18/8/09

CÂU CHUYỆN "CÁI LƯỠI BÒ"



Các báo Tuổi trẻ và Thanh niên hôm nay đăng bài về "cái lưỡi bò" - đòi hỏi vô lý của Trung Quốc về chủ quyền của họ đối với 90% diện tích Biển Đông. Ôi chao, cái tham vọng bá quyền sao mà lớn thế!

Lần đầu tiên tôi được nghe về "cái lưỡi bò" cách đây đã 11 năm, tại một hội thảo chẳng dính dáng gì đến biên giới và chủ quyền, ở tận đất nước Ấn Độ xa xôi...

Số là đầu năm 1998, tôi được mời tham dự một hội thảo quốc tế do Save Children (Anh) và Radda Barnen (Thụy Điển) phối hợp tổ chức tại Agra (Ấn Độ), nơi có đến Taj Mahal nổi tiếng. Chủ đề của hội thảo là "Inclusive Education", có nghĩa là đưa trẻ em khuyết tật học tập cùng với trẻ em bình thường. Mỗi nước cử một vài quan chức của Bộ Giáo dục phụ trách vấn đề này đến tham dự, có nước thì có nhà báo đi kèm, có nước không.

Phái đoàn của Trung Quốc, theo tôi nhớ không nhầm thì có 3 người, hai người trung niên (dáng vẻ sếp) và một chàng trai tầm 25-26 tuổi, nói tiếng Anh rất giỏi. Họ không từ Bộ Giáo dục Trung Quốc mà từ Sở Giáo dục tỉnh Vân Nam. Tôi nghe được cuộc trò chuyện giữa nhà tổ chức của Save Children UK với người già nhất của đoàn này (chắc là trưởng đoàn) qua lời dịch của chàng trai, đại ý sao Trung Quốc lại cử đoàn cấp sở đi. Ông kia nói rằng Sở Giáo dục Vân Nam làm inclusive education rất tốt, có nhiều kinh nghiệm thực tế để chia sẻ tại hội thảo...


Có vẻ như các nhà tổ chức không hài lòng lắm với câu trả lời này, nhưng cũng không bày tỏ thái độ gì.

Ai đã đi dự hội thảo quốc tế đều biết vào đầu hội thảo bao giờ cũng có màn giới thiệu về đất nước mình và về đoàn của mình. Tôi không rõ các nhà tổ chức xếp theo thứ tự nào, nhưng đoàn Trung Quốc "chào hỏi" gần cuối.
Tôi thấy ba người lục tục treo lên một cái bản đồ lớn của cả Châu Á với Trung Quốc là tâm điểm.

Người đàn ông trưởng đoàn vừa chỉ lên bản đồ vừa nói bằng tiếng Hoa (thông qua chàng phiên dịch) rằng quý vị đang nhìn thấy đất nước Trung Quốc rộng lớn trên bản đồ. Tôi giật mình khi thấy ông ấy chỉ lãnh hải của Trung Quốc kéo sâu xuống phía dưới của Biển Đông, qua cả Trường Sa đến sát bờ biển Malaysia. Khu vực đấy cũng được tô màu khác, giống với màu vùng biển tiếp giáp với Đài Loan, Nhật Bản.

Màn chào hỏi chỉ kéo dài chừng ba phút và không ai được phép hỏi han hay tranh luận gì. MC hội thảo nhanh chóng mời đoàn tiếp theo lên giới thiệu.

Giờ giải lao, tôi tìm gặp ông trưởng đoàn Trung Quốc, ông cầm ly trà đứng xem triển lãm ảnh ngoài sảnh. Tôi không nói được tiếng Hoa, ông không nói được tiếng Anh, chàng trai trẻ phiên dịch thì mất dạng, tôi nói tôi là người Việt Nam, ông ta cười hể hả: "Duê Nản hảo hảo"(Việt Nam tốt tốt), chỉ trỏ ai đó phía cuối sảnh rồi lật đật bước đi.


Bữa ăn trưa tôi tìm gặp anh chàng phiên dịch và hỏi: "Sao các bạn lại giới thiệu biển Đông là lãnh hải của Trung Quốc? Đó là lãnh hải của chúng tôi chứ?". Anh ta giải thích bằng tiếng Anh rằng đó là bản đồ hành chính chính thức của Trung Quốc, và ngay cả vùng biển đó cũng có tên bằng tiếng Anh là "Nam Trung Hoa" (South China Sea).


Anh ta nói thế và cũng kiếm cớ đi ra chỗ khác. Và từ đó đến khi hết hội thảo, họ tránh những chỗ có mặt đoàn Việt Nam.

Rõ ràng là "cái lưỡi bò" này đã được tuyên truyền sâu rộng ở Trung Quốc. Đông đảo quần chúng ở đất nước hơn 1 tỉ dân này được giác ngộ sâu sắc về "cái lưỡi bò". Bạn thử hình dung, những công chức cấp sở ở một cái tỉnh lẻ đèo heo hút gió còn biết rõ về nó để giới thiệu tại một hội thảo quốc tế, thì cũng đủ thấy quy mô của chiến dịch tuyên truyền ấy lớn như thế nào. Tham vọng bá quyền lan rộng và ăn sâu từ trên xuống dưới. Người dân bình thường cứ thế nói chỉ vanh vách mà không cần biết cơ sở pháp lý của "cái lưỡi bò" như thế nào.


Vấn đề biển đảo ở ta mới rộ lên trong thời gian gần đây, Trường Sa - Hoàng Sa thì được chúng ta nói đến lâu hơn (Hồi tôi học phổ thông trung học và đại học có phong trào viết thư, gửi quà cho chiến sĩ ở Trường Sa), nhưng không phải ai cũng biết vị trí của hai quần đảo thiêng liêng này; những hoạt động khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa từ thời chúa Nguyễn cũng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.

Mới đây Sở Giáo dục Đà Nẵng đã quyết định đưa Hoàng Sa - Trường Sa vào giảng dạy trong chương trình bậc học phổ thông. Câu chuyện quan trọng này phải được tất cả trẻ em người Việt biết đến, phải ăn sâu một cách tự nhiên vào máu thịt mỗi người dân Việt Nam.


Nếu bạn có con, hãy lấy bản đồ Việt Nam và chỉ cho chúng biết rõ vị trí của Hoàng Sa - Trường Sa: "Đất nước của con trải rộng đến tận đây, con ạ. Con sẽ phải có trách nhiệm giữ gìn bờ cõi ấy"
.

THAM KHẢO:
Trung Quốc yêu sách 80% diện tích biển Đông: Không chấp nhận đường "lưỡi bò”



7 comments:

LU on lúc 20:29 18 tháng 8, 2009 nói...

uhm, nhà nước nên đưa thêm vào giáo trình dạy học sinh khám phá, và biết rõ về đất nước mình hơn nữa. Đọc tin thấy đa số người trẻ rất dốt lịch sử nhà mà rành film Trung Quốc hơn. Late but better than nothing.

Pig on lúc 23:30 18 tháng 8, 2009 nói...

nước mình cũng phải đẩy mạnh hơn nữa để biển đông ăn sâu vào í thức học sinh từ khi bé tí mới đc, nếu ko thì mất hết có ngày :(

Lý Minh Triết on lúc 23:38 18 tháng 8, 2009 nói...

Về cá nhân: hành động nhỏ nhưng hiệu quả lớn...
Về ý chí: Mình cũng phải giống dân Chài Ni "tuyên truyền sâu rộng" và phải làm công tác này thực tốt.

Lý Minh Triết on lúc 10:20 19 tháng 8, 2009 nói...

Sáng nay đọc được loạt bài viết về lịch sử hải quân trên Thanh Niên hay thật anh. Cần cho mọi người hiểu rõ về hải quân cũng như tương quan lực lượng hải quân giữa VN và TQ từ đó mọi người sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn về vấn đề Biển Đông

Chim Thien Di on lúc 18:33 19 tháng 8, 2009 nói...

Lưỡi bò chỉ có trong miệng con bò .

Nặc danh nói...

dinhducthien02041980@gmail.com: Tôi sẽ sử dụng bài này làm tư liệu nghiên cứu vì những gì VMC đưa ra rất đáng quan tâm. Sự thật là từ lâu TQ đã tuyên truyền rất tích cực cho cái lưỡi bò này trong dân chúng, cũng như những vấn đề khác liên quan đến lãnh thổ và chủ quyền của họ. Muôn đời, TQ không bao giờ từ bỏ tham vọng bá quyền của mình. Ngoài miệng thì họ luôn "Duê Nản hảo hảo" nhưng thực chất họ chưa bao giờ hữu hảo với ta cả. Đọc nhiều tư liệu về quan hệ TQ-VN, nhiều lúc bản thân tôi thấy nản, nản vì mình nằm cạnh một nước lớn "anh em" nhưng ta luôn bị nhòm ngó và giật mình bởi những hành động "tiểu nhân" của "Đại Hán". Phú Quang có bài hát "Tôi muốn mang Hồ Gươm đi". Còn tôi, tôi cũng muốn mang dải đất hình chữ S thân yêu của mình rời xa "người anh em Đại Hán" này. Nhưng không thể.

PS: Những bài hát VMC nghe là những bài tôi thường nghe. Những ca sĩ VMC nghe đều là những thần tượng của tôi. Và, Nguyễn Đình Toàn hát Tình Xa của TCS chính là Nhà thơ, Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn - tác giả của Áo Lụa Vàng - Khánh Ly hát, Căn Nhà Xưa - Tuấn Ngọc hát...
Mong được chia sẻ những quan tâm chung: dinhducthien02041980@gmail.com

Lana on lúc 18:38 31 tháng 8, 2010 nói...

Không lẽ chửi bậy. Sao mà căm ghét cái thằng TQ bụng tham thối thế không biết.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết