19/8/09

VĂN HÓA DÂN TỘC HAY QUY LUẬT "ÂM LỊCH HÓA"



Hồi học năm thứ Tư đại học, tôi tham gia cuộc thi viết lý luận chính trị dành cho sinh viên toàn quốc. Hồi đó tôi chọn một đề tài to tát lắm: Nguy cơ chiến tranh hạt nhân hủy diệt. Bác ruột tôi, giảng viên lý luận chính trị, tư vấn cho một số đường cơ bản. Kết quả là bài thi đoạt giải Ba, được miễn thi môn kinh tế chính trị năm đó.

Khi đi trình bày bài viết của mình tại hội đồng thi của nhà trường, tôi rất ấn tượng về bài thi của một "chị" sinh viên khóa trên. Chủ đề của bài viết là làm sao thu hút thanh niên đến với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Nói chung là "chị" cũng dùng những lời lẽ choang choang (giống như trong bài của tôi), kêu gọi phải thế này phải thế kia (thông cảm, sinh viên cuối thập niên 1980 thì nhiều lý thuyết hơn thực tế). Tuy nhiên, bài viết đưa ra nhiều điểm thú vị, mà đến giờ tôi không còn nhớ nữa.

Hay nhất là thầy chủ khảo hỏi: "Em là thanh niên hiện đại, ăn mặc môđen thế này (quần bò áo phông), vậy em có nghe chèo, có xem cải lương không?", "chị" hồn nhiên cười rất tươi và nói: "Không ạ!". Thầy chủ khảo nhướng mày: "Sao lại không? Thế em viết bài này kêu gọi ai phải yêu văn hóa dân tộc?". "Chị" nhanh nhẩu đáp: "Ý em muốn nói là "chưa" ạ. Em nghĩ là cùng với thời gian em sẽ yêu văn hóa dân tộc, sẽ nghe chèo, sẽ xem cải lương. Tức là em sẽ yêu văn hóa dân tộc khi em già đi ạ".

Câu trả lời thật thà của chị khiến cả hội đồng cùng cười.

Nhiều năm trôi qua, càng ngẫm càng thấy câu trả lời đó đúng.



Anh con bác tôi (tức là con trai người tư vấn làm bài thi nêu ở trên), sinh ở đất chèo và chầu văn, nhưng chẳng bao giờ để ý đến những làn điệu này. Cách đây vài năm anh mua xe hơi, tôi có nhã ý tặng anh bộ đĩa CD mừng xe mới. Hỏi anh thích nhạc gì, anh nói nhạc Việt Nam, có dân ca thì tốt.

Ít lâu sau có dịp ngồi xe anh, đề nghị anh cho xin ít music, anh hồ hởi: "Anh có đĩa này hay lắm, chú nghe nhé". Rồi anh cho đĩa vào ổ, bật lên. Tôi lắng nghe và ngạc nhiên khi thấy đó là bản chầu văn chuyên hát tại các lễ lên đồng. Anh vừa lái xe, vừa say sưa hát theo nghệ sĩ trong băng, thỉnh thoảng lại đập đập tay xuống vô-lăng: "Nghe búa bổ chưa?"

Theo lời "trần tình" của anh thì do phải lái xe một mình từ tỉnh nọ sang tỉnh kia, anh cần nghe một loại nhạc nào đó có giai điệu rộn ràng để không buồn ngủ. Thử vài ba loại nhạc, cuối cùng anh dừng ở chầu văn. Cứ nghe đi nghe lại cái đĩa ấy rồi đâm nghiền, không nghe nó trong lúc lái xe thì thấy bứt rứt khó chịu. Và anh thực sự thấy đó là thứ âm nhạc hay.

Cô con gái tuổi teen của anh mỗi lần ngồi lên xe ô tô là lại phải nhượng bộ bố một cách đầy chịu đựng. Cô trách yêu: "Bố cháu ngày một âm lịch".



Cái hiện tượng "âm lịch hóa" song hành một cách hữu cơ với con người. Khi còn trẻ, người ta vươn ra thế giới bên ngoài, khát khao ngấu nghiến những cái mới cái lạ của người ta mà lãng quên những cái hay cái đẹp của mình. Nhưng càng lớn tuổi, người ta càng tìm về với những giá trị cội nguồn, những thứ làm nên bản sắc văn hóa không trộn lẫn trong tính cách mình, tâm lý mình, tư duy mình.

Một người bạn thân của tôi gốc Huế, lớn lên ở Nha Trang và Sài Gòn, đi học đại học và sinh sống ở nước ngoài nhiều năm, mới đây trở về ở hẳn trong nước. Trong chuyến đi đến xứ Kinh Bắc tháng trước, được nghe quan họ do các liền anh liền chị thứ thiệt hát, về nắc nỏm khen: "Chưa bao giờ được thưởng thức một chương trình biểu diễn hay, với thứ âm nhạc giàu cảm xúc và đem lại ấn tượng mạnh đến như vậy".

Nói đến quan họ, lại nhớ đến họa sĩ Đỗ Dũng. Đối với anh thì người được chia làm hai loại: biết hát quan họ và không biết hát quan họ.

Tuần trước đi Đồng bằng sông Cửu Long, tình cờ nghe một đồng nghiệp đứng tuổi chuyên viết điều tra, một đồng nghiệp tương đối trẻ là kỹ thuật viên IT, cầm micro nức nở đầy kịch tính với "Tình anh bán chiếu" và "Nửa đời hương phấn", mới thấy văn hóa dân tộc đã được default trong người rồi, đến một thời khắc nào đó tự khắc bung ra và cuốn ta vào dòng chảy mãnh liệt của nó.

Nhìn đi nhìn lại, thấy mình cũng không cưỡng lại được sức mạnh của quy luật "âm lịch hóa". Càng ngày càng thấy chèo, chầu văn, quan họ, cải lương hay.

Bạn đã bắt đầu bị "âm lịch hóa" chưa?



19 comments:

LU on lúc 21:15 19 tháng 8, 2009 nói...

Những thứ hiện đại chỉ để phục vụ cho đời sống mình thoải mái vật chất thôi, ko nên tôn sùng chạy theo nó như một trưởng giả ngang hông. Cái chính nuôi sống tinh thần và giá trị của mình là cái cũ kỹ, cái văn hóa mà ông bà chiu chắt tạo ra từ ngàn đời, đó mới là cái nên tôn thờ. Chỉ cần có tay có chân và đầu óc còn tỉnh táo, thì ta tạo ra được sự hiện đại chỉ trong thời gian ngắn ngũi, nhưng giá trị văn hóa xưa thì phải qua nhiều đời, nhiều tầng lớp, nhiều con người mới có được. Phải quý nó chứ :D

Titi on lúc 23:21 19 tháng 8, 2009 nói...

He he... Theo em, con người cần có 3 điều hợp lại bản năng, văn hóa, văn minh.
Bản năng tạo cá tính, văn minh là tri thức, còn văn hóa là bản thể. Văn hóa cội nguồn chứa đựng không chỉ vẻ đẹp đã được thử thách, tích lũy lâu dài mà còn là nơi người ta nhìn thấy bản thể con người của mình, mình là ai, từ đâu và cái gì tạo nên khác biệt giữa mình và muôn vàn khách thể khác :)
Không được tiếp xúc với văn hóa cội nguồn là một thiệt thòi lớn.

Lý Minh Triết on lúc 23:59 19 tháng 8, 2009 nói...

em cũng bị "ép buộc" nghe cải lương hằng đêm trong 20 năm đấy anh... từ cái đài radio be bé cho đến cái cassetter sony cách đây mười mấy năm gần đây là đầu đĩa... Nhưng mà được cái giờ tự nhiên biết hát vọng vọng cổ. Biết bà Bạch Tuyết hát hay mà điệu vô địch thiên hạ, biết cái chơn chất kg lẫn đâu được của Lệ Thủy, biết dây Mỹ Châu, tay đờn Bảy Bá... Mà hay nhứt là biết chửi vô mặt mấy đứa chê cải lương sến rện: "Mày có nghe chưa mà chê hử?" =))

Lún Ghẻ on lúc 06:14 20 tháng 8, 2009 nói...

bai hay qua. rat tham tuy. cang gia cang am lich. nghi ra dung thiet ha .

Lan Lan on lúc 08:36 20 tháng 8, 2009 nói...

Còn ca trù nữa chứ anh. Đặt anh một bài viết về ca trù.

Lan Lan on lúc 08:42 20 tháng 8, 2009 nói...

Về quan họ, bác Đỗ Dũng đúng một nửa thôi. Người nên chia làm 2 loại: người yêu quan họ và người không yêu quan họ. Muốn hát được quan họ, điều kiện cần và đủ là phải ăn, uống dòng nước Đuống chảy qua miền đất thanh bình ấy.

Nặc danh nói...

(NLVD) - Bạn đã bắt đầu bị "âm lịch hóa" chưa? - Chắc là cũng sắp rồi, hu hu.
Khi nào anh tình cờ có video clip bản "Tình anh bán chiếu" anh post lên cho em xem với nhé. Em là người Vịt mà chẳng biết anh bán chiếu iu cô bán vé số nào.

VMC on lúc 10:25 20 tháng 8, 2009 nói...

@Minh Triết: Giờ biết thêm em là chiên za cải lương.
@Lún Ghẻ: Các bài viết bên blog của em cũng rất hay. Muốn mời em cộng tác viết bài cho báo anh có được không?
@Nguyen Thi: Ca trù thì anh chưa đủ trình để viết em à.

VMC on lúc 10:27 20 tháng 8, 2009 nói...

@NLVD: Muốn nghe Tình anh bán chiếu thì cứ vô Youtube là có hết.
Link đây:
Út Trà Ôn:
http://www.youtube.com/watch?v=50-8EPToItk
Phương Quang:
http://www.youtube.com/watch?v=EzsFzGGMt74

Lan Lan on lúc 10:30 20 tháng 8, 2009 nói...

Có lẽ ca trù có số phận quá đặc biệt ở Việt Nam anh nhỉ?

Vân Lam on lúc 11:37 20 tháng 8, 2009 nói...

Bài này hay quá chừng! Em bị "âm lịch hóa" từ lâu roài đại K ơi! :)) Ngay từ trẻ nếu nghe nhạc không lời, chỉ thích bầu tranh sáo, thi thoảng thèm nghe cải lương đến nức lòng! Điều này chắc đại K đã biết roài vì đại K từng tìm mấy link có cải lương cho em mừ! :D

LU on lúc 11:46 20 tháng 8, 2009 nói...

he he...đông zui quá. Từ nay anh nên mở rộng thêm mảng thức ăn tinh thần này cho làng trên cùng xóm dưới nô nức. Xem ra thích cổ xưa ko phải là minor héng. Thế mừ em cứ tưởng mình bị chê nhà quê. Út Trà Ôn ca tình anh bán chiếu là hết thuốc rửa ròi. Thật ra khi nghe những loại nhạc dân ca hay cổ điển mừ thích ròi thì sẽ ghiền, và ko còn muốn nghe nhạc hiện đại nhức óc nữa đâu. :D

NgocLan on lúc 13:11 20 tháng 8, 2009 nói...

Theo như cách này thì hình như em cũng đang tự "âm lịch hóa" mình vậy :p

Mẹ Cua và Bống on lúc 19:35 20 tháng 8, 2009 nói...

Ôi, hình như em kg phải là "âm lịch hóa" mà là em "hóa âm lịch" từ lâu rồi anh ạ. Từ cái thời bé tí bé tị, em nhớ học lớp 5 chỉ cao hơn con gái em 5 tuổi bây giờ tí tẹo thôi. Thế mà chẳng bỏ sót một đoàn chèo, cải lương, kịch nói nào về cái huyện bé tí của em cả í. hihi

VMC on lúc 20:48 20 tháng 8, 2009 nói...

@All: Xem ra trào lưu "âm lịch hóa" rất mạnh. Bà con hầu như ai cũng hoặc có mầm mống, hoặc xém, hoặc đã bắt đầu hoặc bị "âm lịch hóa" rồi. Bài này bên FB được tranh luận sôi nổi lắm, 20 cmt rồi.

Nặc danh nói...

Em sắp 30 lại thích nghe hát xẩm của cụ Quách Thị Hồ từ mấy năm nay

Trần Thu trang on lúc 09:29 22 tháng 8, 2009 nói...

Em từ bé vẫn thích Chèo, nhất là những bài chèo cổ, mặc dù không phải lúc nào cũng nghe được, do tâm trạng, hoàn cảnh, cảm xúc gì đó... bây giờ lại thích hơn, vì nội dung của những bài chèo cổ đó rất hay, ý nghĩa, nhiều điều để suy ngẫm.

thu thuong on lúc 08:07 30 tháng 5, 2012 nói...

cho em hỏi quy luật hình thành văn hóa Việt mình là những quy luật nào?

thu thuong on lúc 08:08 30 tháng 5, 2012 nói...

cho em hoi nhung quy luật hình thành văn hóa Việt làn nhũng quy luật nào

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết