Minh Phước
Một lần, tôi cần mua vài chiếc bookmark, đi khắp các hiệu sách và cửa hàng đồ lưu niệm nhưng không tìm đâu ra loại bookmark đẹp, xứng đáng dùng làm quà tặng một cách trân trọng. Chỉ có những miếng bìa vẽ sơ sài hình tháp Rùa hồ Gươm, hoặc hình các cô gái mặc trang phục dân tộc. “Chủ yếu bán cho Tây, giá cũng chỉ 10-20 ngàn là cùng”, chủ cửa hàng cho biết.
Thật khác xa với những chiếc bookmark bằng da, mạ vàng hoặc khắc gỗ tinh xảo tôi từng được thấy trong bộ sưu tập của một người bạn. Chuyện tuy nhỏ nhưng có thể thấy, nếu tìm những dụng cụ hỗ trợ sách căn bản còn khó khăn, thì chúng ta chưa có những hiệu sách hoàn thiện.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch vừa ký quyết định thành lập ban soạn thảo xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Đã có quá nhiều bài báo, hội thảo nói về việc văn hóa đọc xuống cấp, so sánh khoảng cách thư viện Việt Nam với thư viện nước ngoài, so sánh sức đọc của người Việt hiện nay với người Nhật từ thời Minh Trị… chỉ để cùng đi đến một kết luận chung: chúng ta chưa hề có văn hóa đọc theo đúng nghĩa.
Bởi vậy việc thành lập một ban soạn thảo, đưa ra những giải pháp để xây dựng văn hóa đọc, dù chưa thấy công bố thời hạn hoàn thành, ít nhất cũng là một bước đi cụ thể trong chiến lược quy mô và cực kỳ phức tạp mà đáng ra đã phải tiến hành từ lâu.
Cũng vì đa số những gì liên quan đến sách trên quy mô lớn ở Việt Nam đều nằm trong tình trạng thiếu tính chuyên nghiệp, nên khó có thể định nghĩa đầy đủ về “văn hóa đọc”. Nhưng chắc chắn một điều, văn hóa đọc không chỉ là việc tăng cường đọc sách văn học như một số người lầm tưởng, cũng không chỉ là đọc thật nhiều rồi ghi lưu niệm vào sách, hay sưu tầm sách cũ.
Văn hóa đọc rộng lớn hơn rất nhiều. Những thư viện mênh mông mở cửa cả ngày, những tủ sách gia đình được giữ gìn cẩn thận và bổ sung qua nhiều thế hệ, những nghệ nhân đóng sách, những nhà sưu tập sách quý, những nhà xuất bản lớn có uy tín thật sự trong việc kiểm soát một cuốn sách từ khâu mua bản quyền đến khâu phát hành… là hình ảnh quen thuộc tại một quốc gia đã có được văn hóa đọc.
Nếu thật sự xây dựng được văn hóa đọc từ gốc, thì đó sẽ là những biểu hiện bên ngoài, trong đó có cả những chi tiết nhỏ như chiếc bookmark, vốn xuất hiện từ cuối thế kỷ 16 ở châu Âu và trở thành món quà đầy trân trọng mà giới trí thức quý tộc thời bấy giờ tặng nhau cùng với những pho sách kinh điển.
Nếu hỏi một sinh viên Việt Nam đi du học nước ngoài, kể cả ở các nước châu Á, điều gì làm họ thấy sốc nhất, thì câu trả lời nhận được khá thường xuyên là “sách”. Khi đã quen ung dung đi qua 4 năm đại học mà chẳng nhất thiết phải đọc hết vài bộ sách trong giáo trình, hiển nhiên là sẽ bị sốc khi bị giáo viên giao một lô sách tham khảo chỉ riêng cho một chuyên đề.
Không thể không đọc vì sẽ buộc phải dùng đến kiến thức trong sách đó, mà phải phát triển được ý riêng của mình, kĩ năng cóp nhặt cho qua vốn quen dùng trong nước đành phải xếp sang bên. Nhưng đọc vào mới thấy không đơn giản. Thời gian có hạn, trong khi sinh viên nước ngoài đọc mấy trăm trang vừa nhanh vừa nhớ rất rõ từng điểm quan trọng thì một sinh viên Việt Nam sẽ phải rất nhọc nhằn để vượt qua quãng đường tương tự. Bởi kĩ năng đọc – phần tối quan trọng của văn hóa đọc, chúng ta không được học trong nhà trường. Học thuộc lòng/trả bài/quên luôn, một quy trình quen thuộc góp phần quan trọng làm học sinh ghét sách và không thu được gì nhiều từ sách dù chương trình học có nhồi nhét đến mấy.
Có người so sánh: học sinh nước ngoài được học cách hệ thống, rồi tự phát triển; còn học sinh Việt Nam được phát một cái bị, vứt lẫn lộn sách vào đó, khi đầy thì bỏ bớt ra, thiếu lại nhặt vào, mà mãi vẫn chưa đọc được đến đầu đến đũa. Chiến lược quốc gia về văn hóa đọc sẽ vấp phải bức tường thành này ngay bước đầu tiên.
Trước số lượng sách khổng lồ, kĩ năng đọc là chìa khóa giúp con người tự tin tiếp cận với kiến thức. Trong truyện Sherlock Holmes có chi tiết: bác sĩ Watson cần đóng giả một nhà sưu tập đồ gốm Trung Hoa, ông ta đến thư viện tìm hơn chục cuốn sách về đề tài trên và đọc suốt ngày, sau đó ông ta đủ tự tin để đối đáp với tay chuyên gia mình cần tiếp cận.
Kĩ năng đọc như vậy không chỉ nhờ vào trí thông minh, mà cần có sự rèn luyện lâu dài. Cách ghi nhớ, cách hệ thống đều cần được rèn luyện, chưa kể đến những mức cao hơn là thẩm định, so sánh và phản biện. Văn hóa đọc sẽ phát triển ra sao khi người ta chỉ đọc vài ba cuốn sách mỗi năm? Kiến thức có được một cách từ từ và mỗi cuốn sách ta chọn đọc, ta cần có một kĩ năng vững vàng để hiểu thấu đáo và bổ sung vào lượng kiến thức mình đã có.
Các cuộc họp báo hay hội thảo nghiên cứu ở Việt Nam, đa phần rơi vào tình trạng tẻ nhạt, chẳng ai hứng thú đặt câu hỏi hay phản biện. Thiếu khả năng tranh luận một cách xác đáng cũng bởi ít đọc sách đa dạng, mỗi người chỉ đọc vài cuốn sách liên quan đến chuyên ngành của mình mà thôi, và không cập nhật nổi sách mới. Đọc chậm và chán đọc - tất cả cũng chỉ vì do kém kĩ năng đọc mà ra.
Kĩ năng đọc không được dạy trong nhà trường, còn trong gia đình cũng không nhiều điều kiện phát triển. Đến nhiều nhà có thể gọi là “gia đình trí thức” – bố mẹ giáo viên, con cái đều học đại học – cũng rất hiếm khi thấy một tủ sách đúng nghĩa. Vài cuốn sách giáo khoa, giáo trình, truyện tranh và tạp chí - đó là một cấu trúc thường thấy.
Một tủ sách gia đình được duy trì qua nhiều thế hệ, hay ít nhất là thói quen mua sách thường xuyên có vẻ quá xa xỉ, dù giá sách xét kĩ ra không hề đắt so với mức sinh hoạt ở thành phố. Khi chưa thể trông cậy vào các thư viện, vốn đã ít lại chỉ mở cửa vào giờ hành chính và được canh gác quá kĩ càng, thì lại càng cần xây dựng tủ sách cho riêng mình.
Những buổi triển lãm sách quý ở vài quán café sách nhỏ, hiệu sách cũ ở nơi những ngõ hẻm đường vòng và thông tin sách theo kiểu truyền miệng, chỉ có thể tác động đến những người có ý thức tự mình đi tìm, chứ không thể tác động đến đám đông. Từ kĩ năng đọc đến một hệ thống xuất bản sách chuyên nghiệp là cả một không gian văn hóa đọc rộng lớn được làm bằng “sự thủy chung kỳ bí qua nhiều thế hệ” như Borges nói.
Chiến lược quốc gia về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng chắc chắn sẽ đụng đến rất nhiều thành trì cố hữu trong giáo dục, xuất bản cũng như mọi thứ liên quan đến sách ở Việt Nam, bởi vậy những người bi quan (hoặc thực tế) đều có lý do để lo lắng cho thành công của chiến lược này.
Nguồn:
Từ chiếc bookmark nghĩ về văn hóa đọc - Tạp chí Tia sáng
Entries liên quan:
QUAN HỌ LIÊN QUỐC BẢO
NGHE SẾP NÓI TIẾNG ANH
NGHI THỨC TÂM LINH - SỰ BI HÀI CỦA ĐỀN CHÙA VIỆT
VĂN HÓA DÂN TỘC HAY QUY LUẬT "ÂM LỊCH HÓA"
19 comments:
Việt Nam mình làm nhiều cái bookmark rất đẹp. Về là em lại mang sang đây làm quá đó, vừa nhẹ nhàng vừa ý nghĩa.
Anh C gần đây đọc cuốn nào, review cái nào :))
Lừng ơi mua ở đâu đấy? đọc bài này nhìn mấy cái hình minh họa tớ đang thích được tặng một cái bookmark đẹp đây nè :)
Cảm ơn Anh Cường sưu tầm và chia sẻ một bài rất hay. "Văn hóa đọc rộng lớn hơn rất nhiều. Những thư viện mênh mông mở cửa cả ngày..." - đúng thế, hệ thống thư viện ở mình quá ít đối với người dân, ai muốn đọc chỉ có mỗi cách là tự đi mua sách về nhà. Bỏ tiền nên mua phải chọn lọc, nghe giới thiệu là nhiều chứ đi tìm chọn thì mất thời gian... túm lại, cái này bó cái kia cũng làm hẹp đi thế giới đọc :(
Việc đọc sách, nhất là loại sách phi tiểu thuyết, sách nghiên cứu càng lúc càng trở nên xa xỉ...Bây giờ các sách dạy làm giàu, dạy thành công đang hót hơn...
Cái này, Thailand bán nhiều lắm. Đẹp và sử dụng rất thuận tiện.
Bây giờ, giới trẻ ngại đọc thì phải. Các bạn ấy chỉ thích nghe thôi. Hì! Nên có sách điện tử cũng tốt!
Sách nhiều, chỉ việc bỏ thời gian đều đặn mỗi ngày đọc một ít thôi cũng rất có ích. Nhưng căn bản là tìm được những cuốn thú vị, phù hợp với mình nữa cơ. Có nhiều cuốn hay đối với người này nhưng với người khác thì hong nuốt nổi :-D
Riêng em hong dùng bookmark dù có vài chiếc được tặng rất đẹp. Em đọc đến trang nào nhớ số trang đó, lần sau giở đúng trang ấy thoai. Già ròi, phải tự luyện thêm trí nhớ bằng cách ấy ạ :-P
Nói ra thì xấu hổ lắm, em chỉ đi đọc ké sách thư viện thôi. Không có tinh thần tự giác đi mua sách cái chi chi cả.
Thầy cô bắt phải mua thì em mua, mắc chết đi được nên mua mà tiếc lắm, cuốn giáo khoa nào cũng gần cả $150 đến $200 mà. Bởi thế nên học xong vừa thi cuối kỳ là em mang ra trường bán lại ngay, lấy nửa giá tiền. ;))
Em cũng chẳng có tinh thần tự giác đọc vì yêu cái sự đọc đâu nha. Khi em cần biết cái chi chi, thì em mới bới tung cả thư viện lên mờ vác sách dìa nhà ngâm kíu.
Kệ sách nhà em thì toàn là đồ free. Sách nào có giá trị còn nằm yên trên kệ là...do học xong bán ko được thôi --> nhà trường đổi version mới nên em phải ôm sô cho nó nằm yên đó.
Nhắc đến thư viện thì em nhớ là đang định té lên check out một ít sách chuyên trị "rịu vang" và "ngựa" về ngâm kíu chơi đây ;))
nói đến bookmark em lại nhớ hôm qua xem được 1 thiếp mời cưới kiểu bookmark:D
http://bit.ly/bnntCu (link ảnh dài quá em cho link rút gọn)
Cách đọc sách nghiên cứu đầu tiên mà chị bắt sinh viện thực hiện là... ngồi đọc (ko được nằm đọc), và cầm bút có giấy, vở ghi trước mặt. Thứ 2 là nên xem mục lục, thư mục tham khảo của cuốn sách đó trước để có ấn tượng về nội dung và cấu trúc của sách. Sau đó lúc nào cần hay rảnh thì đọc.
Dưng mà SV nói chung lười đọc lắm... chỉ xem lướt rồi copy trên mạng thui :((
Đọc xong bài này nảy ra ý tưởng viết bài "Từ chuyện phở quát, cháo chửi nghĩ về văn hóa ẩm thực của người Hà Nội" , hehe
Cảm ơn Bác VMC vì một bài hay.
Đúng là ở Vn tìm bookmark khó có cái đẹp, trong khi đến các nước lân cận, nhất là Thái Lan,rất nhiều mẫu mã và giá cũng rất dễ mua.
@Lvu:
Gần đây VN không có sách hay để đọc, Lừng ạ.
@Lana:
Làm quen với một bạn bán sách, bạn ấy sẽ tư vấn các cuốn sách mới, khỏi phải đi tìm mất công.
@Đàm Hà Phú,
Vấn đề là có áp dụng được những kinh nghiệm trong đó để thành đạt và giầu có không?
@Titi:
Cũng là một cách rèn luyện trí nhớ đáng được áp dụng nhỉ? Anh thì vẫn đánh dấu theo kiểu cũ: gấp góc trang đang đọc dở.
@A Thụy:
Nói chung là giới trẻ thích đọc báo mạng và chuyện tranh.
@LU:
Bên đó có hệ thống thư viện tốt, tội gì không sử dụng?
@NTD:
Cũng độc đáo nhỉ? Không biết có ai lưu lại làm bookmark không?
@Hậu khảo cổ:
Đúng là nằm với ngồi cho chất lượng đọc rất khác nhau, chị ạ.
@Hữu Cầu:
Mong sớm đọc được bài đó của bạn.
@Mooncakesg:
Anh không chú ý đến bookmark nên cũng không rõ có thể kiếm những bookmark đẹp ở đâu.
em nghĩ chắc chỉ có bạn thân may ra mới zữ thôi :D
mấy quyển sách gối đầu zường thường có cái dây bookmark sẵn rồi nên em cg ko quan tâm đồ trang trí này lắm
em cũng hay bookmark bằng cách gấp theo góc trên hoặc góc dưới. 1 góc để highlight những trích đoạn hay/cần quan tâm, góc kia bookmark phần đọc dở :D
anh Cường : thông minh he, còm kiểu gì cũng ko lừa được nhà báo. ;))
Đúng là đọc đã thành văn hóa như phải ăn và ngủ mà chính phủ bên này áp dụng vào dân, và hình như họ thành công anh ạ.
Thư viện đầy ắp những sách quí và nhiều nguồn thông tin. Chỉ cần 1 dollar mở thẻ thư viện là homeless cũng có thể vào đọc cả ngày.
Em có một ên-trì về thư viện trường em đó, trong đó em có giới thiệu bạn đọc của em là 1 bà già homeless. Homeless bên Mỹ thì trí tuệ hơn bên nhà, họ ko cần đi xin ăn vì có chính phủ lo cơm nước rồi. Cả ngày rảnh họ vào thư viện tìm sách đọc chơi thôi. Bà già ấy nói với em là đã đọc hết cả một tầng lầu sách chuyên về trồng cây cảnh.
Đi học bên này, khả năng đọc nhanh và nắm bắp í tưởng của đọan văn đã được thầy cô nhồi nhét lúc mới vào college, gọi là Skimming.
Em bookmark bằng sticker đủ màu thôi, vì đôi lúc phải đọc nhiều cuốn để tìm nguồn...thì ko thể nào nhớ được trang nào mình cần quay lại đọc, để so sánh với đoạn viết trái ngược của một tác giả khác. Vã lại, là sách thư viện nên mình ko thể gấp trang hay viết chử, hoặc làm rách sách được :)))
Từ khi em phải đọc sách cho con, em mới thấy là sách của Tây nó thiết thực hơn hẳn sách của ta. Tuy tình trạng của con em, họ chưa tìm ra cách chữa mà sách hướng dẫn thực hành đã nhiều vô kể. Các mẹ ở bên Mỹ toàn vào thư viện để mượn sách đọc. Mà nếu có mua rồi thì bán lại sách cũng rất dễ. Còn em thì phải hì hục mua và nhờ người mang về, ở VN chẳng có sách gì về chủ đề đó cả. Mua xong muốn bán lại cũng chẳng ai mua.
Trong số các mẹ thì chỉ khoảng hơn chục mẹ đủ tiếng Anh để đọc sách, các mẹ trong SG khả năng đọc tốt hơn hẳn các mẹ ngoài Bắc, không hiểu tại sao. Và trong số các mẹ đọc được sách như em thì chỉ một số rất ít chịu tìm tòi sách để đọc. Trong số những người chịu đọc thì cũng không phải tất cả thực hành được cho ra hồn, em là một ví dụ, hihi.
Nói chung em thấy học đại học ra như ở nhà mình thì khó có thể biết tự đọc sách để thực hành được. Nhà mình toàn hỏi bài kiểm tra theo kiểu giở đúng trang là trả lời được. Bọn Tây nó ra câu hỏi buộc mình phải đọc cả cuốn sách và thêm phần tự suy luận, tổng kết, sáng tạo của mình thì mới trả lời được.
Ôi bài viết và những comment hay quá:) Em cảm ơn thầy và mọi người nhé! Thỉnh thoảng em lại đọc lại những entry cũ và để lại commnet (hơi hâm một tí nhưng chắc là ko sao thầy nhỉ, hihi)
Đăng nhận xét