắm rồi. Con người bị các bản năng dục vọng, ham muốn chi phối nhiều và mạnh lắm, điều khiển được nó chỉ có cái “hàm thiếc” của luật pháp. Mà luật pháp ở ta thì tùy tiện. Nói đến đây là thấy oải rồi, oải vì không biết bắt đầu từ đâu trước, nên là luật có trước hay nên là con người có trước! Hì... Chuyện thế giới người ta giải quyết được từ tám hoánh, không hiểu sao ở ta vẫn cứ lùng bùng mấy chuyện vỡ lòng này hoài không ra được !

Đỗ Trung Quân: Ngoài vấn đề luật pháp còn có câu chuyện của nhân tâm nữa bác Tú ạ. Một khi người ta nói không với xấu hổ trong việc hối lộ thì văn hoá phong bì đương nhiên có đất sống

Võ Đắc Danh: Tăng mức sống cho công chức là dẹp được tệ nạn phong bì a? Rõ là hài hước. Câu hỏi thứ hai có vẻ như câu hỏi rất vớ vẩn vì thế giới ngày nay ít ai lại đặt câu hỏi như vậy nữa. Nhưng ở ta có vẻ như vẫn là một vấn đề đáng quan tâm, bởi vì không ít người nghĩ như vậy. Tôi cho đấy chính là một nỗi đau.

Nguyễn Minh Sơn: Tôi xin nhắc lại một chuyện nho nhỏ. Mọi người chắc còn nhớ vụ ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ bỏ quên một vali đầy phong bì ở sân bay Nội Bài năm 2003 chứ. Mở vali ra người ta thấy nguyên xi những người “kính gửi” trong đó có cả UBND tỉnh, công ty xây dựng, Ban quản lý dự án… Mức sống ông Lâm thời điểm đó làm sao có thể gọi là thấp được! Cho nên đặt vấn đề tăng mức sống công chức là dẹp được văn hoá phong bì là một ảo tưởng. Đặt câu hỏi này chính là ta đang nói đến một nỗi đau: những đề xuất kiểu này nếu không cố che đậy cho tham nhũng thì cũng là cái cớ để tham nhũng hoành hành mà thôi. Nhưng vô lẽ lại bó tay chấm com?

Vì thế ta có quyền đặt câu hỏi: Có thể dẹp bỏ văn hoá phong bì được không, và khi nào thì có thể dẹp bỏ được?

Võ Đắc Danh: Lại một câu hỏi khó. Khi lòng tham không đáy thì dù có nâng lương lên tiền tỷ đi nữa thì cái phong bì vẫn là cái “bánh chì”. Với công chức, chức nhỏ, việc nhỏ thì phong bì mỏng; chức lớn, việc lớn thì phong bì càng dày, càng to. Thử hỏi một anh đi làm giấy chứng nhận quyề sử dụng đất mà không thuê cò hoặc không có phong bì thì có làm được không? Thử hỏi đi xin một dự án thì cái phong bì ấy là bao nhiêu? Còn lâu mới dẹp được!

Nguyễn Trọng Tín: Khi nào có được một chính quyền (vì không có chuyện tham nhũng, ăn hối lộ xuất hiện ở chốn giao tiếp của dân thường với dân thường) hoạt động trong một thể chế minh bạch, chuyện đưa phong bì sẽ mất môi trường tồn tại. Một thể chế minh bạch là khi người dân có đủ công cụ để kiểm soát rõ ràng đồng tiền do mình đóng thuế được sử dụng ra sao.

Đỗ Trung Quân: Bác Tín nói rất đúng. Nhưng bao giờ chúng có được một thể chế minh bạch?

Hồ Trung Tú: Như bác Lập nói ở câu đầu tiên, mảnh đất tươi tốt cho văn hoá phong bì tồn tại và phát triển chính là cơ chế xin cho, cơ chế quan liêu mệnh lệnh giấy tờ. Chúng ta nói chúng ta đã bước qua thời kì quan liêu bao cấp nhưng thực sự chúng ta đã đi qua chưa, hay nó được tồn tại ở mức cao hơn, sâu hơn? Ai trả lời cho tôi câu hỏi này thì tôi sẽ trả văn hoá phong bì có dẹp bỏ được không. Còn bây giờ thì chịu.

Nguyễn Quang Lập: Dẹp được với hai điều kiện, một là ta xây dựng được một nền văn hoá biết xấu hổ với cái xấu, hai là một thiết chế ngăn chặn được nạn tham nhũng. Tuy nhiên đây chỉ là mơ ước thôi. Một khi chúng ta chưa thoát qua cơ chế quan liêu bao cấp thì tất cả chỉ là mơ ước.

Nguyễn Minh Sơn: Vâng, thưa các bác, không biết bao giờ và rất khó dẹp bỏ nạn phong bì. Chỉ phạm vi hẹp như trong ngành báo chí chúng ta cũng đã khó. Tôi thấy những tờ báo lớn như The New York Times hay báo chí Anh, Ấn Độ… người ta làm rất nghiêm bằng cách đưa ra những bộ quy tắc đạo đức tránh xung đột lợi ích. Việt Nam là cả một xã hội phong bì, liệu có thể xây dựng một bộ quy tắc đạo đức trong bộ máy hành chính và tất cả các nghề nghiệp hay không? Tôi không chắc là làm được. Vì vậy nếu hỏi tôi bao giờ làm được thì tôi chịu. Nó như một câu hỏi lớn không lời đáp vậy.

Nguyễn Quang Lập: Không phải không lời đáp mà là câu hỏi để ngỏ.

Nguyễn Minh Sơn: Vâng, câu hỏi để ngỏ. Chúng ta để ngỏ câu hỏi này cho chúng ta và cho tất cả mọi người. Xin cảm ơn các bác.

Nguồn:
Văn hóa phong bì - Sài Gòn Tiếp thị



11 comments:

LU on lúc 23:26 18 tháng 11, 2010 nói...

Nhưng em nghe nói rằng ko dẹp được đâu anh ơi. Vì nếu ko có phong bì luồn tay, ko có nhận hối lộ bằng đủ hình thức, thì lấy gì mà sống nhởn nhơ? biết rằng nó xấu như đó là cách tìm tiền nhanh nhất thành căn bệnh ko trị được rồi.

Ngược lại, bên xứ người thì làm lớn lại ngại nhận quà của bên dưới. Tới ngày lễ lộc, đôi khi boss phải đi mua quà tặng lại cho toàn nhóm ấy chứ.
Thật ra ko phải tự động làm tốt, lí do là cái chức vị, mức lương, quyền hành, đủ khiến người ta khôn ngoan ko ăn bậy để mất nồi cơm, vậy thôi!

Titi on lúc 23:59 18 tháng 11, 2010 nói...

Uầy, vấn đề hóc búa này không thể đánh đồng như thế. Phải tùy từng trường hợp cụ thể mờ phá án nhé.

Thứ nhất, muốn loại trừ hối lộ trá hình, phải loại trừ nguyên nhân tại sao người ta cần hối lộ. Cụ thể là những phong bì mỏng mỏng sau họp hành thì rõ là một dạng thói quen , người ta thấy nếu có phong bì thì có nhiều phóng viên, người dự họp hơn nên người ta tiếp tục phong bì. NGười dự thì thấy tự dưng được một món không mất gì, cộng lại cả tháng cũng thành kha khá nên tăng cường họp hành. Nếu những người này có thu nhập tốt rồi, chẳng đời nào họ mất thời gian cho những cuộc họp không liên quan.
Thứ hai, những phong bì dày cộm thì phong bì chỉ là cái vỏ che bớt đống tiền bên trong, nếu loại trừ phong bì thì người ta sẽ sáng tạo cái vỏ khác nhé. He he...
Cho nên, theo em tệ nạn phong bì chỉ loại bỏ được ở tầng lớp trung lưu trở xuống, và ở những vị trí quan trọng vừa phải. Ta chỉ cần tăng thu nhập đúng sức lao động, để họ đủ sống, đủ can đảm từ chối những cuộc họp không cần thiết.
Còn ở những vị trí trọng yếu, ở những người đã rất giàu ròi thì tệ nạn này vĩnh viễn hong hết được đâu. Hu hu...ngàn đời vẫn còn và sẽ vẫn tiếp diễn chừng nào con người còn thích tiền và quyền lực :-(

PS: các bác không nên lẫn lộn hối lộ trá hình với phong bì tỏ lòng biết ơn tế nhị trong giao tiếp hàng ngày nhé. Ví dụ, em muốn thưởng thêm cho osin vì làm tốt, em có quyền tế nhị bỏ tiền vào phong bì chứ? Hoặc em muốn cho em dâu em tiền xây dựng tổ ấm nhỏ, giúp dòng họ em chăm sóc thằng em trai em, em cũng có thể dùng phong bì một cách lịch lãm chứ :-D

doanh on lúc 02:50 19 tháng 11, 2010 nói...

túm lại là các bác í bàn nhìu nhìu nhưng chỉ dừng lại ở mức độ mô tả, còn thua Titi, ít ra là cũng đã phân loại và phân tích và phân... bua, hihi,

có lí do nào phong bì cho em nữa hem chị ui :-)

An Thảo on lúc 06:51 19 tháng 11, 2010 nói...

Báo cáo, em đọc rồi, em về đây. Hôm nay là ngày 20.11, em phải đi nhà thầy cô giáo của những hai đứa con lận.(câu này các bác tự hiểu nhé, có rất nhiều cảm xúc khác nhau khi đến thầy cô giáo, giống ý kiến phần PS của em Titi)

Em bắt đầu suy nghĩ về entry mang tên: PHONG BÌ HÌNH GÌ?

Thuy Dam Minh on lúc 09:38 19 tháng 11, 2010 nói...

Cái hội thảo mi-ni bàn tròn lần này của SGTT hay thật. Và rất thiết thực. Anh thì sợ văn hoá phong bì lắm! Hì

Titi on lúc 09:52 19 tháng 11, 2010 nói...

@Gấu: hí hí...cảm ơn em đã khen. Chị nghĩ, bản lĩnh như Gấu thì chỉ cần phong bì có lõi là ...chữ thôi, ILU chẳng hạn ... hí hí..

@AT: ý hay quá! Em chờ đọc PHONG BÌ HÌNH GÌ của chị nhé :-)

MHTL on lúc 10:41 19 tháng 11, 2010 nói...

Bài đăng vào dịp 20/11 ngại quá :))

Mecghi on lúc 13:01 19 tháng 11, 2010 nói...

chị Ti: PR khéo để câu em dâu đây, hi hi. Đúng là nhiều khi mình dùng phong bì như 1 cách cảm ơn thiết thực thôi. Chính vì văn hóa phong bì này mà em không thể làm ở cơ quan nhà nước được đấy, hic. Còn ông chồng em thì không thể đi biếu xén ai dược hết ngoài 2 bên gia đình....

Nặc danh nói...

VMC bó gối, ngồi im, suy tư không ý kiến gì hết ư? Cháu là cháu chỉ thích nghe Bác phát biểu thôi.

Nặc danh nói...

"Ta chỉ cần tăng thu nhập đúng sức lao động, để họ đủ sống, đủ can đảm từ chối những cuộc họp không cần thiết" => ta là ai vậy ta?

Nặc danh nói...

@Titi: "Ta chỉ cần tăng thu nhập đúng sức lao động, để họ đủ sống, đủ can đảm từ chối những cuộc họp không cần thiết"=> đúng sức lao động đồng nghĩa với đủ sống??? Thế nào là đủ.
Thích cách đặt vấn đề của Mr Đỗ Trung Quân về sự xấu hổ. Cái này thì hình như ngày càng hiếm, không chừng còn hiếm hơn đất hiếm. Thế mà chẳng thấy ai bảo vệ, quan tâm nhỉ? Còn vấn đề thể chế minh bạch thì cũng cần, nhưng cũng không phải diệu dược. Mấy nước phương Tây minh bạch như thế mà vẫn hối lộ đấy thôi... Thậm chí còn hối lộ xuyên quốc gia như anh PCI ở Nhật Bản.
Phản đối cái tựa. Phong bì không xấu, văn hóa cũng không xấu. Vậy mà đặt hai từ này cạnh nhau thì hàm ý xấu. Thế nào là giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt hí? Hình như báo Lao Động có tổ chức diễn đàn về vấn đề này rồi???

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết