22/2/11

MẸ HỔ DẠY CON



Người châu Á có câu “Yêu cho roi vọt, ghét cho ngon ngọt”. Kỷ luật “sắt” và yêu cầu cao đối với lũ trẻ là nguyên tắc của giáo dục phương Đông. Trẻ em phải học cực nhiều, hết học ở trường lại học ở nhà, học thêm ở ngoài. Chúng bị buộc phải bỏ mất tuổi thơ để đổi lấy tương lai ổn định. Nhiều người hy sinh tất cả vì con, thậm chí bỏ việc của mình để kèm con học suốt ngày.Không ít người cho rằng tài năng được rèn rũa trong roi vọt.

Đầu năm nay, câu chuyện một bà mẹ dạy con quá nghiêm khắc đã gây ra một cuộc tranh luận ồn ào chưa từng thấy tại nước Mỹ. Nhân vật chính ở đây là bà Amy Chua – tự xưng Mẹ Hổ – có lẽ vì bà sinh năm Hổ (1962), hoặc vì bà cho là mình đã dạy con nghiêm như Hổ mẹ.

Amy Chua có cha mẹ là người Hoa từ Phillippines di cư sang Mỹ đã lâu. Hiện nay bà là giáo sư trường Luật thuộc Đại học Yale, chồng bà là ông Jed Rubenfeld người Mỹ gốc Do Thái, giáo sư cùng trường. Họ có hai cô con gái là Sophia và Louisa, năm nay 18 và 15 tuổi. Chúng được Mẹ Hổ dạy dỗ kèm cặp từ nhỏ, theo bà nói nay đã “thành tài”: 4 tuổi đọc sách của văn hào Jean Paul Sartre; tất cả các môn học đều đạt thành tích cao nhất; Sophia 14 tuổi độc tấu dương cầm tại Phòng Hòa nhạc thành phố; Louisa là cây vĩ cầm chủ lực của dàn nhạc giao hưởng thiếu niên thành phố; ...

Giữa tháng 1 vừa rồi, Amy Chua định xuất bản cuốn sách bà mới viết, có tên Chiến ca của Mẹ Hổ . Sách Chiến ca của Mẹ Hổ dầy 256 trang tiếng Anh, ngay trong ngày phát hành đầu tiên đã được xếp hạng bestseller thứ 6 trên mạng bán sách Amazon. Khoảng 100 nghìn lời bình sách này xuất hiện trên mạng xã hội Facebook..

Sau khi tạp chí Time số cuối tháng 1/2011 đưa chuyện Mẹ Hổ lên trang bìa, cuộc tranh luận về cách dạy con của Amy Chua lan ra khắp năm châu “như một cơn sốt vi rut”. Mẹ Hổ quả thực làm rung chuyển cả thế giới.

Một số người tán thành Amy Chua, nhưng đa số, trong đó có cả nhiều bà mẹ Trung Quốc, phản đối gay gắt, gọi bà là “quý sứ”, là “mẫu người nguy hiểm” của xã hội, buộc tội bà “ngược đãi” con. Trong số hàng chục nghìn bức thư gửi Amy Chua, một số người còn đe dọa “khử” bà. Nhiều người kêu gọi phê phán Mẹ Hổ, vì nếu không “bà ta sẽ kiêu ngạo tiếp tục hành hạ lũ con mình”.

Amy Chua rất khổ tâm. Trả lời phỏng vấn của tuần báo Newsweek, bà nói: “Có người dọa giết tôi, có người bảo tôi nên cút về Trung Quốc, họ gọi tôi là quái vật ... khiến tôi rất ngạc nhiên.”

Mẹ Hổ dạy con như thế nào?

Cách dạy con của Amy Chua thực ra chẳng có gì xa lạ với người Việt Nam; còn với người Trung Quốc thì quá bình thường. Tuổi thơ của rất nhiều trẻ em Trung Quốc bị bố mẹ bắt dùng hết vào việc học; xuất hiện những “thần đồng” hơn 10 tuổi đã viết tiểu thuyết hái ra tiền, 13 tuổi vào Đại học... Phương Tây cũng biết cả. Có điều khi viết chuyện dạy con ấy ra sách thì lại khác, người phương Tây cảm thấy “kinh khủng, khiếp hãi”, “không thể hiểu nổi”.

Sophia và Louisa (tên thân mật là Lulu) suốt đời sống trong sự rèn cặp của bà mẹ mà chúng gọi yêu là Mẹ Điên, vì bà bắt chúng học như điên mọi thứ theo ý bà. Amy Chua từng nói sở dĩ trẻ con không yêu thích công việc là do chúng chưa thạo công việc ấy; khi nào đã thạo thì chúng sẽ thích công việc. Người phương Tây quá tôn trọng cá tính và sở thích, nguyện vọng của con nên thiếu nghiêm khắc với con. Người châu Á thì chỉ lo chuẩn bị tương lai cho con, vì thế bắt con phải chăm học từ nhỏ, có vậy sau này ra đời chúng mới sống được trong cuộc cạnh tranh tàn khốc.

Amy Chua viết: Nhiều người muốn biết phụ huynh người Hoa dạy con như thế nào để chúng trở thành những đứa trẻ thành công, những thiên tài toán học hoặc thần đồng âm nhạc, dù chúng không muốn. Sau đây là những điều Sophia và Louisa phải tuân theo:

- Không được qua đêm ở nơi không phải nhà mình;
- Không được xem phim;
- Không được tham gia biểu diễn văn nghệ ở trường;
- Không được than phiền vì điều cấm ấy;
- Không được xem truyền hình hoặc chơi game máy tính;
- Không được tự chọn hoạt động ngoại khóa (mà do mẹ chọn);
- Điểm sát hạch, điểm thi tất cả các môn học phải đạt mức A (tức cao nhất);
- Trừ môn thể dục và sân khấu ra, thành tích học tất cả các môn khác đều phải nhất lớp;
- Trừ dương cầm và vĩ cầm ra, không được chơi bất cứ nhạc cụ nào khác;

Amy Chua viết: Các bậc cha mẹ phương Tây dù nghiêm khắc đến đâu cũng không bằng cha mẹ người Hoa. Thí dụ, họ cho rằng bắt con mỗi ngày tập đàn từ 30 phút đến 1 giờ là quá nghiêm khắc, nhưng các bà mẹ người Hoa thì bắt con tập đàn liền 3 tiếng đồng hồ. Người Hoa cho rằng con học không giỏi là do cha mẹ chưa làm tròn bổn phận. So với người phương Tây, hàng ngày họ bỏ ra thời gian gấp 10 lần để bàn chuyện học tập với con. Thực ra cha mẹ người Hoa có thể làm nhiều chuyện rất khó tưởng tượng, thậm chí người phương Tây cho là phạm luật. Họ có thể nói với con một cách không lịch sự nhẹ nhàng, chẳng hạn bảo con “Thằng (Con) béo kia! Phải giảm cân đi!”, còn người phương Tây vì ngại xúc phạm con nên chỉ đi đi lại lại bên cạnh con, nói bóng gió về chuyện giữ sức khỏe chứ không hề động đến từ “béo”. Hậu quả là sau đấy con họ lại ăn uống thỏa thê.

Amy Chua cho rằng phụ huynh người Hoa suy nghĩ khác người phương Tây ở 3 điểm:

1- Người phương Tây rất ngại làm tổn thương lòng tự tin, tự trọng của con, cho nên thường hay khen con quá mức, khi con bị điểm xấu cũng vẫn khen, còn người Hoa thì mắng ngay và hỏi cho ra nhẽ tại sao bị điểm xấu. Nói khác đi, phương Tây quan tâm tới tâm lý của con, còn người Hoa thì không quan tâm, họ rất kiên quyết; cho nên kết quả khác nhau.

2- Người Hoa cho rằng con cái phải biết ơn cha mẹ về mọi chuyện họ làm cho chúng, do đó chúng phải phục tùng cha mẹ, phải cố làm cho cha mẹ tự hào. Nguyên nhân có thể do quan niệm của Nho giáo và do cha mẹ hy sinh vì con rất nhiều.

3- Cha mẹ người Hoa tin rằng họ biết điều gì là tốt nhất đối với con mình, cho nên họ phớt lờ yêu cầu và thị hiếu của con mà cứ ép buộc con làm theo ý họ, dù chúng không thích. Thí dụ nữ sinh trung học người Hoa không được có bạn trai và không được qua đêm ở ngoài nhà mình.

Amy Chua kể: Hồi Lulu (tên thân mật của Louisa) lên 7, cháu vẫn chơi hai nhạc cụ, và đang tập chơi piano bài Chú lừa con lông trắng. Bản nhạc rất hay nhưng vì còn nhỏ nên Lulu khó phối hợp được hai tay Tôi kèm cháu tập suốt cả tuần. nhưng tay cháu cứng đờ tập mãi không được. Cuối cùng, Lulu chán nản và tức giận bỏ đàn, giậm chân thình thịch. Tôi ra lệnh: “Ngồi vào đàn ngay!” Lulu cãi: “Mẹ không được bắt con làm thế.” Tôi bảo: “Ô hay, mẹ được làm thế đấy!”

Sau khi ngồi vào đàn, con bé phản ứng bằng cách bấm phím loạn xạ rồi bỗng dưng xé bản nhạc vứt đi. Tôi dán lại bản nhạc rồi kẹp vào bìa ni lông, để nó không thể xé được nữa. Rồi tôi kéo túi đồ chơi của Lulu đến bên chiếc ô tô và bảo: “Nếu ngày mai con chưa tập được bài ấy thì mẹ sẽ đem chỗ đồ chơi này cho đội Xì-cút.” Con bé nói: “Mẹ nên đem cho hết đi từ lâu rồi mới phải.” Tôi dọa không cho cháu ăn trưa, ăn tối, không có quà Giáng sinh, 2-3-4 năm tới không có tổ chức sinh nhật.

Jed kéo tôi ra ngoài khuyên tôi chớ nên mắng Lulu; anh ấy cho rằng dọa con chỉ vô ích, Lulu hoàn toàn không có kỹ năng phối hợp hai tay chơi đàn. Tôi bảo: “Như thế là anh chưa tin vào con bé. Sophia bằng tuổi này đã chơi được bài nhạc ấy rồi.” “Nhưng Lulu không phải là Sophia!” “Không phải thế”, tôi trừng mắt....” Anh cứ để mặc em. Em sẽ dạy nó tập kỳ được mới thôi, em sẵn sàng mang tiếng là người ác đấy!”

Tôi xắn tay áo, kèm Lulu tập đàn bằng đủ mọi cách cho tới bữa ăn tối, không cho cháu nghỉ một phút nào, không cho uống nước, không cho đi toa-lét. Phòng tập đàn cứ như bãi chiến trường.

Cuối cùng không khí chán nản biến mất. Hai tay Lulu đã có thể phối hợp được với nhau. Hai mẹ con cùng cảm thấy sắp thành công rồi. Tôi thở dài khoan khoái. Lulu mỉm cười nói: “Mẹ xem này, dễ thôi mà!” Sau khi chơi thạo bản nhạc, nó không muốn rời cây đàn. Tối hôm ấy cháu ngủ chung giường với tôi. Hai mẹ con ôm nhau như không muốn xa rời nữa.

Mấy tuần sau, Lulu biểu diễn bài Chú lừa con lông trắng rất thành công. Các vị phụ huynh đến nhe xúm lại chỗ tôi khen: “Ôi, Louisa giỏi quá!”

Từ đó trở đi Jed cứ khen tôi hoài...

Người phương Tây tôn trọng cá tính của con, khuyến khích con theo đuổi nguyện vọng của chúng, ủng hộ sự lựa chọn của con và tạo điều kiện cho con thực hiện nguyện vọng ấy. Ngược lại người Hoa tin rằng cách tốt nhất để bảo vệ con là chuẩn bị cho con có một tương lai tốt, làm cho chúng hiểu rằng chúng có thể làm được một việc nào đấy, giúp con có được kỹ năng, thói quen làm việc và có tự tin – đó là những thứ không ai có thể lấy mất khỏi chúng.

Amy Chua là ai?

Amy Chua thừa hưởng phương pháp dạy con nghiêm khắc từ chính cha mẹ mình, những người đã dạy 4 cô con gái của họ khá thành công: cô cả Amy Chua và cô thứ ba Katrin trở thành giáo sư của hai trường ĐH danh tiếng Yale và Stanford. Cô út bị bệnh Đao nhưng từng đoạt hai huy chương vàng môn bơi tại Thế vận hội người tàn tật. Bản thân ông bố cũng là giáo sư khoa Máy điện và Máy tính ĐH California, Berkeley. Một nhà 6 người mà có tới 3 là giáo sư 3 trường ĐH danh tiếng ở Mỹ chứng tỏ gia đình này có truyền thống gia giáo rất tốt; là một điển hình thành công của Giấc Mơ Mỹ. Vì vậy không có lý do gì nghi ngờ Amy Chua là người có tâm lý không bình thường. Năm 22 tuổi, bà tốt nghiệp khoa kinh tế ĐH Harvard với thành tích “cực giỏi”.

Nên dạy con theo cách nào?

Cách dạy con của phương Đông và phương Tây đều có những mặt mạnh và yếu, không thể đơn giản thay thế nhau.

Cách đây ít lâu ở ta có phổ biến trên mạng tài liệu “Dâu Tây dạy con”. Nhiều người thấy hay đã thử áp dụng, nhưng chẳng được bao lâu đành thôi. Lý do: trẻ con ta khác trẻ con Tây, khác từ hàng ngàn năm nay. Trẻ con Tây có tính tự lập cao từ nhỏ.. Ở Nga muốn bế một đứa bé 2 tuổi thì luôn bị nó từ chối: “Sam, sam ...” (Để cháu tự đi) – khác hẳn trẻ con ta thích bế ẵm. Ra bãi biển, thường thấy trẻ con Tây 2-3 tuổi chơi giỡn sóng không có bố mẹ kèm. Ở ta không ai để con chơi như vậy và lũ trẻ cũng không dám chơi một mình.

Người châu Á dành quá nhiều sức cho việc kèm cặp chăm chút dạy bảo con từng ly từng tý, lúc nào cũng sợ con ốm con hư. Trẻ con Tây được tự do hơn. Nữ sinh trung học có quyền dẫn bạn trai vào phòng ngủ của mình, bố mẹ không được can thiệp. Ở ta, con cái bị cha mẹ cấm đủ thứ. Quả thật, không cấm thì chúng rất dễ hư, làm khổ cha mẹ.

Phương Tây rất chê cách dạy con của phương Đông, cho là không tôn trọng nhân quyền, thiếu nhân tính, chuyên chế áp đặt, tước mất tuổi thơ của lũ trẻ; chúng có thể học giỏi nhưng giỏi thuộc lòng chứ không có sáng tạo. Nhà kinh tế lừng danh Larry Summers (nguyên Bộ trưởng Tài chính thời Tổng thống Clinton, cố vấn kinh tế mấy đời Tổng thống Mỹ) khi tranh luận với Amy Chua có nói: nếu các bà mẹ của Gates và Zuckerberg là Mẹ Hổ thì họ nhất định không cho con trai họ bỏ học ĐH Harvard để lập công ty riêng, và như thế loài người sẽ không có Microsoft và Facebook.

Có người ví trồng người như thể trồng cây. Ở phương Đông, cây được cha mẹ che chắn, chăm bón từ nhỏ, cây lớn nhanh nhưng khi gặp mưa bão sâu bọ thì dễ hỏng. Tại phương Tây, cây mọc trong rừng không được cha mẹ chăm sóc mà phải tự lớn lên, thân cứng cáp, nhưng lớn chậm, có điều khi đã lớn thì rất khó bị mưa bão sâu bọ làm hỏng.

Đúng là Trung Quốc hiện nay đào tạo được nhiều kỹ sư hơn Mỹ, nhưng vẫn chưa hề có giải Nobel nào cả! Nhưng người châu Á không phải không có lý khi bào chữa: thà để con bị mất tuổi thơ còn hơn là để chúng ra đời không có tương lai sáng sủa. Xã hội phương Tây được tổ chức tốt hơn, trật tự, kỷ cương; mọi công dân, nhất là trẻ em, được nhà nước chăm sóc chu đáo, thậm chí được bảo đảm có cuộc sống ổn định từ trong bụng mẹ cho tới khi xuống mồ, cha mẹ già không phải nhờ cậy con. Họ có thể cho con chơi game tùy ý mà con vẫn trưởng thành tốt. Ở ta thì khác. Trẻ lêu lổng lười học thì dễ hư hỏng, vì xã hội có rất nhiều cạm bẫy.

Câu chuyện dạy con của Mẹ Hổ đang tiếp tục được dư luận tranh cãi om xòm. Người Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung sau đây sẽ có thay đổi gì trong cách nhìn nhận phương pháp giáo dục của phương Đông hay không? Điều đó chúng ta hãy chờ xem.

(sưu tầm)


20 comments:

Lana on lúc 11:59 22 tháng 2, 2011 nói...

Cá nhân Lana không ủng hộ chủ nghĩa dạy con kiểu mẹ Hổ này. Lana chấp nhận không hoài bão con sẽ trở thành ông gì bà gì vĩ nhân gì trong tương lai để những đứa trẻ được sống đúng theo tuổi của chúng, được thở không khí, được vui chơi, được nhìn thấy cuộc sống dịu ngọt và màu hồng.

Hoc ke toan tong hop on lúc 12:30 22 tháng 2, 2011 nói...

Thank, bài viết hay!

LU on lúc 12:44 22 tháng 2, 2011 nói...

"Chúng được Mẹ Hổ dạy dỗ kèm cặp từ nhỏ, theo bà nói nay đã “thành tài”: 4 tuổi đọc sách của văn hào Jean Paul Sartre; tất cả các môn học đều đạt thành tích cao nhất; Sophia 14 tuổi độc tấu dương cầm tại Phòng Hòa nhạc thành phố; Louisa là cây vĩ cầm chủ lực của dàn nhạc giao hưởng thiếu niên thành phố;"

Ặc, bà mẹ này đúng là điên. Như vầy đâu có gọi là "thành tài" đâu anh? bà ấy đang huấn luyện cho hai đứa con thành "thợ" thôi mà. Nó đã có thành tích gì siêu phàm đâu mà bà ấy hãnh diện? trẻ con cứ cho học múa tay chân vài năm ra trường thì thành "thợ" đàn thôi, khi nào nó có khả năng sáng tác nổi trội, thành công theo năng khiếu thì mới khoe chứ?
Lên án là đúng rồi, ở Mỹ mà dạy con như dạy tù thì bà này tâm thần, mang nặng bệnh thành tích, thích nghe con mình được khen. Đồng í là cha mẹ ở Mỹ tôn trọng con tự do quá thì chúng nó hư, nhưng mình có thể kết hợp cách dạy nửa tây nửa ta vẫn ok mà.
Ngay cả người lớn, khi sống ở xã hội phương tây cũng cần chắt lọc điều gì hay thì học, đừng thụ động thiếu tự tin theo kiểu Châu Á thì chậm tiến hơn người ta, nhưng Mỹ quá thì hỏng.

Suy nghĩ theo riêng cá nhân của em thôi nhé.

Thần đồng? nếu nó có khả năng thì tốt, ko thì cứ để nó có thể tự lập, sống tốt, can đảm, nói một là một, không tính toán ích kỷ so đo, và có trách nhiệm với việc mình làm là ok.
Nếu em có con, em thích khơi gợi lòng tự tin của đứa trẻ hơn, và em để nó tự quyết định trong sự cố vấn như bạn bè của em. Em tự đặt mình vào lứa tuổi của nó, sống và cùng học theo nó theo nó như thế đến khi nó lớn.
Em ko thích lấy quyền cha mẹ ra áp đặt phải thế này thế kia. Em chỉ thích quan sát tìm hiểu xem đứa trẻ đó mặt mạnh là gì? và nó bị giới hạn ở điểm yếu nào? để em có thể giúp nó vượt qua thôi.

L2C on lúc 13:01 22 tháng 2, 2011 nói...

Rất gật gù cái đoạn "xã hội phương Tây được tổ chức...". Mà sao bà này ở Mỹ mà cứ đào tạo con như để sinh tồn ở VN thế cho khổ ra.

Với những người biết mình ước mơ muộn thì vào lò luyện của bà mẹ Hổ này ổn, vì đến lúc biết ước mơ thì đã thành sản phẩm ra lò béng rồi.

Còn với những người sớm có mơ ước riêng, và lỡ không trùng với ước mơ của bà mẹ Hổ thì quả là thảm họa. Em biết có trường hợp con thích học Sư phạm bị ép học trường Dược mà bị điên rồi.

ANH on lúc 13:09 22 tháng 2, 2011 nói...

Like this.

Đặc biệt là câu: Cách dạy con của phương Đông và phương Tây đều có những mặt mạnh và yếu, không thể đơn giản thay thế nhau.

Hình trên có phải mẹ con nhà Hổ không ạ?

Titi on lúc 14:05 22 tháng 2, 2011 nói...

É, bà này làm em liên tưởng đến những nhà nuôi dạy thú trong rạp xiếc. Đúng là trẻ con sẽ học được rất nhiều nếu chúng tập trung, nhưng cuộc sống đâu chỉ có 1, 2 công việc cần thành thạo? và cuộc sống của người đứng đầu chưa chắc hạnh phúc hơn người đứng thứ 2. Thậm chí, hình như chưa thấy ai thống kê là những người hạnh phúc là những người thường xuyên đứng đầu các môn học.
Riêng với em, hồi còn ngồi ghế nhà trường thường xuyên đứng đầu lớp nhưng nhìn lại, em rất sợ thời gian đó. Bởi em học mà hong hứng thú tí nào sất, lúc nào cũng chỉ nhăm nhăm thuộc bài để đạt điểm cao mà hong biết tí tẹo gì về cuộc sống xung quanh. Mãi đến khi ra trường, tự do quyết định hướng đi của mình em mới thấy nhẹ nhõm. Cho đến giờ, em rất sợ con em bị ép học, ép điểm một cách mù quáng. LÀm cách nào để con thích học, giữ gìn hứng thú khám phá thế giới cho con, thể nào bé cũng tiếp thu tốt.
Điểm số chỉ là đánh giá tạm thời, quan trọng là những kiến thức hàng ngày bé thể hiện và cha mẹ có đủ khả năng định vị những giá trị mà các thiên thần của chúng ta nên hướng đến.
Nhưng mỗi gia đình sẽ có những thiên thần khác nhau lắm. Có thể, gia đình bà Hổ này có những đứa con thích hợp với kiểu đào tạo thợ lành nghề thì sao. Ha ha...

Thuy Dam Minh on lúc 15:30 22 tháng 2, 2011 nói...

Nói thật là anh không ủng hộ việc dạy con như thế này. Chỉ mỗi điều đầu tiên là anh ủng hộ thôi, tức là không qua đêm ở nơi không phải là nhà mình.

Mẹ Cua và Bống on lúc 17:25 22 tháng 2, 2011 nói...

huhu, hình như em là mẹ Rồng bay lượn nhiều nên có cùng quan điểm dạy con với chị Lana rồi. Em muốn các con có một tuổi thơ đúng nghĩa, được chơi, được đọc sách thiếu nhi, được xem phim hoạt hình và lâu lâu...đi chơi theo mẹ ^^

VMC on lúc 18:16 23 tháng 2, 2011 nói...

@Lana:
Đấy là sự khác biệt căn bản trong quan điểm của Lana với Amy Chua.

@HKTTH:
Cám ơn bạn đã theo dõi blog này.

VMC on lúc 18:19 23 tháng 2, 2011 nói...

@LU:
Chắc bà ấy muốn con bà ấy sau này phải trở nên xuất chúng như vợ chồng bà ấy. Liên minh TQ-Do Thái này đều là giáo sư của ĐH Yale mà.

@L2C:
Sang đến Mỹ rồi mà vẫn không bỏ được gánh nặng châu Á nhỉ?

VMC on lúc 18:20 23 tháng 2, 2011 nói...

@ANH:
Đúng là hình gia đình họ đấy.

@Titi:
Gia đình bà ấy có truyền thống làm giáo sư trường Yale.

VMC on lúc 18:22 23 tháng 2, 2011 nói...

@A Thụy:
Điều đấy áp dụng với con trai thì không được hợp lý cho lắm.

@MCVB:
Được sưu tập giày đỏ nữa.

Titi on lúc 21:53 23 tháng 2, 2011 nói...

giáo sư trường Yale mà hong cho con được xem phim và làm những gì chúng thích thì cũng vẫn hong phải cha mẹ tốt :-D

LU on lúc 22:14 23 tháng 2, 2011 nói...

anh Cường : giáo sư đại học ở Mỹ thì cả trăm cả triệu, ai cũng như ai, cũng đi kiếm cơm thôi. Con ông bà ấy sau này cũng sẽ lọt thỏm vào cái số đó.
Ngoại trừ, nếu bà ấy có tài tạo ra một Biu-Gết thứ nhì, thì sách dạy con của bà điên này mới mong bán chạy. ;))

Bominus5 on lúc 23:53 23 tháng 2, 2011 nói...

mình nghĩ chưa chắc bà mẹ ấy nghiêm khắc với con như trong sách viết đâu. Có khi là phương pháp tâm lý để làm dấy lên bàn thảo trong dư luận.

Những gì gây sốc thường làm người ta chú ý và suy nghĩ nghiêm túc hơn.
Cần dung hòa cả hai phương pháp của phương Đông và phương Tây mới tốt

Dung on lúc 19:39 24 tháng 2, 2011 nói...

Những gì mẹ Hổ viết ra giống như một cuốn sách miêu tả cách rèn luyện một con người chứ không giống dạy dỗ một đứa con lắm. Em nghĩ đẻ ra , cho ăn, cho nó điều kiện thì dễ, nhưng dạy nó hiểu được giá trị cuộc sống và yêu thương ,cách cư xử trong xã hỗi thì ko thể chỉ bằng những kiểu cấm này cấm nọ được.
Nhưng phải công nhận là người TQ vẫn giỏi tẩy não, sống trong xã hội Mỹ mà con gái của bà ấy không phát điên lên với cách dạy của mẹ , mà lại vẫn yêu và tôn trọng thì hay đấy chứ. Không hiểu cuộc sống của mấy cô con gái sau này thế nào, những gì mà người mẹ cho là tốt có mang lại hạnh phúc cho họ hay ko

Nặc danh nói...

Mẹ Hổ chỉ chia sẻ phương pháp của mình (kèm theo bình luận là bà ấy thấy tốt nhất). Các nguyên tắc bà ấy đặt ra theo bà ấy là phù hợp với con bà ấy + hoàn cảnh gia đình bà ấy. Con nhà khác không nhất thiết phải theo. Tôi ủng hộ quan điểm của bà ấy: bố mẹ phải đặt ra nguyên tắc + thực hiện các nguyên tắc ấy một cách nhất quán khi dạy con.

Tôi không phải là một phụ huynh giàu tham vọng với con mình. Nhưng tôi đồng ý, nên tạo áp lực, nên gieo rắc hoài bão cho con thay vì cho con sống hoàn toàn thoải mái theo ý mà chúng thích (nhưng cũng nên sử dụng chút tiểu xảo để trẻ con tưởng là chúng đang được khá thoải mái theo ý của mình).

Mẹ Hổ có vẻ hơi hà khắc. Nhưng đó cũng là một thể hiện cho ý chí của người Trung Quốc. Tôi cũng thích người Việt mình có ý chí đó, thay vì học đòi một cách thiếu lựa chọn cách dạy con của người phương Tây.

Có một nguyên tắc của mẹ Hổ tôi rất thích: Không cho trẻ xem TV và chơi game. Tôi đã từng đọc được lời khuyến cáo này (của các nhà nghiên cứu phương Tây nha): Nếu bạn cho con bạn ngồi trước TV một tiếng, bạn đã tước mất của con bạn một tiếng được sống cuộc đời thực. Thực ra tôi cũng cho con tôi xem TV, nhưng hy hữu, đủ để nó thấy xem TV là thú vị, là nỗi ước ao, chứ không phải xem TV để giết thời gian, vì không có việc gì làm! (Nói lạc đề: nhiều người rất thích thoả mãn ngay lập tức mọi mong ước của trẻ con, theo tôi điều đó giết chết những cảm xúc lành mạnh của trẻ. Nên để trẻ rất mong đợi một điều gì đó, dù chỉ là một điều nhỏ nhặt như được sở hữu một cái vòng tay giá chỉ vài nghìn đồng).

Nghệ Nghệ

Nghệ Nghệ

Nặc danh nói...

Về quan điểm dạy con, xin phép anh VMC cho tôi giới thiệu bài phỏng vấn GS Ngô Bảo Châu trên báo TP số Tết, vì tôi rất thích các quan điểm của GS Ngô Bảo Châu thể hiện trong bài đó. Đoạn này tôi thấy GS nhận xét rất đúng thực tế ở VN (không chỉ trong các gia đình mà còn trong cả nhà trường):

"Nhiều người thích làm cách mạng giáo dục, cứ bắt thầy với trò là bạn, bố với con là bạn. Cái này thì cực kỳ sai lầm. Vì thực ra trò cần mình làm thầy nó, chứ không cần mình làm bạn. Con cần mình làm bố nó, chứ không cần làm bạn. Làm bạn có thể là vui hơn, nhưng trẻ con sẽ bị thiệt thòi.

Làm thầy, làm bố, theo anh, không đồng nghĩa với làm độc tài, mà là có ý thức một số ranh giới mà không thể để trẻ vượt qua vì nó có thể nguy hiểm cho thể xác hoặc cho sự phát triển của tâm hồn. Trẻ sẽ không giận nếu trong một số việc mình quyết định thay cho nó, mà có khi không giải thích được cặn kẽ. Chỉ có điều quyết định của mình phải nhất quán, không tùy tiện, nay thế này mai thế khác."

http://www.tienphong.vn/Khoa-Giao/526849/Mot-phu-huynh-ten-Chau.html

Nghệ Nghệ

NLVD nói...

Dạo này em có hân hạnh được training bởi một bà giáo sư người Mỹ gốc Trung Quốc. Bà ấy làm em nhớ đến bà Chua này cũng như bà Chua làm em nhớ đến bà ấy; dưới sự làm việc nhiệt tình của bà ấy hôm nay một điều phối viên của dự án đã nhập viện vì phình mạch máu não không biết sống chết thế nào. Không biết bao giờ thì đến lượt lũ lừa bọn em...

Nặc danh nói...

KHi đọc cuốn sách này rồi thì mới thấy Amy đã hy sinh vì con nhiều như thế nào, và thực sự đây là một bà mẹ thông thái, đáng nể và yêu con vô cùng, vì thế nên con cái của cô ấy mới không "phát điên" mà vẫn phát triển hoàn thiện.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết