27/7/10

NGHỊCH LÝ NHIẾP ẢNH



Lê Thiết Cương

Năm ngoái, bà cụ N ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) mất, đám tang cụ rất độc đáo vì có đến mấy chục nhiếp ảnh gia đến viếng. Hỏi ra mới biết, cụ đã làm mẫu cho họ chụp trong nhiều năm và phần lớn các bức ảnh đó đều đoạt giải ở các cuộc thi, không trong nước thì nước ngoài. Nếu cứ bắt chước nhau mà chụp như thế thì có còn là nhiếp ảnh không? Rủ rê nhau rập theo một khuôn, đi theo một lối mòn mãi như thế thì có còn là sáng tạo không?

Phần lớn các bức ảnh đều chụp bà cụ đó đang đứng cạnh, ngồi cạnh, nằm cạnh, nếu không cũng đang bế một em bé. Cứ sắp đặt mẫu theo một ý định chủ quan nào đó rồi bấm máy thì thế có đáng gọi là ảnh không?

Ở Mũi Né (Bình Thuận), nơi có nhiều đồi cát, luôn thường trực một đội quân già trẻ lớn bé, với đầy đủ phục trang, đạo cụ (áo dài, quang gánh) sẵn sàng phục vụ lực lượng nhiếp ảnh gia khắp mọi miền đất nước về đây sáng tác. Những người chụp ảnh kiểu này không chỉ có mặt ở Mũi Né, họ rỉ tai nhau và thuộc lòng cây lộc vừng ở Hồ Gươm nở hoa ngày nào, tháng mấy thì Sapa có mây luồn, tháng mấy thì lúa chín vàng ở các ruộng bậc thang vùng Tây Bắc, tháng mấy thì hoa mận trắng nở rộ ở bản Phó Cáo (Hà Giang).

Khỏi phải kết luận gì thêm, vài ba câu chuyện trên cũng đủ khái quát về một kiểu nhiếp ảnh rất phát triển trong nhiều năm qua và hiện nay vẫn còn đang tiếp tục phát triển cực kỳ mạnh mẽ.

Thập loại chúng sinh, thập loại nhu cầu, cái kiểu ảnh đó cũng như ảnh chụp người mẫu (mặc áo tắm, áo dài), chụp nhà cửa, chụp hoa và giọt sương, chụp nude, chụp quảng cáo ô tô, xà phòng, quần áo v.v., - nó cũng quan trọng, cũng cần thiết cho đời sống nhưng nó chỉ là một nhánh rất phụ của nhiếp ảnh, thậm chí là một thứ gần ảnh thôi, na ná ảnh thôi chứ không phải ảnh. Đó không phải mục đích của nhiếp ảnh, nó có thể là dẫn chứng để thấy với phương tiện nhiếp ảnh, người ta có thể làm được nhiều việc.

Rất nhiều người theo đuổi kiểu chụp này, rất nhiều người là fan của kiểu ảnh này, rất nhiều tác phẩm thuộc loại này tham gia các cuộc thi ảnh quốc tế và đoạt giải. Có lẽ vì nó đẹp nhưng thực ra thì không phải đẹp mà là đèm đẹp. Nó mộng mị, mướt mát, bàng bạc, nhợt nhạt, chung chung, hời hợt. Các loại ảnh này để tính điểm cho sự phát triển của phong trào nhiếp ảnh của các câu lạc bộ ảnh ở các địa phương thì rất nên vì mục đích của phong trào cần rộng, cần đông. Hoặc để giải trí cũng tốt, sau một tuần lao động mệt mỏi, thứ 7, chủ nhật cầm máy đi bấm để thư giãn, sảng khoái mà lại rẻ và dễ nữa, nhất là vào lúc máy ảnh số phổ biến như hiện nay.

Phần lớn mọi người đều sở hữu tí chút chất bay bổng có sẵn ở bên trong. Trước đây muốn bộc lộ chỉ có mỗi cách làm thơ (chính thế mà có đông người làm thơ) nay đã thêm nhiếp ảnh (số người cầm máy hiện nay cũng rất đông). Chụp ảnh số và làm thơ là hay môn vừa rẻ vừa dễ, chỉ mỗi tội trong nghệ thuật thứ gì dễ làm thì lại khó hay.

Không nên đánh tráo khái niệm, không nên gọi những loại ảnh đó là “ảnh”. Không nên gọi những người chuyên chụp ảnh phong cảnh, ảnh thời trang, ảnh nude là nhiếp ảnh gia mà nên gọi họ đúng tên là người chụp lịch (chụp ảnh dùng cho việc in lịch), nghề này cũng bình đẳng và chân chính như mọi nghề khác. Tôi vẫn muốn nhắc lại, dù là ảnh cô gái hay ảnh phong cảnh, dù để in lịch hay in bưu thiếp thì vẫn cần thiết cho đời sống. Nói ra là để phân biệt cho rõ việc nào ra việc ấy và để (có thể thôi) mọi người -người xem và người chụp - đừng nhầm lẫn, đừng ảo tưởng, đừng nhập nhèm, đừng mù quáng.

Ảo tưởng thường có ở những người làm việc dính líu đến nghệ thuật, chưa kể các loại giải thưởng ảnh quốc tế mà các tác giả Việt Nam giành được hiện nay hầu hết không có giá trị. Nó chỉ là một thứ bùa mê, làm lú lẫn người nhận. Phần lớn các giải được lập ra cho vui hoặc do các hãng sản xuất vật tư ảnh chi phối, mục đích của họ để quảng cáo, để bán hàng. Người chụp nhằm mục đích thư giãn, dự thi kiếm giải cho vui vẻ thì được, nhưng tưởng tượng thêm lên dẫn đến ngộ nhận thì không nên.

Chụp ảnh để chơi thì hay quá vì ai cũng có nhu cầu chơi bời nhưng đừng mù quáng mà hoang phí một đời vào những việc cực kỳ vô bổ và cứ nhầm lẫn tưởng rằng mình đang hy sinh cho chân lý, cho nghệ thuật. Nhiều người sẵn sàng đói rét, nhếch nhác, thân tàn ma dại, khổ sở, không những khổ bản thân mà khổ lây cho cả gia đình, vợ con để rình mò đêm ngày, trèo đèo lội suối nơi thâm sơn cùng cốc, hoặc nơi cao sơn lưu thủy để chụp những mây bay, bướm lượn, sương gió, kỳ hoa dị thảo v.v...

Tôi đã gặp khá nhiều những người như thế, trong đó có cả những người bạn của tôi, bạn thân của tôi (người mất ít thì 20 năm, nhiều thì 30 năm). Trung ngôn nghịch nhĩ, nói thẳng khó quá, thôi thì…

Loáng thoáng gần đây có vài ý kiến ca ngợi thái quá thể loại ảnh phong cảnh, nào là để quảng bá du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước. Đúng nhưng cũng không đúng. Gắn du lịch với phong cảnh thì thật phiến diện. Du lịch nào trước tiên cũng phải gắn với văn hoá, với con người. Nếu chỉ vì sương, mây và núi thì chưa chắc người ta đã cần đi du lịch Sapa. Lý do để đến Sapa vì nơi đây tập trung nhiều tộc người thiểu số, mỗi tộc người có một nét văn hoá riêng từ ăn, nói, mặc, hát, mua, bán v.v., - họ tụ lại ở Sapa và sự đa dạng về văn hoá chính là nét quyến rũ của vùng đất này với du khách.

Giá như có một số nghệ sỹ nhiếp ảnh thôi không yêu phong cảnh nữa mà chuyển sang yêu thể loại ảnh văn hóa, ảnh dân tộc học thì hay biết mấy, hữu dụng biết mấy. Nó vừa tốt cho du lịch vừa tốt cho bảo tàng vì tốc độ phát triển nhanh như hiện nay thì có rất nhiều thứ sẽ mau chóng mất đi. Mà để lưu lại, giữ lại thì không một loại hình nào có thể thay thế nhiếp ảnh được và đó cũng là bản chất của nhiếp ảnh.

Cũng có một số tay máy hướng ống kính đến đời sống như lao động, sản xuất, học hành, làm ăn nhưng đó vẫn chỉ là chụp cái bóng của đời sống, vẫn không phải là ảnh vì các tác giả này quá mải mê khai thác cái đẹp như một thứ mốt. Nào là chơi ánh sáng (sáng ven, sáng ngược, trời xanh, mây trắng, bóng đổ, chiều tà v.v.) hoặc chơi những bố cục lạ mắt bằng cách lợi dụng sự méo hình của ống kính góc rộng, hiệu quả của kính lọc hoặc rất phổ thông (đến mức như bệnh dịch) là úp máy từ trên cao chụp xuống, bất kể đề tài gì. Thực ra thì họ nhầm về cái đẹp. Cái đẹp của ảnh nó không chung chung, không dễ dãi như thế, tất cả yếu tố đó chỉ là phụ để nhằm tôn được cái chính là thông tin của ảnh. Nói cách khác mỗi bức ảnh đều phải có thông tin, thậm chí là thông điệp. Nó phải là cách nhìn, cách nghĩ của tác giả về một vấn đề nào đó, nó phải là con mắt phát hiện vấn đề của tác giả.

Cách tốt nhất để kết thúc một bài viết là không nên có cái nhìn quá bi đát như thế. Hơn nữa thực tế cũng không chỉ toàn những bức ảnh hời hợt như đã nhắc đến ở trên. Khoảng 3, 4 năm gần đây đã xuất hiện một số tên tuổi, tuy còn trẻ, còn mới nhưng những gì họ đã và đang làm thật đáng được ghi nhận. Đặc điểm trong các tác phẩm của họ là tính thời sự, tính thông tin, tính thời điểm và đầy ắp hơi thở của đời sống. Có thể kể ra những cái tên như Lê Anh Tuấn với nhiều phóng sự ảnh trên các tờ báo lớn, Việt Dũng (báo Tuổi Trẻ), Na Sơn, Kỳ Thanh, Đức Trí của nhóm Photoworld, Việt Thanh báo Vietnam News (giải nhất ảnh báo chí Châu Á 2006), Trần Việt Đức, Lê Quang Nhật của Sài Gòn Tiếp Thị.

Có hai nghịch lý. Một là:

So với số lượng hùng hậu những người được coi là nhiếp ảnh gia Việt Nam, được coi là nổi tiếng trong giới nhiếp ảnh hiện nay, thì những cái tên nêu trên quả là ít ỏi nhưng nghịch lý ở chỗ chính cái số ít đó mới thực sự là những người tạo nên bức chân dung thật của nhiếp ảnh Việt Nam hôm nay.

Nếu ảnh của các nhà nhiếp ảnh trẻ và bản thân họ còn ít được biết đến thì đấy chính là nghịch lý thứ hai cần phải nói nốt: cả nước hiện có hơn 400 tờ báo nhưng ảnh báo chí, thể loại quan trọng nhất của nhiếp ảnh lại không có đất dụng võ, không được tôn vinh, không có giải thưởng, hằng tháng, hằng năm và mãi vẫn không phát triển được.

Nguồn:
Nghịch lý nhiếp ảnh - Tạp chí Tia sáng

16 comments:

Titi on lúc 23:23 27 tháng 7, 2010 nói...

Em cũng thấy tiếc khi ở VN, ảnh báo chí không được coi trọng, trong khi thời sự là thế mạnh nhất của công nghệ ánh sáng trên giấy.

Little Cat on lúc 00:41 28 tháng 7, 2010 nói...

Em cũng thấy cái đẹp thật sự của một tấm hình là ở ý nghĩa của chính nó, tâm ý của tác giả và không gò bó trong "bố cục" hay kiểu cọ gì cả. :)

Không có mục like như Fb nhỉ, em click chuột! ^^

Vân Lam on lúc 01:14 28 tháng 7, 2010 nói...

>>> Đại K : Bài này hay quá anh. Sẽ có nhiều người đọc và thấm đây. :D

>>> Mùa hè rớt : phía trên đầu mỗi entry của blog đều có chữ LIKE đó, anh/chị có thể click vào và like như trên FB í ạ. :D

LU on lúc 10:35 28 tháng 7, 2010 nói...

"Giá như có một số nghệ sỹ nhiếp ảnh thôi không yêu phong cảnh nữa mà chuyển sang yêu thể loại ảnh văn hóa, ảnh dân tộc học thì hay biết mấy, hữu dụng biết mấy. Nó vừa tốt cho du lịch vừa tốt cho bảo tàng vì tốc độ phát triển nhanh như hiện nay thì có rất nhiều thứ sẽ mau chóng mất đi."

Em kết câu này! đúng là khi vào viện bảo tàng dân tộc học VN thấy hình ảnh thiếu thốn quá. Giới thiệu dân tộc chỉ là mấy tấm ảnh đã nhòe rồi, ko được đẹp.
Khi nào anh có dịp đi thăm viện bảo tàng ở SJ sẽ thấy bộ ảnh độc đáo của nhà nhiếp ảnh Bình Tài Danh. Nhà nhiếp ảnh này đã chụp hình người dân tộc, anh bộ đội nón cối, và cho in lên những chiếc lá, nhìn đẹp và độc đáo ở tính sáng tạo.
Mỹ mang vào viện bảo tàng làm collection chính vì ý nghĩ biến lá khô thành giấy in ảnh của nhiếp ảnh gia này. Ku ấy là thầy "một ngày" của em đấy, được giải thưởng cao của Mỹ thì ku í sang Pháp tu nghiệp một thời gian, sau đó quay về Mỹ đi giảng theo lời mời ở các trường đại học của Mỹ.
Đã tới San Jose States University, trường em, giảng bài một lần. Bên ngoài đẹp trai hết biết luôn nhưng có zợ rồi. Giống ku tổng của công ti em, đẹp thì có đẹp, tài thì có tài, nhưng lấy zợ sớm quoá! ;))

Nặc danh nói...

Thưa anh VMC, là một người đang theo học nhiếp ảnh ở Úc, em xin mạn phép có vài ý kiến về bài viết của anh về nhiếp ảnh.

Nhiếp ảnh là một nghề. Cũng giống như nghề bác sỹ có nhiều phân nhánh như nhi, lão, sản, nội, ngoại thì nghề nhiếp ảnh có mấy phân nhánh chính là ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật và ảnh quảng cáo/thương mại. Người đi theo phân nhánh nào của nhiếp ảnh là tuỳ theo khả năng và mục đích của họ. Nên nói giá mà người chụp ảnh phong cảnh chuyển sang chụp ảnh báo chí thì công việc của họ có ý nghĩa hơn cũng giống như là nói anh viết báo phản ánh cuộc sống thường nhật thì cao quý ơn là người viết những tản văn lặt vặt mộng mơ vớ vẩn chả có ý nghĩa gì cho đời vậy. Thay vào đó sao ta không cho rằng có người làm việc này và có người làm việc nọ thì mới ra một xã hội đa dạng nhiều màu sắc. Ảnh báo chí chắc chắn là một phân nhánh quan trọng của nhiếp ảnh nhưng nói nó tạo nên bức chân dung thật của nhiếp ảnh hôm nay thì hơi quá. Khi nhìn lại lịch sử nhiếp ảnh của thế giới, ta tìm thấy những bức báo chí tuyệt vời của Margaret B White, Robert Capa, Henri Cartier Bresson thì cũng có những "người chụp lịch" để lại dấu ấn trong lịch sử như Adam Ansel (phong cảnh), Irwing Penn, Richard Aveton (thời trang)... So với lịch sử nhiếp ảnh của thế giới thì nhiếp ảnh VN hẳn vẫn còn non trẻ. Vậy thay vì chỉ trích những người "không đi theo luồng" thì ta nên khuyến khích họ vì biết đâu đó chẳng phải là một Richard Aveton hay Annie Liebovitz của tương lai.
Máy ảnh, ống kính và các thiết bị ảnh ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại nhưng không có nghĩa cứ chụp là trở thành nhiếp ảnh gia, giống như có phải ai có bút và màu vẽ cũng trở thành hoạ sỹ, đúng không ạ?

Thuy Dam Minh on lúc 14:54 28 tháng 7, 2010 nói...

Là một chính kiến đang ghi nhận của tác giả. Đúng là bất cứ một sự sắp đặt nào, dù hay đến mấy, đẹp đến mấy, mà cứ đi theo lối mòn thì cũng sẽ không cho ta một kết quả tốt. Nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật, vốn rất kiêng kị những lối mòn.

Vì thế, anh chỉ thích ảnh phong cảnh và khỏa thân của Long chụp thôi. Hì!

Nói thêm, hôm trước, đọc một bài viết về giá trị thực của các giải thưởng ảnh quốc tế, mới thấy hình như chúng ta chưa nhận thức đúng về các giải thưởng này. Nhiều trường hợp hơi hoắng quá thì phải!

Mecghi on lúc 16:54 28 tháng 7, 2010 nói...

hôm trước đọc 1 bài cũng về ảnh, nói về phong trào đi thi quốc tế của các tay máy trẻ, và hầu hết là bình cũ rượu mới, ví dụ chụp người già, chụp người dân tộc, sự đối kháng, hoa, mây... hầu hết là bố cục cũ, người có góc nhìn lạ, đúng chất ảnh thực sự chưa nhiều...

VMC on lúc 23:21 28 tháng 7, 2010 nói...

@Titi:
Khoảng 15 năm trở lại đây, khá nhiều tòa soạn đã có ý thức coi trọng ảnh báo chí. Nhưng công việc này thật sự vất vả và rất ít phóng viên ảnh có đủ sức khỏe và nhiệt tình để theo đuổi nghề trong một thời gian dài.

VMC on lúc 23:22 28 tháng 7, 2010 nói...

@Mùa hè rớt:
Mục like giống FB có ở đầu trang, ngay dưới tít entry.

@Vân Lam:
Cám ơn em đã trả lời bạn MHR dùm anh.

VMC on lúc 23:24 28 tháng 7, 2010 nói...

@LU:
Anh cũng thích một vài nhà nhiếp ảnh nên tập trung chụp đặc tả trang phục, sinh hoạt, truyền thống của người dân tộc thiểu số. Xã hội ngày một văn minh đang làm biến mất nền văn hóa của những dân tộc thiểu số.

VMC on lúc 23:26 28 tháng 7, 2010 nói...

@Nặc danh:
Chia sẻ ý kiến của bạn.
Xin đính chính: Tôi không phải tác giả của entry này, mà là họa sĩ Lê Thiết Cương.

VMC on lúc 23:28 28 tháng 7, 2010 nói...

@A Thụy:
Nhiếp ảnh là lĩnh vực mà Việt Nam đoạt nhiều giải thưởng quốc tế nhất đó anh.
Giả chân lẫn lộn, chẳng biết đường nào mà lần.

@Mecghi:
Đúng như vậy.

Nặc danh nói...

Anh Cương (như thường lệ) viết rất hay. Cho em mượn sang FB nhà em nhé. Cảm ơn anh.

VMC on lúc 22:59 4 tháng 8, 2010 nói...

@Phương:
Ai đời mượn của anh Cương lại xin phép anh Cường?

Từ Phương Thảo nói...

Anh Cương đang viết một loạt bài rất hay trên Kiến trúc & Đời sống nữa đấy

NDMT on lúc 10:36 19 tháng 10, 2010 nói...

thích bài viết này quá

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết