27/2/11

NGÀY 27.2: AI NHỚ AI QUÊN?



Một buổi tối, tôi nhận được điện thoại của bác sĩ V. Ông từng là trưởng khoa cấp cứu của một bệnh viện lớn tại TP.HCM. Ông hỏi tôi có còn nhớ ông không? Tôi bảo vẫn nhớ và nhớ rất rõ, khoảng 20 năm trước có lần tôi đến gặp ông để viết về tấm lòng của thầy thuốc trong khoa khi bệnh viện ông triển khai chữa miễn phí cho người nghèo. Nhưng sao giọng ông nghe run run, tiếng đặng, tiếng mất?

Ông bảo: Thầy đã bị tai biến mạch máu não, gục ngay trong bệnh viện, chẳng làm được gì nữa, cũng chẳng lương hưu, hoàn cảnh càng khó khăn, phải bán nhà ở chung cư về cất căn nhà nhỏ tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Nhưng khổ nhất là cả khu vực này không có nước máy. Nỗi sợ hãi vì phải sử dụng nước giếng ô nhiễm luôn đè nặng trong ông. Ông cùng bà con đã làm đơn kêu cứu khắp nơi cả chục năm qua, mỏi mòn chờ đợi, nhưng vẫn không có kết quả…

Cũng một buổi tối, tôi nhận được tin bác sĩ N.M.H. bị đột tử trong đêm sau cơn nhồi máu cơ tim. Tôi bàng hoàng, đau xót. Lẽ nào… mình nghe nhầm chăng? Vì bác sĩ H. mới vừa giới thiệu với tôi một ca thành công ngoạn mục trong cứu chữa cho một bệnh nhân nam 13 năm không ăn uống được bằng đường miệng do uống nhầm axít, bỏng cả thực quản, dạ dày và viêm dính gần hết. Bức ảnh tôi chụp vợ chồng bệnh nhân mỉm cười trong hạnh phúc vẫn còn đây – vì từ nay bệnh nhân ăn được bằng đường miệng, không phải tốn kém, vất vả chạy chữa khắp nơi từ Nam chí Bắc.

Vậy đó, có những thầy thuốc tận tuỵ, hy sinh để cứu chữa rất nhiều người bệnh cho đến những giây phút nghiệt ngã của cuộc đời mình, và thật âm thầm, lặng lẽ để lại những tình cảm sâu lắng trong lòng bạn bè, đồng nghiệp, người bệnh… Lại đến ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2.2011, người bệnh có ai còn nhớ, ai quên? Một chút lắng đọng nhớ đến người thầy thuốc đã giúp mình vượt qua cơn bệnh tật, cũng là một nghĩa cử ấm lòng.

Đã 56 năm ngành y có một ngày 27.2 để nhắc tới các thế hệ thầy thuốc không ngừng cống hiến cho y học, thương yêu người bệnh. Có người đang miệt mài nghiên cứu phương pháp điều trị mới, có người vẫn bám trụ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Có người nay đã nghỉ hưu, có người đã mất. Có người có cuộc sống thênh thang, nhưng cũng có người đang đau khổ với bệnh tật, đời sống khó khăn… Ngành y đã nói rất nhiều về phát huy nhân tố con người, về nâng cao y đức. Chúng ta đã từng hỏi làm thế nào để người nghèo được chăm sóc y tế tốt hơn, thì cũng mong rằng các thầy thuốc sẽ có điều kiện để được cống hiến tốt hơn. Và hơn ai hết, những thầy thuốc có số phận không may cũng được nhớ đến và quan tâm giúp đỡ nhiều hơn!

Kim Sơn

Nguồn:
Ngày 27.2: ai nhớ ai quên?


1 comments:

Titi on lúc 23:35 27 tháng 2, 2011 nói...

Chúc mừng các lương y Việt nam!

Học y vô cùng vất vả, lại thường xuyên tiếp xúc môi trường bệnh tật ô nhiễm và căng thẳng :-(

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết