12/10/09

RẼ NGANG LÀM DOANH NHÂN



Ít nhất ba người bạn thân của tôi đã bỏ cơ quan nhà nước ra ngoài làm doanh nhân: một nhà báo, một họa sĩ và một giảng viên đại học.

Anh nhà báo đã làm đến chức trưởng ban thư ký tòa soạn của một tờ báo không nhỏ không lớn, đã khẳng định được vị trí của mình, vào một ngày đẹp trời tự nhiên thấy cuộc đời của mình chẳng nhẽ dừng ở đây? Làm Phó Tổng biên tập thì chắc là cứ chờ khoảng 7-10 năm nữa thì rồi chắc cũng lên, nhưng trong khoảng thời gian đó anh sẽ làm gì? Chẳng nhẽ lãng phí thời gian, sức lực, chất xám của mình trong chờ đợi? Thế là dứt áo ra đi. Cách đây 10 năm hành động đó bị coi là điên.

Cô họa sĩ cũng không muốn mình mòn mỏi tài năng quanh đi quẩn lại chỉ làm có từng đấy việc trong một cơ quan nhà nước. Cô muốn thử sức mình ở một địa hạt khác: thiết kế và kinh doanh thời trang. Dẫu biết là công việc mới sẽ vất vả hơn, thử thách hơn, nhưng cô vẫn quyết định dấn thân.

Chị giảng viên đại học thời còn Liên Xô xin đi làm phiên dịch. Liên Xô tan rã, chị ở lại buôn bán, đi tàu hỏa sang tận Varsava (Ba Lan) lấy hàng về Mátxcơva, có lúc lại bay xuyên Siberia đến tận Irkutsk lùng kiếm hàng độc. Khi nước Nga quá loạn lạc, chị sang Czech và rong ruổi khắp các nẻo đường của đất nước này để bán hàng may mặc. Cuối thập niên 1990, trở lại Việt Nam, trường đã cắt biên chế của chị. "Muốn không mất dậy cũng không được, thôi thì lại làm con buôn vậy" - chị cười chua chát.

Anh bạn tôi đã bán mọi vật dụng đáng kể trong nhà, mua một chiếc Wave Tầu làm phương tiện đi lại, huy động tiền nhàn rỗi của họ hàng và bạn bè để làm vốn kinh doanh. Vũ khí duy nhất mà anh có là bộ óc của mình. Anh biết việc anh đang làm là đúng và anh biết cách làm nào là thích hợp. Phải giao du, phải cấu kết, phải dùng ba tấc lưỡi (với lý lẽ sắc bén mà nghề báo đã tôi luyện) để thuyết phục đối tác, nhiều lúc anh tự hỏi: "Không biết mình có còn là mình nữa không?".

Cô họa sĩ thì có thuận lợi hơn vì cô được đào tạo bài bản, kết hợp với xuất thân từ một gia đình có truyền thống văn hóa am hiểu nghệ thuật, nên cô đã nhanh chóng tạo được sự chú ý ngay từ những bộ collection đầu tiên. Nhưng "cơm áo không đùa với khách thơ", cô phải vượt qua những mặc định của nghệ sĩ tính để học bằng được những bài học về kinh doanh, chấp nhận một đôi lần gần như trở về "mo".

Chị giảng viên mang cái thật thà của người đứng trên bục giảng lâu năm vào thương trường. Chị biết đó là điểm yếu của mình. Nhưng trong bối cảnh đục nước béo cò, sự thật thà của chị bỗng trở thành của hiếm và lại làm nên chuyện. Chị đi xin đất, ông chủ tịch huyện phát hiện ra "cô này không giống những nữ doanh nhân khác", sốt sắng đi tìm cho chị khu đất thuộc loại đẹp nhất huyện. Cứ như thế chị mở các cánh cửa khá dễ dàng.

Nhưng dễ cái này thì khó cái khác. Chị luôn trong tình trạng thiếu tiền. Nhà có tài sản gì đều đem đi thế chấp ngân hàng hết. Hết vay, lại đáo hạn. Lúc thì thiếu tiền trả lương công nhân, khi thì cần tiền để làm đơn hàng, lúc thì hàng đã xuất đi mà không thu được tiền về. Tóm lại là nói chuyện gì thì rồi cũng lại phải nói đến chuyện tiền. Làm bà chủ mà đâu có được ăn ngon ngủ yên, lúc nào cũng canh cánh một mối lo nào đó...

... Họ đã rẽ ngang làm doanh nhân như thế. Họ đã lựa chọn hoặc buộc phải lựa chọn việc đối mặt với thị trường, nơi vắt kiệt mọi nơron thần kinh, huy động tối đa mọi nỗ lực lao động cơ bắp và trí óc, nơi thực sự bắt họ phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, nơi mà họ ý thức được rõ nhất sự khốc liệt của hai chữ "cạnh tranh".

(*) mo (la mort): điểm chết

10 comments:

Marcus Vu on lúc 20:12 12 tháng 10, 2009 nói...

nhưng quan trọng nhất có lẽ họ được là chính mình, em nghĩ thế anh Cường ạ.

Vhlinh on lúc 20:16 12 tháng 10, 2009 nói...

" Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn hiu hắt suốt trăm năm"
Dù vì bất cứ lý do gì thì việc rẽ ngang này cũng đòi hỏi sự dũng cảm mà không phải ai đang làm trong cơ quan nhà nước cũng dám có quyết định tuơng tự. Chờ lên chức để có tí oai hay tí bổng lộc mà không tốn nhiều công sức lao động, chờ lương hưu chắc chắn...nói chung đủ thứ chờ mòn chờ mỏi mặc dù công việc chẳng thú vị gì, đôi khi lương lậu lại còm cõi.Mọi người nhiều khi cũng tự trào mà nóivới nhau:" Thôi cứ cố, mai kia trong điếu văn có chữ " nguyên...này nọ" đính kèm.
Chúc mừng các doanh nhân dù trong số đó nhiều người chưa thật sự thành đạt trên con đường lựa chọn.

Nặc danh nói...

(NLVD)- Thế tóm lại có nên rẽ không hả anh, hay là cứ Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ thôi?

VMC on lúc 20:53 12 tháng 10, 2009 nói...

NLVĐ: Em đọc 2 comment của Marcus và Vhlinh nhé.

Titi on lúc 22:34 12 tháng 10, 2009 nói...

Anh không viết nhưng em đoán cả 3 đã thành công với lựa chọn đột phá của mình. Mà thực ra nếu có không thành công, ngay từ khi họ dám từ bỏ những gì không thích thú để thực hiện những dự định mới, 3 con người trên đã khiến ta phải ngả mũ kính trọng rồi :-)

Lana on lúc 23:20 12 tháng 10, 2009 nói...

Lana đồng ý với bài viết, chỉ kể các câu chuyện cụ thể và không trả lời, đơn giản vì không có câu trả lời chung cho tất cả mọi người (kể cả những người có đầy đủ điều kiện để mở một business riêng).

Lựa chọn nào cũng có mặt này và mặt khác như trong bài viết các comments của Marcus và Vhlinh đã nhắc đến. Đôi khi điều hay với người này là dở đối với người kia. VD: làm tư nhân mình có thể tự do thử mọi khả năng của mình, phát huy hết cỡ những kỹ năng cá nhân; tự chịu rủi ro và tận hưởng thành quả của những gì mình làm; c/s thách thức, thú vị hơn, nhiều sức ép hơn. Ngược lại, đi làm công ăn lương c/s bình bình đều đều hơn; mọi thứ đều 'gò' hơn nhưng nhàn hạ (đầu óc) và nhiều thời gian hơn; Tiền (có thể) ít hơn nhưng ít rủi ro hơn..v.v..

Không kể tố chất, mỗi người còn có cách sắp xếp những thứ tự ưu tiên (priority) trong c/s khác nhau, nên câu trả lời sẽ khác nhau.

Ví như Lana có chance để đổi qua một công việc nhiều thách thức hơn, được 'bơi' nhiều hơn, thu nhập cao hơn, nhưng phải đi nhiều và chiếm nhiều thời gian. Lana đặt lên cân: mình ưu tiên thời gian và sự thư thái đầu óc, trong khi thu nhập hiện tại là chấp nhận được => Câu trả lời của Lana là NO. Trong khi đó, cũng chance tương tự, Lana lại khuyên bạn Lana trả lời YES, vì YES là phù hợp hơn với nó.

Khi một người hài lòng với lựa chọn của họ là họ thành công, Lana nghĩ vậy.

(Comment dài quá có bị phạt không nhỉ? :))

Unknown on lúc 13:01 13 tháng 10, 2009 nói...

"Cơm áo không đùa với khách thơ"

ANH on lúc 14:16 13 tháng 10, 2009 nói...

Không bàn đến doanh nhân hình thức theo kiểu kiều nữ đứng tên hộ đại gia hoặc chỉ là một pháp nhân hợp pháp hóa các giao dịch bất chính khác, thực sự không đơn giản tí nào công cuộc chiến đấu trên thương trường.
Nếu đi làm thuê cũng phải chịu nhiều áp lực công việc từ ông chủ, thì với doanh nhân là áp lực tự đặt cho chính bản thân mình.
Bạn bè em nhiều người đi làm cho cty nước ngoài mãi rồi cũng chán mức lương vài ngàn USD, mơ ước mở cty riêng do chính mình làm chủ để được tự do hơn, xong rồi cũng đành từ bỏ, hoặc vẫn tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ bằng cách song hành với việc quay lại nghề làm thuê.

VMC on lúc 17:13 13 tháng 10, 2009 nói...

@Titi: Cứ như đi guốc trong bụng người khác thế?
@Lana: Cứ còm thoải mái.
@Đàm Hà Phú: Cám ơn bạn.
@ANH: Thực tế bao giờ cũng khắc nghiệt hơn mình nghĩ.

NTD on lúc 15:49 6 tháng 5, 2010 nói...

làm chủ chính mình không phải ai cũng làm được. Làm thuê hay tự làm chủ? Gửi tiền tiết kiệm hay đầu tư kinh doanh?
Nể những ai rẽ ngang dù không phải lúc nào thành công cung song hành (:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết