18/7/10

VẤN NẠN HẬU WORLD CUP



Vòng chung kết Cúp Bóng đá thế giới Nam Phi 2010 đã kết thúc. Các chuyên gia của Nam Phi và thế giới đang trong quá trình đánh giá kết quả và rút ra những bài học kinh nghiệm. Nhìn chung World Cup 2010 được thừa nhận là thành công. Số lượng du khách đến Nam Phi trong tháng 6 và nửa đầu tháng 7 tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo doanh số tăng không chỉ trong du lịch mà cả các lĩnh vực khác. Suốt giải không xảy ra sự cố nghiêm trọng nào, củng cố uy tín của Nam Phi trong mắt cộng đồng quốc tế. “Được” thì là như thế, nhưng cũng có những thứ “mất”.

Lần đầu tiên trong lịch sử, FIFA quyết định thu hút không chỉ các khách sạn nhiều sao và ít sao tiếp nhận fan bóng đá, mà cả người dân bình thường. Để đạt được mục tiêu đó, Công ty Match Event Services của Thụy Sỹ (gọi tắt là Match) đã ký hợp đồng với FIFA giành quyền huy động nhà dân ở Nam Phi để đưa cổ động viên bóng đá đến tá túc trong thời gian họ đến Nam Phi theo dõi giải. Hợp đồng này được kéo dài đến tận cuối năm 2014. Điều đó có nghĩa là Match sẽ có quyền làm điều tương tự tại World Cup 2014 tại Brazil.

Tại Nam Phi đã nổ ra vụ bê bối xung quanh Công ty WCS Big Five - đơn vị ký hợp đồng thuê nhà với người dân bản xứ để đón tiếp du khách trong thời gian World Cup. Nhân viên của công ty này không trực tiếp tiến hành thương thảo với các chủ hộ, mà thuê các đại lý. Mỗi đại lý phải trả khoản phí khoảng 9.500 rand (gần 1.500USD) thì mới có quyền tiến hành thương thảo và ký hợp đồng với những người có nhà cho thuê. Mỗi chủ nhà cho thuê lại phải trả cho đại lý khoản phí 500 rand. Điều lạ là phần lớn các hợp đồng thuê nhà đều được ký với những người đang sinh sống tại những khu vực nghèo của Johannesburg, nơi mà kể cả vào ban ngày không phải ai cũng dám vào.

Những chủ nhà được ký hợp đồng đến ngân hàng vay tiền và tiến hành sửa chữa nhà cửa của mình. Họ còn vay tiền để mua đồ điện tử, ôtô và nhiều thứ khác với hy vọng sẽ cung cấp được những dịch vụ tốt cho du khách. Nhưng World Cup qua đi và không một ai trong số họ đón được một du khách nào tới nhà. Người ta chưa xác minh được mối quan hệ giữa Big Five và Match. Trả lời phỏng vấn báo Sowetan (Nam Phi), ông Christo Maritz - Tổng Giám đốc Big Five tuyên bố rằng các chủ nhà sẽ nhận lại được khoản tiền phí 500 rand của mình trong thời gian sắp tới, còn các đại lý sẽ không nhận lại được xu nào.

“Chúng tôi nghĩ rằng các khách sạn sẽ chật cứng du khách và họ sẽ phải tìm nhà dân để ở trọ. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Chúng tôi đã tiêu tốn hàng trăm nghìn rand để quảng cáo, nhưng không ai sử dụng dịch vụ của chúng tôi” - ông Christo Maritz phân trần. Không hiểu dựa vào đâu mà người Nam Phi lại tin rằng đất nước họ sẽ đầy ứ du khách trong thời gian diễn ra World Cup và lên phương án để đón tiếp họ. Du khách đã đến, nhưng không nhiều như dự đoán của giới kinh doanh và World Cup thực sự trở thành thảm kịch đối với một số người, vì họ không biết làm sao để trả lại được khoản nợ của ngân hàng.

Trong thời gian World Cup, quân đội đã tham gia tuần tra 24/24 giờ tại các thành phố lớn. 55 nghìn cảnh sát đã được huy động để bảo đảm trật tự trong suốt một tháng. Người dân địa phương thấy rõ mức độ phạm tội giảm đi rõ rệt và nhiều người đặt câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra khi cảnh sát rút đi?”. Ông Henri Boshoff thuộc Trường đào tạo cảnh sát cho biết: “Cảnh sát đã cho thấy họ hoàn toàn có khả năng bảo đảm trật tự trong trường hợp cần thiết. Tại sao điều này không diễn ra sớm hơn và không được tiếp tục trong tương lai?”.

Một vấn nạn hậu World Cup nữa của Nam Phi là sự căng thẳng trong xã hội gia tăng do hàng vạn người bị mất việc làm, chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng. Các công ty tham gia vào việc xây dựng những công trình thể thao, đường sá và hạ tầng du lịch đã thuê nhiều nhân công thời vụ để hoàn thành cho kịp tiến độ. Chỉ trong hai ngày đầu tháng 6.2010, ngành xây dựng Nam Phi đã sa thải hơn 70 nghìn người.

Nhưng nói gì thì nói, World Cup vẫn mang đến cho Nam Phi những lợi ích không nhỏ, mà quan trọng nhất là sự khẳng định với cộng đồng quốc tế rằng đất nước này có khả năng đăng cai những sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Với sự ủng hộ của Chủ tịch FIFA Sepp Blatter, Tổng thống Nam Phi Zakob Zuma đã tuyên bố ý định sẽ đăng cai Olympic mùa hè 2020. Đó có lẽ là một trong những thành tựu lớn của Nam Phi khi tổ chức World Cup 2010.


9 comments:

Titi on lúc 21:29 18 tháng 7, 2010 nói...

Trời! Không có một du khách nào vào ở với dân trong khi dân đã đầu tư khá nhiều. Ví như em mà đủ tiền sang đó xem WC thì em cũng không thích ở nhà dân đâu. Quả đầu tư, đón lõng này tệ thật :-(

Thuy Dam Minh on lúc 21:38 18 tháng 7, 2010 nói...

Cũng dễ hiểu thôi. Kết thúc một sự kiện ầm ĩ thì bao giờ cũng là mất mát, buồn hiu và cô quạnh mà!

Đỗ on lúc 22:13 18 tháng 7, 2010 nói...

Mới coi thời sự tối thấy VTV1 nói World Cup ở Nam Phi giải quyết được bao nhiêu việc làm, lời đâu 5 tỷ... lấy tiền đó trả lại một phần cho ngân hàng dân vay là hợp lý.
Nam Phi xa quá, nói chuyện nhà mình. Đám bạn hư của tui, dân ưa hàng hiệu kèo trên, qua WC thất bại nặng nề vì theo Anh, Ý, Pháp, Ba Tây, Á Căn Đình. Hội quyết định nghỉ nhậu 1 tháng. Buồn,hì...

LU on lúc 22:23 18 tháng 7, 2010 nói...

Thất thu nhà dân cũng dễ hiểu thôi. Dân da trắng rất kỹ lưỡng và kén trong vấn đề ăn ở mà. Họ chỉ hứng thú nếu đó là nơi đi tìm hiểu về thiên nhiên hoang dã thôi, lúc đó cho dù ở hang ở động gì gì họ cũng ko chê.

Trước khi đầu tư du lịch, người dân Nam Phi nên tìm hiểu rõ cách ăn ở của du khách da trắng, đặc biệt những người Châu Âu hay Châu Mỹ bay đến tận nơi xem WC --> đa số phải là dân có tiền.

Pig on lúc 23:27 18 tháng 7, 2010 nói...

bao h VN mới đăng cai 1 giải hoành tráng nhỉ ;)) nghĩ mà lo

Lana on lúc 08:42 19 tháng 7, 2010 nói...

Tội cho những nhà dân tính đón khách thuê nhà - chỉ vì các cơ quan chức năng dự báo sai mà người dân đâm ra lỗ vốn.

Sự kiện gì rồi cũng có hai mặt của nó. Lana nhớ những bữa cỗ ở quê náo nhiệt tay bắt mặt mừng hào hứng lắm lắm, rộn rã cả một góc xóm. Nhưng khi khách khứa về hết thì khoản dọn dẹp thật đáng sợ :((

Thế nên cái kết 'nói gì thì nói' là đúng đấy ạ. Nếu chung quy lại cái được hơn cái mất là thành công rồi. Nam Phi như thế là quá thành công.

L2C on lúc 09:07 19 tháng 7, 2010 nói...

Em đọc ở đây http://ahoyhanoi.blogspot.com/2010/06/letters-from-management.html thấy khách sạn hẳn hoi mà Tây nó còn chê, nói gì đến nhà dân biến thành khách sạn.

Mà hội châu Phi hay có cái phương án này nhỉ. Em cũng viết một bài có vụ này ở đây này http://like2chat.blogspot.com/2010/04/chuyen-rwanda.html.

Hơi giống vụ APEC ở VN nhỉ, lúc APEC thì hàng rong biến sạch, hết APEC lại bình thường, hihi.

PhungPat on lúc 11:29 19 tháng 7, 2010 nói...

Doc xong thay thuong cho nhung nguoi dan Chau Phi ngheo kho qua, ho thieu kien thuc, thong tin nen moi roi vao canh no nan nay.

NTD on lúc 15:44 19 tháng 7, 2010 nói...

đúng là cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn
các SVĐ mới xây đẹp đẽ chưa có CLB thể thao nào thuê, trong khi Nam Phi dự định khai thác SVĐ chính dành cho Olympic 2020. Xa vời quá

415.000 / 1,3 triệu việc làm nhờ World Cup bị khai từ.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết