11/11/09

BÀI VIẾT VỀ ĐÔNG BERLIN TỪ 14 NĂM TRƯỚC



Tháng 4.1995, tôi đến thăm nước Đức lần đầu tiên. Và đây là bài viết từ chuyến đi ấy...

ĐÔNG BERLIN SAU 2200 NGÀY

Người ta bảo tôi, bộ mặt của Berlin-không-tường-ngăn hầu như không khác trước. Tôi đến Berlin lần đầu nên không thể có được bất cứ một so sánh nào. Nhưng thể theo những gì tận mắt trông thấy, thì quả đúng là vẫn còn tồn tại hai Berlin. Một Berlin tươi tắn và trẻ trung, tấp nập và sôi động, hài hoà và nhẹ nhõm về đường nét kiến trúc - đó là Tây Berlin. Một Berlin khiêm nhường, thâm trầm, vắng vẻ cũng với những ngôi nhà vuông thành sắc cạnh trông có vẻ lành lạnh - ấy là Đông Berlin.


Lúc tôi đến Berlin, Bức tường lịch sử chia cắt nước Đức trong vòng 28 năm đã sụp đổ được gần 6 năm rồi. Người Đức đang tưng bừng chuẩn bị kỷ niệm 5 năm ngày thống nhất đất nước của mình. 5 năm - khoảng thời gian ấy thật là nhanh.

Còn nhớ, lúc những chàng trai, cô gái của Đông và Tây Berlin hò reo đập phá Bức tường, tôi đang cùng với Thomas - một anh bạn người Đức quen từ hồi còn đi học ở Liên Xô ngồi uống càphê ở một quán nhỏ giữa lòng Hà Nội hồi đó vẫn rất còn yên tĩnh.
Tôi hỏi cảm giác của Thomas thế nào, vui hay buồn.

Thomas bảo: "Cậu biết không, chính tớ cũng chẳng biết nữa. Có vẻ như mọi thứ đều sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng nếu cậu đã đi xem bói một lần, dù biết trước là số phận tuyệt vời đang đón đợi cậu, thì cậu cũng không hẳn cảm thấy yên lòng. Tớ đang ở trong cảm giác ấy... Có một điều tớ biết đích xác được rằng, nếu sắp tới cậu sang Đức, tớ đã có thể dẫn cậu đi tất cả mọi nơi và giới thiệu cả nước Đức cho cậu..."


Còn bây giờ gần 6 năm đã trôi qua. Thời gian hầu như chưa làm được gì cả, loại trừ việc các mảnh vỡ của Bức tường đã được dọn sạch, đem bảo quản ở một nơi nào đó. Những mảnh vỡ đó được cắt thành những mảnh rất nhỏ, được đóng dấu của Toà Thị chính Berlin bảo đảm là tường thật, được đặt vào một chiếc hộp nhựa trong suốt, xinh xắn rồi đem bán dần cho các du khách ngoại quốc như một cách tạo thêm việc làm cho những người Di Gan hay những tay buôn bán cò con gốc Thổ Nhĩ Kỳ.


THẤT NGHIỆP TRÀN LAN

Tôi đến Toà Thị chính Berlin vào đầu ngày làm việc. Tiếp tôi là ông Eduard Heussen - người phát ngôn của Thị trưởng. Ông Heussen chưa kịp ăn sáng, nên cùng uống càphê với vị khách đến từ Việt Nam rất tự nhiên, không tỏ vẻ kiểu cách gì. Chưa mãn tuần càphê, dường như hiểu được những gì tôi nghĩ, ông Heussen bảo: "Chúng tôi đang cố gắng để có được một Berlin bình thường".


Từ ông dùng nghe mà thấy lạ, chẳng lẽ Berlin hiện nay là không bình thường? Rồi ông tiếp: "Thực sự chúng tôi chẳng có thời giờ để nghĩ xem chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ. Chúng tôi đã rất nỗ lực trong hơn 5 năm qua. Cuộc sống ở bên Đông đã khá hơn rất nhiều, nhưng sao biến đổi một cơ chế khó quá thế?!!"


Có thể kể ngay ra một trong những vấn đề nan giải nhất hiện nay là nạn thất nghiệp. Một loạt nhà máy, xí nghiệp công nghiệp của CHDC Đức, do sản phẩm không còn đáp ứng nhu cầu thị trường của nước Đức mới, khiến hàng loạt công nhân mất việc làm.
Ông W.A. Hausle, một quan chức cao cấp của Bộ Kinh tế Liên bang, làm việc tại văn phòng Berlin cho biết nước CHDC Đức cũ đã bị mất 2 triệu chỗ làm việc. Ông nói: "Chúng tôi cho rằng không cần thiết phải xây dựng thêm những nhà máy công nghiệp ở Đông Đức nữa, bởi vì hàng hoá do các nhà máy bên Tây làm ra cũng đủ dùng cho cả nước Đức rồi".

Ông cho biết năm 1994, tỷ trọng công nghiệp trong kinh tế quốc dân ở Đông Đức là 60%, còn ở Tây Đức là 40%, tính chung cả nước Đức con số đó là 50%. "Như thế là quá nhiều, chúng tôi phấn đấu trong năm nay phải giảm tỷ trọng đó xuống còn 40% trên toàn nước Đức" - ông Hausle nói.


Như vậy có nghĩa là nền công nghiệp Đông Đức tiếp tục bị cắt giảm thêm 20% nữa, có nghĩa là những chỗ làm tiếp tục bị mất đi, dòng người thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng lên. Hỏi hỏi ông Hausle người ta làm gì để bù vào chỗ 20% đó. Ông cho biết nước Đức muốn phát triển các ngành dịch vụ. Nhưng ông cũng phải thừa nhận rằng đó là một nghịch lý: Các dịch vụ không thể phát triển được, vì đơn giản là dân chúng không có tiền; tiền chỉ có được khi có một nền kinh tế phát triển mà thôi. Những người thất nghiệp không thể ăn chơi xả láng như những người thừa tiền được.


Ở trụ sở Liên hiệp Công đoàn Đức (Deutscher Gewerkschaftsbund - DGB), ông Dieter Pienkny - người phụ trách báo chí lại nêu ra một con số bi quan hơn: 3 triệu người bị thất nghiệp (những nhà hoạt động công đoàn có thể đi sâu đi sát người lao động hơn, nên có thống kê chính xác hơn). Ông nói, như vậy Công đoàn và Chính phủ đang phải phối hợp cùng lo đào tạo lại nghề cho 3 triệu người đó.

Những phương cách để giải quyết việc làm cho người thất nghiệp, theo ông Pienkny, là khá nửa vời. Tạo ra những chỗ làm hoàn toàn mới là việc không thể được. Năm 1985, người Đức làm việc 40 giờ/tuần. Năm 1995, người Đức làm việc 38 giờ/tuần. Công đoàn đã đấu tranh để cắt giảm số giờ làm việc đó. Và thế là một mũi tên bắn trúng nhiều đích: nghiễm nhiên giới chủ cần thuê thêm 1 triệu người làm việc bù vào. Ông Pienkny nói: "Chúng tôi phấn đấu để chỉ còn phải làm việc 35 giờ /tuần. Hy vọng sẽ có khoảng 1,5 triệu người nữa tìm được việc làm."

Công nhân thất nghiệp đã đành, giới trí thức DDR cũ cũng chịu chung cảnh ngộ. Ông Heussen nói, giới trí thức Đông Đức có mức sống thấp hơn trước khá nhiều. Hệ tư tưởng mới dẫn đến việc thay đổi hệ thống giáo dục và hệ thống bằng cấp. 33% giáo sư theo tư tưởng của chủ nghĩa Mác đã bị mất việc, trong đó 67% là những giáo sư thuộc các ngành khoa học nhân văn.
Không một ai trong số những chánh án cũ còn được ngồi trên vị trí giữ vai trò cầm cán cân công lý trong nước Đức mới.

"Đó thực sự là một tấn bi kịch trong ngành hành pháp và toà án của Đông Đức", ông Heussen nhận xét. Tuy nhiên, các thầy cãi (luật sư) lại ném không hết việc. Rối ren thời cuộc khiến Đông Đức nảy sinh quá nhiều vụ tranh chấp và giới luật sư kiếm bội tiền nhờ sự rối ren đó...

(còn tiếp)


Ghi chú: Bài đăng trên báo Lao Động số 139, ngày 19.11.1995




5 comments:

LU on lúc 19:23 11 tháng 11, 2009 nói...

Thế bây giờ sau 14 năm đông và tây đã hòa nhập ổn chưa anh? tư bản và xã hội chủ nghĩa khi trộn lẫn vào nhau thì bao giờ cái thế mạnh kinh tế và tính thực tế của tư bản bao giờ cũng lấn áp tính mang nặng lý thuyết của xã hội chủ nghĩa. Đông tây hòa nhập này cũng hơi giống như một bên trẻ trung năng động làm việc chung với một bên bảo thủ và trì trệ. Có bao giờ có được một đất nước hay một con người mà hai cá tính trái ngược có thể cùng sống chung với nhau hài hòa ko anh? thuộc dạng giống như tân cổ giao duyên ấy, giống như người ta hay nói câu, "ngẩu hứng mà không phá cách" ấy. Nếu có thể có được như thế thì đó là một đất nước hay một con người gần như đi tới hoàn hảo rồi.

vutd on lúc 09:19 12 tháng 11, 2009 nói...

Em thích đọc bài viết này. Có thể em thích cách viết trong quá khứ của anh hơn(em cũng chỉ mới đọc mỗi bài này). Không hiểu cách viết đó do ngoại cảnh lúc đó, hay do con người anh lúc đó. Có thể là cả hai.

Có lẽ chỉ do cảm nhận riêng cá nhân em, nhưng cảm nhận cũng có thể comment ra mà, phải không anh?

Lan Lan on lúc 09:29 12 tháng 11, 2009 nói...

Em thích bài này, giá có thêm "like" như trong FB thì tốt. Have a nice day

vutd on lúc 10:49 12 tháng 11, 2009 nói...

@Nguyen Thi: Tất nhiên là có nút đó đấy anh ạ, chỉ có điều nó không nằm ngay trên blog VMC mà thôi. Có nút bầu chọn cho bài viết hay, bài viết hot, blogspot hay, tất cả trong dự án các bảng xếp hạng blogspot của www.vietutd.com.

Với bài viết này của anh VMC, anh có thể xem thử liên kết này:

http://www.vietutd.com/?mn=8&url=http%3A%2F%2Fvmcinhanoi.blogspot.com%2F&label=&num=801

VMC on lúc 11:32 12 tháng 11, 2009 nói...

@Lu: Chắc là chưa.
@Vietutd, Nguyễn Thi: Cám ơn các em.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết