18/7/08

THÔNG ĐIỆP TỪ ĐẠI CHIẾN XÍCH BÍCH



Hoành tráng, hào khí, bi hùng... phần một của "Đại chiến Xích Bích" (ĐCXB) mang lại cảm xúc dồn dập từ đầu cho đến phút cuối.

Ấn tượng Xích Bích

Đạo diễn Ngô Vũ Sâm đã chọn những đoạn sông cực đẹp, dãy núi hùng vĩ để dựng phim. Hình sông thế núi, đoàn chiến thuyền của Tào Tháo và doanh trại của quân Đông Ngô cờ xí rợp trời tạo nên những cảnh phim ấn tượng. Trận Xích Bích lừng lẫy mà bạn đọc từng biết qua tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của La Quán Trung được tái hiện sống động, thoả mãn cảm xúc thẩm mỹ của khán giả, đặc biệt là đối với những ai yêu thích tác phẩm "Tam quốc chí".

Tác giả kịch bản đã cắt cúp một số sự kiện thuộc các giai đoạn khác nhau, xa về không gian và thời gian trong tiểu thuyết lịch sử để gom lại làm một ở ĐCXB. Triệu Tử Long một mình cứu ấu chúa ở Đương Dương là một trong những câu chuyện hấp dẫn nhất của "Tam quốc chí" tất nhiên không thể loại trừ. Nhiều chiêu kiếm, đường thương xuất sắc của Triệu Tử Long (Hồ Quân) làm hài lòng bất cứ khán giả nào dù khó tính nhất. Quan Vân Trường, Trương Phi xuất hiện với những pha sử đao tuyệt đẹp, võ công phi phàm. Trận pháp Bát quái rất khó hình dung trong tiểu thuyết đã được dàn dựng rất công phu, và đây là cảnh quay chiến trận ác liệt và hoành tráng nhất của phần một.

Nhân vật Chu Du của ĐCXB cũng được xây dựng với hình ảnh mới. Vị đại đô đốc - người hùng thực sự của trận chiến Xích Bích không thể là đứa trẻ con cho Gia Cát Lượng dắt mũi, không phải là kẻ ích kỷ, hẹp hòi và ghen tị với Khổng Minh đến nỗi ức quá mà chết như trong tiểu thuyết. Chu Du (Lương Triều Vỹ) là bậc nho nhã, giỏi âm luật, tinh thông võ nghệ và là thiên tài về dụng binh.

Chu Du thông minh và quyết đoán, hiểu người và hiểu mình, hào hoa và hào hiệp, là vị đại tướng chủ động hoàn toàn trong trận chiến chống 80 vạn quân Tào. Dưới bàn tay của Ngô Vũ Sâm, Chu Du có phần nhỉnh hơn Khổng Minh một bậc và đó chính là điểm rất thuyết phục vì gần với chính sử, khác với lối thần thánh hoá Khổng Minh của dã sử.

Thông điệp Xích Bích

Các trận chiến trong ĐCXB đều tàn khốc, thây người ngã như thác đổ. Quân Tào chém giết quân Thục rất tàn bạo, quân Ngô băm nát quân Tào trong trận Bát quái. Hàng vạn người lính ra trận chỉ để phục vụ dục vọng cá nhân của một người. Họ chỉ là trò chơi của một người thích chơi trò chiến tranh. Tào Tháo có âm mưu và dã tâm riêng, nhưng bên ngoài vẫn giương ngọn cờ giúp Hán Hiến Đế thống nhất ba nước.

Trong phim "Kiến Long Tá Giáp" về thời Tam Quốc đang trình chiếu cũng có chi tiết nêu bản chất của chiến tranh. Tào Tháo đưa cháu nội Tào Anh lược trận ở Đương Dương, Triệu Tử Long oai dũng chém giết quân Tào. Tào Tháo quay sang đứa cháu gái còn nhỏ tuổi, nói: "Tất cả những con người dưới kia là các quân cờ của cháu. Cháu hãy nhớ lấy".

Nhưng khác với "Kiến Long Tá Giáp" chỉ có máu đổ và tiếng thét, ĐCXB có những khoảng lặng để con người trầm ngâm về chiến tranh. Khi Chu Du toan tính xuất binh, Tiểu Kiều - vợ Chu Du (Lâm Chí Linh đóng) - không dám ngăn cản vì biết đó là cuộc chiến tranh không thể tránh được.

Tiểu Kiều chỉ dùng bút lông viết hai chữ "Bình" và "An" như một trò chơi thư pháp đầy ẩn ý. Khi con ngựa con vừa mới sinh ra, có cả Khổng Minh và Chu Du ở chuồng ngựa, nàng đặt tên cho chú ngựa con và nói với chồng: "Hy vọng rằng tiểu mã này lớn lên không phải ra chiến trường". Đó là mong ước của Tiểu Kiều thay cho hàng vạn lương dân, thay cho những người lính đang mải miết chém giết nhau ngoài sa trường.



Nhưng mong ước đó không thắng nổi được tham vọng, sự độc ác của những người chơi trò chiến tranh. Chính vì thế mà máu đổ, Xích Bích trở thành mồ chôn của mấy chục vạn con người. Thật đau đớn là thế giới có quá nhiều trận Xích Bích.

Lê Thanh Phong
Nguồn: Lao Động

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết